Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Người già và Em bé

Nguyễn Xuân Lãm, sinh viên ở TP.HCM


Một em bé bán vé số trên đường phố Q5, TPHCM hôm 14-07-2011.
“ Ghế đá công viên, dời ra đường phố
Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ
Người già co ro, buồn nghe tiếng nổ
Em bé lõa lồ, khóc tuổi thơ đi
. ......”
Đã 13 năm kể từ ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua đời, một khoảng thời gian khá lớn trong tuổi đời đôi mươi của tôi, không biết tại sao năm nay tôi lại có nhiều xúc cảm khi nhớ về Trịnh Công Sơn qua các tác phẩm của ông để viết lên những dòng suy nghĩ này.

Bài học nhân bản

Lúc còn nhỏ, mỗi sáng thức dậy, ba mẹ tôi thường mở băng Cassette album “Khúc Ca Da Vàng” với giọng hát “Nữ Hoàng Nhạc Trịnh” ca sỹ Khánh Ly. Trong album đó, với sự thưởng thức âm nhạc non nớt của mình, tôi thích nhất khi nghe bài “Người Già và Em Bé”. Bài hát đối với tôi là một bài học nhân bản nho nhỏ dạy cho mình về những hình ảnh con người đau thương của một đất nước đau thương bị dằn xéo bởi chiến tranh và lòng hận thù.

“Người Già và Em Bé” được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965, khi đất nước còn chìm trong khói lửa. Có lẽ Trịnh Công Sơn đã khóc cho quê hương, cho dân tộc của mình. Hai nhân vật chính: “Người Già và Em Bé”, hai lứa tuổi dễ tổn thương và đáng được hưởng cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc nhất trong cuộc sống của kiếp người. Khi chiến tranh còn gây đau thương, chết chóc, nghèo đói trên quê hương; số phận cũng như mạng sống con người mỏng manh như chiếc lá úa trên cành, thì “Người Già và Em Bé” là người phải chịu tổn thương nhất trong cuộc chiến này.
Cứ mỗi lần ra ngoài đường, bệnh viện, công viên, quán ăn... có khi tôi và bạn sẽ gặp rất nhiều người bán vé số. Vào một sáng thứ hai trung tuần tháng ba này, tôi có dịp về quê nhà làm giấy tờ. Trong khi chờ đợi nhân viên công chứng làm việc, tôi ra công viên chờ đợi khoảng 30 phút, lúc đó có chính xác 6 người đến mời mua vé số. Con số đó có lẽ không ngạc nhiên mấy với một đất nước đang phát triển, thiếu việc làm tốt như Việt Nam mình. Nhưng đáng ngạc nhiên và đáng buồn khi trong số 6 người bán vé số đó, có 4 người là trẻ em, 2 người còn lại là một ông cụ và một bà cụ.
Bốn đứa bé bán vé số đó, độ tuổi tôi đoán chừng là học sinh cấp 2. Thiết nghĩ, tuổi của các em bây giờ đáng lẽ ra là đang ngồi trong một ngôi trường cấp 2 nào đó, đang được hưởng một nền giáo dục tốt để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai, góp phần lo cho quê hương... Sao giờ này em lại nơi đây? Ba mẹ em đâu? Sau này xã hội sẽ ra sao với những người như các em? Con cái các em sau này sẽ ra sao?... Hạt loạt câu hỏi khó trả lời đối với tôi, thôi đành để cho những nhà chức trách trả lời giùm!

Hạnh phúc ảo tưởng?


Một cụ già ngồi vỉa hè bán vé số. RFA
Chiến tranh đã kết thúc lâu rồi, tiếng bom đã im, đạn đã nín, ghế đá đã dời vào công viên, đúng nơi của nó, nhưng sao “Người Già và Em Bé” vẫn còn thiệt thòi thế này... “Từng hạt cơm khô trong miếng hững hờ”. Đôi khi chúng ta ngước mặt lên mà quên nhìn xuống, có khi ta thấy cuộc sống, xã hội này, đất nước này quá hạnh phúc, quá êm đềm đến thế. Có một lần tôi hỏi một vị linh mục: Tại sao Việt Nam nằm trong Top 5 các nước hạnh phúc nhất thế giới, trong khi cuộc sống xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều những cảnh thương tâm, thiếu công bằng đây đó xung quanh chúng ta... Vị linh mục đó mới trả lời: Hạnh phúc ấy, có thể nó chỉ là hạnh phúc ảo tưởng, hạnh phúc của cá nhân... và khi cuộc sống của chúng ta đầy đủ, đầy đủ về vật chất, tinh thần... chúng ta cảm thấy “Hạnh Phúc”... Trong khi chung quanh ta còn nhiều người sống nghèo đói, bất công thì hạnh phúc của xã hội đó chỉ là “Hạnh Phúc của sự Ít Kỷ Cá Nhân” của một đất nước Ảo Tưởng.
Mỗi người điều có một cách cảm nhận về hạnh phúc. Và bạn ơi, niếu hiểu theo cách nói của vị Linh Mục đó, có phải hạnh phúc của chúng ta bao gồm hạnh phúc của người khác và trạng thái trong tâm hồn chúng ta được bình an khi chúng ta làm những việc tốt phải không? Khi công bằng xã hội và tình yêu thương đồng loại còn chưa ngự trị trên quê hương... liệu chúng ta có sống trong một quốc gia hạnh phúc? Liệu chúng ta là những người hạnh phúc thật sự?
Nhạc Trịnh đặc biệt ở chỗ: Càng đơn giản càng hay! Chỉ cần một cấy đàn Guitar hoặc một cây đàn Piano chúng ta có thể thưởng thức hết những tâm tình mà tác giả muốn gửi gấm cho người nghe! Còn khi nghe một bản nhạc Trịnh được hòa âm phối khí cầu kỳ, phước tạp... nghe có vẻ sang trọng và đẳng cấp đấy! Nhưng chính khi đó nó không còn là nhạc Trịnh nữa! Nhạc Trịnh đặc biệt và lạ là ở chỗ đó! Cũng thế! Khi cuộc sống chúng ta phủ đầy xa hoa, thõa mãn cho cho nhu cầu riêng của mình mà quên nhìn xung quanh chúng ta, khi đó có lẽ chúng ta đã chọn sai ý nghĩa cuộc sống của mình! Khi mất tất cả là khi đó cuộc sống không còn ý nghĩa nữa! Hãy nhìn những người trắng tay mà vẫn hạnh phúc, họ sẽ cho ta một bài học quý báu. Khi đất nước này còn những cảnh nghèo khổ, bất công xãy ra thì tôi tin chắc rằng, niếu Trịnh Công Sơn còn sống ngay hôm nay, năm 2014... thì ông sẽ còn sáng tác những bài hát những bài “Người Già và Em Bé” khác nữa. Cầu chúc cho ông nghỉ ngơi yên hàn trong giấc ngủ nghìn thu!
Sài Gòn 29-3-2014
Nguyễn Xuân Lãm, hiện là sinh viên của một trường đại học tại TPHCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog