Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Còn Biết Xấu Hổ, Tôi Còn Là Người

Tôi luôn hãnh hiện được làm một công dân Úc. Dĩ nhiên, tôi có lý do của tôi. Trước hết, tôi không thể không hãnh diện được làm công dân của một đất nước rộng lớn, có bốn mùa đầy đủ, nhưng không quá khắc nghiệt,với mọi thứ cây trái và nhứt là lại được xếp vào hạng giàu có nhứt nhì thế giới về khoáng sản.
Tôi biết mình không quá chủ quan khi hãnh diện về quê hương mới của mình, bởi vì mới đây Úc đại lợi lại được xếp vào hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Na Uy, về những điều kiện tốt nhứt để chọn làm nơi sinh sống.
Nhưng cũng đáng nở mày nở mặt hơn khi Úc đại lợi được bầu chọn là quốc gia mà dân chúng được xem là giàu nhứt thế giới. Giàu nhứt thế giới ở đây không có nghĩa là Úc đại lợi có người giàu nhứt thế giới, có nhiều người giàu nhứt thế giới hoặc có số ngoại tệ nhiều nhứt thế giới, mà là có khoảng cách ngắn nhứt giữa giàu và nghèo.
Theo một bản báo cáo mới đây của Ngân hàng tín dụng Thụy sĩ, tài sản trung bình của người dân Úc hiện nay là 221.701 Mỹ kim. Ðây là mức trung bình cao nhứt thế giới. Bản báo cáo nói rằng sở dĩ Úc có mức tài sản trung bình cao nhứt thế giới một phần là nhờ một hệ thống an sinh xã hội và y tế cao.
Tôi cũng hãnh diện được làm công dân của một quốc gia hiện đang là thành viên của câu lạc bộ gồm 20 nước giàu mạnh nhứt thế giới. Tuần vừa qua, tại cuộc họp Thượng Ðỉnh của Khối G 20 được tổ chức tại Cannes, Pháp quốc, nhái giọng của một cựu chủ tịch nhà nước Việt nam chuyên làm trò hề cho người ta cười, tôi thấy nữ thủ tướng Julia Gillard của Úc “cũng ăn nói ngang hàng như người ta”.
Nếu tôi nói rằng tôi cũng hãnh diện về vị nữ thủ tướng của tôi, thì có lẽ nhiều người cũng sẽ nhạo cười tôi như khi nghe chủ tịch Nguyễn Minh Triết của Việt nam phát biểu. Tôi vẫn biết: vị nữ thủ tướng đầu tiên của Úc đại lợi này có lẽ không có tài cao, đức trọng như nhiều vị tiền nhiệm của bà và bà hiện đang không được đại đa số dân Úc ủng hộ.
Nhưng nhìn dưới một khía cạnh khác, tôi thấy không thể không khâm phục bà. Trong mắt tôi, bà là một con người dám làm và dám sống thực với lòng mình. Trong một đất nước có truyền thống Kitô giáo cao và có đa số người di dân đều có tín ngưỡng, bà dám công công khai tuyên bố mình là một người vô thần và sống theo niềm xác tín vô thần của mình.
Trong một xã hội vốn cũng còn đề cao đời sống hôn nhân và gia đình, bà hiên ngang sống với một người bạn tình. Bà lại càng hiên ngang hơn nữa khi “cặp bồ” với một người thợ hớt tóc chắc chắn chẳng có môn đăng hộ đối chút nào so với học vị và địa vị của bà.
Có thể bà là một người tham vọng sẵn sàng thỏa hiệp để bám lấy quyền lực. Nhưng ít ra, tôi chưa từng thấy bà khóc lóc hoặc rủa sả đối thủ của mình thậm tệ như bà Hilary Clinton khi ra tranh cử tổng thống. Có người còn kể rằng lần nọ, ông Tim Mathieson, người thợ hớt tóc đang là bạn tình của bà, đã o ép mái tóc của bà như thế nào đó khiến bị nhiều người cười chê.
Vậy mà, trong khi ông Mathieson ốm lên ốm xuống vì bị trầm cảm, bà vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Có thể bà lạnh lùng và khô cứng đến độ gần đây có dư luận nói rằng bà phải rước thày về dạy học nói và học cười.
Nhưng điều khiến tôi nể phục nhứt nơi người đàn bà quyền lực nhứt nước này là trong một nước Úc mà tham nhũng là một từ ngữ hầu như xa lạ với đại đa số chính trị gia, tôi thấy có thể xem bà như một biểu tượng của sự trong sạch và lý tưởng tranh đấu cho người nghèo.
Khác với đa số các chính trị gia, ngay cả chính trị gia thuộc Ðảng Lao động, như trường hợp cựu nữ dân biểu Reba Meagher, bà “Mẹ Ghẻ” của dân Lao động, đại diện cho dân nghèo ở Cabramatta nhưng lại sống trong một căn nhà sang trọng ở phía Ðông Sydney, bà Gillard vẫn sống giữa người Lao động trước khi dọn vô tòa nhà The Lodge ở Canberra của thủ tướng.
Là một luật sư nổi tiếng, một dân biểu lâu năm và nhứt là một phó thủ tướng, bà Gillard vẫn ở trong một ngôi nhà khiêm tốn ở ngoại ô Altona, miền Tây Nam Melbourne.
Tôi hãnh diện được làm công dân của một đất nước có một nhà lãnh đạo như thế. Nhưng càng trông người thì lại nghĩ đến ta. Mang quốc tịch Úc, hãnh diện khi đi ra nước ngoài với sổ thông hành Úc, tôi cũng không sao che dấu được cái bộ mặt da vàng mũi tẹt của mình. Nhưng càng ý thức mình là người Việt nam, tôi càng thấy buồn và xấu hổ.
Dĩ nhiên, buồn và xấu hổ không phải vì là người Việt nam, mà vì đất nước đang bị cai trị bởi một bọn người mà nhiều người trong nước thường mỉa mai rằng giây thần kinh xẩu hổ đã bị đứt.
Trong chuyến đi Việt nam vừa qua, mỗi lần đối mặt với một người ngoại quốc hoặc phải đi chung một chuyến xe với người ngoại quốc, càng tự nhận mình là người Việt nam, tôi càng thấy xấu hổ. Tôi còn nhớ: trên chuyến mini bus từ Hà nội đi Vịnh Hạ long, vợ chồng tôi là người Việt duy nhứt. Hướng dẫn viên du lịch hôm đó là một thanh niên “nổ” thuộc loại đại bác chứ không phải súng ngắn.
Bằng một thứ tiếng Anh “gẫy gọng” (broken) chứ không phải “gẫy gọn”, anh khoe rằng giáo sư Anh văn của anh là một người Úc chính hiệu, anh chỉ đọc hai tạp chí lớn trên thế giới là Time (cũng may, anh không phát âm thành “ti-me”) và Newsweek, anh cũng chỉ xem hai đài truyền hình nổi tiếng trên thế giới là CNN và BBC (cũng may anh không đọc thành Cờ Nờ Nờ và Bờ Bờ Cờ).
Ðến lúc mời hành khách trên chuyến xe cho biết họ là người nước nào, người hướng dẫn viên du lịch lại càng khoác lác một cách vô duyên hơn. Nói với dân Miệt Dưới, anh thao thao bất tuyệt về Kangaroo. Với dân Mỹ, anh lại nói về nhà văn Ernest Hemingway.
Với bốn hành khách người Áo, anh làm như thể mình là một nhà nghiên cứu về nhạc sĩ Mozart.Với mấy cô gái người Singapore, Nhựt Bản hay Ðại hàn, anh cũng thủ sẵn một câu chào bằng tiếng nước họ. Riêng đến lúc chúng tôi tự giới thiệu là người Việt nam và không xác định đến từ nước nào, thì xem ra anh chàng có vẻ ú ớ và lúng túng.
Thật ra, tôi thấy cũng chẳng có gì để “phiền trách” người hướng dẫn viên du lịch này. Chẳng qua, đây cũng chỉ là một cái nghề kiếm sống. Chỉ tiếc một điều là bộ mặt của một đất nước đã không được hiển thị một cách đứng đắn hơn qua những người lẽ ra phải được huấn luyện nhuần nhuyễn để làm công tác giới thiệu đất nước của mình cho người ngoại quốc.
Nhưng buồn nhứt đối với tôi có lẽ là chuyến xe buýt từ Hội An về Ðà nẵng. Hôm đó, sau một ngày lang thang ở Cửa Ðại và Phố Cổ, tôi cố gắng bắt kịp chuyến xe buýt để về lại Ðà nẵng trước khi chiều xuống.
Vừa bước lên xe, tôi nhận thấy một cặp vợ chồng du khách ngoại quốc đang mặc cả và kỳ kèo như thế nào đó với một chú nhóc lơ xe khoảng 14, 15 tuổi. Sau đó hai người không chịu lên xe mà lại bỏ đi. Nhưng một lát sau, chú lơ xe chạy theo nói gì đó, và lôi kéo họ trở lại.
Cuối cùng, họ cũng lên xe và ngồi bên cạnh tôi. Nghe họ nói chuyện với nhau, tôi biết đây là một cặp vợ chồng người Pháp. Ðến lúc thu tiền xe, chú nhóc lơ xe lại dở trò “tống tiền”. Buổi sáng, tôi thấy tất cả mọi hành khách, bất kể Việt nam hay ngoại quốc đều trả cùng một giá là 20 ngàn đồng.
Vậy mà giờ đây, chú đòi cặp vợ chồng người Pháp này mỗi người 50 ngàn. “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, tôi liền nhảy vô can thiệp để tranh đấu cho họ. Thấy bên cạnh có một người đàn ông ăn mặc bảnh bao ra dáng là cán bộ, đảng viên, tôi liền lớn tiếng lên lớp cậu bé lơ xe và gián tiếp nhắn gởi với ông cán bộ.
Ðại khái, tôi nói rằng “nhà nước ta đang mời du khách nước ngoài đến thăm đất nước mình, mà mình lại giở trò gian manh, lừa gạt, bằt chẹt người ngoại quốc như thế, chẳng phải là bôi bẩn bộ mặt đất nước sao?” Có lẽ trong cậu bé giây thần kinh xấu hổ vẫn còn hoạt động cho nên cậu đã ngồi thừ ra một lúc rồi tính giá đúng với cặp vợ chồng người Pháp.
Hai người phân trần với tôi rằng một hai đô Mỹ chẳng là bao, nhưng họ muốn đâu phải ra đó cho sòng phẳng rõ ràng. Không hiểu tại sao lúc đó tôi lại buột miệng nói với họ: “Tôi cảm thấy xấu hổ là người Việt nam”.
Nói câu đó, tự nhiên tôi thấy mình có bổn phận phải xin lỗi bao nhiêu du khách ngoại quốc nạn nhân của những trò lừa bịp gian manh của người Việt nam xã hội chủ nghĩa.
Trong chuyến đi Việt nam trước tôi một tháng, một người bạn tôi kể lại rằng tại Hà nội anh có gặp ba người thanh niên “balô” người Hòa lan đang méo mặt mà không biết tỏ cùng ai. Chuyện họ bị gạt mới đau: tưởng xích lô là phương tiện di chuyển rẻ và có tính “du lịch” nhứt ở giữa Hà nội, ba chàng liền nhảy lên ba chiếc làm một vòng thành phố. Các bác tài lại còn tỏ ra hào phóng hơn khi cho ba anh được ghé chơi bất cứ nơi nào các anh muốn và sẵn sàng chờ đợi.
Chiều đến, mỗi anh nhận được một cái bill “bất thành văn” là 300 Mỹ kim. Chẳng biết cầu cứu ai, ba chàng xứ hoa Tulip đành bóp bụng trả tiền và ghi nhớ mãi bài học ấy để còn chia sẻ với bạn bè năm châu trên mạng.
Vợ chồng tôi cũng bị một vố đau như thế ở Vũng Tàu. Ði bách bộ dọc theo Bãi Sau, thấy một anh đạp xích lô ế khách réo gọi, tôi thích đi bộ nhưng nghĩ thôi thì làm một vòng cho vui.
Ngoài cái giá rẻ như bèo là 20 ngàn cho một cuốc xe, người tài xế “tốt bụng” còn hứa sẽ ngồi chờ trong khi chúng tôi đi chợ. Vậy mà khi trở về chỗ cũ, anh đòi 80 ngàn! 4 Úc kim thì chẳng là bao. Vả lại, tôi cũng đã định bụng trả thêm cho anh. Nhưng nghĩ tức trong bụng, bởi vì mình bị lừa một cách quá dễ dàng!
Tôi không trách cậu bé lơ xe trên chuyến xe buýt Hội An-Ðà nẵng. Em đã lớn lên trong một xã hội mánh mung dối trá mà để sống còn người ta phải lưu manh mà thôi.Tôi cũng chẳng giận cái anh đạp xích lô nghèo ở Vũng Tàu: nghèo túng quá gạt được người nào hay người đó.
Tôi cũng chẳng thù ghét gì ba cái anh đạp xích lô ở Hà nội đã lừa được mấy người thanh niên Hòa lan ngây ngô: chắc chắn họ cũng nhiều lần từng là “nạn nhân” của sự lừa bịp vì đang sống dưới một chế độ bịp bợm mà người ta thường mỉa mai là thời kỳ đồ đểu.
Ðiều làm cho tôi buồn và cảm thấy xấu hổ cho quê hương là chính những kẻ đang lãnh đạo đất nước chẳng còn biết thế nào là xấu hổ nữa.
Trong khi thủ tướng của một đất nước giàu có như Úc đại lợi chỉ có một căn nhà bình dân thiếu điều thua cả những căn nhà của người Việt tỵ nạn, thì tại Việt nam, lãnh đạo của một chính phủ tự xưng là của người nghèo và tất cả những người tự xưng là đầy tớ nhân dân thì lại có những cơ ngơi sang trọng và sống trên đầu trên cổ người dân.
Chính trị gia và giới cầm quyền chính trị ở đâu cũng đều tuyên bố lấy dân làm “gốc” cả. Nhưng ít ra, họ không lố bịch và vô liêm sỉ đến độ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa áp bức vừa ra rả tự xưng là đầy tớ của nhân dân.
Trong khi đất nước còn bao nhiêu vấn đề sinh tử như Hoàng Sa, Trường Sa, Bô-xít, Vinashin, Dân oan khiếu kiện, nạn kẹt xe, thiếu bệnh viện, thiếu cả nhà vệ sinh…chưa giải quyết được thì mới đây tại Quốc hội, mấy ông dân biểu công cụ của Ðảng chứ không phải đại diện của dân, lại đề nghị đưa luật “nhà thơ, nhà văn” ra mà thảo luận. Ðây quả là tận cùng của sự lố bịch.
Như những người Việt lưu vong, tôi luôn mơ ước nhiều điều tốt lành cho đất nước. Nhưng bây giờ, tôi hết dám “mơ mộng cao xa” mà chỉ còn một điều ước: mong một phép lạ xảy ra để những người cộng sản Việt nam được nối lại giây thần kinh xấu hổ.
Nhà toán học kiêm triết gia người Pháp là René Descartes đã nói một câu để đời: “Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu.” (Cogito, ergo sum). Tôi cũng muốn tập tành làm triết gia để nói: “Còn biết xấu hổ, tôi còn là người”. Dĩ nhiên, tôi cũng luôn xem đây như một phương châm sống và hành động của tôi. Có ai tránh khỏi sai phạm? Tôi chỉ mong được mãi mãi làm một con người bình thường để biết nhận ra những sai trái của mình và nếu không hổ thẹn với lương tâm thì ít ra cũng không trơ mặt ra trước những sai phạm của mình.
—————————————–
Đọc xong hết bài này, chắc các bạn nghĩ là anh Châu Xuân Nguyễn lấy bút hiệu khác mà viết bài này chứ gì.
Thú thật nếu tôi viết thì cũng không khác gì đâu. Đây là nỗi niềm chung của người Úc gốc VN đấy các bạn àh. Ít nhất bây giờ các bạn nghiệm ra rằng không phải chỉ một mình anh Châu là NVHN nghĩ ra những bài viết kia đâu. Chúng tôi phần nhiều cùng một tâm tư.
Tâm tư đó là được nhìn thấy 90 triệu dân tộc VN đều sống trong cảnh bớt đói nghèo, bớt khoảng cách đói nghèo vì đó là mầm mống của một xã hội dễ suy sụp (unstable society).
Thủ Tướng nói thật là không có đạo, sống với boyfriend còn hơn là có một lời nói láo nhỏ nào. Biểu tượng của sự trong sạch và tranh đấu cho dân nghèo, điều này tôi cũng rất muốn làm cho 90 triệu dân VN lắm.
Tham nhũng là từ ngữ xa lạ với đại đa số chính trị gia. Ở VN thì ngược lại, không tham nhũng là từ ngữ xa lạ với tất cả các chính trị gia.
Trích:”Chính trị gia và giới cầm quyền chính trị ở đâu cũng đều tuyên bố lấy dân làm “gốc” cả. Nhưng ít ra, họ không lố bịch và vô liêm sỉ đến độ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa áp bức vừa ra rả tự xưng là đầy tớ của nhân dân.” hết trích. Người Úc chúng tôi khinh bỉ chuyện “nói một đàng làm một nẻo” lắm, tiếng Anh gọi là Hippocrite, điều này không bao giờ làm, làm là bị chửi ngay.
Bài này được gửi tới tôi bởi anh Tran V.A., một thành viên của Nhóm Người Việt Vì Dân Tộc Việt
Châu Xuân Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog