Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Lào

Sáng nay đi làm lạnh quá, đâm ra lười, lười cả trong ý nghĩ "thôi chán gõ blog, nghỉ thôi, chuyển sang làm chuyện khác, có rất nhiều việc còn chưa làm, kể cả việc chán đi lại con đường cũ mỗi ngày tới sở, muốn đổi sang việc khác chỗ khác, làm ít lương hơn cũng được". Tới sở nhìn cái blog, hay là cuối năm viết lời chào tạm biệt "tui đóng blog" (mà hình như năm nào tui cũng chào tạm biệt, mà chưa vĩnh biệt cho nên cứ quay đi quay lại hoài).  Mà cũng lạ blog này bình thường mỗi ngảy chỉ từ 30-50 người ghé mắt, tự nhiên từ hôm bị mắng "lắm mồm" thì gia tăng từ 100-200 người đọc, nghĩa là thiên hạ có nhiều người tò mò muốn biết "lắm chuyện" cỡ nào? Nói đùa vậy thôi, người đến blog gia tăng lúc này là vì trời lạnh muốn tìm xem cách quấn khăn quàng cổ ra sao chứ không phải nhiều hay lắm chuyện.  Bởi vì thế, chưa đóng blog mà chờ cho hết mùa Đông? Khi người đọc không còn tìm đọc cách quấn khăng quàng cổ :-)

Nhưng đọc bài viết "Sang xứ Lào nhìn lại xứ ta" , lại nghĩ, à thôi bây giờ chẳng gõ nữa cứ bài nào nói về "chu du thế giới" thì mình xin phép sao chép mang về post lại để mai mốt có tính đi đâu, góp nhặt thành một blog lonely planet khỏi mất tiền mua và vác sách cho nặng.  Nhắc tới Lonely Planet, nhớ tới câu chuyện khi tôi về Hà Nội, lơn tơn dở cuốn sách Lonely Planet ra hỏi cô em họ ở Hà Nội, đưa đi chỗ này chỗ kia. Cô bảo sao chị ở xa mà cái gì cũng biết, tôi chỉ cuốn sách.  Cô nói cô muốn có một cuốn như thế, nhìn cuốn sách của mình nó nát như tương tầu nên tôi không dám tặng cô, hứa khi nào về tôi sẽ mua cuốn mới cho cô, cô mừng cho tôi điạ chỉ sở làm của cô để tôi gửi. Khi trở lại Mỹ, tôi gửi ngay cho cô cuốn mới.  Vậy mà sách đã không bao giờ tới tay cô, có lẽ đã có một người nào đó ở bưu điện Hà Nội (hay cơ quan của cô) cũng ước muốn một cuốn sách như thế nên đã chớp tay trên?  Câu chuyện từ những năm đầu thế kỷ này, cả cô và tôi còn cả tin quá, không biết bây giờ có khá hơn không.  Tôi không còn dám gửi cái gì, may mà bây giờ có internet, cô có thể đọc được nhiều điều mà 10 năm trước có lẽ chẳng có.

Thôi xin mời bạn đọc tiếp bài viết về Lào của Hạ Long Bụt Sĩ, nơi mà tôi dự tính sẽ đến năm 2015 nếu địa cầu không tan biến 2012 theo như lịch của Maya mà nhiều người tin tưởng.  Bạn sẽ hỏi đi đâu thì đi, còn bày đặt lên lịch, thì tôi là người "đa đoan" như bạn tôi hay gọi, nên phải tính trước, và còn vài nơi tôi phải đi, phải cho vào lịch để ráng mà đi ... cày dành dụm tiền để đi ta bà thế giới, mỗi người có một mục đích của đời sống, chẳng dư dả gì, cho nên đi làm đồng nào bỏ vào ống để sang năm đi tiếp, phải như còn trẻ sống ở thời @ thì tôi đi...bụi gõ blog cho bà con đọc và để Google trả tiền cho mình đi chơi.  Và nếu 2012 chấm dứt thì phải ráng du lịch bằng cách....đọc vậy.  Để làm gì ư nếu 2012 không còn, chả biết, "biết thì chết liền":-)


Sang xứ Lào nhìn lại xứ ta 



1-      Phòng khách khách sạn Inter City- Vientiane, bên bờ sông Mekong, trang trí lối cổ, tôi đếm được 11 cái trống đồng lớn nhỏ. Dân Lào không chắc có phải là chủ nhân ông đầu tiên của Trống đồng, nhưng cũng như Thái, chùa chiền thường trưng trống đồng, đôi khi mặt bàn và 2 ghế đẩu làm kiểu trống đồng, rõ ràng văn hoá trống đồng còn sâu đậm trên đất Lào, mà Việt Nam ta tự hào-hay tự kiêu- là sư tổ của nền văn hoá này, thì chẳng thấy đình chùa nào bày biện trống đồng, có chăng là nay cho in hình trống đồng lên áo dài, lên khăn ! Ta bỏ hay quên văn hoá ấy, nhưng Lào thì vẫn giữ gìn trân trọng, dù là phiên bản, biết đâu họ cũng là bộ tộc, từ vùng Bách Việt/Vân Nam đồng sáng chế những chiếc trống đồng, vại đồng…tinh xảo và chất chứa đầy ý nghĩa văn hoá  đó? 

2-      Dân Lào, và các bộ tộc miền núi, hoà đồng bên nhau, tấp nập chợ đêm, hiền hoà, tuy đã biết nói thách, nhưng không thấy vẻ gian giảo quỷ quyệt. Cả Vientiane lẫn Luang Prabang dân ít, sạch sẽ, không xả rác bừa bãi, thủ đô Vientiane lác đác lảng bảng vài lá cờ búa liềm, Luang Prabang-khu phổ cổ rõ nét Pháp, đẹp, ấm cúng, thân mật, nhiều lá bùa đỏ hơn… ôi các thầy phù thuỷ Sô viết-Do Thái-Pháp… còn làm khổ dân Lào hồn nhiên, tử tế đến bao giờ !?


3-      Bên này là Lào, bên kia sông là Thái, con đò băng ngang dòng Cửu Long khúc Luang Prabang khá rộng, chở người, hàng hoá, xe máy… Lào dùng cả tiền Baht Thái, nhưng không dùng đô la. Họ có tinh thần độc lập không vọng ngoại, ngoại trừ mấy ông phù thuỷ ý thức hệ, ảnh hưởng tả phái Pháp, vọng Nga-Tầu, bây giờ đang bị kẹt cứng, dân Lào xầm xì, hai tỉnh phía Bắc mất với Tầu rồi… Với dân số 7 triệu người, diện tích 230,000km2 lớn cỡ 2/3 Việt Nam, Lào quả rất khó bảo toàn biên cương dài dằng dặc.

4-      Tới nơi mới thấy dân Lào có một nền văn hoá vững chãi, bám chắc chiếc phao tâm linh qua Phật giáo Nguyên thuỷ Theravada. Những ngôi chùa, đền, cả vài trăm năm tới ngót nghìn năm , được Unesco hay Mỹ, Pháp, Đức tài trợ trùng tu, bóng cây bồ đề rờm rợp, thường cất trên đồi cao, dọc theo bờ sông Cửu… không có một ngôi chùa cổ Việt Nam cùng thời nào-chùa Dâu, chùa Trăm Gian, Thiên Mụ… có thể mang ra so sánh, hình rồng Lào rất đặc sắc : mình dài, mảnh mai, không dữ dằn như rồng Tầu, rồng ta với cái đầu lân, miệng há toang hoác… nhớ lại chùa Hương với hai con rồng tô vàng đỏ râu ria loè loẹt mà phát ngượng ! Ông bạn họ Hà, kỹ sư công chánh, chỉ ba lớp mái chùa cong chồng nhau giải thích : khe hở giữa các mái làm không khí lưu thông, khí nóng bốc lên, khí lạnh vận chuyển… kỹ thuật xây cất cổ đã đạt mức rất cao. Bản sắc Tiểu thừa qua bóng những nhà sư chú tiểu đi khất thực, được quốc tế khuyến khích giữ gìn truyền thống đẹp qua các bảng thông cáo tiếng Anh-Pháp mọi nơi, chợ đêm bán hình vẽ Phật giáo, tượng, hình lá bối, kinh chữ Phạn… không nơi nào thiếu, khác xa cái văn hoá Tầu, bàn thờ ông địa, thấp lè tè mặt đất của văn hoá duy vật duy tiền, dĩ thực vi tiên Tầu- Việt hiện nay. 
      
5-      Không gặp ăn mày ăn xin, lạ là không có ruồi, gần như không có muỗi ! món ăn, nghe nói thực phẩm chở từ Thái qua, có vị riêng, cá nướng, mực, gà nướng…quán bar quán rượu, những cô gái móng đỏ…phục vụ du khách Âu, Mỹ không nhiều lắm, đa số da ngăm ngăm đen giống Cao Miên hơn là trắng trẻo như Thái Chieng Mai. Thủ đô Vientiane có 194,200 dân, bằng dân số Hà Nội thời 1953-54, vỉa hè còn rộng chỗ cho khách bộ hành, không bị hàng quán chiếm lấn như Sài gòn- Hà Nội nhân mãn.

6-      Anh kỹ sư trẻ người Lào, U Dong, gia đình vượt biên ngang sông Cửu 1975, tỵ nạn ở Thái rồi sang Mỹ, nay, trở về tìm gặp và lấy một cô vợ bác sĩ Lào… Gia đình trí thức Lào này, hai bác sĩ, một nha sĩ, sống cùng nhau trong khu nhà vườn rộng, mấy bà cô dì  đã già của anh kỹ sư, đang ngồi xếp lễ vật cúng dường Phật, đứng lên chắp tay chào khách, hình ảnh cung cách in hệt một gia đình ở lục tỉnh miền Tây Nam Việt… bất giác tôi nghĩ tới gạch nối văn hoá Phù Nam, Kmer xưa lan tới cả phía Bắc Lào, và mảng văn hoá Phật Tiểu thừa từ Ấn-Tích Lan qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên... dọc theo sông Cửu và sau này bị văn hoá duy lý Tây-Tầu pha loãng đi, nếu để nguyên, dân tình Lào phóng túng, hồn nhiên, thật thà, đâu có biết trò chơi tâm với vật, tiền với danh, trên mảnh đất Phật hiền hoà ấy !

***
Chỉ có 4 ngày 3 đêm, một thoáng xứ Lào, mà đã làm du khách quyến luyến : phía Bắc Luang Prabang, với thác nước, rừng, voi... cùng địa hình địa vật với Sa Pa, núi cao 2800m, phía Nam sát Cao nguyên Việt, gần Cao Miên với cố đô Champasak, Vat Phou (2), hẳn có liên quan tới Champa Việt Nam ? Đất Lào hàng xóm tốt, ăm ắp di tích cổ sử, nên là điểm đến du lịch cho người Việt trong và ngoài nước.


 Qua thăm Lào mới thấy ở nhà “nhất vợ nhì con” là lố bịch, Tầu- Việt theo Phật Đại thừa với triết lý cao xa dành cho cao tăng học giả, không tạo được cơ bản cho bình dân an trú như Tiểu Thừa. Có lẽ dân Lạc Việt, Hán, Hàn không có căn cơ theo Phật chăng ? cho nên mới thi nhau bê Mác Lê về thờ, mang ông Địa ra cúng, đồng cốt xin xâm, bát nháo, không biết là vật thần quỷ thần hay ma giáo, thậm chí dân chúng Sàigòn ngày rằm, ngày mùng 2 âm, lũ lượt đi lễ chùa Ấn Độ, bà chúa Ấn thiêng cầu gì được nấy ! mà chẳng ai biết Ấn giáo, Hồi giáo là gì ! Ngay ở khách sạn người ta cũng hương hoa xì xụp cúng bái đầu chiếc xe Camry của ông chủ, số bậc thềm xây theo phong thuỷ tránh số 4 (sinh lão bệnh tử) tứ-tử, bắt chước Tầu… Cho nên tin mật wikileaks Tầu muốn nhập Bắc Việt vào Trung Quốc không hẳn là tuyệt đối vô lý theo mắt nhìn của Tầu ! Đã có lần, trên TV Việt Nam XHCN, họ nói Phật giáo là duy vật vô thần (1), viên đại sứ Tầu tới thăm di tích thành nhà Hồ ở Thanh Hoá, nhân ngày lễ 600 năm, vô tư phát biểu: sẽ cho học giả Trung quốc sang nghiên cứu, đây là niềm hãnh diện lịch sử chung (Hồ Quý Ly vốn gốc Tầu Chiết Giang đổi quốc hiệu Đại Việt thành Đại Ngu!).


         Sơ lược NIÊN BIỂU Lịch Sử Lào


500 BC-800 CE cánh Đồng Chum dùng chứa xương người, vật dụng, hay chứa rượu cất cho chiến sĩ ?, từ 2000 năm xưa, 300 chiếc chum còn nguyên vẹn, số khác bị bom đạn thời 1960 làm vỡ nát ( quân CS Pathet Lào chiếm khu này)
200-300 chùa Wat Phu xây trên di tích tiền sử Ấn giáo
Tk 8-14 : dân từ Nam Trung Hoa di xuống đất Lào, trọng điểm là tk 11-12, họ là dân Nam Chiếu Bách Việt chạy giặc Mông Cổ di xuống như dân vùng Bắc Thái/Chieng Mai ?
889-1324 : thuộc đế quốc Kmer thời đại Angkor, phồn thịnh từ tk 6-15.
1353 vua Chao Fa Ngum khai lập vương quốc Lan Xang (vạn triệu voi), năm 1975 CS chối bỏ công lập quốc của FaNgum nhưng năm 2003 Lào hồi tỉnh, kỷ niệm 650 năm thống nhất Lào của vua Fa Ngum.
1479 Đại Việt xâm lăng Lào
1520 : chiến tranh liên miên cả 200 năm với Miến Điện
1548 Lào chiếm lại Chieng Mai ( đã bị Miến Điện chiếm 1511)
1560 rời đô từ Luang Prabang xuống Vientiane.
1694 Việt đánh Lào.
1713 vương quốc Lan Xang chia làm ba tiểu quốc dưới sự bảo hộ của vua Thái Lan, gồm Vien Chan, Luang Prabang và Champasack ( đi với Miến Điện nên bị Thái tấn công)
1805 vua Anouvong của Vien Chan đi với Việt Nam
1885 Thái xây thành luỹ ở Luang Prabang phòng ngừa Việt Nam
1886 : Lào ký với Pháp chia biên giới Việt-Lào
1893 Pháp đưa vua tiểu quốc Luang Prabang lên làm vua xứ Lào thống nhất.
1941 Nhật chiếm Lào.
1945 Pháp trả lại Thái phần đất Tây Lào/Cửu Long ( Pháp chiếm từ 1904)
1950 CS Pathet Lào kết bè CS VN chống Pháp.
14 tháng 4, 1953 Việt Minh xâm lăng vương quốc Lào với 40000 quân.
1956 Liên hiệp chính phủ với 3 thành phần Pathet Lào ( hoàng thân Souvanouvong), trung lập ( hoàng thân Souvanaphouma), bảo hoàng ( hoàng thân Boum Oum) đổ vỡ và tái lập mấy lần.
1961 : CIA dùng dân Hmong chống CS, khoảng 50,000 người Mèo bị chết trong cuộc chiến 60-75. Năm 2004 Mèo vẫn có 21 nhóm chống Cộng với 17,000 tay súng.
1973 Mỹ bỏ cuộc, Pathet CS Lào chiếm ưu thế trong chính phủ Liên hiệp.
1975 ngày 2 tháng 12 Lào quốc gia bị CS tràn ngập. Vua thoái vị.
1992 chủ tịch CS Kaysone chết.
1999-2000 phong trào dân chủ tự do  dâng cao, từ bàn đạp biên giới Thái Lào với sắc dân Mèo quyết chiến (Vang Pao)
2007 : nạn tham nhũng hối lộ CS Lào nặng bậc nhất thế giới ( 168/179 nước)
2010 dòng Mekong 1500 km dọc xứ Lào nay cạn nước, khúc sông Vạn Tượng nông sờ lội qua được-10% tượng Phật bị mất trộm ! Kinh tế phụ thuộc Thái kể cả thực phẩm, thịt cá.


                ( tư liệu từ Google và tạp chí Muong Lao vol. 12 số 42 )


(1)     kênh HTV3 18g20 ngày 6 tháng 12/2010 , chương trình Huyền Bí Sông Hằng, đoạn du khảo Myanmar-Thành nhà Hồ 2010 kỷ niệm 600 năm được Unesco công nhận, xem Google và phóng sự chiếu trên TV VN xhcn 2010.
(2)     Vat Phou tên Sanskrit là Lingaparvata nằm dưới chân núi Phu Khao cao 1400m, núi có hình giống Linga thần Shiva Ấn giáo, xây dựng từ tk 7, qua tk 11-12 cùng thời Phật thịnh Lý Trần bên ta. Gần đấy còn có thành cổ Lingapura. Cùng văn minh kiến trúc Angkor Kmer, chùa chiền Lào ngang dọc cả 1-2 cây số, chùa Vĩnh Tràng-Mỹ Tho mang nét kiến trúc này, hiện tại may ra chùa Bái Đính-xây giống thành cổ Tầu- có quy mô rộng lớn ngang, nhưng xây cất cách nhau cả trăm nghìn năm rồi ! Nam Vat Phou, 2km, có đền Thao Tao có nghĩa là thần Kim Quy, phải chăng liên hệ tới cổ sử huyền sử Việt ? Khi An Dương Vương chạy về Nam ( bờ biển Nghệ An) có thần Rùa hiện lên, từ Nghệ sang cánh Đồng Chum không xa !
LVV tháng 12-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog