Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Dâu biển

Đọc cái thư của bạn báo tin trường PCT cũ đang được chia lô, lớp học cũ của tôi sẽ trở thành con đường.  Thế là sáng sớm tôi vội vào Google xem ngôi trường cũ bây giờ ra sao.  Ngạc nhiên là Google chỉ ngôi trường ở phía bên trái của đường Phan Châu Trinh nếu đi từ phiá Trưng Nữ Vương, trong khi ngôi trường tôi học ngày xưa ở phiá bên phải và ngay ngoài đường, còn bây giờ sao nó thụt vào bên trong bên trái. Nhìn cái bản đồ tôi khó có thể nhận ra đâu là đâu nếu không có vài cái tên cũ, chợ cũ để tôi làm điểm bắt đầu và đi bộ bằng mắt trên Google.  Ôi chao thành phố bây giờ lớn hơn xưa rất nhiều, thì cũng phải thôi,  đã bao nhiêu năm, đã bao nhiêu vật đổi sao dời,  ngôi nhà cũ chúng tôi đã ở không còn nữa.  Những con đường dường như chật chội lộn xộn hơn vì quá đông người? Hình như xung quanh trường cũ không còn khỏang không gian rộng rãi cho học sinh các trường toả ra vào những giờ ra chơi ra về nữa, nơi đó đã trở thành nơi buôn bán thượng vàng hạ cám, cho nên họ phải giải toả, làm nơi phố thị?
Nhìn ngôi trường mới mang tên cụ Phan Châu Trinh, không có vẻ gì một ngôi trường, mà như một dãy building kiến trúc tân thời của các trường tư thục ngày xưa xây dựng vội vàng để làm thương mại, chật chội.  Nhìn từ hình tôi không thấy một bóng học sinh, mà tôi đóan khó có thể nhìn thấy bên trong sân trường, những khung cảnh những ngôi trường với khoảng không gian thoáng để cho người đi bên ngoài có thể thấy học sinh đã dần mất hết, giống như những ngôi trường ở Sàigòn mà ngày nay tôi giật mình khi nhìn thấy, ngày xưa nó ở sát mặt đường, bây giờ nó trở thành ở trong hẻm vì ngươì ta xây dựng nhà cửa ngay ngoài vỉa hè cũ bọc theo bờ tường của trường, thế là biến ngôi trường như một cái nhà tù, học sinh đi học có nhìn ra ngoài cửa lớp không còn thấy chàng hay nàng mà là những bức tường, có khi những giải quần áo ở cửa sau của những ngôi nhà. 
Đã không còn chiến tranh, đất có thiếu không, tại sao lại chiếm đất của nhà trường của học trò như thế, tôi thấy tội nghiệp cho tuổi học trò ngày nay, họ không có một khoảng trời xanh thơ mộng như chúng tôi đã có, bảo sao mà họ không tối ngày "đánh nhau" chỉ vì những va chạm của đời sống, họ không có chỗ để lớn lên.
Cả cái tin sân vận động Chi Lăng thì đã bán cho nước ngoài.  Ngày xưa sân vận động gần các trường, học trò đi học về tuá ra vào sân đá bóng, họ có nơi để "giải toả" những năng lượng của tuổi trẻ, bây giờ họ đi đâu, nếu sân vận động ở ngoài thành phố hay xa trường? Không có chỗ đi, nên họ đánh nhau trong các đường hẻm, con ngõ ?
Cái tin nghe buồn làm sao.

1 nhận xét:

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog