Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Biết xấu hổ thì không thua thiệt

Nguyễn Hoàng Đức

“Tri túc bất nhục, tri sỉ bất đãi” – có nghĩa là: Hiểu biết thì không bị nhục, biết xấu hổ thì không bị ngược đãi. Để hiểu điều này cách giản dị, hãy nghe một lời khuyên của Kinh Phúc Âm: nếu ngươi vào hội đường hãy tìm chỗ ngồi bên dưới, khi đáng được ngồi trên người ta sẽ mời ngươi lên, chẳng phải hân hạnh sao?! Trái lại nếu ngươi không xứng lại ngồi chót vót hàng đầu, bị người ta mời xuống chẳng phải nhục nhằn sao?!
Làm người bị khinh ghét bậc nhất là hai hạng: 1-vô lại, 2- vô sỉ.
“Vô lại” là thứ người thấp cổ bé họng nhạt nhẽo chẳng cần phải để ý hay gặp lại. Loại này có cũng như không, cùng lắm là thứ giá áo túi cơm, thêm bát thêm đũa. Người Việt có câu “Thế gian chuộng của chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”, có nghĩa là người có của có công với mọi người sẽ được ghi nhớ, và cũng là người hữu ích cho người khác. Người phương Tây có phương ngôn “Kẻ nào chỉ vì mình sẽ thừa ra với người khác”. “Vô lại” – vì thế cũng là thứ vô tích sự, vô thưởng, vô phạt, nhờ nhờ, có cũng chẳng thêm gì, bớt cũng chẳng mất gì, thứ đó chỉ là đại diện vô hồn cho con số – tức sĩ số bát ăn.
“Vô sỉ” – thì là thứ đồi bại hơn thuộc phẩm chất tâm hồn, theo người Trung Quốc sỉ vả thì: vô sỉ – tức không biết xấu hổ thì là thứ không xứng đáng làm người, và tất cả tội lỗi trên đời đều bắt nguồn từ hai chữ “vô sỉ” này.
Nạn ăn cắp, dối trá, gian manh, lèo lá, phét lác, vô trách nhiệm, khôn ranh -ma lanh-ma xó-ma bùn ở Việt Nam thật đang ở mức trầm trọng, thậm chí có tác giả đang bàn, người Việt có kiểu chào chính thức nào chưa… nghe thật buồn!
Trung Quốc là một đại cường quốc dân số, vậy mà Lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã chỉ bảo cả cách vệ sinh răng miệng, không nên nhổ bậy, rồi thải trung tiện ở chỗ đông người, rồi nạn ăn cắp vô tâm như cắt một mẩu da thuộc dây tải máy làm cả cỗ máy và dây chuyền giá vạn bạc nằm đắp chiếu…
Nạn ăn cắp của Việt Nam thì sao? Thôi thì ăn cắp cả dép để ngoài cửa, ăn cắp cả đường dây điện và điện thoại, ăn cắp nguyên liệu khiến cầu sập chết cả mấy chục mạng người, tháo cả đinh ốc cầu khiến cho nhiều người bị đặt vào tai nạn chết chóc, và ngay cả các thành phố lớn, kẻ cắp ngang nhiên ăn cắp những nắp cống, biến mặt đường thành bẫy giết người… vậy mà vô số kẻ vẫn nhởn nhơ cười bảo rằng “chưa có gì”. Chưa có gì ư? Nhiều nước họ yết bằng tiếng Việt nhắn nhủ thẳng cho người Việt chớ dại mà ăn cắp. Ăn cắp đến độ cả phóng viên truyền hình giầu nứt đố đổ vách cũng giở trò chôm xoáy, và chỉ có một nhúm người Việt sang nước Nhật mà đã lập kỷ lục thế giới với tên tuổi số liệu rõ ràng: 40% các vụ ăn trộm ở Nhật là của người Việt. Còn cả nước Nhật với phần còn lại của thế giới chỉ có 60% thôi.
Thụy Điển đã từng đặt camera theo dõi công nhân Việt Nam, và thấy cảnh ăn cắp diễn ra thường trực đến mức họ đã lấy đó làm ra một bộ phim tài liệu có tên “không thể cộng tác với Việt Nam”. Ở Việt Nam, ngay các quán cơm bụi ngày nay không hiếm gặp cảnh, người làm công khoe mẽ mình ăn cắp vật liệu như thể “chiến tích anh hùng, bố mày chẳng sợ ai”.
Ăn cắp xảy ra dễ dàng đại trà tại Việt Nam bởi một lý do nó không bị kết án cách quyết liệt, người ta nhờn với nó, và tất yếu như Hoàng đế Napoleon nói “Quá khoan dung với tội lỗi là đồng tình với tội lỗi”. Có lẽ rất nhiều người Việt nhìn thấy bóng dáng những ăn cắp kia hình ảnh tương tự của mình, chính thế mà người ta muốn xuê xoa với nó. Chẳng phải người Việt có câu “dễ người dễ ta, khó người khó ta” sao?!
Mới đây cũng chính vì các vụ ăn cắp ở Nhật bị phanh phui mà ông Giám đốc Hàng không Việt Nam mới phải ra lệnh: cấm các nhân viên phục vụ chuyến bay mang theo va ly lớn, mà chỉ được mang theo túi bé. Như vậy có phải là: không biết xấu hổ cho nên bị ngược đãi?!
Nhớ lại, đã có không ít người cảnh tỉnh tính xấu của người Việt, chẳng hạn như các cô dâu Việt sang Hàn Quốc xả rác lung tung… liền nghe có người biện hộ, con cháu tôi sang Hàn, người ta yêu lắm, dịu dàng ngăn nắp. Hay nguyên Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt nói “Ra nước ngoài tôi xấu hổ khi cầm hộ chiếu là người Việt…” đã bị một phong trào ào ào xỉa xói phản đối, cho đó là nhục quốc thể, người ta đã quên một câu phương ngôn của người Việt rằng “Anh em khinh trước làng nước khinh sau”. Anh em trong nhà không học chữ sỉ với nhau, thì sẽ chuốc lấy cái ngày bị nhục, như số liệu 40% của Nhật công bố những vụ trộm cắp của người Việt có tên tuổi đàng hoàng. Rồi mới đây, một quan chức trong ngành giao thông ở Việt Nam lại phải cắp cặp sang Nhật để hỏi về số liệu vụ tham nhũng đường sắt… thật đúng là: vô tri sỉ thì bị ngược đãi.
Ở đời ai chẳng muốn được tôn trọng. Nhưng để nâng mình lên trước hết người ta phải biết cúi xuống tẩy uế chính bản thân mình, biết xấu hổ, biết tri sỉ chính bản thân, thì rồi mới có thể bước ra cuộc đời thanh cao được. Đằng này vừa nói đến tật xấu đã giãy như đỉa phải vôi thì làm sao có thể rèn rũa tính tri sỉ cho mình. Đấy cũng là cách “thân lừa ưa nặng”. Khi người ta cảnh tỉnh thì không muốn nghe, để đến mức phải xin hồ sơ điên xin cho con khỏi tội ăn cắp, các nước dùng tiếng Việt chỉ đích thị vào dân Việt ăn cắp, rồi Nhật Bản nêu số liệu có danh sách người và vụ việc không thể chối cãi…
Một con người trở nên cao đẹp thì không thể tự nhiên mà người ta phải khổ luyện đào thải mình, chính thế mà mới gọi là ngành giáo dục, tức giáo hóa dục vọng của mình, như có công mài sắt có ngày nên kim. Còn con người muốn để nguyên mọi thói hư nết xấu của mình ư, như vậy có gì cao trọng đặc biệt để mà khoe? Nhà mình không trộm cắp ư? Đó mới là cái tốt tối thiểu vì không vi phạm luật hình sự thôi, vậy còn cái tốt tối đa như lên Bắc cực cứu cá voi, hay vào trại hủi Qui Nhơn để chia sẻ bệnh tật với người cùi… bao giờ thì người tốt bình thường làm được?! Một nhúm người thật thà ư, cái tốt nhỏ đó đã xây lên được một nước Việt Nam hùng cường vạm vỡ cao chót vót về đức lý chưa? Chưa đâu! Vậy thì đừng đem vài cái tốt nhỏ như trò chơi của đám trẻ con “pháo nổ phao nang cả làng chịu chưa”, sau khi pháo đất nổ, liền đập dẹt một mẩu đất sét nhỏ của mình dán lên miếng vỡ toang hoác của pháo đất…
Dân tộc Việt Nam đã ngót trăm triệu người, hiển nhiên là cường quốc về dân số, tại sao chúng ta lại không hy vọng chúng ta sẽ trở nên cường quốc về mọi mặt. Muốn có cường quốc đó thì không thể không có cố gắng đặc biệt. Vậy thì trước mắt, khi bị bàn đến những biến cải thói xấu chớ xù mình lên như một con nhím bị trọng thương, mà hãy như con voi dẫu có bị tắm bằng bàn chải sắt vẫn cảm thấy khoan khái nhẹ nhàng.
NHĐ 01/04/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog