Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Mạn đàm với Đặng thái Sơn

Lâu lâu dọc phỏng vấn về những người nổi tiếng thì cũng thú vị chứ, nhất là họ làm những công việc mà mình thích nữa (xin nói rõ là thích ở đây chỉ là tò mò, dốt chứ không có nghĩa là vì biết mà thích).  Tôi đã được nghe vài giai thoại về ông Đặng Thái Sơn (biết đâu lại có giây mơ rế má từ thời nào ấy chứ). Nhưng đó là chuyện nhỏ, việc tôi post lại bài phỏng vấn này vì đọc xong mà không khỏi nghĩ đây là bài phỏng vấn có vài hạt ...sạn, người hỏi thì không hiểu cố ý hay vô tình không tìm hiểu kỹ người được phỏng vấn để tránh những câu hỏi mà người trả lời có thể tránh không muốn trả lời, và bài phỏng vấn thì cho người đọc thấy sự lấn cấn của một người được gọi là "thiên tài" của VN, dường như quá nghiêm túc không có một sense of humor. Nhưng đó chỉ là cảm nhận tào lao của người đọc dốt như tôi, điều quan trọng là không hiểu sao người ta đăng bài này với cái tựa đề khá lạ, giới tự "Với" thì viết hoa mà tên ông thì viết thường lại còn gạch giữa những chữ của tên. Trong khi cái trang post bài này lại mang tên là Quán Văn.
Dò những bài viết khác của cùng tác giả thì không thấy có cách viết này, lạ! (post lại y chang như thế cho mọi người xem)



Vào dịp Đặng-Thái-Sơn - người chiếm giải Huy Chương Vàng trong cuộc tranh tài quốc tế về trình tấu dương cầm nhạc của Chopin - đến Houston trình diễn, Điệp-Mỹ-Linh (ĐML.)...đã tạo cơ hội để gặp gỡ và mạn đàm với Đặng-Thái-Sơn (ĐTS.) quanh thế giới âm nhạc.

ĐML.- Xin anh cho biết anh bắt đầu học nhạc từ năm anh bao nhiêu tuổi? Ai là vị giáo sư âm nhạc đầu tiên của anh? Ngoài dương cầm anh có học các loại nhạc cụ nào khác không?

ĐTS.- Nhờ sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, mẹ tôi là giáo sư dương cầm nên từ ba bốn tuổi tôi đã bắt đầu thích nhạc và thích sờ đàn. Nhưng vì tôi là út và các anh chị của tôi đều học nhạc cả nên Ba Mẹ tôi không muốn tôi học nhạc, vì tập đàn cả ngày, ồn. Vì thế tôi gặp nhiều khó khăn. Về sau, thấy tôi thích nhạc quá, ông cụ tôi bảo để cho tôi thử xem như thế nào. Chính ông cụ tôi phát hiện rằng tôi có năng khiếu nên từ sáu tuổi tôi bắt đầu học có quy củ. Mẹ tôi dạy tôi từ đó cho đến năm tôi  19 tuổi. Ngoài dương cầm tôi không học thêm một nhạc cụ nào nữa cả.

ĐML.- Ngoài kỹ thuật trình tấu, có bao giờ anh nghĩ đến vấn đề sáng tác không?

ĐTS.- Kỷ nguyên này không như thế kỹ 19. Thời lãng mạn của thế kỷ 19, các ông Chopin, Lizt, v. v. là những nhà soạn nhạc, đồng thời cũng là người biểu diễn luôn. Đến thế kỷ 20, soạn nhạc và biểu diễn tách thành hai ngành riêng biệt. Ngành biểu diễn không những trình diễn chung chung mà còn có người chuyên trình diễn những nhạc phẩm của tác giả này và có người chuyên biểu diễn các tác phẩm của tác giả khác. Đó là khuynh hướng chung của thời đại. Vì thế tôi chưa nghĩ đến vấn đề sáng tác, ít nhất là cho đến tương lai gần.

ĐML.- Như vậy có nghĩa là anh chuyên trình diễn nhạc Chopin?

ĐTS.- Thật ra nhạc Chopin có mối quan hệ tương đối rất đặc biệt đối với tôi. Cuối thập niên 60, trong lúc tôi học tập ở Việt-Nam với tất cả sự vất vả, khó khăn và thiếu thốn phương tiện thì, năm 1970, Mẹ tôi được sang dự một Concours Chopin với tính cách như một dự thính viên. Dịp ấy cụ Bà mang tất cả sách nhạc, đĩa nhạc của Chopin do những nhạc sĩ Ba-Lan trình tấu. Chị thử tưởng tượng, lúc ấy tôi chẳng có ông Beethoven, chẳng có ông Mozart, v. v. nào cả; đùng một cái, tôi có nhạc Chopin do chính gốc người Ba-Lan trình diễn, cho nên, Chopin thấm vào tôi từ đó. Và cái gì nó thấm vào mình khi mình còn bé thì nó thấm sâu.

ĐML.- Là một nhạc sĩ chuyên trình tấu nhạc cổ điển Tây-Phương, anh có nghiên cứu những khác biệt trong nhạc tính Đông và Tây, đặc biệt về nhạc Việt-Nam hay không?

ĐTS.- Phân tích cặn kẽ giữa hai dòng nhạc tôi nghĩ phải cần khá nhiều thời gian. Bây giờ tôi chỉ xin nói đại để, nhạc Việt-Nam là nhạc ngũ cung. Nhạc phương Tây là hệ thống “gam” thứ trưởng. Ngoài ra về hòa thanh, điệu và tiết tấu cũng rất khác biệt.

ĐTS.- Xin anh cho biết anh đã nghiên cứu về sự khác biệt đó hay là anh sẽ?

ĐTS.- Mỗi người một lãnh vực. Nếu chị hỏi tôi về cách thức trình diễn mới hay cũ của nhạc lãng mạn hoặc nhạc cổ điển, tôi sẽ trả lời cặn kẽ. Còn câu hỏi này của chị tôi nghĩ nó phù hợp với ông Trần-Văn-Khê hơn, vì ông ấy chuyên nghiên cứu.

ĐML.- Xin anh cho biết anh có chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây-Phương hay không?

ĐTS.- Tôi chuyên về nhạc cổ điển Tây-Phương và đó chính là “chỗ đứng” của tôi. Tuy nhiên “chất” Á-Đông và dân tộc tính trong tôi vẫn còn đầy. Tôi nghĩ rằng tôi chịu ảnh hưởng dân ca Quan-Họ.

ĐML.- Thưa anh, Quan-Họ là vùng nào? Và tại sao anh lại chịu ảnh hưởng?

ĐTS.- Quan-Họ Bắc-Ninh. Thời tản cư tôi theo gia đình tản cư về vùng Bắc-Ninh. Ở đó hằng năm thường tổ chức Hội Lim. Vào dịp này trai gái có dịp gặp gỡ nhau, và thường hát những bài hát ngụ ý để giải bày tâm tình với nhau. Vì lớn lên trong khung cảnh đó cho nên chất thơ và nhạc đó hình thành và ảnh hưởng đến nhạc cảm của tôi rất nhiều.

ĐML.- Anh nghĩ thế nào về những ca khúc chính trị như Hồ-Chí-Minh muôn năm của Phan-Huỳnh-Điểu, trước năm 1945, Suy Tôn Ngô-Tổng-Thống của Thanh-Nam, năm 1954 và Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng của Phạm-Tuyên, năm 1975?

ĐTS.- Mấy bản nhạc chị kể tôi chưa hề được nghe.

ĐML.- Đầu năm 1970, nhạc sĩ Hùng-Lân có trình bày trên vô tuyến truyền hình về đặc tính dân ca Việt-Nam qua âm giai ngũ cung (gamme tentatonique). Anh nghĩ gì về nhận định này?

ĐTS.- Hùng-Lân là nhạc sĩ trong Nam, phải không, chị? Nếu ông ấy ở trong Nam thì ngoài Bắc mù tịt, vì không có thông tin. Ngay như Phạm-Duy hay  nhạc Vàng này nọ, trước 75, làm thế nào ngoài Bắc biết được! Nghe là mang tội vào người. Sau 75 thì tôi sang Nga rồi.

ĐML.- Nói đến Phạm-Duy và âm giai ngũ cung là phải nhắc những nhạc phẩm thời kháng chiến của Phạm-Duy như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Về Miền Trung, Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ và gần đây nhất là trường ca Hàn-Mạc-Tử. Anh nghĩ gì về thiên tài này?

ĐTS.- Thật ra nói đến ngũ cung không có nghĩa là nói đến Phạm-Duy, vì nhạc Á-Đông đều là dạng ngũ cung. Theo tôi, Phạm-Duy là thần tượng của một thời đại âm nhạc ca khúc, tức là nhạc có lời. Tôi lại chuyên về nhạc không lời. Hai cách thể hiện khác nhau nhiều. Nhạc có lời dễ đại chúng hóa hơn, vì nó cụ thể. Còn nhạc không lời đòi hỏi người nghe phải có kiến thức cơ bản và trình độ thẩm âm.

ĐML.- Theo anh, trước năm 1975, nhạc miền Bắc có chịu ảnh hưởng nhạc cổ điển Trung-Hoa hay không?

ĐTS.- Có. Rất nặng. Tuy nhiên, về sau, nhạc miền Bắc cũng chịu ít ảnh hưởng Tây-Phương vì những người Việt-Nam sang Nga và Đông-Âu học nhạc. Về kỹ thuật, hòa thanh và hình thức âm nhạc có tính cách Âu hóa.

ĐML.- Theo sự tìm hiểu của tôi, sau 1975, nhạc miền Bắc chịu ảnh hưởng nhạc miền Nam cho nên bắt đầu có nhịp điệu như Tango, Slow, v. v. Đúng không, thưa anh?

ĐTS.- Vâng. Ảnh hưởng rất nhiều.

ĐML.- Tôi không biết từ bao giờ nhịp điệu nhạc thời trang ngoại quốc du nhập vào nền âm nhạc Việt-Nam. Thập niên 60 là thời gian cực thịnh của nhạc Jazz; nhưng nhạc Việt cẫn không bị nhạc Jazz chi phối. Nhưng hiện nay nhạc Rap đang thịnh hành tại Hoa-Kỳ và đa số nhạc sĩ Việt-Nam tị nạn cũng sống tại Hoa-Kỳ. Anh có nghĩ rằng nền âm nhạc Việt-Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhạc Rap hay không? Nếu câu trả lời là “có”, xin anh cho biết anh nghĩ như thế nào về sự “xâm nhập” đó?

ĐTS.- Năm 60 tôi mới hai tuổi nhưng thích nghe nhạc rồi. Tuy thế, ngoài Bắc chúng tôi chẳng được nghe; ngay như nhạc cổ điển chúng tôi cũng chẳng được nghe, vì điện không có, còn radio thì toàn những bài chính trị ca.

Về ảnh hưởng của nhạc Rap tôi nghĩ, tất cả các nước Á-Đông đều có ngưới thích du nhập nhạc thời trang ngoại quốc. Hoa-Kỳ là xứ tự do, ai thích gì thì du nhập cái đó.

ĐML.- Trước năm 1945, nhạc sĩ Nguyễn-Xuân-Khoát nói “Trong rừng nhạc Việt-Nam lắm cỏ dại mà ít hoa thơm.” Theo anh, đối với nhạc sĩ bên nhà - cả Nam lẫn Bắc - và nhạc sĩ Việt-Nam hiện đang sống tại nước ngoài, câu nói ấy có quá đáng hay không?

ĐTS.- Đối với những người khác, họ làm việc hằng ngày, nên nghe nhạc là điều giải trí. Riêng tôi, tôi làm việc với nhạc cả ngày, lúc rãnh rỗi, chỉ muốn yên lặng tuyệt đối. Do đó tôi ít theo dõi nên không thể nhận định.

ĐML.- Tuy ít theo dõi nhưng ít ra anh cũng nghe những nhạc phẩm miền Nam trước năm 1975 và những nhạc phẩm thời trang - của nhạc sĩ Việt-Nam - tại hải ngoại, anh có thấy tiến bộ về kỹ thuật, trình độ và chiều hướng sáng tác hay không?

ĐTS.- Tôi nghĩ có tiến bộ, nhất là về mặt kỹ thuật.

ĐML.- Nhạc tiền chiến, nhạc Bắc Việt, nhạc miền Nam và nhạc “lưu vong”, trong những dòng nhạc đó anh thích những nhạc sĩ nào? Tại sao?

ĐTS.- Tiếc là tôi không có thì giờ để nghe và phân tích.

ĐML.- Nếu có cơ hội, anh có muốn tìm hiểu về nhạc Việt và những nhạc cụ cổ điển của Việt-Nam hay không?

ĐTS.- Nếu có điều kiện, tôi muốn nghe tận gốc Quan họ Bắc-Ninh. Tôi dùng từ “tận gố” vì hiện tại có nhiều lai căng; mà tôi thì tôi thích cái gì nguyên thủy.

ĐML.- Phạm-Duy đang cố đưa âm thanh đàn bầu (monocorde) của Việt-Nam vào âm nhạc. Anh nghĩ như thế nào về sự việc này? Theo anh, trên thế giới có loại nhạc cụ nào độc đáo như đàn bầu của Việt-Nam hay không?

ĐTS.- Đàn bầu là tượng trưng số một cho nhạc cụ Việt-Nam. Nếu ai thực hiện được điều đó thì rất đáng khích lệ và kính phục. Trên thế giới tôi chưa thấy một nhạc cụ nào chỉ một giây mà có thể diễn đạt được cái u uất, sầu não của người Việt như đàn bầu.

ĐML.- Hôm anh trình diễn, bản Lý Ngựa Ô anh đàn sau cùng thật tuyệt vời. Anh thường đàn nhạc Việt-Nam không? Anh có nghe Sasha Alexeev độc tấu dương cầm nhạc Việt-Nam chưa? Nếu có, anh nghĩ thế nào về ngón đàn của Sasha Alexeev?

ĐTS.- Tôi đàn nhạc Việt-Nam nếu bài đó soạn cho dương cầm. Nói về Sasha Alexeev, một lần, tại San Francisco, một người bạn cho tôi nghe qua, nhưng không để lại trong tôi được ấn tượng nào sâu sắc. Tôi nhận thấy anh ấy có một kỹ thuật nhất định về tùy hứng.

ĐML.- Trên đường lưu diễn từ mấy năm qua anh đã gặp được bao nhiêu người Việt-Nam trong các ban đại hòa tấu? Thường thường họ xử dụng nhạc cụ nào?

ĐTS.- Ban đại hòa tấu là gì?

ĐML.- Symphony Orchestra.

ĐTS.- Chỉ một người tại Thái-Lan; anh ấy đàn vĩ cầm.

ĐML.- Về phương diện sáng tác, nhiều người nghĩ rằng sau Phạm-Duy là Trịnh-Công-Sơn. Còn về trình tấu dương cầm, sau anh, anh nghĩ sẽ có người Việt-Nam nào khác không?

ĐTS.- Tôi nghĩ, về dương cầm, cho tới nay, trong nước có nhiều mầm non rất tốt. Nhưng ngoài tài năng, tôi nghĩ cũng phải có duyên phần nữa.

ĐML.- Xin anh cho biết cảm tưởng của anh khi anh trình tấu trước một cử tọa người ngoại quốc và trước cử tọa người Việt-Nam?

ĐTS.- Khi trình tấu trước cử tọa người ngoại quốc tôi phải vận dụng cả thể xác lẫn tâm hồn. Mình phải có cái triệt, cái thực lực riêng của mình. Khi trình diễn trước người Việt, vì thấy được sự cảm thông giữa người Việt với nhau nên tôi cảm thấy rất thư giản.

ĐML.- Tôi nghĩ giải Chopin bên âm nhạc cũng tương tự như giải Nobel bên văn hóa và khoa học. Có đúng không, thưa anh?

ĐTS.- Rất khó so sánh. Giải Nobel được toàn cầu biết đến từ lâu; trong khi giải Chopin chỉ những người thích và chú ý đến nhạc cổ điển mới nhận định được tầm cỡ của nó. Thêm nữa, muốn tranh giải Chopin, tất cả thí sinh phải đến Ba-Lan đọ tài; còn giải Nobel lại căn cứ vào các công trình trong một quá trình dài. Giải Nobel chỉ cần giỏi thôi chứ không cần hồi hộp, lo âu. Trái lại những thí sinh dự giải Chopin, khi ra sân khấu, không những phải giỏi mà còn đòi hỏi tinh thần phải vững.

ĐML.- Xin anh cho biết khi tranh giải Chopin, anh dàn tấu khúc nào, của nhạc sĩ nào? Và khi nhận giải Chopin anh nghĩ gì?

ĐTS.- Khi tranh giải Chopin, mọi thí sinh chỉ đàn nhạc của Chopin chứ không đàn nhạc của các tác giả khác. Do đó, nhiều khi chỉ một bản của Chopin mà cả đến mấy mươi người đàn để so tài.

Cuộc thi gồm bốn vòng. Tôi đàn rất nhiều bài, rất nhiều thể loại, chẳng hạn 3 bản Etudes, 2 bản Nocturnes, 1 bản Polonaise, 1 Sonate, một nhóm bài Mazurka, v. v. Và vòng cuối cùng là trình diễn chung với dàn nhạc một bản Concerto. Hôm đó tôi đàn Concerto cung Fa thứ.

Khi nhận giải Chopin tôi nghĩ đến Mẹ tôi. Vì Mẹ tôi - và cũng là thầy tôi -  đã tận tụy với tôi từ nhỏ và cũng vì Chopin là nhạc sĩ Mẹ tôi mến mộ nhất. Hoài bảo duy nhất của bà Cụ là ngày tôi trình tấu tại Concours Chopin, bà Cụ sẽ được sang để thấy tận mắt. Nhưng chính phủ Việt-Nam không cấp guấy phép cho Cụ.

ĐML.- Xin hỏi anh câu cuối cùng. Tối hôm qua, lúc tiệc trà sau khi trình diễn, theo yêu cầu của mọi người, anh ngồi vào piano, đàn một bản. Theo tiếng đàn, tôi thấy được sự biến chuyển tình cảm trên nét mặt của anh. Sau khi tiếng đàn dứt, anh không kềm giữ được xúc động, anh vội vã bước ra ngoài. Xin anh vui lòng cho biết tựa đề đoản khúc đó – dĩ nhiên là của Chopin rồi – và lý do nào khiến anh xúc động đến như vậy?

ĐTS.- Đó là Nocture Chopin số 2 cung Mi Thứ Trưởng. Bản này gợi lại cho tôi thời kỳ chiến tranh ở vùng thôn quê Bắc Việt. Những đêm yên tĩnh Cụ Bà thường hay đàn bản này và chính trong khung cảnh ấy nhạc Chopin đã thấm nhập vào tôi.

Riêng tối hôm qua, vì trước khi đến Houston tôi có nhiều lo âu, ngại ngùng; nhưng rồi không khí buổi trình tấu cũng như giờ phút hàn huyên sau khi trình tấu lại đem đến cho tôi cảm giác rất đặc biệt. Cảm giác đó không những ngược lại với những lo âu, ngại ngùng trước đó mà nó còn cho tôi thấy rõ cái tâm của bà con ở đâu cũng vậy và mọi việc xẩy ra hoàn toàn ngoài sự ước đoán của tôi. Do đó, sự xúc động đến với tôi không những vì bản nhạc mà còn vì cái  chiều cao cả rất lớn và sự cao cả đó vượt qua những chuyện nhỏ nhặt như chính trị. Sự cao cả này vĩnh cữu, vì đó là cái tâm của con người.

ĐML.- Xin cảm ơn anh rất nhiều. Hy vọng rằng, với mẫu đối thoại được ghi lại, độc giả của Ngày Nay sẽ hiểu được phần nào về một tài danh đã đem niềm hãnh diện đến cho người Việt-Nam.    

ĐIỆP-MỸ-LINH 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog