GN: Hôm nay đọc một bài thú vị về Quốc Hoa và cách cắm hoa Sen ở xứ người. Lại đọc thêm một bài về một loại hoa mà ngày còn bé tôi cũng cứ thắc mắc hoa Trang có phải Mẫu Đơn, đến khi lớn tìm hiểu thì không phải cho nên cũng chả biết hoa Trang ra làm sao. Mãi đến khi sang tận Indonesia, người ta chỉ cho, mới biết hoa Trang ra làm sao, ai cũng cười vì cái tội không biết hoa Trang. Dĩ nhiên tại sao người ta cười cho, đó là bí mật không thể tiết lộ ở đây được. Đọc bài viết sau đây của Uyển Vy, sự dí dỏm của người viết mới là đặc biệt.
"Sinh nhật bạn tôi dễ nhớ vì nó trùng với ngày sinh của một nhóm những
người có chung lợi ích, gọi tắt là cụ Đ. Nghe đâu năm nay cụ đã được 84
tuổi, sống thế nghĩ cũng đã thọ, nhưng xưa nay người thọ mà minh mẫn
kèm theo cơ thể khỏe mạnh thì thường hiếm. Điều hiếm ấy chỉ có thể xảy
ra với những bậc kỳ tài, nhưng xem ra thì còn lâu cụ Đ mới được liệt vào
nhóm tinh hoa của tinh hoa ấy, nhưng Cụ nào có nghĩ vậy. Thế nên mỗi
dịp Sinh thần Cụ thì đám con cháu của Cụ lại cờ giong trống mở với khẩu
hiệu “Mừng Cụ mừng Xuân” làm phiền thiên hạ.
Mình thì chỉ mong Cụ Đ hiểu rằng trong một số hoàn cảnh thì cái câu
“đa thọ, đa nhục” là đúng để Cụ đừng nuối tiếc cái thuở còn đương xuân
nữa. Dài dòng vậy cũng chỉ để nói thế này: vào cái ngày hôm nay tôi chỉ
mong bạn tôi mạnh khỏe để lo cho Mẹ, cho con, cho chồng, còn thì với Cụ
cho dù sinh cùng ngày với cô bạn, tôi cũng chỉ có thể mong Cụ sớm ra đi
trong an bình"
Trang
Cuối năm ngoái, khi ở Sofitel Siem Reap, tôi bắt gặp một bình hoa
chưng một loại bông rất lạ trước nhà hàng Nhật. Lại gần nhìn xem thì hóa
ra đó chính là bông Trang đỏ. Thuở nhỏ tôi thường gặp loại hoa này ở
hàng rào hay trong chậu ở sân các nhà hàng xóm. Lũ nhóc bọn tôi hay bứt
cái nhị bông Trang ra rồi chu miệng hút chất mật ngọt trong đó, tranh
mất phần của bầy ong. Có điều bông Trang thuở ấy thường có màu đỏ xin
xỉn hoặc đỏ cam nhàn nhạt, chẳng hề bắt mắt như những loại bông Trang có
màu sắc rực rỡ xuất hiện ở nước ta sau này.
Chính vì bề ngoài tầm thường hồi đó của bông Trang mà tôi đã từng sai
lầm đánh giá thấp nó mà không hề biết rằng đôi khi nó còn được gọi bằng
một cái tên khác rất mỹ miều. Ngày ấy, tuy còn bé, nhưng tôi đã đọc
tuốt luốt những cuốn truyện mà mấy anh chị trong nhà lớn hơn tôi đến
mười mấy, hai mươi tuổi thường đọc. Trong số đó có cuốn Mẫu đơn của nhà
văn Pearl Buck nói về cô hầu gái tên Mẫu đơn giúp việc cho gia đình một
người Do Thái sống ở Trung quốc. Đọc xong tôi cũng biết được Mẫu đơn là
tên một loài hoa và cứ đòi mấy chị chỉ cho tôi xem hình dáng của loài
hoa ấy. Đến khi biết Mẫu đơn chính là bông Trang thì trong lòng tôi có
đôi chút thất vọng. Giống như khi bạn nghe một người con gái tên Kiều
Diễm nhưng chưa gặp mặt, thế nào trong đầu bạn cũng liên tưởng đến hình
ảnh một cô gái nhan sắc lộng lẫy. Khi gặp mặt, nếu cô ấy không được như
bạn kỳ vọng thì cái cảm giác bạn đang có chính là trải nghiệm của tôi
ngày ấy đấy.
Tôi có cô bạn học cùng lớp cấp 3 ở trường Minh Khai, tên là Hồng
Trang. Bạn tôi xinh xắn, học giỏi nên có vài tên hàng xóm lớp bên cạnh
xốn xang. Ngày ấy tim ai có đập đùng đùng, cũng chỉ được chúng tôi dùng
một động từ đơn giản “thích” để mô tả, chẳng hạn: “tên Đ thích nhỏ T
đó”. Với lũ chúng tôi ngày đó, cái chữ “thích” này nó ghê gớm lắm chứ
không đơn giản như cú click chuột vào chữ “like” trên FB đâu. Thích
nghĩa là mất ăn mất ngủ, học bài không vô đó chứ chẳng chơi đâu! Có khi
tập vở chẳng thấy bài viết mà chỉ thấy tên của ai kia nắn nót đứng cạnh
tên mình khắp mấy trang giấy. Liều lĩnh hơn nữa, không chừng lại có cả
hình trái tim, may mà chưa đến nỗi có hình mũi tên xuyên qua kèm vài
giọt máu nhỏ ra từ vết thương lòng.
Ít người biết Trang chính là Mẫu đơn, vậy mà thích Trang quá đi, nên
chàng Đ cũng biết được điều ấy. Nghe đồn, có hôm “xốn xang” quá, chàng
bày tỏ nỗi lòng trong lớp khoảng 50 mạng toàn con trai của chàng rằng
chàng thích Mẫu đơn, chứ cũng chẳng dám nói rõ tên cúng cơm của nàng.
Rồi cũng như bao mối tình câm thời đi học, hai người cũng lên xe bông
nhưng là trên hai chiếc xe khác nhau vào thời điểm hoàn toàn khác nhau.
Chắc là như vậy, hai người vẫn sẽ có cái nhìn trong trẻo khi nghĩ về
nhau như hai cô cậu học trò thuở mười tám đôi mươi.
Hình bình hoa Trang trong khách sạn Sofitel Siem Reap, tôi chụp từ hồi Tháng 11/2013 định để dành cho một entry nào đó. Hôm nay, tôi phải thực hiện cái entry “nào đó” thôi vì Sinh nhật Hồng Trang đúng vào ngày 3/2. Thường thì ngày này tôi sẽ gọi hoặc nhắn tin cho nhóm bạn cùng lớp để nhắc: “Ê, hôm nay SN nhỏ Hồng Trang, chúc mừng nó đi nhé”. Thế rồi cả nhóm lại gửi email chúc những điều tốt lành cho bạn. Năm nay, sẵn có blog, tôi làm luôn entry này mừng bạn và sẵn tiện khoe cái bình bông đẹp. Thú thật, tôi chưa từng thấy ở nước mình có ai chưng bông Trang thế này. Có hôm họ thay bông Trang đỏ bằng bông Trang vàng, đẹp lắm, tiếc là tôi không có giờ để chụp khoe với mọi người.
Sinh nhật bạn tôi dễ nhớ vì nó trùng với ngày sinh của một nhóm những
người có chung lợi ích, gọi tắt là cụ Đ. Nghe đâu năm nay cụ đã được 84
tuổi, sống thế nghĩ cũng đã thọ, nhưng xưa nay người thọ mà minh mẫn
kèm theo cơ thể khỏe mạnh thì thường hiếm. Điều hiếm ấy chỉ có thể xảy
ra với những bậc kỳ tài, nhưng xem ra thì còn lâu cụ Đ mới được liệt vào
nhóm tinh hoa của tinh hoa ấy, nhưng Cụ nào có nghĩ vậy. Thế nên mỗi
dịp Sinh thần Cụ thì đám con cháu của Cụ lại cờ giong trống mở với khẩu
hiệu “Mừng Cụ mừng Xuân” làm phiền thiên hạ.
Mình thì chỉ mong Cụ Đ hiểu rằng trong một số hoàn cảnh thì cái câu
“đa thọ, đa nhục” là đúng để Cụ đừng nuối tiếc cái thuở còn đương xuân
nữa. Dài dòng vậy cũng chỉ để nói thế này: vào cái ngày hôm nay tôi chỉ
mong bạn tôi mạnh khỏe để lo cho Mẹ, cho con, cho chồng, còn thì với Cụ
cho dù sinh cùng ngày với cô bạn, tôi cũng chỉ có thể mong Cụ sớm ra đi
trong an bình. Chào thân ái và đoàn kết.
———————–
Khi tìm hình ảnh cho bài này, mình lấy làm lạ là kết quả cho ra hình
ảnh của một loại hoa lạ, mình chưa từng thấy ở VN, kết quả chỉ hiển thị
lác đác vài bông Trang. Có người bạn đọc bài sớm, góp ý với mình về chi
tiết này, nên mình phải thêm dòng chữ “…đôi khi nó (bông Trang) còn được
gọi bằng một cái tên khác rất mỹ miều”. Tác phẩm Mẫu đơn, sau năm 1975
được tái bản với tựa mới là Trang.
Có một cậu em đã giúp tìm trên Wikipedia cách giải thích sau:
Mẫu đơn trong tiếng Việt có thể là danh từ dùng để chỉ:
Các loài hoa thuộc chi Ixora, thực vật làm cảnh
thường thấy ở Việt Nam, bán đảo Đông Dương, nam Ấn Độ và Srilanka. Cho
hoa quanh năm. Gắn liền với Phật giáo nam truyền. Trong dân gian Việt
Nam gắn liền với truyền thuyết về chàng Từ Thức.
Các loài hoa thuộc chi Paeonia, những loài thực vật thường thấy dùng làm cảnh ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.
Trang thuộc chi Ixora, như thế Mẫu đơn vẫn có thể gọi là bông Trang,
nhưng Peony không thể dịch là bông Trang được. Vài người bạn gốc Bắc cho
mình biết ở Miền Bắc mọi người gọi bông Trang là Mẫu đơn.
Hi hi, em đọc chổ chị không biết bông Trang em cũng cười đấy. Thế hệ 6x của em ở Sài Gòn còn biết bông này mà. Bông này ngày xưa người ta còn dùng để chưng bàn thiên cúng rằm nữa đó chị. Thân cây chẻ ra và lá phơi khô rồi sao lên sắc nước làm thuốc chữa bịnh phụ nữ và bé gái tuổi mới lớn bị khí hư nhiều nữa đó chị
Trả lờiXóaHoá ra thân bông Trang còn là vị thuốc nữa sao. Ai hỏi thì biết là tên một loại hoa, mà người ta hỏi hoa gì thì ... mù.
Trả lờiXóaCám ơn em nhé.