Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

“ Hà Thành siêu độc giả ”

Trò chuyện với cụ bà


“ Hà Thành siêu độc giả ”

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Từ lúc là một thiếu nữ kết giao với các bậc văn tài của Tự lực Văn đoàn cho tới nay đã 91 tuổi, cụ bà Phạm Thị Minh Mỵ vẫn giữ được thú vui văn chương và tự học mẫu mực. Vẫn theo sát thời sự văn học, đọc nhiều và phân tích gần như một người trong nghề. Cụ công tác ở Cục Chuyên gia, về hưu năm 1977.

Đến nay cụ đã xuất bản 3 tác phẩm văn, thơ, dịch thuật (Chuyển màu - NXB Văn nghệ TP.HCM, Nhớ thu - NXB Hội Nhà văn, Thao thức - NXB Lao động). Nhà văn Lê Mai gọi cụ bằng một cái tên hay là “siêu độc giả”. Nhưng có vẻ không đủ, vì cụ còn là người sáng tác, một nhà văn và thi sĩ. Khi được nghe nhận xét này, cụ Mỵ cười: “Mình nghiệp dư, có phải nhà văn đâu, vì ở mình có cái trội hơn là đọc nhiều. Gọi thế là đúng rồi”.

Trong phần viết về ký ức của mình, cụ Mỵ dành kể rất nhiều về người thân yêu và một xứ sở ấn tượng rất đẹp là quãng đời sống ở Tạ Chan - Sơn La, rồi Lai Châu và xuôi ngược Sông Đà. Đời cụ Mỵ phong phú và trải nghiệm qua các vùng đất đẹp theo cha là người Tây học, làm y tá được bổ nhiệm hết tỉnh này sang tỉnh khác. Rồi theo nghề buôn bán thổ sản theo bè sông. Đi ngựa, đi thuyền, leo dốc phố bản, “có lần tôi thấy ông Trần Trọng Kim, rồi sau là ông Vũ Đình Long (sau mở “Tiều thuyết thứ bảy” và NXB Tân Dân) trong đoàn Thanh tra Giáo dục, đi ngựa xuống bến Tạ Chan rồi xuyên tàu về Hà Nội”.

Nay thì “phố bản” đã ngập dưới lòng sông Đà do xây thủy điện, nhưng nó là phần cuộc đời ấn tượng đẹp của tâm hồn văn chương của cụ Mỵ.

Trong phần miêu tả Văn nhân một thuở, cụ Mỵ kể lại thời kỳ ở đồng rừng nhưng vẫn có “Phong hóa”, “Ngày nay”, “Đông Tây” để đọc, và các ông anh bà chị họ ở Hà Nội có đủ “Tiểu thuyết thứ năm”, “Tiểu thuyết thứ bảy” để cho các cô em gái mượn đọc.

Một lần ở Hà Nội, cô gái 20 tuổi Minh Mỵ được làm quen với cô gái Tuyết Chi 23 tuổi, con một công chức bưu điện. Nhà cô Tuyết Chị nề nếp, phong thái sang trọng quý phái kiểu Hà thành và rất yêu văn học. Tuyết Chi học xong trung học, ở nhà phụ mẹ và đọc sách. Gia đình mến văn chương nên các văn nhân lui tới. Cụ Mỵ miêu tả cái “Salon văn chương” ấy: “Đó chỉ là phòng khách đơn sơ nhưng sáng sửa, rộng khoảng hơn chục mét vuông, bộ bàn ghế cũ kĩ nhưng sạch sẽ, cũng chả có lịch gặp cố định. Mỗi lần họp mặt là chủ pha ấm trà, khách thì có gì góp nấy, khi thì phong bánh khảo, lúc thì chục bánh gai…”.

Trong số thính giả của cái Salon văn học gặp gỡ đàm đạo tán dóc khoe nhau sáng tác mới ấy, có một khán giả trung thành thường ngồi im lặng nghe. Có một ông thầy giáo tên Nguyễn Cao Sơn, sau trở thành phu quân của bà Tuyết Chi và ông bà sau này mở Nhà xuất bản Nguyễn Du.

“Bà Tuyết Chi hiện vẫn sống ở Hà Nội, vẫn minh mẫn ở tuổi 94, chả lẫn lộn gì đâu. Chúng tôi thường gặp qua điện thoại thôi. Có cái không may là bà ấy khó nghe qua điện thoại. Tình bạn của chúng tôi đã qua hơn 70 năm…”. Cụ Mỵ kể lại về cái Salon văn học và người bạn thân cũng ở độ tuổi đại thọ của mình, vẫn như nhớ lại cái thời đẹp đẽ mê văn chương, kết giao với các bậc văn tài.

Từ Salon văn học Tuyết Chi, cô gái Minh Mỵ “đồng rừng” mê văn chương đã có may mắn tiếp xúc với nhiều văn nhân tinh hoa của văn học Việt Nam ở giai đoạn sáng tác đầu đời của họ.

Với Thâm Tâm thì Minh Mỵ gặp ở ngoài phố, khi cô và Tuyết Chị đang đi ngang, thấy Thâm Tâm đang mua băng phiến. Lúc ấy cô Minh Mỵ đã thuộc “Tống biệt hành”, “Cố lãng quên đi” nên đánh bạo làm quen thi sĩ bằng một câu hỏi đùa vui: “Thưa, nhà thơ thì có bao nhiêu quần áo mà phải đi mua băng phiến nhỉ?”. Nhà thơ đáp: “Thưa cô, vì ít nên càng phải dùng băng phiến để gửi kẻo gián nhấm thì lấy gì mà mặc”. Từ buổi làm quen ban đầu ấy, sau này họ tiếp tục gặp nhau ở Salon văn học Tuyết Chi.

Với Nguyễn Bính, “siêu độc giả” Minh Mỵ đã nhờ người đến xin mà như “nẫng” mất của ông cuốn thơ “Lỡ bước sang ngang” mới ra lò, nhà thơ chỉ còn một cuốn bìa cứng. Khi Nguyễn Bính đến, cô Minh Mỵ xin trả tiền sách và được nhà thơ đề tặng, chép cho một bài thơ mới sáng tác của ông chưa đăng ở đâu. Bài “Vũng nước” đó sau này mới in trong tập thơ của ông. Cô Minh Mỵ cũng từng được đi cùng Nguyễn Bính và các bạn du ngoạn Hồ Tây, nghe thi sĩ sáng tác tại chỗ dọc đường Cổ Ngư.

Với Xuân Diệu, Huy Cận cũng là ở Salon Tuyết Chi thời gian khá muộn, nhưng họ còn rất trẻ. Sau này cô Minh Mỵ còn giữ mối quan hệ quen biết khi làm việc ở Cục Chuyên gia. Cô Minh Mỵ quen biết Thanh Châu, Ngọc Giao, “cặp bài trùng” ở tuần báo “Tiểu thuyết thứ bảy”. Các ông kể cho nghe việc phát hiện và in bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” và biểu tượng TTKh đã làm tốn bao giấy mực trên văn đàn Việt Nam tới tận hôm nay. “Siêu độc giả” Minh Mỵ còn được nghe người ta kể về Tản Đà bị phòng kiểm duyệt “sờ gáy” khi in bài thơ “Thề non nước”. Cô nghe chuyện này khi đến nhà sách Hương Sơn phố hàng Bông để tìm mua sách của Tản Đà. Và một lần sau đó, cô Mỵ đã gặp Tản Đà tại chính hiệu sách Hương Sơn. Ông đã không từ chối xem lại bản dịch thơ mà tôi - lúc đó chỉ là cô bé điếc không sợ súng dám sửa vài chữ của ông. Bọ áo the khăn xếp trắng đạo mạo không che giấu được vẻ hóm hỉnh thường trực của ông…”. Cụ Mỵ nhớ lại.

Khi còn là một người đọc trẻ tuổi, cô Minh Mỵ thường lên các tòa soạn “Phong hóa”, “Ngày nay” để gặp gỡ và quen biết nhiều “đủ mặt bá quan” trong tòa soạn, quen Thế Lữ, Song Kim và sau này còn gặp Bộ trưởng Trần Hoàn để xin kinh phí xây dựng “toa-lét” cho nhà các nghệ sĩ chung nhau căn hộ…

Cô Minh Mỵ được quen biết Hồ Dzếnh và được ông tặng thơ, truyện ngắn, bản thảo chép tay trên những trang giấy rất đẹp. Khi cô Mỵ đi Lai Châu sinh sống, nhà thơ đã gửi sách qua đường bưu điện lên tặng…

Chỉ vì yêu văn chương, hào điệu tâm hồn mà người con gái độc giả ấy quen thân kết giao với nhiều văn nhân thi sĩ của một thời rực rỡ trên văn đàn Việt Nam, từ các nhà văn Tự lực văn đoàn cho tới nhiều văn tài khác.

Trong số các văn tài ấy, cụ Mỵ ấn tượng nhất với vị nào? “Với các anh đều thế. Ngày xưa quan hệ văn nhân với độc giả thân mật, say mê nhau lắm chứ không như bây giờ. Tôi thân thiết và tình cảm nhất với Hồ Dzếnh” - Cụ Minh Mỵ kể hồi nhà văn làm việc ở Nhà xuất bản Á Châu và giữa năm 1946 còn đến tận nhà tặng cho cuốn “Hoa xuân đất Việt”. Và cho đến nay, con cháu của Hồ Dzếnh vẫn thỉnh thoảng đến chơi với người độc giả nay đã trở nên người bạn thân tình. “Vợ chồng chúng thỉnh thoảng đến đây chơi, con trai duy nhất du học về cũng đến cùng bố mẹ. Cháu khiến tôi nhớ lại hình ảnh Hồ Dzếnh , ông nội cháu những năm 40 thế kỉ trước, trẻ trung, khôi ngô và tràn đầy nhiệt huyết”.- Lời cụ Mỵ. Đến hôm nay mối thân tình giữa nhà văn và độc giả vẫn tràn đầy. Cụ Mỵ nói: “Tôi quý trọng anh, con người thật thà trung hậu vất vả nhạy cảm cô đơn…Tôi vẫn nhớ hết văn thơ của họ, kể cả những câu thoại trong kịch của Đoàn Phú Tứ. Vị siêu độc giả còn nhớ cả cái tuổi 15 của mình ăn kem ngoài đường đi bộ giữa Hà Nội thanh lịch, Hà Nội của những người “lên xe tàu nhường bước cho người già, không ai chửi bới văng tục, chả có ai lấn chiếm vỉa hè…”.

Hiện nay sống trong một căn hộ với các con ở Hà Nội, ít ra đường, vị siêu độc giả này vẫn đọc đều các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Văn nghệ, Hồn Việt và rất nhiều tập san, tạp chí. Văn học thì cụ quan tâm nhiều đến các tác giả trẻ như Trần Thùy Mai, Thu Huệ, Hồ Anh Thái…Cụ thường gọi điện thoại trao đổi với nhiều tác giả như Hải Như, Hà Văn Thùy, Trương Nam Hương, khen tản văn của Lê Thiếu Nhơn. “Con cháu bảo…rách việc!. Nhưng hễ có gì chưa chính xác thì tôi hay trao đổi lại với các tác giả hoặc nơi xuất bản. Thí dụ như ai dẫn thơ sai , giải thích sai về văn chương và xã hội...”. Cụ hay trao đổi với nhà thơ Bạch Mai, nhà văn Tạ Duy Anh. “Bây giờ tôi cũng …lười rồi, bỏ qua nhiều rồi”. Cụ Mỵ cười hóm hỉnh khi nói rằng mình đã … “tiến bộ”!

Sách của cụ chắc nhiều lắm? “Tôi mua đủ bộ của Tự lực văn đoàn. Chiến tranh cũng để mất nhiều tác phẩm quý có nhiều di bút của các nhà văn nổi tiếng. Còn bây giờ ở nhà các con. Anh chị nào cũng vài tủ sách đầy”. Các con cụ Mỵ đều thành đạt, có người làm hiệu trưởng trường đại học, con rể là nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Họ kiếm tìm sách hay cho mẹ.

Ở tuổi 91, sức còn cho phép cụ đọc nhiều không? Cụ còn nghiên cứu, thỉnh thoảng dịch thơ -Đó là kết quả của một đời tự học. Cụ rất nhanh nhẹn, tác phong trẻ trung, nói nhanh và hài hước. Vậy mà cũng “đủ bệnh đấy. Hai mắt mổ rồi, phải giữ gìn thì mới đọc được lâu. Chứ còn đâu như thời trẻ say đọc đến nỗi bật đèn đầu giường nằm đọc trong màn…”.

Cụ vẫn có một kế hoạch đúng là của “siêu độc giả”: Một kế hoạch rất “siêu” đọc lại một cách hệ thống nhiều tác phẩm cổ điển của Trung Quốc, rồi sẽ đọc của Nga, Pháp…Hỏi cụ có nhận xét gì gần đây nhất về văn chương, cụ nói: “Tôi có một thắc mắc, có một số tác giả trẻ hiện đại của Việt Nam trước đây, họ khởi đầu hay lắm, tôi đọc say mê. Vậy mà vài năm sau họ cải tiến sáng tạo cách tân sao tôi không thể nào đọc được nữa. Tôi hỏi vì sao vậy? Nhà văn Triệu Huấn đoán: chắc tại …không viết được? Có phải vậy không quý vị?”

Vị “siêu độc giả” Hà Thành ngoài tuổi 90 này 10 năm rồi ăn cháo đậu xanh và uống sữa để không một ngày nào ngừng say đắm và suy nghĩ cùng văn chương…Tuổi già chẳng hề làm cụ lạc hậu tụt lại phía sau.

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog