Nguyễn Ngọc Già - Nhân chuyện đổi tiền nghĩ về Saigon một thuở (phần 3)
Tôi thương tuổi thơ em tôi không có được miếng ăn no, cái áo
lành, dám nào nghĩ tới những món đồ chơi con trẻ hay một bài hát vô tư,
hồn nhiên hoặc một bài học nhân bản từ câu chuyện "Gió đầu mùa" của Nhà
Văn Thạch Lam mà thế hệ chúng tôi được học để làm (đúng nghĩa) Con
Người:
Trong Gió lạnh đầu mùa, tình người ấm áp như chiếc áo mùa đông đã
nảy nở trong lòng hai đứa trẻ: Hai chị em Lan, Sơn mặc áo ấm ra chợ
chơi với bọn trẻ nhà nghèo thấy Hiên con bé hàng xóm co ro bên cột quán
mặc manh áo rách tả tơi bèn chạy về nhà lấy áo bông cũ đem cho nó mặc.
Mẹ Lan thấy nhà Hiên nghèo khổ bèn cho mẹ nó mượn năm hào may áo...(1)
Tuổi thơ của thế hệ em tôi (*) không còn được dạy những bài học đạo
đức nhẹ nhàng, nhân ái như thế. Thay vào đó, CSVN đã lần hồi bơm dần,
bơm dần những "mũi kim heroin" để chúng thấm dần, thấm dần từng ngày
một, từng tháng một, từng năm một, từng thập kỷ một... Chúng được dạy về
Lê Văn Tám (một nhân vật giả mà Trần Huy Liệu đã dựng lên phục vụ cho
công việc tuyên truyền), Kim Đồng, Kpă - Klơng (**)... Tôi chán phèo khi
phải kèm em học mỗi tối, vì thế, tôi đưa cho thằng em cuốn truyện Hoa
Xanh (***), những tập san Tuổi Ngọc mà tôi lén lút giữ lại không mang đi
đốt theo lệnh anh tôi.
Một hôm, thằng nhỏ đang trốn dưới gầm giường để đọc "Ngựa chứng trong sân trường"
(nhà văn Duyên Anh), anh tôi (không biết rình lúc nào) đã túm đầu nó
lôi xềnh xệch ra méc với ba tôi, nó "dám" đọc ba cái thứ "đồi trụy". Tôi
hồi tưởng lại nét mặt kinh khiếp của thằng nhỏ và nét mặt hả hê của
ông anh lúc đấy. Thật khó diễn đạt! Một nỗi kiêu hãnh và tự đắc ánh lên
trong mắt của ông anh, khi phát hiện ra một thằng... "phản động" ngay
trong nhà :(! May mà ba tôi không la mắng nhiều, chỉ bảo nó đừng đọc nữa
và lẳng lặng nhìn nó với ánh nhìn thương hại khi thấy đầu tóc bù xù sau
khi anh tôi buông tay ra! Nghĩ cũng ngộ! Dù là cha, nhưng đứng trước
"lập trường giai cấp", ông trở nên yếu đuối thảm thương. Lúc đó tôi
không hiểu, chỉ nói rằng: do tôi mang cho nó đọc, không phải lỗi ở nó!
Tôi đồng ý đem đốt hết những gì tôi giữ để không làm "ảnh hưởng" đến đầu
óc non nớt của thằng nhỏ!!!
Mãi cho đến sau này tôi mới biết về khái niệm "đấu tố" mà người CSVN
đã sử dụng trong "cải cách ruộng đất", "nhân văn giai phẩm" họ áp dụng ở
miền Bắc ngày xưa!!! Bất kỳ ai (cũng được) chỉ cần nhân danh giữ vững
"lập trường cách mạng", phát hiện "bọn phản động" là họ có thể đứng trên
và thay thế tất cả mọi giá trị nhân văn để hành xử nhằm trả thù bất cứ
ai mà họ ghét. Anh tôi rất ghét tôi và thằng em đã trở thành cái cớ quá
đẹp để hạ gục tôi như mong muốn! Thật não nề và chán ngán khi người CS
có thể nhân danh tất cả để thỏa mãn hả hê "cái giá trị chân chính" của
họ tự đặt ra!
Tôi nhớ, năm 1981, con bé cháu gái (3 tuổi, học lớp mầm, gọi tôi bằng
chú ruột) lúc nào cũng có thể ê a, hồn nhiên đọc một "bài thơ con cóc"
mà nó được dạy, đến nỗi tôi thuộc cho đến bây giờ (vì nó quá ấn tượng về
cái cách người CS nhồi sọ con trẻ, nhìn nó hồn nhiên, vô tư lúc đó mà
tôi ứa nước mắt):
Anh Kim Đồng
Làm liên lạc
Mang thơ mật
Rất tài tình
Đi một mình
Trong rừng tối
Khi lội suối
Lúc trèo đèo
Khó bao nhiêu
Cũng gắng công
Anh Kim Đồng
Thật dũng cảm.
Làm liên lạc
Mang thơ mật
Rất tài tình
Đi một mình
Trong rừng tối
Khi lội suối
Lúc trèo đèo
Khó bao nhiêu
Cũng gắng công
Anh Kim Đồng
Thật dũng cảm.
(Rất tiếc không biết tác giả là ai)
Ba mẹ nó rất vui, hãnh diện, vỗ tay tán thưởng khi nó đứng trước cả
nhà đọc làu làu, vanh vách "bài thơ con cóc" đấy! Tôi thì lặng lẽ như kẻ
đứng bên rìa cuộc sống! Sao ông trời phú cho tôi cái nhạy cảm đến nỗi
tôi cũng băn khoăn về những tiểu tiết đau thương mà lẽ ra không nên nhớ!
Không những trong lớp học, trong từng bài học, cái thứ "ma túy" chết
người đó vẫn ngọt ngào và êm ả thấm dần đến nỗi (có lẽ) bọn trẻ cảm thấy
từ bình thường đến quen thuộc (2), thích thú rồi đến... không thể thiếu
được trong ... "món ăn tinh thần" của chúng (nói ngay ra, không ăn
những cái đó thì ăn cái gì vào những năm sau 75 ???):
Nào là:
"Cháu yêu chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê, tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành...",
"Đêm qua em mơ gặp bác Hồ... em vui múa là em vui hát...",
rồi cao hơn một chút:
"...sướng vui có đảng tiền phong, có đảng như ánh thái dương sống yên vui trong tình yêu thương, cuộc đời ngàn năm bừng sáng",
"...có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn đảng ta, vui tung tăng hoan ca có đảng cuộc đời nở hoa"...
Ai cho em trở lại mái trường
Và ai cho em ấm áp tình thương
Đôi mắt âm u này giờ đây sáng tỏ
Ánh sáng cách mạng là cứu tinh đời em
Và ai cho em ấm áp tình thương
Đôi mắt âm u này giờ đây sáng tỏ
Ánh sáng cách mạng là cứu tinh đời em
Đảng đã cho em cuộc đời mới
Đảng chỉ cho em đường đi tới (3)
Đảng chỉ cho em đường đi tới (3)
(Ai cho em tiếng hát tình thương - Trương Quang Lục)
nhiều lắm, rất nhiều...
những món ăn độc hại như thế chễm chệ trên "ngôi báu" như những...
"món đặc sản"... dành cho tuổi thơ chúng nó - em và cháu tôi!!!. Không
những vậy, "món đặc sản" đứng vững ở vị trí hàng đầu trong suốt hơn 20
năm sau 1975, rồi tiếp tục tồn tại cho đến dài dài sau này mà chính từng
người cha, người mẹ, người thầy, người cô, từng nhạc sĩ, từng ca sĩ,
từng nhà thơ, từng nhà văn, từng nhà báo, từng nhà hoạt động xã hội...
cứ vô tư, mải miết tiếp tay cho CSVN để nhẹ nhàng nhét dần vào mái đầu
trẻ thơ bài học, bài thơ, lời ca tưởng chừng vô hại, tưởng chừng trong
sáng và tốt lành... thế là làm cho chúng thích thú để đọc, để ê a, để
hát đến thuộc lòng đến tận hôm nay !!! Rồi chúng lậm, lậm thật sâu để tự
huyễn hoặc về tình yêu anh bộ đội (2) bằng những vầng thơ mơ mộng nhuốm
màu đạo đức giả, sống trên mây với màu xanh cây cỏ, với "mùi bộ đội"...
Bất giác, tôi thở dài...!
Không những chúng bị đói nghĩa đen mà chúng bị đói nghĩa bóng là thế
đấy! Đói thì cái gì cũng ăn, bất kể món ăn bổ dưỡng hay độc hại là như
vậy!
Trong khi người Công giáo và những gia đình VNCH có vẻ không bị lậm
sâu thứ văn hóa độc hại đấy, thì các gia đình như gia đình tôi hay các
gia đình thường dân khác, dường như bị hút vào thật sâu, đến nỗi họ
không tài nào nhận ra cái thứ "ma túy" đang lần hồi giết chết tâm hồn
hiền lương, nhân ái của tuổi thơ lẽ ra phải được nuôi dưỡng, chăm chút
cẩn thận!
Điều kinh hoàng hơn, CHO ĐẾN NAY, CSVN vẫn không thấy tội ác của họ,
lại ĐANG tiếp tục nhồi vào đầu thế hệ con cháu hôm nay rằng: vẫn (phải
biết) yêu đảng vì "đảng đã đem lại hạnh phúc cho mọi người trong đó có
bản thân em, gia đình em và hàng xóm em..." (4) Trời ơi! Sao mà ngu xuẩn
đến vậy! Vong bản đến vậy! Bất nhân đến vậy! Tôi thảng thốt, chết lặng
và bàng hoàng khi sực nhớ tôi đang sống ngay năm 2011 của thế kỷ XXI khi
đọc cái giáo án năm 2010 (4)!!!
Phải chăng, từ thế hệ cha anh rồi đến thế hệ từ 1965 trở đi... "ghiền
ma túy" nặng quá và... thế là "tiếp nối truyền thống cách mạng" để tiếp
tục đầu độc một cách vô tư con, em, cháu sau này bằng những ca sĩ tên
tuổi đang ăn khách như :Cẩm Ly (5), Đàm Vĩnh Hưng... hay ca sĩ luống
tuổi hơn một chút như Tạ Minh Tâm (6), sự thật bày ra trước mắt Dân Tộc
ta như thế đấy!
Thế hệ què cụt tâm hồn, nhẫn tâm, thờ ơ, lạnh lùng, vô trách nhiệm, ích kỷ, chỉ biết có đảng... cứ thế tiếp nối, tiếp nối...
Người CSVN không biết, hay họ chưa từng nghĩ tới việc: từng cái khăn
quàng đỏ, từng bài thơ, bài nhạc, từng buổi sinh hoạt tập thể của đoàn
viên TNCSHCM, hội sinh viên mang màu sắc "trại tập trung cải tạo tư
tưởng" đồng loạt và hàng loạt... từ đỏ sản sinh ra Võ Văn Thưởng, Tất
Thành Cang... tiếp nối từ Phạm Phương Thảo, Nguyễn Văn Đua, Trương Thị
Mai... trước đó là Lê Văn Nuôi, Dương Văn Đầy..., trước đó nữa là Nguyễn
Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình... trước trước đó nữa là Võ
Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập... trước trước trước
nữa là Marx, Lenin? Có phải vậy, nên Trương Tấn Sang báo động về "Bầy
sâu"?!
Sâu chúa sản sinh ra sâu mẹ, sâu cha. Sâu mẹ, sâu cha sản sinh ra sâu
con. Sâu con sản sinh ra sâu cháu. Sâu cháu sản sinh ra sâu chắt...
tiếp nối và tiếp nối. Thử hỏi, như vậy làm sao đất nước này không mục
không ruỗng!!! Đất nước này không đứng trước thảm họa nô dịch Trung
Quốc? Thế thì có gì lạ hay bực bội về Hồ Thu Hồng và những người như
vậy? Điều đau buồn hơn, con trai của Hồ Thu Hồng rồi sẽ ra sao? (Có thể)
sẽ là Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Xuân Anh...???
Dù không biết, dù chưa từng nghĩ tới, CSVN vẫn đang tiếp tục truyền
nọc độc, truyền tư tưởng hận thù, chia rẽ tình yêu thương đồng bào đối
với thế hệ trẻ trong nước lẫn nhau và thế hệ trẻ trong nước với ngoài
nước như tất cả chúng ta thấy hiện nay! Bi ai!
Dân tộc Việt Nam ta sao mà đau thương và quằn quại đến vậy?! Hỡi
người Việt Nam?! Tại sao lại như vậy? Có đáng vậy không? Có đáng để một
Lý Tống xịt hơi cay vào Đàm Vĩnh Hưng? Có đáng để rẽ chia, khinh bỉ nhau
như thế không? Ai gây ra nghiệp chướng tàn bạo như thế này??? Ai???
Người miền Bắc có 3 cuộc di cư lớn về phía Nam gồm: thời kỳ trước 45
(còn gọi là "Bắc cao su"), di cư năm 1954 và di cư năm 1975.
Dù không phải hoàn toàn thuận thảo giữa người miền Bắc và người miền
Nam, nhưng trước 1975, sự phân biệt kỳ thị ít và không cực đoan, khốc
liệt trầm trọng như sau 1975. Sự kỳ thị Bắc - Nam nặng nề và âm ỉ trên
diện rộng cho đến ngày nay cũng do CSVN gây ra. Sự kỳ thị Bắc - Nam xảy
ra ngay trong nội bộ người CS với nhau. Xảy ra ngay giữa người Saigon
với người CS nằm vùng. Người nằm vùng với người trong khu. Người trong
khu, người nằm vùng với người ngoài Bắc. Người Bắc 1954 và người Bắc
1975. Tôi chỉ xin nói về sự kỳ thị giữa dân thường với nhau trong những
ngày đói kém và tăm tối sau 1975.
Sự kỳ thị bắt đầu từ những cuốn sổ mua gạo, chất đốt, nhu yếu phẩm,
những tem phiếu mua vải... Gia đình CS (nằm vùng, trong khu ra, ngoài
Bắc vào) luôn được ưu tiên báo trước khi lương thực, nhu yếu phẩm về đến
các HTX, cửa hàng lương thực (vì hàng về không bao giờ đủ cho tất cả cư
dân trên địa bàn một lúc). Lúc bấy giờ, má tôi nhận được tin (****),
hay kêu em tôi báo cho bà con trong xóm cùng ra mua. Ban đầu, các cô cửa
hàng trưởng, mậu dịch viên ngạc nhiên lắm, dần dần họ hỏi những bà con
đó và phát hiện ra má tôi báo, thế là gia đình tôi được xếp vào diện
"thường dân" luôn cho... bỏ ghét! Điều đáng buồn là bà con trong xóm lúc
đó lại nghĩ má tôi xấu bụng không báo cho họ nữa! Tình nghĩa láng giềng
mấy chục năm sống với nhau cứ thế mà vơi đi vì chẳng ai hiểu ai, chẳng
ai tin ai... Giàu như gia đình tôi, (trong mắt hàng xóm) cái đói hiện ra
bên ngoài là giả dối, là che mắt thiên hạ. Buồn lắm, khi tình nghĩa
chòm xóm cứ thế mà tan rã dần theo thời gian...
Sự kỳ thị lan tỏa trên nhiều lãnh vực khác, cả trong lĩnh vực giáo
dục. Thằng em tôi bị tẩy chay ngấm ngầm trong đám bạn vì nó là con CS
nằm vùng! Tội thằng nhỏ! Bạn bè cứ thế mà mất dần gần hết, vì nếu có đứa
bạn nào chịu chơi với nó thì bị những đứa khác khích bác là theo nịnh
bợ nó. Nó chỏng chơ, cô đơn trong lớp học vào những năm đầu sau 1975.
Thế là nó tìm những đứa "cùng phe" để chơi, tất nhiên cả những đứa trẻ
từ ngoài Bắc vào sau 1975. Chúng bắt đầu chia phe, thay vì ganh đua học
thì cũng còn may, đằng này chúng học ở người lớn để nói xấu nhau đủ
chuyện. Ôi! Bọn trẻ tập làm... "chínhh trị"! Chúng sẵn sàng khích bác,
tố lẫn nhau trước thầy cô chủ nhiệm về sai trái. Tất nhiên phần lớn là
phe thằng em tôi "thắng"! Chia rẽ và mất niềm tin vào người lớn, người
thầy, người cô ngày càng trầm trọng...
Nếu phía CS thong thả, lần hồi gieo vào tâm hồn tuổi trẻ Việt Nam
"lòng căm thù giặc sâu sắc" (7), dạy cho bọn trẻ sự sung mãn, phơi phới
vững tin vào một tương lai sáng lạn rất gần trước mắt, dạy cho chúng đầu
óc "thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết"... thì phía ngược lại, những
gia đình thuộc chế độ VNCH cũng cho con cái mình thấy sự tàn ác của
CSVN kèm theo những oan trái cuộc đời mà bọn trẻ đang phải gánh chịu...
Lòng người ly tán, hận thù ngày càng rõ rệt cho mãi đến sau này...
(còn nữa)
Nguyễn Ngọc Già
_______________
_______________
(*) Thế hệ sanh từ khoảng 1965 trở đi, tính đến những ngày đau thương
sau "giải phóng", chúng đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học hỏi, tìm tòi,
tò mò những điều mới lạ tựa một trang giấy trắng mà người ta thường ví
von.
(**) Lúc đó, thằng em tôi (học lớp 6 hay lớp 7 gì đấy) được dạy Kpă -
Klơng bắn "địch" chỉ một mũi tên mà xuyên qua 3 đến 4 tên giặc (làm như
que xiên bò nướng lụi không bằng). Rất tiếc tôi không còn giữ cuốn sách
giáo khoa (sách giáo khoa hẳn hoi nhé, không phải truyện) ngày đó để
minh chứng cho độc giả sự tuyên truyền sống sượng của những người CS. http://vi.wikipedia.org/wiki/Kp%C4%83_KL%C6%A1ng
(***) Theo trí nhớ, Tuổi Hoa (hình như) gồm có: Hoa Xanh (dành cho
thiếu nhi), Hoa Tím (dành cho tuổi mới lớn), Hoa Đen (truyện ma), Hoa đỏ
(truyện trinh thám)? http://tuoihoa.hatnang.com/
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ai-Cho-Em-Tieng-Hat-Tinh-Thuong-chua-ro-co-nguoi-hat-hay-hon-ma-ko-tim-dc/IW7CZZ0C.html (3). Lời bài hát thật đáng sợ, khi dạy cho trẻ thơ về cái gọi là "cứu tinh đời em":(!.
(****) Như mọi người biết, thời bấy giờ làm gì còn điện thoại. Họ cho người đến tận nhà báo cho những gia đình CS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét