Phố đêm Bùi Viện. |
Thưởng thức quang cảnh hương vị phố đêm Sài Gòn là một lạc thú, đặc biệt
với những ai khó ngủ, như bản thân người viết bài này. Phố đêm Sài Gòn,
có thức khuya lắm thì khoảng mười giờ rưỡi tới mười một giờ, nhà nhà
hàng quán cũng đóng cửa dẹp tiệm; phố phố bắt đầu vắng lạnh dưới ánh đèn
đường.
Chúng tôi biết, duy nhà hàng-cà phê Ðiểm Hẹn Sài Gòn tại góc đường 3
tháng 2-Cao Thắng, còn mở máy ca nhạc, đón tiếp ẩm khách tới nửa khuya,
tức lúc 0 giờ. Chúng tôi bắt đầu đi vào phố đêm Sài Gòn, tức khu tứ giác
Phạm Ngũ Lão-Ðề Thám-Bùi Viện-Ðỗ Quang Ðẩu, thuộc quận 1; đây là khu
phố đêm không ngủ, hầu hết quán tiệm mở cửa thâu đêm, đèn bảng hiệu sáng
trưng; đây là khu phố Tây ba-lô như mọi người đã đặt tên, đã gọi.
Chúng tôi tìm hiểu, được biết khu phố Tây ba-lô hình thành khoảng năm
1986-1987; thoạt đầu những nhóm du khách phương Tây chọn lưu trú tại các
nhà nghỉ-khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão và đường Ðề Thám. Lý do họ
chọn nơi này, có lẽ vì nhà nghỉ-khách sạn ở đây thuộc loại tầm tầm, giá
cả không mắc mỏ; lại rất gần chợ Bến Thành, ngôi chợ lớn nhất của Sài
Gòn. Dần dần sau đó, cả khu tứ giác nói trên trở thành khu phố Tây
ba-lô.
Chúng tôi biết rằng, tại khu tứ giác Phạm Ngũ Lão-Ðề Thám-Bùi Viện-Ðỗ
Quang Ðẩu quy tụ rất nhiều nhà nghỉ-khách sạn, nhà hàng, quán bar, tiệm
ăn và cà-phê lớn nhỏ, giá cả thích hợp túi tiền mọi giới; có điểm đổi
tiền, nơi hướng dẫn du lịch; chỗ cho mướn xe gắn máy-xe đạp; xe ca Open
Tour... phục vụ chu toàn cho lữ khách. Tạp chí Lovely Planet, một tạp
chí hướng dẫn du lịch được tin cậy trên thế giới, đã ghi nhận khu phố
Tây của Sài Gòn đặc sắc và không thua kém các khu phố Tây ở Băng Cốc hay
ở Bắc Kinh; ghi cả danh sách gần 80 nhà hàng, gần 40 khách sạn tại khu
phố Tây ba-lô này. Và món phở đặc sản của Việt Nam hiển nhiên cũng có
mặt ở khu phố Tây ba-lô, món phở mà tạp chí Lovely Planet ghi nhận là
một trong 18 món ăn đặc sắc trên thế giới.
Tới khu phố Tây ba-lô vào khoảng 1 giờ đêm, chúng tôi lập tức sà vào đám
đông đang ngồi xệp trên những miếng các-tông, chiếu cói... trải trên lề
đường Ðề Thám; đám đông thuộc đủ quốc tịch, tất nhiên đa số là người
phương Tây, và có cả giới tuổi trẻ Sài Gòn. Tất cả ngồi chen chúc lẫn
lộn dày đặc một quãng đường, trên hai bên vỉa hè phố Ðề Thám rực rỡ ánh
đèn màu bảng hiệu cửa tiệm; người uống bia, người nhâm nhi cà-phê, người
thủ chai nước tiệt trùng...
Chuyện trò rôm rả, cười vang phố đêm. Hóa ra hôm nay là ngày Mùng Mười
Tháng Ba (9.4.2014), ngày giỗ tổ Hùng Vương của dân tộc Việt. Một ông
Tây râu quai nón bạc trắng, giơ tay chào và tươi cười nói với chúng tôi
“Vinh dự con cháu vua Hùng!” bằng tiếng Việt Nam khá sõi. Rồi một chàng
Tây ba-lô trẻ tuổi ngồi gần đấy, hưởng ứng lời ông Tây râu bạc chúc mừng
con cháu vua Hùng: “Congratulations on Hung Vuong celebration!”
Phố ngồi bệt trên đường Ðề Thám. |
Chúng tôi được biết, từ nhiều năm
nay, vào bất cứ dịp lễ tết hội hè nào diễn ra tại Sài Gòn, thì tại vỉa
hè đường Ðề Thám của khu phố Tây này, cũng hình thành buổi
liên-hoan-bẹp; uống bia rượu hoặc cà-phê hoặc nước tiệt trùng, để trao
đổi đủ mọi chuyện trên đời. Và trong đêm liên-hoan-bẹp này, có những đôi
lứa ông Tây bà đâm hôn nhau thắm thiết, những nhóm bạn Tây ba-lô tranh
luận cãi vã om sòm, những đứa trẻ đánh giày, bán chewing gum... đứng ngơ
ngác ngó nhìn, những cô gái Sài Gòn phục sức tươi mát, tóc nhuộm vàng
hoe, nói cười ngặt nghẽo cùng các chàng lữ khách đa tình...
Ðêm khuya khoắt, cảm thấy đói bụng trong cơn gió lạnh, tiệm phở Quỳnh ở
một góc đường Phạm Ngũ Lão sáng ánh đèn mời gọi. Nhiều ông Tây ba-lô rất
thích ăn phở Quỳnh ban đêm, ngồi chờ những tô phở bốc khói. Chúng tôi
hỏi vọng sang một ông Tây có vẻ mặt vui nhộn, rằng thịt bò của phở Sài
Gòn có ngon bằng thịt bò Australia không. Có thể ông Tây này đang hào
hứng với món phở đêm của khu phố Tây ba-lô, bảo thịt bò Sài Gòn hơn hẳn
thịt bò Úc!
Sau tô phở ấm lòng đêm khuya, chúng tôi đi tiếp con đường phố Tây ba-lô,
tới ngã tư đường Bùi Viện-Ðề Thám. Một quán lớn rộng, ánh đèn tỏa ra từ
những ống điện uốn chữ Go-Go-Go trên cao trước cửa quán; ẩm khách ngồi
đầy trong quán và ngoài hàng hiên, hầu như toàn những ông Tây bà đầm.
Chúng tôi ngờ ngợ, không rõ có phải chính tại ngã tư này, ở địa điểm
quán tiệm này, thuở trước 30 tháng 4, 1975, từng nổi danh quán nhậu gọi
là Ngã Tư Quốc Tế? Ấy tuy nhiên, dù đúng vậy hay không, thì hôm nay, nơi
này đã mặc nhiên xứng danh Ngã Tư Quốc Tế, với ẩm khách đủ mọi quốc
tịch; với những tay chơi sành điệu với rượu mạnh hảo hạng; với những lữ
khách gió bụi phong sương, ngửa cổ dốc những lon bia Tiger hay bia Sài
Gòn thì cũng vậy...
Ðã 3-4 giờ đêm, khu tứ giác phố Tây ba-lô của Sài Gòn vẫn sáng rỡ ánh
đèn muôn màu, vẫn nhộn nhịp rộn rã không mệt mỏi để thiếp ngủ. Chúng tôi
chợt nhớ một quán đêm thức với lẻ loi, đầy gợi cảm u hoài. Quán mang
tên Xóm Ðêm Quán, ở một đoạn đầu đường Phạm Ngũ Lão, tách rời khỏi khu
phố náo nhiệt. Xóm Ðêm Quán hơi lui vào trong, mở ra một con hẻm khuất
tịch; ngồi nhâm nhi từng ngụm cà-phê nóng, vào thời khắc gọi là nửa đêm
về sáng, có thể nào để không quá chán đời hoặc quá yêu đời?
Chúng tôi cảm nhận thời khắc ấy, tại nơi chốn này, Xóm Ðêm Quán của khu
phố Tây ba-lô tại Sài Gòn, một thời khắc có thể gọi là
giờ-thiêng-của-cuộc-sống
Nguyễn Đạt
(Diễn đàn Thế kỷ)
Nguyễn Đạt
(Diễn đàn Thế kỷ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét