Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Lòng nhân

Với tôi, mọi việc thể hiện lòng nhân là việc vô cùng tế nhị, những điều giữa từ bi, bác ái và từ thiện là những chữ nghĩa mà riêng tôi là những điều tôi còn phải học dài dài làm sao để của cho cũng như cách cho không làm tổn thương/tổn hại người nhận. Tôi luôn nghĩ câu  nói của Tây,
"Chỉ cho người cách  câu cá để câu suốt đời hơn là cho người ta một con cá"
là điều quan trọng nhất. 
Như người đàn ông tuần trước nói với tôi vì ông ta ở trong cộng đồng người Việt, một tuần không biết bao nhiêu hội đoàn xin tiền này nọ để gửi về giúp VN, ông than thở đâu phải mình có thể giúp hết mà họ đâu có hiểu là mình đã tham gia giúp chỗ này chỗ kia rồi, tiền bạc ở đâu mà họ cứ kêu gọi mình giúp hoài, chị hiểu không?. Đã thế mình đâu có biết họ chi tiêu ra sao, đành là họ cũng có giúp cho người VN nhưng giúp ra sao thì nhiều quá mình đâu có biết.  Đúng là nỗi khổ chung của người VN ở hải ngoại, thấy cảnh khó khăn thì không nỡ, rồi thì nhiều quá thì không kham nổi, không giúp thì áy náy, giúp thì lại thắc mắc.  Cho nên làm việc thiện như thế nào đâu có dễ.  Đòi hỏi cái tâm mỗi người ở mỗi hoàn cảnh và cũng không thể ép buộc ai được. Tại sao trong hai trường hợp từa tựa giống nhau mà hôm nay mình có thể giúp cho người này mà ngày mai thì không thể.  Cho nên mọi chuyện vẫn là cái duyên của con người với nhau.

Dù sao tôi cũng không thể viết rõ ràng như cách viết của Trang Hạ, một bloger nhà văn khi cô phân biệt sự giúp đỡ sự khó khăn của người khác, nhất là giúp những người ở VN và không làm cho họ trở thành "gánh nặng của xã hội VN" như cô viết. 

Trang Hạ - Tôi không yêu nước! (2)

Theo blog Trang Hạ

Xem từ bài “Tôi không yêu nước (1): Chính xác hơn, tôi không yêu nước theo kiểu của các bạn!“

Đáng lẽ tôi định viết riêng một bài về khái niệm yêu nước để trả lời những người đang hăng say chê bai tôi sau bài viết (1), rằng họ đang lẫn lộn giữa chủ nghĩa yêu nước và một tinh thần đặc sệt dân tộc chủ nghĩa được biểu hiện ra một cách bầy đàn. Và lẫn lộn giữa yêu nước và yêu chính quyền. Tuy nhiên tôi thấy mình không cần phải tranh cãi thêm, vì tôi đã viết ở (1) quá rõ ràng rồi, ai cố tình hiểu cong là vấn đề của họ, không phải vấn đề của tôi.

Định links sang blog anh Hoàng Nguyên Vũ (báo An ninh Thế giới) nhưng anh đã xoá tiệt cái bài mỉa mai tôi rồi. Thật tiếc (cho anh)!

Nhưng sau khi đọc kỹ lại hàng trăm phản hồi trên blog tôi và trên mọi diễn đàn, PM, Email… thì tôi thấy một vấn đề đại chúng hơn, nặng nề hơn và bộc lộ méo mó giữa những comments tưởng là rất cá nhân: Vấn đề về lòng tốt và của tốt.

Bạn nghĩ thế nào là Cho và Nhận?

Bạn tưởng thế nào là Từ Thiện? Bạn có bao giờ nghĩ rằng những việc mà bạn quen coi đó là từ thiện, nó thực ra chỉ làm bạn vênh vang, và những đồng tiền bạn Cho trở thành một gánh Nặng cho xã hội Việt Nam không? Và bạn trở nên quen dùng đồng tiền để làm thước đo cho mọi giá trị trong xã hội hiện nay? Và bạn đang Bố Thí chứ bạn không hề Từ Thiện.

Hay bạn tưởng cứ có tiền thì tiêu kiểu gì cũng được? Và vênh lên nói tôi rằng hàng chục nghìn cuốn sách tờ báo tờ tạp chí ròng rã mang sang cho cô dâu Việt của tôi năm nay không bằng một cái tin nhắn 15 nghìn đồng Ủng hộ vì người nghèo cho VTV của bạn. Hoặc hàng trăm trợ giúp cô dâu lao động Việt của tôi năm ngoái không bằng bạn bố thí cho nhà nghèo thỉnh thoảng. Bởi những gì tôi có thể góp cho cuộc đời hoàn toàn không phải là tiền hoặc tính được bằng tiền (ví dụ như cái blog này). Ví dụ như tôi ngăn bao nhiêu nước mắt người khác đáng lẽ chảy. Và bạn vênh vang vì tiền của bạn đã giúp được đến người mù mắt, chứ không như tôi, dành tiền cho một ông sinh viên mắt đã không mù người lại còn mạnh khoẻ.

Vì sao tôi dùng từ Bố Thí?

Vì tiền của bạn khi Cho đã tạo nên một gánh nặng cho toàn xã hội, thậm chí tạo nên sự đau đớn. Cho cả những người nghèo, ăn xin, nạn nhân mà bạn tưởng bạn đã giúp họ. Những đồng tiền bạn bố thí cho người ăn mày, khi họ đến nhà bạn xin, khi họ xông ra giữa ngã tư, khi họ đứng rình ở cây xăng, khi họ nằm vật giữa đường vào lễ hội, khi họ lết đi giữa chợ… thực ra chỉ là tiền Bố Thí bạn mua lấy sự hảo tâm AQ cho mình, mua lấy sự rảnh nợ, mua lấy sự an toàn tránh khỏi bị phiền nhiễu cho mình. Tiền bạn góp với những phong trào rầm rộ quyên góp liệu có đến đúng tay người nghèo, hay đã bị ăn chặn từ Thành Đoàn, ăn bớt tiếp tại các chính quyền địa phương nghèo và thậm chí còn bị những ông trưởng phó tổ dân phố ăn cắp. Tiền đó chỉ tạo cớ thêm cho xã hội ta những vệt đen tối.

Tôi nhớ báo chí độ chục năm trước từng đưa tin, một ông bố đi chợ Bến Thành mua đồ bỗng thấy đứa con trai năm tuổi của mình lao tới ôm riết lấy chân mình gào khóc nức nở. Thì ra cậu bé bị bắt cóc nửa năm trước đã bị “cai ăn mày” xách đi huấn luyện để ăn mày tại chợ Bến Thành. Vô tình làm sao hôm đó ông bố lên thành phố vào chợ Bến Thành, để phát hiện đứa con mình.

Bạn có thể vào blog Bố cu Hưng để đọc những bài phóng sự của anh về tệ nạn đó, hành hạ đánh đập trẻ em, thuê trẻ em đi ăn xin, ngược đãi trẻ em để bắt đi ăn mày, tiêm thuốc ngủ cho em bé sơ sinh ngủ mê mệt ba năm trời trên lưng những bà đi xin tiền. Tiền của bạn chỉ nuôi và giúp xã hội đẻ thêm ra một lũ “cai ăn mày” chứ không làm cho xã hội bớt đi đau khổ. Thậm chí giúp những “cai ăn mày” táo tợn hơn, không từ thủ đoạn bắt cóc, đánh đập, nhục hình trẻ em và người già chỉ vì chúng còn lấy được tiền từ những người như bạn, những người cho tiền ăn mày ở trạm xăng, dọc đường, giữa chợ, nơi công cộng…

Tôi còn nhớ mấy năm trước, khi gửi tiền về cho một cụ già sống rất thảm thương, tôi đã phải nhờ một anh phóng viên báo tại Hà Tĩnh phải cất công mỗi tháng tới đưa tiền một lần cho một gia đình hảo tâm cạnh nhà cụ, để họ tới bữa thì dùng tiền đó mua cơm cho cụ ăn. Nếu để vào túi cụ một cục tiền, thậm chí chỉ vài chục nghìn, chắc chắn sáng mai báo tôi có thêm một tin hình sự cụ già cô đơn bị đâm chết cướp tiền. Giúp họ không khéo lại thành hại họ.

Hãy dứt khoát nói không với những người ăn mày, bởi bạn đã giúp đỡ cho các hoạt động từ thiện bạn biết chắc đến tới tay người nhận. Bởi bạn biết chắc mình đã tới nhóm trẻ mồ côi chăm sóc họ hàng tháng. Bởi bạn có cách của mình, để những thứ bạn “Cho đi” không trở thành gánh nặng của xã hội. Không giúp xã hội có thêm những người tham, những người ăn trên xương máu người khác, những người vô tâm.

Không giúp xã hội có thêm những người tưởng cứ có tiền là tiêu kiểu gì cũng được. Như bạn đó, bạn đang lớn tiếng chửi bới tôi không yêu nước trên blog tôi ạ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog