Hoàng Nhất Phương
"Thời tiết gì mà lạ vậy, trời đã vào thu mà đêm còn oi bức như nung, như thiêu. Thời tiết lạc hậu! Đêm lạc hậu! Hay đây là điềm thiên thời ra tay ủng hộ để cái nóng nấn ná đòi đốt cháy giai đoạn? Mở mắt to hơn nhìn thấy cái lợi lớn thì nóng thế này chứ nóng nữa, nónghơn cả giữa mùa hè cũng khắc phục được hết. Trong số nhà 135 Mai Hắc Đế gồm bảy hộ - trong đó có gia đình tôi - thì sáu hộ có trẻ con ốm. Gia đình tôi chiếm một phòng trên gác, cả thẩy bốn nhân khẩu: hai vợ chồng tôi và hai thằng cháu nhỏ. Với mười hai mét vuông, so với sáu hộ khác còn xênh xang hơn nhiều – 'Ăn hết nhiều ở hết bao nhiêu!' Câu đầu lưỡi được các cụ ta ngày xưa tổng kết đã, đang và sẽ còn giá trị!"
[1]
Thời tiết lạc hậu! Đêm lạc hậu! Hay chính nhà cầm quyền đã hô phong
hoán vũ khiến cả đất trời biến đổi; tang thương dâu bể chồng chất không
có chỗ gối đầu đành tựa vào thời tiết, khiến đêm thu nóng bất thường,
khiến "số nhà 135 Mai Hắc Đế gồm bảy hộ thì sáu hộ có trẻ con ốm." [1] Người ta quẩn trí đành "vụng trộm nhang khói cầu khẩn cho người ốm," hay "càu nhàu văng bậy từ số nhà bên cạnh chửi cái nóng, chửi lung tung!" [1] Riêng Phùng Cung không hương khói, chẳng văng bậy, chẳng chửi rủa, chỉ tự trào: "Phải khẳng định những người này chưa thấm nhuần tiến bộ văn minh còn phải học tập, còn phải được giáo dục nhiều." [1] Ông cắn răng để nước mắt chảy ngược vào lòng, khi cho rằng mình đã "quán triệt" đường lối của đảng của nhà nước, phải "khắc phục được hết; nó là khẩu hiệu tiên quyết thắng lợi mọi mặt." [1]
Nỗi đau toát ra từ câu chữ! Người đọc sững sờ nhận ra một Phùng Cung
bất lực, đau đớn đứng nhìn cảnh đời thống khổ của gia đình ông và của
những gia đình khác bị nhận chìm trong "thủ đô pha lê đã nằm trong
tầm tay hoạch định của trên. Ai ai cũng nức lòng lạc quan - không phải
lạc quan tếu - lạc quan cách mạng!" [1] Tưởng chừng "lênh đênh muôn dặm nước non, dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh." [2] Lạc quan cách mạng hay cùng đường vạn nẻo chông chênh, thấy hồn non nước đầu ghềnh thác oan! Phùng Cung ở trong thế "chịu tử nạn, lơ mơ ngủ, lơ mơ thức," [1] phải hào hãnh vì "là công dân, chỉ nên nói đến chuyện trong phạm vi công dân..., nhất thiết phải có nghĩa vụ vinh quang." [1] Còn những gì được mệnh danh là đãi ngộ là hưởng thụ "phải
có tiêu chuẩn rõ ràng, không có lộn xộn như xa xưa; cái gì cũng 'giai
do tiền định.' Phải thời đại hóa 'nhất ẩm nhất trác giai do tiêu chuẩn."[1] "Dạ Ký" là tùy bút miêu tả hiện thực và là bản cáo trạng của nhà văn Phùng Cung - người không thể giả mù-câm-điếc, khi nhìn thấy "màu ánh sáng của bình minh ảo - không gian phù thịnh...chỉ là sự bày đặt, buôn bán máu xương của ma vương qủy dữ." [1]
Bộ "tứ bất tử" mà nhà văn Phùng Cung dùng câu chữ vẽ biếm họa trong "Dạ Ký" là Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, cộng thêm "đương kim vô địch khôn" Tô Hoài.
Tố Hữu căm thù Phùng Cung, vì dám tả chân ông là "giáo sư viện trưởng vươn ra một cái lưỡi đỏ, dài hàng trượng và hơn thế nữa…, ngoằn ngoèo lượn như xiếc Trung Hoa múa lụa…," một kẻ được dân gian làm bài vè truyền tụng "tên Lành, nhưng dạ chẳng Lành..." [1]
Chế Lan Viên căm thù Phùng Cung, vì dám gọi ông là "nhà thơ giả thiểu số," chuyên dùng khoa "Phật vận, lấy tiếng chó làm chuẩn để cân đong đánh giá sự ngay gian." [1]
Hoài Thanh căm thù Phùng Cung, vì dám ví von ông "na ná một ông sư Cao Miên, 'tên đầu bếp vụng, nhưng được kẻ ăn khen ngon!" [1]
Nguyễn Đình Thi căm thù Phùng Cung, vì dám động chạm đến "văn,
thơ, kịch cọt, nhạc nhiếc, triết trủng…, niềm tự hào 'thập bát ban võ
nghệ tinh thông!'Nhờ tài hoa ấy mà đời anh ta thống bén luồn lạch, ngóc
ngách công tác cũng như riêng tư...chị em đã bị anh ta làm cho khốn khổ;
chị em đã có chồng con không xiêu nhà nát cửa, cũng mang hận suốt
đời!..anh em trong ngành văn nghệ đã phong tặng anh ta danh hiệu ‘con
chó dái đầu bảng'." [1]
Tô Hoài căm thù Phùng Cung, vì dám phóng đại con dế mèn thành "to lớn khác thường," vì dám dùng "cái
nghề cổ truyền lĩnh Bưởi...vang bóng bò thui" đặc tả liền anh văn học
"đã đạt tới mức quán quân thực hiện khẩu hiệu 'nhanh, nhiều, tốt, rẻ,'
sách được phát hành số lượng không hạn định, bầy tại quầy sách quốc
doanh; cứ như gạo cửa hàng mậu dịch vậy."[1]
Chào đời tại Vĩnh Yên, thuộc dòng dõi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng,
nhà văn Phùng Cung (1928-1998) là con trưởng của một gia đình giàu có,
học chương trình Pháp có văn bằng Brevet - Trung Học. Trong giai đoạn
nghiệt ngã của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, Phùng Cung là một trong số
những người tù không có án, thậm chí không có lý do, hoặc lý do mơ hồ
khó hiểu. Ông bị tù mười năm, bị quản thúc cho đến ngày lìa đời. Văn -
Thơ của Phùng Cung chưa bao giờ được in ấn. Ông chép tay, gửi bạn hữu
giữ hộ, như một cách bảo vệ những đứa con tinh thần thông minh dĩnh ngộ
nhưng bất hạnh của ông. Tác phẩm "Phùng Cung - Truyện Và Thơ" do nhà xuất bản Văn Nghệ in tại Westminster, California, Trẻ Magazine Dallas phát hành, nổi bật nhất là "Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh, Dạ Ký, Ván Cờ Khai Xuân, Phòng Tuyên Truyền Địa Ngục," và những bài thơ làm cảm động lòng người, như: "Bèo, Nghiêng Lụy, Người Làng, Chiếc Lá Rụng, Cô Lái Đò," v.v…
Nhà văn Phùng Cung không còn nữa, nhưng âm hưởng diệu huyền của tác phẩm "Phùng Cung - Truyện Và Thơ" còn ngân vang đến muôn thuở muôn đời. Đặc biệt "Dạ Ký"
viết bằng máu và nước mắt của ông, chỉ ra mặt trái đáng chê trách của
một số văn nghệ sĩ sống trong thời bao cấp dưới chế độ cộng sản.
Nguyện chúc nhà văn Phùng Cung an nghỉ trong cõi vĩnh hằng. Lịch sử sẽ bảo tồn di sản Văn-Thơ đáng trân trọng của ông.
Hoàng Nhất Phương
8:19am Thứ Hai ngày 3 tháng 3 năm 2014
[1]. Trích từ truyện ngắn "Dạ Ký."
[2]. Trích từ bài thơ "Bèo."
[2]. Trích từ bài thơ "Bèo."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét