Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08-Tháng 3

Tuần vừa rồi qua email một vài bạn ở Việt Nam, tôi khám phá ngày 8 tháng 3 là ngày lễ Quốc Tế Phụ Nữ. Tôi ở một quốc gia văn minh nhất nhì thế giới, và tôi không phải là anh Sáu chân lấm tay bùn, thường theo dõi tin tức thường xuyên thế mà tôi không biết gì về ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Điều này làm tôi cảm thấy thật xấu hổ.
 
Việc gì không biết thì phải tìm hiểu cho biết. Những lịch treo tường ở nhà tôi  ngày nào đặc biệt thì có in trong ô cho biết là ngày gì. Tôi xem cả ba tấm, thấy ngày 8 tháng 3 trắng, không có gì đặc biệt cho ngày đó làm tôi hơi ngạc nhiên. Nước Mỹ là nước khỉ gió việc gì cũng đặt phụ nữ là trên hết, vậy mà họ lại không kỷ niệm ngày Quốc Tế Phụ Nữ, thế là thế nào?
 
Tìm hiểu về lịch sử của ngày Quốc Tế Phụ Nữ trong Wikipedia, tôi khám phá nó bắt đầu từ Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa của Mỹ ở Chicago vào năm 1908. (Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa đã dẹp tiệm từ năm 1956 khi ứng cử viên Tổng Thống chỉ nhận được 6000 phiếu. Lý do rất dễ hiểu là chữ “Socialist - Xã Hội Chủ Nghĩa" ở Mỹ đồng nghĩa với chữ “Cộng Sản”, mà dân Mỹ thì chống Cộng khỏi nói, như mấy bà vợ chống đối việc mấy ông chồng có vợ Hai, vợ Ba).
 
Khích lệ bởi các đồng chí ở Mỹ, đảng viên Đức Luis Zietz và bà lãnh đạo đảng Cộng Sản  Clara Zetkin đề nghị đặt ra một ngày trong năm là ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Những năm sau đó, Cộng Sản Nga-Sô là nước tích cực giữ ngày này, cho đến năm 1965, nó trở thành ngày nghỉ lễ chính thức ở Nga-Sô. Hiện nay có 29 quốc gia kỷ niệm ngày Quốc Tế Phụ Nữ là ngày lễ nghỉ, hầu hết đều là các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, hay quốc gia Cộng Sản, hoặc các quốc gia tách rời từ khối Cộng Sản Nga-Sô ở châu Á.
 
Âu Châu cũng kỷ niệm Quốc Tế Phụ Nữ, Journée internationale de la femme, nhưng không phải là ngày lễ nhân công được nghỉ.
 
Tôi bây giờ đã già, không còn trẻ, không còn nằm trong thời gian độc thân tối ngày phải o bế vợ tôi, lúc bấy giờ chỉ là bồ, để hy vọng mình lọt vào con mắt còn có đuôi của nàng rồi rước nàng về dinh,  nên tôi muốn thẳng  thắn nói ra ý nghĩ của tôi là khi nói về bình quyền thì phụ nữ đòi hỏi quá mức, hơn nam nhi chúng ta rất nhiều.
 
Trong năm họ đã âm mưu đen tối đặt ra ngày Valentine's Day, Ngày Lễ Tình Nhân. Mới đọc thì cứ tưởng là dành cho cả nam nữ nhưng thật ra vào ngày  Valentine's Day tôi chỉ thấy mấy ông chạy hụt hơi mua quà, mua hoa hồng, mua nhẫn hột xoàn cho bồ, cho vợ, chứ có bao giờ thấy ngược lại đâu? Một ngày chưa đủ, họ còn muốn ngày thêm một ngày Quốc Tế Phụ Nữ để đàn ông chúng ta phải tấm tắc trầm trồ khen ngợi những thành quả phụ nữ  đạt được trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, ... hột xoàn, và bao nhiêu ví Chanel & Louis Vuitton họ gặt hái được trong đời.
 
Đàn ông chúng ta là người khiêm nhường, không muốn khoe khoang, nên thế giới không bao giờ có ngày Nam Nhi Quốc Tế, International Men's day, Journée internationale de l'homme. Việc gì đàn ông chúng ta làm cũng giỏi hay nhiều hơn đàn bà, thế mà chúng ta có bao giờ đòi hỏi phụ nữ phải khen thưởng chúng ta đâu? Đó là đức tính khiêm nhường mà đàn bà không có như đàn ông chúng ta.
 
Bước vào một tiệm ăn Việt Nam ở Mỹ, bồi bàn toàn là đàn ông, hầu như không bao giờ thấy đàn bà. Thợ sửa ống nước, nhân viên hốt rác, nhân công trong ngành xây dựng...đại đa số là đàn ông. 93.2% tù nhân ở nước Mỹ là đàn ông, chỉ có 6.8% là đàn bà. Làm gì chúng ta cũng hơn đàn bà, thế mà chúng ta có khoe khoang hay than phiền đâu?
 
Một điều tôi rất bực là đàn ông chúng ta làm việc sút vó nuông chiều phụ nữ, thế mà họ cứ nói là xã hội bất công, đòi hỏi nam nữ bình quyền. Họ đòi hỏi lương bổng và môi trường làm việc phải bình đẳng như phái nam. Nam nhi chúng ta đồng ý. Họ đòi hỏi khi sinh sản được nghỉ phép. Nam nhi chúng ta đồng ý. Họ đòi hỏi có quyền phá thai vì họ cưu mang đứa trẻ, không phải đàn ông. Nam nhi chúng ta đồng ý. Họ đòi hỏi quyền đi bầu.  Nam nhi chúng ta đồng ý. Họ đòi hỏi các hãng xưởng không được quyền thiên vị nam phái, không được phân biệt nam, nữ khi mướn người.  Nam nhi chúng ta đồng ý.
 
Bao nhiêu những chuyện phụ nữ đòi bình quyền, chúng ta đều thỏa thuận. Thế nhưng khi có những chuyện nặng nhọc thì tôi thấy đàn bà thật mâu thuẫn. Tôi ghét đàn ông Âu Mỹ đã đặt ra tiêu chuẩn mà bây giờ tất cả đàn ông phải noi theo là ga-lăng (galant, gallant), dịch ra tiếng Việt Nam là tuy-trong-lòng-phẫn-uất-nhưng-ngoài-mặt-đàn-ông-tươi-cười-bày-tỏ-hành-động-chiều-chuộng-phụ-nữ.
 
Khi ra xe, tuy phụ nữ không phải bán vé số như Hàn Mặc Tử, hay yếu đuối nằm liệt giường như Lê-Ngọa-Triều, đàn ông chúng ta phải mở cửa xe chờ cho nàng ngồi vào trong xe rồi đóng cửa lại, sợ nàng đóng cửa thì gẫy móng tay. Đến tiệm ăn nếu không có bồi bàn thì mình phải kéo ghế của nàng ra cho rộng chỗ một tí, chờ nàng dùng hệ thống điều khiển radar hướng dẫn cặp mông của nàng xòe xuống ngồi chính xác vào vị trí rồi chúng ta mới khe khẽ đẩy ghế nàng vào gần bàn.
 
Đã thế, to add insult to injury, thành ngữ tiếng Anh có nghĩa là mình đã bị thiệt hại nặng nề rồi mà người ta còn làm tự ái mình bị tổn thương trầm trọng,  khi bồi bàn mang thức ăn ra, họ luôn luôn đem cho phụ nữ trước, đưa cho đàn ông chúng ta sau cùng, thế có tức không chức!
 
Khi nói về phụ nữ đòi hỏi bình quyền, tôi thấy họ rất mâu thuẫn. Những chuyện nặng nhọc trong nhà như đổ rác, lau nhà, dọn dẹp restroom thì không cần vợ ban hành sắc luật tổng động viên huy động (nam) nhân lực dưới 90 tuổi, tôi cũng tình nguyện làm vì nghĩ rằng phụ nữ chân yếu tay mềm. Đôi lúc tôi bận hay chán không muốn làm thì dĩ nhiên là nàng sẽ phụ giúp, thế nhưng đã tốt nghiệp tính nết Bắc Kỳ của tôi với bằng ưu hạng, nàng chỉ cần nói bâng quơ "bao rác này nặng, sức em đàn bà khiêng không nổi" là lần tới có bệnh liệt giường đến đâu đi nữa, tôi  cũng cố gắng khiêng bao rác ra thùng rác to bên ngoài, không để cho nàng làm.
 
Ngoài miệng thì nói: "Sức em đàn bà khiêng không nổi", nhưng mỗi lần xem hình chụp thì không một lần nào là nàng không nói: "Em mập quá!" , và vì cứ lo sợ mập nên tối ngày nàng đi tập thể dục. Đến gym thì nàng trở thành The Incredible Hulk, anh chàng Dr. Bruce Banner trong sách hình vẽ vì một thử nghiệm y học sai lầm mà khi giận dữ, anh ta biến thành một quái nhân mầu xanh lá cây khổng lồ có sức mạnh kinh khiếp. Ai thấy mấy cô đi tập ở gym mà không sợ tái mặt thì tôi ...cùi sứt móng. Cô nào cô nấy dở tạ vài chục ký-lô, nhẹ hơn bông gòn. Ở gym mấy cô mạnh khỏe, bắp thịt cuồn cuộn như Anh Vọi, nhưng khi đi với đàn ông chúng ta, mấy cô bỗng dưng trở thành phái yếu để chúng ta phải dành làm việc nặng nhọc? Quá mâu thuẫn!
 
Trong việc đòi hỏi nam nữ bình quyền, lịch sử Hoa Kỳ đã cho thấy sự mâu thuẫn của các cô: Dù rằng nước Mỹ có bao nhiêu luật pháp bênh vực quyền lợi phụ nữ được công bằng như đàn ông, hãng xưởng không được xử bất công với phụ nữ, bảo vệ vợ nếu bị chồng ngược đãi, phụ nữ Hoa Kỳ vẫn chưa vừa lòng, đòi hỏi phải ghi rõ sự nam nữ bình quyền vào Hiến pháp Hoa Kỳ qua đạo luật bình quyền bổ xung Equal Rights Amendment (ERA).
 
Muốn cho một đạo luật mới bổ xung vào Hiến Pháp Hoa Kỳ, 2/3 Quốc Hội phải chấp thuận (Thượng Viện lẫn Hạ Viện), và 3/4 tiểu bang (38 trên số 50) phải đồng ý.
 
Sau nhiều năm phụ nữ tranh đấu, đòi hỏi, cuối cùng vào năm 1972, 2/3 Thượng Nghị Viện lẫn Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ biểu quyết chấp thuận cho ERA trở thành một đạo luật mới bổ xung vào Hiến Pháp.
 
Thế nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu. Để trở thành luật, nó phải qua giai đoạn thứ hai là 38 trong số 50 tiểu bang phải đồng ý. Quốc Hội ấn định thời gian 10 năm, cho đến năm 1982,  để những người ủng hộ ERA thuyết phục các tiểu bang bỏ phiếu thuận.
 
Trong ba năm đầu, số tiểu bang đồng ý ào ào như chợ vỡ. Năm 1972, 22 tiểu bang đồng ý. Năm 1973, 8 tiểu bang đồng ý. Năm 1974 3 tiểu bang đồng ý, Thế nhưng đến năm 1975, và 1977 chỉ có một tiểu bang đồng ý, rồi ngưng hẳn, mang tổng số tiểu bang bỏ phiếu thuận là 35.
 
Đạo luật ERA như đoàn xe lửa chạy hết vận tốc rồi đâm vào một sườn núi, không thành công trong việc thuyết phục thêm một tiểu bang nào nữa, dù rằng chỉ cần thêm 3 tiểu bang là đủ số 38 để ERA trở thành luật.
 
Đến năm 1982, thất bại trong việc tìm đủ số 38 tiểu bang, đạo luật đề xướng ERA không trở thành luật,  chìm trong quên lãng cho đến ngày hôm nay.
 
Lý do nào mà trong năm năm đầu 35 tiểu bang đổ xô chấp thuận đạo luật ERA, nhưng năm năm sau không một tiểu bang khác chấp thuận?
 
Những người chống ERA rất lo ngại trước đà tiến như vũ bão của phe ERA nên năm 1973 tung ra chiến lược là sẽ "trả thù" nếu hậu quả ERA thắng: Họ tiên đoán một khi đạo luật ERA cho phép nam nữ bình quyền ở Hoa Kỳ, xưa đến nay tổng động viên lính gia nhập quân đội chỉ bắt đàn ông thì bây giờ sẽ bắt phụ nữ gia nhập đồng đều. Luật pháp hiện thời không cho phụ nữ tham chiến. Họ tiên đoán phụ nữ sẽ sát vai với đàn ông bắn nhau với địch quân ở chiến trường nếu ERA thành luật.
 
Restroom hiện thời có riêng Nam/Nữ. Vì nam nữ bình quyền, họ nói sẽ không còn phân biệt, chỉ có một restroom cả hai phái đều dùng.
 
Hiện giờ trong trường hợp ly dị có con cái, đa số con được mẹ giữ. Họ nói sẽ đổi luật cho cả hai vợ chồng đều có cơ hội 50/50 giữ con.
 
Các đạo luật bảo vệ phụ nữ bị đàn ông bạo hành sẽ bị hủy bỏ vì nếu hai phái bằng nhau,  luật bảo vệ một phái là thiên vị.
 
Một khi nhận thức hậu quả tai hại của sự đòi hỏi nam nữ bình quyền phải ghi rõ ràng trong Hiến Pháp -tất cả đều là bất lợi cho phái nữ- phụ nữ ở Hoa Kỳ thay đổi ý kiến, không muốn tiểu bang mình chấp thuận cho ERA trở thành hiến pháp nữa!
 
Tôi đưa ra những dữ kiện này để cho thấy rằng khi phụ nữ đòi nam nữ bình quyền, họ chỉ đòi quyền nào có lợi cho họ mà thôi. Ngày Quốc Tế Phụ Nữ là một thí dụ điển hình để thị oai với phái nam chúng ta, khoe khoang cho chúng ta để chúng ta khâm phục là phái nữ giỏi hơn phái nam. Điều này quá ư là sai lầm, không có bằng chứng thực tiễn.  
 
Tôi viết bài này bắt đầu từ ban chiều, bây giờ đã tối đến giờ đi ngủ. Vợ tôi mà đọc được bài này thì tối nay bảo đảm tôi ra ngủ ở chuồng heo, nói chi mà được ôm iếc vợ.
 
Từ nãy đến giờ tôi sai lầm chỉ nói phét, không suy nghĩ. Xin bạn đọc vất bài này vào sọt rác.
 
Nguyễn Tài Ngọc
March 2014
 
Tài Liệu Tham Khảo:
 
http://www.bjs.gov/index.cfm?ty=pbdetail&iid=2232
http://en.wikipedia.org/wiki/Equal_Rights_Amendment+
http://en.wikipedia.org/wiki/International_Women%27s_Day
 
TaiNgoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog