Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954-1975)


Phỏng vấn nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc 
Đinh Quang Anh Thái/Người Việt (thực hiện)
LTS: Vào hai ngày, 6 và 7 Tháng Mười Hai, sắp tới, hội thảo Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954-1975) sẽ được tổ chức tại nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Báo ở Westminster. Gần 20 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và nghiên cứu văn học tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Úc sẽ trình bày và phân tích những đặc điểm, thành tựu và ảnh hưởng của văn học miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975. Ban tổ chức gồm nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ và báo mạng Da Mầu. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, trưởng ban tổ chức hội thảo, dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, do nhà báo Đinh Quang Anh Thái thực hiện.


Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. (Hình: Trần Triết)
Đinh Quang Anh Thái (NV): Trước hết, anh có thể cho biết tại sao lại phải tổ chức một cuộc hội thảo về văn học Miền Nam thời kỳ 1954-1975?

Nguyễn Hưng Quốc: Có ba lý do chính. Thứ nhất, đó là một thời kỳ quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam với những thành tựu hiếm có so với thời kỳ trước cũng như sau đó. Thứ hai, đó cũng là một thời kỳ văn học bất hạnh, bị nhà cầm quyền Việt Nam sau năm 1975 tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ, hủy diệt và nhấn chìm vào quên lãng. Thứ ba, trong tình hình ấy, nếu chúng ta, giới cầm bút ở hải ngoại, không tiến hành một cuộc hội thảo nghiêm chỉnh để nhận diện các đặc điểm cũng như các thành tựu của nền văn học ấy thì cũng sẽ không có ai làm. Ở trong nước, nếu một ngày nào đó người ta tổ chức một cuộc hội thảo về đề tài tương tự thì có khi chỉ xuất phát từ một ý đồ chính trị, chưa chắc đã khách quan, và do đó, chưa chắc đã có giá trị khoa học. Có khi ngược lại.
NV: Trong cuộc hội thảo lần này có sự tham dự của nhiều cây bút đã từng tham gia hoạt động ở miền Nam trước năm 1975 không, thưa anh?
Nguyễn Hưng Quốc: Có, nhưng không nhiều, anh ạ. Có Luật Sư Trần Thanh Hiệp, một trong những thành viên của nhóm Sáng Tạo; hai nhà thơ Đỗ Quý Toàn và Du Tử Lê cũng như nhà văn Trần Doãn Nho.
NV: Tại sao không mở rộng để có nhiều người tham gia hơn, thưa anh?
Nguyễn Hưng Quốc: Chúng tôi đã liên lạc mời những nhà văn nhà thơ ở miền Nam trước đây nhưng phần lớn, do tuổi cao, khá yếu, nên không thể tham gia được, anh ạ.
NV: Đáng tiếc quá?
Nguyễn Hưng Quốc: Vâng, đó là điều rất đáng tiếc. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng một cuộc hội thảo về văn học miền Nam ở thời điểm này không những cần thiết mà còn khẩn thiết. Nếu để vài năm nữa, chưa chắc đã còn ai.
NV: Như vậy, đa số các thuyết trình viên là những người mới cầm bút sau năm 1975?
Nguyễn Hưng Quốc: Vâng.
NV: Anh có thể cho biết tên tuổi của những thuyết trình viên ấy được không?
Nguyễn Hưng Quốc: Ngoài bốn nhà văn và nhà thơ kể ở trên, trong cuộc hội thảo, còn có các nhà văn Phạm Phú Minh, Ngự Thuyết, Phùng Nguyễn, Đặng Thơ Thơ; các nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, Trịnh Thanh Thủy; các nhà thơ nghiên cứu văn học Trương Vũ, Hoàng Ngọc Tuấn, Bùi Vĩnh Phúc, Trangđài Glassey–Trần Nguyễn, và Đinh Từ Bích Thúy.
NV: Các thuyết trình viên ấy sẽ đề cập đến các vấn đề gì?
Nguyễn Hưng Quốc: Khá đa dạng, anh ạ. Có người đi tìm những đặc điểm chung của văn học miền Nam (Du Tử Lê, Bùi Vĩnh Phúc và Trần Doãn Nho); vị trí của nó trong tiến trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam nói chung (Nguyễn Hưng Quốc); vấn đề xuất bản và phát hành sách ở miền Nam (Phạm Phú Minh); ảnh hưởng của Tây phương trên một số nhà văn và nhà thơ (Hoàng Ngọc Tuấn); diện mạo của thơ trong những năm cuối cùng của miền Nam (Nguyễn Đức Tùng), vai trò của nhóm Sáng Tạo (Trần Thanh Hiệp và Trương Vũ); chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam sau năm 1975 đối với văn học miền Nam (Phùng Nguyễn); ảnh hưởng của văn học miền Nam đối với các thế hệ trưởng thành sau năm 1975 (Trangđài Glassey-Trần Nguyễn). Cũng có người đi vào một số khía cạnh khác, như vấn đề nữ quyền (Trịnh Thanh Thủy), khái niệm mẹ và di sản cho con trong một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nhã Ca, Trùng Dương... (Đặng Thơ Thơ); vấn đề giới tính và chính trị trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc (Đinh Từ Bích Thúy). Riêng nhà văn Ngự Thuyết thì sẽ trình bày cảm nghĩ của ông đối với thơ Thanh Tâm Tuyền.
NV: Anh có nghĩ là với những người không trực tiếp tham gia vào sinh hoạt văn học miền Nam mà lại tham dự với tư cách thuyết trình viên thì có ảnh hưởng gì đến vấn đề thẩm định nền văn học ấy không?
Nguyễn Hưng Quốc: Chắc chắn là có. Nhưng theo một chiều hướng tích cực. Những người cầm bút sau năm 1975 sẽ không biết nhiều về một số sinh hoạt cụ thể trong nền văn học miền Nam, những quan hệ chằng chịt và phức tạp giữa giới cầm bút với nhau hoặc giữa giới cầm bút và chính quyền, v.v... Nhưng tất cả những vấn đề này đều chỉ có tính chất giai thoại. Thiếu sự hiểu biết trực tiếp về những giai thoại ấy chẳng ảnh hưởng gì đến nhận định của giới nghiên cứu cả. Nghiên cứu là làm việc với văn bản chứ không phải với giai thoại. Làm việc với văn bản, điều cần nhất là khách quan. Để giữ được sự khách quan, cần nhất là khoảng cách. Cho nên có thể nói chính cái khoảng cách về không gian và thời gian ấy là một thuận lợi cho giới phê bình và nghiên cứu.
NV: Là một nhà phê bình, anh nghĩ gì khi có người cho rằng một trong những mất mát lớn nhất của văn học miền Nam là sự thiếu vắng các nhà phê bình?
Nguyễn Hưng Quốc: Ở miền Nam lúc trước, thật ra, cũng có một số nhà phê bình không thiếu tài hoa như Đặng Tiến, Huỳnh Phan Anh và Cao Huy Khanh; sau này, ở hải ngoại, Viên Linh và Võ Phiến cũng có những công trình nhận định về nền văn học ấy; đặc biệt, Võ Phiến với bộ Văn học Miền Nam đồ sộ, gồm nhiều tập, là những đóng góp quan trọng. Dĩ nhiên, ở đây, có hai điều cần để ý. Thứ nhất, không có một công trình phê bình hay nghiên cứu nào có thể được xem là hoàn hảo hay chung thẩm cả. Thứ hai, bất cứ một thời kỳ văn học hoặc bất cứ một tác giả và tác phẩm lớn nào cũng là đề tài để giới phê bình và nghiên cứu làm việc trong nhiều thế hệ, thậm chí, nhiều thời đại khác nhau. Với văn học miền Nam thời kỳ 1954-75 cũng vậy. Nếu cho đến nay, chưa có một công trình phê bình nào làm vừa ý mọi người thì đó cũng là điều bình thường. Việc bù lấp những khuyết điểm trong các công trình phê bình ấy là nhiệm vụ của các cây bút nghiên cứu hiện nay và sau này.
NV: Cám ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog