Nhân chuyện đổi tiền nghĩ về Saigon một thuở (phần 2)
Nguyễn Ngọc Già
Tôi cảm thấy vơi bớt muộn phiền và nhẹ nhõm hơn, khi bài viết về những ngày đen tối của Quê hương được mọi người đón nhận trong tâm thức sẻ chia bùi ngùi, trong suy tư hồi tưởng, với miền ký ức xa xăm để cùng nhau góp nhặt những mảnh vỡ đau thương hơn 30 năm qua, như những người lâu lắm rồi mong được:
Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau
Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau
Tình chia trong đêm sầu
Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau
Tình chia trong đêm sầu
(Đêm nhớ về Saigon - Trầm Tử Thiêng)(1)
Dù đã hơn 30 năm, dù ký ức đã trở thành từng mảnh vỡ bị mài mòn, tôi vẫn cố mày mò để ghép lại "bức tranh ma quái" một thời ám ảnh hàng triệu người Việt Nam. Chắc chắn đó không thể là bức tranh sắc nét (nhất là cho thế hệ trẻ) như mong muốn, bởi lẽ từng góc, từng cạnh của mảnh vỡ ký ức đã bị sứt mẻ theo thời gian, mòn cụt theo cuộc đời nổi trôi từng phận người ngay trên chính quê Cha đất Tổ.
Chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta thấy lòng mình chùng xuống, se sắt và nhói đau khi nghĩ về một thời quá vãng kinh hoàng của Dân tộc!
Nếu ngồi kể cho nhau nghe những mảnh đời thương tâm làm cho thể xác biến dạng cùng tâm hồn tật nguyền (kể cả thù hận) bị gây ra bởi sự ngu xuẩn và hãnh tiến của người CS, thì nói cả tháng cũng không hết. Vậy hãy nói cho nhau nghe những gì phổ quát nhất, bao hàm nhất và ấn tượng nhất để nhiều người trong chúng ta cùng sẻ chia.
Không quá chủ quan, khi tôi cảm nhận về "hai dấu ấn của quỷ" từ những tháng ngày điêu linh trong quá khứ đó là: CÁI ĐÓI & BÓNG TỐI. Hai dấu ấn đậm nét mà khi nhắc lại, dễ làm nhiều người rơi nước mắt! Cái đói & bóng tối, tôi muốn nói đến ở đây mang cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu bóng tối bao trùm cả Saigon khi màn đêm buông xuống của những năm sau "giải phóng", thì bóng tối & cái đói bao phủ tất cả các lãnh vực, làm nên con người nhân bản và có trách nhiệm: giáo dục, y tế, tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật kể cả pháp luật. Bao phủ tất cả (tôi xin trần tình và phân tích trong phần sau). Tất cả các lãnh vực nói trên tha hóa, bệ rạc và để lại di chứng nặng nề cho đến nay đều xuất phát từ cái đói thể xác và của cả chục năm trời dân Saigon đối mặt với bóng tối triền miên của hơn 30 năm về trước! Đói về thể xác và tập quen với màn đêm u ám, từ đó hủy hoại tất cả những gì thánh thiện, thanh cao, tốt đẹp nhất của Con Người đặt trong bối cảnh những năm 75. (Tôi không có ý nói miếng ăn quyết định tất cả trong mọi thời đại, mọi xã hội, mọi hoàn cảnh, do đó xin nhấn mạnh cái đói và bóng tối theo quan điểm riêng tôi, cần đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào những năm sau "giải phóng").
Quá khứ tồi tệ được tạo ra từ một thời u mê, nhiệt tình đến mức quá khích của cả một "hầm rượu chiến thắng" được cất từ cái thứ "men đặc quánh" gọi là: "tên đế quốc khét tiếng thế giới, mà chẳng Quốc gia nào đánh bại nỗi, chỉ có người Cộng sản Việt Nam làm nên điều "kỳ diệu" đó" (!) (đây có thể là câu cửa miệng một thời của hầu hết người CS). Vâng! Chính nó! Chính nó đã làm cho những người CS ngất ngây trên chín tầng mây xanh để tự tán dương, tự ca tụng như người bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng (2) và... hình như... "tự sướng" chưa đủ, họ buộc toàn dân phải hòa vào cùng "sướng chung" bằng bài ca chiến thắng:
Tổ quốc ơi ta yêu người mãi mãi
Từ trận thắng hôm nay ta xây lại bằng mười
Từ trận thắng hôm nay ta xây lại đẹp hơn! :(
Từ trận thắng hôm nay ta xây lại bằng mười
Từ trận thắng hôm nay ta xây lại đẹp hơn! :(
(Tình đất đỏ miền Đông - Trần Long Ẩn)
Lúc đó, đám thanh niên chúng tôi đổi lời mà rằng:
Tổ quốc ơi! ăn khoai mì ngán quá
Từ giải phóng vô đây ăn cơm độn dài dài
Từ giải phóng vô đây ăn cơm độn... thấy mà ghê! :)
Từ giải phóng vô đây ăn cơm độn dài dài
Từ giải phóng vô đây ăn cơm độn... thấy mà ghê! :)
và còn hàng hà sa số bài hát dành cho những cơn say. Say khướt! Say triền miên trong nhiều năm liền. Người CS càng say, càng sướng. Càng sướng càng say. Trong lúc người dân ngày càng khổ đau, ngày càng lầm lũi...để..."Phải Sống" (*)!
Họ - những người CS - tự đưa vào trong não một thứ "hào quang lòa loẹt" về cái gọi là chiến thắng "tên đế quốc sừng sỏ" thì có gì mà họ không thể làm (và làm tốt nữa là khác!:p), bằng chứng:
Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh” (3)
Lê Duẩn (Tết 1976)
Mười năm sau, Lê Duẩn xuống mồ và ôm theo câu nói "nổi tiếng" một thời! Người dân Saigon còn phải bán tủ lạnh, tivi... nói gì người dân các vùng quê!
Nghe đâu, khi ông ta chết, nhiều người (đảng viên) mừng lắm! Ngay đây xin mở ngoặc, tôi cũng như nhiều người khác lúc bấy giờ rất lấy làm lạ, tại sao một con người chẳng lấy gì là tài ba xuất chúng cho lắm mà ai cũng sợ một phép (cỡ ông Hồ, ông Giáp cũng bị điêu đứng vì ông Duẩn) để khi ông ta chết đi mới làm cái việc gọi là "cởi trói", "đổi mới"?! Lạ thật! Người CS (trong đó có những nhà báo tên tuổi) lại tiếp tục u mê tụng ca Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt như vị cứu tinh kịp thời xuất hiện để cứu nhân độ thế!!! Miệng ăn mắm ăn muối nói bậy, giả sử Lê Duẩn mà sống thêm chục năm nữa (nghĩa là 1996 mới chết) biết đâu dân mình cũng như dân Nga, dân Đông Âu bây giờ chăng? Định mệnh dân tộc?
Bấy giờ, ba tôi hồ hỡi với tuyên bố của Lê Duẩn, trong khi má tôi trề môi dài buông lửng: "Tưởng gì...!". Lúc này (1976) chưa... bị đói!
Cái đói thì muôn hình vạn trạng, mỗi người trong chúng ta có những cảm nhận khác nhau : đói cồn cào, đói quay quắt, đói rũ rượi, đói triền miên, đói mờ hai con mắt, đói run tay run chân, đói đến làm thinh mà nằm xoay bên này cũng thấy đói, trở người bên kia cũng thấy đói. Đói khốc liệt. Đói tàn nhẫn. Cơn đói ám ảnh nhiều người trong giấc ngủ cố lãng quên, nhiếu người chạy trốn cơn đói bằng một ly cối nước, người khác giả vờ vui tươi, lạc quan để quên đói; người khác lại ráng bò dậy, vật vờ làm cái gì đó mà vẫn không xong! Lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết thế nào là đói mờ hai con mắt, đó là khi tôi nhìn vào mắt má tôi, lúc mà bà nhường hết cả bo bo, khoai sùng cho chúng tôi.
Cái đói dạy cho tôi nhiều điều. Trước tiên, má tôi dạy cho tôi bằng phương pháp "trực quan sinh động":(. Vẻ lịch thiệp, hoạt bát của một bà chủ thành đạt biến đâu mất dạng, chỉ còn thấy một bà già ốm o, gầy mòn, đi liêu xiêu, nghiêng ngả ôm từng bọc nước đá cục (lấy từ tủ lạnh nhà) đi bỏ cho mấy xe nước mía vào buổi chiều, sau buổi chợ tờ mờ sáng chen nhau giành mua những miếng thịt ngon nhất từ cửa hàng hợp tác xã tuồn ra, vội đem ra chợ bán để kiếm lời.
Tôi thật thấm: "Đói, đầu gối phải bò".
Ba tôi dẹp hết hãng xưởng, cho thợ thầy nghỉ việc với trợ cấp thỏa đáng, kêu họ về quê mà xây dựng "cuộc sống mới"!. Ông dặn mấy chú thợ: "Ráng lên! Mai mốt sướng lắm! Mình làm nhiêu cũng được, nhưng hưởng thì tha hồ". Nói ngay ra, ông muốn giải thích cái câu: "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", nhưng sợ mấy chú thợ không hiểu, nên diễn đạt bình dân vậy! Nhiều chú ngơ ngác mà không dám hỏi. Thời đó, dân ở Saigon ai cũng xanh mặt khi nghe hai chữ "cách mạng", nên chẳng ai hỏi lôi thôi.
Sau khi dẹp hết hãng xưởng, khoác áo cách mạng chính danh (vì trước đó ông là biệt động thành), ba tôi nghiễm nhiên trở thành một trong những nhân vật đáng kính hàng đầu vào lúc bấy giờ của Saigon, trước những người đồng chí của ông từ trong rừng ra và từ ngoài Bắc vào. Việc dẹp hãng xưởng cũng là "cuộc cách mạng đấu tranh gay gắt" giữa ba và má tôi, khi má tôi quyết lòng giữ hãng, bà nói với ông đại khái: "Ông đi đâu thì đi, để (hãng) đó cho tui làm nuôi mấy đứa nhỏ". Tuy nhiên, cuối cùng mà tôi thua vì phụ nữ Saigon thời đó vẫn còn theo cách phong kiến lắm (phu xướng phụ tùy mà!). Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã cho ra đời tiểu thuyết "Những khoảng cách còn lại" (4), một thời ăn khách và người CS cùng những người thân cộng rất ưa chuộng. "Những khoảng cách còn lại" nói về hai vợ chồng, ông thì đi tập kết ngoài Bắc, vợ ở trong Nam trở thành bà chủ lớn. Sau đấu tranh gay gắt, bà vợ nghe lời chồng hiến toàn bộ tài sản cho nhà nước để trở thành người vô sản như ông chồng để mà đi lo... cho dân :(
Nhà tôi khách khứa liên tục. Những bữa cơm nối nhau cho đến hết năm 1976...
Ba tôi chính thức trở thành...người nhà nước từ 1976. Ông hăng say lao vào công việc không biết ngày giờ như những người CS thời bấy giờ. Bất chấp gạo ngày càng thiếu trong nhà, bất chấp má tôi ngày càng hao mòn thân xác, bất chấp anh chị em chúng tôi đồ mặc ngày càng cũ rách, không có tiền mua tập, mua viết, bất chấp má tôi kêu gọi ông quay trở lại nghề để lo cho gia đình... Ông bất chấp tất cả để đi theo tiếng gọi của "tình yêu vĩ đại". Những anh chị lớn của tôi người thì đã là đồng chí của ông trong nhiều năm, người thì "tập tành" lao theo ông như những con thiêu thân vào các phong trào ĐTNCSHCM một thời. Bụng đói mà sao hăng say lạ! Tôi nhíu mày không hiểu! Cho đến nay, ngẫm lại tôi vẫn thật sự không hiểu, ngoài suy nghĩ: Cuồng! Hèn chi, Hoàng Việt có bài:
(Tình ca - Hoàng Việt)
Khi cái "cuồng" mượn tên "đức tin" thì rõ là vô phương cứu vãn! Bởi lẽ, họ đang đâm đầu vào bụi rậm mà cứ ngỡ đang tiến trên đường cái quan. Bất hạnh! Bất hạnh cho đến nay, bốn người anh chị tôi dù đã ở tuổi thất thập, lục thập vẫn không thấy quá khứ sai lầm và tội lỗi của họ, không nhiều thì ít, đã góp tay cho tội ác đối với Dân Tộc Việt Nam!
Má tôi, tôi cùng hai người khác ở một phía.. chiến tuyến với ba tôi và mấy người anh chị kia!
Thảm cảnh!
Tuy vậy, nếp nhà chúng tôi không đến nỗi nào (**), có lẽ nhờ cả quãng đời dài, ba má, anh chị em chúng tôi sống trong xã hội (chưa phải tốt đẹp nhất) nhưng chắc chắn tốt đẹp hơn xã hội bây giờ.
Thú thật, tôi hồ hồ nghĩ rằng, lớp trẻ ngày nay chắc chưa có dịp nhìn kỹ vào mắt một người đói - đói triền miên, để cảm thông, để thương xót và để làm gì đó có thể. Vì thế những năm đó hầu như rất hiếm người ăn xin. Đây là sự thật mà những ai đã trải qua ở Saigon thời đấy có thể làm chứng cho tôi. Thật sự rất ít người ăn xin (theo nghĩa chuyên nghiệp), vì lẽ đơn giản, ai cũng hiểu. Thân mình, gia đình mình lo còn không xong lấy đâu giúp người ăn xin. Hầu như không có đĩ điếm, cũng vô cùng hiếm trộm cướp. Ăn còn đói, mặc còn rách tiền đâu mà đi... "chơi"! Thế là người CS càng lên tiếng ngợi ca... họ và càng có cớ gọi những cô gái ăn sương là "cặn bã" xã hội, là "tàn dư của chế độ Mỹ - ngụy"... như mọi người đều biết.
Cái đói. Bóng tối. Sự ủ dột. Đặc biệt sự sợ hãi về "chính quyền cách mạng" lan tỏa khắp mọi nơi, vì đa số dân Saigon lúc đó đều tự kỷ ám thị mình là "kẻ thua", nên sợ lắm. Rất sợ. Vả chăng, người Saigon cũng không hiểu gì nhiều lắm về hai chữ "Cộng sản" cho mãi đến những cuộc đổi tiền, đánh tư sản (tên rất hay: cải tạo công thương nghiệp), học tập cải tạo, kinh tế mới. Lúc bấy giờ, người Saigon ngày một vỡ lẽ, nhưng đã quá muộn...
Cuộc đổi tiền đầu tiên, vào năm 1976 đã làm nhiều gia đình khánh kiệt ngay từ đầu, không đợi đến lần 2, lần 3. Đa số dân Saigon, vào thời bấy giờ cũng hầu như gởi tiền trong nhà băng (Ngân hàng), gia đình mua bán, sản xuất càng chẳng bao giờ giữ tiền mặt ở nhà. Gia đình tôi cũng thế. Hiện trạng tài chính ngân hàng có thể nói giống như hiện nay, người dân không giữ tiền mặt ở nhà nhiều. Thời đó, gia đình tôi cũng đã thanh toán bằng chèque, tuy chưa có credit card, debit card như bây giờ, người Saigon cũng chạy áp phe (affair) dữ lắm v.v... Hối lộ, tham nhũng lớn thì tôi thật tình không biết rõ, nhưng chắc chắn cam đoan không có kiểu ăn bẩn ăn thỉu như mấy chú công an bây giờ, không bao giờ doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, thuế má đầy đủ mà bị bất cứ ai làm khó dễ. Nói thật, đố dám! Cảnh sát lúc đó ngán dân lắm! Hơn nữa, cảnh sát thời đó đều có ăn học đàng hoàng, tệ tệ cũng phải Tú tài nhất, Tú tài đôi (nói thật, lớp 11, 12 bây giờ mà nói tương đương tú tài nhất, tú tài đôi thì tội cho thế hệ trước 75 quá!). Thời đó, đệ tam là phải học 2 sinh ngữ (lúc đó không gọi là ngoại ngữ, thường là Anh ngữ (chính) thì Pháp ngữ (phụ) và ngược lại). Những thầy cô dạy từ trung học (đệ thất) đều gọi bằng Giáo sư (không phải giáo sư kiểu học vị bây giờ, đó là cách gọi tôn trọng thôi).
Đồng tiền trước 1975 gồm có:
- Loại 5đ, 10đ làm bằng kim loại, loại 5đ hình hoa mai 5 cánh, loại 10 đồng hình tròn. Nguyên liệu bền đẹp như các loại tiền coin ở Mỹ và Châu Âu hiện nay. Thật tình tôi không nhớ có loại 1đ không nữa?
- Loại 20đ, 50đ, 100đ, 500đ bằng giấy cotton, dai bền dù không phải như loại tiền polymer hiện nay, màu sắc dễ phân biệt, không bị lầm lẫn. Tôi thật tình thưa rằng, ấn tượng nhất với tôi là tờ giấy bạc 500đ. Theo trí nhớ của tôi cũng có hai mặt, sắc màu cam đậm, mặt sau in hình một chú cọp trông hùng dũng và oai phong, mặt trước (hình như) là chân dung Hương Đạo Vương. Tôi không nhớ rõ lắm các loại tiền giấy khác. Chỉ còn nhớ loại 100đ mặt trước màu tim tím hình vua Quang Trung (thì phải?). Giấy 20đ thì màu hồng nhạt.(***)
Tôi nhớ trước 75, má tôi cho mấy đứa nhỏ mỗi sáng 40đ ăn điểm tâm khi đi học, còn mấy đứa lớn thì được phát tiền tuần để tiêu vặt và tự chịu trách nhiệm trong khoản tiền đó (thiếu ráng chịu) kèm theo là phải phụ việc nhà tùy theo tính cách, giới tính mà má tôi giao việc. Ba tôi thì lo về kỹ thuật, má tôi chịu trách nhiệm quản trị trong ngoài...
Ngày đổi tiền đầu tiên (hình như cuối tháng 9/1975 thì phải), tôi nhớ cứ 500đ đổi ra 1đ tiền giải phóng. Nhà tôi trở thành một trong các điểm đổi tiền được chọn lúc bấy giờ (nhà cộng sản nằm vùng mà lại!!! họ chọn địa điểm kỹ lắm, nhưng mình không hề được cho biết trước, họ chỉ nói mượn địa điểm cho việc quan trọng và xin gia đình cho mượn mặt bằng trong vài ngày). Má tôi chẳng phải đi đâu xa.
Sáng đó, má tôi xuống sớm và khi trở lên cầm nắm tiền trong tay, thẫn thờ như người mất hồn. Bà buông thõng cánh tay còn lại, tôi nhìn trong mắt bà là một nỗi bàng hoàng chết lặng. Trước đó, toàn bộ trương mục của gia đình tôi trong ngân hàng đã mất sạch theo sự sụp đổ của VNCH. Má tôi còn giữ được (hình như) khoảng mười mấy lượng vàng lá (loại vàng nổi tiếng lúc bấy giờ có tên Vàng Kim Thành - một lượng gồm có hai miếng rưỡi, mỏng như lá, bề ngang khoảng 3 phân, dài khoảng 7 hay 8 phân gì đó, nên gọi vàng lá. Má tôi giải thích cho tôi như thế. Tôi thắc mắc, sao không làm 2 hay 3 miếng hay 1 miếng làm gì hai miếng rưỡi kỳ vậy? Má tôi cười hiền: "Kiểu vậy mà con!"). Không phải lượng vàng SJC bây giờ.
Má tôi bật khóc tức tưởi như con nít với nắm tiền mới trong tay...!
(còn nữa)
Nguyễn Ngọc Già
_______________
_______________
(*) Một bộ phim rất xúc động của Trương Nghệ Mưu do Củng Lợi thủ vai chánh. Mạng sống của con người đôi khi không do ta tự định đoạt được, nhưng chúng ta cũng cần... Phải Sống! Tôi xúc động nhất là trường đoạn nhân vật chính đã đau đớn và quyết từ chối nhận bức ảnh Mao Trạch Đông như là "món quà ý nghĩa" được "ban tặng" để ghi nhận "công lao" cậu bé (con của nhân vật chính) vì đi lao động XHCN, mệt quá ngồi ngủ gục (con nít mà!) bên bức tường mục. Bức tường sụp đổ và đè chết cậu bé! Hình Mao trở thành "quà tặng" là chi tiết vô cùng đắt giá để lên án chế độ CS, đặc biệt lên án tệ sùng bái cá nhân và xem rẻ sinh mạng con người của CS.http://movie.zing.vn/Movie/phai-song/to-live/phim-dien-anh/m1781.html
Thời kỳ đói nhất là 3 năm: 1978 - 1980.
http://74.125.12.90/books?id=u94ZAAAAIAAJ&dq=related:LCCN87139552 (4). Cuốn truyện này, tôi còn giữ. Nói thật, đọc lại thấy ngượng chín người, không biết ông Nguyễn Mạnh Tuấn nghĩ sao?! Được dựng thành phim có tựa "Xa và Gần" với diễn viên (hình như): Hà Xuyên (diễn viên múa ngoài Bắc, hiện nay đã vào Nam lâu rồi), ca sĩ Phương Hồng Ngọc (vợ kịch sĩ Ngọc Đức, hiện định cư tại Mỹ), Bích Liên...
(**)Viết đến đây, tôi xin thành tâm chia buồn với anh Đỗ Xuân Thọ về vụ con trai út của anh vừa qua! Mong anh mau vượt qua nỗi đau đớn này. Nhưng nói thật, lá thư anh trải lòng với nội dung đó, con trai út của anh ngay bây giờ không hiểu nỗi đâu, anh Thọ ạ! Hãy lắng lòng một thời gian. Tạm hoãn tham gia các diễn đàn, anh ạ. Nếu có lên mạng chỉ nên đọc thôi, đừng phản hồi ý kiến gì cả.
(***)Tham khảo: tiền Đồng thời Việt Nam Cộng Hòa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét