Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Gone With The Wind - Cuốn Theo Chiều Gió

Hoàng Nhất Phương




Năm 1936 khi "Gone With The Wind," của nữ văn hào Margaret Mitchell (8-11-1900 * 16-08-1949) được ông David O. Selznick - giám đốc hãng phim Selznick International Pictures - xuất bản, không chỉ người Mỹ mà toàn thể độc giả trên thế giới đều yêu thích quyển tiểu thuyết sử thi lãng mạn này. Sau đó "Cuốn Theo Chiều Gió" chuyển thể thành phim, trình chiếu đầu tiên tại Atlanta ngày 15-12-1939, đã được khán giả toàn thế giới cuồng nhiệt bày tỏ lòng yêu thích. Thời gian đi không đợi; đã 77 năm trôi qua nhưng cho đến nay sức sống mãnh liệt và tình yêu vĩnh hằng của các nhân vật Scarlett O’ Hara, Melanie Hamitton, Rhett Buttler, Ashley Wikes…vẫn khiến nhân loại phải nao lòng. Không chỉ người đồng thời với Margaret Mitchell mà cả những thế hệ sau này, vẫn nhận ra nỗi niềm bi thiết, những điều thăng trầm được mất, khi xem "Gone With The Wind." Nữ tài tử Vivien Leigh trong vai Scarlett O'Hara, và nam tài tử Clark Gable trong vai Rhett Butler, đã để lại dấu ấn tuyệt đẹp đến nỗi người ta cho rằng Vivien Leigh chính thật là Scarlett ngoài đời, và không một ai thể hiện xuất sắc tâm tánh và phong cách của Rhett cho bằng Clark Gable.

Đêm trước ngày xảy ra Cuộc Nội Chiến Tại Hoa Kỳ - American Civil War 1861, Scarlett O’Hara đang sống ở Tara, nơi có đồn điền trồng bông của gia đình cô. Scarlett biết Ashley Wilkes (Leslie Howard) - người cô thầm yêu - sẽ kết hôn với Melanie Hamilton (Olivia de Havilland). Lễ cưới được thông báo trong bữa tiệc tổ chức tại đồn điền Twelve Oaks của gia đình Wilkes. Scarlett tìm cách thố lộ tình cảm với Ashley, yêu cầu anh đi trốn với cô. Nhưng Ashley cự tuyệt, bởi vì anh yêu qúy bản tính dịu dàng, hiền lành của Melanie hơn là cá tánh ương ngạnh, cứng cỏi của Scarlett. Trong lúc đó các thực khách, đặc biệt là những người đàn ông, tỏ thái độ lạnh nhạt với anh chàng Rhett, bởi vì anh ta nói chiến tranh sẽ có thể xảy ra, và rằng Miền Nam không thể nào chống lại sức mạnh công nghiệp cũng như nhân số đông đảo của Miền Bắc. Scarlett bị vẻ đẹp đầy nam tính của Rhett thu hút, và có chút e ngại khi tình yêu thầm kín của cô với Ashley bị Rhett phát giác. Bữa tiệc bất ngờ gián đoạn vì hai miền Nam Bắc tuyê nbố chiến tranh. Những người đàn ông vội vã ra chiến trường.
Giữa không khí đầy bất ổn và hỗn loạn, Scarlett bằng lòng kết hôn với Charles Hamilton (Rand Brooks) - em trai của Melanie. Hai tháng sau cô trở thành góa phụ, vì Charle qua đời vì viêm phổi và bệnh đậu mùa, khi đang phục vụ trong quân đội của Miền Nam. Muốn con gái bớt buồn, mẹ của Scarlett gửi cô đến sống với gia đình Hamilton. Nhưng bà vú Mammy (Hattie McDaniel) khẳng định Scarlett chịu đến đó, chỉ vì muốn đợi Ashley trở về. Câu chuyện bắt đầu sang bước ngoặt khác, khi Scarlett gặp lại Rhett trong một bữa tiệc gây qũy từ thiện ở Atlanta. Nội tâm và tình cảm của Scarlett bắt đầu biến động khi cô rơi vào vòng tay của Rhett.
"Cuốn Theo Chiều Gió" ban đầu do George Cukor, Sam Wood đạo diễn, nhưng cuối cùng người chính thức được ghi tên là đạo diễn Victor Fleming. Mặc dù chưa thể hiện trọn vẹn nội dung của tác phẩm, mặc dù có những màn dàn dựng cồng kềnh dư thừa, nhưng năm 1940 "Gone With The Wind" đã nhận được mười ba đề cử trong giải Oscar lần thứ 12. Ban giám khảo đã trao mười giải cho "Cuốn Theo Chiều Gió" trong đó có: Giải dành cho Phim Hay Nhất (Best Picture), Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất (Best Director), Kịch Bản Phóng Tác Hay Nhất (Best Adapted Screenplay), Nữ Tài Tử Chính Xuất Sắc Nhất (Best Actress), và Nữ Tài Tử Phụ Xuất Sắc Nhất. Bộ phim đã thiết lập kỷ lục mới nhờ tổng số giải đề cử và giải thưởng đạt được. Năm 1989 "Gone With The Wind" được chọn bảo quản trong Thư Viện Quốc Gia (Library of Congress). Năm 1998, Viện Điện Ảnh Mỹ xếp "Gone With The Wind" trong danh sách Top Ten của 100 bộ phim hàng đầu của Hoa Kỳ. Ngoài ra, diễn xuất của nữ tà itử Vivien Leigh được công chúng và các nhà phê bình điện ảnh hết sức tán thưởng. Họ khẳng định cô xứng đáng nhận tượng vàng Oscars, và được sinh ra để đóng vai Scarlett.
Có thể nói "Gone With The Wind" là tác phẩm tổng hợp rất nhiều vấn đề hiện thực trong đời sống của người dân Mỹ, suốt thời gian nội chiến. Giữa bối cảnh đổ nát hoang tàn, trước sự tổn thất không tránh khỏi của chiến tranh, mỗi một nhân vật hiện diện trong gia đình Butler, gia đình O’Hara - chủ nhân của đồn điền Tara; gia đình Wilkes - chủ nhân của đồn điền Twelve Oaks; gia đình Hamilton, gia đình Tarleton - chủ nhân của đồn điềnFairhill; gia đình Fontaine - chủ nhân của đồn điền Mimosa; gia đình Munroe - chủ nhân của đồn điền Lovejoy; gia đình Calvert - chủ nhân của đồn điền Pine Bloom; gia đình Merriwether…, đều đã để lại những ấn tượng riêng trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Đặc biệt nhất vẫn là hình ảnh của Scarlette và Melanie. Scarlett đẹp rực rỡ, yêu cuồng nhiệt sống đam mê, tánh tình ích kỷ; nhưng dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào, Scarlett vẫn luôn là người tự chủ, cương nghị. Melanie rộng lượng, dịu dàng, mong manh, có phần yếu đuối; tuy nhiên khán giả không khỏi kinh ngạc trước sự kiên cường bảo vệ tình yêu của cô. Cả Scarlett và Melanie đều là những người phụ nữ mạnh mẽ, dám sống, dám yêu, dám chịu trách nhiệm.
Sau những mất mát và hy sinh, sau những chia ly và tổn thất, những con người bị cuốn theo chiều gió vẫn can đảm đứng vững trên đôi chân của riêng họ, vẫn hăng hái tìm kiếm và xây dựng tương lai, bởi vì họ tin rằng ngày mai là một ngày khác hơn hôm qua - một ngày đầy tin yêu và hy vọng. Đây chính là thông điệp của "Gone With The Wind."
Hoàng Nhất Phương
2:27pm Thứ Bảy ngày 9 tháng 11 năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog