Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Nhật ký vui vẻ, "cái dại" của châu Âu (I)

GS Nguyễn Đình Cống
Giới thiệu Vừa qua, trong 1 tháng tôi đã đi chơi qua 9 nước châu Âu (Pháp, Bỉ, Hà lan, Đức, Áo, Ý, Ba lan, Latvia, Lestôni), vừa kết hợp du lịch với thăm con cháu và thông gia. Chẳng là tôi có 1 con gái lấy chồng Hà lan, 1 đứa khác lấy chồng người Ý nhưng lại làm việc ở Pháp. Tôi tự thấy mình già rồi, chẳng muốn đi đâu xa cả, thế nhưng con và thông gia mời mọc nhiếu quá, bà vợ rất thích đi nhưng không thể đi một mình nên tôi đành tháp tùng. Đi một ngày đàng học 1 sàng khôn. Tôi đi 1 tháng qua 9 nước nên cũng học được nhiều thứ. Nhưng điều vui vẻ mà tôi muốn chia sẻ là thấy “cái dại” của thiên hạ.Tôi cứ lấy “cái hay, cái khôn” của dân ta ra mà xét, mà so sánh thì mới thấy thiên hạ có nhiều điều quá dại khờ, dân ta mới thật khôn ngoan, đảng ta mới thật sáng suốt. Tôi muốn được trẻ lại để sang châu Âu tuyên truyền nền văn hóa, phong tục tốt đẹp của chúng ta, sự tiên tiến của chế độ chính trị của chúng ta để cho thế giới phải ca ngợi chúng ta là số 1, không những dẫn đầu về cách mạng giải phóng dân tộc mà còn dẫn đầu thế giới nhiều thứ (chỉ hơi bị kém một chút về phát triển kinh tế, nhưng đó là do lỗi của bọn đế quốc ). Tôi xin ghi lại một phần sự thật (làm sao có thể ghi được toàn bộ, mà như người ta nói, nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, còn một nửa của sự thật thì có khi là dối trá). Tôi chỉ nhằm mục tiêu vui vẻ thôi, còn dối trá đến đâu xin tùy các bạn phân xử.

Chuyện số 1
Dân Châu Âu quá mất cảnh giác. Tôi đi qua nhiều nước bằng ô tô thế nhưng chẳng phải dừng lại ở một biên giới nào để trình giấy tờ cả. Từ Paris đi đã 5 giờ mà chưa dừng chỗ nào, tôi hỏi sao mãi mà chưa đến biên giới Pháp - Bỉ. Con tôi cười bảo, ba ơi đã qua biên giới lâu rồi. Tôi bảo, biên giới quốc gia chứ có phải rừng hoang đâu, sao không có biên phòng, không có trạm gác, thế thì bọn khủng bố, bọn buôn lậu tự do ra vào đất nước à, quá mất cảnh giác. Thời đại này là thời nào cơ chứ, gián điệp, buôn lậu, tội phạm, nhập cư trái phép nhan nhản khắp nơi, thế mà biên giới quốc gia không canh phòng nghiêm ngặt thì làm sao bảo vệ được Tổ quốc. Tại sao các con làm việc lâu năm ở đây mà không góp ý kiến với chính phủ.
Trời ơi, cứ để tự do thế này là không thể được, không thể được. Tôi dặn con, khi nào qua biên giới vào Hà lan phải chạy chậm lại và chỉ cho ba xem. Đây rồi, biên giới, không đồn bốt, không lính gác, không có ba-ri-e, không có cả biến báo cho rõ ràng. Chúng nó chẳng đến Việt nam mà tham quan, mà học tập. Từ tỉnh này qua tỉnh khác chúng ta làm những biển báo to vài chục mét vuông, dặt cao trên 4; 5 mét, viết rõ ràng Tỉnh XY xin kính chào quí khách, ở xa hàng mấy trăm mét vẫn đọc được. Đàng này ở biên giới quốc gia của họ chỉ có tầm biển chưa đến 1 mét vuông, dặt gần sát ngay mặt đường, vẽ một vòng 12 ngôi sao, tên nước viết bé tí xíu, có đến sát mới đọc được. Thể thì phong độ của đất nước để vào đâu.
Qua 9 nước, khi ở khách sạn, khi ở nhà dân (nhà con, nhà thông gia, nhà thuê), không nơi nào phải trình báo công an hộ khẩu, người ngoại quốc mà muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở. Thế thì còn đâu là an ninh trật tự xã hội, thế thì quản lý người lạ như thế nào. Họ chẳng biết sang ta mà học tập cách quản lý hộ khẩu, quản lí như ta mới thật sự chặt chẽ để bảo vệ nhân dân, chứ như họ thì thật là quá mất cảnh giác.
Chuyện số 2
Ở Châu Âu không thật sự có kinh tế thị trường. Ở ta, thời kinh tế bao cấp mọi hàng hóa đều do Mậu dịch quản lý, phân phối theo tem phiếu, không có cạnh tranh, không cần quảng cáo. Đến khi đảng lãnh đạo mở cửa thì mọi người mới biết đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường là quảng cáo và cạnh tranh. Để biết quảng cáo như thế nào thì chỉ cần đi dọc các con đường (đặc biệt từ sân bay Nội bài về Hà Nội) sẽ thấy bao nhiêu là biển quảng cáo, cái nào cũng lớn vài chục mét vuông, đặt trên những hệ kết cấu chắc chắn, bất chấp gió bão cấp cao nhất (bão đến, nhà sập, biển quảng cáo không sập). Để biết thế nào là cạnh tranh à. Thì cứ xem nhà ở hai bên phố và các biển hiệu. Nhà làm trước đã cao rồi, nhà làm sau phải cao hơn một chút. Ngay ở các nghĩa địa, mộ xây trước đẹp rồi, to rồi, mộ xây sau lại to hơn một chút. Biền hiệu à, cửa hàng bé thôi nhưng biển hiệu phải thật lớn. Một quán bán bia, bán cà phê diện tích mặt bằng vài chục mét vuông (thậm chí chỉ vài mét vuông) cũng làm biển hiệu to hết cỡ. Biển treo sau cố làm to hơn biển treo trước ở bên cạnh. Biển hiệu dày đặc phố phường, cái này sát vào cái kia, cái trên cao, cái dưới thấp, cái xanh đỏ, cái tím vàng, làm tăng thêm vẻ đẹp và sự nhộn nhịp của phố phường.
Tôi đã đi qua nhiều con đường, qua nhiều thành phố châu Âu, chẳng thấy nơi nào có quảng cáo và cạnh tranh kiểu như vậy. Thế thì kinh tế thị trường ở đâu, không khéo chỉ nói ngoài mồm mà thực chất thì chưa có kinh tế thị trường thực sự. Thế mà không biết sang VN mà học tập kinh nghiệm. Trong việc phát triển KT thị trường, có lẽ chúng ta đi sau một số nước như Mỹ và Nhật nhưng đã vượt lên trước các nước châu Âu. Nếu các nước không biết để đến học thì có lẽ chúng ta nên đem các thành tựu, các kinh nghiệm đi phổ biến để giúp các nước theo kịp chúng ta. Làm được như thế sẽ nâng cao địa vị của VN trên trường quốc tế, cái gì chứ nguồn thu do du lịch sẽ tăng. Người ta sẽ chen nhau đến VN để học kinh nghiệm làm bảng quảng cáo, làm biển hiệu, cách thiết kế, xây nhà và mồ mả cái sau to hơn cái trước.
Dân châu Âu cũng không biết làm kinh tế, để lãng phí nguồn thu rất lớn. Đi ô tô hàng mấy trăm cây số, thỉnh thoảng mới gặp một trạm thu phí, thế thì lấy tiền đâu mà sửa chữa đường. Hai bên đường ô tô chẳng thấy các quán hàng cơm phở. Thế thì giải quyết chuyện ăn uống của khách đi đường như thế nào, lại vừa lãng phí đất đai hai bên đường, thật chẳng biết làm kinh tế. Họ phải nên học VN, chỉ vài chục cây số là có trạm thu phí, thế là vừa tăng được ngân sách vừa tạo công việc cho nhiều người, trong vùng dân cư hai bên đường đất là vàng, phải biết triệt để lợi dụng để làm hàng quán.
Ở nhiều nơi đường phố có vỉa hè khá rộng, thế mà chỉ để không cho người đi bộ, họ không biết lợi dụng vỉa hè để buôn bán như ở ta, thật lãng phí, thấy những vỉa hè rộng rãi không được lấn chiếm để kinh doanh, làm tăng thu nhập cho xã hội mà tiếc, mà xót xa.
Chuyện số 3
Dân châu Âu không tình cảm, không lịch sự. Vợ chồng tôi ở chơi với mỗi nhà thông gia vài ba ngày. Đến bữa ăn, sau khi được con cháu mời ngồi vào bàn thì ai muốn ăn gì, ăn bao nhiêu thì ăn, họ không hề mời mọc, không hề lấy thức ăn bỏ vào đĩa cho chúng tôi. Thế thì tình cảm ở đâu, lịch sự ở đâu. Chẳng được như ở ta, khi ăn mọi người quan tâm lẫn nhau, gắp thức ăn cho nhau, thế mới tỏ ra thân mật hoặc kính trọng chứ. Tôi đem chuyện tâm sự với con thì được chúng nó giải thích: Thế ba có biết phong tục tốt đẹp gắp thức ăn cho người khác là gì không. Ẩn dấu đàng sau nó là một số điều mà dân châu Âu không thể chấp nhận. Tôi hỏi điều gì. Một phong tục từ nghìn đời tổ tiên truyền lại chỉ có tốt đẹp mà thôi. Con bảo là ẩn dấu, ẩn ở đâu, dấu ở đâu mà một người như ba lại không thấy. Con tôi cười, bảo rằng, ba, dù cho là GS TS thì cũng bị ảnh hưởng của truyền thống dân tộc. Điều ẩn dấu thứ nhất “Gắp thức ăn cho người khác khi họ có thể tự gắp được là hành động tốt của những người nghèo đói”. Tại sao phải gắp thức ăn cho người khác, tại vì số lượng bị hạn chế, không đủ cho mọi người ăn một cách thoải mái, người ta sợ rằng không nhanh tay gắp cho người khác thì có ai đó nhanh mồm hơn ăn mất. Nếu thức ăn nhiều và chất lượng như nhau, ai muốn ăn bao nhiêu có bấy nhiêu thì chắc không phát sinh phong tục mời mọc, nhường nhịn đến vậy. Tại sao cần nhường nhịn, cơ bản là tại không đủ. Lại gặp trường hợp có người tự cho mình nghĩa vụ được gắp thức ăn cho mọi người, ẩn sau cái nghĩa vụ tốt đẹp ấy là cái quyền được phân phối, được thỏa mãn cái tôi thích quyền hành.
Quyền được phân phối là một quyền quan trọng, không nắm được quyền đó trong xã hội thì ta tự thỏa mãn bằng cách phân phối thực phẩm trong bữa ăn. Có những lúc người được gắp thức ăn phải chấp nhận sự áp đặt vì đang muốn ăn thứ khác thì bị gắp cho thứ không muốn hoặc không thể ăn. Nghe con phân tích mà tôi cũng hơi tỉnh ngộ ra.
Nhân tiện tôi hỏi các con và rể có biết các ngày kỷ niệm của gia đính sếp không (ví như ngày sinh của sếp, của cha mẹ vợ con sếp, ngày giỗ tổ tiên sếp v.v...). Chúng hỏi biết để làm gì, chẳng phải chúng nó mà nhiều người cũng không biết. Tôi nói ở ta cán bộ, nhân viên phải biết những ngày, những dịp như vậy còn để mang phong bì, quà cáp đến chúc mừng nhằm thể hiện tình cảm chứ. Không phong bì, không quà cáp thì hỏi có gì là tình cảm, có gì là lịch sự. Chuyện này dân châu Âu còn phải học tập, noi gương chúng ta nhiều.Thôi thì dân châu Âu thế nào kệ họ, các con là người Việt, cần phải biết và phát huy cách thể hiện tình cảm của dân tộc, mà cách thể hiện như thế mới phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây.
Chuyện số 4
Dân châu Âu không biết thi đua. Tôi hỏi con và rể năm vừa rồi có được bầu là lao động tiến tiến hoặc chiến sĩ thi đua, gia đình có được bình bầu là gia đình văn hóa hay không. Chúng nó ngạc nhiên, hỏi lại, được thế để làm gì. Trời ơi, thì ra ở đây nhân dân, viên chức không biết thế nào là thi đua. Đến lượt tôi ngạc nhiên. Không thi đua thì làm sao làm tôt được mọi công việc, làm sao tăng năng suất lao động, không bình bầu thi đua thì làm sao biết ai đã hoàn thành tốt công việc. Không có danh hiệu thi đua thì căn cứ vào đâu mà khen thưởng. Hỏng, hỏng, một xã hội không thi đua thì làm sao tiến bộ được. Thế mà nhiều năm nay dân châu Âu không biết sang VN mà học tập. Không biết các đoàn cao cấp của nhà nước đi lại thăm hỏi nhau nhiều mà sao không truyền bá được thi đua sang châu Âu, không khéo cả châu Mỹ, châu Phi cũng không biết thi đua.
Quyền được phân phối là một quyền quan trọng, không nắm được quyền đó trong xã hội thì ta tự thỏa mãn bằng cách phân phối thực phẩm trong bữa ăn. Có những lúc người được gắp thức ăn phải chấp nhận sự áp đặt vì đang muốn ăn thứ khác thì bị gắp cho thứ không muốn hoặc không thể ăn. Nghe con phân tích mà tôi cũng hơi tỉnh ngộ ra.
Tôi giảng cho con cháu, thi đua do Bác Hồ phát động năm 1948 để chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Thi đua là động viên tinh thần. Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Nhờ thi đua mà nhân dân ta thắng giặc và phát triển kinh tế, thi đua là động lực rất tốt. Rõ ràng, theo mệnh đề của Bác mà suy thì không thi đua là không yêu nước. Con tôi lại cười và muốn giải thích. Tôi định ngăn lại, nghĩ rằng chúng mày lại muốn dạy khôn cho ba à, mà ba là ai chứ, là GS TS, một người gần kề cận tuổi 80, thế nhưng tôi cứ im lặng để nghe. Chúng nó hỏi ba biết cái hay của thi đua thế có biết cái dở của nó không. Tôi vô cùng ngạc nhiên, thi đua chỉ có hay, chỉ có tốt chứ làm gì có chỗ nào dở. Trời ơi không khéo con tôi, tôi mất công nuôi dạy, cho ăn học nay lại quay ra phê phán cha ông.
Thôi thì đành nghe chúng nó nói xem sao. Đầu tiên cái con cử nhân khoa học nói: Chính ba bảo Bác Hồ tuyên bố thi đua để chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thế bây giờ làm gì còn các thứ giặc ấy nữa. Thi đua là động viên tinh thần để người ta làm tốt hơn, trong chiến tranh cần phải động viên tinh thần và động viên như vậy là hay, là đúng, là có hiệu quả cao, còn bây giờ trong nền kinh tế thị trường liệu việc động viên như thế có còn tác dụng nữa hay không. Tôi bảo, sao lại không còn, còn quá đi chứ. Nó cãi, con hỏi ba, có 2 thứ đều tốt, thứ A tốt 5, thứ B chỉ tôt 2, cho ba tự do, ba chọn thứ nào. Tôi bảo, mày tưởng tao ngu lắm hả, chỉ là ngu vừa vừa cũng biết chọn cái tốt hơn chứ. Nó bảo, thì thế, thế có cái tốt hơn thi đua sao người ta không chọn. Tôi hỏi đó là gì, nó bảo, đó là việc trả công theo đúng thành quả lao động. Trước đây vì không đủ tiền nên động viên thi đua mới có tác dụng, ngày nay phải lấy động lực kinh tế để khuyến khích. Thi đua còn có một điểm không hay là phải bình bầu. Việc bình bầu thời gian đầu còn có tác dụng, về sau này phần lớn chỉ là hình thức, mất thời gian, người ta thường làm cho qua chuyện. Tôi giải thích, thi đua cũng có tiền thưởng chớ sao. Chúng nó cãi, đồng ý, được bình bầu là chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động sẽ có tiền thưởng nhưng liệu tiền thưởng ấy có bằng với việc trả công cho xứng đáng hay không. Tôi nói, ừ thì tiền thưởng không bằng nhưng còn có bằng khen, giấy khen, còn vinh dự nữa chứ. Chúng nó bảo, những người thời đại ba cần những giấy khen và vinh dự như thế, còn chúng con không cần, chúng con cần cái thực chất hơn. Nếu con làm được gấp đôi mà được trả công gấp đôi thì con sẽ cố mà làm được gấp ba, gấp bốn chứ chẳng cần thi đua với ai cả. Tôi cố cãi, vừa trả công xứng đáng, vừa thi đua thì chỉ tôt hơn chứ sao.
Bây giờ cái con thạc sĩ kinh doanh mới lên tiếng. Ba ơi, có lẽ không phải thế. Khi đã phát hiện một thứ gì đó đã lỗi thời mà không dám mạnh dạn từ bỏ để tập trung cho cái hiệu quả hơn thì cái lỗi thời sẽ níu kéo, sẽ làm tổn hao năng lượng. Con thấy chúng ta vẫn hô hào duy trì và mở rộng thi đua chẳng qua là có một tầng lớp được lợi vì chuyện đó hoặc có thể dựa vào chuyện đó, còn nhìn chung cả xã hội thì thi đua không còn thích hợp nữa. Ba xem các nước châu Âu không đâu có thi đua mà họ đã phát triển như thế nào. Tôi chất vấn, các con bảo thi đua chỉ làm lợi riêng cho một số người, đó là ai. Chúng nó bảo, đó là cán bộ trong các ban xét thi đua ở các cấp, không có thi đua thì những người này biết làm gì, kiếm bổng lộc ở đâu, thứ hai là lợi cho những người năng lực bình thường, có nơi nào trả công theo thành quả lao động thì họ không những chẳng được lợi gì mà còn có thể bị thiệt, thứ ba lợi cho những thủ trưởng không có năng lực đánh giá nhân viên, phải dựa vào sự bình bầu. Khi chưa có đường tốt, chưa có xe tải tốt mà có được chiếc xe thô sơ, chiếc xe đạp thồ thì quá quí, còn khi đã có xe tốt, có đường tốt mà vẫn khuyến khích dùng xe thô sơ và xe đạp thồ nếu không phải là bịp bợm thì cũng là khờ dại, vì rằng khi quá quan tâm đến cái này thì dễ thờ ơ với cái khác. Tôi nghe bọn con phân tích mà hoang mang, có lẽ tôi phải kiểm lại nhận thức của mình. Ừ nhỉ, dân châu Âu không thi đua thì nhờ cái gì mà họ tiến bộ nhanh như vậy.
Tôi hỏi. Bác Hồ dạy thi đua là yêu nước, thế không thi đua nữa thì sao. Cái con thạc sĩ giải thích. Ba ơi lời dạy của Bác rất đúng vào thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, ngày nay e không còn đúng. Ví như con nói ăn khoai no bụng, vậy không ăn khoai nữa mà ăn bánh thì sao, lẽ nào chỉ có ăn khoai mới no còn ăn các thứ khác không no. Câu của Bác hiểu xuôi thì đúng trong một hoàn cảnh nào đó còn theo lôgic thì không thể suy luận ngược lại. Cũng như con nói: nhờ có chúng con mà ba mẹ được sang chơi châu Âu, có đúng không. Mẹ chúng nó bảo : rất đúng, đúng quá đi chứ. Tôi cũng tán thành. Con tôi lại hỏi. Thế nếu không có chúng con thì ba mẹ không thể sang châu Âu, có đúng không. Bà xã nhà tôi ngần ngại, không trả lời mà hỏi tôi, con nói vậy có đúng không, vì theo bà nghĩ thì có lẽ đúng. Tôi trả lời dứt khoát là không đúng. Không có chúng mày mà tao muốn đem mẹ mày đi chơi đâu chẳng được, miễn là tao có ý thích, có tiền và sức khỏe. Các con, rể, cháu tôi nghe vậy vỗ tay hoan hô.
(còn nữa)
(*) tựa đề Dân Luận đặt lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog