Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Nỗi ám ảnh về Bắc Kinh

Đọc bài nói về Nỗi ám ảnh về Bắc Kinh của Ngải Vi Vị, người vẽ kiểu xây dựng vận động trường "Tổ chim" cho Thế Vận Hội ở Bắc Kinh năm 2008 vưà qua và cũng là người vừa mới được thả sau mấy tháng bị tù giam vì ông tranh đấu cho tự do dân chủ, tôi nhớ lại sáng qua người trưởng phòng hỏi ý kiến tôi nghĩ thế nào về Trung Quốc, tôi nói trong thời gian hơn 3 tuần lễ ở Trung Quốc của tôi vào khoảng giữa tháng Chín năm 2007, tôi không hề thấy mặt trời, tôi biết mặt trời hiện diện trên đầu, nhưng chẳng bao giờ xuất hiện, nhìn lên chỉ thấy một màng mong mỏng màu hồng hồng, cứ như mình ở trong một cái mùng thật to.  Ở nơi nào đó có thể đã vào Thu nhưng ở Trung Quốc thời gian đó thì nóng và ẩm ướt, không khí có lẽ đã làm cho tôi nhớ tới không khí của miền Nam Việt Nam.  Nhưng miền Nam có những cơn mưa vội vàng để trôi đi những rít rịt bụi bậm của thành phố, chứ ở TQ thì không, cứ khó chịu thế nào đó.  Hơn nữa, có lẽ vì dân số quá đông nên không khí ở đó lại có "mùi" không diễn tả được.  Tôi kể cho boss tôi nghe, trong các thành phố tôi đã đi qua, có lẽ tôi "khó chịu" với Bắc Kinh nhất, tuy phải đến đó để ăn cho đúng món vịt Bắc Kinh thì chắc chả có gì lạ hơn những nơi khác?  Ngoài một thành phố đã trở nên chật chội, cũ kỹ, những khu phố mà đi qua bạn có thể biết nó đã hiện diện cả nghìn năm trước với những tường thành bao bọc chung quanh ngay trong một khu phố sang trọng, cho bạn biết lịch sử của khu phố, hay những mái nhà cổ đến nỗi cỏ cây mọc cả trên mái nhà. Người Trung Quốc không hiểu họ yêu lịch sử, cổ kính hay lười biếng, điều đó đã khiến cho họ bảo tồn những giá trị của lịch sử chu đáo hay khó cho họ thay đổi như người Tây Phương, tuy rằng ba thập niên vừa qua họ đã thay đổi rất nhiều.  Một kinh nghiệm mà khó quên được và làm cho tôi không "thích" Bắc Kinh cho lắm đó là sự bẩn thỉu, và nhất là cái "mùi" như đã nói ở trên, bình thường ở một nơi nào dù ban ngày có nóng nực, có oi ả bao nhiêu thì ban đêm cũng trả lại cho bạn một không khí mát mẻ trong lành hơn đôi chút, nhưng ở Bắc Kinh thì không? Ở Bắc Kinh cứ bước ra ngoài càng về chiều làm như khi mọi người đã rút vào nhà của họ thì cái "mùi" nó mới được dịp lan toả tràn ngập thành phố.  Nó làm ngột ngạt khó thở, không hẳn là mùi khai ở các ngã đường vắng về đêm mà thỉnh thoảng bạn bắt gặp, vì người TQ cũng chưa bỏ cái tật ... bậy bạ trên đường phố, dù đường phố của họ luôn đông đúc.  Một mùi mà tôi chỉ có thể hình dung là tất cả những người dân Bắc Kinh họ đã làm việc quần quật suốt ngày, cuối ngày họ toát mồ hôi, thứ mồ hôi đồng lúc bốc hơi bay toả khắp ngõ ngách của thành phố, có lẽ phần đa số đàn ông không mặc áo cuối ngày cho thấm, cho nên cứ thế mà bốc lên trời làm nên một thứ không khí kỳ dị khó chịu.  Những ngày tôi ở Bắc Kinh là những ngày tưởng phổi mình sắp bị ô nhiễm, và nhất là khi đến Vạn Lý Trường Thành thì ôi thôi, ai ca tụng thế nào thì ca tụng, tôi không còn đầu óc đâu mà suy nghĩ về cái công trình vĩ đại này của họ, thật ra cũng chả có gì vĩ đại, chỉ nói lên sự bền bỉ, sự bóc lột sức lao động của người dân để làm nên một công trình đi qua những núi rừng hiểm trở trong những thời tiết khắc nghiệt của thời xưa, mới thấy sự tàn bạo của một thời đại áp đặt lên con người. Và vì thế, khi đến Vạn Lý Trường Thành tôi lại bị cái mùi kinh khủng khủng bố cái mũi của tôi đến nhức óc, do đó tôi chẳng còn ấn tượng gì tốt cho "The Great Wall" cũng như "Peking".  Dù sao chuyến đi ấy đến những thành phố khác cũng có những ấn tượng đẹp đẽ, nhất là những nơi không có cái mùi khá "đặc biệt" ấy.  Có lẽ phải gọi là Mùi Bắc Kinh. 

Dù sao tôi cũng nghe nói là Bắc Kinh đã cố gắng thay đổi làm sạch sẽ môi trường hơn để tổ chức Thế vận hội 2008. Cho nên có lẽ bây giờ đã khá hơn, và một điều phải nói thêm là người TQ cũng rất yêu cây cỏ, họ trồng rất nhiều trong thành phố, và ngay ở rừng bạn cũng có thể thấy được người dân họ chăm chút cây cỏ trên rừng ra sao.  Có lẽ vì đông người quá, nên bao nhiêu Oxy cũng không đủ cho một dân tộc hơn cả tỉ người, và có lẽ vì thế mà họ cứ phải đi lung tung để... chiếm đất, chiếm biển?



“Thủ đô của Trung Quốc là một nhà tù…”[1]
 Ngải Vị Vị
Hà Nguyễn dịch


Có đến hai thành phố ở trong một Bắc Kinh. Một là Bắc Kinh của quyền lực và đồng tiền. Người ta chẳng quan tâm hàng xóm của mình là ai; họ không hề tin tưởng bạn. Hai là Bắc Kinh của nỗi tuyệt vọng. Tôi nhìn những người đi trên những chuyến xe bus công cộng, nhìn vào mắt họ và nhận ra rằng họ chẳng có chút niềm tin nào. Họ thậm chí chẳng bao giờ dám nghĩ rằng có thể mua được một ngôi nhà. Họ đến từ những ngôi làng vô cùng nghèo khổ, nơi họ chưa bao giờ được thấy điện hay giấy vệ sinh.
Hàng năm, hàng triệu người đổ tới Bắc Kinh để xây dựng cầu đường, nhà cửa của thành phố này. Mỗi năm, họ xây dựng lên một Bắc Kinh bằng với kích thước của thành phố này năm 1949. Họ là những kẻ nô lệ của Bắc Kinh. Họ ngồi xổm trước những công trình bất hợp pháp mà Bắc Kinh phá hủy khi mở rộng thành phố. Ai là chủ của những ngôi nhà này? Chính là những người của chính phủ, những ông chủ hầm mỏ, những người đứng đầu của những doanh nghiệp lớn. Họ mang tới Bắc Kinh những món quà – và những nhà hàng, những quán karaoke, những phòng tắm hơi, vì thế, mọc lên như nấm.
Bắc Kinh nói với những người ngoại quốc rằng họ có thể hiểu thành phố, rằng chúng ta có cùng những kiểu dáng nhà cửa như nhau: sân vận động Tổ chim, tháp tháp CCTV. Những viên chức mặc những bộ áo vest, thắt cavat giống như bạn nói rằng chúng ta đều giống nhau và đều có thể làm kinh doanh. Tuy nhiên, họ không cho chúng ta những quyền cơ bản. Bạn sẽ thấy những trường học của dân di cư bị đóng cửa. Bạn sẽ thấy những bệnh viện nơi họ cho bệnh nhân những mũi khâu – và khi họ nhận ra bệnh nhân chẳng có lấy một xu dính túi, họ rút lại những mũi khâu. Bắc Kinh là thành phố của bạo lực.
Điều tồi tệ nhất về Bắc Kinh là bạn không thể đặt niềm tin vào hệ thống pháp luật. Không có sự tin tưởng, bạn không thể xác định được bất cứ điều gì; nó giống như một cơn bão cát. Bạn không thấy bạn là một phần của thành phố – ở đây chẳng có nơi nào mà bạn gắn bó, chẳng có nơi nào mà bạn thích tới. Chẳng có một góc phổ, một khu vực nào được soi tỏ bằng một loại ánh sáng như thế cả. Bạn chẳng có một kí ức gì về bất kì một vật liệu, kết cấu hay hình dạng nào cả. Mọi thứ đều liên tục thay đổi, theo ý muốn của người khác, theo quyền lực của người khác.
Để thiết kế Bắc Kinh một cách hợp lí, bạn phải để thành phố này có không gian cho những lợi ích khác nhau, để mọi người có thể cùng chung sống, để nơi đó tồn tại một xã hội thực sự. Thành phố là nơi có thể đem đến tự do tối đa. Nếu không, nó là một nơi chưa hoàn thiện.
Tôi rất tiếc khi phải nói rằng tôi chẳng thể tìm thấy ở Bắc Kinh một địa điểm yêu thích nào cho riêng mình. Tôi không có ý định đi tới bất cứ nơi nào trong thành phố này. Những địa điểm quá đơn điệu. Bạn không muốn nhìn bất cứ ai đi ngang qua bạn bởi vì bạn biết chính xác điều gì đang diễn ra trong tâm trí của anh ta. Không có chút tò mò nào. Và thậm chí, chẳng ai buồn tranh cãi với bạn.
Chẳng có cái gì thuộc về nghệ thuật của tôi hiện diện ở Bắc Kinh. Tôi chưa từng nghĩ về Sân vận động tổ chim. Sau Thế vận hội, những người dân thường không nhắc tới nó nữa bởi Thế vận hội đã không đem đến niềm vui cho mọi người.
Có nhiều điều tích cực với Bắc Kinh. Mọi người vẫn sinh con đẻ cái. Bắc Kinh có một vài công viên đẹp. Tuần trước, tôi đã đi dạo tại một trong số những công viên đó và một vài người đã đi về phía tôi, ra dấu hiệu chào đón sự hiện diện của tôi hoặc ngầm ý đồng tình với tôi. Tại sao họ phải bí mật như vậy? Không ai sẵn sàng lên tiếng. Họ đang chờ đợi điều gì? Họ luôn nói với tôi: “Ngải Vị Vị, ông hãy rời khỏi đất nước này” hoặc “Hãy sống lâu và xem chúng chết”. Hoặc là rời khỏi, hoặc kiên nhẫn và chờ đợi chúng sẽ chết như thế nào. Tôi thực sự không biết tôi sẽ phải làm gì.
Thử thách đã khiến tôi hiểu rằng, trên tấm vài này có nhiều vết đen bị che giấu, nơi đó được người ta đặt lên những người không có bản sắc. Không có tên, mà chỉ là một con số. Họ không quan tâm bạn đi đâu, bạn đã phạm phải tội lỗi gì. Họ nhìn hoặc không nhìn bạn, điều đó chẳng có chút khác biệt biệt nào, dù là nhỏ nhất. Ở đây có hàng ngàn vết đen như thế. Chỉ có gia đình bạn gào khóc vì sự vắng mặt của bạn. Nhưng bạn không thể nhận được câu trả lời từ các cộng đồng dân cư trên phố hoặc từ các quan chức, hoặc thậm chí ở cấp cao nhất, từ tòa án, cảnh sát hay người đứng đầu quốc gia. Vợ tôi đã viết những văn bản thỉnh cầu này mỗi ngày, đã thực hiện nhiều cuộc điện thoại tới đồn cảnh sát mỗi ngày. Chồng tôi đang ở đâu? Hãy nói cho tôi biết chồng tôi đang ở đâu? Không có một thông báo nào. Không có một thông tin nào.
Đặc điểm nổi bật nhất của những khu vực này là chúng bị cắt đứt hoàn toàn khỏi bộ nhớ của bạn hoặc với bất kì điều gì bạn thấy quen thuộc. Bạn hoàn toàn bị cô lập. Và bạn không biết bạn sẽ phải ở đó bao lâu nhưng lại tin chắc một điều rằng họ có thể làm bất kì điều gì với bạn. Không có cách nào để chất vấn về điều này. Bạn không hề được bảo vệ bởi bất cứ điều gì. Tại sao tôi ở đây? Tâm trí bạn không hề chắc chắn về thời gian. Bạn gần như trở nên điên loạn. Điều này rất khó khăn đối với bất kì ai. Kể cả với những người có những niềm tin tưởng mạnh mẽ.
Thành phố này không phải liên hệ tới những người nào khác cả hay về những tòa nhà hoặc những đường phố, mà là liên hệ tới chính cấu trúc tinh thần của bạn. Nếu chúng ta nhớ những gì Kafka viết về Lâu đài của ông ấy, chúng ta sẽ hiểu được điều này. Thành phố thực sự là những tình cảnh về tinh thần. Bắc Kinh là một cơn ác mộng. Một cơn ác mộng không ngừng.
Hà Nguyễn dịch
[1] Tên gốc của bài viết này là The City: Beijing, nghĩa là Thành phố Bắc Kinh. Người dịch đã lấy ý một câu trong bài viết này để đặt một tiêu đề khác cho bài viết là: “Thủ đô của Trung Quốc là một nhà tù”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog