Sáng nay ngồi nói chuyện với cô bạn bên cạnh, trong lúc nói chuyện bạn ấy có hỏi một câu: "Vì sao người dân trong đây cứ gọi thành phố là Sài Gòn vậy, mặc dù Sài Gòn đã được đổi tên cách đây gần 40 năm rồi ?" Ở đây có người nào có cùng thắc mắc như bạn ấy không ?
Thực tế là chỉ có những ai mới đến Sài Gòn mới gọi nơi đây là TP Hồ Chí Minh, những người sống ở đây từ khoảng 5 năm trở lên chẳng có ai gọi như thế cả. "Sài Gòn" - cái tên vừa giản dị lại vừa gần gũi thân quen, dù trải qua bao thăng trầm lịch sử với những ngày tháng huy hoàng và cả những năm tháng đau thương, cho dù thế nào thì cái tên Sài Gòn vẫn không bao giờ thay đổi trong suy nghĩ của người dân nơi đây. Từ những từ những đứa trẻ con mới bắt đầu tập viết cho đến các cụ già râu tóc bạc phơ, từ những người bán hàng rong cho đến những doanh nhân thành đạt, hai chữ Sài Gòn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Việc đổi tên một thành phố lớn theo tên của một người lãnh đạo nào đó là việc rất hiếm gặp trong lịch sử thế giới hiện đại. Ngày trước có hai thành phố lớn ở Nga cũng bị đổi tên theo tên của hai vị Lãnh tụ thời Xô viết, đó là St. Petersburg (bị đổi tên thành Leningrad) và Volgograd (bị đổi tên thành Stalingrad), nhưng sau đó đã quay về với tên cũ. Thủ đô Hoa Kỳ cũng được đặt theo tên của một vị tổng thống, nhưng nên nhớ đó là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ và việc đổi tên đã được sự đồng ý của người dân ở thành phố này. Chẳng những tên thành phố bị thay đổi mà tên nhiều con đường ở Sài Gòn cũng bị thay đổi. Nghe kể có thời điểm người ta còn đổi tên bệnh viện Từ Dũ thành "Xưởng đẻ" nữa. Thiết nghĩ nếu muốn ghi khắc công ơn của Bác, thì có thể lấy tên của Bác đặt cho Thủ đô Hà Nội hoặc Thành phố Vinh.
Sài Gòn đã và đang cưu mang biết bao nhiêu người dân Việt Nam. Kể từ năm 1954 cho đến nay, biết bao nhiêu người từ miền ngoài đã tìm đến Sài Gòn sinh sống. Từ những người nhanh chân chạy vào Sài Gòn trong cuộc cải các ruộng đất năm 1954 cho đến dòng người đổ xô vào Sài Gòn sau ngày 30/04/1975. Có nhiều người lính miền Bắc vào tiếp quản Sài Gòn, vào đây rồi tìm đủ mọi cách để ở lại, vì sao vậy ? Chỉ có một lý do duy nhất, vì Sài Gòn là một nơi rất đáng sống ! Nếu những người lính đó quay về quê hương, liệu họ có được cuộc sống như ngày hôm nay không ? Và cho đến hôm nay, phong trào Nam tiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…
Có những sinh viên nghèo ở miền Bắc sau khi học xong không thể tìm được việc làm vì không có đủ tiền chạy việc, đã đánh liều vào Sài Gòn và tìm được một công việc phù hợp mà không hề mất một đồng xu nào để đút lót. Có những người vào đây bán bắp ngô vẫn kiếm đủ tiền gửi về quê nuôi vợ con. Người Sài Gòn nói riêng và người Nam bộ nói chung có lối sống hào phóng và dễ chịu. Ở đây chẳng có mấy ai tự nhận mình là người Sài Gòn gốc cả. Còn ở Hà Nội, mỗi lần có chuyện gì xấu bị đưa lên mạng là ngay lập tức có những người vào phân bua: "Những người đó là dân nhập cư, dân Hà Nội gốc không bao giờ làm chuyện đó !". Rồi khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội, người ta tự phân chia ra thành Hà Nội 1 và Hà Nội 2, chứ nhất định không chịu để "bọn ấy" là "dân Hà Nội" được.
Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích và 8,56% về dân số nhưng tỷ trọng thu ngân sách của Sài Gòn so với tổng thu ngân sách của cả nước trong 3 năm qua lên đến 30%. Có nghĩa là Sài Gòn đóng góp gần 1/3 trong tổng thu ngân sách của cả nước. Nếu phải chọn ra một thành phố để cả nước tri ân thì chắc chắn đó phải là Sài Gòn. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn thường xuyên nghe các bác lãnh đạo nhắc đến câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", nếu thực sự các bác hiểu được câu tục ngữ ấy thì hãy ghi nhận công ơn của Sài Gòn. Chẳng cần mấy cái danh hiệu "Thành phố anh hùng" gì đó đâu, chỉ cần Đảng và Chính phủ hãy trả lại cho thành phố cái tên thân yêu "Sài Gòn" – chỉ vậy thôi…
Nguyễn Thùy Linh (facebooker)
Ghi chú: * - Tiêu đề của NSGV —
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét