Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Nhớ lũy tre làng


comay
Về vùng Languedoc-Roussillon, du khách khó bỏ qua ngôi làng cổ Aigues-Mortes mà không thăm viếng. Địa danh này nằm giữa thành phố Montpellier và Nîmes nhưng sâu về phía Nam gần biển. Đây là một vùng kênh rạch chằng chịt làm cho không ít du khách gốc nam kỳ lục tỉnh không khỏi nhớ lại quê hương Bến tre, Vỉnh long, Cần thơ.

Khi vừa tới ngôi làng cổ Aigues-Mortes, du khách sẽ ngạc nhiên trước một bức tường thành cao, kiên cố, xây bằng gạch đá, chạy dài mà chưa có ý niệm là đằng sau bức tường này là một ngôi làng cổ đươc bức tường như vạn lý trường thành bao bọc chung quanh để bảo vệ ngôi làng. Người Việt Nam đàng ngoài có thể hình dung lại như lũy tre làng của một thời xa xưa ở quê nhà. Ý nghĩ về một lủy tre làng ở Miền Bắc Việt Nam, tuy chưa đươc biết qua thực tế, chỉ qua sách vở, mà đã làm cho Cỏ May thật sự xúc động khi Cỏ May bước qua cổng thành để vào bên trong tìm căn nhà số 27, đường Emile Jamais. Xúc động vì có cảm tưởng như mình đang về tới làng quê.


Cái nôi vùng ruộng lúa Camargue

Nằm giữa những ao hồ, làng Aigues-Mortes ngày nay vẫn còn giữ được khá đậm nét bộ mặt nền văn minh trung cổ. Một vùng u khuất nước ngập, sình lầy, nhưng có nhiều nắng ấm. Những tháp canh vượt lên khỏi đầu tường thành, giữa vùng đầm lầy, đầy bí ẩn, gợi lại một chiều dài lịch sử xây thành, lập xã thôn, xác định bờ cõi đế chế, tổ chức phát động những cuộc thánh chiến … Du khách bước chân đến vùng này, nhìn bức tường kiên cố còn đứng sừng sửng bao quanh một khu đất rộng lớn, bên trong là ngôi làng đang sanh sống sầm uất, không thể không muồn biết qua vài nét về lịch sử địa phương.

Ngày nay du lịch quả thật là một ngành hoạt động mạnh, cả trong thời kỳ kinh tế  đang hồi suy thoái, đem lại cho quốc gia một nguồn thu nhập quan trọng.

Để biết sơ lược về lịch sử làng Aigues-Mortes và bờ tường chạy dài bao quanh ngôi làng trước mắt, du khách chỉ cần bước vào Văn phòng Du lịch của Thị xã thường tọa lạc ngay Trung tâm thành phố. Nơi đây vừa có người hướng dẫn, vừa có tài liệu in sẵn và phát miển phí cho du khách.

Theo tài liệu của Văn phòng Du lịch phát hành, vào thế kỷ thứ XIII, vua Saint Louis chưa làm chủ được một khoảnh đất đai nào nằm dọc theo bờ Địa Trung hải. Vùng nước ngập, sông ngòi chằng chịt Aigues-Mortes đã thu hút mãnh liệt sự chú ý của vua Saint Louis. Lập tức, ông khám phá ra ngay cái ưu thế chiến lược của Aigues-Mortes nằm giữa những hải cảng khác đang kiểm soát và khai thác con đường giao lưu huyết mạch từ Ý dẩn dài qua Tây-ban-nha chạy ngang qua đây. Thế là ông tìm cách thương lượng với Tu viện Psalmody có từ thế kỷ thứ V, chủ nhơn vùng lảnh địa này, để mua lại Aigues-Mortes. Cái may mắn của ông là tu viện đang hồi gặp khó khăn về tài chánh do chương trình mở rộng tu viện bị thất bại.

Cuộc thương thảo chưa kết thúc, Saint Louis đã vội cho khởi công xây ngay Tháp Constance để xác định sự hiện diện và uy quyền của ông tại Aigues-Mortes và sẽ trở thành một hải cảng vừa thương mại vừa quân sự.

Nơi đây, sau khi xuất hiện tu viện Psalmody, vẫn chưa có dân chúng sanh sống đông đảo . Khí hậu độc, nhiều mủi mòng và bệnh truyền nhiễm. Vậy mà tu viện nhiều lần bị hồi giáo tấn công, tu sĩ bỏ chạy tản lạc hết cả. Đến thế kỷ XI, tu sĩ mới lần lượt kéo nhau về tu viện. Lợi tức ở đây chỉ đánh cá và làm muối ăn. Về muối, đặc biệt ở đây có thứ muối đỏ hồng mà nơi khác không có. Nhưng ngày nay, muối ở đây không còn đắc dụng nữa, ngoài phần lớn dùng để rải đường vào mùa đông làm cho tuyết không đóng băng nguy hiểm cho xe cộ đi lại.

Tu viện bán đât dài dài để lấy tiền trả nợ nhưng nợ vẫn không thanh toán hết được. Tu vìện lâm vào cảnh phá sản, điều kiện thuận lợi cho Saint Louis tậu đất, xây thành, lập cơ ngơi.

Aigues-Mortes nằm giữa vùng nước ngập đem lại cho nhà vua nhiều thuận lợi, vừa bảo vệ thành chống lại sự xâm nhập và tấn công của địch, vừa giúp khai thác thủy lưu, mở mang giao dịch với bên ngoài. Aigues-Mortes trở thành một hải cảng trên bờ Địa trung hải mà sau lưng là thành phố, làng mạc.

Tuy thành phố, làng mạc đã ra đời, nhưng bệnh hoạn còn hoành hành nên dân cư vẫn còn thưa thớt. Nhà vua Saint Louis bèn ban hành Chỉ dụ ưu đãi cho ai muốn tới đây lập nghiệp như độc quyền buôn bán, những quyền lợi về chánh trị, miển nhiều sắc thuế, … Dân chúng hưởng ứng những ưu đải của nhà vua bắt đầu kéo tới định cư, lập nghiệp. Họ tới từ nhiều vùng khác và cả từ nước ngoài. Nhiều nhứt là dân Ý.

Di chuyển vào thời đó chủ yêu bằng ghe thuyền. Thuyền buồm lớn có phòng ốc khá tiện nghi dành cho vua chúa và hoàng gia. Hành khách khá giả, có tiền, mang theo mỗi người một cái rương lớn, vừa dùng để hành lý, vừa chổ ngủ đồng thời dùng làm quan tài khi chết.

Những lúc thời tiết tốt, du khách được phép lên trên boong tàu hứng gió mát, nắng ấm, thở không khí trong lành. Nhưng không phải họ được quyền đi lúc nào cũng được, mà phải thay phiên nhau. Và thời gian được lên boong không phải nhiều. Thì giờ còn lại, mọi người bị giam trong phòng tàu đóng cửa kín mít. Khỏi phải nói, ở đây mùi người ta lâu ngày không tắm gội, mùi quần áo không giặt, mùi dơ đủ thứ cùa hầm tàu, trộn lẩn và cùng xông lên. Nhiều du khách, thủy thủ, bệnh chết. Xác chưa kịp thủy táng, đàn chuột đói từ lâu ngày ào tới chia phần. Tiếng đọc kinh phát lên giữa tiếng giành ăn của đàn chuột. Tới phiên những người sống sót chia nhau những gì còn lại của người chết. Qui luật bất thành văn nhưng giải quyết khá ôn hòa giữa những người chưa chết.

Cuộc hành trình đường thủy dài nhứt thường phải mất ba tháng.

Vua Saint Louis xây dựng xong hải cảng bắt đầu lấy thuế để xây dựng thành phố, thôn xóm. Nhưng chương trình khai hoang lập ấp của ông chưa kết thúc thì ông mất. Vua Philippe III le Hardi, con trai của ông, lên nối ngôi và tiếp tục sự nghiệp của vua cha.
Vua Saint Louis chết ở Tunis trong chuyến Thập tự giá thứ VII. Năm 1240, Giáo hoàng Innocent V triệu tập về thành phố Lyon ở Pháp tất cả Giám mục để tổ chức những cuộc thánh chiến nhằm thu hồi thánh địa Jérusalem bị mất lại vào tay Thổ (Turcs). Nhưng các Đức Giám mục mạnh ai nấy tìm đường đào thoát. Sau cùng, vua Saint Louis đứng ra nhận lảnh chỉ huy chiến dịch thánh chiến VII và ông không trở lại. Cuộc thánh chiến này vì do ông chỉ huy nên được xem là của Pháp.

Chiến tranh với lảnh chúa Aragon làm tiêu hao quá nhiều tiền bạc nên công việc xây dựng vì đó phải nhiều lần đình chỉ. Mặt khác, duyên hải Địa trung hải bị hải quân của nhà cầm quyền Catalan (Tây-ban-nha) kiểm soát, tàu bè vì đó không cập bến được, nên nhà vua Philippe III le Hardi không thu được thuế.

Năm 1285, vua Philippe III le Hardi mất. Vua Philippe IV le Bel lên nối ngôi quốc vương Pháp mới hoàn thành chương trình xây dựng hai lần bị dở dang.

Tháp Constance

comayTháp Constance ngày nay hãy còn. Đó là một tháp lớn nhất nhìn ra sông, kiểm soát mọi tàu bè di chuyển ngang qua Aigues-Mortes. Cho tới sau thế kỷ XIII, Aigues-Mortes là một thành phố sầm uất, vào thời điểm cực thịnh, có hơn 12 000 dân.  Từ sau giữa thế kỷ XIV, đât bồi làm cho biển ngày càng cách xa, các thủy lộ bị cát lấp dần làm cho cảng Aigues-Mortes bị tê liệt.

Nhà cầm quyền quân chủ có đưa ra kế hoặch xúc cát, khai lại thủy lộ nhưng phải chịu bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên. Từ đó, Aigues-Mortes không bao giờ đứng lên được nữa. Ngày nay, dân số Aigues-Mortes là 8700 người với gần 4000 đơn vị gia cư vừa chánh (dân cư cố định địa phương), vừa phụ (tới ở ngắn hạn nghỉ ngơi, nhứt là vào mùa hè). Không kể thêm 120 ngôi nhà bỏ trống do chủ bỏ đi tới nơi khác tìm công ăn việc làm. Hằng năm, có 1 200 000  du khách tới thăm viếng hoặc ở nghỉ ngơi.

Aigues-Mortes có nghĩa là “Nước Chết”, tức nước ứ đọng, không lưu thông mạnh.

Aigues-Mortes được bao bọc chung quanh bởi một bức tường cao dài 1634 m, nhiều chỗ, cao tới gần 10 m, với 20 tháp canh cao vượt lên chiều cao của tường thành. Cứ từ 6 tói 9 m, tường có những “ổ châu mai” để xạ thủ nhìn ra, khi địch tới, nhắm bắn tên. Ở chân mỗi ” ổ châu mai”, có lổ trống lớn, từ bên trong, có thể nhìn ra ngoài thấy được ở tầm gần chơn tường, để nhắm bắn địch khi tiến tới gần hoặc muốn leo lên tường.

Dọc theo tường, ở vị trí thắp hơn đầu tường, là lối đi nối giáp vòng tường thành. Ngày nay, du khách có thể đi dạo chơi trên lối đi này rất thoải mái, và lên cả Tháp Constance, để ngắm cảnh chung quanh Aigues-Mortes với tầm nhìn khá xa. Quả thật Aigues-Mortes nằm giửa vùng nước mênh mong, với sông ngòi chằng chịt. Nhưng du khách đừng quên, ở xứ Pháp, không có món gì được miển phí hay biếu không làm duyên . Gìá đi dạo trên tường thành là 7 euros cho người lớn và 4 euros cho trẻ em .

Ngày nay, du khách đi trên tường thành, vào xem Tháp Constance, đều lấy làm thích thú và thầm cảm phục người xưa đã để lại cho hậu thế một tác phẩm tuyệt tác . Theo vài sử gia, vào đầu thế kỷ XV, Tháp mang tên Constance là để tưởng niệm bà dì của vua Saint Louis, bà lấy vua Raymond VI của Toulouse . Nhưng nhiều người khác lại cho rằng tên Constance để chỉ sự ” bất biến “, sự ” bền vững” của kiến trúc mà thôi . Mà thật, Aigues-Mortes là cổ thành quân sự của Pháp thời trung cổ còn lại, không bị hư hại nhiều và được chánh phủ Pháp bảo quản rất kỷ vì nó được xếp vào danh sách di sản văn hóa quốc gia . Nhưng có mấy ai cảm thấy rùng mình khi bước vào Tháp Constance ? Nơi đây, năm 1685, sau khi Chỉ dụ nhà vua bị hủy bỏ ( Edit de Nantes), trở thành nhà tù rùng rợn nhốt những người Tin lành không có ngày ra về . Edit de Nantes phạt đàn ông tin lành chung thân khổ sai, đàn bà bị tước đoạt thân thể và của cải . Chỉ có cách thoát ra khỏi xứ Pháp mới có thể hành đạo được mà thôi .

Trong những người tù tin lành ở Tháp Constance, có Bà Marìe Durand là người tù bất khuất . Một tấm gương sáng cho người tin lành . Bà bị tù 38 năm, từ năm 15 tuổi . Anh của bà bị treo cổ. Cha của bà bị tù chung thân . Bà giữ vững đức tin, biến thành động lực tạo nên phong trào tin lành chống đối rộng và mạnh . Năm 1768, nhơn một cuộc thanh  tra, Hoàng tử Beauvaux ( Ngày nay Bộ Nội vụ Pháp đặt tại Công trường Beauvaux ) của xứ Languedoc ra lệnh mở phòng biệt giam cho ông khám xét. Thấy thân thể của Bà Marie Durand quá tiều tụy, nhưng tinh thần vẫn tráng kiện, ông bèn ra lệnh phóng thích bà cùng với vài nữ tù nhơn khác.

Và cũng ở vùng Camargue này, vào những năm cuối thập niên 20 và đầu thập niên 30, có không ít người Việt nam trong số 20 000 người bị nhà cầm quyền thực dân pháp cưởng bách qua Pháp làm công không lương, như làm rẩy, làm ruộng trồng lúa, giống lúa của Việt Nam đem qua . Sau Thế chiến II, có nhiều gia đình không về Việt Nam. Họ chọn ở lại, lập gia đình và sanh sống cho tới ngày nay.

Cuộc đời của họ không khác những người nô lệ, chỉ đươc di chuyển tại chỗ, khác hơn ở tù. Họ làm việc và bị đối xử không khác lớp con cháu của họ sau này bị nhà cầm quyền cộng sản hà nội bắt đi cải tạo tập trung. Bị đau khổ, nhục nãả không thể tả xiết.

Mỗi khi đi về Miền này, Cỏ May vẫn cảm thấy đâu đây in dấu bóng dáng của những người đến từ quê hương Miền Trung, Miền Bắc của Cỏ May mà ngày nay chỉ còn lại hơn mươi người đã ngoài 90 tuổi. Vẫn sanh sống ở đây. Trong đó có  Cụ Nguyễn văn Thanh (hay Thành), con quan Tuần phủ ở Nghệ An, tình nguyện đi làm Giám thị-Thông ngôn (Surveillant-Interprète), ngày nay còn sống và vừa cho xuất bản quyển hồi ký với cái tựa hàm chứa trọn vẹn cả cuộc đời của ông “Saigon-Marseille: aller simple” (Sài gòn-Marseille : đi không trở về).

© Nguyễn thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog