Từ Thức
Gởi những người bạn Sài Gòn ngày xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)
Một ngày đầu tháng tư (2001), tôi
lên phi trường Charles de Gaulle đón một người bạn từ Việt Nam qua. Trên
xe về Paris, anh ta hỏi: Cậu có nghe tin về Trịnh Công Sơn (TCS)? Tôi
gật đầu. Mấy hôm trước, có người gọi dây nói cho hay TCS vừa từ trần.
Anh bạn nói đám tang Sơn rất đông.
Người ta ở đâu đổ về như kiến, chật cả đường phố. Quen có, lạ có. Không
đủ chỗ đặt vòng hoa phúng điếu. Tôi nói với ông bạn: Như vậy, cái xứ của
ông vẫn còn văn minh, vẫn còn thuốc chữa.
Đó là cái tin lạc quan nhất về Việt
nam mà tôi được nghe từ nhiều năm nay. Dostoievski[1] nói: Cái đẹp sẽ
cứu vãn nhân loại[2]. Bỏ công ăn việc làm, đến tiễn đưa một thi sĩ – TCS
là một nhạc sĩ – thi sĩ – chứng tỏ người ta còn nghĩ đến cái đẹp, người
ta còn có tâm hồn.
Tự nhiên tôi nghĩ đến “Bác sĩ
Jivago” của Boris Pasternak. Cũng như Sơn, Jivago là một thi sĩ. Cũng
như Sơn, Jivago bị cuốn hút trong cơn lốc của lịch sử, bị quẳng vào một
bi kịch kinh thiên động địa từ trời giáng xuống. Như hàng triệu người
Nga, Jivago bị đánh bạt ra khỏi gia đình, quê hương khi cách mạng vô sản
Nga ập xuống nước Nga, cuốn trôi tất cả: gia sản, vợ con, bè bạn, tình
ái trong một xã hội thay đổi tận gốc rễ.
Chỉ có một điều không bao giờ thay
đổi: là một thi sĩ, Jivago tiếp tục làm thơ. Lấy thơ làm nhân chứng, lấy
thơ làm cái phao. Lấy thơ làm một nguồn hy vọng để vươn lên. Khi Jivago
chết, người ta ở đâu đổ về rất đông, nhiều người không hề quen biết.
Pasternak viết: người Nga yêu thơ, yêu thi sĩ. Nghĩa là yêu cái đẹp,
nghĩa là chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Chỉ hoàn toàn tuyệt vọng khi người
ta không còn thiết tha đến điều gì, ngay cả cái đẹp. Đó là nét lạc quan
nhất trong một cuốn sách đầy thảm kịch : chiến tranh, tang tóc, chia
lìa, đổ vỡ. Một tia sáng loé lên trong bầu trời đen tối.
mưa vẫn mưa rơi…
Khi Charles Trenet[3] chết, hàng
chục ngàn người kéo về đưa tang một nhạc sĩ – thi sĩ hiện đại nổi tiếng
nhất của Pháp. Đưa tang Trenet, người Pháp, trong vài giờ, quên mình
đang sống trong một xã hội vật chất, suốt ngày túi bụi giành giựt. Trong
vài giờ, thấy mình vươn lên, thấy đời có ý nghĩa hơn, bởi còn yêu cái
đẹp. Trenet viết: Những thi sĩ đã qua đời, nhưng tiếng hát của họ vẫn
bay nhẩy trên khắp đường phố.[4]
TCS đã qua đời, nhưng tiếng hát của
anh vẫn bay nhẩy trong các hang cùng, ngõ hẹp. Không phải chỉ ở Việt
Nam, mà trên khắp địa cầu. Người Việt, tan tác như một đàn gà mất mẹ,
nương thân trên khắp nẻo đường thế giới, mang theo những kỷ niệm quê
hương, mang theo mùi nước mắm, mùi sầu riêng, mùi phở và mang theo tiếng
hát TCS. Tôi đã nghe TCS qua tiếng hát nhừa nhựa khói thuốc của Khánh
Ly, tiếng hát thánh thót, không có tuổi của Thái Thanh, tiếng hát truyền
cảm của Lệ Thu; và rất nhiều tiếng hát vô danh, tiếng hát của những
người sống ở ngoại quốc nhưng chỉ nói tiếng Việt, của những người thuộc
thế hệ sau này, hát TCS với một thứ tiếng Việt pha giọng Mỹ, giọng Pháp,
giọng Đức. Tôi đã nghe tiếng hát TCS vọng ra từ những căn nhà ở New
York, Tokyo, Budapest, Athènes hay Palerme…Một buổi chiều tàn, trong một
bìa rừng ở Brésil (Ba Tây), cách Rio de Janeiro hàng ngàn cây số một
nơi khỉ ho cò gáy, tưởng như không có hơi người, tôi nghe một giọng khàn
khàn vọng ra từ một căn nhà gỗ. Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Dài
tay em với mấy thuở mắt xanh xao. Người hát là một ông già gốc Ấn Độ,
sống ở Việt nam từ nhỏ.Vượt biển, thuyền đắm, ông già được tầu Ba Tây
vớt, ở lại Ba Tây, làm nghề canh rừng. Suốt ngày, lủi thủi một mình,
tháng năm dài đằng đẵng, ông già Ấn mơ đến những cơn mưa trên tầng tháp
cổ ở một xứ ông đã nhận làm quê hương.
Một ngày ở ngoại ô La Havanne,
trong một tiệm ăn nhỏ trên bờ biển, nơi người ta bán lậu tôm hùm cho du
khách (tôm hùm là tài sản quốc gia, chỉ để xuất cảng hay bán trong những
tiệm ăn quốc doanh), tôi nghe một giọng hát đàn bà, rất trong, rất ngọt
từ trong bếp vọng ra Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm/ Gọi tên anh tên
Việt Nam/ Gần nhau trong tiếng nói da vàng. Người hát là một bà Bắc kỳ,
từ Hà Nội tới Cuba, trong một chương trình hợp tác gì đó giữa hai nước
“xã hội anh em”, có lẽ đã mệt nhoài sau nhiều năm thề ăn gan uống máu
quân thù.
Tác phẩm TCS đã đi sâu vào tâm hồn
dân tộc. Nước ta có trên 80 triệu dân. Trừ trẻ con và những người không
biết đọc, biết viết, có khoảng 50 triệu người làm thơ. Sự thực, không
cần phải biết đọc, biết viết mới biết làm thơ: tác giả những câu thơ đẹp
nhất trong văn chương Việt Nam, ca dao, là những người nông dân không
biết đọc biết viết. Trong số 50 triệu người làm thơ, mỗi thế hệ cho vài
ba thi sĩ. Những thi sĩ đi sâu vào tâm khảm đám đông, gặp gỡ tâm hồn một
dân tộc còn hiếm hoi hơn nữa. TCS thuộc cái số hiếm hoi đó.
Sài Gòn, những ngày xáo trộn
Tiếng hát TCS đến với Sài gòn vào
những năm 60, ở trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, nằm trên góc đường Gia
Long – Nguyễn Trung Trực, ngay trung tâm thành phố. Sơn ở Bảo Lộc trôi
giạt về, lai vãng thường xuyên vì cái sinh hoạt trẻ ở đó rất náo nhiệt.
Trường đang rục rịch di chuyển một phần về cơ sở mới gần sở thú Sài Gòn
vì số sinh viên tăng rất nhanh, trường cũ không đủ chỗ. Văn Khoa là
trường đông sinh viên nhất ở Việt Nam. Xa rồi, cái trường Văn Khoa đầu
tiên ngoài Bắc, do giáo sư Cao Xuân Huy sáng lập năm 1949, với số sinh
viên vỏn vẹn có bẩy người, gọi là thất hiền.[5]
Trường di chuyển, nhiều gỉảng đường
bỏ trống. Gọi là giảng đường cho sang, sự thực đó chỉ là những căn nhà
tiền chế. Tất cả những gì gọi là sinh hoạt văn hoá xã hội của giới trẻ
Sài Gòn kéo về, chiếm đóng những căn nhà tiền chế. Một phần dành cho CPS
(Chương trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường), một phần dành
cho hội họa sĩ trẻ, đoàn văn nghệ Nguồn Sống. Phần còn lại, một số sinh
viên chúng tôi tịch thu làm nơi tập trung, hội họp. Hồi đó, người ta tự
hào thuộc giới trẻ, có lẽ vì thất vọng với những gì “lớp già” để lại.
Gia tài của mẹ để lại cho con, gia tài của mẹ, một nước Việt buồn. Họa
sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ… quên rằng người ta sớm muộn gì cũng
…già. Các “cụ” trong nhóm Người Việt, Thế Kỷ 21 ngày nay đều là những
người trẻ ngày xưa ở sân trường Văn Khoa.
Phải sống ở Văn Khoa những ngày ấy
mới thấy sinh hoạt văn nghệ, sinh hoạt xã hội là một nhu cầu thiết yếu
của tuổi trẻ, và nếu có cơ hội, sinh hoạt ấy bùng lên, tuổi trẻ bùng
lên, đất nước không còn là một nước Việt buồn. Sống ở đó rất tiện: Văn
Khoa nằm ngay trung tâm thành phố, đi vài bước là tới những tiệm cà phê
nổi tiếng trên đường Catinat, vài bước là tới Khai Trí, tiệm sách lớn
nhất Sài Gòn, tha hồ đọc sách cọp. Ông chủ Khai Trí là một người mê
sách, muốn phát triển văn hóa, ông ấy khuyến khích sinh viên đọc sách
cọp. Nhà cửa điện nước đều của chùa, rất tiện, trong khi hầu hết chúng
tôi đều nghèo kiết xác, từ những ông họa sĩ trẻ, những ông văn nghệ sĩ
có tiếng nhưng không có miếng ở đất nước của Tản Đà, Văn chương hạ giới
rẻ như bèo, những ông ký giả đầu tháng đã hết lương, những ngày cuối
tháng khó khăn, nhất là 30 ngày cuối tháng, theo cách nói của
Coluche[6], đến đám sinh viên trong đầu đầy những mộng đổi đời, cải tạo
xã hội và trong túi không có đủ tiền uống một ly cà phê.
đại bác đêm đêm vọng về…
Từ 1963, sinh hoạt giới trẻ Sài Gòn
cực kỳ náo nhiệt. Chúng tôi sống ở ngoài đường nhiều hơn ở trong nhà
hay trong lớp học. Hết biểu tình, hội thảo chống đàn áp Phật giáo dưới
thời ông Diệm, đến hội thảo, biểu tình chống các chính phủ thi nhau lên
xuống. Xuống đường trở thành một sinh hoạt thường nhật. Giữa những cuộc
biểu tình, những buổi hội thảo, thỉnh thoảng ghé vào giảng đường học vài
chữ cho phải phép. Đó là giai đoạn giới trẻ tham gia tích cực vào đời
sống chính trị xứ sở. Với lòng nhiệt thành, và cố nhiên với đôi chút
ngây thơ. Ngây thơ tin vào sức mạnh vạn năng của tuổi trẻ, nhất là khi
thấy chỉ vài buổi xuống đường cũng đủ lật đổ một chính phủ, một ông
tướng, một chính khách; và quên mất rằng trong cái hỗn loạn của đất
nước, người Việt chỉ là những quân cờ thí.
Trước Tết Mậu Thân, lớp trẻ Sài Gòn
còn tin tưởng, chưa hoàn toàn mệt mỏi, tuyệt vọng. Những ngày đầu thập
niên 60, chiến tranh chưa thực sự len vào thành phố, mặc dù hàng ngày
vẫn đọc trên báo những cuộc đụng độ nẩy lửa ở Pleiku, Cà Mâu, Đồng Xoài,
Bình Giả; thỉnh thoảng chứng kiến những vụ pháo kích; thỉnh thoảng họp
nhau, nhậu vài két la-de, lạc rang, củ kiệu, tiễn một người bạn lên
đường nhập ngũ. Chiến tranh còn ở xa, đại bác đêm đêm dội về thành
phố/Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Dân Sài gòn chưa thấy tận
mắt thấy những xác người nằm chết như mơ, những xác người nằm bơ vơ dưới
mái hiên chùa, trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu.
Sinh hoạt trẻ Sài Gòn ồn ào, sinh
hoạt trẻ Văn Khoa còn náo nhiệt hơn nữa. Bên cạnh những hoạt động chính
trị, những cuộc xuống đường, còn rất nhiều những đêm không ngủ, những
hội Tết, những đêm văn nghệ Nguyễn Đức Quang, Nguồn Sống, những ngày túi
bụi làm báo Xuân, nguyệt san Đối Thoại. Ở đó, (và ở trụ sở Tổng Hội
Sinh viên Sài Gòn), Phạm Duy ra mắt trường ca Mẹ Việt Nam, Vũ Thành An
ra mắt bài hát đầu tay. Chúng tôi, tuổi 20, kề vai nhau nghe Lệ Thu ngủ
đi em, mộng bình thường/ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ, nghe Thái
Thanh ca tụng mẹ Việt Nam không son không phấn, mẹ Việt Nam chân lấm tay
bùn (nhạc Phạm Duy); và thực tình xúc động với cái viễn ảnh Việt nam
quê hương đất nước sáng ngời. Cái viễn ảnh ấy, trong những đêm không
ngủ, tựa vai nhau, chỉ tưởng tượng cũng đã muốn khóc. Trước cái trống
rỗng của hiện tại, và cái lo lắng cho một tương lại mù mịt, người ta
ngồi sát lại nhau, người ta nắm tay nhau, xin chờ những rạng đông. Những
câu hát đẹp như thơ của Sơn đã đi thẳng vào lòng người.
Phong trào hoạt động xã hội cũng
phát triển rầm rộ. Ảnh hưởng của phong trào thanh niên chí nguyện quốc
tế của Kennedy, những hội đoàn như CPS, Thanh Niên Thiện Chí, Thanh Niên
Chí Nguyện vv … mọc ra như nấm. Tuổi trẻ tích cực tham gia những lần đi
cứu trợ nạn lụt ngoài Trung, cải biến những xóm nghèo ở thành phố, leo
lên những làng Thượng dạy học, đào giếng, chữa bệnh. Có anh tham dự vào
những ngày cuối tuần, có anh bỏ học, hoạt động hai ba tháng, nhiều khi
cả năm. Đó là một tuổi trẻ còn đầy lý tưởng, còn yêu đời, yêu người, còn
đầy tình người trong mạch máu, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
Điều đó chứng tỏ tuổi trẻ rất tha
thiết dến dân tộc, sẵn sàng đóng góp cho đất nước. Nếu họ thờ ơ với đất
nước như người ta than phiền, lỗi không phải ở họ: người ta đã không tạo
cơ hội cho tuổi trẻ tham gia. Họ bị gạt ra ngoài lề. Đất nước không còn
là đất nước của họ.
đường phượng bay
Bìa album Sơn Ca 7 với Khánh Ly hát những tình khúc Trịnh Công Sơn (1974)
TCS đến với Văn Khoa trong bối cảnh
đó. Sơn không phải sinh viên Văn Khoa; anh ở Huế vào, bỏ học vì hoàn
cảnh gia đình. Những đêm trăng, chúng tôi ngồi trên bãi cỏ trước quán
Văn, nghe Sơn đàn, nghe Khánh Ly hát. Khánh Ly sinh ra để hát TCS, cũng
như Thái Thanh sinh ra để hát Phạm Duy.
Quán Văn là một ngôi nhà tiền chế,
nằm giữa sân trường Văn Khoa. Một nhóm thổ công Văn Khoa sửa sang lại,
biến thành môt quán cà phê, làm nơi tụ họp, gặp gỡ. Đúng là một cái
quán, đơn sơ, nhưng đầy tình bè bạn. Giống như một cái quán ở miền quê,
nơi người nông dân ghé qua, uống một bát chè tươi, hút một điếu thuốc
lào, ngâm vài câu thơ, vài câu ca dao, tán gẫu với nhau sau những giờ
lao động. Ở đó, chúng tôi khám phá ra cái đậm đà của tình bạn, cái thi
vị của những buổi hẹn hò. Ở đó đã nở ra những mối tình, đôi khi dang dở,
nhưng có nhiều cặp còn keo sơn tới ngày nay.
Sơn, người nhỏ bé, gầy gò, ăn nói
nhỏ nhẹ, ôn tồn (tôi chưa hề thấy một TCS giận dữ, gây gổ bao giờ), Sơn
trở thành bạn của mọi người một người một cách rất tự nhiên. Đôi mắt
tinh anh, láu lỉnh, nụ cười hiền lành như một thầy tu, Sơn có cái phong
thái của một thi nhân, cái khiêm tốn của một người có thực tài. Từ cách
nâng ly uống một ly rượu, tiếp chuyện với bạn bè, cách trang phục, giản
dị nhưng trang nhã, cái phong thái thi nhân ấy hiện diện ở Sơn, thường
trực, tự nhiên. Đừng tưởng ông thi sĩ nào cũng có phong thái thi nhân.
Sartre nói về Heidegger, một triết gia hàng đầu mà chính ông chịu nhiều
ảnh hưởng: “Có những người ta chỉ nên biết tác phẩm, không nên biết đến
con người, nếu không muốn thất vọng”. Heidegger là một triết gia lỗi
lạc, lại cũng là người theo chủ nghĩa Nazi. Tôi đã quen những ông thi
sĩ, tác giả những câu thơ rất đẹp mà lại ăn uống, cư xử như một con heo
đực.
TCS ở ngoài đời rất giống TCS người ta tưởng tượng khi nghe những bản nhạc tình của anh.
Chúng tôi, mới đầu, ngạc nhiên thấy
một gã người Huế, rất thanh nhã, rất ung dung, từ tốn; không phải cái
từ tốn của một ông già, mà là cái ung dung quí phái của một con mèo, với
nụ cười hiền hoà thường trực trên môi. Sơn học chương trình Pháp, nhưng
xử dụng tiếng Việt một cách tài tình. Nhiều chữ rất tầm thường, với
Sơn, chợt trở nên truyền cảm; nhiều chữ do Sơn bịa ra, nhiều hình ảnh
đến từ một trí tưởng tượng phong phú, nếu không nghe Sơn giải thích,
chắn chắn không ai hiểu. Mặc dù vậy, người ta cũng vẫn rung động, vẫn
thấy cái Sơn nói đến rất thực, rất gần gũi. Đó là cái ma lực của chữ
nghĩa, của thơ khi thơ đạt, khi chữ nghĩa có duyên nợ với nhau. Nhiều
chữ, nhiều câu rất cũ, đột nhiên ở Sơn trở thành rất mới. Nhiều chữ
nhiều câu rất cầu kỳ, đột nhiên gần gũi. Khi thất tình, người tình bỏ ta
đi như những dòng sông nhỏ, khi tuyệt vọng, mùa thu không về, mùa xuân
cũng ra đi, ngay cả khi nói đến chiến tranh tang tóc, xác người nằm như mơ, TCS không lúc nào quên mình là thi sĩ.
TCS nói về những cái rất riêng tư,
những kỷ niệm rất riêng tư, qua một ngôn ngữ rất riêng tư. Và lạ lùng,
cái riêng tư ấy của thi sĩ thấm vào lòng người nghe. Người ta xúc động
mặc dù không hiểu từng câu, từng chữ. Nhất là trong những bản nhạc tình.
Nói về chiến tranh, ngôn ngữ TCS là ngôn ngữ của mọi người; chiến tranh
là một tai họa chung, một thảm kịch của cả một dân tộc, không phải là
thảm kịch của một cá nhân, mặc dù mỗi cá nhân là một thảm kịch.
Một người bạn tôi nói khi nghe Sơn
hát đường phượng bay mù không lối vào, anh thấy hình ảnh rất đẹp, rất
mới, nhưng không biết tác giả nói gì, cho đến một hôm, ở một tỉnh nhỏ,
anh thấy hoa phượng rơi, bị gió cuốn mịt mù, đỏ rực cả con đường trước
mắt.
Nếu không quen Sơn, ít ai biết trời
cao níu bước sơn khê, nói đến một người bạn gái tên Khê; ngàn cây thắp
nến lên hai hàng/ để nắng đi vào trong mắt em mô tả những tia nắng cuối
cùng của một buổi chiều tà đọng trên những ngọn cây, giống như ngàn cây
thắp nến.[7]
Ngôn ngữ TCS khác với ngôn ngữ Phạm
Duy (PD). Ngôn ngữ PD là ngôn ngữ ca dao. Hình ảnh của PD là hình ảnh
của ca dao. Nhiều câu, nhiều hình ảnh trong nhạc PD không hiểu là của PD
hay mượn từ ca dao. Đó không phải một lời chỉ trích; đó là một lời ca
ngợi. Bởi vì dùng ngôn ngữ của một dân tộc, nói lên tình tự của dân tộc
không phải ai cũng làm được, là một điều rất đáng tự hào. Lời ca của PD
ai cũng hiểu, hình ảnh của PD ai cũng đã từng thấy, vì trong tiềm thức,
chúng ta đã sống với ca dao từ hàng ngàn năm nay. Trong một bài báo ngày
xưa ở trong nước[8],
tôi viết tiếng hát Thái Thanh không có tuổi, vì đã làm say mê ba thế
hệ. Tôi nghĩ thêm: tiếng hát Thái Thanh qua nhạc PD không có tuổi vì
chúng ta vẫn nghe từ hàng ngàn năm nay. Tiếng hát ấy gợi ra trong đầu
người nghe những cánh đồng lúa xanh, tiếng cười rúc rích của cô thôn nữ,
những làn khói lam trên những mái nhà tranh, tiếng chuông chùa ngân
nga, tiếng hò hát của người nông dân những ngày được mùa, tiếng nghẹn
ngào của bà mẹ mù mắt chờ con đi chinh chiến, tiếng than vãn của những
đời lầm than, đen tối. PD sống với ca dao, thở với ca dao, cười khóc
bằng ca dao. Ít có người Việt nam nào Việt Nam hơn PD. Có lẽ có một
người: Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là ca dao, ca dao là Nguyễn Bính.
hai nghệ sĩ, hai cuộc chiến
Trên bãi cỏ trường Văn Khoa, trước
quán Văn, TCS và Khánh Ly hát trước hàng ngàn người hay chỉ năm, bẩy anh
em. Không phải chỉ hát cho tình yêu. Sơn càng ngày càng bị ám ảnh bởi
chiến tranh. Từ hình ảnh lãng mạn của người phu quét đường dừng chổi
đứng nghe, chiến tranh trở thành cụ thể hơn, ghê rợn hơn :
Một buổi sáng mùa xuân / Một đứa bé ra đồng / Đạp trái mìn nổ chậm / Xác không còn đôi chân.
Nhạc tình TCS là những tiếng thở
dài, có buồn cũng chỉ buồn thoang thoảng: mùa đông vời vợi, mùa hạ khói
mây, có trách cũng chỉ trách nhẹ nhàng: từng người tình bỏ ta đi, như
những giòng sông nhỏ. Một thái độ rất thiền, rất ‘zen’: trên hai vai ta
đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Nói về chiến tranh, TCS kêu gào,
phẫn nộ. Chiến tranh không còn từ xa vọng về như những ngày đầu, nó ở
trước mắt: Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng/trên nóc nhà
thành phố trên những đường quanh co. Cùng với cuộc chiến càng ngày càng
dữ dội, tiếng kêu gào của Sơn càng ngày càng thảm thiết. Anh nói đến
những em bé loã lồ, suốt đời lang thang, đến những xác người nằm bơ vơ,
dưới mái hiên chùa, đến những trái mìn nổ chậm, người chết hai
lần. Chiến tranh trở thành khốc liệt, tang tóc đổ xuống dân tộc kinh
hoàng. Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn/Hàng vạn chuyến xe mang vô
thị thành/Từng vùng thịt xương, có mẹ có em. TCS của chiến tranh trở
thành một người dở điên, dở dại, thất thểu, chiều đi trên đồi cao, hát
trên những xác người. Hình ảnh bi thảm, ma quái. Một thi sĩ thất thểu
trên Bãi Dâu, hát bên những xác người. Đi trên đồi cao, bên cạnh xác
người là một hình ảnh bi thảm, nhưng hát bên những xác người, hình ảnh
mang thêm một cái gì ma quái, điên dại. Bi đát như chiến tranh với những
con ngựa hý điên cuồng trong tác phẩm Guernica của Picasso.
Ngôn ngữ TCS về chiến tranh khác
với ngôn ngữ TCS về tình yêu. Chiến tranh trong nhạc TCS cũng khác chiến
tranh trong nhạc Phạm Duy. PD có “cái may” sống trong một cuộc chiến
tranh chống Pháp, có địch, có thù, chiến tuyến phân minh. PD 24 tuổi lên
đường tham gia kháng chiến, như hàng ngàn hàng vạn thanh niên khác.
Chiến tranh trong nhạc tiền chiến của PD nó hào hùng, nó bừng bừng khí
thế. PD tiền chiến không có cái cấu xé, cái dằn vặt. Cái chọn lựa của PD
nó hiển nhiên. Nhạc PD không có cái lưỡng lự, nó là một tiếng quân ca,
tiếng gọi lên đường. Bên cạnh cái hào hùng là cái lãng mạn của một trí
thức tiểu tư sản ở tuổi 20, của một nghệ sĩ giầu tình cảm. Đó là cuộc
chiến của những cô nàng gánh lúa cho anh đi diệt thù, của những chiến
sĩ dừng chân trên chiếc cầu biên giới tưởng tới người yêu ở quê xa.
Điều đó không có nghĩa là trong
nhạc PD không có cái bi thảm của chiến tranh. Nhạc PD có Bà Mẹ Gio Linh
lên đường đi kiếm xác con bị giặc chặt đầu, có bà mẹ đón người con
thương binh trở về, tiếc rằng ta đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ. PD nói
ông làm tới ba bài người thương binh vì ông sống qua ba cuộc chiến. Tác
giả Con Đường Cái Quan nói ông khác xa những nghệ sĩ khác thời tiền
chiến vì họ chỉ làm nhạc hùng; trong khi ông nói cả đến cái bi thảm của
chiến tranh. Nhưng cái tàn phá của chiến tranh, cái thảm họa đổ lên đầu
dân tộc càng khiến PD thấy cuộc chiến tranh của mình có ý nghĩa hơn. PD
thuộc những người, như Malraux nói, không thích chiến tranh, (bởi vì có
những người thích chiến tranh, coi đó là lẽ sống) nhưng tham chiến một
cách dứt khoát vì là chuyện phải làm.
Cuộc chiến của TCS khác, cái nhìn
của TCS khác. Đối với Sơn, đó chỉ là một cuộc nội chiến tương tàn. Nạn
nhân là nước Việt, người Việt:
Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng / Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
Lật xác người chết, chỉ thấy đồng bào, cha mẹ, anh em:
Bên xác người già yếu có xác còn
thơ ngây / Xác nào là em tôi dưới hố hầm này / Trong những vùng lửa
cháy bên những vồng ngô khoai
Những câu hát làm người ta nghĩ đến chiến tranh của Quang Dũng:
Mẹ tôi, em có gặp đâu không /
Những xác già nua ngập cánh đồng / Tôi cũng có thằng em bé dại / Bao
nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Ngay cả ở cùng một thời điểm, cái
nhìn về chiến cuộc của hai nhạc sĩ cũng khác nhau. Với TCS, đó là một
cuộc nội chiến mà người Việt Nam là nạn nhân. Với PD, đó là cuộc chiến
Quốc Cộng nối dài, mặc dù sau này, Phạm Duy, vì cơm ăn áo mặc, hay vì
một lý do gì khác, đã vứt bỏ cái hình ảnh của một nghệ sĩ dấn thân, đánh
đổi vai trò thần tượng của một thế hệ để đóng vai trò “hàng thần lơ
láo”. Ca ngợi cái chết của một phi công, Phạm Phú Quốc, PD nói: Ðặt tên
cho anh anh là Quốc/Ðặt tên cho anh anh là nước/Ðặt tên cho người đặt
tình yêu nước vào nôi. Viết cho một phi công khác tử trận, TCS không nói
đến chiến công, không ca ngợi anh hùng, chỉ nói đến một kiếp người: Anh
nằm xuống sau một lần đã đến đây/Đã vui chơi trong cuộc đời này/Đã bay
cao trong vòm trời này.
Trong bài “Kỷ vật cho em”, thơ Linh
Phương, PD phổ nhạc, có câu: anh trở về bại tướng cụt chân. Nếu Sơn là
tác giả, tôi nghĩ chắc Sơn viết anh trở về vì đã cụt chân. Đối với Sơn,
không có thắng có bại; chỉ có người Việt Nam bị cuốn hút vào một cuộc
chiến tương tàn. Nếu chưa bị cụt chân thì còn đánh nhau. Đó là một cái
nhìn cực kỳ bi đát về cuộc chiến.
nghệ sĩ và cuộc chiến
Trong cuộc chiến ấy, TCS không có chỗ đứng.
Người Cộng Sản không chấp nhận anh
là chuyện đương nhiên. Với người CS, không có chuyện lưng chừng, lưỡng
lự, phân vân. Những người không hoàn toàn theo họ là những kẻ thù. Những
người chống Cộng lên án Sơn đã trở cờ. Nhưng đọc kỹ những lời ca anh
viết sau 75, không thấy một lời ca chứng tỏ anh về hùa, tâng bốc nhà cầm
quyền. Nó vẫn chỉ là những lời ca ngợi tình yêu; kêu gọi tình anh em,
nghĩa đồng bào. Không hề thấy hô hào thù hận, như Xuân Diệu chẳng hạn,
khi “nhà thơ của tình yêu” (!) kêu gọi đấu tố năm nào:
Lôi cổ bọn chúng ra đây / Bắt quỳ
gục xuống đoạ đầy chết thôi / Bắt chúng đứng, cấm cho ngồi / Bắt chúng
ngước mặt, vạch người chúng ra
Còn nhạc gọi là phản chiến trước
75? TCS chỉ làm công việc của một nghệ sĩ: diễn tả cái thảm kịch của
chiến tranh, cái đọa đầy của một dân tộc. Ai mà không chia sẻ giấc mộng
của Sơn: Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ em đi hát đồng dao
ngoài đường.
Một câu hỏi đáng được đặt ra: TCS
có ảnh hưởng xa gần đến việc miền Nam thua trận? Có thể. Rất có thể. Một
người lính xúc động vì hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng/từng vùng
thịt xương có mẹ có em chắc chắn không chiến đấu hăng say bằng những
người cuồng tín. Một người lính than vãn ôi chinh chiến đã mang đi bạn
bè/Ngựa hồng đã mỏi vó/Chết trên đồi quê hương, chắc chắn không chém
giết hữu hiệu bằng một người lính suốt đời chỉ đưọc dạy ăn gan uống máu
quân thù. Một quân đội suốt ngày nghe (trên đài phát thanh nhà nước!)
những câu người già co ro, buồn nghe tiếng nổ/Em bé lõa lồ, khóc tuổi
thơ đi, chắc chắn không xả súng tưng bừng bằng một cán bộ suốt đời chỉ
biết vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù (Hò kéo
pháo). Nhưng nếu cuộc chiến đấu của miền Nam có ý nghĩa, cái ý nghĩa ấy
chính ở chỗ nó cho phép mọi người, trong đó có nghệ sĩ, được tự do diễn
đạt tư tưởng của mình. Đó là cái yếu của một chế độ dân chủ, ngay cả dân
chủ tương đối. Năm người mười ý, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Đó
cũng là lẽ sống của một nền dân chủ. Đó là cái giá phải trả, bởi vì
không có chọn lựa nào khác. Nói theo kiểu Winston Churchill: dân chủ là
chế độ dở nhất, nếu không kể các chế độ khác.
Khó trách người nghệ sĩ bày tỏ sự
rung động của mình trước cái đau thương của đồng bào. Ngay cả Phạm Duy,
tác giả bài ca tụng Phạm Phú Quốc, người đã tử nạn trong chuyến oanh tạc
miền Bắc, Ðặt tên cho anh anh là Quốc/Ðặt tên cho anh anh là nước/Ðặt
tên cho người đặt tình yêu nước vào nôi, cũng đã kêu giết người đi thì
ta ở với ai? Khó trách nghệ sĩ bày tỏ sự rung động của mình. Cái điều
lạ, cái cảnh khó tin nhưng có thực, là những đêm không ngủ chống chiến
tranh ở Văn Khoa ngày xưa diễn ra ngay ở trung tâm Sài Gòn, với … cảnh
sát, quân đội giữ an ninh chung quanh sân trường. Nếu TCS sống ở miền
Bắc, chắc chắn anh đã bỏ mạng trong trại cải tạo, và chúng ta sẽ không
bao giờ có được những Diễm xưa, Tuổi đá buồn…
huyền thoại da vàng
Nhiều người trách cái ngây thơ
chính trị của TCS. Nhưng cái ngây thơ chính trị của nghệ sĩ, của trí
thức là chuyện rất phổ thông. Chỉ cần nêu trường hợp Jean Paul Sartre,
suốt đời hô hào ủng hộ cách mạng vô sản, nhắm mắt trước cái dã man, chà
đạp nhân quyền trong những goulag. Chiến tranh, chính trị phức tạp hơn
là tình cảm của nghệ sĩ.
Chẳng hạn, TCS day dứt về thân phận
“da vàng” đến kiếp nô lệ “da vàng”; hết tiếng nói “da vàng” đến dư khúc
“da vàng”. Làm như cái bất hạnh của dân tộc nằm trong cái nghiệp sinh
ra từ mầu da, quên rằng nhiều dân tộc khác, cũng vàng khè không thua gì
người An Nam ta, đang tiến nhanh, tiến mạnh. Nhật Bản đã làm Tây phương
thất điên bát đảo trên mọi phương diện, Đại Hàn trở thành một cường
quốc, Trung Cộng sẽ là một trong hai lãnh tụ thế giới, và những nước
phát triển nhất trên địa cầu, Đài Loan, Singapore là những nước da vàng.
Một triết gia nói: “Có hai loại người, những người chấp nhận làm nô lệ
và những người không chấp nhận”. Vàng, xanh, trắng, đỏ không liên hệ gì
đến thân phận của một dân tộc. Ai đã gặp một người Nhật có mặc cảm da
vàng ? Họ không muốn thua ai, không muốn bằng ai, họ muốn trên mọi
người, đứng đầu thiên hạ, họ không biết hai chữ thân phận, vàng hay
xanh.
Những câu hát phản chiến của TCS là
những tiếng nói của tình cảm, không phải là một phân tách chính trị,
không phải những hô hào chính trị. Đó chỉ là những giọt nước mắt, Giọt
nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm, giọt nước mắt thương dân, dân
mình phận long đong, thoát ra từ trái tim, mặc dù những giọt nước mắt
đó, vì khả năng truyền cảm của nó, chắc chắn đã có ảnh hưởng đến chính
trị, đến chiến cuộc.
chữ nghĩa ích gì
Từ những năm 64-65, chiến tranh
càng ngày càng dữ dội. Xã hội càng ngày càng xáo trộn, tình hình chính
trị càng ngày càng nát bét. Ngay cả trong bối cảnh đó, trường Văn Khoa
vẫn sinh hoạt mạnh. Số sinh viên càng ngày càng đông. Ban giảng huấn đã
rất tận tụy góp phần vào việc phát triển trường Đại Học Văn Khoa Sài
Gòn. Cố nhiên, đó chưa phải là một trường đại học tân tiến, kiểu mẫu.
Phương pháp giáo huấn còn cổ hủ, từ chương khoa cử, chưa thực sự có đối
thoại, trao đổi giữa thầy và trò. Nhưng ngay cả ở Sorbonne, cũng vẫn còn
cái cảnh ông thầy ngồi trên giảng đường, thao thao bất tuyệt, đám sinh
viên ngồi dưới hí hoáy biên chép như các cụ đồ ngày xưa dạy học.
Nền giáo dục Việt Nam thời đó hoàn
toàn miễn phí, từ mẫu giáo đến đại học. Trong một nước chiến tranh, thực
hiện một nền giáo dục hoàn toàn miễn phí là một cố gắng đáng kể. Người
ta có thể chê trách chế độ rất nhiều điểm, nhưng đó là một điểm son phải
ghi nhận. Điểm son đó là nhờ ý thức của những người có trách nhiệm, hay
nhờ truyền thống tôn trọng học vấn của một xã hội chịu ảnh hưởng Khổng
giáo? Khổng giáo, ít nhất trên phương diện đó, có khía cạnh tích cực với
xã hội VN. Điều chắc chắn: nếu không có nền giáo dục hoàn toàn miễn
phí, hầu hết chúng tôi đã bỏ học từ lâu.
Một câu hỏi luẩn quẩn trong đầu tôi
từ nhiều năm: một trường Văn Khoa đóng vai trò gì trong một nước chiến
tranh? Sách vở ích gì cho buổi ấy ? (Nguyễn Khuyến). Bên cạnh bom nổ,
thịt rơi, cái sống cái chết gần kề, có phi lý không khi ngồi đó mổ xẻ
“Tứ thư ngũ kinh”, phân tích tư tưởng Socrates, tìm hiểu nguồn gốc chữ
Nôm. Bên cạnh cái nghèo đói của một xã hội lạc hậu, có vô nghĩa không
khi ngồi đó tụng niệm kinh điển bách gia, rung động với Lord Byron hay
Beaudelaire? Sartre nói: Bên cạnh một đứa trẻ chết đói, cuốn La Nausée
không có một giá trị gì.
Câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu, rất nhiều năm, và tôi đã thực sự nhiều lúc hoài nghi, không tìm được câu trả lời.
Câu trả lời, mãi sau này tôi mới
tìm ra. Câu trả lời tên là Céline, một cô bạn Pháp. Một buổi chiều thứ
bẩy, tôi lên phi trường đón Céline từ Sarajevo về. Céline là một thiếu
nữ thông minh, có bằng cấp, có chỗ làm tốt trong một công ty lớn, sống
nhàn hạ trong cái xã hội hưởng thụ là cái xã hội Pháp. Weekend bay qua
Madrid hay Marakech. Mùa đông trượt tuyết ở Courchevel, mùa hè nghỉ mát ở
Bali hay Bora Bora. Tóm lại, cô nàng có đủ thứ để hạnh phúc. Nhưng thay
vì hạnh phúc, Céline lúc nào cũng tất tả ngược xuôi, mệt mỏi cả thể xác
lẫn tinh thần; nhất là tinh thần. Rồi thuốc ngủ, thuốc an thần, hết
Lexomil đến Prozac.
Một buổi, Céline dẹp hết, bỏ việc,
bán nhà, bán xe. Và biệt tăm. Adieu Céline. Cho đến cái hôm ở phi
trương, tôi gặp lại Céline, nhưng một Céline khác, má rất hồng và miệng
rất tươi. Céline nói sau khi vứt bỏ mọi chuyện, cô nàng gia nhập một ban
hợp tấu, lưu diễn khắp nơi. Céline là một tay violon thiện nghệ, từ nhỏ
vẫn mơ thành nhạc sĩ. Céline lãnh một số lương tượng trưng, đủ cà-phê,
thuốc lá, vì ban nhạc thường đi trình diễn ở những nước nghèo. Họ vừa ở
Sarajevo về. Trình diễn hòa tấu ở Sarajevo, nơi người ta giết nhau như
ngoé, nơi người ta thí mạng để cướp một ổ bánh mì, một cái mền? Ở đó,
người ta chờ bột mì, thịt cá, đường muối, bột giặt, aspirine, ai chờ
Beethoven với Mozazt? Ban đầu, Céline cũng nghĩ như vậy. Nhưng đêm trình
diễn nào cũng đông nghẹt.
Trong một ngôi nhà thờ đổ nát, một
trường học còn đang cháy dở, mưa dột vì mái nhà bị pháo kích loang lổ,
người ta chen lấn nhau tới nghe nhạc. Ban ngày, người ta chạy bom, giành
giựt nhau miếng ăn, một mớ củi để sưởi. Đêm xuống, người ta kéo nhau đi
nghe nhạc. Đàn bà lục hành lý, lôi ra những nữ trang, những bộ quần áo
đẹp. Có ông thắt cà vạt chỉnh tề. Có bà vừa nghe nhạc vừa lặng lẽ khóc.
Céline vừa chơi nhạc vừa cầm nước mắt. Cô nàng vừa tìm thấy hạnh phúc.
Chưa bao giờ cô nàng thấy yêu đời như vậy, yêu mình như vậy. Lần đầu
tiên, Céline thấy mình có ích. Cô ta tìm thấy hạnh phúc của mình trong
cái hạnh phúc của người khác. Y chang tâm trạng của lớp người trẻ chúng
tôi ngày xưa khi đi cứu lụt, đào giếng.
Céline nói có thấy tận mắt cái cảnh
người ta lấy tờ báo che mưa nghe nhạc trong một ngôi nhà đổ nát, mới
thấm thía cái câu quen thuộc của người Pháp: Người ta không phải chỉ
sống bằng bánh mì.[9] Ngay
cả trong những lúc khốn cùng, cái đẹp, cái thẩm mỹ không phải là một xa
xỉ, vô ích. Cái đẹp sẽ cứu nhân loại, không phải Marx hay Lénine, không
phải bin Laden hay Bush.
Cái đẹp sẽ cứu vãn nhân loại. Người
ta đã từng giết nhau, hành hạ nhau, bỏ tù nhau nhân danh thượng đế,
nhân danh chính nghĩa, nhân danh giáo điều, nhân danh đất nước, nhân
danh đồng bào, nhân danh chân lý. Chưa bao người ta giết nhau nhân danh
cái đẹp. Người ta giết nhau vì thánh kinh, vì Coran, vì Hitler, vì Mao,
vì Mác, chưa bao giờ người ta giết nhau vì Picasso, vì Beaudelaire, vì
Nguyễn Du. Sau này, khi giận hờn sẽ quên, những gì người ta nhớ lại về
TCS là những bài hát, những câu thơ đẹp.
Cái đẹp sẽ cứu vãn nhân loại. Cái
đẹp không phải chỉ là những tác phẩm văn hóa. Cái đẹp còn là, cũng là,
nhất là tình người, một xã hội của những người tử tế, lương thiện. Đem
cái dối trá, đểu cáng, bất nhân làm tiêu chuẩn cho đời sống là cách hữu
hiệu nhất để làm tiêu vong dân tộc. Biến Xuân Diệu, tác giả của “tôi khờ
dại quá, ngây thơ lắm. Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì”, của “ít nhiều
thiếu nữ buồn không nói, tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”, thành một
người gào thét, căm hờn “lôi cổ bọn chúng ra đây”, là thành quả ghê rợn
nhất của công cuộc hủy diệt cái đẹp.
Ismail Kadaré nói ngay cả trong
những lúc cực kỳ khó khăn vẫn phải có thái độ nghiêm trọng đối với văn
hoá. Kadaré sinh ra, lớn lên và viết văn trong một hoàn cảnh cực kỳ khó
khăn, ở một nước Cộng Sản độc tài bực nhất thế giới: Albanie. Kadaré
viết văn trong một xứ kiểm duyệt khắt khe, một nước vỏn vẹn ba triệu
dân, nghèo đói, người mù chữ đông hơn người biết đọc, biết viết. Và viết
bằng tiếng Albanie. Mặc dầu vậy, ông viết văn với một thái độ cẩn
trọng. Ngày nay, Kadaré được coi là một trong những nhà văn quan trọng
nhất thế giới.
Nghệ thuật, cái đẹp có công dụng
gì? Chẳng có công dụng gì. Nhưng đời sống không có cái đẹp sẽ buồn tẻ
biết bao nhiêu. Bức tượng của Michel Ange, bức tranh của Van Gogh không
có công dụng gì, nhưng hãy tưởng tượng một thế giới không có Michel
Ange, Van Gogh. Hãy tưởng tượng Paris không có tháp Eiffel, New York
không Nữ Thần Tự Do.
Nghe cô nàng Céline kể chuyện về
những buổi trình tấu ở Sarajevo, tôi hiểu rằng trong một xứ chiến tranh,
nghèo đói, một trường Văn khoa chẳng có ích lợi thiết thực gì, nhưng nó
là cái cốt yếu cho một dân tộc còn muốn vươn lên.
đời sao im vắng
Tôi gặp lại TCS những ngày cuối
cùng của năm 1999, khi về thăm Việt Nam. Sơn ngồi trước một cái bàn nhỏ,
trong sân Hội Văn Nghệ Sĩ gì đó ở Sài Gòn. Vẫn nụ cười hiền lành, nhưng
buồn bã, vẫn thái độ từ tốn, phong nhã,vẫn đôi kính đồi mồi nhưng trước
mắt tôi là một TCS lục tuần bịnh hoạn, mệt mỏi, mặc dầu đôi mắt vẫn
sáng lên khi nghe đến tin bè bạn. Sơn hỏi thăm tin tức về người này ở
bên Tây, người kia ở bên Mỹ. Sơn nói về những người ở lại, kẻ mất, người
còn.
Bơi trong cái áo sơ mi rộng thùng
thình, Sơn nói: mình chỉ còn 39 kí. Sơn nói rượu đã tàn phá lá gan đến
độ không có thuốc gì chữa nổi. Có người sẵn sàng đưa anh đi ngoại quốc
giải phẫu gan nhưng anh từ chối. Sơn nói anh rất mệt, nhiều khi xây xẩm
mặt mày vì bịnh áp huyết thấp (hypotension).
Vừa nói chuyện, Sơn vừa chào hỏi
của những người qua lại. Vị nhạc sĩ lão thành, tác giả bài Dư Âm nổi
tiéng hồi nào ở Hà Nội (Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng
tơ…) kể chuyện đi thăm bác sĩ, chuyện thuốc men. Nhạc sĩ Trần Tiến nói
về đêm ca nhạc thành công tuần trước. Ông Vũ Hạnh chạy qua chạy lại hối
bài cho một đặc san kỷ niệm “cuộc chiến chống Mỹ cứu nước”.
Sơn ngồi đó, mỉm cười hiền lành,
buồn bã. Tôi hỏi Sơn có tính đi ngoại quốc chơi một chuyến, nhân tiện
chữa bệnh, dù tôi biết Sơn đang sống những ngày tháng cuối cùng. Nếu
người nghiện rượu tiếp tục uống, dù có thuốc thánh, dù có gỉai phẫu gan
cũng không thay đổi gì. Sơn không muốn nghỉ rượu, hay không nghỉ được.
Sơn nói mình uống ít hơn trước nhiều. Sơn mỉm cười: mình sang đó, sợ các
ông ấy đập mình. Rồi tiếp: sự thực thì ở bên Pháp không có vấn đề gì,
bên Pháp ít có người quá khích; kỳ trước mình qua Pháp, anh em đãi ngộ
rất tử tế.
Sơn tiếp: nói cho đúng, mình mệt
lắm, có muốn cũng không đi được. Sơn nói, từ tốn, không lộ một chút xúc
động. Anh đang ở một cõi khác, những cái lăng nhăng ở cuộc đời này không
liên hệ gì đến anh nữa. Nghe tôi sắp đi Nhật, Sơn nhắc đến một cô sinh
viên Nhật Bản đã làm một luận án về ngôn ngữ và chiến tranh trong nhạc
TCS.
Khi tôi ra về, Sơn đưa cho tôi số
điện thoại ở nhà riêng: “Ráng đến chơi, mình có chuyện muốn nói. Thằng
em mình, biết cậu về, chắc nó mừng lắm”. Em Sơn ngày xưa cũng la cà ở
quán Văn.
Tôi nghĩ Sơn muốn nói những gì
không thể nói được ở một nơi có nhiều người qua lại. Tôi ân hận vì không
có thì giờ tới nhà Sơn như đã hứa, vì phải rời Việt Nam ngày hôm sau.
Tôi rời Sài Gòn ngày mùng 1 tháng giêng năm 2000. Thế giới đang bước
sang một thế kỷ mới. Tôi gọi điện thoại chào Sơn. Anh hỏi: Cậu đi ngày
đầu năm 2000, không sợ ‘“sự cố” à? Tôi nói sự cố nó sợ tôi chứ tôi sợ gì
nó. Hồi ấy, ở Sài Gòn, người ta kỵ đi máy bay ngày đầu năm 2000. Sơn
nói, giọng buồn: Nếu gặp lại X,Y cho mình gởi lời hỏi thăm; chắc mình
không có dịp gặp lại anh em nữa. Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè. Ngựa
hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương.
Mỗi lần nghe nhạc TCS, tôi nghĩ đến
cái cô đơn cùng tận của người nhạc sĩ ngồi trước cái bàn nhỏ ngoài sân,
mỉm cười với người này người kia, nhưng đầu óc ở một nơi khác. Sơn ngồi
đó, cô độc. Một mình tôi về với tôi. Đem cái cô đơn của kiếp người nhân
lên gấp mười, bạn có cái cô đơn của người nghệ sĩ, nhân lên trăm lần có
cái cô đơn của người nghệ sĩ Việt Nam, nhân lên ngàn lần có cái cô đơn
của TCS. Cái cô đơn của một người suốt đời ca ngợi tình yêu, tình đồng
bào, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau, mà cuối cùng bị chỉ trích từ mọi
phía. Sơn ngồi đó, nâng niu cô đơn từng ngày…mà đời còn nhiều đắng
cay (Vũ Thành An). Sơn ngồi đó, một mình, giữa nhiều người:
Đời sao im vắng / Như đồng lúa gặt xong / Như rừng núi bỏ hoang / Người về soi bóng mình / Giữa tường trắng lạnh câm
Cái sân chỗ Sơn ngồi đông người qua
lại, và ngoài đường xe hơi, xe gắn máy chạy loạn xà ngầu, nhưng Sơn
ngồi đó, giữa tường trắng lạnh câm.
anh đã đến, đã vui chơi…
Trịnh Công Sơn ra đi ngày 1 tháng tư 2001,
hưởng thọ 62 tuổi. Sáu mươi hai tuổi, đời người như gió qua. Ở bên
Pháp, ngày 1 tháng tư là ngày “cá tháng Tư” (poissons d’Avril), ngày
người ta đùa nhau bằng những chuyện hoàn toàn bịa đặt. Báo cho một ông
nhà văn hạng bét là ông ta vừa chiếm giải Goncourt. Thú với
cô fiancée là đã có vợ với ba con, rồi sau đó cho hay đó chỉ là những cá
tháng Tư, những chuyện đùa chơi. TCS ra đi thật hay chỉ thả một con “cá
tháng Tư”?
Sơn đã đến, đã vui chơi trong cuộc
đời này. Bây giờ có lẽ anh đang bay cao trong bầu trời này. Nhưng, nhiều
lúc, tôi tự hỏi có quả thật anh đã vui chơi trong cuộc đời này. Có bao
nhiêu người Việt nam đã thực sự vui chơi trong cuộc đời này?
Từ Thức
(Paris, tháng 3/2011)
(Paris, tháng 3/2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét