Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

Các người có biết

Tình cờ thấy bài thơ này trong PC, với cái tên HVKT, không nhớ là ai đã gửi bài thơ này cho blogger, chợt nhớ đây là bài thơ trong Ngã Rẽ 74, bài thơ của chàng học trò lớp 12A2 ngày ấy, (chắt nhà văn Hồ biểu Chánh) Thơ đây mà người xưa không biết ở nơi nào. Hay cũng là một cánh chim Hải Âu.

Hỡi những đàn hải âu xám
Các người có biết
Ta thích hay theo các người lắm
Hỡi những cụm mây bay
Các người có biết?
Ta cũng muốn bay nhưng
ta không dám đâu
Hỡi những làn sóng nhỏ lăn tăn
Ta muốn vùng vẫy cùng các người
nhưng ta sợ chết
Hỡi những cánh chim trong gió
Ta không sợ diều hâu
Nhưng ta sợ người đời
Các người có biết
Những cơn gió lạnh băng
Không làm tim ta run rẩy
Lò sưởi nóng rát cả mặt mày
Không sưởi ấm được lòng ta
Và những vết thương
Những nỗi buồn
Không làm ta đau đớn
Mà chỉ làm ta quên đi
Mà chỉ làm ta cười
Chính vì ....ta đã yêu.

Nỗi buồn

Viết ngày 23.09.2003

Trong cơn buồn đang dâng lên như cơn đau kinh niên tái xuất thì sự im lặng cũng là một liều thuốc hiệu nghiệm nhằm giải tỏa áp lực nặng nề đối với tâm hồn và giúp cho cơn đau dễ chịu hơn. Tuy không làm tan biến được cái buồn nhưng sự im lặng làm dịu đi cái day dứt cái dày vò của nổi buồn đôi khi tưởng như đi lạc vào con đường vô tận không lối thoát.

Tuy không sanh vào một ngôi sao xấu như tâm lý thông thường người ta hay gán cho khi cuộc đời không trôi chảy như kỳ vọng của mình, nhưng nổi buồn nó đến với tôi thường xuyên như người bạn tri kỷ. Nó cứ quấn quýt lấy tôi, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi tùy tiện. Đôi lúc nổi buồn đến nhẹ nhàng như gió thoảng nhưng đôi lúc lại bất ngờ như cơn bảo tố không một dấu hiệu báo trước. Nó xồng xộc bước vào tâm hồn tôi không màng chút gì đến sự riêng tư của kẻ đang đau khổ. Đã thế nó còn dài người chiếm hẵn tâm hồn tôi, không chừa chút nào khiến tim tôi nặng nề ngộp thở như kẻ đau tim kinh kỳ. Nổi buồn như kẻ vô tâm, dày vò tâm hồn không một chút thương xót, không biết nương tay là gì. Khi tâm hồn bị tràn ngập bởi nổi buồn day đứt thì sự im lặng giống như cái phao cho người sắp chết đuối. Cứ bám vào đấy cho qua cảnh khốn cùng. Tuy không thoát ra khỏi biển khổ nhưng ít ra cũng vớt vát được một ít sinh khí để sống còn. Con người thường hay tự nhủ thà chết còn hơn sống khổ. Nhưng khi trực diện với cái đường cùng thì lại ham sống. Đã sống là phải chấp nhận có buồn đau. Triết lý nhà Phật cũng không dạy gì khác hơn. Đời là biển khổ. Chỉ có một đời sống yên lặng với tâm hồn thanh tịnh mới có thể giúp ta thoát khỏi buồn khổ mà thôi. Biển lặng thì không có sóng cao gió lớn. Nếu sự việc chỉ có thế thôi thì quá đơn giản. Cứ tin như thế thì bé cái lầm. Cái buồn cái khổ cứ triền miên đưa ta từ cái u mê này đến cái u mê kia.

Tình cờ ngày hôm kia tôi có đọc được trong một tờ báo y học. Theo kết quả nghiên cứu này thì không chỉ những sinh vật có khả năng diễn tả sự đau khổ bằng tiếng kêu hay nước mắt mới thật sự có đau khổ. Ngay cả những con vật như cá cũng có tình cảm, cũng biết đau khổ buồn vui là gì. Con người chúng ta chỉ thông cảm được sự đau khổ của những sinh vật qua sự diễn đạt bằng tiếng kêu ca và nước mắt mà thôi. Nói đúng ra ngôn ngữ của sự cảm thông là tiếng kêu ca và giòng nước mắt. Không nói cùng ngôn ngữ thì làm sao có được sự cảm thông, làm sao có thể hiểu nhau được. Điều đó cũng dễ hiểu thôi.

Nói đến đây tôi nhớ đến chuyện xa xưa ngày ấy còn thơ. Trong lớp học tôi, khi có gì không vưà ý, các cô học trò mà chúng tôi hay cho rằng "nho nhỏ, be bé xinh xinh và hiền như ma soeur" ấy cứ la toáng lên rồi lại khóc bù lu bù loa. Thế như rằng là chúng tôi sẽ bị phạt ngay, qùy gối cả ngày vì cái tội mà chúng tôi đến ngay cả bây giờ cũng không bao giờ cho rằng đó là một cái tội cả (thương có phải là cái tội hay không?), nhưng cái tội lớn nhất vẫn là sự im lặng. Im lặng tức là gián tiếp nhận tội. Thử hỏi con cá có thể mở miệng ra kêu than trách phận khi miệng đầy nước hay không? Nhưng ít ra thì con cá cũng phải biết nhỏ vài giọt nước mắt chứ ? Đôi khi ở đời có nhiều oái ăm lắm ! Không thấy không có nghĩa là không có. Các bạn có nghe nói "nước mắt chảy vào trong" bao giờ chưa?

Dr. T.

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2008

Khi còn ở Đệ Tam

Đọc bài thơ Khi còn ở Đệ Tam của thi sĩ Hoàng Lộc, rồi ngẩn ngơ nhớ hồi đó mình giống "con gì". Sao người nữ trong thơ của ông thơ mộng thế, còn mình thì vẫn cứ khờ khờ làm sao. Đã thế còn muốn làm "chị Hai" người ta mới chết chứ.:-)

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2008

Tình

Ông bạn PCT cho là "tình bạn học trò" trở thành "tình yêu học trò" là rất nguy hiểm và dễ mất bạn hiền, không biết ông nghĩ thế nào về cái tin "tình thầy trò" trở thành "tình yêu thày trò" thì có nguy hiểm không? và có dễ mất trò hay thầy không? Thời xưa ở PCT cũng đã từng xảy ra rồi đó chứ phải không?
So ra tình thầy trò thời nay quả thật là "nguy hiểm thật" chứ không phải sự nguy hiểm "dễ thương" của tình yêu học trò. Không biết có ai bất đồng ý với học trò (tôi) không?

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2008

Thu



Cô đi ngược hướng mặt trời để tìm về môt mùa Thu "Hà Nội" hay cao nguyên. Ở đây mùa Thu đang đi qua với nắng vàng cùng lá. Hôm kia có đám cháy trên ngọn đồi gần nhà, hôm nay chỉ còn một bức tường đồi đen. Cho nên bây giờ chỉ còn nhìn thấy Mùa Thu ở đây để nhớ những ngày đầu Thu ở sân trường cũ.


Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

Thơ Đinh thị Thu Vân

Một ngày ta ngoái lại


Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại
Bạn bè ơi khi ấy có còn nhau?

Cơn lốc đời đưa đẩy bạn về đâu

Ta ngoái lại tìm nhau, e mất dấu!


Ta ngoái lại tìm nhau mong ẩn náu
Góc bạn bè êm ấm, cảm thông ơi

Ta ngoái lại rụng rời đôi cánh mỏi

Góc bạn bè tin cậy, bớt chơi vơi.


Ta ngoái lại tìm nhau, đừng sỏi đá
Đừng dập vùi chi nữa, trái tim hoang

Thôi đừng nhớ, đừng quên, đừng xa vắng

Xin một lần tha thứ thuở lang thang.


Tha thứ nhé, bạn ơi đừng cay đắng
Ta quẩn quanh nuôi giữ xót xa mình

Tha thứ nhé, niềm vui không vóc dáng

Thuở đam mê bè bạn khuất xa dần.


Rồi sẽ có một ngày sau tháng ngày dâu bể
Chúng mình cùng ngoái lại tìm nhau

Ta nói yêu thương khi mắt đổi thay màu

Bàn tay héo cầm lên cho ấm mãi.


Trái tim héo, nụ cười xưa dẫu héo
Chỉ xin đừng tàn lụi chút niềm tin

Dẫu mong manh vụn vỡ chẳng nguyên lành

Xin hãy có một ngày nhen nhóm lại.


Sáng đọc bài thơ trên net nên "bê về" link vào đây để tặng những người bạn đọc blog.

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

Cái Tôi rất lạ

Có bao giờ bạn viết một bài văn và nhất là bạn đang ở nước ngoài, tiếng Việt đã trở nên hao hụt vì bạn không còn dùng đến thường ngày để mạn đàm, bạn sẽ hiểu tại sao có lúc "văn" Việt hải ngoại cứ bị "nửa nạc nửa mỡ" , nhất là trong trường hợp phải giải thích một điều gì có tính tư duy mà nguyên thuỷ chữ nghĩa của nó không bởi tiếng Việt, và nếu dịch tiếng Việt thì sẽ không chuyên chở nổi nguyên ý của câu văn ngoại quốc, khi mà chúng ta đều không phải là những nhà ngôn ngữ, nhà văn hay dịch giả. Bạn sẽ thấy ngay sự phân vân của tác giả bài viết Mon Ami..., tác giả đã gửi bản đầu với câu

Qui est là? Le moi ou l'étranger dans le miroir

sau đó lại sửa lại

Qui est là? Le moi ou un étranger dans le miroir

Tôi thấy không có gì sai cả trong ngữ pháp của ông, chỉ là sự phân vân khi Tôi nhìn Cái Tôi trong gương ấy là một Người Lạ hay là một Người Xa Lạ nào đó là cái ý mà tôi nghĩ tác giả muốn phân biệt. Cái Tôi có khi còn nhận ra người lạ ấy chính là Tôi đã thay đổi theo năm tháng, có thể chỉ hình dạng, nhưng tâm hồn vẫn như thế, Tôi nhận được Cái Tôi của người lạ trong gương. Nhưng khi Tôi không nhận ra Cái tôi ở Người Xa Lạ nào đó trong gương thì lại là chuyện khác, cả từ thể xác đến tâm hồn. Điều gì, biến cố nào, ai đã làm thay đổi Cái Tôi của Tôi là một sự "chấn động" cho người chợt nhìn thấy mình trong gương.

Cho nên nếu bạn nào thắc mắc sao có sự thay đổi, tôi chỉ có thể đoán là như thế, hy vọng là đúng ý tác giả, nếu không thì có lẽ người đọc chúng ta phải kiếm đọc lại L'etranger của Albert Camus xem ông ta viết gì trong đó :-)
Bạn nào giỏi Pháp Văn hay còn nhớ, xin hãy góp ý xem có phải đó là ý tác giả muốn trình bày không nhé.

lt.

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Bài ca về cuộc sống

Gương

"Kẻ sĩ cả nước ngày xưa “tiến vi quan, thối vi sư”; nhưng riêng đàn ông con trai Huế thì bao đời qua vẫn “tiến vi kẻ sĩ, thối vi… nghệ sĩ” (?!) "

Đọc câu trên trong bài Tiêu Dao Bảo Cự - Mảnh trời xanh trên thung lũng của Trần Kiêm Đoàn mà tôi không khỏi phì cười nhớ tới các ông bạn trong lớp của tôi, những người gốc Huế, gốc Quảng. Có lẽ họ cũng mang một tâm tình như thế. Nhớ tới bài viết mới đây của ông bạn gốc Huế, có lẽ ông được (bị) hỏi ông là bạn của ai đó, hay ông tự băn khoăn ông là bạn của ai, hay ai là bạn của ông, bạn thế nào, và vào thời điểm nào, rồi có tồn tại với thời gian. Có lẽ ông cũng mang tâm tình của người Huế luôn phản kháng, đi đầu trong những trăn trở, luôn đặt câu hỏi cho chính mình (?), ông nghi ngờ cả chính ông phải chăng?

Hay chỉ là một ngày trở gió mùa Thu ông nhớ tới bạn bè nên trải dòng tâm tư (?). Với những băn khoăn thế nào là bạn, một điều mà ông như ông nói là không hề trăn trở và có lẽ ông là người hài hoà với tất cả mọi người, chỉ cho đến khi có câu hỏi ông mới giật mình nhìn lại ông trong gương khi tóc đã ngả mầu sương gió chăng? Chắc chắn tôi không thể nào biết rõ bằng chiếc Gương của ông.

Cứ như ông Trần Kiêm Đoàn viết trong bài trên viết

"Người con trai, rồi đàn ông, Huế thường có một cái nhìn rõ nét và khắt khe lẫn tự hào về mình. Nhưng lại có cái nhìn mơ hồ và dễ dãi lẫn hoài nghi về người."

Có đúng thế không? Hay vì thế cái gương là một vật cần thiết để nhìn thấy cái tôi

Từ xưa tài-sắc còn nhiều,
Để gương ngẫm lại bao nhiêu đấy mà

(trong Hoa tiên truyện - Nguyễn Huy Tự)

để không còn hoài nghi mơ hồ, nhưng cái gương ấy phải như thế nào cơ chứ, đó có phải là tấm gương bình thường mà ai cũng có thể mua ngoài chợ tặng (hay ấn vào tay) cho ông , hay đó phải là cái gương mà chỉ có ông mới chọn lựa cho chính ông được (?) Cho nên ai đó đã viết Bạn là tấm gương cho mình nhìn thấy chính mình qua những san xẻ, nhưng gương thì chẳng bao giờ có thể là bạn được, vì gương chỉ là vật thể, nó không nói lời an ủi khi sự thật cay đắng, và nó không vả cho mình vài cái tát khi mình cứ tự hão về chính mình. Cho nên chỉ có Bạn, người Bạn chân thật mới làm được điều đó. Và tôi có nên cám ơn ông đã viết một bài khiến tôi suy nghĩ không? Để tôi lại có câu hỏi cho chính tôi. Tôi nghĩ tôi không cần phải viết thêm nữa. (Hay tôi về hỏi lại Gương tôi).

Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ gì không? Bạn có sẵn sàng chia xẻ ý nghĩ của bạn với người bạn gọi là Bạn không?

lt.

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2008

Mon ami, le moi dans le miroir

Bạn hỏi tôi có phải là bạn của bạn không? Tôi ngần ngừ không biết phải trả lời bạn như thế nào cho hợp lý. Thú thật với bạn câu hỏi này làm cho tôi bất ngờ vì chính tôi cũng chưa bao giờ phân vân về từ "bạn" cả. Bạn là bạn và bạn không phải là thù, có thế thôi, không hơn không kém. Câu hỏi của bạn rất đơn giản nhưng làm tôi lúng túng mất ăn mất ngủ. Nếu ai đó hỏi tôi thế nào là bạn tốt thì tôi có thể trả lời cả tiếng đồng hồ hoặc vài viết trang giấy cũng không hết. Theo tôi, dưới cương vị của người bị hỏi tôi không thể trả lời câu hỏi này của bạn được. Câu hỏi này chỉ có bạn mới trả lời cho chính bạn được thôi. Nếu bạn cảm thấy rằng tôi là bạn của bạn thì quả thật tôi là bạn của bạn. Còn nếu bạn còn phân vân chưa biết thì tôi thiết nghĩ tôi chưa hẵn là bạn của bạn thật sự. Ngoài ra chữ bạn cũng có thể được định nghĩa tùy theo trường hợp hoặc theo mức độ quan hệ với nhau. Nói cách khác tôi có thể là bạn thiếu thời, bạn cùng trang lứa, bạn học hay chỉ là bạn qua đường của bạn. Còn bạn ở mức độ để được gọi là bạn tâm giao hay bạn tri kỷ thì tôi không thể tự phong cho mình được. Ngay cả trường hợp bạn cho rằng tôi là bạn tâm giao của bạn đi nữa thì điều này cũng chỉ có đúng trong thời điểm này. Tình bạn có thể sâu đậm và cũng có thể phai nhạt theo thời gian. Không có gì trên thế gian này là vĩnh cửu cả. Mọi vật đều thay đổi và con người cũng đổi thay, huống gì cá tính hoặc nhân sinh quan của con người. Hôm nay còn là bạn nhưng ngày mai có thể là người dưng. Nói như thế nghe có vẻ phũ phàng quá phải không bạn? Sự thật thường rất phũ phàng. Đã là bạn với nhau thì phải thành thật với nhau, phải đủ can đảm để nói với nhau những điều trung thực. Biết rằng sự thật có thể làm phiền lòng bạn. Nhưng nói ra sự thật để làm khổ bạn thì có còn là bạn nữa hay không? Thành thật mà nói thì chẳng có gì đáng nói. Thành thật mà nói thì chớ có nên nói. Phải không bạn ? Khổ nỗi biết về nhau mà không chỉ vẽ, khuyên bảo nhau thì không phải là bạn. Còn đã nói mà chỉ nói mơ hồ, không tường tận thì cũng chẳng phải là bạn nốt. Biết rằng người khôn ngoan thì phải biết lắng nghe và nên ít nói. Lời nói và thời gian là hai thứ không bao giờ lấy lại được. Ngay cả lời hay ý tốt với cách bày tỏ thiếu tế nhị cũng có thể giết người một cách thầm lặng như thời gian. Lắng nghe bạn để hiểu bạn là một điều tốt, nhưng hiểu mà không trao đổi với nhau thì hiểu bạn để làm gì ? Như thế thì bạn cứ đứng trước giương rồi tự nói chuyện với chính mình cho khoẻ, khỏi rắm rối sự đời. Không phải bận tâm và cũng chẳng phiền ai cả. Có ai có thể hiểu mình hơn chính mình ?
Qui est là ? C´est moi dans le miroir ! Khổ nỗi cái gương cũng không phải là bạn. Cái gương đôi khi cũng dối lòng ta. Có lúc nhìn mình trong gương ta cảm thấy hài lòng mà cũng lắm khi đáng ghét khó ưa. Qui est là? C´est le moi dans le miroir. Có thật là tôi trong gương hay không ? Tôi hay là "cái tôi” ? Tôi nhìn tôi trong gương như người xa lạ. Qui est là? Le moi ou un étranger dans le miroir ? Có thật là tôi nhận thức được cái tôi của tôi trong gương ? Cái tôi của tôi sao mà xa lạ thế ! Tôi nhìn thấy tôi trong gương nhưng không tìm thấy mình ! Le moi est un étranger en moi. Nếu sống đơn độc một mình thì đơn giản, vấn đề xấu đẹp, tốt lành không là mối bận tâm. Tôi là ai ? Tôi như thế nào ? Những câu hỏi như thế không bao giờ được đặt ra. Nhưng khi gặp bạn thì có sự so sánh. Càng so sánh càng thấy khác biệt. Càng khác biệt thì lại càng hoang mang. Nhìn bạn tôi thấy mình trong một góc cạnh khác. Một góc cạnh nếu không có bạn tôi không bao giờ thấy được! Bạn chính là cái gương của tôi. Nhờ bạn tôi tìm thấy tôi trong gương. Je me trouve dans le miroir de l'autre ! Merci, mon ami

Dr.T
10.16.2008

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008

Thư giãn

Trong thời buổi khủng hoảng tài chính này, ngoài sự chuyện trò với Thượng Đế để tìm sự bình an, thì chỉ có tiếng cười mới mong giải toả những buồn lo.
Cho nên những câu chuyện sau được phỏng dịch từ báo Mỹ để góp một tiếng cười.

Cùng là gia đình cả


Ngày kia, cô bé My nói với mẹ:
- Mẹ ơi, con đang nghĩ tới con người chúng ta và con thắc mắc. Khi nào chúng ta bắt đầu xuất hiện trên trái đất.
Mẹ cô trả lời
- Con hỏi câu hỏi hay lắm. Chúa đã tạo dựng ra Adam và Eva và họ có con cái, con cái họ có con cái và đó là kết quả loài người bắt đầu con ạ.
Đến chiều, My hỏi bố cũng cùng câu hỏi
- Bố ơi, khi nào thì loài người bắt đầu
Ông bố trả lời
-Ô, con gái bố hỏi hay quá, này nhé hàng triệu năm về trước, có những con khỉ từ từ biến thành người.
My bắt đầu bối rối sau câu trả lời của bố, nên lại quay sang hỏi mẹ.
- Mẹ ơi, sao mẹ bảo con là loài ngưòi do Thượng Đế tạo ra mà bố thì bảo chúng ta từ khỉ mà ra.
Mẹ cô mỉm cười bảo cô
-Này con yêu quí, câu trả lời rất đơn giản, mẹ kể cho con nghe về họ hàng phiá mẹ, còn bố thì kể về phía bố con ạ.


Trẻ con rất thông minh

Cô giáo hỏi:
- Trân, lại bản đô và tìm Bắc Mỹ
Trân chỉ vào bản đồ và nói
- Đây ạ,
Cô giáo
- Đúng rồi, nào cả lớp ai đã tìm ra Châu Mỹ
Cả lớp đồng thanh
- Thưa cô đó là Trân đó ạ.


Cô giáo
-Hoàng, trò gọi người nói liên tục trong khi người khác không còn lắng nghe là gì
- Thưa cô, có phải "cô giáo" không ạ?

Thày giáo
- Minh, hãy kể cho cả lớp nghe một điều quan trọng chúng ta có hôm nay mà 10 năm trước chúng ta không có
- Con ạ.

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Ai làm nấy chịu

Thông thường người ta hay nói "ai làm nấy chịu". Chuyện đó cũng dễ hiểu thôi.
Mình làm điều gì xấu thì phải chịu lấy những hậu quả do việc mình làm gây ra. Còn nếu mình làm điều tốt thì sẽ đón nhận được điều lành tươi mát vui vẻ cùng với những lời nói dịu dàng dễ thương. Chẵng lẻ mình trồng cây đến lúc cây đem lại trái ngọt mình lại để cho chúng hưởng hay sao? Nhưng (cái chữ nhưng lúc nào cũng quấy rối cuộc đời chúng ta cả) trong đời mọi chuyện không phải đơn giản như chúng ta nghĩ. Nhất là một khi cuộc đời chúng ta có dính dáng gì đó với bóng hồng (bóng hồng đồng nghiã với tất cả mọi loài hoa, không nhất thiết phải là hoa hồng) thì nó cứ rối loạn hẳn lên, nói nôm na là rối loạn như cái bùi nhùi đấy bạn ạ . Không biết đầu đuôi như thế nào để gỡ. Nó không còn theo một quy tắc suy luận nào cả . Muốn giận thì giận mà muốn dể thương thì dể thương, có thế thôi . Vì thế nếu bạn có lỡ bị bóng hồng giận lẫy thì nhớ ráng chịu chứ đừng có thắc mắc làm gì chỉ khổ thân mà chẵng giải quyết được việc gì cả . Nếu bạn trồng cây và cây đem lại trái ngọt hay chua thì bạn cũng đành phải chấp nhận thôi chứ đừng có hỏi tại sao vì đến ông trời cũng không trả lời cho bạn được. Hỏi ông trời không được thì thôi bạn đừng có dại dột mà đi hỏi đương sự thì cái khổ nó đến với bạn thường xuyên như hình với bóng. Cũng vì thế ông bà chúng ta thương chúng ta khù khờ ngây thơ mới dạy cho chúng ta thêm một câu "dâu làm tầm chịu". Đã lỡ làm thân tầm rồi thì phải chịu khó tập tính chịu đựng. Lấy sự đau khổ làm niềm vui thì mới giải thoát được cho tâm hồn ngay thẳng của chúng ta . Các bạn nên nhớ điều này: có giận là có thương đấy !!!. Đến lúc thương đã hết mà giận cũng không còn thì cuộc đời của bạn hết thuốc chữa rồi đấy. Lúc đó có mua trăm ngàn bó hoa cũng không gỡ gạc được gì. Sở dĩ tôi đề cập với bạn điều này chẳng qua là vì mấy hôm nay tôi không có bệnh gì cả mà mỗi lần há miệng là thấy có cái gì vương vướng. Sờ tới cổ thì cảm thấy ngứa cổ. Người ta thường hay nói: "Ngứa mắt hay nhìn, ngứa miệng hay nói", tôi chỉ có ngứa cổ chứ có ngứa mồm đâu thế mà mới mở miệng ra là có người kê tủ đứng ngay. Đã thế lại còn có kẻ muốn xóc cổ tôi nữa chứ . Thế có khổ cho thân già này không ?. Thường thì cái miệng nó hại cái thân, nhưng trong trường hợp của tôi chẵng qua là vì cái tay cầm bút lắc léo mà cái thân tôi phải chịu khổ. Đúng là "dâu làm tầm chịu" . Đành phải chấp nhận thôi. Cứ lấy những điều đã đề cập ở trên để tự an ủi thôi Tôi cũng hy vọng là các bạn nữ đừng có vì giận kẻ bắt cá hai tay (cá trơn lắm bắt một tay là trượt ngay) mà để tâm hận người câu cá.

Dr. T
Bấm link để xem ai là Đốc tờ Ti.

Bài hát cho O Huệ

Bài hát của Ai đó gửi về cho O Huệ (hay O Huế (?))

Xin đừng quên bấm chữ Võ Tá Hân để nghe nhạc

Một Mình

Bản nhạc cho những người đa đoan

Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình, đã có người nghe

Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành
Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình
Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh

Đường xưa quen lối, tình dối người mang
Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan (bấm link để nghe nhạc)
Cố tìm tình chồng chất ngổn ngang
Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu
Tình cờ gặp nhau, ngỡ ngàng nhìn nhau
Để rồi còn gì nữa cho nhau

Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2008

Sợ hay là không thích?

(viết ngày 28.09.2003)

Người ta thường cho rằng đàn ông chúng tôi ích kỷ không bao giờ muốn vợ hơn mình cả vì thế rất sợ những người đàn bà thành công trong trường đời và có cá tính mạnh mẻ. Nếu cho rằng tất cả mọi người đều nghĩ như thế thì hơi hồ đồ không đúng sự thật. Đúng ra thì chỉ có các bà thuộc nhóm "emanzipierte Weiber" của Alice Schwarzer ở Đức hay là các bà thành viên của hội "Liên đới dành quyền sống cho quần chúng" gì đó ở Việt Nam mới suy nghĩ thiển cận như thế mà thôi. Thật ra chúng tôi có bao giờ dành giật quyền sống của ai đâu mà các bà lại làm dữ thế. Chúng tôi chỉ muốn tìm lại chút gì quyền làm người làm chồng của chúng tôi đấy cơ mà. Các bà cũng phải để lại cho chúng tôi tự trọng một chút ít chứ. Lấy hết không chừa một mảnh lá che thân thì trơ trẽn qúa. Trở lại câu chuyện chúng tôi hay sợ và xa tránh những người đàn bà có cá tính mạnh mẻ. Có thật là chúng tôi sợ những người đàn bà này hay không? Trước khi muốn trả lời chín chắn câu hỏi này thì chúng ta cũng phải định nghiã vấn đề cho rõ rệt đã. Theo tôi nghĩ xa tránh thì có chứ sợ thì không hẳn là đúng. Cái gì người ta không thích thì không đến gần và không có đồng nghiã với sợ. Tôi không thích gần gủi với người nào đó vì tôi không thích chứ không phải tôi sợ. Các bạn có đồng ý không nào? Đôi khi lại có những trường hợp ngược lại, tuy sợ đấy nhưng chúng ta lại cứ thích đến gần. Con nít tuy sợ lửa đấy nhưng lại thích nghịch với nến. Thật là mâu thuẫn. Tất cả các sự việc ở đời đều có lý do cả. Lúc còn bé chúng ta đã có một người đàn bà mạnh mẻ bên cạnh chúng ta . Đó là mẹ của chúng ta . Mẹ chúng ta đã bảo vệ chúng ta, lo cho chúng ta từng li từng tí. Dẫn dắt chúng ta từng bước đi, lo cho chúng ta từng miếng ăn, từng lời nói. Lúc nào cũng nơm nơm lo sợ chúng ta vấp ngã. Thế chúng ta có sợ mẹ chúng ta không nào? Không, không không bao giờ !!! Chúng ta luôn luôn thương yêu người cho đến hơi thở cuối cùng. Đến một ngày nào đó chúng ta tạm được gọi là trưởng thành, đủ lông đủ cánh, thì mẹ chúng ta giao chúng ta cho một người đàn bà mạnh mẻ thứ hai trong cuộc đời để chúng ta được tiếp tục dẫn dắt trên con đường đầy cạm bẩy của cuộc đời. Đây cũng là một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời của chúng ta . Cái vui cái khổ từ đây nó quyết định cho chúng ta. Vì thế sự thận trọng của chúng ta trong giai đoạn này cũng đúng thôi. Nó có duyên có cớ cả đấy. Chúng ta với mái tóc hoa râm không còn là chúng ta ở tuổi mới lớn nữa. Lúc còn thơ chúng ta cần được dẫn dắt, nhưng đến lúc trưởng thành thì cá tính riêng của chúng ta cũng từ từ thành hình. Tuy rằng sự hiểu biết còn mù mờ nhưng mầm móng kháng tính bắt đầu phát triển. Đã biết đi biết đứng rồi thì chúng ta cũng thích đi một mình chứ đâu có muốn ai cầm tay dẫn dắt nưã đâu. Tuy tóc đã hai màu đôi khi chúng ta cũng muốn được có người cầm tay, nhưng cầm tay không nghiã là níu kéo. Đấy cũng là cái mấu mâu thuẫn dễ gây ra nhiều hiểu lầm tai hại. Các bạn cứ tưởng tượng đã có bằng lái xe rồi mà cái người ngồi bên cạnh bạn tuy không có nhiều kinh nghiệm lái xe nhưng cứ lên mặt chỉ dẫn và xỉ vả tới tấp như lúc bạn mới học lái thì làm sao mà chịu nỗi. Phải chi mà người ấy thỏ thẻ : anh đừng lái như thế làm em sợ , thì đến bố anh cũng không dám không vâng lời nưã là. Sự khác biệt nó nằm ở chổ nho nhỏ như thế đấy !! Chúng ta không hề sợ, chúng ta cũng muốn được dìu dắt lắm chứ !! Vấn đề chỉ khác nhau là hành xử như thế nào thôi. Chỉ cần một khóe mắt lưng tròng, một cái mím môi khe khẽ, một nụ cười mím chi là ý chí của chúng ta bị quật ngã ngay. Đâu cần phải trừng mắt, vung tay lớn tiếng cho chúng ta sợ hãi. Hơn thua ở sự đời đâu có nghĩa lý gì ?

Dr.T

THƠ CON CÓC

(05/10/2008)

Sáng mùa thu đi chợ Big Xi
Nay thấy mình có dzui hỉ
Hạng nói rằng:"Có lị thì vui nhỉ"
Tuyến xen vào - anh phó nhaý thời ni
Quế có lúm đồng tiền - nhưng ngày xưa không biết
Vy ôn tồn:"Có rượu mời ly đi"
Đến lúc này rượu đã tràn ly
Nhà tui đó:"Có nhiều thứ rượu"
Cừ mời bạn - của quý cha ông
Vui chi lạ cả 5 người gặp lại
Qúa trưa thu mà vẫn êm ru
Vui quá trưa thu hỉ..hả..nhỉ...!

TRƯƠNG CỪ

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2008

Ai bảo đi câu là khổ

Tôi là một người rất là đa đoan, cái gì cũng thích cả. Không có tiền hoặc không có khả năng thì thôi chứ trò chơi nào, mọi thú vui tôi đều muốn thử cả. Đá banh tôi cũng đã từng, nhưng vì đá dở nên chúng nó cho giữ gôn. Mà giữ gôn thì không vui, phe mình mạnh thì đứng không, phe mình thua thì chúng chửi thằng đứng gôn để banh lọt lưới. Đổi qua chơi bóng chuyền vì nhỏ con nên chúng chỉ cho hốt banh thấp. Tối ngày chỉ hốt banh cho chúng cũng chẳng vui gì nên tôi lại đổi qua những trò chơi khác . Trò chơi nào rồi cũng thế thôi, đầu vui sau chán. Có một thứ mà tôi không thể nào tưởng tượng được là có hứng thú vui vẻ là trò đi câu cá. Câu cá có gì vui hoặc hay ho đâu. Trước nhất sáng phải dậy sớm sửa soạn cần câu cá kệ bắt giun. Rồi sau đó ngồi dầm mưa dãi nắng cả ngày để câu được một vài con cá quèn. Đôi khi chẳng câu được con nào mà còn phải mất tiền mua cá để vợ khỏi mắng là vô tích sự. Có việc câu cá mà cũng không xong thì làm ăn cái giải gì. Vui thì chắng có gì mà chỉ thấy toàn phiền toái. Nhất là ở Đức muốn đi câu cũng không dễ. Lấy bằng câu cá xong không biết phải đi câu ở đâu để khỏi bị phạt.


Ở Đức thì khổ như thế thì ở những nước khác thì sao ? Tình cờ hôm trước tôi có đọc được một tin ở Nhật như sau:


Một ông giăng câu để móc quần lót của phụ nữ

Cảnh phơi quần áo tại Tokyo. (Hình: Alexander Nemenov/AFP)

TOKYO – Theo tin của báo chí Nhật, ông Akira Hino, 51 tuổi, có tật mê quần lót của phụ nữ. Cũng vì nỗi đam mê này, ông bị bắt quả tang trong lúc dùng cần câu để câu quần lót như câu cá.
Vào ngày Thứ Ba vừa qua, cảnh sát Nhật nói rằng họ bắt ông Hino trong tuần trước. Lúc đó ông đã câu hai chiếc quần lót được phơi trên ban-công tại một căn chung cư trên tầng lầu thứ nhì.
Nhật báo Mainichi Shimbun cho biết ông Hino dùng một cây cần câu dài khoảng ba thước (10 feet) và móc quần sì với lưỡi câu.
Khi đến nhà của ông Hino để điều tra, cảnh sát khám phá trên 500 chiếc quần lót của phụ nữ. Ông nói với các điều tra viên rằng ông mắc tật ăn cắp đồ lót của phụ nữ từ năm 18 tuổi.
Bản tin không cho biết ông bắt đầu dùng cần câu từ lúc nào. (h.d.)

Thế thì mới thấy ở Nhật cũng chẳng khá gì hơn Đức. Muốn đi câu cũng chẳng có
chổ để câu. Không câu được thì thôi chớ làm gì mà ghiền đến độ phải làm những chuyện buồn cười như thế. Để thỏa mãn tính tò mò cố hữu tôi hỏi bạn, một người chuyên câu cá ở Mỹ, bạn ấy bảo: chú mày thật là ngây thơ. Ở đời chú mày phải biết. Thật là hư và hư là thật. Mọi việc không phải thấy vậy là sự việc cũng s ẽ như vậy. Anh ấy không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà chỉ kể cho tôi câu chuyện sau đây:

Có một anh chàng rất là bận bịu, ít khi có thì giờ rãnh rỗi. Hết việc ở sở xong là về nhà anh phải lo việc nhà cho vợ. Một ngày kia anh lấy thêm một bà vợ hai. Bạn bè đều ngạc nhiên và chất vấn anh ấy. Sao, đằng ấy cứ than là không có thì giờ cho bản thân mà bây giờ lấy đâu ra thêm thì giờ mà đèo bồng ? Anh ấy trả lời: các bạn không biết đấy chứ, bây giờ tôi không ở nhà thì vợ tôi nghĩ tôi đang ở nhà bà hai, còn bà hai thì lại nghĩ tôi đang ở nhà vợ !

Sau khi kể xong anh ấy còn thêm một câu: Ở Mỹ kiếm thêm bà hai khó quá nên đành phải đi câu cá vậy !

Dr.T

O Huệ

và chàng Phan Châu Trinh (không phải cụ PCT)

Tôi và Ðà quyết định. ở nhà câụ Minh, cho dù từ nhà câụ ấy trong thành Nội đến trường Khoa hoc, bên kia câù Trủờng Tiền khá xa và đi bộ mât gần 1 giờ cho mỗi lần đi, lần đầu tiên đi học xa nhà nên cũng không có sự chọn lựa nào khác, từ từ rôì tính lai.

Mẹ tôi lúc còn nhỏ sống ở Haỉ Phòng có quen 1 ngườì mà tôi goị là cô X. vốn là ngườì Huế nhưng làm con nuôi cho 1 người Pháp, sau 1954 cô X. di cư vào Ðànẵng và mẹ tôi gặp lại ngườì bạn cũ ở đây 1 cách tinh cờ, cô X. bán hàng xén tại chợ Vườn Hoa Ðànẵng và mẹ cuả Ðà bán cạnh cô X. nên mẹ tôi và mẹ Ðà đã trở thành bạn từ đó, câụ Minh là em cuả Cô X nên tôi và Ðà đủợc cô giới thiêụ đến ở nhà câụ Minh trọ hoc.

Nhà cậu Minh 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ thêm đứa tớ gái độ 14 tuôỉ, cuộc sống rất êm đềm mặc dù chiến tranh chỉ lảng vảng độ 20km, hầu như nhà nào cũng có 1 mảnh vườn riêng, cây cối um tum làm cuộc sống cuả Cố đô thêm ảm đạm nhủ tên gọi cuả nó.

Nhà câụ Minh không có giếng nước nên phảỉ dùng chung với nhà bên cạnh đó là nhà cuả O Huệ, 1 căn nhà khá đẹp và đất khá rộng, phần cuối cuả mảnh đất là nhà vệ sinh và giữa là cái giếng mà chúng tôi tắm giặt súc miệng môĩ sáng. Câụ Minh là đại úy làm việc ở toà tỉnh Thủà thiên khoảng độ 30 tuổi nên với chúng tôi cậu rât cớỉ mở và nhịp cầu giao cảm đầu tiên là chuyện O Huệ khoảng 18 tuôỉ đang học năm cuối của trung hoc Ðồng Khánh, trong nhà chỉ còn 1 mẹ 1 con và 1 đứa tớ gái độ 15 tuôỉ hay sang nhà câụ Minh chơi với con ở bên này và cũng là ngườì giao liên những chuyện thèo lẻo. Cậu Minh cho ý kiên, 1 trong 2 chú nên tấn công vào, vì O Huệ có nhiều điểm tốt hơn xấu -- Tôi cũng chắc chắn rằng O Huệ cũng đang có đầy đủ dữ kiện về chúng tôi, 1 anh Tây lai 95% tóc vàng và 1 anh bắc kỳ chinh gốc hiêụ thuôc lào Quỳnh Lâm còn xanh xao sau cơn gió tú tàì ác ôn để khỏỉ đi trung sĩ, chưa 1 lần yêu thật (toàn yêu nhanh và mạnh xong rút lui vì nhiều lý do), thích nhạc họ Trịnh, thơ Nguyễn Bính, yêu hoa mồng gà và Ngọc Lan ..vv.. Nhưng cho đến lúc này thì chúng tôi vẫn chưa thấy được O Huệ, lúc sang giếng tắm giặt cả hai thỉnh thoảng nhìn qua cửa sổ, nhưng chỉ thấy bông hồng thoáng qua, rôì qua, rôì qua và chẳng thấy gì hết.

Mọi ngày đều như nhau, ăn, ngủ đi học, thư viên ...nhưng khi đứng bên giếng thì đôi mắt lại giáo giác tìm O Huệ nhưng vẫn hoài công cho đến 1 hôm cả 2 đang súc miệng và rửa mặt thì 1 cái bóng đỏ chạy với hi speed từ nhà vệ sinh băng qua giếng rồì vào nhà chỉ hơn 2 second, đó là O Huệ.

Ðà hỏi tôi mày có thấy mặt không vậy, tôi buồn bã trả lờì không, tôi hỏỉ lại Ðà còn mày thì sao, Ðà chỉ lăc đầu. Sau bữa ăn sáng trên đường tới trường cả 2 chúng tôi bàn bạc về O Huệ, tôi nói có lẽ gia đình O Huệ là hâụ duệ cuả Nguyễn văn Tường hay Tôn thất Thuyết nên cô ta mới không thích mấy thằng Tây lai như mày, chứ không thì ngườì ta chỉ chạy nhanh như vậy khi bị Taò Tháo rượt thôi, còn xong rôì thì chậm raĩ mà đi, chỉ có thù hằn dân tộc mới không cho ngườì khác gặp mặt, còn không thì cúi đầu lấy mái tóc dàì che mặt như những người con gái trong lớp 12A2 ở lớp mình hay làm đó, Ðà im lặng giây lát rôì nói chậm raĩ …

- Chạy nhanh như vậy taị sao không ngã trẹo giò, tao chỉ cầu có thế để bồng O Huệ vô nhà.

Tôi trả lờì:

- Tiên sư tên đểu.

Sau gần 3 tháng lội bộ môĩ ngày và lúc này đã quen nước ,quen cái ở cái đất thần Kinh này, nên chúng tôi tìm nhà ngoàì thành để đi học gần hơn, thật may cho chúng tôi gần cầu Ðen có 1 căn phòng cho thuê, chủ nhà nhận nấu ăn nên rât tiện , chúng tôi sau khi coi nhà và bữa ăn tối hôm đó đã đề cập chuyện dọn nhà với vợ chồng câụ Minh, chỉ tiếc vẫn chưa gặp O Huệ mà tuần sau thì dọn đi rôì, chúng tôi chỉ còn 2 ngày nữa taị nhà câụ Minh, trong lúc đang đem quần áo ra giếng giặt thì O Huệ với cây so dài ra vườn hái vú sữa.

Vâng, O Huệ thật dễ thủỏng, nhìn tôi đôi với đôi mắt e thẹn --- thôi chết tôi rồì, tiền nhà và tiền ăn đã đưa cho chủ nhà mới rồì làm sao mà lấy laị, tôi chỉ muốn nói với câụ Minh là xin ở laị thôi, còn Ðà thì như thằng mât hồn, sau đó khi vào nhà tôi nói với Ðà.

- Lúc nhìn mày, tao thấy O Huệ mím môi laị, đó tao nói có sai đâu, giòng họ này có mối tư thù với thực dân đó, mày liêụ hồn tránh cho xa. Tôi dự định sẽ đến thăm câụ Minh thủờng xuyên sau khi dọn nhà.

Chiến tranh đến qúa gần và những biến chuyển sau đó để tôi không còn dip găp laị O Huệ nưã, và tôi cũng biêt rằng trái tim tôi đang có 9 lỗ nhỏ thì lỗ thứ 3 là của O Huệ.

Nguyễn Kim Hải 12A2 -74

Đa đoan

Ngày xưa khi có gì không bằng lòng mẹ hay mắng tôi: "đừng có đa đoan mà khổ đấy con ạ !". Mẹ mắng thì bắt buộc tôi phải nghe chứ thật tình tôi cũng chẳng hiểu đa đoan là gì mà mẹ hay mắng tôi như thế ? Lúc đó tôi còn quá ngây thơ để có thể hiểu mẹ tôi muốn ám chỉ điều gì. Quả thật là tôi có đa đoan hay không? Tôi cũng chẳng biết. Nhưng hiểu con thì không ai hơn mẹ, mà hiểu chồng không ai hơn vợ. Con gái thì lúc ấy tôi ghét cay ghét đắng thì làm sao mà có vợ. Như thế thì mẹ bảo phải đúng thôi. Đa đoan là gì nhỉ ? Loáng thoáng tôi nghe các chị rù rì với nhau, con ấy nó đẹp mà đa đoan lắm! Đa đoan cho lắm thì đừng có than phân trách phận rồi kêu khổ. Chẳng ai thương cho nào!,“À thì ra là thế. Đa đoan là lắm bầu lắm bạn, nhiều duyên lắm nợ, ân nhiều và tình cũng lắm! Khổ là phải rồi ! Nhưng mà tôi nào có biết yêu đương là gì mà mẹ lại bảo tôi đa đoan với lại đa tình. Tôi có đạp phải bánh tráng của ai đâu mà phải mang nợ ân tình? Tính tôi rất thẳng thừng, thẳng như ruột ngựa, thương thì bảo thương mà ghét thì rõ ngay ra mặt làm sao mà dấu diếm ân tình để được gọi là đa đoan? Khổ thế ! Đa đoan cũng khổ mà không đa đoan cũng chẳng sướng gì hơn. Cũng vì hai chữ đa đoan mà tôi nghe có người than thở như sau:

Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ
Tình người đa đoan

Lại rối rắm nữa rồi. Tình riêng của mình thì lại đem bày ra giữa chợ. Mà tình người là tình của ai đây? Tại sao của người khác mà mình lại đa đoan? Tình của mình còn chưa giải quyết xong cớ chi lại dây dưa gì với chuyện người khác cho khổ thân. Ngoài ra người ta lại bảo "đa đoan là bệnh đàn bà". Nhưng tôi có phải là đàn bà đâu mà đa đoan? Khổ quá! Càng hỏi tôi càng phân vân, thắc mắc. Hay là mình cũng là đàn bà phụ nữ ??? Thế thì tai hại trầm trọng. Không thể được ! Như thế thì đa đoan không thể nào chỉ có ý nghĩa này. Cái hoang mang này nó lại bắt buộc tôi phải động não lang thang qua sách vở tìm tòi. Qua sách vở tôi được biết thêm đa đoan còn được hiểu là đa mang và đoan chính. Người đa đoan là người đa tình, đa sầu, nhạy cảm và vì thế dễ bị tác động bởi ngoại cảnh. Thấy ai đau khổ thì nhạy cảm đến an ủi rồi có ngày phải lòng người ta luôn. Người đa đoan cũng là người hay suy nghĩ, lo lắng cho những việc không hẳn liên quan trực tiếp đến mình. Được việc thì không ai nhắc đến, hỏng việc thì bị mắng là đa đoan. Vì thế có đa đoan thì cũng vừa vừa thôi, chứ đa đoan quá thì thành nguời hay lo lắng linh tinh, lăn tăn, để rồi người đời cho là lẫm cẫm lo bò trắng răng. Thế có buồn không chứ. Bởi thế mẹ bảo thì không sai bao giờ!!!

Dr. T

Cái Sợ

Bạn mến,

Phàm làm người ai cũng có cái sợ cả. Cái sợ nó đi dính liền với đời sống con người chúng ta như miếng ăn cái mặc. Nó đeo đuổi cuộc đời chúng ta như hình với bóng. Có người sợ ma, có kẽ sợ thất tình vân vân và vân vân... Cái sự sợ hãi nó muôn hình vạn trạng không sao kể hết được. Có nhiều người có cái sợ chung giống nhau, nhưng cũng có nhiều người có cái sợ riêng biệt lạ kỳ. Cái sợ của người đàn ông đôi khi cũng khác cái sợ của đàn bà, không có cái sợ nào giống cái nào cả. Đọc dến đây chắc bạn lại bảo tôi : thôi biết rồi nói mãi, chú mày muốn nói cái gì thì cứ vào đề thẳng ngay đi, chứ cần gì phải nói vòng vo ông cụ. Chú mày muốn nói ông sợ vợ thì cứ nói toạt móng heo ra đi, nói tới nói lui làm ông đây sốt cả ruột. Không, không, tôi xin thưa với các bạn tôi không dám nói đến cái sợ đó đâu. Cái sự sợ vợ nó xưa như trái đất. Nó đã được bao nhiêu văn sĩ của bao nhiên thời đại đề cập đến rồi, còn gì để cho tôi nói nữa. Với lại khi nói đến cái sự sợ vợ là tay tôi nó cứ run lên, đầu óc thì cứ quay cuồng thì làm sao mà viết với lách đây chứ. Khiếp thế !! chỉ mới nghĩ đến thôi mà người tôi nó run bần bật. Tôi phải cần đến mười phút mới hoàn hồn để viết tiếp đấy bạn ạ. Tôi nghĩ cái sợ của tôi các bạn không bao giờ ngờ đến. Trong đời tôi có nhiều cái để sợ, một trong những cái sợ khủng khiếp đối với tôi là cái "đũa Cả". Cái gì? Hết chuyện chơi rồi sao? Thiếu gì cái để sợ mà chú này lại đi sợ cái đũa cả? Nếu bạn là người Bắc thì chắc bạn đã biết cái đũa cả chứ gì? Cái đũa cả là cái đũa lớn thôi có gì mà chú mày lại sợ khiếp thế. Đúng là chú mày thỏ đế nên mới sợ vẫn vơ. Không đâu các bạn ạ, cái sợ của tôi nó có lý do hẵn hòi chứ không vẫn vơ đâu. Số là tôi có người vợ gốc Hà Đông, tuy không có học võ nhưng múa đũa cả rất hay. Nhà tôi lúc lên cơn tam bành thì không bao giờ có chuyện chén bay bát vỡ cả nhưng cái đũa cả thì nó múa vù vù nghe tiếng gió không cũng đủ sợ. Cái nguy hiễm của cái đũa cả nó không đơn giản như vậy. Cái nguy của nó nằm ở chỗ bất ngờ. Đôi khi xuống bếp mình đang vui tính hỏi cưng ơi có gì cho anh ăn không mà quên quan sát nét mặt của nàng lúc đó là ăn ngay cái đũa cả. Phải chăng lúc đó có được cái nón sắt thì họa may tránh được. Cái khổ của mình là không biết lúc nào để đội nón sắt. Chả lẽ cả ngày cứ phải đội nón sắt ở trong nhà? Nhiều khi cái nguyên do ăn đũa cả nó bắt nguồn từ quá khứ, nhưng đến lúc đó nó tiềm tàng trong ý nghĩ của nàng nên sự xuất hiện không đúc lúc cũa mình là hậu qủa phải ăn đũa thôi. à tôi có điều này muốn hỏi bạn, hồi xưa bạn đâu có đi lính đâu mà nhà bạn lại có nhiều nón sắt thế?
Viết 01.01.2002

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog