Tháng Tư là đầu mùa Hè, thực ra SG quanh năm là mùa
Hè, thản hoặc may mắn cuối năm nào được hưởng chút cái hơi lạnh của mùa
Đông, khi không khí lạnh vượt qua được đèo Hải Vân xuống phía Nam là SG
dìu dịu như Đà Lạt, người SG mừng lắm.
Tôi
xuống xe ở đường Tự Do, lững thững qua Passage Eden, tháng Tư SG cây
cối xanh mầu, có tiếng ve kêu và đâu đó lác đác những cánh phượng nở sớm
báo hiệu Hè đã đến, “Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung
nắng ngoài song”. Hè, mùa chia tay của học sinh, con gái nắn nót với
những trang lưu bút, còn đám con trai? Ráng mà thi đậu nghe, còn không,
có quân trường đợi sẵn đó, tôi không còn quan tâm đến sự chia tay thuở
học trò này nữa vì tôi rời mái trường mấy năm nay rồi, giờ đã là một
người lính dày dạn gió sương, tuổi học trò đi qua mà lòng không muốn như
vậy.
Qua Passage Eden, tôi thấy Ngọc đứng chờ tôi ở trước Rex, nàng hôm
nay đẹp rực rỡ, người con gái nào đang có tình yêu đều đẹp, chúng tôi
nắm tay nhau, biểu lộ tình yêu thời đó chỉ là như vậy, rất lễ giáo,
không có cái hôn, không ôm choàng lấy nhau ầm ĩ. Ngọc ríu rít hỏi tôi về
phép được mấy ngày, sao không đến nhà thăm em…
Ngọc đang học Dược, chúng tôi quen nhau cũng đã mấy năm, ngày Ngọc
còn là cô nữ sinh Trưng Vương, tháng Tư hàng me đường Nguyễn Bỉnh Khiêm
từng chiếc lá vàng nhỏ rơi rụng, lăn tròn trên vỉa hè, lấm tấm như
những hạt gạo, tôi hay đợi Ngọc ở đấy, đường đi của đôi tình nhân có lá
me vương trên mái tóc, Ngọc không cho tôi gỡ những chiếc l á me xuống,
nàng bảo: “ mấy chiếc lá đó thích em anh để kệ nó”, lãng mạn thật, thực
ra nàng sợ lũ bạn nhìn thấy thì đúng hơn, con gái học đệ nhị mà đã có
người đón đưa là bạo đấy, ôm chiếc cặp nơi ngực mà vương vấn hình ảnh ai
đó là hơi sớm đấy, trên đường tình có gió mơn man tà áo trắng, áo bay
cuốn lấy chân tôi, Ngọc giữ áo lại, tôi nói: “cái áo nó thích anh, em để
kệ nó”, Ngọc cười, đôi má con gái ửng hồng.
Thời
ấy, cuối những năm 60, SG trở lại yên bình sau cái Tết Mậu Thân, chiến
tranh càng trở nên khốc liệt, nhưng ở đâu đó thôi, SG vẫn bình yên, tôi
đã rời học đường trước đó, bình yên thế nào được, những người thanh niên
nào ai cho yên bình. Tôi rời Đại Học, nhập ngũ, thỉnh thoảng về phép,
hẹn Ngọc đi chơi, như hôm nay chẳng hạn, tôi dẫn Ngọc loanh quanh Lê
Thánh Tôn, Gia Long, Tự Do… những con đường đầy kỷ niệm mà mỗi lần về
SG, tôi cứ thích lang thang ở đó.
Tôi đưa nàng vào Brodard, một quán nước hồi còn là sinh viên, tôi và
bạn bè hay ngồi ở đây, quán không có chanh đường để uống môi em ngọt,
quán có chút Tây hơn, con đường Tự Do cũng có những hàng me cao, tôi gỡ
vài cái lá vướng trên tóc nàng, Ngọc không tìm cách tránh như hồi còn ở
Trưng Vương, hồi đó còn sợ bạn nhìn, giờ chỉ có người tình nhìn, càng
thích chứ sao. Rót nước cho Ngọc rồi hỏi: nghe Nat King Cole nhé, nàng
gật đầu, tôi mua jeton rồi bỏ vào cái jukebox cạnh đó, tiếng hát trầm ấm
của người ca sĩ da đen cất lên:
Love is a many splendored thing, it’s the April rose…
Có đúng không, tình yêu là vật đẹp muôn mầu ? Ngọc hỏi tôi :
- Tình yêu chỉ có nghĩa vậy thôi sao?
Tôi trả lời nàng :
- Không, có nhiều chứ, tình yêu người ta định nghĩa nhiều lắm nhưng
càng định nghĩa nó càng rối mù, theo anh tình yêu cần gì phải định
nghĩa, nó chỉ giản dị trong 2 chữ anh + em vậy thôi, với anh thế là đủ.
Bài hát tôi và Ngọc đều thích và có cùng kỷ niệm, lúc mới quen nhau
qua đứa cháu, bạn học cùng Ngọc, và cũng tại Brodard này trong một lần
đi chơi, hình như lần đầu thì phải, tôi thấy Ngọc loay hoay chọn bài
hát trong cái máy, tôi tiến tới bỏ jeton vào thì cả 2 ngón tay tôi và
Ngọc cùng bấm Love is a many splendored thing, tôi và Ngọc nhìn nhau,
hóa ra… lần đầu đấy, nhưng ánh mắt đã có chút xao xuyến, ai cũng có một
thời để nhớ về một kỷ niệm nào, với tôi, mỗi lần nghe bài hát này,
Brodard và Ngọc hiện ra trước mặt, it’s the April rose that only grows
in the early spring.. vâng, bông hồng tháng Tư, chúng tôi yêu nhau và SG
tháng Tư không có được hoa hồng, chỉ có mầu đỏ của phượng, cả tôi và
Ngọc đã xem cuốn phim này, La colline de l’adieu với William Holden và
Jennifer Jones, thuở học trò mang tình yêu vào sách vở nhưng kém đâu
nồng thắm,…and your fingers touched my silent heart and taught it how to
sing…Trong phim cảnh thật đẹp khi W.Holden và Jenny đứng trên đỉnh đồi,
phía dưới xa xa là thành phố cùng bãi biển, họ hôn nhau.
Tháng Tư SG nóng nung nấu người, hàng me ngoài đường im gió, có những
tà áo dài của các cô làm việc ở ngân hàng về, tà áo đồng phục làm dịu
bớt cái hừng hực của tháng Tư, thấy tôi ngắm nhìn mấy tà áo dài đó, Ngọc
rời đôi môi xinh xắn khỏi ống hút hỏi tôi:
- Anh thích gì nhất nơi người đàn bà?
- Theo anh cái nhất của người phụ nữ là sự duyên dáng và thông minh.
- Anh trả lời chung chung quá, thí dụ thích vẻ đẹp của mái tóc, đôi mắt, làn môi hay như bộ ngực chẳng hạn…
Tôi trả lời một câu lạc đề :
- Anh thấy đàn bà nào có bộ ngực to thường kém thông minh.
Hai tay đang chống dưới cằm, Ngọc vội khoanh tay như che ngực mình lại:
- Ý này anh lấy ở đâu mà lạ vậy, thế em to hay nhỏ?
-Vừa vừa thôi.
-Vậy là không thông minh và cũng không ngu?
Buổi tối, tôi và nàng đi nghe nhạc ở phòng trà Ritz đường Trần Hưng
Đạo, phòng trà của Jo Marcel mới mở, nhìn chung quanh, ánh đèn mầu mờ
mờ êm dịu, mọi người ăn mặc lịch sự, tôi thấy mình như xa lạ, có rừng rú
lắm không, mà có lâu lắc gì đâu, trước đây mình cũng là những người như
thế này, tôi nghĩ tới chỉ mai hay mốt trở lại cùng đơn vị, đâu còn
được như thế này, rừng cây, bụi bậm, bom đạn, người chết…
Rồi Lệ Thu xuất hiện: ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho,
mùa Thu đã chết rồi. Bài hát này dạo đó mới có, được ngay mọi người đón
nhận vì cái lãng mạn và đau thương của lời thơ thi sĩ người Pháp. Ngọc
tựa đầu vào vai tôi, nàng hát nho nhỏ theo Lệ Thu: đôi chúng ta sẽ chẳng
còn nhìn nhau nữa, tôi vòng tay ôm nàng: bậy nào, ừ mùa thu chết rồi,
thây kệ mùa thu, chúng ta vẫn có nhau, anh còn em đây thôi, cần gì hơn,
mai có trở lại đơn vị cũng không sao. Tôi nắm tay nàng: chúng mình cưới
nhau đi chứ!
- Gớm, mãi cóc mới chịu mở miệng.
Năm Ngọc gần ra trường, chúng tôi làm đám cưới, nàng có nhiều bạn bè,
những người năm xưa gặp ở bal de famille còn là nhí nhảnh của thời con
gái, giờ đã lớn và chững chạc, hồi đó đi nhẩy bal của Dược là sang lắm.
Chú rể có vài người bạn, da đen sạm và tóc cháy nắng gió, họ ngồi riêng
một góc, tì tì uống rượu, không cười, không nói, có thể họ đang nghĩ tới
đồng đội, giờ này mình hạnh phúc ngồi đây, bạn bè thì căng mắt chờ quân
thù. Cưới nhau xong là đi, tôi chỉ có 4 ngày bên Ngọc rồi trở lại chiến
trường.
Tháng Tư 1972 có một mùa Hè mà nhà văn Phan Nhật Nam đặt tên là “Mùa
Hè đỏ lửa”, SG cũng đang vào mùa Hè, chiến trận bùng lớn trên khắp mọi
miền nhưng vẫn còn xa SG, tôi ít có dịp về đưa Ngọc đi trên con đường Tự
Do có hàng me cao. Chiến tranh làm bao người đàn bà là chinh phụ nên
khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên, bởi vậy vụt một cái chinh phụ trở
thành góa phụ, chít khăn sô lên đầu vội vã. Còn đàn ông con trai gọi là
gì? chinh nhân ư? chinh nhân ơi, xin anh chớ buồn … người yêu anh còn
đó, người yêu anh bé nhỏ– hừ, không buồn sao được, vợ mới cưới, gần nhau
được vài ngày rồi cứ thăm thẳm chiều trôi mà bảo chớ buồn.
Thế rồi cái tháng Tư đau thương đó xẩy đến, ngọn sóng Tsunami cuồn
cuộn đem súng đạn vô SG, chiến tranh không còn ở đâu xa nữa, tội nghiệp,
chúng tôi vẫn vùng vẫy, vẫn chiến đấu, vẫn hy vọng… người lính chỉ biết
tuân lệnh dù tuân lệnh trong tuyệt vọng, không biết rằng mọi sự đã an
bài, mọi sự đã được sắp xếp xong rồi, tôi không gặp Ngọc trong cái Tháng
Tư khốn khổ đó, không thấy mặt đứa con đầu lòng mà biết rằng nó sẽ chào
đời trong khoảng thời gian này.
Ở tù ngoài Bắc, cứ phải nghe những luận điệu điêu ngoa xảo trá, mà họ
nói hay thật, đúng như nữ ký giả người Pháp Susan Labin có một câu nói
không thua gì câu nói của ông Thiệu: “người Cộng Sản nói dối nhiều quá
đến độ khi nói dối họ tưởng họ nói thật”. Ngay ngày đầu tiên ở đây, tên
cán binh AK nói với tụi tôi: giặc lái Mỹ bay ra ngoài này bị hạ hết vì
tầu bay ta núp trong mây chờ chúng tới bất ngờ xông ra…
Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch thảo, tôi không biết hoa Thạch Thảo hình
dáng ra sao, nhưng những lần đi lao động trong rừng núi, tôi ngắt cụm
hoa dại để nhớ Ngọc và những con đường Sài Gòn, ở đây xa quá và khổ quá,
cần có ước mơ để giữ mình được vững vàng. Tháng Tư đau thương đó, không
có tôi, Ngọc xoay sở như thế nào khi bụng đã quá lớn, SG hấp hối. SG
cuống cuồng, người SG không nghe thấy tiếng ve kêu, không kịp nhìn ngắm
những cánh phượng mới nở, ôi tháng Tư đau thương. Tôi bị bắt ngay tại
mặt trận, từ ngày đó, tôi và Ngọc không gặp nhau.
Mãi 1978, chúng mới cho viết thư, hôm nhận thư Ngọc, tôi run rẩy cả
người: Anh yêu dấu, rất mừng khi biết tin anh, anh chưa biết anh có đứa
con gái đâu nhỉ, mẹ con em vẫn mạnh khỏe, Ngọc Anh đã 3 tuổi, luôn hỏi
về bố, em đặt tên con là Ngọc Anh, một bé gái dễ thương, đẹp như mẹ và
nghiêm nghị như bố, Ngọc Anh có nghĩa là Ngọc luôn là của anh đấy, em
vẫn theo nghề thuốc nhưng là thuốc vỉa hè, em buôn bán ở chợ Cũ, tiện
tặn cũng tạm đủ, em theo bác Cả một thời gian nhưng nghĩ nên đi vùng
kinh tế mới như chú Lộc mới đúng với chính sách của nhà nước, sẽ nói với
anh sau.
Anh ráng học tập tốt, lao động tốt, nhà nước sẽ khoan hồng cho anh về sớm.
Ngọc Anh và em hôn bố.
Dĩ nhiên lá thư bị kiểm duyệt và tôi bị mắng: lần sau nói vợ không
được viết ở đầu lá thư là anh yêu dấu nghe, các anh còn đầu óc lãng mạn
tiểu tư sản, viết thư về, động viên vợ anh bỏ buôn bán linh tinh và nên
đi vùng kinh tế mới theo đúng chính sách của đảng và nhà nước ta hiện
nay.
Thư trả lời tôi khuyến khích nàng nên đi kinh tế với chú Lộc vì chú
Lộc – em trai tôi – hiện nay ở Úc, ý cho Ngọc biết nếu có cơ hội là nàng
cùng con nên vượt biên, tội nghiệp cô nữ sinh Trưng Vương, ra Dược Sĩ
làm cho công ty Dược Trang Hai, một Cty Dược lớn nhất miền Nam thời đó,
giờ Ngọc lê la nơi vỉa hè chợ cũ, bên nách đứa con nhỏ mà chồng thì biệt
tăm biệt tích từ cái Tháng Tư khốn khổ đó, vẫn là liên quan tới ngành
thuốc của nàng, nhưng kiếm từng đồng với những viên thuốc qua lại.
Cuối 1978, các trại tù trên miền cao được di chuyển sâu xuống phía
Nam, chúng tôi không biết rằng chiến tranh sắp xẩy ra giữa 2 nước CS anh
em, với nước Tàu sau khi VC đánh tan Pon Pot, hành động này coi như một
sự phản bội. Tôi được đưa từ Sơn La về trại Nam Hà ở phía Nam Hà Nội,
thế rồi thấy tù bị chết vì đói khát, bệnh tật nhiều quá, CS cho gia đình
tù được phép thăm nuôi, từ miền Nam phải đi xe lửa mấy ngày đêm mới ra
được tới Bắc. Ngọc dành dụm tiền, đầu năm 80 ra thăm tôi tại Nam Hà, khi
gặp nhau, tôi nhìn Ngọc sững sờ, Ngọc ốm và đen hẳn đi, sự kham khổ
biến cô Dược Sĩ xinh đẹp ngày nào nom khác hẳn, chế độ ưu việt lột xác
con người hay thật, tôi nhìn Ngọc Anh chằm chằm, con bé gặp tôi lần đầu
nên có vẻ là lạ, được sinh ra trong cái hỗn mang của Sài Gòn nên gương
mặt buồn buồn và bướng bỉnh, những giọt nước mắt lăn trên khóe mắt Ngọc,
mụ nữ cán bộ dẫn thăm nuôi gắt với nàng:
-Không được khóc, hãy động viên chồng học tập cho tốt để nhà nước còn khoan hồng.
Khi ngồi nói chuyện, mụ ngồi ngay trước mặt theo dõi câu chuyện giữa
tôi và Ngọc. Tôi nói với Ngọc tưởng như bình thường nhưng thật ra dùng
toàn những ý nghĩa chỉ tôi và nàng hiểu, Ngọc cho biết cái ngày mất Sài
Gòn đó, nàng không có một tin tức nào về tôi, người anh họ trong Không
Quân kêu nàng đi, Ngọc không đi, bụng quá lớn gần ngày sanh mà chẳng
biết tôi như thế nào, không đành lòng bỏ đi. Tôi nói với nàng chúng ta
có nhiều sai lầm quá, em có ở lại thì giờ cũng chỉ là thế này, bao nhiêu
là sai lầm như thế, tôi nói hễ có cơ hội em cứ đi đi, ngày nào được về,
anh sẽ tìm cách đi sau. Lúc chia tay, tôi hôn Ngọc Anh, nắm 2 tay nàng,
như ngày nào Ngọc chờ tôi trước thềm rạp Rex. Lúc phải quay vào, Ngọc
như muốn khụy xuống, tôi quay đi không muốn nàng nhìn thấy tôi cũng long
lanh nước mắt, mùa Thu đã chết, em nhớ cho… được một đoạn, ngoái lại,
Ngọc nắm tay con vẫn đứng đấy, giơ tay vẫy vẫy, tôi vẫy lại, cứ ít bước
lại ngoái lại, giơ tay vẫy, bóng 2 mẹ con xa dần, nhỏ dần…
Như nghiệm vào câu Ngọc hát trên vai tôi buổi tối ở Ritz: đôi chúng
ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa. Cuối 1980, Ngọc dẫn con xuống Rạch Giá
vượt biên và ghe gặp cướp biển, từ đó tôi bặt tin nàng, chẳng bao giờ
gặp lại Ngọc và con nữa. Ngọc Anh năm đó mới 5 tuổi.
Cái chế độ tự nhận là ưu việt đó đã nướng 1 triệu thanh niên miền Bắc
cho mộng bá vương điên cuồng, miền Nam cũng thiệt hại hơn 200 ngàn
người con ưu tú cho cuộc chiến, có điều họ tự xưng là ưu việt nhưng lại
không chịu nhìn thấy là hễ họ đi tới đâu thì người dân chạy trốn tới đó,
ngay cả khi cuộc chiến chấm dứt, người dân vẫn hốt hoảng liều chết vượt
biển ra đi, nếu quả thực ưu việt thì người dân phải ở lại để hạnh phúc
với cái ưu việt đó chứ.
Cuộc chiến chấm dứt, số người bỏ mình trên biển tìm Tự Do khoảng 2, 3
trăm ngàn người, ngang bằng số người miền Nam chết cho 20 năm cuộc
chiến, trong số những người chết đó có Ngọc và đứa con gái bé nhỏ của
tôi.
© Trần Như Xuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét