Nhớ tác giả “Có phải em mùa thu Hà Nội”
Trần Trung Sáng Chia sẻ - Theo Da Màu
Những ngày vừa qua, giữa niềm vui của đại lễ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, trong những khúc hát hân hoan vang lừng trên phố phường Hà Nội, hẳn rằng không thể thiếu những câu hát: “ Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi/ Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Nghìn năm sau ta níu bóng quay về…”. Thế nhưng, mấy ai biết: người viết nên những lời thơ của bài ca ấy – nhà thơ Tô Như Châu trước lúc qua đời cách đây gần 10 năm, vẫn chưa một lần được đặt chân đến thủ đô…
Vào khoảng năm 1995, một buổi sáng, bỗng dưng xuất hiện trước cửa văn phòng nơi tôi làm việc, một người đàn ông dựng chiếc xe đạp cũ kỹ, cà tàng bước vào. Anh ta trang phục áo thun, quần jean, gương mặt rắn rỏi, phong trần, khó đoán tuổi. Sau mấy lời chào hỏi, anh ngỏ lời, muốn tham gia một chân bỏ báo (một dịch vụ phát báo tận nơi trực thuộc cơ quan báo do tôi đang làm đại diện). Hỏi chuyện một hồi, mới biết: anh là Tô Như Châu, nguyên công nhân điện lực – tác giả bài thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thành ca khúc nhiều người yêu chuộng lâu nay. Ngờ đâu, từ đó định mệnh đã gắn liền nhà thơ Tô Như Châu với công việc của chúng tôi đến phút kỳ cùng(!).
Trên thực tế, ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” từng có mặt trong một băng nhạc tại miền Nam trước 1975, từ 1990 được chính thức phổ biến trở lại với giọng hát Hồng Nhung, rồi Thu Phương… khiến nhiều người ngỡ là bài hát mới. Đáng nói hơn, ngay thời điểm anh Tô Như Châu bắt đầu nhận công việc đi bỏ báo thì bài hát này bỗng dưng rộ lên trở thành ca khúc Top 10 về Hà Nội. Hầu như mọi lúc mọi nơi, hang cùng ngõ hẻm nào cũng thường xuyên vang lên những lời ca: “Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…” .
Tô Như Châu tên thật là Đặng Hữu Có, vốn sinh sống và làm thơ ở một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng. Theo anh, bài thơ nói trên được anh viết từ thời còn rất trẻ. Cũng giống như nhiều thanh niên miền Nam thời đó, anh rất mê những cô gái Bắc di cư, và đã mơ mộng về mùa thu Hà Nội qua hình ảnh một cô gái Bắc xỏa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Bài thơ được Trần Quang Lộc – một nhạc sĩ trong những nhóm thân hữu thường đàn đúm với anh thời đó đã đồng cảm phổ thành ca khúc hát chơi với bạn bè. Cả hai mơ ước ngày thống nhất cùng về đất Thăng Long, nhưng khi hòa bình đến thì mỗi người thất tán mỗi nơi…
Từ nỗi khát vọng chưa thành tựu ấy, có lần khi vòng quanh bỏ báo trên mọi ngã phố trở về, sau khi nghe lại tác phẩm của mình, trán còn lấm tâm mồ hôi, Tô Như Châu đã bày tỏ hạnh phúc không kiềm được qua bài thơ “Đi bỏ báo nghe thơ phổ nhạc”:
“Anh con ngựa già chưa mỏi vó
Vẫn thênh thang bước nhẹ quanh đời
Đi tung bờm tóc gió
Quẳng gánh hương xa lên tiếng gọi mời…”
Có lẽ đây là một bài thơ hay, xúc động thứ hai, sau “mùa thu Hà Nội” của anh. Trong đó, nhiều đoạn anh viết :
“Nghe em hát mùa thu vàng rực rỡ
Bỗng xôn xao nghiêng ngã đường chiều
Răng khễnh, soi hồ Gươm yêu dấu
Đà Nẵng tung hê một trời yêu”
Hoặc:
“Có phải em Mùa thu Hà Nội
Mùa thu trong veo mùa thu tuyệt vời
Sống đẹp âm thầm và khát vọng
Bỏ báo đọc thơ nghe nhạc đã đời”
Thế nhưng, niềm vui ấy chắng được bao lâu, thì Tô Như Châu phát hiện ra: trên tất cả các phương tiện đem ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” đến với công chúng, hầu như chỉ có tên người viết nhạc, mà không có tên tác giả lời thơ. Nỗi bức xúc chính đáng của anh dần dà được bạn bè thân hữu thấu hiểu, sẻ chia và phản ánh trên một số tờ báo cả nước. Đầu tiên, nhạc sĩ Trần Quang Lộc giải trình lấp liếm, đại khái: “ chưa hề biết Tô Như Châu là ai, chỉ nhớ thời trai trẻ ở Đà Nẵng gặp một người tên là Có đem đến một bài thơ dài, phải sửa chửa lại nhiều đoạn phổ thành bài hát như bấy giờ…”(*). Dù vậy, trước những chứng cứ rõ ràng về tình bạn giữa hai người, nhất là việc bài bài hát đã được phổ biến ghi rõ tác giả lời và nhạc từ trước 1975, nên một thời gian sau, vị trí của Tô Như Châu được trả lại đúng chỗ trên tác phẩm. Các đơn vị phát hành ca khúc cũng liên hệ hứa sẽ giải quyết nhuận bút bản quyền cho anh theo quy định (dù vậy, lời hứa đó vẫn chỉ là lời hứa…cho đến tận ngày nhà thơ vĩnh viễn ra đi).
Năm 1998, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã ấn hành tập thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội”, gồm 36 tác phẩm chọn lọc, kể cả đầu tiên và mới nhất của Tô Như Châu. Được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc, bạn bè, không lâu sau đó, Tô Như Châu dự định chuẩn bị ấn hành thêm một tác phẩm mới gồm một số bài thơ tươi trẻ về Đà Nẵng, Bà Nà, bóng đá…Và nhân đó, sẽ một lần thực hiện chuyến thăm “Hà Nội …mùa thu của ước mơ”.
Thế nhưng, khoảng giữa năm 2002, khi những niềm hưng phấn còn đang dâng tràn, một cơn bạo bệnh bất ngờ ập xuống cắt đứt mọi hoài bão của Tô Như Châu – từ khát vọng “mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi” đến những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi “là hạnh phúc quán vỉa hè chút rượu”, và kể cả “bỏ báo đọc thơ nghe nhạc đã đời”… Song với những người yêu thơ, những người yêu Hà Nội, cái tên Tô Như Châu chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ bị lãng quên.
Nhà thơ Tô Như Châu (áo vét đen, đứng giữa) bên cạnh các đồng nghiệp PHV báo chí tại Đà Nẵng
(*): Mới đây (13/9/2010), trả lời phóng vấn trên báo ĐS và PL, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã xác nhận:
“hồi đang còn là sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, khoa sáng tác, gia đình tôi khi đó ở Đà Nẵng. Năm đó, tôi nghỉ hè về Đà Nẵng thăm nhà, gặp một người bạn tên là Tô Như Châu có sáng tác một bài thơ về Hà Nội. Bài thơ đó dài lắm, cỡ 3 – 4 trang giấy gì đó. Khi đọc xong bài thơ, tôi chợt thấy một sự đồng cảm len lói trong lòng. Tôi nhớ lại những năm còn ấu thơ, khi ấy trong xóm có nhiều gia đình người gốc Bắc sinh sống. Tôi thích nghe cái giọng nhẹ nhàng mà ngọt ngào của những thiếu nữ Hà Nội. Đọc văn chương, tôi thường tưởng tượng đến những thiếu nữ Hà Nội xõa tóc đứng bên hàng dương liễu nói cười. "Có phải em mùa thu Hà Nội" của tôi phổ thơ của Tô Như Châu và ra đời ngay sau đó”. Ngoài ra, nhạc sĩ cho biết thêm, mãi đến hiện nay, cũng giống Tô Như Châu, ông chưa lần nào có cơ duyên đến Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét