Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Nguyễn Quý Đại – ĐƯỜNG VỀ LA MÃ (Phần III)

image001Lịch sử 300 năm đầu của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô, xét về phương diện bên ngoài, thật là thê thảm: tiếp theo Đấng Sáng Lập, Các Tông Đồ, Môn Đệ và những kẻ tin theo Người đã bị cấm đạo và bách hại, nghĩa là mất quyền công dân, bị tước đoạt tài sản, bị bỏ tù, tra tấn dả man và bị hành quyết, thậm chí sau khi chết không còn được chôn cất trong mộ lộ thiên, mà phải xuống hầm sâu, do đó có các hang toại đạo Catacombe. Nhưng sau nhiều đời mà các Hoàng Đế Roma hết sức tàn ác với Đạo Công Giáo như thế, thì từ năm 313 Hoàng đế Constantin I, ký một sắc lệnh „chiếu chỉ“ ở Milano (Mailänder Vereinbarung/ Edit of Mailan) chính thức tha đạo. Đây là một trong những thay đổi lớn nhất trong lịch sử nhân loại, thay đổi hẳn bộ mặt của nền văn minh La Mã lâu đời.
Hoàng đế Constantin I sinh năm 280, năm 306 trị vì Đế quốc La Mã cho đến khi mất †22.5.337 được tôn vinh là một Đại Đế. Năm 313-318 ngài cho xây Đền Thánh đầu tiên cho
Đức Giáo Hoàng (Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan) ở Điện Laterano để dâng kính Chúa Cứu Thế,  (Basilica di San Giovanni in Laterano), là Nhà Thờ Chính Tòa của Roma. Thánh Đường nầy được ĐGH Sylvester (triều đại 314-†335) thánh hiến năm 324 và từng mang danh hiệu là „OMNIUM URBIS ET ORBIS ECCLESIARUM MATER ET CAPUT“, Mẹ và Đầu của tất cả các thánh đường ở Roma và trên thế giới.

Triều đại ĐGH Gregorio I (590-†604) đền thờ được dâng kính thêm cả hai Thánh Gioan (a) Tẩy Giả và Thánh Gioan (b) Tông Đồ (tiểu sử hai Thánh Gioan theo mục A và B kế tiếp). ĐGH Lucio II đã ấn định tên đền thờ như hiện nay, Đền Thờ Thánh Gioan Laterano nhiều lần bị tàn phá vì địch quân, động đất, hỏa hoạn, và bỏ rơi suốt hơn 73 năm vắng chủ khi giáo triều dời tới Avignon, Pháp, được xây lại như ngày nay thời ĐGH Sixto V (1585-†1590). Trong Thánh Đường nầy, đã nhóm họp các Công Đồng Laterano để cải cách Giáo Hội vào những năm 1123, 1139, 1179, 1215 và 1512.
Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Từ ngoài vào bên phải đền thờ có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản có Giếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Constantin I được ĐGH. Silvestro I triều đại 314-†335 rửa tội nơi đây). Quảng trường nhỏ bên hông trái, có tháp bút Obelisk cao 32,18m (cao nhất ở Roma) nguồn gốc tháp bút nầy của vua Ai Cập Thutmosis III (trị vì từ 1479-†1458 v. Chr.) dựng ở phía đông đền Amun Theben (Karnach Lurxo) Năm 337 được Hoàng đế  Constantin I cho mang về Roma…
Ðền Thờ Thánh Gioan tại Laterano, nhắc nhở cho Kitô hữu “Hồng Ân bí tích Rửa Tội”, di tích thời đầu hưng thịnh của Thiên Chúa Giao ở Roma. Năm 1300 Đức Bonifacio VIII đã ký sắc chỉ khai mạc Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Chính giữa đền thờ có phiến đá che mộ của ĐGH Martin V (1417-1431) để ghi nhớ ngài. Trên bàn thờ chính còn giữ cái bàn thờ gỗ cổ, theo truyền thuyết thì Thánh Phêrô và các đấng kế vị làm lễ tại đó.
Bậc Thang Thánh
image002Scala Sancta/ the Holy Stairs/ Heilige Treppe ở trong nhà thờ nằm đối diện với Đền Thờ Thánh Gioan Laterano. (Theo truyền thuyết, Cầu Thang Thánh là những bậc đá đã thấm máu Chúa Giêsu, do Hoàng Hậu Helena bốc ra từ Dinh Tổng Trấn Pontius Pilatus ở Jerulalem đem về. Đã thấm máu Chúa Giêsu vì sau khi bị đánh đòn rách da, chảy máu đầm đià, Pilatus dẫn  Người qua cầu thang đó để chỉ cho dân thấy mà thương với câu bất hủ “ECCE HOMO” Nầy Là Người Ấy.
Thang Thánh có 28 bậc bằng đá cẩm thạch trắng bọc gỗ cho khỏi mòn, nằm chính giữa, hai bên có hai cầu thang bằng đá để sử dụng chung. Kito hữu với lòng sủng kính cầu nguyện đi lên Cầu Thang Thánh bằng đầu gối. Như đã nói trên, Thang Thánh nầy được đưa về Roma khoảng năm 326 sau CN do Hoàng hậu Flavia Iulia Helena (248-†330) là vợ của Hoàng đế Constantius và mẹ của Hoàng đế Constantin I. Hoàng hậu Helena nhờ đức tin và lòng sùng đạo của bà đã ảnh hưởng rất nhiều đến Constantin I là vị Hoàng đế đầu tiên chịu phép rửa tội. Bà cũng là người tìm kiếm được cây thánh giá thật của Chúa Giêsu. Ba cây thánh giá được tìm thấy trên núi Canve cùng với các mũi đinh và tấm bảng gắn trên thánh giá. Hoàng hậu Helena cho xây một thánh đường nguy nga trên đỉnh Canve và cho đặt thánh tích quý báu là cây thánh giá của Chúa Giêsu trong cung thánh. Helena còn cho xây một Thánh đường khác trên núi Olive. Bà được tôn vinh là một vị Thánh
Hang Toại Đạo Catacombe
image003Từ Đền Thánh Gioan Laterano đi xe bus số 128 đến hang toại đạo, tài xế xe bus không thông báo tên các trạm đến, nên phải đếm bao nhiêu trạm để xuống Catacombe. Đường chính giữa đi lên đồi giữa những hàng cây xanh điểm vài cánh hoa màu rực rỡ, từ xa đã nghe tiếng kinh cầu nguyện, ở bên trái là nhà nguyện kinh thánh ĐGH. Sixto/ Sixtus và thánh nữ Cecillia (xem tiếp phần C) Du khách phải xếp hàng mua vé, người lớn phải trả 8€, bên phải lối vào hang Toại Đạo có hướng dẫn viên giải thích các ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức….). Từ 12 đến -14 giờ nhân viên nghỉ trưa không làm việc.
Hang toại đạo Catacombe là nghĩa địa cổ kính nhất từ thế kỷ I của người Kitô hữu trong các thời bắt đạo vì người theo đạo mất quyền công dân, không được chôn cất trên mặt đất như người dân thường, nên  phải tìm chỗ chôn trong lòng đất. Hãy lưu ý rằng, đây không phải là nơi các tin hữu sinh sống, như nhiều người trước kia tưởng lầm, tuy các tín hữu đã tụ họp bên phần mộ những Thánh Tử Đạo và các người thân vào những dịp dâng Thánh Lễ và cầu kinh. Thánh nữ Cecillia và các Giáo Hoàng mai táng ở đây là: Thánh Sixto, Thánh Antero, Thánh Fabiano, Thánh Lucio I và Thánh Eutichiano, với bia mộ nguyên ngữ Hy Lạp, từ ĐGH. Callisto trở đi cho đến cuối thế kỷ III. Các phần mộ này được ĐGH Callisto nới rộng, sau đó ĐGH. Damasco cho tu sửa thêm các bức vẽ trên tường và được tôn kính cho đến thế kỷ XV. Các nhà khảo cổ đã khám phá được hơn 40 hang toại đạo các đường hầm ngang dọc tổng cộng  trên 12 km².
image004Các hang Toại Đạo là đường hầm rộng, hẹp khác nhau nhiều tầng sâu 7 hay 8m dưới lòng đất, sâu nhất là 22 hay 25m. Càng xuống sâu càng lạnh và tối hơn. Hai bên đường hầm có đào các hộc giống như quan tài để mai táng xác người với y phục và đồ trang sức lúc còn sống. Người ta lập các hộc bằng đá cẩm thạch hay bằng đất sét nung, bên ngoài có viết hay khắc tên người chết. Những mộ xưa nhất bằng tiếng Hy lạp, sau này thì bằng tiếng La Tinh các chữ “Trong an bình” và các hình khác nhau như chim bồ câu, cành vạn tuế, hay chạm trổ các cảnh  từ kinh thánh cựu ước và tân ước. Cảnh Tổ phụ Abraham tế lễ, Moshe cho nước vọt ra từ đá, Noe trong tàu, Daniel trong hàm sư tử. Chúa Giêsu cho Ladaro sống lại, các hình tượng trưng cho Bí tích Thánh thể, bí tích rửa tội…
Các đường hầm này cũng thường gặp nhau tại những phòng rộng lớn khác nhau gọi là để chôn cất nhiều người trong cùng một gia đình. Các hộc chôn cất hài cốt các vị tử đạo, bên trên có vòm thường được trang hoàng với các bức vẽ. Ngày nay phần lớn các nghĩa địa này trống rỗng, vì đã bị đào bới ăn cắp đồ cổ, đồ trang sức vàng bạc. Hài cốt được cải táng đến nơi khác. Hang toại đạo còn là nơi hành hương và tưởng nhớ những Kitô hữu phải trốn cầu nguyện trong những điều kiện khắc nghiệt như thế để bảo vệ đức tin của mình. Dù bất cứ thời đại nào, chế độ độc tài, đàn áp, cấm đạo không thể đè bẹp được đức tin thiêng liêng trong tâm hồn của con người. Chúa dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24).
Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả / Santa Maria Maggiore/ Sankt Marien Schnee.
image005Thánh đường Đức Maria xây vào thế kỷ thứ 4 dưới thời ĐGH Liberio/ Liberius Theo truyền thuyết, Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với ông Thị trưởng Giovanni/ John/ Johannes. Ông đồng ý hiến tặng dinh cơ của mình để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa, nhưng không biết nên làm những gì. Nhà quí tộc này và Đức Thánh Cha trong một đêm đã cùng mơ thấy Đức Trinh Nữ yêu cầu xây một thánh đường tôn vinh Mẹ tại đồi Esquiline, nơi có tuyết phủ một cách lạ thường vào đêm 5 tháng 8. Theo sự hướng dẫn của Mẹ nhà Thờ được xây tại địa điểm như hiện nay. Ngôi thánh đường này mang tên là Vương Cung Thánh Đường Liberio, được ĐGH Sixtô III cung hiến cho Đức Maria sau khi Công Đồng Chung Epheso năm 431 tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Ngôi thánh đường chính là một sự nhắc nhở tuyệt đẹp về tình yêu và lòng tôn kính mà Giáo Hội tặng cho Mẹ Thiên Chúa. Danh xưng “Cả” được thêm vào danh hiệu “Thánh Đường Đức Bà” bởi vì đây là ngôi thánh đường đầu tiên được xây cất ở Tây phương để tôn kính Đức Mẹ, là một trong bốn Vương Cung Thánh Đường lớn ở Roma. Việc cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả được cử hành vào ngày 5-8 hằng năm, Dựa theo truyền tụng ấy, người ta gọi là lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết. Trên trần đền thờ ở khung thứ 3 vào ngày lễ được mở ra để những cánh hoa hồng trắng rơi xuống bàn thờ ghi dấu sự kiện tuyết rơi một cách kỳ diệu trên Đồi Esquiline hồi thế kỷ 4.
Bên trong thánh đường lưu giữ máng cỏ nơi Chúa Hài Nhi chào đời, máng cỏ biểu lộ lòng tôn kính ngài. Mùa giáng sinh chúng ta thường hát nhạc phẩm Hang Belem „Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Belem… „. Ơn gọi của Mẹ là đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu. Tất cả các ĐGH tiền nhiệm đều đến tạ ơn Mẹ sau khi được bầu.  Ngày 14.3.2013 ĐGH Phanxicô viếng Thánh Đường đầu tiên tạ ơn Đức Mẹ. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật 4 tháng 8, ĐGH Phanxicô nói đến Đức Trinh Nữ Maria, Đấng Bảo Trợ của dân thành Roma: “ngày 5 tháng 8, dân thành Roma chúng tôi tưởng nhớ Mẹ, Chúng ta hãy cầu xin Mẹ che chở chúng ta, hãy cùng nhau dâng một lời chúc mừng Mẹ…”
Những ngày đầu nhóm chúng tôi 4 người và 1 cháu bé. Hai ngày sau thêm 3 người đến từ Munich cùng hiệp thông cầu nguyện tại Thánh Đường Đức Bà Cả. Cầu xin Mẹ nhận lời cầu nguyện của chúng con và gìn giữ chúng con bên Mẹ. Xin Mẹ chăm sóc chúng con như một người mẹ bảo bọc những đứa con yếu đuối của Mẹ. Cầu xin Mẹ ban phước lành cho quê hương Việt Nam của chúng con tôn giáo không bị đàn áp, sớm có tự do dân chủ và giàu mạnh „Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…“
Đài  phun nước Trevi tráng lệ, Fontana di Trevi/ Trevi-Brunnen
image007Roma có nhiều đài phun nước nhưng nổi tiếng là đài phun nướcTrevi, đi Metro trên tuyến đường A: Battistini- Anaginia, xuống trạm Spagna là trung tâm thành phố hay trạm Barberini-Fontana Trevi, rất nhiều du khách tìm đài phun nước Trevi.
Theo tài liệu năm 1730 ĐGH. Clement XII triều đại (1730 -† 1740), tổ chức cuộc thi xây dựng lại đài phun nước. Năm 1732-1762 xây theo thiết kế của Nicola Salvi và Baroque phong cách tân cổ điển. Đài phun nước Trevi bao gồm một mặt tiền cung điện, được thiết lập giống như một khải hoàn môn. Vật liệu sử dụng là đá cẩm thạch lấy từ Carrara, nguyên thủy là miệng của một máng dẫn nước thời La Mã cổ đại cung cấp nước cho thành phố từ nguồn nước tinh khiết cách đó hơn 10km, nước phun lên và đổ vào một bể cạn lớn. Đài phun nước Trevi cao 26m, rộng  50m, ở giữa đài phun là tượng hai vị thần Neptune và Oceanus. Trung tâm của đài phun là bức tượng thần biển khổng lồ đứng trên cỗ xe được điều khiển bởi hai vị thần đầu người thân cá. Phía trên là bốn bức tượng đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong hốc trái và phải của Oceanus là những bức tượng, tượng trưng cho sức khỏe và sinh sản…Những hàng chữ khắc tỏ lòng tôn kính ĐGH. có công trong việc xây dựng. Đài phun nước được ĐGH. Clement XII trao vương miện.
Đài Trevi được tu sửa qua những năm: 1872,1989,1991 và 1999 giữ được nét đẹp cổ kính, từ lâu Trevi là nơi gửi gắm ước mơ, hy vọng của rất nhiều du khách. Theo truyền thuyết ngày xưa người ta đến đây uống một ngụm nước và ném tiền, ngày nay người ta thường ném xuống đài phun nước hai đồng tiền, một dành cho các mơ ước riêng, hai trở lại Rome thêm một lần nữa. Để lời cầu ước linh nghiệm, du khách nhớ quay lưng lại, ném tiền xuống nước bằng tay phải qua vai bên trái. Ước nguyện có thành sự thật hay không? nhưng du khách không tiếc khi ném đồng tiền xuống hồ nước trong xanh. Hàng năm thành phố thu được 1 triệu Euro cho cơ quan Caritas giúp người nghèo. Một tuần lễ ở Roma qúa ngắn, chúng tôi mong trở lại Roma với nhiều thì giờ hơn để đi thăm các danh lam thắng cảnh đẹp và những di tích qua các thời hưng thịnh của Giáo Hội Công Giáo.
Nguyễn Quý Đại
Con chân thành cảm ơn Cha Trần Mạnh Duyệt quản lý nhà nghỉ Phát Diệm, góp ý để bài viết hoàn hảo sáng tỏ hơn.
Tài liệu đọc thêm
A/ Gioan Tẩy Giả, Johannes der Täufer/ John the Baptist hay Gioan Tiền Hô, sinh khoảng năm 6 TCN – mất khoảng năm 36 SCN) là một nhà giảng đạo là một vị tiên tri lớn trong các tôn giáo như Kitô giáo (Christianity), Hồi giáo (Islam), Bahá’í Faith… Ông đã dẫn đầu một phong trào rửa tội tại sông Jordan.
Theo Tân Ước, Gioan là người sống du mục và khổ hạnh đã thu hút được nhiều môn đệ loan truyền cho sứ vụ hoạt động của Chúa Giêsu, ông thực hiện nghi thức thanh tẩy (phep rửa) cho Chúa Giêsu tại sông Jordan. Phúc âm theo Thánh Luca: Gioan là anh em bà con với Giêsu vì mẹ ông- bà Elizabeth – là chị họ của Maria mẹ Giêsu. Trong chương đầu tiên của Tin Mừng, Thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” Phúc Âm: Mt 14, 1-12
Tại sao Thánh Gioan bị trảm quyết?
image009Vua Herode lấy vợ của anh là bà Herodias, Gioan lên tiếng quở trách, khuyên vua rằng: Vua không được lấy vợ của anh Ngài“ (Mc 6, 18). Đúng như lời Kinh Thánh: ” Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan đến để làm chứng, và làm chứng về  ánh sáng…”(Ga 1, 6-7 ). Vua muốn giết Gioan nhưng lại sợ dân chúng vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Herode, con gái Herodia là Salome nhảy múa trước mặt mọi người, đã làm cho Herode vui thích. Vua hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Ðược mẹ dặn trước nên nó nói: “Xin vua chặt đầu Gioan Tẩy Giả / Enthauptung des heiligen Johannes des Täufers/Beheading of St. John the Baptist“. (Hình họa lại trên Internet)
Vua lo buồn nhưng vì đã trót hứa trước các người đang dự tiệc, nên đã truyền sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục (le nho, ngày 29 tháng 8) và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho Salome… Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất ở Samaria. Thánh đường Gioan (St. Johannes-Kathedrale) ở Bờ Tây (Westjordanland) luu giu mộ phần của Thánh Gioan Tẩy Giả. Hàng năm, 24 tháng sáu là ngày tưởng niệm sinh nhật Thánh Gioan.
Phim Thánh Gioan Tẩy Giả http://bit.ly/16GkjZG
B/ Thánh Gioan Tông đồ Apostel Johannes/John the Apostle, một trong Mười hai tông đồ của Chúa Giêsu. Gioan cùng với Phêrô/Petrus và Giacôbê/Jakobus, là nhân chứng trong việc Giêsu cho con gái ông Jairus sống lại (Mark 5:37), Giêsu biến hình (Mt 17:1), Chua cau nguyen trong Vườn Cây Dầu (Gethsemane) (Mt 26:37). Ông và Phêrô được sai vào thành phố để thực hiện các việc chuẩn bị cho bữa ăn tối cuối cùng (Lc 22:8). Trong bữa ăn, ông được ngồi bên cạnh và ngả đầu vào ngực Giêsu (John 13:23-25). Gioan cũng là môn đệ duy nhất đứng dưới chân thánh giá trên đồi Calvary cùng với mẹ Maria và các phụ nữ khác. Ông cũng đã đón Maria về chăm sóc theo như lời trối của Giêsu (John 19:25-27). Theo Kinh Thánh Gioan và Phêrô là hai người chạy về hướng ngôi mộ đá và chính ông là người đầu tiên tin rằng Giêsu thực sự đã sống lại (John 20:2-10). Nhiều đoạn trong Tân Ước gọi Gioan là “người môn đệ được Chúa yêu quý“. Thánh Gioan sinh năm 20 (?) qua đời năm †101 sau CN.
image010(C) Thánh nữ Cecilia là vị Thánh quan thầy của các ca nhạc sĩ trong Giáo Hội Công Giáo. Cecilia từ thuở thiếu thời, cô đã tỏ ra đã say mê Thánh nhạc, đóng góp một phần rất lớn khai triển nền thánh nhạc va sáng tác những bản thánh ca. Cecilia kết hôn với Valerian người ngoại đạo và thuộc gia đình giàu có, nhưng Cecilia đã thuyết phục chồng theo đạo và đồng ý giữ cho cô đồng trinh. Trong thời gian bách đạo truy tìm những người theo Chúa Cecilia bí mật giúp đỡ những người nghèo và những Kitô hữu bị vây bắt. Valérien và Cecilia không chịu tế thần, không chịu dâng hương cho thần ngoại. Chính vì thái độ can đảm và cương quyết như thế đã khiến quan quân La Mã bực tức và kết án tử hình hai người. Cecilia đã đươc giáo hội vinh thăng làm Thánh Nữ Đồng Trinh Tử Đạo. Tại nơi thánh nữ chào đời, giáo hội đã cho xây cất một Vương Cung Thánh Đường để tôn vinh Cecilia.
Du khách hành hương đến Roma, nếu muốn ở nhà khách Phát Diệm thì liên lạc qua điạ chỉ:
Foyer Phat Diệm www.foyerphatdiem.net
Tài liệu tiếng Đức đọc thêm
Mailänder Vereinbarung   http://bit.ly/16isdpI
Das Edikt von Mailand, Januar 313.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog