Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Những thần tượng giả




Lê Hữu
Theo Diễn Đàn Thế Kỷ




Lặng lẽ tiếng dương cầm”, đấy là tên bài hát của một nhạc sĩ từng được yêu thích ở miền Nam trước năm 1975, hiện sống trong nước. Cái tên ấy khá phù hợp với tính cách của ông, vốn lặng lẽ, hiền hòa. Tên của ông khá lạ (đi với một con số) nhưng lại rất quen thuộc với người yêu nhạc ông, yêu tiếng đàn ông và yêu cả chiếc bóng lặng lẽ của ông phía sau chiếc dương cầm trên sân khấu hàng đêm, đệm đàn cho ca sĩ hát hay độc tấu một bản tình buồn. Tên ông là Nguyễn Ánh 9 (NA9).







Nghe nhạc bằng mắt

Tình ông vốn ít nói, thường thì ông để tiếng đàn nói thay cho ông chứ ông không phải lên tiếng. Cho đến một hôm, ông không còn “lặng lẽ” nữa. Trong một cuộc chuyện trò văn nghệ với ông mới đây, một nhà báo đặt ra những câu hỏi về “thị trường nhạc Việt” ở trong nước. Ông trả lời thoải mái và thẳng thắn, đặc biệt là các nhận xét về những ca sĩ trẻ khá nổi tiếng. Những gì ông nói ra có thể không mới, hoặc nếu mới thì chỉ là đến nay “mới” có người nói, vậy mà cũng thành ra “chuyện không có gì mà ầm ĩ thế”, như cách nói quen thuộc ở trong nước.


Đọc bài phỏng vấn, một cô bạn nói với tôi, “Ông ấy nói đúng quá, rất chính xác.” Một ông bạn nhạc sĩ cũng nói, “Không thể nào đúng hơn,” và hỏi tôi, “ông có ý kiến gì không?” “Nói chung thì có đúng,” tôi trả lời, “còn ‘nói riêng’ thì có vài chỗ… chắc đúng chắc không.” Ông bạn hỏi tới, “Chỗ nào đúng, chỗ nào không?” Tôi cười, “Có ý kiến gì thì cũng chỉ là cho vui thôi. Bài báo ấy không phải là bài nhận định, phê bình chi cả mà chỉ là các câu trả lời trong một cuộc phỏng vấn mà người ghi chép không chắc đã ghi lại hoàn toàn chính xác.”

Trong lúc trao đổi ý kiến với người bạn, tôi có nói về một vài nhận xét của nhạc sĩ NA9 mà tôi cho là đúng.

- “Nhạc bây giờ để xem nhiều hơn là để nghe”. Nhận xét này có đúng, ca sĩ bây giờ “biểu diễn” nhiều hơn là hát, không chỉ hát sao cho hay mà còn phải “ngoại hình” sao cho bắt mắt, ăn mặc sao cho đẹp (hấp dẫn nữa thì càng tốt), múa may sao cho nhuyễn. Ca sĩ có “đẳng cấp” trong khi hát còn có những vũ công chờn vờn ở hậu cảnh để “minh họa” và làm cho bài hát “trông” hấp dẫn hơn. Người “biểu diễn” bài hát có thể vừa là ca sĩ vừa là vũ công, kết hợp với nhóm múa để có những màn tung hứng đẹp mắt. Nói cách khác, bây giờ người ta “nghe nhạc bằng mắt”, hoặc một nửa tai, một nửa mắt.

Ca sĩ MT hát chỉ nghe vui mắt, vui tai,” câu nói của nhạc sĩ NA9 nghe rất “vui”. “Hát nghe vui mắt”, tôi chưa nghe ai nói như thế bao giờ. Thoạt nghe lạ tai, tưởng ông nói chơi. Ngẫm nghĩ thì quả có đúng, và đúng là khán giả bây giờ nghe nhạc bằng… mắt thật.

HNH hát chỉ nghe chơi thôi,” một nhận xét khác của ông nhạc sĩ (ý nói chỉ hát hò cho vui vậy, kiểu “hát cho nhau nghe”). “Giọng HNH yếu lắm, khều khào không à!” Tôi cũng chưa nghe ai nói “hát khều khào” bao giờ. Ông khen cô ca sĩ có nhan sắc, vóc dáng đẹp, múa đẹp…, cái gì cũng đẹp, riêng cái mà ca sĩ nào cũng muốn được khen thì ông lại không khen. “Nhưng giọng hát thì lại không được,” ông nói.

Với cách biểu diễn bài hát như thế, ông cho rằng chỉ có “hiệu quả sân khấu”, còn khi muốn “nghe” nhạc thực sự thì người ta phải mở những băng, dĩa nhạc để nghe những giọng ca khác.

- Vài ca sĩ hạng “sao” nhưng không phải là ca sĩ đúng nghĩa, hát không bằng ca sĩ nghiệp dư hoặc chỉ xứng với hạng C. Nhận xét này có đúng (tuy có hơi quá đáng), với nghĩa không xứng tầm với các ngôi vị và danh hiệu được phong tặng lâu nay.

Sau những phản ứng khá ồn ào về các nhận xét này từ phía người đọc, đặc biệt là giới ca, nhạc sĩ và fans của các ca sĩ được nhắc tên trong bài phỏng vấn, nhạc sĩ NA9 đưa ra lời giải thích rằng đấy chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả bài hát qua việc các ca sĩ hát nhạc ông. “Tôi hoàn toàn không đánh giá trình độ chuyên môn hay giọng hát của các ca sĩ khi họ thể hiện mọi dòng nhạc mà chỉ nêu ý kiến của mình về cách họ hát nhạc của tôi,” ông nói. “Khi ‘chê’ một ca sĩ được xếp vào hàng diva hiện nay, tôi vẫn nói rằng cô ấy thể hiện bài hát của tôi không có cái hồn, dù rằng giọng rất đẹp… Những nhận định của tôi chỉ gói gọn trong việc một vài ca sĩ dù đã được vinh danh là ‘diva’, được gọi là ‘sao’, nhưng họ cũng đã có lần ‘mặc trang phục chưa phù hợp’ cho những đứa con của tôi. Thế thôi!

Chỉ có “thế thôi”! Khi ông đã nói như thế thì chẳng ai có ý kiến ra vô gì được, hoặc nếu có thì cũng chỉ trong phạm vi mà ông đã khoanh tròn. Nhạc sĩ chỉ chịu trách nhiệm về lời nhận xét, phê bình của mình trong phạm vi thu gọn ấy thôi. Vậy thì cũng chẳng có gì để mà đào sâu hay bàn rộng thêm về chuyện đúng sai, phải trái, và những nhận xét ấy vì thế cũng không mang ý nghĩa gì nhiều lắm.

Tôi có quyền nói lên ý kiến của tôi, là tác giả của bài hát,” câu ấy không sai chút nào; tuy nhiên, ông vẫn có thể bày tỏ những ý kiến ấy bằng những cách khác, vừa có được tác dụng tốt nhất vừa mang lại niềm cảm thông, gần gũi giữa hai thế hệ có cùng một điểm chung là yêu nhạc Việt. Các đối tượng được phê bình sẽ học hỏi được ở ông nhiều hơn, sẽ cám ơn ông và quý mến ông nhiều hơn. Ông sẽ không phải đau đầu, không phải rầu rĩ, mệt mỏi, như ông bộc lộ sau đó, và cũng không phải mất mát ít nhiều tình cảm, điều mà chắc ông không hề muốn.

Tác giả thứ hai của bài hát

Những người lớn tuổi trong giới yêu nhạc ở miền Nam ngày trước (gồm cả ca sĩ, nhạc sĩ) là những người đầu tiên tỏ ý tán đồng các nhận định của nhạc sĩ NA9. Với đối tượng không từng sống ở miền Nam trước đây (không có điều kiện để so sánh hai thời kỳ của nền ca nhạc Việt) và nhất là với giới trẻ bây giờ thì tôi không chắc lắm có bao nhiêu người “nhất trí” với các nhận định ấy. Nói cách khác, liệu các nhận định ấy có đủ “sức thuyết phục”, có mang lại tác động và hiệu quả tích cực nào cho “thị trường nhạc Việt” hiện nay.

Các nhận xét của người nhạc sĩ nhiều phần nhắm vào đối tượng là giới trẻ trong nước. Ông nói, “Tôi thấy giới trẻ bây giờ nghe nhạc vô tội vạ, nghe theo phong trào, chạy theo lai căng ngoại quốc nhiều quá nên không còn bản chất.” Nhận xét này không phải là không đúng, chỉ có điều, không phải riêng gì “giới trẻ bây giờ”, giới trẻ thời nào (kể cả cái thời của ông) mà không chạy theo phong trào, chạy theo thời trang(?). Tuổi trẻ là vậy. Miền Nam ngày trước còn có cả một hiện tượng gọi là “phong trào nhạc trẻ” khá rầm rộ, hát và nghe nhạc Tây nhạc Mỹ, nhạc ngoại quốc lời Việt và các sáng tác gọi là “nhạc thời trang”, với nhiều ban nhạc trẻ mô phỏng lối trình diễn của các ban nhạc và ca sĩ nổi tiếng của nước ngoài. Nhạc Việt thời ấy cũng từng được phê phán là nhạc “lai căng”.






Những ý kiến cho rằng ông không thích ứng hay không bắt kịp thời đại không hẳn là không đúng. Các ca sĩ hàng “sao” mà ông nhắc tên có thể xem như “những thần tượng mới” (tên cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đức Nam). Ngôi vị thần tượng ấy đứng vững được bao lâu là chuyện khác. Khi nêu nhận xét về thực tài, thực lực của các “sao” ông không lý giải được vì sao các “sao” ấy lại thu hút được những số lượng fan hết sức đông đảo, trong nước gọi là “lượng fan khủng”. Ông chỉ nói, “Có nhiều người chỉ cần biết là thần tượng của họ hát thôi, họ không biết đương hát bài gì nữa! Họ chỉ hoan hô sự có mặt của thần tượng của họ thôi.” Theo cách nói của ông thì có vẻ các ca sĩ hàng “sao” này được các fan ngưỡng mộ vì chuyện gì khác chứ không phải vì tài ca hát. Tôi e rằng cách nói này không dễ thuyết phục, cho đến khi nào ông chỉ ra được cái gì đã biến các ca sĩ ấy thành “thần tượng”.

Mặt khác, nhạc sĩ NA9 cũng không phủ nhận sự thành công của các ca sĩ ấy. Ít hôm sau bài phỏng vấn gây ồn ào, ông nói, “Họ có được thành công như ngày hôm nay, họ đã phải lao động nghệ thuật rất nhiều. Tôi trân trọng điều đó.” Dường như để giảm bớt liều lượng của những nhận xét không mấy dễ chịu của mình trước đó, ông nói thêm, “Mỗi người đều có cái hay, cái dở riêng, và âm nhạc của họ phù hợp với những đối tượng nghe khác nhau.

Quả đúng là như vậy. Một bài tường thuật về buổi trình diễn mới đây của cô ca sĩ được nhạc sĩ NA9 nhận xét là “giọng yếu lắm, khều khào” đã “minh họa” điều này:

“Nữ ca sĩ HNH đã có một buổi trình diễn bùng nổ và ‘cháy’ hết mình trong nhiều động tác múa sôi động, nóng bỏng trong ánh sáng sân khấu trước hơn 5.000 khán giả tại một chương trình diễn ra ở sân khấu Lan Anh vào tối 07/9/2013. Chương trình bắt đầu lúc 20h nhưng ngay từ 18h khán giả đã đổ về sân khấu ngày một đông bất chấp cơn mưa đang nặng hạt. Điều đó cho thấy người xem rất yêu mến nữ ca sĩ HNH và trông chờ những màn biểu diễn đầy máu lửa của cô. HNH được khán giả cổ vũ nồng nhiệt, nhiều fan cố chen lấn để được cầm tay thần tượng và tranh nhau chụp hình với thần tượng.”

Hoặc, về giọng hát của cô ca sĩ được nhạc sĩ NA9 nhận xét là “Nghe TL hát bài ‘Cô đơn’ của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn, thua một ca sĩ nghiệp dư hát vì hát không có hồn dù giọng đẹp thiệt”, một độc giả đã cho ý kiến trên một trang báo trong nước như sau:

“TL đã thể hiện bài hát ‘Cô đơn’ của Nguyễn Ánh 9 đẳng cấp nhất. Tôi thích sự thể hiện bài hát bằng một cảm xúc đến tận cùng như TL hơn cả. Chính từ bài hát này của TL tôi bắt đầu mới tìm hiểu về người nhạc sỹ này.”

Giọng hát của cô ca sĩ TL đã giúp người nghe tìm đến với nhạc NA9 và yêu mến dòng nhạc của ông. Các video clip phổ biến trên “mạng” cũng cho thấy những ca sĩ đã khiến tác giả bài hát phải thất vọng khi hát nhạc của ông, thậm chí được ông đề nghị không nên hát nhạc của ông, đã nhận được những tràng pháo tay liên tục trong lúc trình diễn các nhạc phẩm của ông.

Vậy thì, người “đánh giá” ca sĩ thực sự là ai, thính/khán giả hay tác giả bài hát? Những tràng pháo tay không ngớt, những đám đông phấn khích và cổ vũ cuồng nhiệt không đủ để cho điểm ca sĩ? Một tác phẩm được yêu chuộng và phổ biến rộng rãi đôi lúc thuộc về công chúng hơn là tác giả. Một tác phẩm được tác giả “tâm đắc” có khi lại không được công chúng yêu chuộng bằng tác phẩm khác của tác giả, và cũng là chuyện bình thường. Có những bài nhạc viết bằng nhịp điệu chậm (slow, boston) đã không được đón nhận và phổ biến cho đến khi ca sĩ và ban nhạc đổi thành nhịp điệu nhanh hơn (rumba, cha cha cha), trở thành bài nhạc được yêu thích.

Nhạc sĩ NA9 cũng cho rằng ca sĩ là tác giả thứ hai của bài hát. Nếu điều này là đúng thì ông cũng nên cho phép “tác giả” này được thể hiện bài hát cách nào được người nghe đón nhận và tán thưởng nhất.

Người hát tử tế, người nghe tử tế


Người đọc đôi lúc không hiểu rõ ý của nhạc sĩ NA9 qua cách dùng chữ ở trong nước, như là:

HN hát tốt hơn ML, ML hát tốt hơn TL…

TL, ML giọng hát rất đẹp TL hát không có hồn dù giọng đẹp thiệt

Liệu “hát tốt” có phải là hát đúng, hát hay, hoặc hát “có hồn”, nói như ông. Không dễ gì hình dung được một “giọng hát đẹp” là giọng hát như thế nào (giá nói điệu múa, bước nhảy đẹp thì dễ hiểu hơn là giọng hát, tiếng đàn đẹp). Kể cũng lạ, một giọng hát đã “không có hồn” thì sao gọi là “giọng đẹp” được. Nếu là giọng hát “đẹp” hẳn phải hay và quyến rũ người nghe chứ!

MT chỉ hát nhạc pop bình thường thôi, nhưng được cái là sáng sân khấu, xử lý bài hát chính xác.” Không dễ gì hiểu được thế nào là “xử lý bài hát”? Chắc ý ông muốn nói “hát đúng, thể hiện được tình cảm của bài hát”?

Đặc biệt, hai chữ “tử tế” được ông lặp lại nhiều lần:

Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sỹ tử tế và người nghe nhạc tử tế… Tôi cũng mong là họ hát tử tế, dòng nhạc tử tế của tôi được người tử tế hát, cho những khán giả tử tế nghe....”

Những chữ “tử tế” này được hiểu theo nghĩa nào? Đàng hoàng, đứng đắn, lành mạnh, lương thiện…?

Thế nào là người hát tử tế? Theo chỗ tôi hiểu, thứ nhất là hát đúng theo bản nhạc ký âm mà người nhạc sĩ viết ra, không “chế biến”, không “ngẫu hứng” tùy tiện. Thứ hai (cái này thì khó hơn), hát bằng cảm xúc thật hoặc giống như thật (nếu đóng kịch) chứ không “vô cảm”. Tôi e rằng không dễ, hoặc ca sĩ thể hiện chưa tới, hoặc không hiểu rõ, hiểu hết tình ý của bài nhạc. Chẳng hạn, không phải ai cũng hiểu được rằng nỗi niềm mà ông gửi gấm trong bài hát “Cô đơn” là nỗi cô đơn trống vắng của người ca sĩ khi hát với tiếng đàn khác với tiếng đàn quen thuộc của người nhạc công từng đệm đàn cho mình, chứ không phải là nỗi cô đơn trong tình yêu trai gái (như ông từng bộc lộ).

Thế nào là người nghe tử tế? Là người biết chọn nhạc tử tế và ca sĩ tử tế để nghe? Là người hiểu được tình ý bài hát để chia sẻ cảm xúc với nhạc sĩ và ca sĩ? Là người biết tôn trọng ca, nhạc sĩ, biết giữ yên lặng và có thái độ nghiêm chỉnh trong lúc thưởng thức ca nhạc, không “vô tư” trò chuyện, cười đùa hoặc ăn nhậu ì xèo trong lúc ca sĩ và nhạc sĩ trình diễn (như ông từng bộc lộ)?

Ngày trước, tôi chưa hề nghe nói đến “dòng nhạc tử tế”. Tôi cũng chưa nghe nói đến nhạc không tử tế hay “nhạc thị trường”, chỉ có những cái tên như là “nhạc thương mại”, “nhạc thời trang”, “nhạc bình dân”, “nhạc mì ăn liền”, “nhạc máy nước”, “nhạc vỉa hè”, “nhạc rẻ tiền”, “nhạc sến”… Nói thế cũng để thấy rằng, thứ nhất, sinh hoạt ca nhạc ở miền Nam thời trước khá đa dạng và phức tạp mà nhạc sĩ Phạm Duy từng gọi là “chợ trời âm nhạc”; thứ hai, nhạc Việt thời nào cũng có nhạc tử tế và nhạc không tử tế, theo cách gọi của nhạc sĩ NA9.

Nhạc Việt ở miền Nam ngày trước hầu hết là những ca khúc phổ thông, phục vụ cho sinh hoạt giải trí là chính, và cũng ít có ai phân biệt những ca khúc này là nhạc thị trường hay nhạc nghệ thuật.

Nói về tình trạng “xuống cấp” của nền ca nhạc trong nước so với “hồi xưa”, nhạc sĩ NA9 nhận xét “thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay chỉ có giải trí, không có nghệ thuật”, do người ta chạy theo đồng tiền, do nhạc sĩ sáng tác theo đơn đặt hàng, do ca sĩ chú trọng vào “biểu diễn” và “kỹ thuật thanh nhạc” chứ không hát bằng cảm xúc thật. Người viết nhạc, người hát nhạc, người chơi nhạc, và người nghe nhạc không tử tế, tạo nên một thị trường nhạc Việt không tử tế.

“Nói thẳng nói thật” không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng. Những ý kiến, nhận xét của nhạc sĩ NA9 trong bài phỏng vấn được nhiều người chia sẻ và chắc có làm nhiều người phải suy nghĩ, thế nhưng hầu như chưa thấy ai đề ra “phương hướng” nào để cải thiện tình hình. Mọi người quay sang nhìn nhau, tự hỏi đâu là những giá trị thật, tự hỏi vì sao mọi thứ đều đảo lộn. Người ta nói đến những cái “giả”, những giá trị giả, những huy chương giả, những thần tượng giả. Liệu có phải người ta đang sống giữa thời đại của những thần tượng giả lên ngôi?

Một ca sĩ trẻ hàng “sao” được nhạc sĩ NA9 nhận xét “chỉ xứng là ca sĩ loại C” đã lấy làm “bức xúc” và phản ứng bằng cách gửi đến ông “bức tâm thư”, trong đó có nhắc đến những giải thưởng vẻ vang mà mình được trao tặng chất đầy phòng lưu niệm, và đặt câu hỏi là “Những giải thưởng nghề nghiệp cao quý con đã nhận được từ các hội đồng nghệ thuật uy tín, phải chăng là có vấn đề về trình độ và lỗ tai thẩm mỹ âm nhạc khi trao giải cho con?”

Nhạc sĩ NA9 đã không trả lời câu hỏi ấy. Về phía ca sĩ trẻ kia, cách đặt câu hỏi ấy cũng là hợp lý (ít ra là đối với anh ta). Đấy là dạng câu hỏi mà người được hỏi sẽ lấy làm thú vị và nói rằng “Đây là một câu hỏi rất hay” hoặc “Cám ơn bạn đã nêu câu hỏi ấy” trước khi trả lời. Câu hỏi thật dễ mà lại… không dễ cho nhạc sĩ NA9 trả lời. Liệu ông có thể cho thêm vào trong số những cái “không tử tế” mà ông đã kể ra những… “giải thưởng không tử tế”? Liệu ông có định làm cho giới trẻ ngờ vực những tấm huy chương, những cúp vàng, cúp bạc như là những giá trị mà họ vẫn tôn sùng từ bao năm? Liệu ông có thuyết phục được giới trẻ tìm đến những giá trị thực hay chỉ gieo vào lòng họ nỗi hoang mang? Tội nghiệp cho những bạn trẻ, tội nghiệp cho những câu hỏi!

Lặng lẽ tiếng dương cầm

Trong lúc câu hỏi của tay ca sĩ trẻ kia chưa được trả lời thỏa đáng thì những diva, những “thần tượng mới” ấy vẫn ngự trị trên ngôi, vẫn múa may quay cuồng, và vẫn được cổ vũ cuồng nhiệt. Những “mổ xẻ” của nhạc sĩ NA9 (nói như cách “giật tít” của bài phỏng vấn) có vẻ không làm suy suyển chút nào ngôi vị vững vàng của các thần tượng ấy, không làm sút giảm chút nào lòng ngưỡng mộ thần tượng của hàng triệu fan. Cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi, trôi đi mỗi ngày.

Khi nói về những cái “không tử tế” của thị trường âm nhạc, tôi không nghĩ nhạc sĩ NA9 nhắm vào những ca sĩ hàng “sao” mà ông chỉ cho ý kiến về các câu hỏi mà người phỏng vấn cố ý muốn ông trả lời. Cái mà ông muốn nhắm vào, muốn “nói thẳng nói thật” hơn nữa chính là: kiến thức về âm nhạc, trình độ thẩm mỹ và thưởng thức âm nhạc của người nghe nhạc trong nước cần phải được “nâng cấp”. Nếu không, ca sĩ và khán giả cũng khó mà trở thành người hát, người nghe tử tế, và người viết nhạc cũng chỉ có thể tiếp tục sản xuất một mặt hàng duy nhất là “nhạc thị trường”.

Nói đến “thị trường âm nhạc” là nói đến giới sản xuất và giới tiêu thụ. Khi mà những mặt hàng kém phẩm chất và không tử tế vẫn lấn lướt những mặt hàng tử tế và vẫn được sản xuất hàng loạt để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của giới tiêu thụ thì những “mổ xẻ” và trăn trở của người nhạc sĩ luống tuổi chỉ là những gì… nghe qua rồi bỏ. Những đợt sóng ồn ào quanh bài phỏng vấn ấy cũng chỉ như “cơn bão trong tách trà”, và người ta dễ dàng quên đi qua cách nói “cuộc sống còn có nhiều cái ‘giả’ tệ hơn và đáng phê phán hơn cái ‘giả’ của giọng ca tiếng hát”.

Trả lời câu hỏi “Thị trường nhạc Việt sẽ đi về đâu?”, nhạc sĩ NA9 nói “Nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy.

Ông đã tin tưởng mạnh mẽ như vậy, và tôi cũng muốn tin như ông, tuy rằng ông không nói rõ “nghệ thuật sẽ lên ngôi” là… nghệ thuật nào. “Nghệ thuật mênh mông lắm, không biết đâu là bến bờ,” ông nói thêm như vậy. Phần tôi cũng muốn nói thêm rằng nghệ thuật cũng phải “ăn khách” nữa. Có những cái biết là nghệ thuật đấy nhưng không phải ai cũng có hứng thú để thưởng thức. Nói khác đi, nghệ thuật cũng còn tùy thuộc vào sở thích và quan niệm thẩm mỹ mỗi người.

Nhạc sĩ NA9 là một trong những nghệ sĩ được yêu mến của miền Nam từ trước năm 1975 qua nhiều nhạc phẩm khá phổ biến, hầu hết là nhạc tình, như “Ai đưa em về”, “Không” (gắn liền với giọng Elvis Phương), “Tình khúc chiều mưa” (thường hát chung thành một “liên khúc” với bài “Thương nhau ngày mưa” của Nguyễn Trung Cang), “Buồn ơi, chào mi!” (gắn liền với giọng Sĩ Phú)… Nguồn nhạc hứng trong tim chàng nghệ sĩ NA9 đến nay vẫn chưa có lúc nào vơi cạn. Những nhạc phẩm được ông sáng tác về sau này vẫn làm rung động trái tim người yêu nhạc, như “Cô đơn”, “Tình yêu đến trong giã từ” (cùng tên với nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương giữa thập niên 1960’s)… Ông cũng là một nhạc công chuyên nghiệp và tài hoa với tiếng đàn piano quyến rũ và một tình yêu âm nhạc vô bờ. “Âm nhạc nói chung và cây đàn piano nói riêng là máu thịt, là khí thở của tôi,” ông nói. “Ngày nào không đụng được vào nó, chắc tôi chết mất.

Nhạc sĩ NA9, người ta thấy được ở nơi ông con người nghệ sĩ tâm huyết với tấm lòng thiết tha yêu nghệ thuật trong âm nhạc và nỗi trăn trở về tương lai của nhạc Việt. Các nhận định thẳng thắn của ông về sinh hoạt ca nhạc trong nước được nhiều người chia sẻ và biểu lộ sự đồng tình. Nhiều người tỏ ra cảm phục người nhạc sĩ “dũng cảm”, nhưng lòng ông thì vẫn buồn rười rượi.

Trong một cái video clip ngăn ngắn tôi tình cờ xem được, ít ngày sau bài phỏng vấn ấy, một cô nhà báo tìm đến ông, chừng như vẫn muốn “khai thác” thêm chút gì đó nơi ông.

Ông không nói gì nhiều. “Tôi chỉ mong sao nền âm nhạc của nước mình sẽ phát triển theo chiều hướng tốt,” ông nói, “một nền âm nhạc tử tế, người nghe cũng tử tế, người hát cũng tử tế, người nhạc công cũng tử tế.

Nói dứt câu, “người nhạc công Nguyễn Ánh 9” đứng dậy, chậm rãi bước về phía chiếc dương cầm nằm lặng lẽ ở một góc phòng. Giờ đây ông chỉ muốn được tận hưởng những giờ phút yên tĩnh, muốn được trở về với không gian tĩnh lặng của riêng ông, với nỗi “cô đơn” cùng tận của riêng ông, như tên một bài hát quen thuộc của ông. Ông đã muốn quên hết, quên cả cô nhà báo ngồi ngoài phòng khách kia. Cô ngồi đó, chăm chú nhìn theo ông. Ông ngồi xuống, những ngón tay lướt nhẹ trên những phím đàn. Và tiếng nhạc êm êm, thánh thót. Và lại… lặng lẽ tiếng dương cầm.

Xa vắng tiếng dương cầm…

chỉ còn dư âm vấn vương…

Tiếng dương cầm xót xa

chìm trong quên lãng nhạt nhòa…*




Lê Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog