Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Phê bình

Tối hôm nọ nằm lơ mơ đọc bài viết của bà Thụy Khuê viết về tiếng hát Thái Thanh, báo Người Việt đăng lại. Đọc xong chả hiểu nhà phê bình Thụy Khê viết gì, tôi vốn cũng hay đọc/nghe những bài phỏng vấn của bà, nối cả link trang web của bà trong trang web của mình. Vẫn phục là sao bà có khả năng dọc nhanh thế, có khi cuốn sách truyện nào đó mới ra là bà đã có một bài phê bình nghiêm túc, mà tôi tự nghĩ chắc bà phải có một nhóm ngưòi làm công việc đọc và ghi chú cho bà làm công việc phê bình.  Có một điều mà lâu nay nghe người ta kháo là bà thiên vị, bà phỏng vấn những văn nghệ sĩ miền Bắc và hiện ở miền Bắc hơn là miền Nam, thi thoảng có một vài người ở miền Nam trước 75 mà thôi. Bà ưu ái phỏng vấn phê bình các văn nghệ sĩ trẻ trong nước chứ hầu như không dành lời cho văn nghệ sĩ trẻ ở hải ngoại.   

Tuy nhiên phải nói đọc bài viết bà viết về nữ ca sĩ tài danh Thái Thanh thì hôm ấy tôi đâm ra chán, tự nghĩ có lẽ tại mình buồn ngủ quá rồi nên đọc không thấm gì hết. Hôm qua đọc bài ông Hoàng Ngọc Tuấn viết về bài viết của bà, thì ra tôi không có buồn ngủ. 



Khi các “nhà phê bình” ra sức... múa chữ rởm  
Hoàng Ngọc Tuấn - Tiền Vệ
 
(Viết nhân dịp bạn Chu Hà nêu lên một số thắc mắc về bài “Thái Thanh, tiếng hát lên trời” của Thụy Khuê)

Thỉnh thoảng tôi lại thấy có những người mù tịt về âm nhạc mà lại liều mạng nhảy bổ vào lĩnh vực âm nhạc để viết những bài phê bình, nhận định về âm nhạc.
Có lẽ các bạn sẽ tự hỏi: Nếu những người liều mạng ấy không có kiến thức âm nhạc, thì họ dùng cái gì để viết những bài phê bình âm nhạc? Thưa các bạn, những người ấy dùng những thứ ngôn từ mù mờ, khoa đại và rỗng tuếch. Họ làm ra vẻ như đang phê bình âm nhạc, nhưng thực ra họ chỉ ra sức... múa chữ rởm.
Bài “Thái Thanh, tiếng hát lên trời” của Thụy Khuê là một ví dụ. Làm ra vẻ như một bài phê bình hay tiểu luận âm nhạc, nhưng thực chất bài ấy chỉ chứa toàn là những lời tán nhảm, và tác giả hoàn toàn không có một chút kiến thức âm nhạc nào cả. Thụy Khuê phê bình nghệ thuật hát của Thái Thanh mà không thể đưa ra bất cứ một sự phân tích nào về nghệ thuật hát qua góc độ nhạc học chuyên môn. Bà chỉ loay hoay sử dụng đủ thứ mỹ từ to tát để ca tụng Thái Thanh, nhưng cả bài viết chỉ là một màn lăng-xê màu mè, sáo rỗng, và hoàn toàn không có một chút giá trị nhạc học nào cả.
Không có kiến thức âm nhạc để phân tích và nêu lên những nét đặc biệt trong tiếng hát của Thái Thanh, Thụy Khuê bèn vin vào những điều khác, ở bên ngoài tiếng hát của Thái Thanh, để làm bằng cớ chứng minh cho giá trị âm nhạc của tiếng hát của Thái Thanh!
Thụy Khuê đã dùng những lời ca của Phạm Duy để làm bảo chứng cho giá trị của tiếng hát của Thái Thanh! Không biết làm sao để có thể phân tích và chứng minh giá trị của tiếng hát, “nhà phê bình” bèn đưa ra một kiểu lập luận rằng vì ca sĩ đã hát những lời ca có nhiều ý nghĩa, cho nên tiếng hát của ca sĩ trở nên có giá trị siêu việt trong lĩnh vực âm nhạc!
Thụy Khuê đã ghép chung Thái Thanh với các đại danh ca Maria Callas (nhạc opera và thính phòng) và Edith Piaf (nhạc phổ thông), làm như cả ba người này đều có cùng tầm cỡ như nhau trong lịch sử âm nhạc của thế giới! Khổ nỗi, chưa ai từng thấy một cuốn sách âm nhạc đàng hoàng nghiêm túc nào bàn về Maria Callas, hay về Edith Piaf, mà lại nhắc đến Thái Thanh! Nhưng kiểu ghép này “dễ ăn” quá, và không khéo thì các “nhà phê bình” của Việt Nam sẽ tranh nhau ghép hàng loạt ca sĩ Việt Nam chung với Enrico Caruso, Joan Sutherland, Luciano Pavarotti...!
Thụy Khuê đã lấy hai câu thơ trong một bài thơ của Hoàng Trúc Ly (được truyền tụng là viết cho tiếng hát Thanh Thuý) để đem ra ca tụng tiếng hát của Thái Thanh. Thậm chí, Thụy Khuê còn dùng cả cụm từ “tiếng hát lên trời” trong nhan đề bài viết “Thái Thanh, tiếng hát lên trời”!
Khổ thay, Thụy Khuê nhớ lõm bõm nên trích sai:
[sic] em tiếng hát lên trời (đúng ra là: “Từ em tiếng hát lên trời”)
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh
Tất nhiên là chưa chắc Hoàng Trúc Ly đã viết những câu thơ này cho Thanh Thúy, nhưng ít ra, có lẽ ai cũng biết Thanh Thúy có mái tóc buông và thỉnh thoảng bà đã “xao dòng tóc” trong khi hát. Còn Thái Thanh thời ấy lại có mái tóc ngắn, ít khi chấm đến vai, và dường như bà đã chẳng bao giờ “xao dòng tóc” trong khi hát!
Chuyện tóc dài, tóc ngắn, xao dòng tóc hay gãi đầu tất nhiên không liên hệ gì đến âm nhạc. Và nếu ngay cả Hoàng Trúc Ly đã viết những câu thơ đó cho Thái Thanh, thì điều này cũng đâu phải là một bảo chứng cho giá trị âm nhạc của tiếng hát Thái Thanh!
Đó không phải là bài phê bình/múa chữ rởm âm nhạc duy nhất mà Thụy Khuê đã viết. Bà còn có những bài khác như: Phạm Duy trên đăng trình đến vô cực”“Phạm Duy trên khắp nẻo tình”. Và dĩ nhiên, để ca tụng âm nhạc của Phạm Duy, Thụy Khuê chỉ biết tán về lời ca, chứ không hề viết được một điều gì qua góc độ nhạc học. Chỉ có một đoạn duy nhất trong bài “Phạm Duy trên đăng trình đến vô cực”, Thụy Khuê liều mạng viết về nghệ thuật hoà âm của Duy Cường, với những lời lẽ như thế này:
Hòa âm của Duy Cường ở đây là một thử nghiệm: “nghiệm âm”. Âm nhạc bình thường chỉ là nghệ thuật âm thanh dội lên trong một khoảnh khắc thời gian nhất định. Nhưng ở nghiệm âm này, Duy Cường đã tạo thêm được chiều dày thứ nhì: chiều dày không gian, rồi từ đó biến tiết, tác sinh các chiều khác: dương gian, nhân gian... khiến cõi thinh không của Phạm Duy dày thêm, sâu thêm, biền biệt, trở thành vô cùng vô tận... [Những chữ tô đậm và in xiên là của Thụy Khuê]
Cả hai bài “Thái Thanh, tiếng hát lên trời” và “Phạm Duy trên đăng trình đến vô cực” đều đã được Thụy Khuê chính thức xuất bản trong cuốn sách Sóng Từ Trường - Tiểu luận Phê Bình (nxb Văn Nghệ, 1998). Viết liều mạng như thế thì chắc chắn tất cả những nhà nhạc học trên thế gian này đều bó tay, không thể hiểu nổi. Duy Cường đã sử dụng computer để viết hoà âm như thế nào mà “tạo thêm được chiều dày thứ nhì: chiều dày không gian, rồi từ đó biến tiết, tác sinh các chiều khác: dương gian, nhân gian... khiến cõi thinh không của Phạm Duy dày thêm, sâu thêm, biền biệt, trở thành vô cùng vô tận...”? Thật lạ lùng, có một thứ hoà âm “biến tiết”, “tác sinh các chiều khác: dương gian, nhân gian...”? Có lẽ Duy Cường đã sử dụng một thứ “bùa” nào đó để làm nên cái điều dị thường này chăng?

*

Một nhà phê bình khác là Hoàng Ngọc Hiến. Cũng như Thụy Khuê, ông không có một chút kiến thức nhạc học nào, và ông cũng sử dụng một thứ ngôn từ màu mè, khoa đại để nhận định âm nhạc.
Năm 2003, trong bài “Ðời thường, chiến tranh và nhạc Thiên Thai” (talawas, 8.1.2003), Hoàng Ngọc Hiến viết:
Siêu nhất của đạo diễn Phillip Noyce là đã chọn tiếng hát Thiên Thai của Văn Cao làm nhạc nền cho bộ phim Người Mỹ trầm lặng. [...]
Có thể nói trong bộ phim này bình diện hiện thực đời thường là áp đảo. Tiếng hát Thiên Thai làm nhạc nền cho bộ phim đã tạo ra một bình diện khác: bình diện của sự vĩnh cửu. Tiếng hát Thiên Thai lớn hơn cõi đời này - ở cõi trần thì nhớ cõi tiên, còn lớn hơn cả cõi tiên nữa - ở cõi tiên thì nhớ cõi trần. Tiếng hát Thiên Thai là sự đi đi về về vĩnh hằng giữa thượng giới và hạ giới, giữa cõi tục và cõi tiên, giữa thế giới này và thế giới bên kia... Tiếng hát Thiên Thai là bình diện của sự vĩnh cửu, nó còn là bình diện của sự tuyệt đối vì chỉ có sự tuyệt đối mới lớn hơn cõi trần và cõi tiên cộng lại. Tiếng hát Thiên Thai dường như không dính dấp với những cảnh đời thường, nó là nền nhạc vừa gần vừa xa, khi ẩn khi hiện từ đó người xem cảm nhận những cảnh đời thường. Phép lạ của nền nhạc này là từ bình diện của sự vĩnh hằng của nó những biến cố, những số phận những con người được đặt trong quan hệ với cái tuyệt đối và đã được cảm nhận khác đi, rất là khác.[...] Ðời sống tinh thần của con người cũng đa âm vực như Thiên Thai: vươn tới cao xa nhưng vẫn có sự thông cảm với những nguyện vọng nhỏ nhoi, trần tục nhất của con người.
Khổ thay, bài hát “Thiên Thai” của Văn Cao không phải là nhạc đề (theme) xuyên suốt của phim The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng). Nhạc đề xuyên suốt của phim là do Craig Anderson sáng tác [Độc giả có thể thưởng thức ở link này].
Bài hát “Thiên Thai” của Văn Cao chỉ là một trong 24 bài nhạc Pháp, Việt, Mỹ và Mexico được trích ra để dùng trong soundtracks của phim The Quiet American. Cả 24 bài này, không có bài nào được trình bày trọn vẹn, mà chỉ được trích đoạn rất ngắn để làm nền âm thanh cho những cảnh thích hợp.
Không hiểu vì sao ông Hoàng Ngọc Hiến lại có thể tán quá cỡ về vai trò của bài hát “Thiên Thai” trong phim này như thế!
Buồn cười nhất là khi đọc câu này của ông Hoàng Ngọc Hiến:
“Ðời sống tinh thần của con người cũng đa âm vực như Thiên Thai.”
Đúng là ngôn từ khoa đại của một người hoàn toàn không có kiến thức gì về âm nhạc, không biết cả ý nghĩa của thuật ngữ “âm vực” trong âm nhạc! Giai điệu “Thiên Thai” chỉ có một âm vực rộng gần hai bát độ (từ nốt La 220Hz đến nốt Sol 792Hz), chứ làm gì mà có “đa âm vực”!
Năm 2003, đọc bài này của ông Hoàng Ngọc Hiến trong giờ ăn trưa, tôi cười gần sặc cả thức ăn. Không ngờ ông liều mạng huyên thuyên đến mức đó trong cái lĩnh vực mà ông không có cả một chút kiến thức căn bản. Ngoài chuyện âm nhạc ra, ông Hoàng Ngọc Hiến còn liều mạng đến độ dám nói cả những chuyện khác mà ông không biết. Chẳng hạn, ngay ở câu nhập đề, ông viết:
Siêu nhất của đạo diễn Phillip Noyce là đã chọn tiếng hát Thiên Thai của Văn Cao làm nhạc nền cho bộ phim Người Mỹ trầm lặng.
Phillip Noyce đâu có “siêu nhất” về chuyện này, vì ông ta đâu phải là người “chọn tiếng hát Thiên Thai của Văn Cao làm nhạc nền cho bộ phim Người Mỹ trầm lặng”! Phillip Noyce chẳng biết gì về nhạc Việt Nam cả.[*] Ông ta nhờ sự giúp đỡ của hai người cố vấn âm nhạc là Jason Gibbs và David Stratton. Chính Jason Gibbs là người đã chọn các đoạn trích từ 9 bài hát tiếng Việt để đưa vào soundtracks: “Nước Non Lam Sơn”, “Tiếng Đàn Ai”, “Tiếng Sáo Trong Sương”, “Ca Huế”, “Nhạc Lòng”, Suối Mơ”, “Thiên Thai”, “Tiếng Gọi Thanh Niên” và “Địch Mẫu Biệt Kim Lang”.

*
Nói tóm lại, để viết bài phê bình hay nhận định trong bất cứ một lĩnh vực chuyên môn nào, thì người viết phải có kiến thức vững vàng trong lĩnh vực ấy. “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe” chứ đừng liều mạng múa may. Những bài giả danh phê bình, mà thực chất chỉ múa chữ rởm, thì chẳng có chút giá trị nào và sẽ không đem lại ích lợi gì cho bất cứ ai cả. Những bài như thế, cùng lắm, chỉ “nhát ma” được những kẻ không có chuyên môn, và cuối cùng thì chỉ đáng vất bỏ.

_________________________
[*]Cuốn phim The Quiet American, cũng như ông đạo diễn Úc Phillip Noyce, chẳng xa lạ gì với tôi cho lắm, vì tôi có làm việc gần gũi với ông trong gần 2 tháng trời, trong thời gian ông quay cuốn phim này ở Úc. Lúc ấy, tôi giữ vai trò phụ trách ban nhạc “L'Arc en Ciel Band” trong những cảnh phim quay ở nhà hàng L'Arc en Ciel (trong phim trường Fox Studio ở Úc). Ban nhạc “L'Arc en Ciel Band” gồm có các nhạc sĩ: Hoàng Ngọc-Tuấn, Trece Lambatan, Erwin Abarico, Jun Javier, Nguyễn Văn Phước (nhạc sĩ saxophone ở Sydney, do tôi giới thiệu vào ban nhạc này, nay anh đã qua đời vì bạo bệnh), Mark Szeto, Askar Nurlanov, Douglas Gallagher, Nicholas Parry, và Vov Dylani. [Xem danh sách cộng tác viên của cuốn phim ở link này] Trong phim, chúng tôi chơi các bài “Mademoiselle De Paris”, “J'ai Deux Amours”, “Besame Mucho” và “Je Suis Swing”.

Bài liên quan:
15.09.2011
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Tương tự như thế, đang nói về Thái Thanh, nhà phê bình Thụy Khuê có liên tưởng tới ai đi nữa thì đó cũng chẳng có gì là không bình thường cả; có điều tôi xin hỏi là đem Callas đặt cạnh Thái Thanh theo kiểu cách “ngồi chung mâm” như thế là có ý gì?... (...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog