Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Facebook

Bạn bè hay diễu đùa tôi thuộc vào loại "hi-tech" ý là nói hỏi mấy cái chuyện linh tinh vớ vẩn trên net thì tôi cũng có thể làm vớ vẩn được, thế nhưng mỗi chuyện social networking như Twitter, Facebook, MySpace hay chi chi đó thì tôi .. mù tịt, chả là vì tôi vốn nhát nên gõ tới blog là đã quá ... mạng rồi :-). Do đó lâu lâu có bạn hay cháu chắt mời gọi tham gia Facebook thì tôi lại lắc đầu chào thua, không phải tôi không biết đường vào Facebook vì tôi còn từng đăng ký dùm cho người khác cơ mà, nhưng cho tôi thì "no way". Hôm nay đọc bài sau thì lo lo cho mấy cô bạn xử dụng Facebook ở VN chắc là rầu rĩ lắm đây.  

Thôi ráng nhé, hay là tham gia vào cuộc biểu tình mạng để đòi hỏi Facebook, mong là họ sẽ dành lại Facebook cho VN, chứ riêng tôi thì ngày vào Facebook chắc chờ về hưu vậy, thêm một "project" cho ngày hưu.  Ghi danh cho chính mình một Facebook để tìm các cụ ông cụ bà bạn học. Mong là  ngày ấy họ chưa chuyển sang một mạng xã hội khác, heaven knows!!!.

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Cánh thiệp cuối năm

Cánh thiệp cuối năm

Khi bạn đứng tần ngần trước một quầy hàng bầy thiệp giáng sinh, và tất cả đều đã “off” từ bốn đến sáu chục phần trăm thì mọi chuyện (kể như) đã lỡ. Chúng ta lại chậm trễ mất rồi.
Năm ngoái, cũng vào khoảng thời gian này đây. Nghĩa là cái lúc mà Noel đã đến sát tận lưng, và tết Dương Lịch đang lù lù trước mặt thì (không dưng) bạn nhận được dăm ba cánh thiệp muộn màng.
Thiệp có đặc tính chung là thường chuyên chở một thứ nội dung làm sẵn, và hoàn toàn đã nhẵn – đại loại như:”…một mùa giáng sinh tràn đầy ân sủng Chúa và một năm mới tràn đầy hạnh phúc.” Ân sủng Chúa, nếu có, e cũng khó mà có thể phân phát tùm lum cho toàn thể nhân loại được.
Chúng ta đông quá, và mỗi lúc một thêm đông. Sức Chúa, cũng như sức người, có hạn thôi chớ bộ.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Tình sử Bùi Giáng

Nghệ sĩ Kim Cương đã nói khi ông Bùi Giáng mất "...Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống".  

Tuổi 70

Đầu tuần có người phụ nữ gọi từ VN cho tôi, bà hỏi tôi bao nhiêu tuổi, bà nói bà xem hình tôi trông trẻ quá, và nói tuổi bà bảo tôi còn nhỏ quá :-), bà so với bà đã gần 70. Thế nhưng bà cứ một hai gọi tôi bằng chị, làm tôi cứ ớ ra không biết gọi bà bằng gì, lúc thì gọi bà bằng bà sau lại gọi bằng chị, đúng là tôi còn con nít quá, chưa biết cư xử ở đời ra sao cho đúng.  Nếu trẻ là trẻ như thế chứ nhìn mặt mũi không nhìn hình thì bà sẽ không còn khen như thế nữa. Cho nên năm 2011, có ai khen trẻ thì đừng xuất đầu lộ diện kẻo làm buồn lòng người ....khen:-)

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Dở hơi

Bạn gọi mắng cho là "dở hơi" lúc thì mở blog lúc thì đóng, lúc thì mở he hé. hihi, mệt quá đi mất thôi, đã nói mòn cả cổ là tôi nào có ý tưởng gì hay ho hay là muốn viết cho ai đọc đâu, chẳng qua là vì "ngây thơ vô số tội" nghe lời bạn xúi mà mở blog cho bạn mà chả ai tham gia đành đưa mấy chữ quèn của mình ra "bôi" lên blog, rồi tới lúc mệt quá thì muốn đóng, dự định có thì giờ đi học lại, hay làm công việc gì khác có ích cho đời hơn là gõ linh tinh như tớ,

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Lời chúc cuối... năm

Tự nhiên sáng nay ngồi nhớ thủa xưa, cuối thập niên 80 đầu 90 có chương trình TV "Where in the World Is Carmen Sandiego" rất thú vị cho trẻ con học địa lý, vì thời ấy thống kê trẻ con Mỹ dốt nhất về điạ lý. Cho nên khi không nhớ, rồi buột miệng nói với mình "Where in the World are all my friends".  Cuối năm, ngày Lễ mới nhớ tới nhau? Không, đã gọi nhau là bạn thì mình vẫn nhớ tới nhau chứ, có thể không phải là hàng giờ hàng ngày hàng tuần hay hàng tháng.

Mập phì

Đọc cái tin trẻ con Việt ở quận Cam mập phì hơn các dân tộc khác mà không khỏi "ngậm ngùi" cho trẻ con Việt Nam, ngay cả trẻ con con nhà khá giả ở VN cũng mập phì chứ đừng nói gì trẻ con ở quận Cam. Nhưng mà phải nói với cái nhìn của cư dân sống ngoài quận Cam lâu lâu về Bolsa, đứng ở các tiệm ăn mà tôi cảm thấy thương cho các cô/cậu bé con.

Thư của Hội Phan Châu Trinh

Để chuẩn bị cho lễ Giỗ Cụ Phan Châu Trinh vào tháng 3/2011, sau đó là Lễ Kỷ-niệm 60 năm thành lập Trường và Đại-hội Cựu HS Phan Châu Trinh tòan thế-giới vào năm 2012

Chúng tôi tha-thiết kêu gọi sự góp ý của Quý Anh/Chị về 4 vấn đề sau:
   1. Phương-cách để Hội phát-triển và tập-hợp được tối-đa Cựu Học-Sinh.
   2. Bài vở đóng góp cho Tập-San kỷ niệm 60 năm thành-lập trường
   3. Xin Anh/Chị vui lòng cho biết:
            - Họ và Tên
            - Lớp và năm vào trường PCT
            - Địa chỉ hiện nay, số điện thọai, và địa chỉ Email.
   4. Anh/Chị nếu biết người nào khác là cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng trước tháng 4/75, cũng xin vui lòng cho thông tin như mục 3.

Xin email về vudinhhuan@yahoo.com

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Huyền Thoại

Chao ơi, hôm rồi vì thấy nhà văn Dương Thu Hương trả lời sắc sảo nên post lại cho bà con nghe cho vui.  Bỏ qua cái vụ chính trị, chính kiến, sở dĩ post là vì sự sắc sảo đó thôi.  Blogger Trần Hùng thì vào khen trong khi hôm nay một ẩn danh vào chửi bà DTH thậm tệ bằng một thứ ngôn ngữ rất khả ố, kỳ thật, khi không phản biện sự bất đồng thì quay ra chửi.

Hôm nay đọc blog khác có giới thiệu một phụ nữ khác, mà nghe giới thiệu là một thiếu nữ 17 tuổi,  bỏ qua chính kiến của cô thế nào, phải khâm phục cô này có một kiến thức rộng rãi, đủ thứ chuyện trên trời duới đất.  Những điều mà có thể bạn hay tôi đều đã biết nhưng cô hay hơn chúng ta là có thể có một trí nhớ và có thể nói liên tục mấy tiếng đồng hồ với một giọng điệu cũng chua ngoa hài hước mà không dễ gì ai có thể nói như thế. Có thể bạn cũng đã nghe đã biết , đã nghe những nguời phụ nữ nói liên tục, nhưng có khi họ chỉ nói chuyện vui, chuyện shopping, chuyện đàn ông đàn bà? Riêng cô Huyền Thoại thì nói về lịch sử, chính trị mà không phải phụ nữ nào cũng chú ý.
Post lại đây, nhưng phải "cảnh cáo" mọi người trước nhé, nghe để thư giãn và "listen at your own risk" đó nha.


Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Tuyết

Hôm qua xem ở Yahoo có mấy tấm hình Paris bị tuyết bao phủ, giữ lại để làm postcard cho những ngày lễ :-), nhưng nhìn tấm nào trong những tấm hình sau mà làm Season's Greetings thì rầu quá, người chụp hình như chụp lại không chỉ là một trận bão tuyết đổ về Paris mà cả sự cô đơn của con người giữa mùa Đông thì phải. Nhìn lại những khung cảnh mà mới mùa Hè vừa qua, chúng tôi nóng chảy mỡ bây giờ bao phủ trong tuyết, tự nhiên thấy bồi hồi, như cảnh cũ quen thuộc mà mình bỏ quên điều gì nơi ấy, một mùa Đông? Nhìn tuyết, tôi nhớ tôi phải viết một cái thư gửi về xứ Tây ấy khi muà sắp qua.

Và xin chúc tất cả bạn đọc dù ở đâu cũng có một mùa Lễ thật đầm ấm với gia đình, người thân.!!!











Cuối Thu

Nghĩ hôm nay phải dậy thật trễ nên tôi che mắt lại, bởi tôi thuộc loại early bird, chút ánh sáng cũng đủ cho tôi thức giấc.

Khi không còn thể nằm nữa, choàng dậy trong ánh nắng nhìn ra sân lá vàng tràn ngập cả sân. Lâu lắm tôi không ra sân, cũng chẳng nhặt cỏ dại. Cả năm nay công việc ấy hoàn toàn dành cho một người. Nhưng lá vàng hôm nay khiến tôi muốn ra sân quét lá, nghe tiếng lá xào xạc vui tai. Chưa có trận gió cuối năm đủ để thổi đi những lá hồng còn sót lại trên cây, trơ lại những quả hồng cho chim đến ăn hộ như mọi năm. Công việc khác của tôi khi nhìn thấy hoa đèn giăng khắp nhà trong khu xóm của tôi là lôi cây thông bằng nhựa cũ kỹ ra để kỳ này tôi vác đi trưng bày ở nhà con , tôi dùng cây cũ vì nó mang theo những hình ảnh trang hoàng cũ kể cả tấm hình của con từ thuả còn bé.  Một dịp Noel đối với gia đình tôi chỉ là quây quần nhìn lại những kỷ niệm đã đi qua trong một năm và cộng thêm những tiếng cười cho một năm sắp tới phải chăng.

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Một hứa hẹn

Bài viết sau đã lâu nhưng nay đọc lại chợt nhớ chị M., chị kể chuyến đi Nhật vừa qua làm chị muốn dắt con gái và cháu chị đi lần tới. Chị nói xứ Nhật họ dậy con rất kỹ và nghiêm minh, được giáo dục một tinh thần tự lập và kỷ luật từ bé. Chi nói ra đường thấy trẻ con Nhật chị 4, 5 tuổi thôi, khi chúng nhìn thấy rác ở dưới đường là chúng nhặt bỏ vào thùng rác.  Khi thấy người ngoại quốc xả rác, chúng đứng bên cạnh chờ rồi nhặt bỏ vào thùng rác. Chị nói trẻ con bên ấy được giáo dục kỹ lưỡng từ bé như thế, hỏi sao một xã hội mà người đi đường dù có bỏ quên thứ gì trên xe bus, tàu hỏa vẫn có thể quay trở lại lấy ở nguyên chỗ cũ mà không phải đi tìm ở đâu dù sở cảnh sát chăng nữa.  Tôi chưa đến Nhật nhưng nghe chị nói tôi thấy tiếc là mình không có dịp được học hỏi ở một nền giáo dục như thế để dậy dỗ con cái mình.  Nhưng nhất định sang năm tôi sẽ rủ con đi sang bên ấy xem sao, biết đâu vẫn còn cơ hội cho chúng tôi học hỏi những điều tốt đẹp về một nền giáo dục không Tây và cũng chẳng Đông của Nhật Bản.

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Tự trách

Đọc tư liệu nói về cụ Phan mà ngậm ngùi, từ thời cụ, cụ đã lập hội Hội Đồng Bào Thân Ái, mục đích: 

1. Giúp sinh viên Đông Dương xa gia đình có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, đến chơi và giúp đỡ nhau trong trường hợp rủi ro, bệnh hoạn.
2. Học chung với nhau để trao đổi kiến thức khoa học và văn chương.

Tưởng tượng

Sáng nghe cái tin ngày này 30 năm trước John Lennon bị bắn chết. Nhớ lại hồi đó, tôi nghe nhạc ông hát chứ có biết ai vào với ai đâu, chỉ nhớ thời gian biết bồi hồi nghe bản nhạc này vào những buổi tối buồn ơi là buồn của căn phòng trọ, nói phòng trọ cũng không đúng, chỉ là những ô phòng trong toà nhà nội trú ở Đà Lạt. Đêm đêm đứng từ ô cửa nhìn xuống thành phố sương mù, chỉ có chiếc radio nhỏ nghe những chương trình nhạc FM đài Mỹ phát sóng. Ôi cái thời con nít bày đặt làm người lớn sao mà đi nhanh quá, người hát thì đã sang bên kia thế giới. Người nghe thì vẫn nghe văng vẳng "I hope someday you'll join us", xem cái video này thì thấy ...ơn ớn, đúng là nghệ sĩ họ tưởng tượng hơn người bình thường tới mấy cung bậc.
Nghĩ lại, có khi nào vì những câu hát của ông mà mình thành dân ly hương không nhỉ, chả là ông kêu gọi "join us" đó thôi. 

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Làm văn!

Những câu văn ngô nghê dưới đây hẳn là có nhiều người đã đọc, nhưng mà mỗi lần đọc lại, lại ngậm ngùi cho trẻ con VN "được" học hành thế này đây. Sáng đọc tiếp hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê về giáo dục, cụ viết thời ấy (thập niên 80) chỉ những học sinh dốt và trốn nghĩa vụ mới vào sư phạm học, thầy thế thì hậu quả cả một thế hệ "làm văn "như sau không có gì là lạ. 

Em hãy phân tích tấm lòng người mẹ của bà cụ Tứ trong chuyện "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân:

Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, hàng ngày chúng ta đã từng được thưởng thức rất nhiều loại lòng, như lòng lợn, lòng gà, lòng vịt … chúng đều rất ngon và có vị riêng biệt khác nhau, nhưng tất cả đều không thể bằng lòng mẹ.

Em Thuý

Sáng đọc một bài viết hay từ blog Hiệu Minh nên copy post lại để giữ, tôi vốn chỉ đưa link không post lại nhưng dạo sau này nhiều blog bị mất nên "đành" xin phép các blogger cho copy post lại làm tài liệu cho chính mình.  Nhìn tấm hình trong tranh đẹp quá nhất là đôi mắt đen tròn, đôi môi chúm chím và đôi vai ngồi như nói với hoạ sĩ "bác ơi vẽ nhanh lên", thấy cả một tuổi thơ của ngày xưa của Hà nội, phải không?


Hiệu Minh mải đuổi theo các Sư tử ở Sing, ở Nhật, ở Úc…Nên KD lại gửi bài viết này về một người đàn bà Hà thành, từng là nguyên mẫu cho bức tranh nổi tiếng của danh họa Trần Văn Cẩn.








Em Thúy. Tranh của HS TV Cẩn

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Các cụ

Độ rày vì công việc nhà nên tôi hay đi lại trên xa lộ và tới Bolsa hơi (bị) nhiều. Như sáng thứ Bảy này thức giấc sớm chạy ra chợ mua hoa đi thăm bà nội, cầm bó hoa hồng rực rỡ bước đi, lại quay trở lại mua thêm bó nữa, mua cho bà nội mà không mua cho bà ngoại thì không được, dù bà ngoại chả có "tạm cư" ở đây.

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Chị em nhà họ Đoàn

Chưa hề nghe tên nữ văn sĩ Đoàn Lê tức là chưa hề đọc sách của bà, nhưng hôm nay đọc bài blog nói về chị em bà, đâm ra tò mò về 9 chị em trong một gia đình gia giáo của xã hội miền Bắc quả là hiếm quí.  Cho nên ghi lại đây để từ từ đọc thêm về truyện của bà sau.

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Cô bạn tôi bảo, cô thích đọc e-truyện vì công việc nhàn hạ, suốt ngày ngồi nên cứ mở net ra đọc. Tôi thì không đọc nổi ở trên net lâu, thích cầm cuốn sách trên tay, và tôi cũng thuộc vào loại như một blogger khác là không đánh dấu gì trên sách của mình và giữ sách rất kỹ (điều này cũng bất lợi là lắm lúc muốn tìm lại một đoạn nào thì không biết đâu mà mò), cho ai mượn mà giả vờ quên không trả lại là tôi không bao giờ muốn cho mượn nữa.

Mấy ngày lễ này có lúc bận có lúc không, nên tôi cũng thử đọc trên net xem sao, dĩ nhiên cứ mở ra mỗi ngày đọc một khúc thôi. Ngày xưa, tôi đọc nhiều sách Học làm người của ông Nguyễn Hiến Lê, nay đọc tập hồi ký Nguyễn Hiến Lê tập III này của ông thấy thú vị vì giọng kể của ông (đây chỉ là một đoạn, tìm đọc thêm ở trên trang web Diễn đàn Thế Kỷ) . Ông cứ kể như người kể một câu truyện phim, mà trong đó tôi cũng là một nhân vật của cuộc sống ấy ngày xưa sau thời 75. Nếu ai thích đọc lịch sử, văn hoá, muốn tìm lại những sinh hoạt của người VN ở 1/4 cuối thế kỷ 20, tôi nghĩ sẽ tìm được nhiều chi tiết để viết nên những câu truyện khác. Cũng như chúng ta đọc văn của ông Hồ Biểu Chánh để hình dung ra đời sống của miền Nam ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Nhà văn Dương Thu Hương

Đang ngồi nghĩ tới mẹ chồng tôi, thì tôi nghe nhà văn Dương Thu Hương nói về thảm hoạ Bắc triều mới thấy bà sắc sảo quá, phải chi tôi có được 1/10 sự sắc sảo ấy thì có lẽ đời đỡ bị ... bắt nạt :-)
Không tin cứ nghe bà nói thì rõ.

Đọc bộ hồi ký "Thời đại của tôi" của Giáo sư Vũ Quốc Thúc


Trong năm 2010 này, nhà xuất bản Người Việt đã phát hành một lúc hai tác phẩm mang tên chung là Thời Đại Của Tôi của giáo sư Vũ Quốc Thúc, cuốn I có tên riêng là Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử, cuốn II là Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến.

Cuốn thứ nhất, Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử, dày hơn 400 trang hẳn nhiên là một cuốn sách về lịch sử, nhưng được tác giả khẳng định không phải là một thiên khảo luận về lịch sử Việt Nam, cũng không phải là một luận đề về chính trị hay xã hội học, mà chỉ là một bản tóm lược những điều mà tác giả thâu thái được trong khi cố gắng tìm hiểu về thời đại của mình. Không kể phần Phụ Lục, sách chia ra làm năm hồi: Hồi thứ nhất: Việt Nam dưới chế độ thuộc Pháp; hồi thứ hai: Việt Nam trong cuộc thế chiến 1939- 1945; hồi thứ ba: Việt Nam tranh đấu giành lại độc lập; hồi thứ tư: Việt Nam trong cảnh qua phân lãnh thổ; hồi thứ năm: Việt Nam tái thống nhất dưới chế độ Cộng sản. Trong mỗi hồi, tác giả chia ra từng giai đoạn hay từng vấn đề để xem xét riêng rẽ, trong mục đích, như tác giả khẳng định từ đầu, là để cố gắng tìm hiểu thời đại của mình. Đó là những đề tài tác giả khai triển lịch sử phần nào theo cái nhìn riêng, cốt để nhấn mạnh đặc tính của giai đoạn đó mà không bị bóp méo đi như một số tài liệu khác. Nhìn chung, cuốn thứ nhất chính là cái khung thời gian và không gian cần thiết phải được giới thiệu trước để chuẩn bị cho cuốn sau trong đó tác giả kể những sự việc của đời mình qua từng giai đoạn. Đây là công việc phần nào mang đặc tính của một nhà giáo, rất sư phạm: đó là, trước khi kể chuyện đời mình, tác giả đã vẽ ra trước cho độc giả thấy cái bối cảnh rộng lớn làm nền cho cả tấn kịch đời của tác giả sẽ được kể trong cuốn II. Sự chuẩn bị đó rất cần thiết, có lẽ tác giả nhắm cho các thế hệ độc giả mai sau để hiểu được câu chuyện sẽ được kể trong từng giai đoạn lịch sử tương ứng với tất cả đặc điểm của nó.

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog