@gettyimages.com
Người viết tình cờ xem được một video clip trên trang mạng chiếu cảnh cô gái xông vào một đám cưới để đánh ghen giữa lúc cô dâu chú rể đang cử hành nghi lễ cưới với sự chứng kiến của họ hàng hai bên nhà trai, nhà gái cùng quan khách. Bản tin cho biết cô gái này đã đính hôn với chú rể, mặc trên người chiếc áo cưới cô để dành cho ngày bước lên xe hoa, nhưng có ngờ đâu bạc tình lang lại đi cửa sau làm đám cưới với một người con gái khác. Chú rể đỏ mặt tía tai cố gắng tách rời hai người đàn bà đang túm áo nắm tóc nhau nhưng không làm sao tách rời họ ra được. Cô gái bị phụ tình nói với cô dâu là cô đang mang trong bụng đứa con của chú rể. Khi cô dâu quay qua hỏi chú rể có phải như vậy không thì chú rể hét vào mặt người tình cũ: “Tôi đã bảo cô phá thai mà cô không chịu nghe lời tôi”. Chú rể cũng phân bua với mọi người rằng không biết chắc đứa bé có phải là giọt máu của anh ta không?
Đây là chuyện xảy ra ở thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông bên Tàu, có phải là chuyện thật hay không thì không rõ, nhưng nếu luật pháp cho phép người đàn ông này được song hôn như ở một số nơi khác trên thế giới, có lẽ đã chẳng xảy ra cảnh đánh ghen khóc hận như trên.
Bản tin này lại gợi nhớ đến câu hát trong dân gian VN:
Một vợ nằm giường Lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm
Giường Lèo là kiểu giường làm bằng gỗ quý, trạm trổ rất đẹp, được sắm cho cô dâu chú rể nằm trong đêm hợp cẩn, ngụ ý có 1 vợ thì sướng vô cùng, được nằm ngả lưng trên giường Lèo, có hai bà vợ lại bị nằm chèo queo vì hai bà dành nhau nên ông chồng đành nằm một mình cho yên thân. Đến khi lấy thêm bà vợ thứ ba, là rước cái khổ vào thân, tham thì thâm vì cả ba bà đồng lòng trả thù tính có mới nới cũ của ông chồng, đuổi ông ra chuồng heo nằm. Tất nhiên đây chỉ là câu hát mang ý mỉa mai, chế nhạo ông chồng đa thê, để đối lại với câu trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng. Thời phong kiến các ông được quyền lấy thêm bà hai bà ba không đến nỗi phải nằm chèo queo hay bị đuổi ra chuồng heo nằm.
@On the Net
Chế độ đa thê đã có từ ngàn xưa, từ vua chúa cho đến các nhà giàu có nên Khổng Tử, một người có thể nói là có tinh thần kỳ thị phái nữ triệt để mới đưa ra tư tưởng kỳ quái là trai được 5 thê 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Thời kỳ hoàng kim của nam giới tại VN chấm dứt khi bà Ngô Đình Nhu đề ra Luật Gia Đình cấm đa thê và được Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký thành luật số 1/59, ban hành ngày 2/1/1959 bãi bỏ chế độ một chồng nhiều vợ.
@On the Net
Thân phụ của tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama cũng là người thuộc bộ lạc Luo theo chủ nghĩa đa thê, và cựu thống đốc tiểu bang Massachussetts ở Hoa Kỳ là Mitt Romney có một ông cố nội chuyển cư đến Mexico để có thể tiếp tục sống theo chế độ đa thê của giáo phái Mormon vì luật pháp ở Hoa Kỳ ngăn cấm đa thê.
Mặc dù chủ nghĩa đa thê bị cấm tại các quốc gia phát triển, nhưng ở một số nơi khác như tại Cộng Hoà Benin thuộc Tây Phi, 55% phụ nữ tại đây lấy chung một ông chồng và khoảng 16% phụ nữ ở các quốc gia kém phát triển khác cũng không ngại cảnh chia giường xẻ gối với một ông.
Liệu rằng cảnh sống như vậy có đem lại hạnh phúc cho người phụ nữ hay không, vì bà Hồ Xuân Hương, tương truyền cũng là bậc hồng nhan đa truân phải cam phận vợ lẽ đã cất tiếng than rằng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Một tháng đôi lần có cũng không,
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công,
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.
@On the Net
Khi chúng ta sống trong một xã hội tôn trọng hôn nhân với một vợ một chồng, rất khó để hiểu rõ ràng tại sao người phụ nữ có thể chấp nhận chia sẻ tình cảm của người mình yêu với những người đàn bà khác, và liệu người đàn ông có thể thực sự yêu đồng đều hai, ba bà vợ hay nhiều bà hơn nữa với cùng mức độ?
Có phải chăng trong mối quan hệ một chồng nhiều vợ, đã thiếu vắng tình yêu đôi lứa và tình nghĩa phu thê mà thay vào đó chỉ là sự ràng buộc của tôn giáo và truyền thống văn hoá trói chặt người phụ nữ vào trách nhiệm, và bổn phận trong cuộc sống đa hôn?
Do đó mà xã hội phương Tây đặt câu hỏi rằng những người vợ lấy chung một ông chồng có được đối xử công bằng và được tôn trọng với đầy đủ nhân phẩm hay chăng? Vì đời sống vợ chồng là sự kết hợp giữa một người nam và người nữ, mang ý nghĩa thiêng liêng của tình yêu của hai tâm hồn chứ không chỉ thuần là sự gắn bó thân xác.
Hiện nay hầu như mọi quốc gia tân tiến đều kêu gọi bãi bỏ tục song hôn hoặc đa hôn, và bất cứ cuộc hôn nhân nào cử hành trong khi hôn thú với người vợ trước còn hiệu lực thì cuộc hôn nhân thứ hai bị coi là vô hiệu về mặt pháp lý và người đàn ông có thể bị kết tội tùy theo luật pháp hiện hành của mỗi quốc gia.
Hôn nhân đa thê thực hiện ở ngoại quốc trước khi nhập cư vào Anh, Úc và Tân Tây Lan được công nhận nhưng bị coi là phạm pháp nếu thực hiện sau khi định cư. Ấn Độ và Sri Lanka cho phép người dân theo Hồi Giáo được phép đa thê do đó mà có hiện tượng đàn ông Ấn Độ cải đạo theo Hồi giáo để được hưởng niềm hạnh phúc có nhiều vợ một cách hợp pháp.
@On the Net
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như các nhóm nữ quyền đều lên án chủ nghĩa đa thê, cho đây là một hình thức vi phạm nhân quyền. Ủy Ban Nhân Quyền LHQ cũng coi chủ nghĩa đa thê là sự vi phạm phẩm giá phụ nữ chiếu theo tinh thần bản Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị và đề nghị mọi quốc gia nên đặt tình trạng này vào ngoài vòng pháp luật.
Tuy vậy hôn nhân đa thê vẫn được công nhận trên gần 50 quốc gia dưới quyền kiểm soát của chính quyền Hồi Giáo và ở lục địa châu Phi. Tất cả các tiểu bang ở miền Bắc Nigeria đều thừa nhận quyền đa thê vì chính quyền Hồi Giáo áp dụng luật Sharia dựa theo kinh Koran.
Ở một số khu vực Trung Đông, chủ nghĩa đa thê cũng rất phổ biến trừ Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia. Một số nước khác chỉ thừa nhận hôn nhân đa thê cử hành theo tục lệ chứ không chấp nhận hôn lễ dân sự.
@On the Net
Trái ngược với quan điểm thông thường cho rằng phụ nữ bị bất lợi khi có chồng chung, Satoshi Kazanawa, một tâm lý gia người Nhật theo chủ nghĩa tiến hoá, lại cho rằng phụ nữ có cơ hội được chia sẻ với nhau một tấm chồng có quyền lực và địa vị cao trong xã hội, nói chung là một người đẹp trai học giỏi, nhà giàu. George Bernard Shaw, một trong những người sáng lập trường Kinh tế và Khoa Học Chính Trị ở Luân Đôn cũng từng phát biểu như sau: “Bản năng làm mẹ thúc đẩy một người phụ nữ chấp nhận đứng sau những người vợ khác, chia sẻ tình yêu với một người chồng thuộc đẳng cấp tối ưu còn hơn là độc quyền sở hữu một ông chồng bất tài vô tướng”.
Hoặc như danh hài Bill Maher đặt câu hỏi trên chương trình truyền hình Politically Incorrect năm 1998 rằng “Liệu quý vị có muốn là người vợ thứ hai hoặc thứ ba của Mel Gibson không hay chỉ là người vợ duy nhất của Willard Scott?”. Vào thời điểm 1998, tài tử Mel Gibson của Úc được bầu là một trong 50 nhân vật đẹp nhất thế giới, trong khi Willard Scott cũng là một người nổi tiếng trong giới điện ảnh và truyền thông nhưng lại là người không có nét đẹp nam tính, và đã lớn tuổi. Susan Carpenter McMillan, một nữ bình luận gia có quan điểm bảo thủ trả lời câu hỏi của Bill Maher, nếu đó là Mel Gibson thì bà sẵn sàng làm người vợ thứ hai hoặc thứ ba. Satoshi Kazanawa cho rằng ngày nay cũng vẫn câu hỏi này, chỉ cần đổi tên nhân vật là Brad Pitt, hoặc Matt Damon cũng sẽ có rất nhiều phụ nữ trả lời giống như Susan.
@On the Net
Kazanawa đưa ra quan điểm giới đàn ông có lợi điểm nhiều hơn khi sống trong một cộng đồng xã hội chỉ thừa nhận một vợ một chồng. Vì nếu ông ta sống trong xã hội theo chủ nghĩa đa thê và nếu ông ta chỉ là một người đàn ông tầm thường về sắc diện lẫn tài năng và địa vị, ông ta sẽ chỉ có thể tìm được một người vợ hết sức tầm thường hoặc rất khó tìm được vợ vì những người đàn ông tài giỏi đã lấy hết những phụ nữ đẹp làm vợ. Nói cách khác, khi 50% đàn ông trong cộng đồng có hai bà vợ, thì 50% số đàn ông còn lại sẽ có thể phải chịu cảnh phòng không chiếc bóng. Và nếu 25% đàn ông có 4 người vợ thì 75% các ông khác sẽ không có cách nào có vợ.
Mizan Raja, người thành lập mạng cộng đồng Hồi Giáo mang tên Islamic Circles Community network ở Luân Đôn, và cũng là người chứng hôn cho các đám cưới trong cộng đồng Hồi giáo, cho biết phụ nữ Hồi giáo đang ngày càng muốn có chồng chung, tức trở thành người vợ thứ hai hoặc thứ ba. Hàng tuần Raja nhận được từ 5 đến 10 lời yêu cầu của những phụ nữ sẵn sàng bước vào một cuộc hôn nhân bán thời gian với ông chồng đến với họ theo thời khóa biểu. Ông Raja giải thích phụ nữ Hồi giáo có nghề nghiệp chuyên môn không ngại cảnh chồng chung vì họ không có thời gian dành cho một gia đình theo kiểu truyền thống.
Tuy nhiên thực tế không hẳn đúng y như lời Raja giải thích. Đa số phụ nữ Hồi giáo được gả chồng từ thuở còn ở tuổi vị thành niên, và đa thê là một phần của văn hóa Hồi giáo. Vì vậy khi một phụ nữ Hồi giáo đã quá lứa quá thì, hay goá bụa, giải pháp duy nhất và tốt nhất để có được tấm chồng là chịu làm người vợ thứ hai, thứ ba. Họ không coi cảnh chồng chung là bất thường, vì đó là một phần văn hoá của Hồi giáo.
@On the Net
Nếu không phải là một phụ nữ theo Hồi giáo, rất khó để thông hiểu lý do tại sao một phụ nữ Hồi giáo, tạm gọi là Aisha, một người mẹ đơn chiếc có hai người con nhỏ lại chịu làm vợ nhỏ sau khi đã ly dị người chồng đầu tiên. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8, 2013 trên trang mạng truyền thông The Daily Beast, Aisha cho rằng cuộc hôn nhân theo kiểu bán thời gian thích hợp với bà vì bà vẫn giữ được sự độc lập, tự do đi thăm bạn bè và gia đình, trong khi hai đứa con có được một người cha kế dạy dỗ chúng, và bà có được sự hỗ trợ và giúp đỡ về tài chánh. Aisha thừa nhận một cuộc hôn nhân như vậy, tất nhiên không thể cho bà hạnh phúc trọn vẹn vì bà và người vợ lớn không trọn quyền sở hữu ông chồng nhưng với tinh thần Hồi Giáo họ đủ khôn ngoan để vượt qua được cảm giác ghen tuông và đau khổ. Theo Aisha thì chế độ đa thê tựa như một nhiệm vụ phải thực hiện cho tôn giáo, chứ không chỉ vì tình dục. Nếu một phụ nữ Hồi giáo không chịu chia sẻ tình yêu của chồng cho những phụ nữ khác đang sống trong hoàn cảnh góa bụa, hay ly dị thì đó là tinh thần ích kỷ, không quan tâm đến các chị em bạn gái bất hạnh trong cộng đồng.
*
Một lý do khác đựợc viện dẫn để giải thích hiện tượng đa thê ở Anh và Úc là các chàng trai thiếu niên Hồi giáo cũng bị cưỡng bách phải lấy những người chị em họ ở trong nước và sau đó bảo lãnh họ. Tục đa thê cho phép những chàng trai này được lấy thêm một hay hai bà vợ khác vừa ý vừa lứa với họ hơn, giải quyết được chuyện tình cảm cá nhân và cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Thế nhưng họ chỉ có thể sống chung không hôn thú với người vợ thứ hai chứ không thể làm đám cưới hợp pháp theo luật ở Anh và Úc.
Tuy nhiên tương tự như ở Anh quốc, những cuộc hôn nhân đa thê thực hiện ở ngoại quốc một cách hợp pháp có thể có giá trị về mặt pháp lý ở Úc trên một số phương diện. Đó là các bà vợ và tất cả những người con đều được hưởng đồng đều trợ cấp an sinh xã hội, cho dù toàn thể gia đình mười mấy người chỉ có một người chồng và người cha là chủ gia đình. Các bà vợ có quyền làm đơn xin ly dị, giải quyết vấn đề tài sản và cấp dưỡng con cái theo đúng luật gia đình.
Theo giáo sĩ Muffti Barkatulla, một nhân vật cao cấp và cũng là quan tòa của hội đồng luật pháp Sharia của Hồi Giáo, chế độ đa thê được phép thực hiện ở các quốc gia Hồi giáo như một trách nhiệm chăm sóc cho các goá phụ và trẻ mồ côi cha trong chiến tranh. Nhưng ông nhận định rằng chế độ đa hôn khó có thể tồn tại ở các nước công nghiệp bởi người chủ gia đình không có cách nào chu toàn được trách nhiệm và bổn phận với bấy nhiêu bà vợ và con cái, về mặt tài chánh lẫn tinh thần.
@pjmedia.com
Mặc dù cộng đồng Hồi giáo ở Úc không lớn, nhưng có một số giáo sĩ qua vai trò lãnh tụ tinh thần đã cố gắng thúc đẩy việc hợp pháp hóa hôn nhân đa thê ở Úc, tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi hồi năm 2008 trên toàn quốc.
Những người ủng hộ chủ nghĩa đa hôn nói rằng mọi người vợ trong cuộc hôn nhân đa thê sẽ được pháp luật bảo vệ nhiều hơn, trong khi những người chống đối lại cho rằng hợp pháp hóa hôn nhân đa thê gây nguy hại đến đời sống truyền thống của người dân Úc. Cuối cùng, ông McClelland cựu Tổng Trưởng Tư Pháp đảng Lao Động đã lên tiếng xác nhận rằng sẽ không có chuyện chính phủ công nhận các quan hệ đa hôn, và đối với luật pháp của Úc, hôn nhân được định nghĩa là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, ngoài ra không có sự hiện diện của bất cứ ai khác. Đa hôn chính là sự vi phạm định nghĩa này.
Mặc dù đa hôn ở Úc bị coi là bất hợp pháp, nhưng hôn nhân đa thê vẫn còn được thực hiện với tính cách không chính thức, vì có nhiều vợ là một chuẩn mực văn hoá được thừa nhận trong cộng đồng người Aborigines tức người bản địa Úc, cộng đồng châu Phi và Hồi giáo.
@On the Net
Năm 2012, Chương trình truyền hình Insight của đài truyền hình SBS phỏng vấn những người trong cộng đồng sắc tộc về quan điểm của họ đối với vấn đề đa thê, về những lợi ích hoặc những thách thức khi các bà vợ sống chung một nhà với một ông chồng, về tâm lý của trẻ con sinh trưởng trong một gia đình đa thê, làm cách nào các bà vợ giải quyết chuyện ghen tuông với nhau, và tại sao đa thê lại bị coi là bất hợp pháp.
Sau đây là hai quan điểm điển hình của một nữ, và một nam.
Fatimah Youssef trả lời đa thê là hiện tượng phổ biến trong cộng đồng Hồi giáo Lebanese ở Sydney. Fatimah không nằm trong hoàn cảnh lấy chồng chung, nhưng cô nhìn thấy được những lợi ích trong cuộc sống chung chạ như vậy, đó là các bà vợ được chồng giúp đỡ công việc trong nhà, được hỗ trợ về mặt tài chánh và nhất là có người bạn đồng hành. Fatimah cho rằng Thượng Đế cho phép người đàn ông đa thê vì ngài biết là đàn ông rất yếu đuối, không giữ được lòng chung thủy.
Tony Kamara, một người gốc Sierra Leone, sinh trưởng một gia đình có hai bà mẹ. Anh cho biết đa thê là một phần rất bình thường trong cuộc sống của cộng đồng người Sierra Leone ở Úc. Anh nhìn nhận sự kiện hai bà vợ thường xuyên ghen tuông với nhau, và có lúc anh lo sợ cha anh sẽ bỏ rơi mẹ anh để ở với người vợ kia. Tuy nhiên anh không ngại sống trong một gia đình có đông đảo anh chị em mặc dù bản thân anh không hề muốn đa thê vì không kham nổi trách nhiệm chăm sóc hai gia đình với hai bà vợ.
Có thể cho câu trả lời của Tony Kamara là chính xác nhất, vì nếu như “bỏ thì thương, vương thì tội”, phải xét xem bản thân có phải là đại gia có đủ đởm lược hay không để cưu mang một bà ở Úc, một hoặc hai bà ở Việt Nam.
Cho nên nằm giường Lèo vẫn hơn ra ngủ ở chuồng heo.
@On the Net
©Khanh An/HVR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét