Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

9-11 với tôi

10 năm, thỉnh thoảng tôi cũng cứ nhớ lại khoảng thời gian 10 năm đã qua có ý nghĩa gì đối với đời sống mình. Thế nhưng bao nhiêu cái "10 năm" đã qua đi thì tôi chẳng có ý niệm "nhớ nhung" gì mấy, ngoại trừ 10 năm đã qua, có lẽ đang bước vào tuổi già í quên là không còn trẻ nữa, nên phải ráng vận dụng trí nhớ để "tự lừa mình" chưa có bị lẩm cẩm chăng.
Ấy thế, có chuyện xảy ra trong 10 năm qua lại như vừa mới xẩy ra, nhớ rõ từng chi tiết. Như hôm thứ Sáu kể cho bà bạn đồng sở, đầu năm 2001 khi ngọn đồi trên con đuờng tôi đi làm hàng ngày sau một cơn mưa lũ làm sụt lở một góc đồi, chôn vuì mấy căn nhà, tôi còn nhớ khi đọc tin trên báo hình ảnh người cha, người chồng như điên cuồng cào bớt đất để mong cứu được vợ và con.  Những người đã bị chôn vùi dưới hàng tấn đất, và họ đã nằm ở đấy mãi mãi vì không còn ai có thể bới ra ngọn đồi mới ấy được nữa.  Và tôi nhớ rất rõ buổi sáng vừa lái xe ra khỏi parking, thì tiếng người xướng ngôn viên trên radio kêu lên và họ đùa với nhau vì không tin là có World trade center đã bị đâm, họ đùa vì nghĩ là tin vịt, họ nghĩ rằng không ai có thể tấn công và lại tấn công toà nhà cao nhất ở Mỹ lúc đó.  Lúc đó tôi cũng nghĩ vậy, lòng bỗng an tâm khi nghe tiếng cười đùa của xướng ngôn viên khi cho là họ chỉ đang đọc tin giỡn.  Tôi bỗng nhớ tới hình ảnh của chính mình khi đứng trên đỉnh World Trade Center năm 1998, trời lộng gió nhìn xuống NewYork, không nhớ tôi đã nhờ ai chụp cho tôi tấm hình ấy, sau khi tôi loay hoay chụp hết khắp hướng Đông Tây Nam Bắc bằng chiếc máy chụp hình nhỏ bằng film 35mm hồi ấy, thế mà đã thấm thoát mấy năm rồi, cả một cuốn phim quay lại trong đầu tôi lúc ấy, một mình tôi đã nhờ ông chú thả tôi ở NewYork và một mình lang thang ở thành phố chỉ toàn đi bộ, nguyên một ngày trời. Nhưng khoảng thời gian bình yên của tôi đang suy nghĩ  về một NewYork nơi mà tôi ao ước có tiền để mua vé đi bất cứ lúc nào của nhũng cuối tuần để xem Broadway show và lang thang nhìn thành phố không bao giờ ngủ của nước Mỹ đã bị ngưng lại thật bất ngờ khi tiếng người xướng ngôn viên lại vang lên hốt hoảng ngay sau đó không bao lâu khi ông loan báo không phải chuyện đùa, hai toà nhà World Trade đã sụp đổ, cả thành phố đang trùm trong khói đen theo lời ông kể khi nhìn vào TV. Lúc ấy chúng tôi đang trên đường tới sở, không thể nhìn thấy gì ngoài nghe tường thuật của radio, và khi đến sở thì là chìm vào một sự bàng hoàng chung của cả nước.  Không ai có thể ngờ đất nước Mỹ đã bị tấn công.  Tôi gọi về cho ba tôi hỏi ba tôi có xem TV không? Dĩ nhiên ông cũng không ngờ, ông chỉ mới đến Mỹ có hai năm lại phải chứng kiến một sự khủng bố kinh hoàng, những cái chết lại xảy ra trước màn hình TV.  
Mấy năm sau tôi cũng đã trở lại đứng ở Ground Zero, nhìn khoảng trống nơi World Trade Center đã sụp đổ, không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình ở một sự mất mát như thế, dù chỉ là một nơi mà ngày nay tôi chỉ còn lại những tấm hình để làm kỷ niệm, nó không đủ để nói hết được những mất mát của người dân NewYork phải chứng kiến tận mắt những mất mát của họ, những  thân nhân của họ ra đi, không bao giờ trở lại, những sự hốt hoảng mà không sách vở, hình ảnh nào có thể ghi chép lại được đầy đủ, chỉ còn trong trí nhớ của mỗi người dân Mỹ sẽ rất khó cho họ quên được một buổi sáng 9-11 như thế.  Như tôi, hầu như tháng Chín nào lái xe vào cổng parking tôi cũng lại nhớ cái giây phút bàng hoàng ấy, không thể nào nghĩ được là đã 10 năm trôi qua, 10 năm cũng đã đủ dài cho bao nhiêu chuyện khác cho mỗi cá nhân, tự nhiên với tôi đã trở thành một cái mốc để nhớ chuyện gì đã xẩy ra trước 9-11 và chuyện gì đã xẩy ra sau đó trong đời mình.  Và trớ trêu thay hôm nay 9-11 cũng là sinh  nhật một người bạn đồng sở.  Trước đó tôi không bao giờ nhớ, nhưng bây giờ thì không thể quên. September, Eleven!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog