Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Dòng Tên, Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ:

Phong Uyên - Dòng Tên, Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ: cơ hội canh tân đất nước bị bỏ lỡ cách đây 400 năm

Lịch sử Tin liên quan:


Nhiều học giả coi cuốn tự điển Annamiticum Lutsitanum et Latinum (Việt - Bồ - La), công trình của giáo sĩ dòng Tên Alexandre de Rhodes được xuất bản tại Rome năm 1651, như bản khai sinh của chữ quốc ngữ. Như vậy chỉ còn 1 tháng nữa đến năm 2011 là chữ quốc ngữ được tròn 360 tuổi. Nhân dịp này tôi xin kể qua lịch sử dòng Tên và những hoạt động nổi bật nhất của nó ở nhiều nơi trên thế giới từ khi Dòng được thành lập cách đây gần 5 trăm năm cho đến ngày nay. Tôi cũng sẽ xin nói thêm là chữ Quốc ngữ là di sản quý báu nhất mà dòng Tên đã để lại. Tiếc là các vua chúa thời đó đã bỏ lỡ cơ hội không biết dùng nó thay chữ Hán để thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc về tư duy và canh tân đất nước.

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Sư tử hiền

Xem xong bài blog Câu chuyện có thật về chú sư tử tình cảm Christian

Ai sẽ bảo dữ như sư tử?
Kiểu này thi hẳn có người vẫn cãi cố, sư tử thì ... hiền nhưng sư tử Hà Đông thì ... không :-)

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Bếp núc

Ngày lễ Tạ Ơn của Mỹ đã qua nhưng bếp núc thì vẫn còn nóng hổi, bởi ăn chưa xong thì lại lo ăn bằng mắt.  Sáng sớm tôi tà tà xách hai chai xì dầu hiệu Mely "Product of French" đi bộ sang nhà ba tôi cách đó hai cây số.  Đi mà nghĩ bụng chả biết xì dầu thật hay giả đây mà mua cho cố, mang về cho mấy cô em.  Nhãn hiệu gì mà ngay chỗ sản xuất thì cứ như bị in xoá lên, lòng nghi hoặc thế mà cứ vác về, để sáng nay lại lo xách đi, cô em trêu bảo sao chị không cầm hai tay hai chai cho đều coi như cầm tạ. Tới nơi cô cho tôi "ăn" tiếp màn ăn uống do Luke Nguyễn, một đầu bếp của nhà hàng Redlantern, một trong top ten nhà hàng ở Sydney do hai anh em người Việt (boat people) làm chủ.  Anh chàng Luke này với giọng Úc nói thao thao giới thiệu món ăn VN và văn hoá ẩm thực của người Việt rất chuyên nghiệp, người ta có thể đọc được những menu các món ăn  mà anh chàng này biểu diễn ở trang web sau đây.
Thế là xem xong lại lội bộ đi về cho tiêu khúc bánh mì với bơ "sầu riêng" mà cô em giới thiệu cho ăn, lại nghĩ tới một món nào đó cho ngày Holidays sắp tới.  Ôi ăn với uống.  Không biết có con đường đưa tới điềm đến nào dài hơn cho tôi tiêu đi một ít mỡ!!!

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

15 Điều để suy gẫm

 Email sáng nay có cái thư này, và tôi nghĩ ai đó đã thu góp từ blog Trần đình Hoành những điều sau, cũng tốt cho mình đọc một lần để suy gẫm.
 
15 Điều để suy gẫm
 
Danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta.
 
Vì vậy, người ta sẽ lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được. Ai chứa đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả.

1. Sống trong hiện tại
 
Phật hỏi đệ tử:
- Cuộc sống người ta được bao nhiêu?
Các đệ tử thay nhau trả lời:
- 80 năm.
- Sai.
- 70 năm.
- Còn sai.
- 60 năm.
- Sai.
- Vậy người ta sống bao lâu?
Phật mỉm cười đáp
- Đời người chỉ thuộc trong vòng hơi thở.
Lời bình
Đừng quá coi trọng quá khứ hoặc tương lai mà quên hiện tại…Hiện tại còn quan trọng hơn. hãy sống với thực tại.
 
 2. Sau khi chết người ta đi về đâu?
 
Hoàng đế Goyozer đang học thiền với thiền sư Gudo Toshoku.
- Bạch thầy, sau khi chết, người ta đi đâu?
- Tôi không biết.
- Tại sao thầy không biết?
- Vì tôi chưa chết.
- ???
Lời bình
Khi sống, con người nên thưởng thức những vẻ đẹp và bí ẩn của cuộc sống theo cái nhiều người sống. Hãy sống trọn hôm nay, đừng quá lo cho ngày mai vì chuyện ngày mai thì mai mới xảy ra.
 
 3. Định mệnh nằm trong bàn tay
 
Thời xưa, có vị tướng quyết tấn công địch dẫu quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên đường
tiến quân, ông dừng chân ở một đền thờ cầu nguyện, xin giúp đỡ. Sau đó, ông rút ra một đồng
xu và nói lớn với quân sĩ:
- Bây giờ, ta sẽ lấy đồng xu để xin keo.Nếu là sấp, quân ta sẽ thắng còn ngửa thì quân ta sẽ bại.
Chúng ta phó mặc mạng sống cho định mệnh. Đồng xu bay lên, xoay mấy vòng và rơi xuống
đất.
- Sấp rồi ! Chúng ta sẽ thắng ! Hãy xông lên chà nát quân thù ! - Ba quân reo hò phấn khởi.
Sau trận chiến, toàn bộ quân địch hùng hậu đông đảo bị đánh bại hoàn toàn. Vị phó tướng vui vẻ nói với tướng quân:
- Không ai có thể thay đổi được bàn tay định mệnh.
Tướng quân chỉ mỉm cười không đáp. Ông xoè tay đưa đồng tiền ra. Cả hai mặt đồng xu đều là mặt sấp.
Lời bình
Thiên đàng rất công bằng đối với tất cả mọi người, không thiên vị dành riêng cho ai. Chỉ có chính bạn mới cứu được bản thân bạn, đừng quá trông chờ vào người khác !!!
 
4. Con sóng nhận thức
 
Nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, con sóng nhỏ tỏ ra bực mình:
- Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao sao ta yếu đuối thế này.
Con sóng to cười đáp: - Đó là vì không nhận ra gốc gác của mình mà bạn buồn bực thế.
- Tôi không là sóng thế là gì?
- Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong bản chất của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra
bản chất của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn
buồn bực gì nữa.
Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ:
- À, bây giờ thì tôi hiểu. Bạn và tôi tuy hai mà một.
Lời bình
Con người cho rằng "ngã" là ta nên xảy ra phân biệt ta và người mà buồn khổ. Cứ so sánh, suy bì thì chỉ làm ta thêm đau khổ mà thôi. Thực ra loài người được cấu tạo cùng một bản chất trong thiên nhiên bao la.
 
5. Thiên đường địa ngục
 
Một vị tướng quân đến gặp thiền sư Ekaku hỏi:
- Bạch thầy, thiên đường hay địa ngục có thật hay không?
- Thế ngài là ai?
- Tôi là tướng quân.
Bất ngờ, thiền sư cười lớn:
- A ha! Thằng ngốc nào cho ông làm tướng vậy, trông ông giống anh hàng thịt.
Tướng quân nổi giận, rút gươm:
- Tao băm xác mi ra !!!
Thiền sư vẫn điềm tĩnh:
- Này là mở cửa địa ngục.
Chợt giác ngộ, vị tướng sụp xuống lạy:
- Xin... xin thầy tha lỗi cho cử chỉ thô bạo vừa rồi của tôi.
- Này là mở cửa thiên đường - thiền sư Ekaku mỉm cười.
Lời bình
Thiên đường, địa ngục không phải là chỗ con người tới sau khi chết mà nó ở vào cách suy nghĩ và hành sử của bạn!  Lành, dữ đều do tư tưởng. Cửa thiên đường địa ngục mở ra bất cứ lúc nào.
 
6. Thiên đàng địa ngục đều do tâm tạo
 
Có một bà lão biệt danh "mụ già hay khóc". Trời mưa, mụ cũng khóc, trời không mưa mụ cũng khóc. Có người hỏi bà:
- Bà lão ơi, sao bà lại khóc?
- Tôi có hai con gái, cô chị bán giày vải, cô em bán dù. Khi trời nắng ráo, lão nghĩ tới con em bán dù không được. Khi trời mưa, lão lại lo cho con chị, mưa gió không có khách nào chịu mua giày.
- Lão nên nghĩ rằng khi trời đẹp đứa lớn sẽ bán được, khi trời mưa đứa nhỏ bán dù rất chạy.
- À, ông có lý.
Từ đó, "mụ già hay khóc" thôi khóc. Bà lão cười suốt ngày dù trời mưa hay nắng.
Lời bình
Một điều lợi hay bất lợi sẽ tuỳ thuộc vào cách nhìn, cách suy nghĩ của bạn. Hãy nhìn mọi thứ theo hường tich cực thay vì theo hướng tiêu cực thì bạn sẽ luôn vui sống…
 
7. Phật tại gia
 
Yangpu về tỉnh Sichuan định tâm tìm kiếm Bồ Tát. Trên đường đi, Yangpu gặp một nhà sư. Nhà sư hỏi:
- Cậu đi đâu đấy?
- Tôi đi cầu Bồ Tát.
- Bồ Tát ở xa, chi bằng đi tìm Phật có hơn không?
- Tìm Phật ở đâu bây giờ?
- Khi cậu về nhà, thấy người đón cậu trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái, đó chính là Phật.
Theo lời, cậu về nhà thì trời đã khuya. Mẹ cậu nghe con gọi cửa mừng quá vội khoác mền lên
người, xỏ dép trái. Bà chạy ào ra mở cửa và khi Yangpu thấy mẹ mình như vậy thì đứng chết lặng.
Lời bình
Người ta tìm chân lý nhưng điều cần là thực thi ngay trong lòng, không thì khó mà gặp được. Đ ừng khổ công đi tìm hạnh phúc từ những gì cao xa,  những điều nhỏ nhặt hàng ngày quanh ta chính là hạnh phúc. 
  
8. Ngón tay chỉ mặt trăng
 
Sư Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng:
- Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin tổ sư soi sáng cho.
Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh đưa cho ni sư, nói:
- Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu.
- Tổ không đọc chữ sao ngài hiểu thông nghĩa được? - Jincang rất ngạc nhiên.
Lục Tổ Huệ Năng thủng thỉnh đáp:
- Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này,
chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ vậy. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải là trăng. Xem trăng có cần ngón chỉ không?
Lời bình
Ngôn ngữ văn tự đều là biểu tượng để diễn đạt chân lý. Đừng lầm chữ nghĩa với chân lý như đã lầm ngón tay với mặt trăng.
 
 9. Ai đó
 
Kitagaki, thống đốc bang Kyoto, đến viếng đền Tofuku để thăm Keichu - vị sư trưởng đền này.
Đệ tử của Keichu vào báo:
- Kitagaki, thống đốc Kyoto muốn diện kiến thầy.
- Ta không biết thống đốc nào cả - Sư trưởng trả lời.
Đệ tử chạy ra nói với Kitagaki:
- Thầy tôi yêu cầu ngài lui gót vì không quen thống đốc nào cả.
Kitagaki hiểu ra:
- Nếu vậy, hãy báo với thầy anh có Kitagaki
muốn diện kiến.
- Để tôi thử lần nữa.
Lần này, sư trưởng ra đón tận nơi:
- Ồ, Kitagaki đấy à. Mời vào nhà.
Lời bình
Khi có danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta. Vì vậy, nếu quá coi trọng những thứ đó sẽ làm con người ta lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được.
 
10. Càng vội càng chậm (dục tốc bất đạt)
 
Một thanh niên nọ lên núi tìm kiếm sĩ lừng danh để học kiếm thuật. Anh ta hỏi vị sư phụ:
- Thưa thầy, nếu con luyện tập chuyên cần thì phải bao lâu mới thành kiếm sư?
- Có lẽ 10 năm.
- Cha con đã già rồi và con phải chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì mất bao lâu?
Lặng yên suy tư một lúc, vị sư phụ đáp:
- Trường hợp này có lẽ phải 30 năm.
Anh thanh niên không giấu được vẻ nôn nóng:
- Trước thầy bảo 10 năm, bây giờ 30 năm. Con sẽ vượt qua mọi trở lực để nắm vững kiếm thuật với thời gian ngắn nhất.
- Thế thì anh cần phải ở lại đây 70 năm - Vị sư phụ mỉm cười.
Lời bình
Những người càng nôn nóng muốn đạt kết quả nhanh thì hiếm khi thành công.
 
11. Đèn đã tắt
 
Một anh mù đến từ giã bạn mình. Người bạn cho anh một cây đèn lồng. Anh mù cười hỏi:
- Tôi đâu cần đèn lồng. Với tôi, sáng hay tối có gì khác.
- Tôi biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác có thể đụng vào anh.
- Ồ, vậy thì được.
Đi được một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người đâm sầm vào. Bực mình, anh ta quát:
- Bộ không thấy đèn hả?
- Đèn của ông đã tắt từ lâu rồi mà.
Lời bình
Hãy là chính mình, đừng làm con vẹt, nói những điều mà mình không biết. Người nào dùng lời kẻ khác để dạy người có thể giống anh mù này. Đèn đã tắt từ lâu, tuy nhiên anh ta không biết điều đó.
 
12. Bình thường tâm
 
- Bạch thầy, sống theo Đạo một cách siêng năng là thế nào?
- Khi đói hãy ăn, khi mệt hãy ngủ.
- Đó là những điều mà mọi người thường làm mà?
-Không, không ! Hầu hết mọi người đều không làm như vậy. Khi ăn, mọi người đầy những suy tư, ao ước và khi ngủ lại đầy những lo toan.
Lời bình
Rất ít người mà mỗi sáng thức dậy mà đầu óc không bận bịu những chuyện quá khứ?
Con người phải vứt bỏ những điều nguy đã gây ra bão tố nội tâm và sống theo bản chất nguyên thuỷ của họ vì Đạo nằm ngay trong đời sống hằng ngày.
 
13. Thiền trong chén trà
 
Vị giáo sư đại học đến gặp thiền sư Nan In để tìm hiểu Thiền. Nan In mời ông uống trà. Nan In rót đầy chén trà rồi mà cứ thế rót thêm. Giáo sư nhắc:
- Kìa thầy, chung trà đầy tràn rồi, xin đừng rót nữa.
Nan In cười đáp:
- Như chung trà này, ông cũng đầy ắp những quan niệm của ông. Nếu trước tiên, ông không
cạn chén thì sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được.
Lời bình
Đừng cậy mình giỏi giang mà điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả. Người khiêm tốn thì mới học cao, biết rộng được. 
  
14. Con quỷ bên trong
 
Nhà sư nọ mỗi khi bắt đầu nhập định đều thấy một con nhện khổng lồ làm ông bối rối. Nhà sư
liền vấn ý sư Tổ:
- Mỗi khi con bắt đầu nhập định thì luôn có một con nhện khổng lồ xuất hiện, dẫu có đuổi thế nào nó cũng không đi.
-Lần tới, nếu thấy con nhện xuất hiện, con hãy vẽ một vòng tròn to làm dấu xem nó từ đâu đến.
Nhà sư làm đúng như vậy. Khi ông vẽ vòng tròn to vào bụng con nhện, con nhện chạy đi, ông lại có thể tiếp tục thiền định. Sau buổi thiền định, nhà sư rất bối rối khi thấy vòng tròn nằm ngay trên bụng mình.
Lời bình
Trong cuộc sống, con người gặp phải nhiều xáo trộn và âu lo, phiền nhiễu. Nhưng âu lo tệ nhất thường là từ chính bản thân mình mà ra. Mọi sự nhiều khi do chính mình làm cho thêm phức tạp.

15. Đích tới có một đường đi không cùng

Một tăng đồ hỏi Thiền sư Baling Haojian:
- Nghĩa lý của sư tổ và ý nghĩa của giáo lý có gì giống và có gì khác nhau?
- Khi vịt lạnh, chúng lội xuống nước. Khi gà lạnh chúng đậu trên cây.
Lời bình
Lạnh vẫn lạnh nhưng phương thức tránh lạnh lại khác nhau. Cùng một mục tiêu nhưng mỗi loài lại có cách riêng của chúng. Để đạt mục tiêu không chỉ có một con đường, không phải ai cũng đi theo một con đường. Hãy khéo chọn cách nào phù hợp và tốt nhất đối với mình...

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Lau xe

Xem ra tôi có ngày thứ Bảy hôm qua làm rất nhiều mà ăn chẳng bao nhiêu. Ở nhà một mình, thì tôi bỏ bớt cái vụ nấu nướng làm khổ tôi, ăn mà không tập trong thời gian chân đau đã làm cho tôi lên 2 kg.

Cho nên cả ngày ở nhà tôi loay hoay làm đủ chuyện mà chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, đang dọn bỗng nhớ trời đang mưa. Thế là tôi lùi xe đang đậu trong garage ra ngoài đường cho ..Trời rửa hộ. Khi xong việc trong nhà thì trời cũng vừa tạnh cơn mưa. Khệ nệ vác cái thang đúng ra chỉ là cái stepping stool có 2 bậc thôi. Tôi vác khăn ra lau lại và leo lên thang, ôi chao trông tôi cứ như chú lùn trước cái xe, bình thường mình cứ nghĩ thuộc vào loại cao trung bình, vậy mà giờ lau cái xe này, quẳng cả xải tay với cái khăn cũng chưa lau nổi nửa cái mui xe. Chán mớ đời. Thế là người và thang cứ chạy lòng vòng chung quanh cái xe. Vợ chồng con nhỏ hàng xóm vác xe đi chợ, đã muốn tránh cho nó khỏi nhìn mình trông buồn cười quá, nhưng mà vợ chồng nó cũng phải kéo cửa xe xuống nói một câu cho .. hả dạ. Say hi chán rồi bảo "I love your car", làm tôi phải đính chính "con tôi mua cho tôi đó thôi", rồi thì chào nhau.

Mà thiệt lái cái xe đến phát ngượng, ở cái xóm bình dân, khu xã cũng bình dân, khi không lái xe vào xóm, thiên hạ hẳn nghĩ mình chắc buôn lậu hay sao mà lái cái xe sang nhất xóm, ra đường người ta nhìn là biết cũng một loại xe nhưng xe mình thì "full load", bước xuống xe thì người ta dám nghĩ "ngữ ấy làm chi có tiền" . Eo ui, sao mà khổ thế, đâu phải ai cũng có thể lái xe chiến được, phải là người ngợm thế nào chứ.

Bây giờ lại cứ như chú lùn rửa xe thế này trông chả giống ai. Phải như Bạch Tuyết thì đã đỡ, có khi lại có năm bẩy chú lùn tới rửa hộ. Còn bây giờ thì cứ đóng vai chú lùn leo lên lại leo xuống, ôm lau cái xe, trông cứ như phim hoạt hoạ thế nào ấy. Thôi lỡ rồi, ai bảo làm biếng nhờ Trời tưới hộ bây giờ phải lau thôi. Hàng xóm chắc lại có một buổi chiều xem phim vui cười...free. Còn tôi lau xong cái xe, chắc là xuống được 200 gr!!!

======

Viết cái bài này blog ở một "góc riêng" , post lại đây để người đọc rút kinh nghiệm cho khỏi "khổ sở" như tôi.   
Chả là bạn tôi đọc xong cười cho tôi một mẻ, sao mà khờ thế, đã lái cái xe như thế mà không chịu bỏ tiền đem đi "body wash", ờ nhỉ sao mà ngu thật í chứ.  Con trai dặn đừng có mang ra "car wash" vì máy nó rửa, nó quẹt quẹt mấy cái giẻ bằng cao su ấy thì xướt hết cả xe, nhưng mà mang đi body wash thì có lý lắm chứ, chả là bây giờ có dịch vụ mới đây tôi thấy báo đăng là có những nơi mấy cô gái ăn mặc rất là.. nghèo đi rửa xe cho thiên hạ. Bạn tôi còn giải thích rõ cho là người ta đầy đặn như thế mà "wash" thì làm sao mà xướt xe được:-)  Không biết chỗ nào thì bảo con trai nó mang đi,  nó sẽ tìm ra Bikini Car Wash ngay thôi.  Không biết có nên nghe lời ... xúi dại này không
Chỉ không biết lúc ấy con trai rửa xe hay rửa mắt!!!

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Lá thư trong hộp quà

Thưa thầy. Do món quà của em đặc biệt hơn món quà của tụi cùng lớp, nên em không dại gì đem đến trường tặng thầy trong ngày Nhà giáo 20/11, vì sợ giữa đống quà, thầy nhận không ra quà này của ai. Hoặc mở hộp xem xong, sơ ý thầy để lộn sang hộp quà của đứa khác thì thiệt thòi cho em lắm! Em cũng không thể đích thân mang đến tặng thầy, hẻm vào nhà thầy chật ních, xe hơi hoành tráng giá trị tiền tỉ của ông bô em mà chạy vào thì dễ có nguy cơ bị trầy xước vì va quẹt. Do vậy chỉ còn một giải pháp theo kinh nghiệm đầy mình của ông bà bô em thường làm, là sai người giúp việc cầm tới nhà “theo lối cửa sau” là đắc sách nhất mà thôi.
Quà của em là một “con dế” rất xịn, giá hơn chục chai, trong đó có gắn sẵn cái sim số đẹp để ông bô tiện việc hú thầy đi nhậu vào những ngày em sắp làm bài kiểm tra, vào các kỳ thi. Thầy đừng ngại ngùng, cứ vô tư nhận đi. Vì thứ này em chẳng hề bỏ tiền mua đâu, thực ra nó là “của chùa” đấy! Vì hôm tết trung thu vừa rồi, mấy tay “lính” của ông bô em đem tới nhà biếu mấy cái lận, họ nói với ổng là “Để cháu nó vui đón trăng rằm” đó thầy.
Nhân cơ hội tặng quà, xin thầy cho em được có đôi lời phân bua để thầy hiểu vì sao em thuộc diện con nhà giàu mà học… quá dốt. Nguyên do thường “đội sổ” không phải tại em, mà tại ở ông bà bô nhà em đó. Nếu em nhớ không tồi thì “bên I-rắc” có câu “châm chích ngôn” dạy rằng: “Muốn con hay chữ thì yêu – lấy thầy”. Theo sự động não của em, câu ấy có nghĩa là người mẹ nào muốn đẻ con đặng nó học thật giỏi, thì phải “yêu” rồi “lấy” thầy giáo. Em hiểu vậy là thông minh đột xuất lắm phải không thầy? Con thầy giáo thì phải học giỏi rồi, cũng giống như ở trong sở thú “hổ phụ sinh hổ tử” là cách “sinh đẻ rất tự nhiên”, nếu làm con thầy giáo mà học “ý ẹ ơi” như em thì người ta sẽ nói “hổ phụ sinh hổ… thẹn” mắc cỡ chết thầy ha? Nghe đâu hồi còn con gái, bà bô em luôn miệng rằng “lấy giáo chức có mà dứt cháo” cả đời. Giữ vững lập trường như vậy nên vào “một thời để yêu và một thời để… đỏng đảnh” bả nhắm tịt, hổng thèm cho “anh giáo” nào lọt vào mắt xanh cả. Ngược lại cố tình để chui tọt vào đôi mắt giả nai một anh chàng bụng phệ, đầu đinh con của một sếp lớn, vốn chữ tuy ít, nhưng vốn liếng thì nhiều. Anh chàng tốt số ấy bây giờ chính là ông bô của em đó.
Em không phải con thầy giáo, nên học hành dù dỡ cũng không có gì mắc cỡ cả, bởi “rau nào sâu nấy” nên nó phải vậy. Hồi nhỏ ông bô em nào có chịu học hành gì đâu, lớn lên chỉ cần bỏ ra mớ tiền mua cái bằng là có điều kiện ngồi vào cái ghế ông nội em dọn sẵn. Mai mốt em cũng theo “con đường xưa ông bô đi, vàng lên…”, lo gì.
Viết dzậy chắc là thầy biết tỏng em rồi, bây giờ hãy lo đọc sách hướng dẫn để biết sử dụng điện thoại cho rành đi. Hổng chừng tối nay ông bô em gọi thầy, rủ đi lai rai vài ve chúc mừng ngày Nhà giáo đó.

Học trò của thầy: Trần Trùng Trục (đã ký)

Người lụm được lá thư trong hộp quà: Nguyễn Ngọc Sáng

Blog này cũng chỉ đọc ké thôi.:-)

Câu thơ

Tính dọn cái desktop thì thấy tấm hình này chả biết ai gửi cho, ở đâu tới, tiếc câu thơ tấm hình, thôi post lên đây để mọi người cùng thưởng thức. Chợt nhớ người bạn gửi cho software để viết theo lối thư pháp thế này, mà cả năm rồi chẳng buồn install nó, đủ biết lươi huyền tới mức nào, có lẽ một phần tại mình không biết làm thơ, chứ biết thì cũng bày đặt viết tặng bạn ngay thôi.

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Thầy Cô

Hôm nay 20/10 ngày mà ở VN gọi là ngày của Thầy Cô. Sáng thức dậy tôi nhớ mấy hôm trước có nhận mấy email của một người Thầy, Thầy không gửi cho riêng tôi, thỉnh thoảng thầy nhận cái gì hay ho thì Thầy gửi cho cả một "lũ học trò", cho nên tôi xem rồi để đó, nghĩ bụng thôi để 20 tôi gửi thư thăm hỏi Thầy luôn. Thế nhưng sáng thức dậy cứ đứng ngẫm mà chẳng biết viết gì thăm Thầy, lại hẹn hay thôi Noel, mà cái kiểu hẹn lần hẹn lửa như tôi là không xong rồi, như hôm qua cô bạn hét ầm lên là không chịu gặp nhau để còn đi ăn, chứ đợi với chờ lỡ cô lăn đùng ra ..thì làm sao. Đúng là bấy giờ không có chuyện chờ đến ngày mai.
Thôi thì chưa gõ thư được, chỉ xin gửi Thầy lá thư cảm động của một học trò khác vậy.
Đàng nào Thầy cũng đã hết ngày 20 nơi Thầy ở, học trò làm biếng đành chờ một ngày khác thư thăm Thầy. Thầy biết tính học trò, làm gì cũng chậm chạp ù lì, cho nên nó mãi là người đến muộn.

Note: Nhân ngày Thầy Cô, có câu chuyện Dậy học xin được link lại về chuyện Thầy trò hiện nay ở VN.

Mưa

Cơn mưa đổ xuống từ nửa đêm, hôm nay thức dậy trong tiếng mưa rơi đều, ngoài vườn đầy những lá vàng, những nụ hoa Magnolia mùa đông đang chờ ngày nở, những nụ hoa Fuchsia hồng thắm e ấp trong cơn mưa, làm đẹp cho khung cảnh ngôi vườn đang mang một vẻ cũ kỹ thế nào, đã lâu tôi mới có dịp vén lại bức màn nhìn ra ngoài cửa sổ trong cái tĩnh lặng của buổi sáng với cơn mưa.  Tôi đã xuôi ngược trong nhiều tuần qua, bởi những trói buộc của đời sống. Định hôm nay sẽ lang thang xuống phố trước khi chuẩn bị cho một ngày lễ Tạ Ơn, nhưng cơn mưa giữ tôi lại trong căn phòng.  Cơn mưa đến sớm, đã đến từ tháng Mười và những cơn gió lạnh báo trước một mùa Đông rất ướt át và lạnh lẽo (?). 
Có được một buổi sáng không phải làm gì, chỉ nghe mưa với ly nước trà nóng và tiếng nhạc, rất bình yên. Làm sao tôi có thể than vãn điều gì lúc này phải không ?



Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Bùi văn Nam Sơn

Cuộc đời vui quá không buồn được

(Tựa đề tạm đặt theo cuốn sách của anh Trần Nhã Thụy và than vãn vì những gì thích thú nhất không phải lúc nào cũng được public ra...)


* Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Duy Xuyên - Quảng Nam. Ông học triết ở SG rồi tiếp tục học từng học ở Đại học J. W. Goethe, Frankfurt/M, CHLB Đức, đã từng giảng dạy triết học ở Đức và hiện sống tại VN.

Các tác phẩm gần đây của Bùi Văn Nam Sơn (dịch – chú giải):

- 2 cuốn sách của G.W.F.Hegel: Bách khoa thư các khoa học triết học 1 và Các nguyên lý của triết học pháp quyền.

- 3 cuốn sách của Immanuel Kant: Phê phán lý tính thực hành, Phê phán năng lực phán đoán và Phê phán lý tính thuần túy (Giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế - 2006 của Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh)

* *
Chỉ với 5 năm gần đây, bằng nhiều bản dịch - giới thiệu - chú giải, Bùi Văn Nam Sơn đã mang hai tượng đài triết học của thế giới là Kant và Hegel đến gần với người Việt hơn bao giờ hết. Nhưng TTCT trò chuyện với dịch giả triết học Bùi Văn Nam Sơn lần này còn ở một góc độ khác, góc độ một người thầy bởi có lẽ ít người biết ông vẫn đang dành thời gian cho những người học trò say mê triết mà ông gọi họ là thân hữu.

Tự do không đồng nghĩa với mất trật tự và vô kỷ luật!

* Những người may mắn được là học trò của thầy có nói rằng, ngạc nhiên nhất là thầy có khả năng chia sẻ những triết lý cao siêu nhất của triết học một cách giản dị để học trò của thầy dễ nhập tâm? Đó là khả năng sư phạm của thầy hay thầy đã “ngộ” được triết đến độ có thể nói ra một cách đơn giản?

- Triết học nghe thì mơ hồ vậy thôi nhưng thực ra nó là khoa học nên nó có tính chính xác, hệ thống và chặt chẽ. Khi mình tiếp cận một vấn đề hay một câu hỏi triết học thì mình phải hiểu nó như một vấn đề khoa học với đầy đủ các đặc tính của nó. Tất nhiên là khi giảng triết thì tôi cũng tùy cơ ứng biến để làm sao cho người học có thể hiểu theo trình độ của họ. Nhưng nhớ là triết không phải là nghệ thuật hay kỹ thuật – nó có những đặc thù riêng, trừu tượng hơn, luôn luôn là giả định chứ chưa kết luận gì cả. Nó cũng không có những công thức như khoa học. Và tính chính xác bất biến nội tại của nó khiến cho ai muốn nghiên cứu triết học cũng nên có một đầu óc tỉnh táo, sáng sủa. Tuy vậy, tự do tư tưởng và sáng tạo là đương nhiên nhưng cũng cần có kỷ luật, trật tự.

* Khi thầy giảng dạy, có cách nào nhanh nhất để thầy biết trong đám học trò kia, có người đang say mê với môn triết và không thiếu những kẻ chỉ đang cố gắng để say mê?

- Tất nhiên là biết ngay chứ. Thực ra tôi coi họ như những thân hữu anh em đến trao đổi với nhau một cách tự do, đầu vào đầu ra thoải mái. Và đó chính là điều khó khăn nhất bởi tôi sẽ phải cố gắng làm sao cho những vấn đề được đặt ra, được đem ra bàn thảo nó thích hợp với tất cả trong một trình độ như nhau.

* Nhưng cũng phải thừa nhận rằng cả trăm người mê triết đi nữa thì cũng có con số rất ít những người có thể trở thành một triết gia. Thêm nữa, kinh thánh có câu: sự cùng quẫn cuối cùng của con người là cơ hội của Chúa. Trong số những người tìm đến triết học bên thầy, chắc hẳn không hiếm những người đang tìm một chìa khóa giải quyết cho sự bế tắc mà họ gặp phải trong cuộc sống?

- Cũng đúng. Triết học có hai ba phương diện. Có phương diện thuộc về kiến thức cơ bản phổ quát cho tất cả mọi người. Ai cũng cần biết, ai cũng cần hiểu. Bởi vì triết học làm việc với những khái niệm phổ biến không phụ thuộc vào lãnh vực cụ thể nào cả, và càng học triết thì anh càng có công cụ tư duy để ứng phó với mọi chuyện trên đời này. Hàng ngày mình mở miệng nói ra rất nhiều khái niệm triết học một cách rất vô tình mà không biết đó là những thành tựu của triết học. Triết học giúp cho anh công cụ để suy nghĩ và để làm việc. Nếu mình mơ hồ thì uổng thôi. Triết học cũng có tính chất cân bằng khi cho người ta thấy mặt này trong cuộc sống cũng có thể thấy mặt kia, có thể suy nghĩ rộng hơn kích thước bình thường. Đó chính là nhu cầu tìm một sự cân đối, yên bình, một hướng khai phóng cho nội tâm. Nhưng điều này cũng có thể kiếm tìm ở tôn giáo hoặc văn chương. Phương diện thứ ba mới là phương diện chuyên môn, dành cho những người chuyên sâu nghiên cứu. Đó là triết học theo nghĩa đen, theo nghĩa hẹp. Đó là khoa học. Chọn phương diện nào là tùy ở sở nguyện và năng lực của mỗi người.

* Có một lần thầy đã nói rằng muốn suốt đời làm người học trò như vế đầu câu nói “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” của Khổng Tử. Nếu như thế thì lấy ai truyền thụ triết học đây khi không ít người đã nói rằng VN đang thiếu một nền tảng triết học báo động đến mức muốn tạo dựng nó thì có khi phải cần đến 10 ông Bùi Văn Nam Sơn?

- Học nhi bất yếm cũng chỉ là một cách nói. Nhưng phải hiểu là trước khi mình muốn tự hào với sự trưởng thành thì một quốc gia hay một cá nhân cũng cần có khoảng thời gian tích lũy. Tôi thấy mình còn phải học nhưng không phải nghĩa là suốt đời sẽ chịu kiếp đi sau. Mà mình rõ ràng mình lạc hậu, tụt hậu rất xa về mọi lãnh vực. Nhưng muốn vươn kịp ngang trình độ người ta thì phải hiểu người ta đã. Khi đã nắm vững rồi thì mình sẽ đối thoại bình đẳng với họ. Chứ đừng vì sự tự ái muốn đi nhanh, đi tắt đón đầu mà bất chấp những quy luật rất khắc nghiệt của khoa học. Chữ học đó không có nghĩa mãi mãi mình chịu trong vai trò học trò, cũng không nghĩa thụ động tiếp thu mà vẫn có thể đối thoại. Căn bản là mình vẫn thiếu nền tảng của nhiều ngành, nhiều lãnh vực trừ một số cá nhân đặc biệt suất sắc. Như Ngô Bảo Châu là một trường hợp đặc biệt.

* Theo thầy, triết học nên đưa vào giáo dục từ lớp mấy để học sinh có thể yêu được đã, trước khi biết say mê? Rõ ràng có rất nhiều em đã bộc lộ thiên hướng say mê toán hoặc văn từ khi còn rất nhỏ, nhưng triết học thì sao? Những tranh luận gần đây cho thấy, dường như việc môn học đạo đức bị coi nhẹ chính là một nguyên nhân cho tình trạng đạo đức xuống cấp của học sinh, sinh viên?

- Cũng dễ hiểu thôi. Chúng ta có quá nhiều định kiến, những định kiến nguy hiểm và ám ảnh cả xã hội. Ví dụ chúng ta luôn cho rằng thế hệ trẻ hay sinh viên bây giờ xuống cấp về mặt đạo đức. Điều đó có số ít là thật nhưng toàn cảnh mà nói còn quá nhiều các em sinh viên học sinh khác rất ngoan mà. Tôi không thấy bi quan khi gặp họ. Họ có quá nhiều thông tin, cũng biết cách chủ động mạnh dạn bày tỏ ý kiến, biết chọn lựa sống thế nào. Đạo đức không phải là một môn học dù cũng cần giáo dục điều đó nhưng nó đòi hỏi cả một sự chuẩn bị cho không khí đạo đức, một bầu không khí tạo cho người ta cảm hứng quan trọng hơn là người ta muốn biết cái gì. Đứa trẻ bản thân đã rất tội nghiệp vì sau này nó sẽ bước vào cuộc đời rất khó khăn, bao thử thách đang chờ đợi thì vì lẽ gì một khoảng thời gian ngắn khi còn đi học không cho nó được một không khí dễ chịu, trong lành?

Có gì trong đầu chưa mà đòi phản biện?

* Ở VN, đạo làm trò để ứng xử với thầy một các lễ phép, kính trọng rất được đề cao. Nhưng chính điều đó phải chăng cũng là cản trở để học trò thiếu đi thói quen phản biện? Họ không dám tranh biện với thầy một cách tương đối ngang hàng mà thường thụ động vì bất cứ sự tranh biện nào cũng có thể bị gán rằng trò đang “cãi” thầy?

- Đây là vấn đề rất lớn và tế nhị liên quan đến tâm lý và kỹ năng sư phạm. Bản thân việc đặt ra câu hỏi này đã cho thấy một cái nhìn định kiến rằng đương nhiên học sinh phải chủ động, phải phản biện. Nước nào cũng vậy thôi, việc đầu tiên phải hiểu rằng anh có gì trong đầu không mà đòi phản biện? Bao giờ cũng phải có một kỷ luật nhất định nào đó. Cái quan trọng nhất là tự thân cả một nền giáo dục có khuyến khích, khêu gợi được tinh thần tự do tìm tòi, đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau và biết không cố chấp. Chính môi trường đó mới làm cho học trò có tinh thần đối thoại rồi thậm chí là phản biện. Còn trong một xã hội chưa nghiêm ngắn thì việc đòi đưa vào tinh thần phản biện nhiều khi chỉ gây ra một sự mất trật tự và vô kỷ luật. Riêng đại học thì khác, bản thân giáo dục đòi hỏi anh phải phản biện, nếu không thì coi như anh đã thất bại.

* Nhưng việc thầy có một chiếc micro để nói khi giảng bài và học trò cắm cúi ghi chép cũng là một rào cản vô hình tước đi của sinh viên quyền được nói, được phản biện rồi, đúng không ạ?

- Hoàn toàn đúng. Phải thực tế là đây là cả một quá trình cải cách giáo dục mà thế giới đã tìm đủ cách để làm nhằm đào tạo được nhiều hơn những chuyên gia, nhiều hơn những nhà trí thức. Có một thời kỳ ngay cả phương Tây cũng vậy thôi, thầy đọc trò chép. Bởi người ta quan niệm rằng giải đường đại học là nơi các anh tiếp thu kiến thức của những bậc thầy truyền đạt. Một hình thức cổ điển có tên là: giảng bài, giảng giáo trình. Cái uy của ông thầy lớn lắm và sinh viên thấy mình xa với thầy quá vì trình độ của mình quá kém so với thầy. Thế nên tự động sinh viên không dám nói gì cả vì hiểu thầy thôi cũng đủ chết rồi!

Nhưng khi bình diện thông tin mở rộng thì bản thân người học cũng khá lên, họ thấy những điều thầy giảng họ không cần phải nghe vì họ có thể đọc sách hoặc tìm trên internet. Họ sẽ ngãng ra! Điều đó đã xảy ra ở phương Tây vào giữ thế kỷ 20 trở lại đây. Và bây giờ chỉ có những đại giáo sư nào tự tin rằng mình giảng sinh viên sẽ lắng nghe bởi mình có những kiến thức mới, những công trình thực sự có giá trị, nơi đó là nơi mình trình bày những học thuyết, phát minh của mình thì mới có can đảm giảng bài giữa giảng đường. Và bài giảng đó thực sự có giá trị, sinh viên ùn ùn đi nghe không ai dám mở miệng.

Nhưng việc giảng bài ở phương Tây chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại là sự trao đổi kiểu seminar. Nơi mà sinh viên cần trao đổi với nhau cũng như hỏi ông thầy một số ý kiến hướng dẫn. Thầy và trò cùng làm việc chung. Thầy và trò cùng đọc cùng thảo luận cùng tìm tòi. Nghe thì hấp dẫn thế đấy nhưng muốn làm được thì phải có sách, có văn bản để thầy và trò cùng làm việc. Phải có đủ phòng thí nghiệp để thầy và trò cùng thí nghiệm. Còn không có gì hết thì thầy đọc trò chép là đúng rồi!

* Đấy có phải lý do mà thầy đã nhiều lần đau lòng thốt lên rằng môi trường tri thức cũng như giáo dục ở VN quá thiếu sách?

- Đúng hơn phải nói là không có sách! Sách nghiên cứu, sách giáo dục toàn bằng tiếng nước ngoài làm sao đòi sinh viên hiểu được? Nước ngoài cũng thế thôi, sinh viên Mỹ làm sao đọc được tiếng Pháp nếu cuốn sách đó không được dịch sang tiếng Anh? Làm sao làm seminar cho sinh viên được khi thiếu sách? Điều kiện vật chất rất quan trọng cho giáo dục. Hình thức seminar thành công ở phương Tây bởi họ đã có thời gian chuẩn bị sách rất kỹ. Học về tác giả nào cũng có sách để đọc, để nghiên cứu sâu hơn, cùng nhau đọc thì mới cùng nhau giải thích hoặc tranh cãi. Xu hướng chung của thế giới, mình không muốn bị lạc hậu thì phải chuẩn bị những cơ sở vật chất chứ không phải chỉ nguyện vọng thấy Tây 80% seminar trong giáo dục ta cũng bắt chước y như thế.

* Thầy có nói là ở phương Tây học sinh lớp 6 đã được hướng dẫn để biết cách học từ sách. Vậy nguyên do gì ở VN không có thói quen đó? Chúng ta cứ đổ lỗi cho các phương tiện giải trí khác lôi kéo các em ra khỏi sự say mê học tập. Nhưng ở phương Tây, việc giải trí sẽ phong phú hơn chứ?

- Đúng thế. Và học sinh VN bị nhồi nhét quá nhiều. Số lượng bài tập quá nhiều để các em giải quyết được hết cũng đủ chết. Nếu các môn học ít lại, thời gian kết thúc các bài học ở ngay trong lớp thì các thầy mới có thể tập cho các em thói quen đọc sách. Điều này giúp cho các em có thói quen chủ động dù ngây ngô khi đọc rồi trình bày lại cho các bạn cùng nghe. Khi đó các em từ bé đã có thói quen có những kỹ năng chủ động trong việc học. Mà kỳ cùng cũng là phải có sách mà thôi. Vào một trường tiểu học hay trung học đi nữa, thì cái đầu tiên phải được nhìn thấy là sách, là thư viện của trường. Đầu tư một lần như vậy đáng vô cùng mà không quá tầm tay, chỉ là sự đổi phương pháp sư phạm mà thôi và có thể cải thiện được nhiều lắm. Một sai lầm trong giáo dục có thể mất nhiều vô cùng mà không thấy, không như vụ Vinashin mất bao nhiêu tiền là thấy ngay… Thế nên học hỏi kinh nghiệm giáo dục từ các nước gần ta như Hàn Quốc hay Singapore sẽ tiết kiệm được nhiều lắm.

* Nhưng quan điểm này có mâu thuẫn với điều mà thầy hay nói là học triết thì nên đến thẳng với Phật chứ không nên thông qua các nhà sư?

- Không, hai chuyện này khác nhau. Chúng ta đang không nói chuyện riêng về ngành triết, ta đang nói rộng ra về ngành giáo dục. Giáo dục bao giờ cũng cần những người hướng đạo. Còn trong các lãnh vực ở trình độ cao rồi thì đôi khi người ta có thể “vô sư” mà tự mình mày mò.

* Kant nói “hãy dám biết”. Có phải chăng đó cũng là tinh thần của người học triết, thưa thầy?

- Kant nói câu này không chỉ đơn thuần là sự dũng cảm, liều lĩnh làm bừa. Đây là sự khơi gợi sự tò mò, xây dựng năng lực tưởng tượng, khao khát và mơ mộng. Đó chính là “dám”. Khi đó anh mới có sự mạnh dạn của sáng tạo để đưa ra giả định.

* Thầy đã từng so sánh hài hước rằng người mê triết đôi khi cũng giống nàng kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu khi thấy “lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn”, nhưng khác là nàng kỹ nữ thì mong “đừng bắt em phải gặp lòng em”, còn triết gia thì lại mong gặp lòng mình để suy ngẫm. Câu hỏi ở đây là các triết gia thì nghĩ gì về văn học?

- Triết học và văn học bà con với nhau ghê lắm, và là hai đỉnh núi cao ngang nhau, hội tụ ở rất cao và cùng một gốc rễ nhưng ở giữa thì phân ra vì hai bên làm việc với hai phương tiện khác nhau. Triết học suy nghĩ bằng khái niệm phổ quát, văn chương suy nghĩ bằng cá biệt, cụ thể, đơn nhất. Nhưng cả hai cùng xuất phát từ nhân sinh và hội tụ ở điểm cùng muốn mang lại sự hoan lạc cho con người.

Và những kẻ nhân danh số đông để giết người

* Hình như rất nhiều người nghiên cứu triết học VN coi triết gia Trần Đức Thảo là một bậc thầy phải không ạ? Nếu nói về Trần Đức Thảo, thầy sẽ có những nhận xét như thế nào?

- Đó là một trong những người Việt hiếm hoi được học hành đến nơi đến chốn về triết học và cho thấy người Việt mình cũng có thể tiếp cận rất gần với triết học thế giới. Đi cụ thể vào tư tưởng, thành tựu của Trần Đức Thảo thì khác. Có lẽ do bối cảnh đặc thù, không có điều kiện tiếp thu với bên ngoài cộng hưởng nhiều yếu tố dị biệt của thời cuộc đã khiến cho Trần Đức Thảo không còn thấy những chân trời của cụ. Cụ không còn mở cửa đối thoại mà tự giao cho mình trách nhiệm phòng vệ: bảo vệ cái có sẵn, cái gì xa lạ là bác bỏ thay vì tiếp thu cái mới để có thể phê phán hay không đồng ý nhưng sẽ phát triển. Mà điều này không đúng với tinh thần của một triết gia. Triết gia là phải tranh luận để tiếp tục, để mở thêm những chân trời chứ không phải để khép lại các chân trời. Không ai dám phủ nhận chất lượng triết học của bản thân Trần Đức Thảo, nhưng đáng tiếc, có thể nói Trần Đức Thảo là tù nhân của bản thân.

* Để lý giải bằng triết học cho trường hợp án tử hình của Nguyễn Đức Nghĩa, thầy đã nói nếu xử tử hình anh ta chính là đã cho anh ta cơ hội được là một con người? Và sau đó là những tiếng vỗ tay trong phòng xử án khi tòa tuyên anh ta bị tử hình?

- Đây là quan niệm khác nhau về sự trừng phạt. Trong lịch sử có nhiều cách hiểu: sự trừng phạt có thể là sự trả thù, những dân tộc ít văn minh sẽ trả thù, truy sát rất dai dẳng, có thể đến vài ba đời. Vì thế mới đẻ ra luật pháp với đại diện là quan tòa- người không liên quan đến mối thù – sẽ dùng luật pháp phán xử để ngăn chặn sự trả thù. Lúc này, sự trả thù được mặc định là sự phạm tội.

Luật pháp cũng không nhắm đến việc răn đe. Giết một con mèo không phải để đe dọa những con chuột. Hiểu luật pháp để răn đe chính là một cách hạ nhục con người, xem con người như ác thú. Quan niệm tiến bộ hơn, hình phạt là sự công bằng và tạo điều kiện để thừa nhận anh là con người. Hình phạt đó hợp lý vì anh gây ra thì anh nhận lấy để phần nào bù đắp.

Nhưng tùy cái nhìn thôi, thế giới cũng đang giảm dần án tử hình bởi luật pháp dù có đại diện cho ý chí của số đông đi nữa thì cũng không biện minh được tại sao mình có quyền lấy đi mạng sống của người khác. Việc những người trong khán phòng xử Nguyễn Đức Nghĩa vỗ tay khi tòa tuyên án tử hình anh ta chính là một cách biểu lộ sự trả thù, sự hả giận. Nguyễn Đức Nghĩa nhân danh cá nhân để giết người còn những người kia nhân danh số đông để giết người. Đều là cách nghĩ không văn minh, không có cơ sở đạo lý gì cả.

* Đạo Khổng có nhấn mạnh rằng trong một xã hội, nếu nhẹ lễ thì sẽ nặng hình. Lễ nghi không được coi trọng thì mới cần đến hình phạt, luật lệ?

- Đó là cách suy nghĩ lý tưởng khi nghĩ đến lúc nào các hình phạt sẽ không còn cần thiết nữa. Thực tế thì không như vậy. Có điều cũng nên đi theo xu hướng của thế giới, tránh các hình phạt mang quá nhiều dấu vết của quá khứ, và theo tôi nên bỏ án tử hình trong mọi trường hợp.

* Thầy có nói về một vài cách “xử thế tiếp vật” đầy hiền minh của những bậc tiên hiền như Aristotle đành lòng rời Athens vì không muốn quê hương mình “phạm tội ác lần thứ hai” đối với triết học (lần thứ nhất là giết hại Socrate). Vậy thì tại sao thầy lại trở về khi mà VN còn quá thiếu những nền tảng và điều kiện để “nuôi sống” được triết?

- (Cười) Mọi cái bây giờ cũng đã khác nhiều chứ. Thành thực mà nói rằng tôi gắn bó với quê hương và tôi thấy đóng góp của tôi trong nước hiệu quả hơn ở nước ngoài. Như nhiều người bạn Hàn Quốc của tôi họ cũng trở về nước hết để đóng góp cho sự thay đổi hiệu quả của xã hội nước họ. Bây giờ có lẽ đang cần dù có thể 50 năm nữa không cần. Sự chọn lựa về sống ở quê nhà của tôi hoàn toàn là vì lý do tình cảm.

* Trân trọng cảm ơn thầy.

Cát Khuê (thực hiện)

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Ý kiến thiểu số?

Mới đọc đoạn văn đây trong Blog nhân quyền xong copy lại để tính hôm nào sẽ "bình loạn" về cái chuyện mà lâu nay cứ nghe trên mạng là "ở xứ dân chủ thiểu số phải phục tùng đa số", nghe thì nghe thế, tôi thấy cứ trái khoáy thế nào ý. Lẽ ra tôi không bình loạn chuyện xã hội chính trị trong cái blog này nhưng mà hôm nay phá lệ một chút.

Bởi vì tôi thấy xứ tôi ở, lúc nào cũng ngược lại, đa số, thiểu số gì cũng đều lên tiếng rồi bầu bán, rồi thông báo công khai cho thiểu số biết mình bị thua thì vác chiếu ra toà, kiện đa số cho bằng được, kiện làm sao để cho ý kiến của đa số bị toà ngưng lại không cho thực thi, chờ đến khi toà xử xong rồi mới tính, có khi lúc đó thì lại thêm một cuộc bầu bán nữa. Cứ thế mà nhì nhằng mãi chả đâu vào đâu cả, lắm lúc là dân cũng thấy bực mình lắm cơ, vì phe nhóm thiểu số nhất định không chịu nghe theo đa số viện vào đủ lý lẽ, mà mình nghe mãi thì thấy bên nào cũng có lý cả, nhưng đó là dân chủ, và dân chủ là "ý kiến của thiểu số phải được lắng nghe và tôn trọng" để lần sau có làm ra nghị quyết, dự án nào thì ý kiến của thiểu số sẽ được mang lên bàn hội nghị để thảo luận tránh cho một cuộc tranh biện, ra toà làm tốn tiền của dân là vì thế. Nhưng nghĩ thì nghĩ thế nhưng tôi nào có dám lên tiếng "vì cũng tại bị thì là" tự cho mình dốt, dựa cột mà nghe, mãi hôm nay có ông tiến sĩ Nguyễn Quang A viết y chang ý nghĩ của mình nên tôi copy lại đây.

"Không ai, hay không cơ quan nào, không mắc sai lầm cả.
"Cái khác nhau là ở chỗ có người, có cơ quan biết lắng nghe để sửa chữa, hay tranh luận lại một cách xây dựng với những người phê phán mình để cả hai cùng hiểu đúng hơn, cùng làm tốt hơn công việc của mình.
"Đấy là cách tạo “đồng thuận” tốt nhất, nếu cần đến đồng thuận; và cũng là một nội dung cốt yếu của dân chủ: tranh luận công khai, tôn trọng ý kiến thiểu số."

Copy xong thì lại đọc được blog sau của Trương Duy Nhất, thì ra cũng có người ấm ách như tôi chứ có phải mình tôi đâu, hi hi. Thế là ít nhất cũng có hai "thiểu số". Còn chuyện hỏi tôi ấm ách chuyện gì, thì nhiều thứ lắm, làm sao mà list hết ra đây được, list ra hết không chừng tôi lại được đội thêm cái mũ "bà già lắm chuyện". Cứ coi như là xứ dân chủ làm gì có chuyện thiểu số phục tùng đa số, họ chỉ phục tùng luật lệ khi luật lệ được nghiêm minh và họ yên tâm phục tùng khi họ biết là tiếng nói của họ sẽ được bảo vệ. Tiếng nói của họ sẽ được để ý trong lần bầu bán sau, chẳng hạn. Hôm nay tiếng nói của họ là thiểu số nhưng biết đâu lại là tiếng nói hợp lý dùm cho một nhóm rất đông thầm lặng khác sẽ trở thành đa số ngày mai. Thế mới là dân chủ, đúng không? Và những người làm chính trị mà không hiểu điều này thì thất bại là đúng thôi phải không nào?

hi hi, viết xong, sao tưởng chừng nghe ai đang mắng tôi "ngồi đó mà xạo sự đi". Thiệt khổ !!!

Trần Như Vĩnh Lạc - Đòan Thế Ngữ

Tình cờ theo đường link đến một blogger trích đọan bài viết của tôi về Trần Như Vĩnh Lạc- Đòan Thế Ngữ có link nhiều clip về ông, nên ghi lại giới thiệu đến người đọc, một dương cầm thủ, một MC nói không mệt mỏi về những vấn đề liên quan tới âm nhạc mà theo tác giả Trịnh Thanh Thủy đã viết trong bài "Nhỏ mà không học lớn làm MC" như sau

"Nhắc đến những MC trên sân khấu âm nhạc, chúng ta không thể không nhắc đến MC Vĩnh Lạc như một nhân vật gây nhiều ấn tượng và rất được giới trẻ yêu nhạc ái mộ. Ông là một dương cầm thủ (concert pianist) nên có kiến thức vững vàng về âm nhạc, lại có khoa ăn nói nên khi làm MC cho các chương trình hoà tấu hay trình diễn âm nhạc, ông khéo léo đưa các vấn đề liên hệ vào. Vĩnh Lạc có một trí nhớ tốt, chịu khó đọc cặn kẽ, lại thuộc Kiều nên hay mang những nghiên cứu về Kiều như những dẫn chứng Đông Phương. Những kiến thức triết học về Kant, Nietzsche, Bach, Mozart… cũng được ông mang ra phân tích khi bàn đến một nhạc phẩm, khiến người nghe có cái cảm giác hoà hợp dung dị giữa hai nền văn hoá Đông Tây trong một bài hát Việt Nam. Mỗi MC có một tài năng, thế đứng riêng. Nghe Vĩnh Lạc nói lưu loát về một đề tài, khung cảnh, cách nói, sẽ thấy ông mượn phong cách, âm hưởng, cấu trúc của Tây phương, nghĩa là ông nói như một người Tây về một chuyện Tây, khiến khán giả có cảm tưởng Vĩnh Lạc thoát ra khỏi cái cung cách nghiêm nghị, tẻ nhạt mà một MC Việt thường có."

Nhắc tới bài viết trên của tác giả Trịnh Thanh Thuỷ, nhân tiện cũng xin kể là mấy tuần trước vô tình đọc được trên một blog khác đăng nguyên bài lấy từ trang báo ở VN nhưng lại đăng tên tắt của một người khác xong lại đóng mở ngoặc là theo "T.Th.Thủy" ý là bài viết này do một "nhà báo" nào đó viết lấy theo ý của tác giả Trịnh Thanh Thuỷ, nhưng lại không dám ghi tên tác giả chỉ viết tắt.  Ăn gian tới mức đó, mà có theo ý đâu, copy nguyên bài.  Và blogger post lại có lẽ vô tình hay không hiểu nên cứ thế ghi. Tuy nhiên mấy hôm sau có lẽ ai chỉ cho nên không thấy trên blog Văn Nghệ Sài Gòn nữa, nhưng tôi đóan tờ báo nào ở VN thì chắc vẫn sao y bản chính.  Chán!!!

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Thiên Hà

Sáng sớm bạn gọi mắng cho tơi tả "Con mua cho Galaxy thì để mà dùng đi, còn vác lên mạng viết linh tinh trêu ngươi cho "chúng" ghét, rồi ngồi bảo sao số tôi xui". hihi, phải gắng cãi chầy cãi cố, thì vui nên mình san sẻ niềm vui hạnh phúc với bạn bè chứ. Bạn lại "sỉ vả" "vui cái gì, chỉ trêu ngươi người ta, thôi nhé vào Galaxy mà ở đi nhé".

Thế đây, ai có bạn như tui không? Bạn gái với nhau trêu chọc thì chả nói làm gì, bạn nam mà nói vậy với mình thì phải là bạn thật lòng, thấy mình chướng thì vỗ vào vai cho uống mật đắng. Ai bảo không có tình bạn nam nữ chứ, tui tin là có đó, không có, sao sáng sớm bạn tôi chỉ đợi tôi dậy, mắng cho một phát mới chịu được. Vậy không gọi là bạn thì gọi là gì bây giờ.

Nhưng mà câu chúc cuối cùng vào Galaxy mà ở thì cũng đúng quá đi chứ, âu cũng là "định mệnh". Từ bé tới lớn hình như tôi luôn ở một xứ nào xa lắc xa lơ, 12 con giáp thì chả giống con nào, đi học thì thầy đặt đâu ngồi yên đó luôn, làm chuyện gì thì cũng không giống phe ta, cho nên bạn bảo tôi vào giải Thiên hà mà ở, thì chắc cũng không sai. Chả trách con tôi cũng khéo biết, nhà có ba người đàn ông thì cả ba dùng Ipad, còn tôi thì bị đẩy sang Galaxy. Cho nên bạn còn chua thêm "Này nhé, galaxy thì galaxy nhưng mà không phải "Ip..." thì chả có ở trong VIP club đâu, đừng có mà tưởng bở". Làm nhớ lại thủa nào, lần đầu tậu chiếc xe (cũ) đứng tên mình, tôi chạy vào khoe với bạn trong sở "chồng tôi nói mới mua cho tôi chiếc xe ... truck". Cả phòng (toàn đàn ông) cùng cười bò ra, bảo sao mà nó ngu dữ, mua xe truck là cho đàn ông, chồng mi đứng tên mi, cho mi trả tiền thế thôi, nhưng thực sự hắn mới là chủ, có ai là đàn bà mà lại thích chạy xe truck không? À há, cứ nhìn chủ quyền chiếc xe thì tưởng bở thật ấy chứ.

Hoá ra cả đời phụ nữ cứ bị mấy ông đàn ông bốc lên trời rồi xỏ mũi đi, xong họ lại viết bài là họ bị đàn bà lãnh đạo. Đấy bạn xem trường hợp của tui thì ai bị xỏ đây chứ. Nếu không nhờ bạn tui chỉ cho sáng mắt ra, thì tôi còn ở giải Thiên Hà (Galaxy) nào đó, chứ đâu đã rớt về trần gian.

Một số điều Kiều bào cần phòng tránh khi về thăm quê hương

Một số điều Kiều bào cần phòng tránh khi về thăm quê hương












Kể cả TT Mĩ cũng không cứu nổi bạn nếu như…. Ảnh AFP


Phạm Trung Bách

Thường trước chuyến du lịch tới Việt Nam của du khách nước ngoài, hay trước sự trở về quê hương của một bộ phận ”khúc ruột vạn dặm” thì thấy hay được khuyến cáo đối với vấn đề an toàn thực phẩm, cẩn thận khi tham gia giao thông, lưu ý nạn đeo bám, ăn xin móc túi v.v.

Thế nhưng, hiện nay các yếu tố rủi ro trên đã không còn là điều đáng quan ngại. Đơn giản, xã hội ngày một thay đổi, con người dù muốn hay không thì cũng văn minh, khôn dần ra theo qui luật tiến hóa và thực tế va chạm.

Nếu bạn thường xuyên về Việt Nam, về các thành phố lớn hòa chung hơi thở với đồng bào mình, chen lấn xê dịch trong dòng xe cộ chật cứng một thời gian thì bạn lại sẽ thấy lí thú. Bạn sẽ vui, yêu đời hơn khi phía trước, bên cạnh là những tấm lưng phụ nữ thon thả, cong cong đổ dài tròn trịa, phủ phục trên yên xe chờ đợi, điều mà ở phương Tây chẳng bao giờ có được. Khi bạn đi bộ sang đường, cốt yếu là đừng có hoảng loạn khi thấy xe máy, ô tô phầm phập lao đến phía bạn. Bạn mà vội chạy tránh chúng thì coi như …xong, rồi đời. Yên tâm, các lái xe ở Việt Nam rất điệu nghệ, họ tính toán, căn đường rất nhanh, rất chuẩn. Họ sẽ tự tránh bạn nếu bạn cứ giữ nguyên tốc độ di chuyển, sẽ chẳng có việc gì xảy ra. Nếu bạn sợ hãi dòng xe cộ, bạn chỉ còn cách đợi đến khuya, hoặc thuê xe ôm thì may mới sang được đường. Nếu bạn xuống đường mà nổi hứng lịch sự nhường đường, hoặc tá hỏa ré chạy thì xin nhắc lại: ”Có thể toi!”, bởi bạn làm rối loạn sự dự đoán của người điều khiển phương tiện.

Về chuyện ăn uống, thường nghe nói là người ta vẫn dùng đồ quá hạn, nhiễm độc,… lại thêm đồ uống giả khiến khách hàng, nhất là những người vừa mới từ phương xa về, đang thèm khát ẩm thực Việt, vội vồ vập đánh chén thì dễ bị ngộ độc. Nhưng nếu bạn ban đầu tiếp cận từ từ, thăm dò dạ dày mình dần dần thì cũng không đến nỗi phải sợ hãi lắm. Với dân số gần cả trăm triệu người, lâu lâu mới có vụ ngộ độc, dù là tập thể đi chăng nữa thì cũng chưa phải là điều quá hoang mang.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện và tỉnh táo thì cũng nên cẩn thận đề phòng, ăn cái gì và ăn ở đâu. Nên vào những nhà hàng đông khách, để đảm bảo đồ ăn ở đó ít có khả năng quá hạn. Trước khi ngồi vào bàn hãy giả vờ đi vệ sinh, để có cái nhìn tổng quát từ bên trong nhìn ra. Nếu thấy bên trong mất vệ sinh, bát đũa chất đống thiếu nước rửa, hoặc tận mắt thấy cảnh mấy chú chuột cống đang trâng tráo nhá phao câu gà luộc xếp lăn lóc bên trong như người viết bài này từng chứng kiến ở một quán hàng ở Mã Mây, phố cổ Hà Nội thì tốt nhất ”chuồn” khẩn cấp.

Bạn cũng không phải quá lo lắng về nạn móc túi, đeo bám ăn xin. Bạn cất tiền thật kĩ phía túi trong thì chẳng kẻ trộm nào móc được, chẳng ăn xin nào vòi được chút gì từ bạn. Đám du thủ du thực bạn sẽ dễ nhận biết để phòng tránh vì chúng hay len lỏi trong đám đông, mắt lấm lét dò xét. Đương nhiên không có nghĩa là bạn sao nhãng mất cảnh giác đặt lòng tin vào những kẻ ăn mặc sang trọng với nụ cười, cái bắt tay vồn vã chào mời, săn đón bạn qua những màn đón tiếp bởi các em chân dài, tiệc ăn nhậu hoành tráng. Bạn sẽ bị chúng móc hết nhẵn tiền khi bạn đang lâng lâng, cảm giác say sưa bay bổng. Không cẩn thận chính bạn lại sẽ tiếp tay cho chúng đi móc túi đồng bào nghèo khác.

Vẻ như hơi ”dạy cave vén váy” khi người viết mạo muội lướt qua một số chủ đề phía trên. Và vẫn còn hàng loạt vấn đề có thể viết ra đây, nhưng e ngại sẽ thừa khi bản thân Việt kiều, nhất là bà con Việt ” vỏ xanh, ruột đỏ” ở Đông Âu thời đại này cũng chả ngố và xênh xang như xưa. Thôi thì hi vọng một số điều dưới đây sẽ giúp ích phần nào cho những người lâu chưa về thăm Tổ quốc, hoặc giả dụ lơ đễnh quên.

Trước hết, khi ở Việt Nam bạn nên hết sức hạn chế đi lại ở các vùng nông thôn vào buổi tối. Nếu bạn có việc phải qua một làng quê nào đó, nhất là miền Trung vào ban đêm thì bạn chớ nên sử dụng xe máy. Ở các làng miền quê, do nạn mất trộm chó hoành hành nên người dân rất căm thù quân trộm chó. Bạn là người lạ nên dễ bị nhầm là cẩu tặc, đó là chưa tính đến khả năng thanh niên nghịch ngợm khát…trộm chợt la toáng lên :” Trộm chó bà con ơi!” .

Chẳng ai có thể cứu bạn khi đám đông hàng trăm người hung hãn đổ xô ra. Nhân vật chó sói trong phim ”Hãy đợi đấy” khi bị đám rợ da đỏ đưa lên dàn thiêu còn được chú thỏ cứu chứ ”cẩu tặc” thật sự hay nhầm lẫn trong cơn thịnh nộ, say máu của đồng bào mình thì chả… cẩu nào cứu nổi. May chăng có điều thần kì: xuất hiện đám công nhân Trung Quốc từ Nghi Sơn, Thanh Hóa múa gậy xua đuổi đám dã dân Việt chạy re, té đái thì màn xử đồng loại giống thời trung cổ kia mới có cơ hội dừng.

Nếu bạn xa Sài Gòn đã lâu, nay bạn về lại, chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của thành phố. Nếu bạn đeo đồ trang sức hớ hênh, cầm điện thoại, túi xách lỏng lẻo thì bạn có nguy cơ trở thành con mồi cho đám cướp giật. Đi dọc các đại lộ, hẻm phố ví dụ như dọc đường Phạm Ngũ Lão bạn chớ liếc ngang liếc dọc tò mò, dễ bị các ”hiệp sĩ đuờng phố”, những thanh niên không nằm trong biên chế nhà nước nhưng say mê bắt cướp để ý vì nghi bạn có âm mưu mờ ám. Nhẹ thì họ sẽ bám theo bạn, tạm xem bạn như đối tượng tội phạm cần để ý. Nặng, nếu như thấy bạn có những hình xăm, tướng bặm trợn, v.v. thì các chàng sẽ yêu cầu bạn…xuất trình giấy tờ.

Khi bạn bắt gặp trên đuờng phố các ”hiệp sĩ đường phố” đuổi cướp thì tránh nhanh cho xa. Với tốc độ chạy xe kinh hoàng, bạt mạng cả cướp lẫn ”hiệp sĩ” rất dễ gây ra tai nạn chết người cho dân thường vô tội. Tất nhiên, đôi khi cảnh sát đuổi theo thanh niên không đội mũ bảo hiểm cũng ầm ĩ, náo nhiệt như săn bắt cướp khiến trẻ em cũng xanh mặt, cụ già cũng đứng tim, và hậu quả thì cũng thảm khốc kinh hồn, táng đởm.

Vẫn có sự khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Nhiều nơi, chính quyền luôn khuyến cáo người dân không tự ý bắt tội phạm, nên tìm cách tránh xa nhất là đối tượng có vũ khí bởi tồn tại nguy cơ đe dọa đến tính mạng mình. Người dân chỉ nên thông báo, hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần thiết. Ở Đức, cảnh sát nhiều lần đuổi theo người Việt nghi chở thuốc lá lậu, thấy nghi phạm chạy xe bạt mạng cảnh sát đã không đuổi theo nữa. Họ lo ngại, kẻ lái xe manh động sẽ gây tai nạn cho anh ta cũng như dân thường vô tội khác. Còn ở Việt Nam, lấy dân làm gốc nên quần chúng luôn ý thức và vui vẻ đi tiên phong trong mọi lĩnh vực gian khó nhưng vinh quang.

Một điều cần hết sức lưu ý lại chính là điều lâu nay mọi người vẫn chủ quan nghĩ là bình thường, bởi nó xảy ra tràn lan mọi nơi, mọi chỗ, khắp các tầng lớp đó là chuyện mà nửa thế kỉ trước gọi là hủ hóa. Luật pháp Việt Nam vẫn luôn đề cao thuần phong mỹ tục, nghiêm cấm mọi hành vi quan hệ nam nữ bất chính. Ở đất nước ta không có hình phạt man rợ như ném đá đến chết giống ở một số quốc gia Hồi giáo cho tội quan hệ nam nữ phi truyền thống, nhưng hình ảnh riêng tư của bạn nơi phòng the cũng có thể bị công bố để dư luận có cơ hội ”ném đá” đến chết danh dự cá nhân bạn, nếu bạn không qua được ải mĩ nhân.

Gần đây, sự kiện Tiến sĩ họ Cù ban đầu theo truyền thông Việt Nam đưa tin bị tạm giữ hành chính cùng bà luật sư bán dâm tên Q. (vì nghèo?) với 2 chiếc bao cao su đã sử dụng là hồi chuông thức tỉnh và cảnh báo cho tất cả mọi người (trừ những nhà đạo đức người viết không dám đề cập ở đây). Đặc biệt, đối với Việt kiều về Việt Nam ”xả hơi” hóng gió mới thì ý thức phòng tránh bệnh tật lây lan qua đường quan hệ tình dục dù sao vẫn ở mức độ cao, và chính điều đó sẽ khiến bạn phải trả giá đắt khi ngây thơ tin vào lời quảng cáo giá trị của bao cao su OK.: ”To keep you save in the city!”.

Phạm Trung Bách

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

"Galaxy"

"Mẹ nói thiệt đi, mẹ muốn Ipad hay Galaxy tab". Ông con trai nhìn tôi với đôi mắt ngây thơ hỏi mẹ. Bảo con, mẹ đâu có muốn cái gì, có Iphone đủ rồi.

"Cho nó vui, con cứ mua". Hai ông con bàn nhau, chờ hễ có Galaxy là mua cho mẹ, tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại cần Galaxy, tuần trước chúng đã mua cho bố nó cái Ipad dù bố đã có ipod. Sợ mẹ buồn vì không có ipad nên tụi nó hứa là chờ loại mới ra nó sẽ mua, nhưng tôi cản vì không biết sẽ làm gì có thì giờ hết ở ngồi ở desktop, rồi lại ôm laptop (mà có phải 1 cái laptop đâu cơ chứ, đó là đã đem cho bớt), đầu giường thì cái Palm trio mấy năm trườc còn khoe mẹ có thể coi TV ở Palm nay đã trở thành cũ bây giờ dùng làm đồng hồ báo thức, bước lên xe thì iphone, thì giờ đâu nữa mà pad với chả không pad. Dặn con khi nào con không dùng của con thì con cho mẹ cũng được, nói thế cho nó an tâm.

Thế nhưng chiều thứ Bảy, khi tôi ngồi xếp quần áo, thấy ông con nói chuyện với ai trên phone rồi chạy vụt ra thông báo, mẹ ngồi đây con chạy đi lấy cái Galaxy cho mẹ, nghe cứ như là mua phi thuyền vào cung trăng vậy, nó mới ra con gọi tiệm bảo họ giữ cho con một cái. Thế là nó vù đi, trở về với cái máy bằng nửa ipad và cỡ gấp 3 lần iphone. Bận bịu set up cho mẹ rồi nói tha hồ mẹ đọc và xem phim nếu mẹ muốn vì có flash, ipad thì không có flash. Hỏi tôi đủ thứ email account để set up cho mẹ, lòng tôi thì lo lắng cứ thế thì lỡ cái vụ "hi-tech" này có ăn cắp hết các thông tin dữ kiện của mình không? Vì nó đâu có anti-virus giống như desktop hay laptop. Hỏi con thì nó bảo đừng lo vì đây là Android, hmm, tôi thì đúng là bà mẹ nhà quê, nhưng tôi không đủ tin tưởng Android như con tôi. Cằn nhằn nó mua làm gì cho tốn tiền, thì nó cứ bảo "cho mẹ vui", bảo con biết mẹ vui vì cái gì mà, nhìn mắt con ngập ngừng biết là nó biết nhưng nó không làm nổi nên nó mua "hối lộ" mẹ nó, gắn cho mẹ đủ thứ nào Skype, nào Tango dặn mẹ tha hồ gọi cho con, mẹ nhìn thấy con. Rồi nó biểu diễn cho tôi coi. Ôi thôi, tôi có nói với ai đâu mà cần phải tha hồ, ngày xưa có gắn ở desktop cái camera, tôi cũng chả bao giờ đụng tới để nó đóng bụi, đến nỗi bây giờ software nằm ở chỗ nào tôi cũng chẳng hay, gọi cho con thì gọi bằng phone có khi nó còn mải text chẳng lo trả lời thì lấy đâu ra mà thấy con với lại không thấy?

Nghĩ tôi đúng là bà mẹ nhà-quê-tân-thời hạnh phúc nhất có phải, con lo cho đủ thứ tiện nghi để sinh hoạt liên lạc với thế giới, con tôi sợ tôi ngồi một mình như những bà mẹ ngày xưa chiều chiều ngồi ở cửa trông con mà con bằn bặt nơi nào, rồi đâm ra buồn rầu, con bảo tôi "mẹ buồn thì làm con buồn, mà con buồn thì con không làm việc được". Cho nên tôi có dám bảo tôi buồn với con đâu. Mẹ nào lại muốn làm cho con buồn chứ.

Khổ một nỗi, ngoài công việc sở ra về nhà, việc nhà, tôi thì tôi đã như cái mền rách, chỉ muốn lăn ra ngủ nên đâu có thì giờ mà Skype với lại Tango với ai cơ chứ. Bà mẹ VN xưa, chiều chiều trông con không có thì "tám chuyện" với bà hàng xóm, thời nay thì hàng xóm tôi cũng chẳng có, mà tôi cũng không rành chuyện gì để .. buôn dưa lê cả. Cho nên chỉ biết là ngày mai giỏ xách tôi lại nặng thêm một chút vì có chứa cả một cái ... Galaxy, mà con dặn mẹ giữ cẩn thận nhé, kẻo bị mất đó. Trông nó cứ như cái iphone cho người gìa như tôi, tôi đùa với con từ nay ai thấy mẹ ôm cái Galaxy nói chuyện thì người ta sẽ nghĩ đó là loại iphone dành cho người già mắt mũi kém cỏi, đúng không?

Thế là thêm stress cho tôi, nào ví nào chià khoá, nào iphone nào Galaxy, còn gì nữa mà nó bảo cho mẹ vui hở trời. Vai bà mẹ ngày nay cứ nặng dần với những thứ hi-tech, ra vào giây dợ nối cùng mình cứ như sắp đi làm thám tử ở đâu trông rất buồn cười, sẽ phải mất thêm giờ ngủ để chia cho Galaxy, nhưng tôi vẫn phải vui vì con tôi bảo thế "cho mẹ vui". Cám ơn con.

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Ăn uống vùng Little Saigon, Nam Calif

Mỗi khi về Saigon Nhỏ, con hỏi, mẹ muốn ăn ở đâu là tôi bí, vì có phải người địa phương đâu mà biết ăn ở đâu, cho nên cứ bảo con vào chỗ nào cho dễ đậu xe, thế là nó cứ dắt tôi đi ăn Cali Restaurant 50% off, nơi có chỗ đậu xe rộng rãi.  Ăn hoài đâm ra cũng chả biết đi đâu, giờ đọc bài viết của cô Diễm, ghi vào đây để mai đây có bị hỏi thì tôi sẽ chỉ trúng phóc nơi nào tôi muốn đi ăn :-).
Note: this is for English speakers who can not read Vietnamese, Good places to eat in Little Saigon

Ăn uống vùng Little Saigon, Nam Calif

Bên trong mall Phước Lộc Thọ (PLT) là hàng ăn, quán uống ê hề, nhưng đó chỉ là những fast food cho qua cơn đói bụng, còn muốn ăn cho ra hồn thì mời các bạn hãy bước ra khỏi PLT.

Tính từ trước cửa PLT, đi về phía trái theo hướng Tây thì có chợ Bến Thành nổi tiếng cháo lòng, lòng heo, ăn tại chỗ hoặc đem về, khá ngon nhưng hơi dơ. Đi tiếp thì có Le Crossant Doré, nổi tiếng với món bánh mì bò kho và bánh trái cây. Cùng dãy còn có Nhà hàng Hà Nội, cái tên gọi cũng biết họ bán toàn đặc sản miền bắc như phở gà, bún chả HN, bánh tôm Cổ Ngư, nhưng dàn đầu bếp đã ra đi.

Băng qua khu chợ ABC (góc Bolsa+Magnolia) có: chợ ABC từ 11h trưa tới khoảng 3pm có bán cơm phần to go khá ngon, nếu chơi sang order luôn con tôm hùm xào đặc biệt lúc sale chỉ có $7.99/lb. Nước mía, hột vịt lộn thì có Long An. Vân Barkery sẵn sàng với đủ loại bánh kẹo mứt ăn chơi cũng như ăn thiệt. Bánh mì & Chè Cali thì ai mà không biết là rẻ & ngon. Phở 54 thì sale quanh năm suốt tháng: ăn phở được free tất cả thức uống, kể cả café sữa đá. Bước xuống mấy bước là 2,3 hàng trái cây đầy đủ hương vị miền nhiệt đới liền nhau, bên trong là tiệm mì tươi Thái Sơn, nổi tiếng là mì sợi không bao giờ nhão. Ai thèm mì vịt tiềm thì Mì La Cay có sẵn kế bên, cơm tấm Thuận Kiều có gỏi cuốn Nha Trang cũng khá nhưng không phải cơm tấm lúc nào cũng ngon. Bún Ban Mai có đủ loại bún nhiều người khen ngon nhưng vì có bún mắm, nên tiệm hơi bị nặng mùi.

Đi về hướng phải của PLT thì xuống khu Bolsa+Bushard có tỉm sấm to go Giai Phát, chỗ này cuối tuần có mì hoành thánh cũng nhiều người thích, chả cá tươi hay bò viên ngon nhất Bolsa là chỗ này. Cơm gà Hải Nam đáng để thưởng thức. Thích ăn chả cá Hà Nội, bánh tôm Cổ Ngư, phở gà thì bước qua Huỳnh restaurant (đầu bếp chính của nhà hàng Hà Nội nổi tiếng ra mở tiệm riêng). Thèm ăn cháo lòng hoặc muốn mua thịt heo tươi mổ mỗi ngày thì vô Chợ Tam Biên. Nơi đây cũng có 1 tiệm trái cây, kế Wells Fargo. Thích bún vịt xáo măng thì ghé vô Hoàng Yến. Cơm đĩa hay mì nước, mì xào các loại (SG không thấy hứng thú mấy, nhưng sau 11g tối thì bà con xếp hàng dài dài) thì bước qua Lục Đỉnh Ký 2. Đi bộ xuống cuối dãy là Corner View Bakery ngoài bánh trái, sau 6pm còn có cơm bò lúc lắc, bún bò huế Mụ Béo. Trong khu này cũng có boba & yogurt cho mấy thằng nhỏ ngồi nghỉ chân chơi games.

Chán đây rồi thì đi tiếp về hướng Bolsa+Brookhurst, trong góc này có: bánh cuốn Tây Hồ, với các loại bún cũng khá, bánh cuốn Tân Hồng Mai có luôn cơm bò lúc lắc & mắm và rau, 2 món này SG làm ngon nhất nên đừng hỏi ở đây ăn được không. Thành có cơm tấm & đủ loại bún, Vỹ Dạ chuyên môn các món ăn Huế, đặc biệt Bún Bò Huế & cơm gà VD.

U-turn vòng lại qua phía bắc đường Bolsa thì đụng khu Catinat Plaza: Có bánh cuốn Hồng Mai. Royal Banquet mới xây với khung cảnh thật đẹp & có nhiều món ăn Tây cũng khá, cuối tuần còn có đàn piano phụ diễn free.

Thèm ăn chè thì qua khu T&K kế bên, có Hiển Khánh nổi tiếng về chè & các món ăn chơi, khó tiệm nào qua mặt nổi. Chưa no thì tạt qua Hỷ (trước mặt) làm tô bún bò Huế, mì Quảng & các loại bánh của xứ Huế, đều ngon nhưng hơi $$$. Trong khu này còn có vua khô bò Đại Vương, hủ tiếu mì, cơm chỉ, …

Bước tiếp tới là Bolsa Mini Mall, khu thương mại lâu đời nhất của Little SàiGòn, có cơm tấm Trần Quý Cáp cũng tàm tạm. Bún Bò Heo Gia Hội thì có người thích, kẻ không ưa.

Tiếp nối có Thiên Ân, tiếp đãi bạn bè còn gì bằng bò 7 món cùng cá nướng da dòn. Tasty Garden là nhà hàng Tầu mới nhất khu Bolsa, nấu theo taste Đài Loan nên ăn khá lạ miệng & ngon. Quẹo vô ngõ hẻm là nhà hàng Song Long lâu đời, nổi tiếng với những món Tây, bún suông, hủ tíu gà cá và chả cá Thăng Long.

Băng qua đường Moran có Zen chuyên bán cơm chay, cũng khá và ít bột ngọt hơn là Tịnh Tâm Chay trong khu bên hông PLT. Kế bên là tiệm gà vịt Liên Hòa lâu đời với món vịt quay ít khi ế, Khang Lạc sát bên sáng nào cũng thấy bà con ngồi đầy tiệm húp cháo rồn rột.

Về tới khu chợ Á Đông (đối diện PLT) có Lee Sandwiches đủ loại bánh mì ngon ai cũng biết. Phở Quang Trung ngay đầu ngõ, hầu hết phở, cơm, bún ở đây đều trên trung bình & có món chè đậu đen tráng miệng khá ngon. Trên lầu phở QT là nhà hàng Tàu Sea Food Cove #2, dim sum hay dinner cũng khá.

Đó là những nơi ăn uống tiêu biểu ngay giữa trung tâm Bolsa. Ngoài vùng Bolsa chu vi khoảng 3 miles thì còn những nhà hàng từ trung bình trở lên & có thể tạm chia ra như sau:

PHỞ BÒ: Phở 86, Nguyễn Huệ, 54, 79, Tàu Bay Lý Thái Tổ, Kimmy.

PHỞ GÀ: Nguyễn Huệ, Quang Trung, Bolsa.

BÁNH CUỐN: Lý thái Tổ, Tây Hồ, Hồng Mai.

CƠM TẤM: Thành, Trần Quý Cáp (Harbor), Thuận Kiều.

HUẾ: Hỷ, Hợp, Vỹ Dạ, Hương Vỹ, Hương Giang, Huế Rendez Vous, Ngự Bình

BÚN: Huỳnh, Hồng Mai, Ban Mai, Brodard, Vân.

HỦ TÍU: Thanh Xuân, Phương, Triều Châu.

MÌ: Mì La Cay, Mỹ Vị Mì Gia, Á Đông, Lục Đỉnh Ký, Phát Ký Mì Gia.

TÂY: Song Long, Favori, Brodard Château, Royal, Uyên Thy, Tài Bửu.

TẦU: Tasty Garden, Seafood Paradise, Furiwa, China Feast, Tân Cảng, Royal Capital, Kim Sư.

THÁI: Jasmine, PhuKet.

BÒ 7 MÓN: Thiên Ân, Hồng Ân, Ánh Hồng, Pagolac.

CÁ NƯỚNG: Hồng Ân, Làng Ngon, Favori.

FOOD TO GO: Hương Hương, Bánh Mì số 1, chợ ABC.

CHÁO: Tân Hoàng Hương, Chợ Tam Biên, Cháo cá Chợ Cũ, Khang Lạc.

BÚN VỊT: Hồng Mai, Hoàng Yến.

CƠM GIA ĐÌNH: Phở Nguyễn Huệ, Hà Nội Phố, Huỳnh, Miranda, Vân.

Các bạn nào thấy thiếu sót thì xin bổ túc thêm cho đầy đủ. Chúc các bạn có kỳ nghỉ hè tại Little Saigon thật nhiều niềm vui và đáng nhớ.

Nếu cần địa chỉ hoặc chỉ dẫn chi tiết của những nơi trên thì cứ tự nhiên pm cho SG.

***

Bây giờ quay qua các món ăn nhé.

Miền Trung thì có quán Vỹ Dạ ngay Bolsa góc Brookhurst.

Quán này chuyên về các món Huế, giá cả phải chăng, tiệm mới remodeled lại, nhìn sạch sẽ, gọn gàng.

Nhân viên nhanh nhẹn, bà chủ vui vẻ và quan trọng là thức ăn vừa miệng.

Có 1 món Diễm thích là cơm gà Vỹ dạ, giá khoảng 6 đồng, hột cơm mềm mại rất thơm và thấm tháp, gà xé ra từng miếng trộn với chanh muối tiêu hành tây và rau răm, thịt gà dai, thấm tháp ăn chung với mắm gừng.

Bánh bèo chén, bèo dĩa, bánh nậm, lọc, chả tôm, chả Huế ăn ngon, nước mắm ngọt rất ngon. Có 2 món Diễm không thích là bún bò và mít non trộn lá lốt xúc bánh tráng (không vừa ý).

Trong khu này cũng có 1 quán cơm tấm 9 món, ăn ok chứ không xuất sắc gì mấy.

Đi bộ thêm tí tẹo nữa là quán Hồng Mai, đổi chủ mới, 2 vợ chồng làm chủ, chồng nấu dưới bếp, vợ take care trên quán, người Bắc, rất vui vẻ niềm nở.

Diễm chịu quán này vì có vài món rất vừa miệng.

Đặt biệt nhất món steak rất ngon, miếng steak thấm tháp và juicy, ăn chung với fries và dĩa rau trộn dấm, rất ngon.

Kế đến là món cơm bò lúc lắc, gỏi cuốn, bún chả Hà Nội ngon số dách nhé, miếng chả ngon thơm và mềm mại, mấy quán khác ăn dở ẹc hà. Món cá hấp hành gừng cuốn bánh tráng cũng ok lắm, riêng Diễm không hảo món này, ghét cá hấp lắm nhưng mỗi lần vào đây thấy bàn nào cũng có 1 con cá hấp cuốn rau sống (chắc ngon lắm đây).

Bây giờ chạy qua Quán Hỷ nhé.

Quán này chuyên trị món Huế, phong cảnh dễ thương, hữu tình vì có tre trúc chung quanh, nhưng order hơi mắc hơn đó nghen (hơn vài đồng). Bánh đập, cơm hến, bún bò, mít non xúc bánh tráng ngon lắm lắm.

Khi nào rảnh sẽ update thêm các quán ăn, quán chè, bánh mì, cafe shop.

***

Các chỗ đi chơi, ăn đồ biển vòng quanh khu Orange County và Los Angeles, Santa Monica, Redondo Beach, đường số 3 and Broadway là những chỗ vui chơi giải trí cho khách du lịch…

1. Cơm tấm thì L. thích Thuận Kiều hơn là cơm tấm Thành.

2. Brodard trong thương xá Tam Đa với nem cuốn, bò kho góc Brookhurst/Westminster.

3. Brodard Chateaux góc Magnolia/Trask – nice place, expensive, food is ok

4. Cá nướng thì Favori trên đường First/Fairview. Nhà hàng nhỏ nhưng lịch sự … cuối tuần nên gọi giữ chỗ trước nếu không muốn đợi … ngoài cá nướng còn có món soup đuôi bò và steak cũng ngon lắm, cù lao bãi biển…

5. Bò 7 món Hồng Ân trong khu Thương Xá Tam Đa, rộng lắm và thức ăn cũng ngon.

6. Mì Triều Châu có 2 tiệm …. L thì thích tiệm trên Brookhurst/Westminster.

7. Bún bò huế Gia Hội, Rendezvous, Công Lý, Vỹ Dạ.

8. Mì quảng Rendezvous is better than most, khung cảnh lãng mạn như xứ Huế.

9. Phở Gà Dakao, phở Bò 79 Brookhurst/Hazard, Phở Thanh 24/24.

10. Bánh xèo ở Cây dừa Deli …bún mắm nhưng hình như đổi chủ, bún mắm hết ngon như hồi xưa rùi.

11. Dimsum: Long Phụng Lầu (Phoenix Dragon) trong khu chợ Á Đông đối diện Phước Lộc Thọ, Seafood World (Brookhurst/McFadden).

Bún riêu, bún chả Hà Nội – Quán Viễn Đông (Brookhust and Westminster đối diện nhà hàng Vân).

Bánh Xèo, Bánh Khọt, Bánh Bèo Bì – nhà hàng Vân.

Bò 7 món, cá nướng – Thiên Ân (hay Hồng Ân tự dưng quên bẵng – Brookhust and Westminster, gần chợ 99 cents).

Bánh Cuốn – Phở Lý Thái Tổ (First and Fairview).

Phở – Thanh Lịch (Brookhust and Harzard).

Món khoai chiên tôm cuốn rau (lại quên tên) – Hà Nội (Magnolia and First) – hồi xưa chả cá Thăng Long ngon.

Lẩu mắm và rau, bánh canh, ba rọi mắm thái cuốn bánh tráng – Cây Dừa (First and Fairview). Thấy người ta order bánh xèo cũng nhiều, nhưng em chưa thử.

Lẩu Dê, Dê rựa mận, Vietnamese Pizza (tiết canh vịt) – Bình Dân (Brookhust and McFadden).

Bánh bèo chén, bánh bột lọc, bánh ram ít, mì Quảng – Rendez Vous góc Brookhust and McFadden, trong khu Taco Bell – Nước mắm ăn bánh bèo họ pha rất ngon. Bún bò Huế Ok thôi.

Nước mía – Viễn Tây (Brookhust and Harzard, gần tiệm Bánh Vân, chợ Nam Hoa).

Gỏi Chân Gà (order to go cho tiệc hay ăn tại chổ cũng được) – Quán Ngon (là quán nhậu – góc McFadden and Ward).

Đồ ăn Thái – Thai Nakon (góc Beach and Chapman).

Đồ ăn Đại Hàn (Korean BBQ) – tiệm quên tên, chiều nay em tạt qua coi tên và địa chỉ, sẽ post sau (Garden Grove/Brookhust and Kerry).

Hủ tiếu Thanh Xuân, Bánh Hỏi combo – Phương (Westminster and Euclid).

Hủ tiếu Triều Châu, Mì xào dòn, Cơm chiên Cá mặn, Chả Ram cua, Phở xào mềm – Triều Châu (em thích chỗ này, New Hope and First) – Báo trước tiệm rất dơ, đừng đi ăn đúng giờ lunch, chờ rất lâu, hình như 6:00PM thì tiệm đóng cửa.

Mì và Hủ Tiếu La Cay – Mì La Cay (First and Magnolia).

Buffet – International (Garden Grove and Harbor, trong khu bánh mì Lee Sandwich).

Cơm gà Hải Nam – Grand (Brookhust and Westminster) ăn ok, hơi mắc chút. Mấy ACE nào biết chỗ ngon hơn thì chỉ em với.

Cơm gia đình – La Mirada góc McFadden and Magnolia, gần Green Farm Supermarket, hồi trước là chợ Á Châu, món nào cũng ngon.

Điểm Sum và đồ ăn Tàu – thì em thích Kim Sư (First and Ward) hơn.

Cơm Tàu gia đình – Tân Cảng (First and New Hope) or Sea Food Cove (Westminster and Newland), nhất là sea food (cua, tôm hùm, tôm) họ làm yummy, giá cả phải chăng. Nên tránh giờ lunch và sau 7:30PM, đông lắm.

Chè, xôi – Hiển Khánh (em thích góc Brookhust and Westminster hơn).

Cơm tấm, bún mắm, bò kho (ăn với bánh mì hay với hủ tiếu) – em thích quán Thành nhất.

Mì xào dòn, mì Vịt Tiềm, mì and hủ tiếu nước và khô – Mỹ Vị Mì Gia (gần Hiển Khánh, Brookhust and Westminster).

ĐỒ ĂN VẶT

Champagne Bakery – nằm bên trong đằng sau PLT kế tiệm phở 79

9200 Bolsa Ave Ste 116 Westminster 92683

714 898-0494 714 898-0494

Bánh bao nướng, bánh bao hấp, bánh mì chà bông, bánh mì dừa bánh mì nho đủ loại, bánh rất là ngon mà rẻ nữa nên hông cần phải làm chi cho mệt.

Le Croissant Doré – 1 block from PLT

9122 Bolsa Ave Westminster 92683

(714) 895-3070 (714) 895-3070

Excellent fruit tarts and cakes … way way way better than Vân’s Bakery.

Lilly Bakery

10161 Bolsa Ave Westminster 92683

714-839-1099 714-839-1099

Muffin, cakes or fruit tarts đặt biệt bánh tiêu nhỏ xíu có tí sugar powder ngon lắm.

Thạch chè Hiển Khánh – trên đường Westminster between Bushard & Brookhurst

9784 Westminster Ave Garden Grove 92844

714-537-5105 714-537-5105

#1 chè in OC có đủ loại chè.

Vua Khô Bò – nằm kế Quán Hỷ #2

9191 Bolsa Ave #106 Westminster 92683

714-895-7122 714-895-7122

Đủ thứ khô bò khô nai, xí muội, bánh kẹo.

Yogurt Passion

9741 Bolsa Ave

Westminster, CA 92683

(714) 839-9934 (714) 839-9934

http://www.yogurtpassion.com

Could make your own yogurt here.

NHÀ HÀNG & FOOD TO GO

Brodard – Trong khu xá Tam Đa ở góc Brookhurst và Westminster nằm sau 99 cents store

9892 Westminster Ave Garden Grove, CA 92844-4900

(714) 530-1744 (714) 530-1744

Nem nướng cuốn không đâu ngon bằng nhưng mấy món ăn trong tiệm thì tạm được thôi.

Cá 8 món Như Ý – giữa Brookhurst và Euclid đối diện Mile Square Park

10830 Warner Ave Fountain Valley 92708

714-963-1700 714-963-1700

Cá stripe bass nướng ngon lắm, hình như chỉ có chỗ này là bán cá 8 món. Họ bán nhiều món khác như cơm phần mà ăn oke thôi hehe, hông được ngon lắm.

Favori

3502 W First St Santa Ana 92703

714-531-6838 714-531-6838

Very good cá nướng with a nice atmosphere and nice waiters, good for 1st 2nd 3rd … etc… dates.

Hương Giang – Corner of Brookhurst & Hazard trong khu Stater Brothers Market

14564 Brookhurst St Westminster 92683

714 531-4930 714 531-4930

Làm chả tại chỗ nên ăn ngon lắm .. bán các loại đồ ăn Huế to go hay ăn tại chỗ.

Liên Huế 2- Food To Go -Corner of Brookhurst & Westminster, trong khu chợ Hòa Bình

13898 Brookhurst St Garden Grove 92843

714-749-0914 714-749-0914

Bánh canh, Bún Bò Huế to go hay ăn tại chỗ cũng ngon hết.

Royal Capital Seafood – Corner of Westminster and Euclid

10911 Westminster Ave Garden Grove, CA 92843-4929

(714) 638-8331 (714) 638-8331

Mì tôm hùm or tôm xào đặt biệt rất ngon.

Hà Nội – 1 block from PLT

Chả Cá Thăng Long họ làm ngon lắm .. that’s the one thing I like so far.

Cơm Tấm Thuận Kiều – On Brookhurst between Westminster and Hazard, hông biết địa chỉ. Cơm tấm ngon nhất, bánh hỏi tàu hủ ky, thịt nướng, nem nướng is so yummy there.

Le Croissant Doré – in Hanoi Plaza next to PLT

9122 Bolsa Ave Westminster 92683

(714) 895-3070 (714) 895-3070

Beside Fruit Tart, chỗ này bán bánh mì bò kho & lưỡi bò soo sooo goood — mới ăn Sunday mà bây giờ còn thèm.

The Boiling Crab

14241 Euclid St

Ste C116

Garden Grove, CA 92842

(714) 265-2722 (714) 265-2722

http://www.theboilingcrab.com

This place is good for cajun crawfishes king crab legs. I like this location better than the one on Brookhurst even though same owner.

China Garden

14825 Jeffrey Rd

Irvine, CA 92618

(949) 653-9988 (949) 653-9988

Good dim sum place that we had in Orange County so far. Dim sum is so fresh almost comparable to 888 restaurant in LA.

PAGOLAC

14580 Brookhurst St

Westminster, CA 92683

(714) 531-4740 (714) 531-4740

7 courses of beef.

Nhà hàng ở Orange County nè, mới lượm được:

Shik Do Rak

14775 Jeffrey Rd Ste H

Irvine, CA 92618

(949) 653-7668 (949) 653-7668

Decent Korean bbq in Irvine area… the king short rib is the best.

VEGETARIAN RESTAURANTS

Au Lac

16563 Brookhurst St

Fountain Valley, CA 92708

(714) 418-0658 (714) 418-0658

www.aulac.com

I like canh chua & cá kho tộ, mì xào dòn chay.

RESTAURANTS IN LA COUNTY

Hokkaido Seafood Buffet

3030 Cherry Ave

Long Beach, CA 90807

(562) 989-1898 (562) 989-1898


Cheap place with good food.

888 Seafood Restaurant

8450 Valley Blvd Ste 121

Rosemead, CA 91770

(626) 573-1888 (626) 573-1888

I like this dimsum place the best. A lot better than the dimsum places down in OC.

Tan Cang Newport Seafood

518 W Las Tunas Dr

San Gabriel, CA 91776

(626) 289-5998 (626) 289-5998

www.newportseafood.com

It’s known for the house special lobster… family dinner is delicious here too but the wait could be at least 1hr on weekend.

Palms Thai

5900 Hollywood Blvd Ste B

Los Angeles, CA 90028

(323) 462-5073 (323) 462-5073

http://www.palmsthai.com

Great place for Thai when you are in Hollywood area.

Bhan Kanom Thai

5271 Hollywood Blvd

Los Angeles, CA 90027

(323) 871-8030 (323) 871-8030

http://www.bhankanomthai.com

Must go place for Thai dessert.

Oomasa

100 Japanese Village Plz Mall

Los Angeles, CA 90012

(213) 623-9048 (213) 623-9048

Fresh sushi for affordable price.

Here is their website http://www.japaneserestaurantinfo.com/oomasa/

Mu Dung San

1040 S Western Ave

Los Angeles, CA 90006

(323) 737-9292 (323) 737-9292

This is the Korean BBQ you could order by dish or do the buffet style — This is not the typical buffet place the waiters will bring out the plate one by one — great place short ribs.

Soowon Galbi Korean BBQ

856 S Vermont Ave

Ste C

Los Angeles, CA 90005

(213) 365-9292 (213) 365-9292

Good side dishes and good quality of meat but pricey.

Furabol

1741 W Redondo Beach Blvd

Gardena, CA 90247

(310) 329-9441 (310) 329-9441

or 2068 Sawtelle Blvd

Los Angeles, CA 90025

(310) 444-1432 (310) 444-1432

Japanese skewers grilling n tapas… good drinking food if going with a big group.

Hide Sushi Japanese Restaurant

2040 Sawtelle Blvd

Los Angeles, CA 90025

(310) 477-7242 (310) 477-7242

SaiGonMyLove sưu tầm, Vietfun.com

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog