Theo Vòng Quanh Thé Giới
Istanbul, Turkey (II)
Istanbul, ngay từ năm 660 trước Công lịch với tên gọi Byzantium, đã
là một trong những thành đô huy hoàng nhất trong lịch sử nhân loại thời
đó. Đó là nhờ ở vị trí chuyển tiếp hài hòa 2 nền văn minh cổ kim và
Đông –Tây, như chúng tôi đã minh họa ở Kỳ 1 qua một số địa chỉ du lịch đặc sắc.
Tiếp theo, mời quý bạn thăm viếng 3 danh thắng tuyệt diệu khác tiêu biểu cho 3 lãnh vực của Istanbul; đó là Thánh đường Hagia Sophia, Cầu Galata và Chợ Istanbul.
Thánh đường Hagia Sophia từng là nhà thờ
lớn nhất thế giới trong suốt 1000 năm, cho tới khi nhà thờ Seville trung
cổ ở Tây Ban Nha hoàn thành vào năm 1520. Hagia Sophia là thánh đường
có kích thước to lớn, kiến trúc vĩ đại, trang trí đẹp đẽ. Sự nổi tiếng
của nó là vòm trần lớn mang phong cách kiến trúc Byzantine.
Vốn là một thánh đường Thiên Chúa có từ thế kỷ thứ 4, Hagia Sophia đã
bị đốt cháy 2 lần trong chiến trận. Nét kiến trúc đang trình diễn trước
mắt bạn là từ lần tu sửa thứ 3 vào năm 532 đang còn tới nay. Đến năm
1453 khi Istanbul bị đế chế Ottoman chiếm đoạt, nhà thờ này bị tái tạo
thành nhà thờ Hồi giáo. Các nhà thiết kế đã thật tài tình khi dùng vôi
vữa tô phủ lên những hình ảnh tôn giáo bên trong nhà thờ; rồi bàn thờ và
các tháp Hồi giáo được bổ sung. Theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên, bạn sẽ
thấy trên tường nhà thờ đang mang dấu tích của cả 2 tôn giáo. Mãi tới
năm 1935, Thánh đường Hagia Sophia được chuyển thành bảo tàng viện để
công chúng vào chiêm bái như một công trình kiến trúc và lịch sử của
loài người.
Tính cả phần mới mở rộng, Nhà thờ Hagia Sophia có hình chữ nhật với
chiều dài 135 mét, rộng 70 mét, mái vòm chính mang đường kính 31 mét và
chiều cao 55 mét. Và còn nhiều vòm nhỏ khác đã cùng tạo thành một tòa
nhà tâm linh đồ sộ và uy nghiêm giữa trời xanh, khiến lòng người thêm
thánh thiện.
Bạn sẽ thấy mình nhỏ bé khi lọt vào lòng thánh đường là khoảng không
rộng rãi, và sự tương phản ánh sáng qua hàng trăm ngọn đèn trần càng làm
tăng vẻ lộng lẫy của Thánh đường Hagia Sophia. Bạn có thể thắc mắc vì
sao bệ thờ Hồi giáo quan trọng như vậy lại nằm ở một góc của thánh
đường? Đúng thế, vì nếu tính theo hướng địa lý thì đó là hướng của thánh
địa Mecca! Với Quý vị lần đầu thăm viếng một thánh đường đạo Hồi, trang
trí của Hagia Sophia sẽ là dịp nhập tâm tốt lành, qua những chữ Ả Rập
theo kinh Koran và nhất là qua các hình ảnh hình học hay hoa lá, cỏ cây…
Theo những bậc thang, du khách có thể leo lên tầng cao theo vòng cung
mái vòm và ngắm toàn thể nội thất của thánh đường từ trên cao.
Với sự bao dung tôn giáo của kiến trúc Thánh đường Hagia Sophia, hiện
nay chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang cho bóc lớp vữa tô trát để phục sinh
những hình ảnh tôn giáo của đạo Chính thống. Một công trình kiến trúc
đẹp đẽ sẽ trở nên cao cả khi mang các nét tốt lành của nhiều loại tâm
linh, dù các tâm linh đó theo niềm tin khác nhau. Người theo đạo Hồi
giáo Ottoman năm xưa khi chiếm thành Istanbul của người Thiên chúa đã
không phá hủy mà lại biến đổi thành một thánh đường; đó là ví dụ cho sự
chung sống của con người.
Thành phố Istanbul là địa chỉ văn hóa tiêu biểu của thế giới hiện đại là vì thế!
Istanbul còn là xứ sở lừng danh qua những cây cầu đẹp và độc đáo; trong đó Cầu Galata được mang danh “Cây cầu thành phố trong thành phố cầu”.
Cầu rộng tới 42 mét và chỉ dài 500 mét vắt từ Đông sang Tây trái đất,
từ Á châu sang Âu châu của lục địa đã di chuyển biết bao nhiêu là bàn
chân qua khu phố cổ như Eminönü, Fatih sầm uất cùng những danh thắng như
cung điện Topkapi, bảo tàng Hagia Sophia, nhà thờ Blue Mosque… Leo lên
tháp Galata ở đầu cầu phía đông bắc, du khách có thể phóng tầm nhìn toàn
cảnh Istanbul và kéo dài sang vịnh Bosporus. Một chỗ đứng bao la, hùng
tráng mà con người Istanbul đã làm nên bằng máu và mồ hôi của ngàn thế
hệ!
Như mọi công trình khác trên Istanbul, lịch sử của Cầu Galata nhuốm
nhiều sự kiện lâm ly và oanh liệt. Được xây cất lần đầu vào năm 1845,
trải qua 5 lần tu sửa với lần chót là năm 1912, hiện nay Cầu Galata đạt
lượng giao thông đáng kinh ngạc với hàng ngày có nửa triệu người và xe
cộ đi lại!
Thật ra, từ thế kỷ 16, Đức vua Bayezid Đệ nhị đã hình dung ý nghĩa
của một cây cầu nối hai khu vực sầm uất Âu và Á trên cửa biển Sừng Vàng.
Dự tính vĩ đại đã vang sang nước Ý và tất nhiên lọt vào tầm ngắm của
kiến trúc sư vĩ đại Leonardo da Vinci. Sử sách kể rằng, thiên tài đã vẽ
ngay phác thảo cho cây cầu và gửi tặng Đức vua vào năm 1502. Thế nhưng,
chắc do nhân duyên chưa hợp mà phác thảo của Leonardo da Vinci đã không
đến được nơi cần nhận và tận đến năm 1952 người ta mới tìm thấy tài liệu
vô giá đó! Sách còn chép, một thiên tài khác là Michelangelo cũng được
Đức vua Bayezid Đệ nhị mời gọi làm công trình sư, song việc cộng tác bất
thành vì lý do tôn giáo.
Không đẹp về chi tiết, không đồ sộ về tổng thể, lại lọt thỏm trong
một thành phố nổi tiếng với các cây cầu đẹp và dài, nhưng Cầu Galata
mang nhiều ý nghĩa khác. Đó là chiếc cầu không chỉ nối hai bờ mà còn
giao lưu hai thế giới, hai thời kỳ lịch sử, hai nền văn hóa!
Cầu Galata luôn là “nhân vật chính” trong nhiều tác phẩm ở các bộ môn
nghệ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới: từ hội họa đến văn thơ, từ nhiếp
ảnh tới điện ảnh, từ âm nhạc tới kiến trúc… Vào lúc chiều tà ánh nắng
màu mật ong rải xuống Istanbul thì Cầu Galata là nơi hội tụ của các nhà
nhiếp ảnh cùng các cô siêu mẫu giống như những màn catwalk thời trang
giữa thanh thiên bạch nhật trên sông nước hữu tình. Thi sĩ nổi tiếng
người Thổ Nazim Hikmet đã tặng Cầu Galata những lời như sau: “Đó là thân
hình mảnh mai của con chim nhỏ giang đôi cánh mở nối hai bờ cửa biển
Sừng Vàng”.
Chợ Istanbul thật sự là nơi làm nên xã hội
Istanbul! Không đến các chợ Istanbul kể như chưa biết thành phố
Istanbul, tức là chưa biết con người và đất nước Thổ.
Chất huyền thoại Á và Âu của Thổ Nhĩ Kỳ hiện rõ qua không khí khác
thường ở những khu chợ Istanbul rực rỡ và huyên náo. Nói thách “giá trên
trời” và trả “giá sát đất” là đặc tính sinh hoạt buôn bán của dân Thổ.
Họ có thể nói thách từ 5-10 lần giá bán, và bạn cũng hồn nhiên mà kéo
xuống ngần đó rồi cả hai cùng tươi cười với giá phải chăng. Rất hiếm có
vị khách nào từ các chợ Istanbul ra về với tay không cùng sự bực mình!
Chợ Lớn (Grand Bazaar) – tên địa phương Kapali Çarşi
với nghĩa “chợ trong nhà”) là trung tâm thương mại của khu phố cổ
Istanbul được xây từ năm 1455. Quả là một trong những khu chợ có mái che
lớn nhất và cổ xưa nhất thế giới!
Với diện tích chợ 310 ngàn mét vuông, Chợ Grand Bazaar có tới 4000
tiệm lớn nhỏ bán đủ các loại hàng; từ vàng, bạc, đá quý tới thảm, đồ sứ,
đồ da, quần áo, gia vị…. với mỗi ngày có hơn 300 ngàn lượt người viếng
thăm. “Thành phố chợ Grand Bazaar” có tất cả 61 con đường nhỏ, 4 đài
phun nước cùng rất nhiều nhà hàng, tiệm giải khát.
Sự thiêng liêng của chợ còn thể hiện qua 2 thánh đường Hồi giáo nằm
trong đó. Điều hiếm thấy nữa là người bán trong Chợ Grand Bazaar chỉ là
đàn ông mà hầu như không có phụ nữ. Buôn bán, cư xử rất hiếu khách và dễ
chịu, điều hiển nhiên là họ khá rành rẽ tiếng Anh trong giao dịch.
Nằm bên bến tàu biển Eminonu, Chợ gia vị Ai Cập (Spice Bazaar) là
khu chợ trong nhà khác ở Istanbul với diện tích nhỏ hơn Grand Bazaar.
Đó là một “thế giới gia vị” được hình thành từ thời đại Ottoman. Phải
đến Chợ gia vị Ai Cập, bạn mới hiểu hết sự tinh tế đến siêu đẳng từ nghệ
thuật ẩm thực của dân tộc Thổ.
Vậy là Quý bạn đã làm khách của Istanbul, cũng như 7 triệu du khách
ngoại quốc từng đến đó trong năm 2010, khi thành phố nhận danh hiệu Thủ đô Văn hóa Âu châu.
Đứng hàng thứ 10 của Danh sách thành phố du lịch tốt nhất thế giới
trong vài năm qua, Istanbul đã là lựa chọn quý giá cho bạn. Chất huyền
thoại lẫn hiện thực trong đời sống con người tân cổ hiển lộ với tất cả
sự sang hèn, vẻ rực rỡ và cái dở tệ.
Chính vẻ đẹp thiên nhiên của vùng Địa Trung Hải, nét huyền bí của 2
tôn giáo lớn cùng sự tương phản và pha trộn các nền văn hoá đã làm nên
một Istalbul không thể lặp lại trên trái đất này!
Diễm Thi
Photos: Featured photo: “Hagia Sophia Mars 2013″ by Arild Vågen ;
1. “AYA Sophia 2012″ Illustration by Gaspare Fossati and Louis Haghe
from 1852, 2. Galata Bridge, 2009 by Bjørn Christian Tørrissen. 3.
Lanterns in a shop in the Kapalıçarşı (Grand Bazaar) in Istanbul,
Turkey, 2009 by Laszlo Ilyes. 4. Grand Bazaar Shops, 2010 by 5. Istanbul Misir Carsisi, Spice Bazaar, Public Domain. 6. “Istanbul Spice Bazaar” 2007 by Takeaway. 6. The The mihrab, inside
Hagia Sophia, “Haga Sofia RB5″. Licensed under Creative Commons
Attribution-Share Alike 3.0 via Wikimedia Commons. 7.”Hagia Sophia
Interior Panorama” , 2010 by Ronan Reinart
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét