Phương Bích – Bước chân vào chốn ngục tù (1,2,3&4)
Trở về căn phòng giam mờ tối, tôi ngồi trên chiếc giường xi măng, kể cho cô bạn tù nghe về cuộc hội ngộ ngắn ngủi với những người đồng đội ở khu vực thẩm vấn. Nhớ lại cảnh Bùi Hằng và Tiến Nam thay nhau ôm ghì lấy tôi, tôi chợt thấy nghẹn ngào không nói được hết câu, bèn giấu mặt vào hai lòng bàn tay.
- Chị cứ khóc đi, đừng ngại, cứ khóc thật thỏa lòng đi.
Bàn tay cô ấy dịu dàng đặt lên vai tôi cùng với lời thủ thỉ đầy sự cảm thông, thế là tôi nức lên như một đứa trẻ. Vẫn úp hai bàn tay che lấy mặt, tôi đã khóc rất lâu, không thể nào kìm lại được…
* * *
Đêm trước ngày 21/8, tôi gần như thức trắng đêm. Bố tôi trước vốn ủng hộ tôi đi biểu tình chống Trung Quốc là thế, nay bỗng mềm lòng trước sự vật vã của mẹ tôi. Bà khó nhọc quỳ đôi chân khớp nặng của bà xuống trước mặt tôi van xin:
- Mợ lạy con, ngày mai con đừng đi nữa.
- Thôi thì con vì mẹ đi, bố không chịu nổi nữa.
Tôi vùng đứng dậy, lao vào buồng đóng chặt cửa lại, lửa giận bừng bừng trong lòng. Anh trai tôi đứng ngoài cửa nói vọng vào:
- Anh nói điều này cô nghe hay không thì tùy, nhưng người ta đã đến xin anh thuyết phục cô. Thôi thì người ta đã xin thì cô cũng đừng nên đi nữa.
Hóa ra khi không thuyết phục được tôi, công an cùng cán bộ Phường kéo đến làm công tác dân vận với mẹ và anh trai tôi. Mới hôm nào tôi còn phấn khởi kể lại trên mạng, chuyện họ đến nhà thuyết phục tôi không thành thế nào. Hóa ra họ vẫn không chịu từ bỏ, tiếp tục dùng đòn sau lưng này để đánh tôi.
Nếu tôi vì gia đình, tôi sẽ trở thành kẻ phản bội lại đồng đội mình. Ai sẽ là những người có mặt ở ngoài đó hôm nay, nếu ai cũng có một lý do để ngồi ở nhà như tôi? Hàng ngũ những người biểu tình có vỏn vẹn vài trăm người trong số vài triệu người ở đất Thủ đô, lâu nay vốn đã đơn độc, nay sẽ rơi rụng dần vì những đòn đánh trong nội bộ từng gia đình thế này ư? Tôi thấy đau nhói trong lòng khi nghĩ đến việc ngày mai, trong hàng ngũ những con người quả cảm đơn độc kia sẽ thiếu vắng tôi. Hẳn sẽ không ai nỡ trách móc tôi khi ở ngoài kia, ông bố già tuổi gần đất xa trời của tôi đang lên cơn cao huyết áp, còn bà mẹ 83 tuổi phải quỳ dưới chân tôi van xin, nhưng chắc hẳn họ sẽ rất buồn…
Xin bố mẹ hiểu cho lòng con. Con làm sao có thể sống để ngẩng mặt nhìn bạn bè, đồng đội của mình trong suốt phần đời còn lại chứ? Không đi một hôm thì có nghĩa lý gì, trong khi cuộc biểu tình này chưa biết đến bao giờ dừng lại?
Xin bố mẹ hiểu cho lòng con. Con làm sao có thể sống để ngẩng mặt nhìn bạn bè, đồng đội của mình trong suốt phần đời còn lại chứ? Không đi một hôm thì có nghĩa lý gì, trong khi cuộc biểu tình này chưa biết đến bao giờ dừng lại?
Có lần bố cũng hỏi tôi: con đi thế này đến bao giờ?
Thực sự tôi cũng không biết. Có lẽ đến khi nhà nước lên tiếng một cách chính thức chăng? Bởi vì bấy lâu nay, có lẽ tôi cũng như nhiều người dân khác, rất muốn nghe một lời tuyên bố của chính quyền cho nhân dân cả nước biết rõ, về chính sách bảo vệ ngư dân trước nạn cướp bóc tàn bạo của nhà cầm quyền Trung Quốc, về phản ứng trước những hành động đe dọa láo xược của nhà cầm quyền Trung Quốc…
Thấy tôi phản ứng dữ dội, mẹ và anh trai tôi lặng lẽ khóa cửa, quay về căn hộ dưới tầng 6. Tôi ngồi lỳ trong buồng, không thể quyết định được ngay việc ngày mai đi hay ở nhà. Lý trí bảo tôi phải đi, nhưng nếu bố tôi lên cơn đột quỵ thì sao?
Tôi đã thức gần trắng đêm để viết một bức thư cho ông Nguyễn Thế Thảo. Dự định nếu ngày mai bố tôi phải đi viện, gia đình tôi xảy ra nội chiến, tôi sẽ gửi bức thư này cho ông ta và gửi lên mạng để phản đối việc chính quyền đã không chính danh ngôn thuận cưỡng ép tôi không đi biểu tình…
Sau khi gửi bức thư cho Xuân Diện bày tỏ nỗi niềm, tôi vào facebook tìm bạn bè để than thở. Máy tải chậm quá, khi tôi đóng máy tính lại là vào lúc 5 giờ sáng. Thiếp đi đến 6 giờ thì chuông báo thức reo. Tôi dậy nấu cơm cho bố, định bụng xong xuôi sẽ đi tắm rửa, vì đêm qua tôi nhất định cố thủ trong buồng. Tôi thấy nhẹ cả lòng khi thấy bố dậy sớm, thần sắc đã trở lại bình thường. Ngoài trời lúc ấy đang mưa.
Gần 7 giờ thì chuông cửa reo, lại một đoàn công an lẫn cán bộ phường và tổ dân phố bước vào. Mẹ tôi còn huy động thêm cả bà chị gái tôi đến nữa. Lạ thật, tôi đã nói rõ ràng thế rồi, bây giờ họ còn đến làm gì?
Nếu lúc này tôi không kiên quyết, có thể tôi sẽ lỡ mất… Tôi vào buồng, lấy máy tính ra, đọc cho họ nghe bức thư tôi đã viết đêm qua. Đến đoạn cuối, tôi vừa đọc vừa nghẹn ngào:
“Người xưa có câu: Hiếu với cha mẹ mới chỉ là Trung hiếu, còn hiếu với đất nước mới là Đại hiếu. Tôi tuy chỉ là một người dân bé mọn, nhưng cũng xin được đặt chữ Đại hiếu làm đầu”.
Mọi người không ai nói gì, chị gái tôi cũng không nói gì.
Có điềm gì báo trước không khi tôi kiên quyết dứt khỏi những bàn tay đang cố níu kéo tôi? Thực ra tôi không hoàn toàn nghĩ rằng đó chỉ là do họ muốn làm tròn phận sự của mình, mà chẳng hề vì sự an toàn của tôi. Tôi cảm nhận được có lẽ có chút tình nào đó trong sự níu kéo ấy, nhưng chỉ vì tôi đã quyết đi nên tôi đã khước từ…
Trời vẫn lất phất mưa bay, tôi đi thẳng một mạch ra Hồ Gươm, không bận tâm đến việc có người nào đó vì nhiệm vụ đang đi theo tôi. Đến cửa hàng “Hàm cá mập” tôi gọi điện cho Minh Hằng. Khi thấy bảo có người theo tôi, hắn nói tôi vào cà phê Thủy Tạ chờ.
Phương Bích. Ngày 3.7.2011. Ảnh: GS Hoàng Xuân Phú
Người ta đang chuẩn bị biểu diễn nghệ thuật ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tôi vòng ra Thủy Tạ gửi xe rồi vào quán. Chả thấy Minh Hằng đâu, chỉ thấy vợ chồng con cái Bùi Quang Minh đang ăn sáng ở đó. Vừa gọi cốc ca-cao sữa, uống được một ngụm thì Minh Hằng gọi điện bảo ra chỗ vườn hoa Lý Thái Tổ. Lúc này vợ chồng Vân Anh cũng mới vào quán, chưa kịp gọi đồ uống. Tôi ra thanh toán tiền rồi chào gia đình BQ Minh, cùng vợ chồng Vân Anh đi bộ ra vườn hoa Lý Thái Tổ. Dọc đường gặp Tiến Nam, Quang Thạch, NV Dũng và một số người biểu tình đã quen mặt nhưng chưa nhớ tên.
Từ Thủy Tạ ra vườn hoa Lý Thái Tổ khá xa. Khu vực Đài cảm tử có một sân khấu, mấy cháu nhỏ đang biểu diễn, khán giả chủ yếu là những thanh niên mặc đồng phục áo xanh? Bên vườn hoa Lý Thái Tổ, một sân khấu nữa cũng đang được thiết lập, khán giả cũng lại là thanh niên đồng phục áo xanh. Bên kia đường, trên vỉa hè của bờ hồ là một đám đông, một chiếc xe buýt đỗ cạnh đó. Tôi vừa giục mọi người nhanh chân vừa chạy lên phía trước.
Có lẽ không kịp mất, tôi đã thấy trên xe đầy người, nửa người Đức xoăn nhô hẳn ra phía ngoài ở ô cửa phía sau cùng. Cả trên xe và ở dưới đường mọi người cùng đang hô to: Phản đối bắt người yêu nước! Phản đối bắt người yêu nước!
Tôi và NV Dũng chạy đến khi chiếc xe buýt đã đóng cửa và bắt đầu chuyển bánh. Nhìn chiếc xe buýt mang bóng dáng những người đồng đội của tôi xa dần, lồng ngực tôi nhộn nhạo, cồn cào một nỗi đau đớn lẫn phẫn uất. Tôi bất lực nhìn ngang nhìn dọc xem có những ai tôi quen mặt, nhưng dường như mắt tôi đã mờ đi nên tôi chả nhận ra ai. Một chiếc xe buýt khác trờ tới. Bên cạnh tôi lại chợt nhốn nháo, đám đông đang xô đẩy, giằng co cái gì đó, nhiều tiếng thét vang lên: Phản đối xé cờ, Phản đối xé cờ. Ngay lập tức tôi nhào vào, cố rướn người đập vào những cánh tay đang giằng giật lá cờ. Tôi chỉ vào mặt gã thanh niên bặm trợn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu mình đang bị bà con xâu xé hét lên: Mày muốn xé cờ phải không? Muốn xé cờ phải không?
Thấy người dân phản ứng dữ dội trước hành động xúc phạm lá cờ, viên chỉ huy ra lệnh cho đám trật tự buông lá cờ ra. Mọi người bắt đầu lùi lên đứng trên vỉa hè. Tôi quay người lại, hy vọng tìm những gương mặt quen thuộc đi cùng tôi ban nãy – sau này nhìn ảnh trên mạng thấy tôi đang bước về phía sau, và sau lưng tôi, đám trật tự đang túm lấy một thanh niên mặc áo đỏ.
Tôi vốn là người chẳng thích xía vào chuyện của người khác, nhưng khi đi biểu tình, hễ ai bị bắt là thế nào tôi cũng nhào vô phụ bà con một tay giành lại người. Vì tôi tin vào chính nghĩa của mình, nên tôi chẳng hề sợ hãi ngay cả khi họ túm lấy tôi tống lên xe buýt. Dẫu họ có chưa tống tôi lên thì tôi cũng phải chen bằng được lên, vì ở đó có đồng đội của tôi, làm sao tôi không ở bên cạnh họ được.
Lần này thì không phải cầu được ước thấy, tôi cho rằng hôm ấy họ đã chủ tâm bắt tôi. Chẳng phải vì tôi là một kẻ nguy hiểm gì, nhưng thời gian qua, việc tôi viết một số bài tường thuật một cách trung thực các cuộc biểu tình, được cư dân mạng tỏ lòng mến mộ. Cư dân mạng cũng nhận ra tôi hay cầm loa hô khẩu hiệu, thường đi cùng với Minh Hằng – có người gọi hắn là “Hoa bất tử” của cuộc biểu tình. Có lẽ chính vì điều này khiến họ ngứa mắt chăng?
Có thể người nào đó nói rằng cư dân mạng họ tán dương, tâng bốc những người như chúng tôi để chúng tôi phổng mũi mà lăn xả vào đấu tranh thay họ… Thú thực tôi chả quan tâm đến việc phải thanh minh thanh nga gì. Sống hơn năm mươi năm trên đời, tuy chưa đủ quá già để nói những lời triết lý, nhưng thực sự tôi là kẻ không hám danh hám lợi, chỉ thích sống thu mình trong một thế giới hoàn toàn riêng tư và cách biệt. Nếu như không có chuyện báo chí đưa tin tàu Bình Minh bị phía Trung Quốc cắt cáp – một hành đồng gây hấn đầy thách thức láo xược, để rồi từ đó tôi lần mò vào mạng, chứng kiến cuộc thảm sát chiến sĩ ta trên bãi đá Gạc Ma – thì tôi vẫn mãi sống trong cái thế giới của riêng tôi.
Chiếc xe buýt đưa chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Sau này qua nhiều sự việc, tôi mới cảm thấy có vẻ họ sợ việc bắt giữ này sẽ khiến người biểu tình tập trung với số đông để đòi người như vụ giải cứu Nguyễn Tiến Nam tại trụ sở công an phường Tràng Tiền lần trước. Từ việc nhỏ suy ra việc lớn, chuyện giữ nước của cha ông ta cũng thành công khi vua tôi đoàn kết trên dưới một lòng, thất bại khi nội bộ chia rẽ, hoặc không đủ tâm và tín để quy tụ sức mạnh toàn dân.
Khi nhận ra xe lại hướng về Mỹ Đình, mọi người đều vui mừng vì sẽ được gặp lại người trên xe trước. Trên xe, khi hô phản đối bắt người yêu nước, đả đảo Trung Quốc xâm lược, tôi chợt thấy nghẹn ngào, không hô tiếp được nữa. Bé Cải đến gần tôi, giọng miền Trung như dỗ dành rất dễ thương:
- Sao cô Bích lại khóc?
Tôi muốn nói rằng tôi khóc vì uất ức, vì thương tất cả chúng tôi. Tôi không quen nhìn thấy cảnh người với người đối xử với nhau tàn nhẫn thế. Những người già, hay phụ nữ như chúng tôi đều là những kẻ dễ bị tổn thương nhất. Chỉ một lời to tiếng cũng đủ làm chúng tôi đau lòng, cần gì phải dùng đến sức lực võ biền của những gã thanh niên chỉ đáng tuổi con tuổi cháu mình như thế.
Xuống đến đồn công an Mỹ Đình, tôi không nhìn thấy ai trong số đoàn biểu tình đứng trên sân mà chỉ toàn công an với số lượng đông bất thường. Họ đưa chúng tôi lên phòng họp tầng 2. Ngồi chán chê, họ gọi một bác lớn tuổi tên là Dần, tôi, Thạch, Dũng, Tiến Nam ra ngoài. Tưởng lại gọi đi khai báo gì đó, hóa ra họ đưa chúng tôi lên xe đưa về công an quận Hoàn Kiếm. Tôi vừa đi vào, vừa ngắm nghía nơi mà Minh Hằng đã kể cho tôi nghe, khi hắn bị bắt hôm xử phúc thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bị đưa về đây giữ 9 tiếng rồi thả.
Khu thẩm vấn là một dãy những căn buồng nhỏ, bên trong mỗi căn buồng là một chiếc bàn gỗ, một cái ghế dài dành cho người bị bắt và một chiếc ghế tựa dành cho các “vị quan tòa”. Qua những cánh cửa mở he hé, tôi nhìn thấy Minh Hằng, Đức xoăn, Trịnh Hữu Long. Lòng tôi chợt dịu lại. Dù gì thì chúng tôi lại được ở bên nhau. Mới chỉ cùng nhau đi biểu tình chưa đến 10 lần, chưa biết gì nhiều về nhau, nhưng tôi đã kịp mến yêu và cảm phục những con người này. Họ chưa một lần lên mạng nói về bản thân mình, dù chỉ là kể chuyện đi biểu tình. Nhìn những gương mặt sáng sủa, thông minh, nhân hậu của những chàng trai trẻ, sẵn sàng từ bỏ những thú vui chơi, như hàng triệu thanh niên bây giờ vẫn đang chìm đắm trong đó, để đến mỗi buổi sáng chủ nhật, lại thể hiện hết mình sự bất bình như vốn dĩ nó phải thế trước việc dân tộc mình bị sỉ nhục, bị ức hiếp…. Cảm ơn những Đức xoăn, những Trịnh Hữu Long, Tiến Nam, Phương, Dũng và những chàng trai, cô gái yêu quý khác tôi không kể được hết tên, đã khiến tôi chưa mất hẳn niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay.
Trong lúc ngồi đợi ngoài hành lang, tôi nghe thấy tiếng Minh Hằng gào to bất thường trong căn buồng đầu dãy. Tôi đứng bật dậy, bảo tay công an đang canh giữ chúng tôi:
- Để tôi vào trấn an cô ấy
Có lẽ họ cũng sợ ầm ĩ nên đồng ý để tôi vào. Minh Hằng đang ngồi thở dốc, nước mắt đầm đìa. Tôi vuốt vai hắn nghẹn ngào nói:
- Mình đây, bình tĩnh, bình tĩnh, có mình đây.
Minh Hằng chợt ôm choàng lấy tôi ghì chặt như thể sợ tôi biến mất. Thế là chính tôi mới lại là người tru lên tức tưởi. Cả hai chị em chúng tôi ôm chặt lấy nhau khóc rống lên khiến bọn họ hoảng sợ tách vội chúng tôi ra. Tôi cố dặn hắn trong nước mắt:
- Bình tĩnh nhé.
* * *
Đêm qua thức cả đêm, từ sáng lại chưa ăn uống gì, tôi mệt rũ cả người. Họ thay phiên nhau hỏi chúng tôi ba lần, mỗi lần một người khác nhau. Thoạt đầu tôi thắc mắc tại sao họ không dùng ngay những lời khai báo ban đầu mà cứ hỏi đi hỏi lại thế. Sau thì đoán họ làm thế để kiểm tra xem chúng tôi có gian trá gì không, bởi sự thật thì có nói đến một nghìn một vạn lần cũng không thể thay đổi được.
Nhân học được chút ít kinh nghiệm trên mạng, tôi tuyên bố không ký vào biên bản ghi lời khai, không ký khi biên bản làm việc không được lập thành 2 bản để tôi được giữ một bản. Tôi nói giờ tôi chẳng thể tin được chính quyền, bởi những chuyện làm sai lệch hồ sơ của các ngành chức năng là hoàn toàn có thật, chưa nói đến việc nguyên tắc khi lập biên bản, có bao nhiêu bên tham gia thì phải lập bấy nhiêu bản. Có một điều nữa tôi nhận thấy các điều tra viên luôn có xu hướng giảm nhẹ những lời tố cáo khi họ luôn viết không đúng lời nói của tôi. Nếu tôi nói là tôi phản đối hành vi xúc phạm lá quốc kỳ của các nhân viên bảo vệ thì họ lại ghi là hành động thu giữ cờ. Tôi hỏi việc giật cờ với thu giữ cờ có giống nhau không? Lá cờ Tổ quốc là tang vật phạm tội hay sao mà phải thu giữ? Hoặc họ viết như vô tình để tôi nhận tội gây rối trật tự công cộng như họ muốn.
Tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng mình bộc bạch hết lòng mình thì họ sẽ hiểu mình. Thậm chí họ bảo tôi nhận thức tốt thế, chưa kịp phấn khởi thì họ lại hỏi: vậy tại sao tôi lại còn làm thế – họ tránh nói việc tôi đi biểu tình. Tôi chán hẳn, rõ ràng họ không được phép nghĩ khác, họ giống hệt như một cỗ máy, chỉ được nói theo một lập trình đã được định sẵn như là đã có đảng và nhà nước lo, là các thế lực thù địch lợi dụng v.v… bất chấp những chứng cớ tôi dẫn ra là tuyên bố của ông Nguyễn Đức Nhanh trước báo chí thừa nhận đây là biểu tình yêu nước, chối bay chối biến cái clip đạp vào mặt Chí Đức là không có thật, và im lặng khi tôi hỏi vậy tại sao đại úy Minh lại bị đình chỉ công tác.
Không một ai trong số chúng tôi đoán được họ sẽ làm gì với chúng tôi. Không nhớ từ lúc nào có thêm cậu Quyền nhập bọn với chúng tôi, cậu ấy vẫn mặc cái áo sơ mi bị xé rách tay từ vụ bị bắt lần trước. Cậu ấy bảo bây giờ mỗi lần đi biểu tình, em sẽ lại mặc cái áo này.
Thời gian cứ trôi đi, ánh nắng chiều nhạt dần rồi tối thẫm sau ô cửa sổ trên cao mà chúng tôi vẫn phải ngồi đó. Tôi quá đỗi bồn chồn lo lắng cho bố tôi, giờ này đã đến lúc cụ phải ăn cơm chiều mà tôi vẫn còn ngồi ở đây. Thức ăn thì có sẵn trong tủ lạnh, nhưng một ông già 88 tuổi làm sao biết chế biến thức ăn? Tôi hỏi một phụ nữ trẻ mặc thường phục, có ai là chỉ huy ở đây không, cốt để xin được gọi điện về nhà cho mẹ lên chăm sóc bố tôi. Người phụ nữ trẻ không nhìn tôi, lạnh lùng đáp trống không trước khi bỏ đi:
- Không biết.
Minh Hằng thấy thế bèn dẩu mỏ lên chỉ trích thái độ vô cảm và thiếu lễ độ của người phụ nữ kia. Thật bất ngờ, cô ta quay ngay lại:
- Con kia! Mày không im mồm, tao mà không là công an tao tát vỡ mồm mày bây giờ.
Nếu so về tuổi tác, cô ta có lẽ kém Minh Hằng hơn cả chục tuổi. Chả thế mà Minh Hằng bảo chỗ này nó giống như sào huyệt của mafia hơn là trụ sở công an. Tôi chẳng còn thấy bất ngờ trước những gì diễn ra ở đây nữa.
Xét về lý, tôi không nghĩ họ có cớ giữ chúng tôi lâu đến thế. Những lần trước đối mặt với các lực lượng đầy đủ sắc phục, hô khẩu hiệu rát họng, cờ và biểu ngữ giăng đầy mà họ còn chẳng bắt giữ ai. Lần này họ giữ chúng tôi lâu thế là có ý gì? Tôi không tin là vì cái thông báo bất hợp pháp mới đây của UBND thành phố Hà Nội, vốn đang bị các nhân sĩ trí thức và những người biểu tình ký tên vào thư kiến nghị phản đối.
Nhưng thực tế mọi chuyện đều có thể xảy ra, bất chấp mọi lý lẽ.
Hơn 11 giờ đêm ngày 21/8, người đầu tiên họ gọi là bác Dần để ký giấy xử phạt hành chính. Nhưng cả ngày bác ấy nhất quyết không ăn cái gì, bây giờ bác ấy cứ nằm dài trên ghế. Sau bác ấy ngồi dậy bảo:
- Tao chả ký cái gì cả, chúng mày có xin lỗi rồi thả tao ra thì thả.
Tưởng nói đùa, hóa ra họ thả bác ấy thật. Sau khi bác ấy đi rồi, một tay công an ra bảo chúng tôi ký làm chứng là bác Dần không ký, chúng tôi bảo chẳng biết làm chứng cái gì thì anh ta bỏ đi. Chúng tôi chẳng hiểu cung cách làm việc của họ là thế nào, ép không được thì thả à? Sao lại tùy hứng vậy? Vậy mà chính bác ấy lại là người quậy nhất khi bị bắt, trong khi bị ba bốn người túm chặt, bác ấy cầm cái ô chọc loạn xạ đến gãy cả ô, luôn miệng chửi [...]. Bác ấy còn khoái chí kể toàn bị chọc đúng chỗ hiểm mà chúng nó chẳng đứa nào dám kêu.
Sau đó họ gọi tôi và Minh Hằng ra tống đạt cái quyết định tạm giữ 3 ngày. Tôi không tin vào tai và mắt mình, không thể nghĩ họ dám bất chấp mọi đạo lý để giam giữ chúng tôi chỉ vì đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Nhưng quyền ở trong tay họ, bây giờ tôi có phản đối cũng vô ích nên tôi không cần biết họ gán cho tôi cụ thể là tội gì. Khi nào ra tòa hãy hay. Họ bắt tôi tháo hết đồ trang sức, điện thoại, kể cả dây giày. Lúc ấy tôi không biết Tiến Nam và những người khác không bị tạm giữ 3 ngày như chúng tôi, nên cả tôi và Minh Hằng cùng đập hết điện thoại, bẻ sim ngay trước mặt họ.
Tôi vốn làm gì cũng nhanh gọn, không để ai phải chờ đợi bao giờ, đã chấp nhận tình thế thì cứ thế mà làm. Mặc dù rất ngạc nhiên khi thấy họ bảo đi theo một cô công an trẻ vào bên trong khu vực giam giữ để khám người, tôi vẫn thoăn thoắt đi theo cô ta. Tôi nhanh nhẹn cởi giày, cởi tất. Nhưng đến khi nghe cô công an trẻ nói: chị cởi hết quần áo ra thì tôi nóng bừng mặt:
- Cái gì?
- Chị cởi hết quần áo ra.
Tôi phăm phăm lộn trở ra khu vực bên ngoài, giữa bao nhiêu người đàn ông dù họ có là ai đi chăng nữa, tôi phẫn nộ lớn tiếng:
- Cô này nói tôi phải cởi hết quần áo ra. Tôi nói cho các anh biết, đến ngay trước mặt mẹ đẻ tôi, tôi cũng bao giờ làm thế. Tôi không phải là gái điếm, là tội phạm mà các anh có thể muốn làm gì thì làm.
Minh Hằng vẫn đang ngồi đó cũng tru tréo lên. Thấy chúng tôi phản đối dữ quá, một ông lớn tuổi bảo:
- Thôi, chỉ khám bên ngoài thôi.
Tôi quay phắt vào trong khu giam giữ, chờ sẵn cho cô công an sờ nắn người để khám xét. Nhưng có lẽ bản thân cô ta cũng thấy xấu hổ về điều đó nên bảo thôi, không cần khám nữa. Nhất định sau này tôi sẽ tìm hiểu thật cặn kẽ về quyền hạn của họ, để còn biết mà phản đối cách thực thi pháp luật của họ có tùy tiện hay không.
Tôi đi theo một người mà bây giờ tôi chẳng còn nhớ là nam hay nữ, chỉ biết họ dẫn tôi qua những căn phòng có cửa là song sắt, bên trong thấp thoáng bóng nhiều người đang nghé nhìn ra. Tôi hồi hộp khi nghĩ về những người cùng phòng giam, họ có đánh phủ đầu tôi như tôi vẫn từng nghe thấy ở ngoài đời không?
Khi bước vào căn phòng, tôi nhẹ cả người khi nhìn thấy chỉ có một phụ nữ trẻ hơn tôi. Nom cô ấy khá xinh, và có vẻ hiền lành. Bọn tôi nhìn nhau thăm dò vài giây, bắt đầu làm quen bằng việc hỏi tại sao phải vào đây. Cô ấy chỉ cười buồn lắc đầu khi tôi hỏi về cô ấy:
- Tội em nặng lắm
- Còn mình thì bị bắt vì đi biểu tình chống Trung Quốc.
Cô ấy tròn mắt nhìn tôi:
- Biểu tình chống Trung Quốc mà bị bắt á?
- Thế đấy.
- Chống Trung Quốc là để bảo vệ mình cơ mà?
- Ừ, thế mới là chuyện thời nay.
Tôi kể mọi chuyện cho cô ấy nghe, cũng là một phần để trấn an cho chính sự phẫn nộ đang cuồn cuộn trong lòng tôi. Chuyện của cô ấy tôi không hỏi thêm lời nào, không muốn khoét sâu thêm vào nỗi đau của cô ấy. Cô ấy bảo:
- Suốt từ chiều em cứ hồi hộp mãi, người ta bảo sắp có thêm người vào ở cùng. Đừng có mà nói chuyện gì đấy, nó nói gì cũng mặc. Em sợ quá, cứ tưởng họ cho đầu gấu vào khủng bố em, nếu nói lại thì nó đánh chết. Thấy chị, em mới thở phào. Đúng là hú vía!
Hóa ra cả hai chúng tôi đều sợ như nhau. Họ phát cho tôi một cái chiếu và một cái chăn dạ thô. Cô bạn cùng phòng giam ngửi cái chiếu bảo:
- Chiếu mốc! Thôi, hai chị em mình nằm chung cũng được.
Tôi nói mãi cô ấy mới chịu nằm yên. Lúc này tôi chỉ muốn tĩnh lặng để nghĩ về những gì đang xảy ra với mình. Trải cái chăn xuống bệ xi măng, tôi nằm xuống sau một ngày mệt mỏi rã rời, lắng nghe mọi động tĩnh ở bên ngoài. Không biết những người kia có may mắn có một người bạn tù hiền lành như tôi không. Tôi thương nhất Đức xoăn và Long Hữu, chúng nó còn trẻ quá, chắc hẳn sẽ bị áp lực từ gia đình nhiều hơn tôi. Tiến Nam thì tôi nghe nói nó được cha mẹ cưng chiều lắm. Tôi gác tay che mắt khỏi ánh sáng của ngọn đèn ngoài hành lang, nằm suy nghĩ miên man, nghe thấy tiếng Minh Hằng gào thét ở xa xa.
Hẳn việc giam hắn vào phòng không phải là điều dễ dàng. Tôi lượng sức mình, chẳng thể chống lại được. Chỉ cần va chạm mạnh là tôi đủ bầm tím cả người rồi. Rồi tôi lại thương bố ở nhà đang ngóng chờ tôi, nước mắt tôi giàn giụa. Có một chút ân hận thoáng qua, là sao không có một lý do gì đó để ngăn tôi không ra Bờ Hồ sáng nay? Nhưng rồi tôi lại tự hổ thẹn với chính mình. Chẳng lẽ tôi mong người bị bắt không phải là tôi mà là một ai đó trong số những người tôi quý mến ư? Xin bố mẹ và các anh chị tha lỗi!
Dù hiện tại là tôi đang nằm đây, trong căn phòng dành cho kẻ tội phạm, tôi vẫn không thể hiểu tại sao họ có thể bất chấp mọi sự thật, không cần bằng chứng để gán cho tôi cái tội danh hết sức ngớ ngẩn thế. Hàng ngày tôi vẫn đọc trên báo, thấy rất nhiều kẻ mang tiếng là thực thi pháp luật, nhưng vì sự vô lương tâm và vô trách nhiệm, đã đẩy biết bao nhiêu con người vào vòng tù tội một cách oan trái mà chẳng hề bị xử lý.
Khi thấy họ thả bác Dần, tôi mừng cho bác ấy, nhưng cũng qua đó tôi thấy họ chẳng dựa trên một chứng lý nào để bắt giữ chúng tôi. Họ muốn bắt chúng tôi để răn đe những người khác, để khủng bố tinh thần chúng tôi vì không muốn cho chúng tôi đi biểu tình, chứ chả phải nghi ngờ đảng phái này nọ gì cả. Nhưng bắt vì đi biểu tình thì phải bắt cả mấy trăm người, trong đó có bao nhiêu nhân sĩ, trí thức. Vậy thì phải gán cho chúng tôi một cái tội gì chứ. Thế là 9 lần trước tôi còn là người biểu tình yêu nước, đến lần thứ 10 thì tôi bỗng trở thành kẻ gây rối, thật quá sức lố bịch.
Tôi biết ở ngoài kia, những người bạn của tôi trong đoàn biểu tình đang vô cùng lo lắng cho chúng tôi. Lúc chiều, mẹ Nấm nhắn tin vào máy của Tiến Nam, nói trên mạng mọi người đã nghe tin chúng tôi bị bắt, không ai nuốt nổi cơm. Đấy là lúc còn chưa ai biết chúng tôi sẽ bị giam giữ 3 ngày.
Tôi hỏi ở đây làm sao biết giờ giấc vì nằm mãi không thấy sáng. Cô bạn tù bảo thấy tù tự giác đi quét hành lang là mấy giờ, giao ca là mấy giờ, có tiếng xe máy là mấy giờ, có khói bếp hun vào buồng giam là mấy giờ v.v...
Bất cứ có tiếng động nào là cô bạn tù nhỏm phắt dậy, chổng mông, cố ghé mắt qua cánh cửa sắt để nhìn dọc hành lang rồi thông báo cho tôi nhất cử nhất động. Tôi khao khát mọi tin tức về đồng đội quá, cố gạn hỏi mấy cậu tù tự giác về những người vừa bị đưa vào đêm qua nhưng chẳng biết gì thêm. Tôi đánh liều thử gọi tên Tiến Nam thì có ai đó quát: trật tự!
Khi khói bếp xông vào cay xè thì họ gọi tôi ra ngoài. Ra đến khu vực thẩm vấn, tôi nhớn nhác đưa mắt tìm đồng đội nhưng họ bắt tôi phải vào ngay phòng chờ. Trong khi chưa có người vào làm việc với tôi, Minh Hằng và Tiến Nam chợt bước vào. Mấy chị em mừng tủi ôm ghì lấy nhau thổn thức. Lúc ấy tôi hoàn toàn không biết cả đêm qua chỉ có mỗi mình tôi và Dũng phải vào phòng giam, còn tất cả mọi người vẫn ở lại bên ngoài. Bởi vậy tất cả mọi người đều rất thương tôi. Hóa ra vì không biết tin về nhau, nên chúng tôi lại cứ quay ra lo lắng lẫn cho nhau mãi.
Họ không cho chúng tôi hàn huyên lâu. Minh Hằng và Tiến Nam buộc phải quay trở ra. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi khiến tôi xúc động đến mức vừa tranh luận với điều tra viên vừa nước mắt tuôn như suối. Đã khóc thì kèm theo mũi dãi khiến tôi cứ xì xoẹt xỉ mũi làm bà lăn tay càu nhàu, ý bảo tôi không được khóc. Tôi cáu tiết gắt:
- Ai muốn khóc làm gì chứ? Chị không chịu được thì cứ đuổi tôi ra. Tôi oan ức thì tôi phải khóc.
Họ vẫn hỏi những điều cũ rích, vẫn giở cái trò ban đầu ghi biên bản lời khai, khi tôi không đồng ý thì lại lấy giấy trắng ra ghi biên bản làm việc. Rồi khi tôi không ký vì biên bản chỉ lập 1 bản, thì ngay lập tức họ đưa tôi trở lại phòng giam.
Trở về phòng giam, tôi linh cảm thấy việc có thể sẽ không được đoàn tụ với anh chị em trong một thời gian dài. Bởi vậy khi kể lại cho cô bạn tù nghe, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế. Vừa nức nở, tôi vừa nghĩ đến ngày tự do, tôi sẽ viết những dòng đầu tiên: nước mắt Phương Bích đã rơi, nước mắt Minh Hằng đã rơi, nước mắt Tiến Nam và có thể của cả nhiều anh chị em khác đã rơi không phải vì cường quyền bạo lực, vì sự bất công mà vì tình thương yêu giữa chúng tôi càng lớn hơn trong chốn lao tù này.
Tôi quyết định sẽ tuyệt thực để phản đối. Mặc cho cô bạn tù khuyên hết lời, tôi vẫn nhất định không chịu ăn. Bữa ăn trong tù làm tôi một lần nữa lại rơi nước mắt. Chỉ vỏn vẹn một tô cơm với một tô rau muống luộc lẫn với nước rau. Tôi hỏi rau luộc hay canh? Cô bạn tù bảo rau luộc. Cô ấy bảo thỉnh thoảng cũng có cho được tý muối. Tôi chỉ mấy lọ muối vừng với ruốc để ở cạnh tường thì cô ấy bảo của bạn tù được tiếp tế thương tình sẻ cho. Tôi hỏi sao cô ấy không được tiếp tế thì cô ấy chỉ lắc đầu không nói.
Trong khi cô bạn tù ngồi ăn ngon lành, tôi cứ nằm nhìn cô ấy. Không biết có chế độ giam giữ nào lại tàn nhẫn như vậy không?. Có ông bà đại biểu quốc hội nào biết chuyện này không? Nói thực lòng, đến con chó con mèo còn được trộn vào bát cơm tý thức ăn mặn. Tôi vốn yêu quý tất cả các loài vật, chỉ cần thấy chúng khốn khổ là tôi đã thắt ruột thắt gan lại vì xót thương. Nếu họ phạm tội thì chỉ riêng việc bị giam giữ trong 4 bức tường đã là một sự trừng phạt lớn nhất đối với họ rồi, cần gì phải hành hạ cả về thể xác họ như thế.
* * *
Thế là đã qua nửa ngày thứ 2. Tôi nghĩ gia đình tôi đã đoán phần nào lý do đêm qua tôi không trở về. Như vậy hẳn ở nhà đã bố trí người chăm sóc bố tôi. Khi nghĩ vậy, tôi không còn lo lắng nữa. Giờ tôi chỉ còn nghĩ đến việc mình sẽ đối diện với việc này như thế nào. Tôi nghĩ chắc chắn mọi người ở bên ngoài đang rất lo cho chúng tôi, chắc chắn họ sẽ lên tiếng đòi lẽ phải cho chúng tôi. Nghĩ vậy, tôi yên lòng nằm xuống, uống thật nhiều nước mỗi khi thấy đói.
Đầu giờ chiều, họ gọi tôi đi lăn tay, bảo đây là quy định, nếu tôi không tự nguyện thì sẽ cưỡng chế. Tôi bảo họ cứ cưỡng chế vì sức tôi làm sao mà chống lại được, còn đương nhiên tôi chả đời nào tự nguyện lăn tay. Nhưng đúng là tôi vẫn ngờ ngệch lắm, tôi bảo ai vào giữ tay tôi đi này, tôi chả tự nguyện đâu, thế mà chả ai vào giữ tay tôi gọi là lấy lệ cả. Tôi đâu khỏe như Minh Hằng, tôi mà chống lại, có khi họ bẻ gãy tay tôi không chừng. Trong khi tôi đang lăn tay, Trịnh Hữu Long chạy vào ôm lấy tôi. Cứ mỗi sự quan tâm của đồng đội là khiến tôi lại chảy nước mắt. Bà lăn tay ơ lên một tiếng bảo:
- Sao Long lại vào đây, đi ra.
Mặc dù mặt bà ấy lúc nào trông cũng khó đăm đăm, nhưng lạ là bà ấy nói với Hữu Long rất nhẹ nhàng, gọi tên Long một cách thân thiện. Sau khi Hữu Long ra ngoài, tôi vừa khóc vừa bảo:
- Cô cháu tôi gặp nhau một tý thì mất gì của các chị, thiệt hại gì cho các chị mà phải ngăn cấm. Chị trông nó thế mà bảo nó là kẻ gây rối được à.
- Ừ, thằng bé này được lắm
Bà lăn tay công nhận. Bà ấy đi theo tôi ra tận toalet. Vừa rửa tay, tôi vừa xỉ mũi ầm ĩ.
Thậm chí cho đến tận lúc đó, tôi vẫn đinh ninh là tất cả 8 người chúng tôi đều bị đưa vào phòng giam như nhau. Sau này Minh Hằng bảo mọi người đều thương bà quá, vì chỉ một mình bà với Dũng bị đưa vào phòng giam. Lúc thấy bà bị lăn tay, thằng Long nó ra ngoài cứ gục đầu vào tường khóc, trông tội lắm.
Đến giờ cơm chiều, tôi vẫn nhất quyết không ăn. Cô bạn tù lấy hộp bánh bích quy ra dỗ dành tôi. Chao ôi, cái thứ đó trong tù đối với cô ấy nó quý như vàng, thế mà cô ấy sẵn sàng chìa nó ra cho tôi để dỗ tôi ăn. Tôi lại những muốn ứa nước mắt, sao những người phạm tội ở đây lại tốt đến thế, còn những người tưởng rằng lương thiện lại vô cảm, lạnh lùng đến thế? Khi ép tôi ăn mãi không được, cô ấy ngồi nhấm nháp cái bánh quy, cắn từng tý một và nhai bỏm bẻm như nhai trầu. Ngay cách cô ấy cất cái hộp bánh một cách nâng niu cũng đủ thấy nó quý giá với cô ấy như thế nào.
Đang nằm nghĩ ngợi miên man thì họ lại gọi tôi và Dũng ra. Vì họ bảo có đồ dùng gì thì đem theo nên tôi nghĩ họ sẽ thả chị em tôi. Nhưng khi ra đến bên ngoài, thấy công an đứng đông đặc, ý nghĩ đến với tôi rất nhanh, họ sẽ chuyển chúng tôi đi nơi khác! Một người đưa trả tôi dây giày khi tôi hỏi, nhưng khi Dũng cúi xuống định buộc giày cho tôi thì người khác lại không cho, bắt vứt đi. Tôi thoáng nghĩ, có thể họ sẽ chia cắt chúng tôi mỗi người một nơi, và như thế tôi sẽ không được gặp lại mọi người nữa. Lúc ấy tôi không hề nghĩ đến những gì sẽ chờ đợi tôi ở phía trước, chỉ cảm thấy họ đưa tôi đi mà bạn bè tôi không được biết, thế là tôi lao vào chỗ khu vực thẩm vấn, định gọi to tên các bạn tôi, báo cho họ biết là chúng tôi phải đi đây. Nhưng ngay tức khắc họ túm tôi lại, cứ như sợ tôi chạy trốn giữa một rừng công an như thế này. Hai người túm chặt hai bên tay tôi áp giải tôi ra ngoài, đẩy tôi lên chiếc xe chở tù mà tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy khi ở ngoài đời.
Trên xe có Dũng, tôi và 2 phạm nhân, một nữ một nam. Tôi im lặng nhìn họ bập chiếc còng số 8 vào tay tôi với cô phạm nhân trẻ, Dũng bị còng với nam phạm nhân. Nói thực lòng, cho đến giờ phút này, tôi thấy họ phải hao tâm tổn sức, huy động ngần ấy con người, phải dùng đến nhà tù và còng số 8 để đối phó với một con người như tôi thì quả là một sự lãng phí ghê gớm. Tôi hoàn toàn có thể kiêu hãnh mà tự nhận rằng lòng tôi trong sạch không một chút tỳ vết, trong sạch hơn bất cứ một kẻ nào trong số bọn họ. Sự phẫn nộ không bùng lên mà đang chìm xuống, âm ỉ cháy trong lòng tôi. Tôi nghĩ đến một ngày, khi họ thấy được họ nhầm lẫn như thế nào, thì tôi chỉ mong họ sẽ phải hối hận. Sẽ không có chỗ cho lòng căm thù, tôi chỉ muốn ít nhất con người ta phải biết hối hận khi làm những điều sai trái. Đấy là lúc tôi chưa biết họ còn đến khám xét nhà tôi, khám xét và thu giữ máy tính của tôi. Thật khó hiểu quá, với cái tội danh gây rối trật tự công cộng như họ gán cho tôi, mà nghiêm trọng tới mức phải ra lệnh khám xét nhà khẩn cấp, khám xét và thu giữ máy tính thì có hợp lý không? Sao họ không bắt vì cái tội danh nào khác cho nó bõ cái cách thức rầm rộ mà họ đã phô trương ra như thế này?
Ngay cả hai phạm nhân trên xe cũng cảm thấy bất thường khi thấy công an quá đông. Qua cánh cửa xe vẫn chưa khép hẳn, tôi thấy Bùi Hằng và Tiến Nam đang chen nhau phía sau chấn song cửa sổ nhìn ra, Minh Hằng giơ tay nói:
- Cứ bình tĩnh nhé, xem họ đưa đi đâu.
Tôi nhao người ra phía ngoài để nhìn họ cho rõ hơn, nhưng cô phạm nhân trẻ đẩy bật tôi lại, giọng rất dữ dằn:
- Ngồi yên không tôi đập chết bà bây giờ.
Biết là gặp phải đầu gấu, tôi ngồi xuống nhìn cô ta:
- Làm gì mà dữ thế?
Cô ta lườm tôi bằng con mắt hẹp như kẻ chỉ, tôi lại bảo:
- Khiếp, sao phải lườm ghê vậy?
- Lườm bà làm đ. gì cho đau mắt tôi.
Tôi không nói gì nữa. Khi ánh nắng xuyên qua nóc thùng xe rọi vào mặt cô gái, tôi ngồi dịch vào trong góc bảo:
- Ngồi lui vào đây cho đỡ nắng.
Cô ta không nói gì nhưng cũng dịch sát vào tôi. Trước khi xe chạy, tôi phát hiện ra họ cũng đã đưa Minh Hằng lên trên ca bin, cũng bị còng tay như chúng tôi. Vậy là một lần nữa chúng tôi lại được bên nhau, ít ra điều đó làm tôi yên tâm hơn.
Suốt dọc đường, tôi cố gắng yên lặng, chỉ thỉnh thoảng hỏi chuyện cô gái cho không khí đỡ căng thẳng. Cả Dũng cũng thế, cậu ấy cũng là người có cách nói rất nhẹ nhàng ôn tồn, dường như cậu ấy chẳng bao giờ biết cáu kỉnh như tôi. Sau này tôi mới biết là mình lầm, đằng sau cái thể chất có vẻ yếu ớt và sự nhẹ nhàng ôn tồn ấy là một chàng trai thực sự rất kiên cường, rất hiểu biết. Thế mà ban đầu tôi cứ ngỡ cậu ấy chết nhát, nên đã có lúc gay gắt với cậu ấy.
Thoạt đầu cô gái chỉ trả lời nhát gừng và trống không trước những câu hỏi của tôi, sau thấy tôi không có vẻ ác ý, lại tỏ ý tiếc khi biết cô ta từng trong đội tuyển bắn cung. Cứ mỗi lúc, đôi mắt của cô gái lại mở to hơn, bớt lỳ lợm hơn. Tôi hỏi cô ấy bao nhiêu tuổi, cô ta bảo: Hai bốn! Ôi chao, vậy thì còn chưa bằng nửa tuổi cô.
Tôi cảm thấy rõ sự thay đổi của cô gái, thậm chí phút cuối chặng đường, cô gái đã bắt đầu xưng cháu. Điều đó khiến tôi vui lên, ngẫm ra mỗi con người dẫu có hung tợn đến đâu – cô ấy kể đi tù từ khi mới 16 tuổi, chưa bao giờ biết sợ là gì - trước sự cảm thông và chia sẻ, người ta vẫn có thể trở nên hiền lành, nhân hậu. Lúc xuống xe, cô gái nắm lấy tay tôi đỡ tôi xuống, cái hành động ân cần của cô gái giang hồ ấy khiến tôi xúc động:
- Cảm ơn cháu.
Thế là tôi đã bước vào Hỏa Lò, cái địa danh tôi mới chỉ từng nghe thấy trong đời!
Ngay đến bố, đi hoạt động từ khi cách mạng còn chưa thành công, đối mặt với cái sống cái chết biết bao nhiêu lần, nhưng chưa khi nào bị bắt, chưa bao giờ nếm mùi tù tội. Bây giờ con gái bố - người đầu tiên trong gia đình, trong tất cả các anh chị em, cô, dì, chú, bác - đã thực sự bước chân vào Hỏa Lò!
(Còn nữa)
Nhất nhật tại tù,
Thiên thu tại ngoại
(Một ngày tù,
Nghìn thu ở ngoài)
22/8 - Ở đây ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có mấy ngọn đèn sáng trưng ngoài hành lang, còn bên trong buồng giam thì không có ngọn đèn nào cả. Có lẽ vì trần hơi thấp nên họ sợ phạm nhân tự tử bằng điện chăng? Bây giờ tôi mới biết giường trong trại giam là một cái bệ xi măng, phía trong là một bể nước khoảng nửa khối để hở một ô vuông chỉ để đủ vục một gáo nước, kế đó là bệ xí – hết!Thiên thu tại ngoại
(Một ngày tù,
Nghìn thu ở ngoài)
Tôi hỏi ở đây làm sao biết giờ giấc vì nằm mãi không thấy sáng. Cô bạn tù bảo thấy tù tự giác đi quét hành lang là mấy giờ, giao ca là mấy giờ, có tiếng xe máy là mấy giờ, có khói bếp hun vào buồng giam là mấy giờ v.v...
Bất cứ có tiếng động nào là cô bạn tù nhỏm phắt dậy, chổng mông, cố ghé mắt qua cánh cửa sắt để nhìn dọc hành lang rồi thông báo cho tôi nhất cử nhất động. Tôi khao khát mọi tin tức về đồng đội quá, cố gạn hỏi mấy cậu tù tự giác về những người vừa bị đưa vào đêm qua nhưng chẳng biết gì thêm. Tôi đánh liều thử gọi tên Tiến Nam thì có ai đó quát: trật tự!
Khi khói bếp xông vào cay xè thì họ gọi tôi ra ngoài. Ra đến khu vực thẩm vấn, tôi nhớn nhác đưa mắt tìm đồng đội nhưng họ bắt tôi phải vào ngay phòng chờ. Trong khi chưa có người vào làm việc với tôi, Minh Hằng và Tiến Nam chợt bước vào. Mấy chị em mừng tủi ôm ghì lấy nhau thổn thức. Lúc ấy tôi hoàn toàn không biết cả đêm qua chỉ có mỗi mình tôi và Dũng phải vào phòng giam, còn tất cả mọi người vẫn ở lại bên ngoài. Bởi vậy tất cả mọi người đều rất thương tôi. Hóa ra vì không biết tin về nhau, nên chúng tôi lại cứ quay ra lo lắng lẫn cho nhau mãi.
Họ không cho chúng tôi hàn huyên lâu. Minh Hằng và Tiến Nam buộc phải quay trở ra. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi khiến tôi xúc động đến mức vừa tranh luận với điều tra viên vừa nước mắt tuôn như suối. Đã khóc thì kèm theo mũi dãi khiến tôi cứ xì xoẹt xỉ mũi làm bà lăn tay càu nhàu, ý bảo tôi không được khóc. Tôi cáu tiết gắt:
- Ai muốn khóc làm gì chứ? Chị không chịu được thì cứ đuổi tôi ra. Tôi oan ức thì tôi phải khóc.
Họ vẫn hỏi những điều cũ rích, vẫn giở cái trò ban đầu ghi biên bản lời khai, khi tôi không đồng ý thì lại lấy giấy trắng ra ghi biên bản làm việc. Rồi khi tôi không ký vì biên bản chỉ lập 1 bản, thì ngay lập tức họ đưa tôi trở lại phòng giam.
Trở về phòng giam, tôi linh cảm thấy việc có thể sẽ không được đoàn tụ với anh chị em trong một thời gian dài. Bởi vậy khi kể lại cho cô bạn tù nghe, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế. Vừa nức nở, tôi vừa nghĩ đến ngày tự do, tôi sẽ viết những dòng đầu tiên: nước mắt Phương Bích đã rơi, nước mắt Minh Hằng đã rơi, nước mắt Tiến Nam và có thể của cả nhiều anh chị em khác đã rơi không phải vì cường quyền bạo lực, vì sự bất công mà vì tình thương yêu giữa chúng tôi càng lớn hơn trong chốn lao tù này.
Tôi quyết định sẽ tuyệt thực để phản đối. Mặc cho cô bạn tù khuyên hết lời, tôi vẫn nhất định không chịu ăn. Bữa ăn trong tù làm tôi một lần nữa lại rơi nước mắt. Chỉ vỏn vẹn một tô cơm với một tô rau muống luộc lẫn với nước rau. Tôi hỏi rau luộc hay canh? Cô bạn tù bảo rau luộc. Cô ấy bảo thỉnh thoảng cũng có cho được tý muối. Tôi chỉ mấy lọ muối vừng với ruốc để ở cạnh tường thì cô ấy bảo của bạn tù được tiếp tế thương tình sẻ cho. Tôi hỏi sao cô ấy không được tiếp tế thì cô ấy chỉ lắc đầu không nói.
Trong khi cô bạn tù ngồi ăn ngon lành, tôi cứ nằm nhìn cô ấy. Không biết có chế độ giam giữ nào lại tàn nhẫn như vậy không?. Có ông bà đại biểu quốc hội nào biết chuyện này không? Nói thực lòng, đến con chó con mèo còn được trộn vào bát cơm tý thức ăn mặn. Tôi vốn yêu quý tất cả các loài vật, chỉ cần thấy chúng khốn khổ là tôi đã thắt ruột thắt gan lại vì xót thương. Nếu họ phạm tội thì chỉ riêng việc bị giam giữ trong 4 bức tường đã là một sự trừng phạt lớn nhất đối với họ rồi, cần gì phải hành hạ cả về thể xác họ như thế.
Thế là đã qua nửa ngày thứ 2. Tôi nghĩ gia đình tôi đã đoán phần nào lý do đêm qua tôi không trở về. Như vậy hẳn ở nhà đã bố trí người chăm sóc bố tôi. Khi nghĩ vậy, tôi không còn lo lắng nữa. Giờ tôi chỉ còn nghĩ đến việc mình sẽ đối diện với việc này như thế nào. Tôi nghĩ chắc chắn mọi người ở bên ngoài đang rất lo cho chúng tôi, chắc chắn họ sẽ lên tiếng đòi lẽ phải cho chúng tôi. Nghĩ vậy, tôi yên lòng nằm xuống, uống thật nhiều nước mỗi khi thấy đói.
Đầu giờ chiều, họ gọi tôi đi lăn tay, bảo đây là quy định, nếu tôi không tự nguyện thì sẽ cưỡng chế. Tôi bảo họ cứ cưỡng chế vì sức tôi làm sao mà chống lại được, còn đương nhiên tôi chả đời nào tự nguyện lăn tay. Nhưng đúng là tôi vẫn ngờ ngệch lắm, tôi bảo ai vào giữ tay tôi đi này, tôi chả tự nguyện đâu, thế mà chả ai vào giữ tay tôi gọi là lấy lệ cả. Tôi đâu khỏe như Minh Hằng, tôi mà chống lại, có khi họ bẻ gãy tay tôi không chừng. Trong khi tôi đang lăn tay, Trịnh Hữu Long chạy vào ôm lấy tôi. Cứ mỗi sự quan tâm của đồng đội là khiến tôi lại chảy nước mắt. Bà lăn tay ơ lên một tiếng bảo:
- Sao Long lại vào đây, đi ra.
Mặc dù mặt bà ấy lúc nào trông cũng khó đăm đăm, nhưng lạ là bà ấy nói với Hữu Long rất nhẹ nhàng, gọi tên Long một cách thân thiện. Sau khi Hữu Long ra ngoài, tôi vừa khóc vừa bảo:
- Cô cháu tôi gặp nhau một tý thì mất gì của các chị, thiệt hại gì cho các chị mà phải ngăn cấm. Chị trông nó thế mà bảo nó là kẻ gây rối được à.
- Ừ, thằng bé này được lắm
Bà lăn tay công nhận. Bà ấy đi theo tôi ra tận toalet. Vừa rửa tay, tôi vừa xỉ mũi ầm ĩ.
Thậm chí cho đến tận lúc đó, tôi vẫn đinh ninh là tất cả 8 người chúng tôi đều bị đưa vào phòng giam như nhau. Sau này Minh Hằng bảo mọi người đều thương bà quá, vì chỉ một mình bà với Dũng bị đưa vào phòng giam. Lúc thấy bà bị lăn tay, thằng Long nó ra ngoài cứ gục đầu vào tường khóc, trông tội lắm.
Đến giờ cơm chiều, tôi vẫn nhất quyết không ăn. Cô bạn tù lấy hộp bánh bích quy ra dỗ dành tôi. Chao ôi, cái thứ đó trong tù đối với cô ấy nó quý như vàng, thế mà cô ấy sẵn sàng chìa nó ra cho tôi để dỗ tôi ăn. Tôi lại những muốn ứa nước mắt, sao những người phạm tội ở đây lại tốt đến thế, còn những người tưởng rằng lương thiện lại vô cảm, lạnh lùng đến thế? Khi ép tôi ăn mãi không được, cô ấy ngồi nhấm nháp cái bánh quy, cắn từng tý một và nhai bỏm bẻm như nhai trầu. Ngay cách cô ấy cất cái hộp bánh một cách nâng niu cũng đủ thấy nó quý giá với cô ấy như thế nào.
Đang nằm nghĩ ngợi miên man thì họ lại gọi tôi và Dũng ra. Vì họ bảo có đồ dùng gì thì đem theo nên tôi nghĩ họ sẽ thả chị em tôi. Nhưng khi ra đến bên ngoài, thấy công an đứng đông đặc, ý nghĩ đến với tôi rất nhanh, họ sẽ chuyển chúng tôi đi nơi khác! Một người đưa trả tôi dây giày khi tôi hỏi, nhưng khi Dũng cúi xuống định buộc giày cho tôi thì người khác lại không cho, bắt vứt đi. Tôi thoáng nghĩ, có thể họ sẽ chia cắt chúng tôi mỗi người một nơi, và như thế tôi sẽ không được gặp lại mọi người nữa. Lúc ấy tôi không hề nghĩ đến những gì sẽ chờ đợi tôi ở phía trước, chỉ cảm thấy họ đưa tôi đi mà bạn bè tôi không được biết, thế là tôi lao vào chỗ khu vực thẩm vấn, định gọi to tên các bạn tôi, báo cho họ biết là chúng tôi phải đi đây. Nhưng ngay tức khắc họ túm tôi lại, cứ như sợ tôi chạy trốn giữa một rừng công an như thế này. Hai người túm chặt hai bên tay tôi áp giải tôi ra ngoài, đẩy tôi lên chiếc xe chở tù mà tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy khi ở ngoài đời.
Trên xe có Dũng, tôi và 2 phạm nhân, một nữ một nam. Tôi im lặng nhìn họ bập chiếc còng số 8 vào tay tôi với cô phạm nhân trẻ, Dũng bị còng với nam phạm nhân. Nói thực lòng, cho đến giờ phút này, tôi thấy họ phải hao tâm tổn sức, huy động ngần ấy con người, phải dùng đến nhà tù và còng số 8 để đối phó với một con người như tôi thì quả là một sự lãng phí ghê gớm. Tôi hoàn toàn có thể kiêu hãnh mà tự nhận rằng lòng tôi trong sạch không một chút tỳ vết, trong sạch hơn bất cứ một kẻ nào trong số bọn họ. Sự phẫn nộ không bùng lên mà đang chìm xuống, âm ỉ cháy trong lòng tôi. Tôi nghĩ đến một ngày, khi họ thấy được họ nhầm lẫn như thế nào, thì tôi chỉ mong họ sẽ phải hối hận. Sẽ không có chỗ cho lòng căm thù, tôi chỉ muốn ít nhất con người ta phải biết hối hận khi làm những điều sai trái. Đấy là lúc tôi chưa biết họ còn đến khám xét nhà tôi, khám xét và thu giữ máy tính của tôi. Thật khó hiểu quá, với cái tội danh gây rối trật tự công cộng như họ gán cho tôi, mà nghiêm trọng tới mức phải ra lệnh khám xét nhà khẩn cấp, khám xét và thu giữ máy tính thì có hợp lý không? Sao họ không bắt vì cái tội danh nào khác cho nó bõ cái cách thức rầm rộ mà họ đã phô trương ra như thế này?
Ngay cả hai phạm nhân trên xe cũng cảm thấy bất thường khi thấy công an quá đông. Qua cánh cửa xe vẫn chưa khép hẳn, tôi thấy Bùi Hằng và Tiến Nam đang chen nhau phía sau chấn song cửa sổ nhìn ra, Minh Hằng giơ tay nói:
- Cứ bình tĩnh nhé, xem họ đưa đi đâu.
Tôi nhao người ra phía ngoài để nhìn họ cho rõ hơn, nhưng cô phạm nhân trẻ đẩy bật tôi lại, giọng rất dữ dằn:
- Ngồi yên không tôi đập chết bà bây giờ.
Biết là gặp phải đầu gấu, tôi ngồi xuống nhìn cô ta:
- Làm gì mà dữ thế?
Cô ta lườm tôi bằng con mắt hẹp như kẻ chỉ, tôi lại bảo:
- Khiếp, sao phải lườm ghê vậy?
- Lườm bà làm đ. gì cho đau mắt tôi.
Tôi không nói gì nữa. Khi ánh nắng xuyên qua nóc thùng xe rọi vào mặt cô gái, tôi ngồi dịch vào trong góc bảo:
- Ngồi lui vào đây cho đỡ nắng.
Cô ta không nói gì nhưng cũng dịch sát vào tôi. Trước khi xe chạy, tôi phát hiện ra họ cũng đã đưa Minh Hằng lên trên ca bin, cũng bị còng tay như chúng tôi. Vậy là một lần nữa chúng tôi lại được bên nhau, ít ra điều đó làm tôi yên tâm hơn.
Suốt dọc đường, tôi cố gắng yên lặng, chỉ thỉnh thoảng hỏi chuyện cô gái cho không khí đỡ căng thẳng. Cả Dũng cũng thế, cậu ấy cũng là người có cách nói rất nhẹ nhàng ôn tồn, dường như cậu ấy chẳng bao giờ biết cáu kỉnh như tôi. Sau này tôi mới biết là mình lầm, đằng sau cái thể chất có vẻ yếu ớt và sự nhẹ nhàng ôn tồn ấy là một chàng trai thực sự rất kiên cường, rất hiểu biết. Thế mà ban đầu tôi cứ ngỡ cậu ấy chết nhát, nên đã có lúc gay gắt với cậu ấy.
Thoạt đầu cô gái chỉ trả lời nhát gừng và trống không trước những câu hỏi của tôi, sau thấy tôi không có vẻ ác ý, lại tỏ ý tiếc khi biết cô ta từng trong đội tuyển bắn cung. Cứ mỗi lúc, đôi mắt của cô gái lại mở to hơn, bớt lỳ lợm hơn. Tôi hỏi cô ấy bao nhiêu tuổi, cô ta bảo: Hai bốn! Ôi chao, vậy thì còn chưa bằng nửa tuổi cô.
Tôi cảm thấy rõ sự thay đổi của cô gái, thậm chí phút cuối chặng đường, cô gái đã bắt đầu xưng cháu. Điều đó khiến tôi vui lên, ngẫm ra mỗi con người dẫu có hung tợn đến đâu – cô ấy kể đi tù từ khi mới 16 tuổi, chưa bao giờ biết sợ là gì - trước sự cảm thông và chia sẻ, người ta vẫn có thể trở nên hiền lành, nhân hậu. Lúc xuống xe, cô gái nắm lấy tay tôi đỡ tôi xuống, cái hành động ân cần của cô gái giang hồ ấy khiến tôi xúc động:
- Cảm ơn cháu.
Thế là tôi đã bước vào Hỏa Lò, cái địa danh tôi mới chỉ từng nghe thấy trong đời!
Ngay đến bố, đi hoạt động từ khi cách mạng còn chưa thành công, đối mặt với cái sống cái chết biết bao nhiêu lần, nhưng chưa khi nào bị bắt, chưa bao giờ nếm mùi tù tội. Bây giờ con gái bố - người đầu tiên trong gia đình, trong tất cả các anh chị em, cô, dì, chú, bác - đã thực sự bước chân vào Hỏa Lò!
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét