Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

TINH YÊU VÀ HÔN NHÂN


Nguyễn Đình Cống
Theo Facebook

Xin chú ý : Tôi chỉ trình bày một số suy nghĩ , quan điểm của bản thân mình để các bạn tham khảo, suy ngẫm, đối chiếu, liên hệ… chứ đây chưa phải là “ bài giảng”…các bạn thấy hay hay, đồng ý cũng được mà tìm cách phản bác lại sẽ tốt hơn, đừng vội xem lời viết ra là khuôn, là thước….


Khi nói A yêu B thì phải hiểu theo 2 cách. 1- là trạng thái tình cảm, 2- là một hành động.
1-Với trạng thái tình cảm, đó là sự rung động của con tim, lý trí ít hoặc không can thiệp mà mang tính bị động. Có nhiều mức độ : thích, mến, yêu, say đắm ( mê )…, nói chung là yêu. Thích là khi mới cảm nhận vẻ hình thức bên ngoài . Mến là khi đã có những hiểu biết về nhau, cảm phục nhau vì một vài tính cách nào đó. Yêu là khi đã có cảm nhận sâu sắc, đã hiểu biết về con người đó, thấy được ở B những điều đáng quý, đáng yêu, đáng tôn trọng. Say đắm đến mê muội là trạng thái của những người không biết tự chủ, quá yếu đuối, bị hớp hồn…( không nên để rơi vào tình trạng này ). Khi nói tình yêu sét đánh là mới chỉ ở mức thích vẻ bên ngoài chứ chưa có gì sâu sắc.( thích một cách sét đánh )
2- Yêu là một hành động, đó là việc làm có chỉ đạo của lý trí, chủ động. Khi nói A hãy yêu B thì đó không phải là trạng thái mà là một lời khuyên để hành động, A hãy tìm ra những nét, những đức tính… của B để chủ động yêu thương. .
Trước hết cần phân biệt rõ ràng : THICH và YÊU là ở 2 mức khác nhau. Nhiều bạn chỉ mới thích đã vội tưởng là yêu. Trong tiếng Nga, động thái thích bao giờ cũng ở dạng bị động. người ta không nói A thich B, mà nói B đã được A thích. Thích là cảm nhận thường xuất phát từ hình thức bên ngoài. Yêu là đã đi sâu vào nội tâm. Thích chỉ thuộc tình cảm còn yêu, ngoài tình cảm còn nên có sự can thiệp của lý trí, nghĩa là có suy nghĩ, có cân nhắc. Khi nói tình yêu chỉ cần sự rung động của con tim thì đó mới chỉ là tình yêu hình thức, mới chỉ ở mức thích mà thôi.. Tình yêu sét đánh thật ra chỉ mới là sự thích ở cao độ ( đã hiểu biết gì nhau nhiều đâu mà yêu ! ) .Ngoài việc nhầm lẫn giữa thích và yêu, bạn trẻ thường bị nhầm ở vài dạng khác. Khi nói A yêu ( thích) B thì A yêu cái gì ở B, là con người thật của B hay chỉ là những thứ tốt đẹp mà A gán cho B để thích, để yêu. A thường mơ mộng, mình sẽ yêu người như thế này, như thế kia, khi gặp B, thấy ở B có những nét mà mình thích, rồi chưa tìm hiểu kỹ, cứ vội gán cho B có những cái đó để rồi càng ngày càng lún sâu vào tình cảm …A tưởng yêu B nhưng thực ra A yêu những cái tốt đẹp mà A đã phóng đại lên để gán cho B 

Một điều hay bị nhầm nữa là khi nói A yêu B thì thực chất là A đang thực sự yêu ai. A yêu B hay đang yêu chính bản thân mình mà B chỉ là đối tượng để A thoả mãn tình yêu đó . Điều này nếu không phân tích kỹ thì hay bị nhầm. Tại sao A yêu, cái gì tạo ra trạng thái yêu, thích người khác giới…Đó là do sự phát triển tâm sinh lý từ bên trong mỗi người ở một giai đoạn nào đó, là nhu cầu tự bên trong muốn được thoả mãn, trước hết là tình cảm, sau là sinh lý. A đã gặp B và thấy người này có thể thoả mãn, đáp ứng nhu cầu của ta đây, thế là thích rồi yêu. Có phải A yêu B vì sự thân ái, sự kính trọng không, là nơi có thể gửi gắm tình cảm không hay chỉ là nhìn thấy ở đó có thể thoả mãn nhu cầu tình cảm của mình. Khi vài ba ngày không gặp nhau, A bảo tôi nhớ B lắm, nhớ đến quay cuồng, chỉ muốn chạy ngay đến gặp. Đó là vì B hay vì nhu cầu cần được thoả mãn của A. Có A đã hỏi B : tại sao tôi yêu B say đắm, sẵn sàng hiến dâng tất cả thế mà tại sao, tại sao, tại sao B vẫn hờ hững với tôi. Trả lời : A thích tôi là vì nhu cầu của A chứ có phải vì tôi đâu. A có quyền thích, yêu nhiều người nhưng không có quyền bắt người khác thích mình. A thích rồi yêu B, biết đâu chỉ là sự ngẫu nhiên, nếu không gặp B mà gặp C hoặc D trước thì có lẽ A đã thích nguoi kia 

Trong tình yêu có 2 trạng thái đối nghịch là dâng hiến và chiếm hữu. Khi A thật sự yêu B vì đã nhận thấy những đức tính, những tình cảm tốt đẹp, có được sự kính trọng thì trạng thái dâng hiến là chính, còn khi thực chất A tự yêu mình, lấy B làm đối tượng thì nhu cầu chiếm hữu là chính., A chỉ muốn B là của riêng mình, chỉ thuộc về mình. Cái sự A đang yêu ai ( yêu B hay tự yêu A) là một sự mà rất nhiều người nhầm, nhầm một cách thảm hại. Phải tỉnh táo và khách quan lắm mới nhận ra thực chất. Người ta nói vì quá yêu nên mới ghen. Đúng ! nhưng đó là quá yêu bản thân mình chứ không phải là quá yêu đối tượng. Khi quá yêu bản thân mình thì những thói xấu như ích kỷ, ganh ghét…có đất tốt để phát triển.

Tình yêu có nhiều mức độ : thơ ngây trong sáng, cao thượng, dung tục, si mê….Yêu thơ ngây, trong sáng là tình yêu tuổi học trò, mới lớn, là sự rung động, hồi hộp…, là niềm sung sướng khi nhận được một ánh mắt, nụ cười, một cái nắm tay truyền điện, là sự nhớ nhung, mơ tưởng. .., là chủ yếu thuộc về con tim…Tình yêu cao thượng là khi đã có hiểu biết về những cái tốt đẹp có thực của người ta, yêu vì nết, trọng vì tài…là đã có can thiệp của lý trí, là kết hợp giữa yêu thương và tôn trọng, kính trọng, không vụ lợi, không đặt quá cao sự chiếm hữu…Yêu dung tục là nặng về mong muốn thoả mãn nhu cầu tình cảm và sinh lý, muốn chiếm hữu, là chủ yếu tự yêu mình, lấy người ta làm đối tượng để thoả màn nhu cầu của mình. Yêu si mê là thuộc loại dung tục đến mức mù quáng, lý trí bị tê liệt, là nhu cầu về tình cảm đạt đến mức rất cao, là sự nhầm tưởng…chỉ có người ấy mới thực sự là của mình…Các bạn trẻ hãy tỉnh táo để ngăn ngừa, tránh xa kiểu si mê này. Thông thường tình yêu của các bạn trẻ là sự kết hợp giữa cao thượng và dung tục với mong muốn tiến tới hôn nhân. Tình yêu dung tục không có gì xấu, là cái bình thường của con người, tình yêu đó có thể dẫn tới hôn nhân tốt đẹp nếu người đó không có những tính xấu khó chấp nhận như quá ích kỷ, quá khó tính…Tuy vậy để có hôn nhân tốt đẹp thì ngoài phần dung tục còn cần có phần cao thượng.

Rất nên phân biệt giữa YÊU và HƯA HÔN. Người Việt nam hay bị nhầm lẫn giữa 2 chuyện này. Khi A và B nói yêu nhau thì đã ngầm hiểu là rồi đây sẽ tiến tới hôn nhân. Ơ nhiều nước ngoài người ta phân biệt rõ giữa 2 mức này. Yêu là chỉ trạng thái tình cảm, là sự quý mến nhau…, quan tâm tới nhau... chứ chưa có gắn kết về nghĩa vụ. Hứa hôn là có sự gắn kết trách nhiệm , nghĩa vụ bên cạnh tình cảm. Ơ ta, khi A,B nói trao cho nhau tình yêu là đã gần như đinh đóng cột là không sớm thì muộn sẽ cưới nhau. Có lẽ đây là sự nhầm lẫn tai hại giữa tình yêu và lời hứa hôn. Khi A đang yêu B, bỗng nói lời chia tay thì thường bị mang tiếng phản bội, hoặc giả B phát hiện thấy ngoài mình ra A còn có cảm tình với người khác thì cho rằng không chung thuỷ v.v… Tôi nghĩ tình yêu đạt đến hôn nhân là đẹp, nhưng nếu không tiến tới hôn nhân thì cũng không sao vì để kết hôn, ngoài tình yêu còn cần nhiều thứ khác nữa. Đó là “ hôn nhân 3 trong 1” mà tôi sẽ trình bày sau Sẽ là bất hạnh, không nên duy trì hôn nhân mà không có tình yêu. Chúng ta phản đối hôn nhân cưỡng bức ( phải hiểu đúng thế nào là cưỡng bức ! ) Cưỡng bức là có sự chống trả, không đồng ý nhưng bị bắt buộc phải tuân theo, bị ép buộc làm trái với mong muốn. Còn nếu tuy chưa yêu nhưng vẫn đồng ý, không chống đối, thì đó vẫn là hôn nhân tự nguyện. Trong hôn nhân cần có tình yêu nhưng tình yêu có thể đến trước hoặc sau khi cưới. Các cụ trước đây, trước khi cưới nhiều lúc chưa nói với nhau câu nào mà suốt đời yêu thương nhau, sống rất hạnh phúc, đó là tình yêu đã đến sau khi cưới. Tình yêu có thể đến cả trước và sau cưới, mà thông thường tình yêu đến sau sâu nặng và bền chặt hơn. Tình yêu đến trước, nhiều khi tưởng là sâu nặng, cố cưới nhau cho được bằng mọi giá…, nhưng nếu không khéo duy trì sau khi cưới thì cũng dễ tan vở. Tôi đã chứng kiến nhiều đôi, tưởng có thể chết vì nhau trước khi cưới nhưng đã tan vở nhanh chóng sau khi cưới. Mỗi người đều nói “ biết thế thì….”. Lý do vì sao ? Theo tôi các bạn đó đã có một nhận thức sai lầm tai hại, cho rằng chỉ cần có tình yêu là đủ để kết hôn, mà không biết rằng tình yêu chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn cần có, ngoài tình yêu hôn nhân còn cần nhiều điều khác quan trọng hơn ).

Tại sao yêu nhau say đắm, tưởng rằng không cưới nhau thì trên đời này không còn gì giá trị nữa, chỉ có thể chết….thế mà cưới nhau được ít lâu đã vội đưa nhau ra toà…Đó là vì đã nhận thức nhầm, dẫn đến xử lý sai về tình yêu và hôn nhân. 1- Khi A yêu B thường gán cho B những phẩm chất, đức tính tốt để yêu, trong lúc B có chưa đủ những thứ ấy, hoặc B đã không bộc lộ ra những cái ( không hẳn là xấu ) mà A không thích ( do tìm hiểu không kỹ ), đến khi chung sống A mới phát hiện đúng con người B thì thất vọng, mà không nghĩ ra, tìm ra cách khắc phục. 2- A tưởng là quá yêu B, thực ra là quá tự yêu mình, muốn và cần dùng B để thoả mãn nhu cầu . Khi nhu cầu đã phần nào được thoả mãn thì tình yêu bị giảm sút, Hơn nữa A nặng về đòi hỏi B phải thế này, phải thế kia để thoả mãn yêu cầu, khi B không kịp đáp ứng đầy đủ là sinh ra mâu thuẩn. A tưởng cưới được B sẽ có cái này, được cái kia, bây giờ không có ( hoặc chưa có ) thế là thất vọng, trách cứ nhau làm cho mâu thuẩn ngày càng tăng….3- Nhận thức nhầm là “ điều kiện cần và đủ của hôn nhân là tình yêu” mà quên rằng tình yêu chỉ chiếm một phần nhỏ . Trong hôn nhân điều quan trọng hơn là nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ…A nên bớt đòi hỏi B phải thế này, thế nọ, thế kia mà cần tự đòi hỏi mình phải làm gì cho B, cho gia đình để giữ và phát triển tình yêu ( sau cưới ). Các cụ trước đây giữ được tình yêu bền chặt chính là nhờ đề cao được nghĩa vụ với nhau. 4- Khi phát sinh mâu thuẩn, mỗi người không tự tìm cái sai, nhận cái sai của mình mà đề cao tự ái cá nhân rồi chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác, chỉ muốn bắt người khác theo mình mà không biết tự mình phải thay đổi một số điều để tạo nên hoà hợp.. Trong khi đang yêu có ai làm như vậy không, yêu nhau và tôn trọng nhau có làm vậy không

Nếu cần tóm tắt “ điều kiện cần và đủ” để tình yêu và hôn nhân được hạnh phúc, bền chặt vào trong chỉ 1 chữ, thì đó là chữ “ Hợp” (hoà hợp, hợp nhau…). Có 2 phạm vi, 2 khía cạnh của hợp : về xã hội và về tâm linh. 1- Hợp về xã hội- trước hết là tình cảm, thích , yêu , quý mến ,tôn trọng, thông cảm , biết chia sẻ với nhau…, là có cùng quan điểm về cuộc sống, về xã hội, về tôn giáo, chính trị, là có cùng hoàn cảnh, cùng chí hướng, cùng sở thích , và quan trọng là nhận thức và việc làm thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ ….Các bạn trẻ thường quan tâm nhiều đến những điều này, nhưng lại nặng về tình yêu mà chưa chú ý đúng mức đến trách nhiệm, nghĩa vụ.. 2- Hợp về tâm linh- Đó là việc xem tuổi tác, can chi xung hay hợp, ngũ hành sinh hay khắc, bát quái thuộc cung nào…Một số bậc cha mẹ hay quan tâm đến điều này. Đã có trường hợp 2 ban yêu nhau say đắm, rất hợp nhau về mặt xã hội nhưng cha mẹ không cho kết hôn chỉ vì can chi xung khắc…..Nếu lượng hoá, cho tối đa 100 điểm thì tôi sẽ cho phần xã hôi từ 50 đến 55 điểm, phần tâm linh 45- 50.( kiểu như chấm điểm bài thi hoặc chấm điểm thi đua…). Sẽ đánh giá điểm của từng mục, từng phần rồi cọng lại, được trên 90 là lý tưởng, trên 80 là tuyệt vời, trên 70 là rất tốt, trên 60 là tốt, trên 50 là có thể chấp nhận. ..Tôi đã từng góp ý với một số cha mẹ để cho các con kết hôn khi bị cấm đoán vì không hợp tuổi….
Trong quá trình yêu chớ quá chú ý đến việc thoả mãn nhu cầu tình cảm, sung sướng khi được gặp nhau, được chuyện trò…mà nên tìm hiểu kỹ về những điều hoà hợp, có khi còn phải biết thử thách…để người yêu bộc lộ đúng bản chất của mình. Sau một thời gian, thấy đã có được hoà hợp mới nên đặt vấn đề hứa hôn. Sau hứa hôn càng cần tìm hiểu kỹ hơn, nếu phát hiện ra nhiều điều không hợp thì nên mạnh dạn thoái hôn.
Hôn nhân 3 trong 1. Đó là 3 con người trong cùng một con người : Người bạn tình, người chủ gia đình , người cha ( mẹ ) của các con . Tính chất, tiêu chuẩn, yêu cầu của 3 người này có chỗ giống nhưng có nhiều chỗ khác và mâu thuẩn nhau. Để có hôn nhân tốt đẹp cần có sự kết hợp hài hoà giữa 3 con người này. 1- Là bạn tình, đó là sự hấp dẫn bề ngoài, là thích, yêu, là sự quan tâm, là những món quà, tặng phẩm kỷ niệm, là sự galăng của các chàng, sự thuỳ mị, nhí nhảnh của các nàng…, là sự hoà hợp trong quan hệ tình dục ( sau cưới )….2- Là người chủ gia đình, đó là khả năng tự lập và tổ chức cuộc sống, là biết chăm lo đến thu nhập kinh tế, biết cân bằng thu chi, biết cách đối xử hai bên nội ngoại và các quan hệ bạn bè của cả hai phía, là khả năng phát hiện và giải quyết mâu thuẩn phát sinh…3- Là cha hoặc mẹ của các con. Đó là khả năng biết nuôi và dạy con một cách hợp đạo lý, là biết gương mẫu trong sinh hoạt và đối xử, là biết gây dựng nguồn phúc đức và truyền thống tốt đẹp ( tài sản tinh thần ) để lại cho con cháu ( không nhất thiết phải để lại nhiều tài sản vật chất ).

Các bạn trẻ khi yêu thường chỉ chú ý đến con người bạn tình, ít hoặc không biết đánh giá 2 con người còn lại. Điều này thì ông bà, cha mẹ biết nhiều hơn, có kinh nghiệm hơn. Vì vậy khi quyết định kết hôn cần kết hợp với ông bà cha mẹ trong việc đánh giá. Cũng có ý kiến cho rằng nên thêm một tiêu chuẩn thứ 4 là biết hoà nhập với gia đình mới ( tình trạng mẹ chồng, nàng dâu…), theo tôi tiêu chuẩn này là phụ, có được thì tốt hơn, nếu không có được thì tìm cách nhanh chóng ra ở riêng là xong. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog