Christina Louise Lindhardt
Hanh Hedehus chuyển ngữ
Hanh Hedehus chuyển ngữ
Dân Luận: Chúng tôi mong rằng những bài viết như thế này sẽ bổ sung cho độc giả Dân Luận những kiến thức phổ thông cần thiết về nuôi dạy con cái - thế hệ tương lai của đất nước. Chúng tôi rất cảm ơn cộng tác viên Hanh Hedehus đã hỗ trợ Dân Luận bằng những bài dịch kiểu này, và mong nhận được sự góp sức tương tự từ các độc giả khác.
Tóm tắt
- Sự ghen tị giữa anh chị em trong một nhà là điều hoàn toàn tự nhiên
- Ghen tị thường xảy ra do khoảng cách tuổi giữa anh/chị em quá ít
- Bậc cha mẹ phải trở thành tấm gương tốt
- Để trẻ tự giải quyết mâu thuẫn
- Nhận biết và dùng từ ngữ thích hợp giúp cảm nhận tâm lý của trẻ
Hoàn toàn tự nhiên khi trẻ con có những sự so sánh, cạnh tranh, cãi nhau và ghen tị với anh / chị em của mình.
Sự ghen tị này có thể làm các bậc cha mẹ cảm thấy buồn và khó xử. Tuy
nhiên các bậc cha mẹ không nên lo lắng vì trẻ con trong giai đoạn này
cũng học được nhiều trong khi chơi cùng nhau, thương lượng và học cách
đồng ý và chấp nhận những quan điểm của anh / chị em mình.
Sự ghen tị giữa anh / chị em thường bắt đầu trước hoặc sau khi mẹ
sinh em bé. Sự ghen tị này được biểu hiện thông qua các dấu hiệu ví dụ
như: dành sự quan tâm, dành sự chú ý và nó kéo dài trong suốt thời kì
phát triển của trẻ cho đến tuổi vị thành niên.
Ngay sau khi em bé mới được sinh ra, đứa trẻ sẽ trở thành anh/chị của
em mình, điều này có thể làm thay đổi trẻ, như trẻ trở nên bạo lực hơn,
phản ứng hoặc cư xử dường như nhỏ hơn tuổi của mình. Ví dụ: trẻ có thể
đái dầm ra quần của mình mặc dù đã qua tuổi đóng bỉm. Hay trả vờ như là
không thể nói hoặc không thể tự làm được việc gì mặc dù trước đó trẻ vẫn
thường làm được.
Tất cả những điều này là do trẻ cảm thấy ghen tị và do em bé mới ra đời, trẻ sợ mẹ không còn yêu mình như trước. Trước khi em bé ra đời tất cả tình yêu và sự quan tâm của bố mẹ đều dành cho mình, nhưng bây giờ phải chia sẻ với em bé.
Sự ghen tị diễn ra thường xuyên hơn giữa anh chị em có khoảng cách tuổi quá ít
Cha mẹ sẽ cảm thấy vừa buồn và bực bội khi nghe con cái của mình cãi
lộn hoặc ghen tị lẫn nhau. Nếu điều này diễn ra thường xuyên có thể trở
thành nguyên nhân gây căng thẳng mệt mỏi cho cha mẹ. Nhưng sự ghen tị là
hết sức tự nhiên khi trẻ 2 hoặc 3 tuổi, vì độ tuổi này trẻ muốn mình là trung tâm.
Rất khó cho trẻ chấp nhận chia sẻ sự quan tâm, chú ý và yêu thương của
cha mẹ với anh chị khác. Thông thường sự cạnh tranh giữa anh chị em diễn
ra nhiều nhất là từ 8 đến 12 tuổi. Thỉnh thoảng một anh/chị lớn bắt đầu
bảo vệ đứa em nhỏ nhưng sau đó lại cảm thấy sợ và bắt đầu cạnh tranh và
cư xử bạo lực với em nhỏ của nó. Thỉnh thoảng có thể đứa bé hơn sẽ ghen
tị với những quyền mà anh /chị của nó được phép làm. Mặc dù có thể cha
mẹ tin rằng họ có khả năng biết ai là nguyên nhân đưa đến bất hoà, cãi
nhau giữa con cái, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm ra được
nguyên nhân.
Sự ghen tị đặc biệt thường hay xảy ra giữa anh trai với em trai hoặc
chị gái với em gái gần tuổi với nhau. Sự ghen tị dễ nhận thấy ở những
trẻ thiếu sự tự tin, hay lo lắng, bất an, và không có khả năng cạnh
tranh với các anh/chị/em của mình. Vấn đề này xảy ra ít hơn ở trong gia
đình mà trẻ nhỏ cảm nhận được cha mẹ chăm sóc chúng bình đẳng với các
anh/chị của mình. Thông thường trẻ con có cái nhìn lạc quan trong mối
quan hệ với anh/chị của mình hơn là cha mẹ.
Là tấm gương tốt
Khi có thêm một đứa con mới (thậm chí có thể là con thứ ba, thứ tư…),
cha mẹ không nên có những thay đổi lớn trong các thói quen với các con
lớn của mình. Mặc dù một đứa trẻ đã có anh/chị sẽ có thói quen và khả
năng chia sẻ, nhưng vẫn có thể bắt đầu ghen tị với em của mình. Đừng
chuyển con lớn sang phòng mới cùng ngày với ngày bạn trở về nhà từ viện,
do em bé cần phòng. Vì điều này có thể đem cảm giác cho con lớn của bạn
là em bé của nó chiếm mất phòng và chiếm chỗ của nó.
Cũng giống như việc tập ngồi bô và đi nhà trẻ cho trẻ là những ví dụ
khác trong việc luyện cho trẻ hình thành thói quen mới. Việc đổi phòng
cũng giống vậy, vì thế cha mẹ nên chọn thời điểm thích hợp để đổi phòng
cho con lớn trước khi em bé sinh hoặc là những tháng sau khi em bé chào
đời.
Sự canh tranh và ghen tị là những nguyên nhân chính đưa đến cãi nhau
giữa anh/chị em. Bên cạnh đó có thể còn có những nguyên nhân khác. Ví
dụ: tuỳ thuộc vào tính cách của mỗi trẻ, một trẻ bị ốm có thể đòi hỏi
sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn từ cha mẹ. Mặc dù tính cách trẻ đóng vai
trò quan trọng nhất trong vấn đề ghen tị nhưng cách thức cha mẹ giải
quyết vấn đề cũng rất quan trọng.
Để con trẻ tự giải quyết xung đột
Nên tránh can thiệp vào những tranh cãi của con trẻ. Chỉ can thiệp
khi tranh cãi nghiêm trọng và nguy hiểm, có thể xảy ra đánh nhau. Bạo
lực không bao giờ được chấp nhận ở đây. Vì nếu cha mẹ can thiệp vào
tranh cãi, sẽ hình thành thói quen ỉ lại và chờ sự giúp đỡ từ cha mẹ
thay vì tự mình học hỏi cách giải quyết vấn đề. Nếu cha mẹ can thiệp vào
thì nên cùng giải quyết với con trẻ thay vì giải quyết hộ con trẻ. Khi
trẻ học giải quyết các tranh chấp, xung đột, chúng sẽ học cách tôn trọng
và chấp nhận những ý kiến của anh/chị chúng. Đồng thời trẻ cũng học
được cách nhượng bộ, nhún nhường và kiểm soát sự tức giận của mình.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, cha mẹ không nên để trẻ tin rằng mọi thứ
phải hoàn toàn công bằng. Có lúc anh/chị, em có quyền này ít hoặc nhiều
hơn so với những anh/chị, em khác. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu
tồn tại những qui định khác nhau phù hợp với độ tuổi và sự trưởng thành
của từng trẻ. Giải thích cho con nhỏ rằng những quyền mà anh/chị của nó
được phép bây giờ, nó cũng sẽ được hưởng khi trưởng thành cùng độ tuổi
như anh chị của nó bây giờ. Nhớ rằng, không được ép con đang ở vị tuổi
thành niên từ 13 đến 18 hoặc trẻ hơn phải chăm sóc thường xuyên em của
mình.
Trẻ cảm thấy nguy cơ bị mất đi tình yêu thương của cha mẹ
Dưới đây có thể là một số nguyên nhân dẫn đến sự ghen tị giữa anh/chị em:
- Trẻ cảm thấy nguy cơ bị mất đi tình thương yêu của cha mẹ do em bé mới ra đời
- Trẻ muốn thể hiện cái tôi của mình
- Anh/chị/em cảm thấy mối quan hệ giữa chúng bị thay đổi do em bé mới ra đời
- Trẻ thiếu tình thương yêu và sự quan tâm, trẻ hay buồn và mệt thường sẽ bắt đầu cãi nhau
- Nếu trẻ không biết làm sao đạt được sự quan tâm từ anh/chị của mình cũng có thể cãi nhau
- Gia đình mà ít có các hoạt động và dành thời gian ở bên nhau cũng sẽ gặp nhiều vấn đề tranh cãi hơn thông thường
Tránh so sánh giữa anh/chị em
Một số lời khuyên giúp cha mẹ tránh tạo ra sự ghen tị giữa các con:
- Không bao giờ so sánh các con với nhau
- Không dành tình yêu, sự quan tâm đặc biệt cho một đứa con hơn những đứa khác
- Để con tự chơi với nhau
- Giúp con tìm ra các trò chơi mà chúng có thể chơi cùng nhau hơn là trò chơi mang tính chất cạnh tranh
- Khi trò chơi tạo ra vấn đề tranh chấp giữa chúng, cha mẹ nên giúp con tìm ra trò chơi khác
- Cố gắng tạo ra đủ không gian và thời gian cho mỗi đứa con để chúng có thể khoảng không riêng
- Dành thời gian cho từng con cũng rất quan trọng
- Lắng nghe trẻ
- Không quan trọng tìm ra ai là người bắt đầu sự ghen tị
- Để trẻ tự nói cảm giác và cảm thấy như thế nào khi chúng cãi nhau
Chuẩn bị tâm lý có em nhỏ cho con lớn của bạn
Làm cách nào để chuẩn bị tâm lý có em trai/gái cho con lớn của bạn?
- Cho con lớn xem lại những tấm ảnh của chính mình hồi con mới ra đời
- Thảo luận tên cho em bé với con lớn của bạn
- Giải thích em bé mới sinh cần nhiều sự quan tâm và giúp đỡ
- Cho con lớn tham gia giúp chăm sóc em bé, ví dụ: lấy giúp bỉm cho em bé, nhìn em bé tắm, đung đưa nôi cho em bé v.v…
- Khen ngợi con khi con giúp chăm và gần gũi với em bé
- Giải thích rõ ràng rằng cần phải rất cẩn thận khi ở gần em bé
Lắng nghe và cảm nhận những cảm giác của con
Cho con có những cơ hội nói với bạn về cảm giác của con và giúp con
mô tả tâm trạng của chúng. Cha mẹ có thể nói: Hình như con đang giận em
lắm hả? Hay là: Thật là khó khăn cho con vì bỗng nhiên phải chia sẻ mẹ
và cha với em bé nhỉ?
Cha mẹ nên cố gắng làm cho con yên tâm và hiểu rằng bạn có đủ tình yêu dành cho các con và bạn san đều tình cảm cho tất cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét