Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Chuyện cuối tuần 7-11

Gõ dở cái blog kể chuyện cuối tuần của chính mình, nhưng rồi đọc cái blog sau mới thấy chuyện của mình là chuyện tào lao không nên post, do đó phải dành chỗ post lại câu chuyện của một người phụ nữ VN trong cuối tuần rồi.


Hình chú bé con nhà Người Buôn Gió lạc giữa dòng người lớn đang tham gia Vật cổ truyền mà theo lời bố chú thì VN đang tổ chức hàng tuần những cuộc "đô vật" mà lúc đầu tôi tò mò đọc tưởng đâu quảng cáo vật quí, hoá ra là vật lộn. Không phải đánh vật để chống ngoại xâm mà là vật nhau chơi cho ngoại xâm chiêm ngưỡng, có lẽ đây là một trong những "bản sắc dân tộc Việt" đang được tổ chức thành lễ hội hàng tuần.


Những người không bao giờ “chết”

Phương Bích (danlambao) - Trên xe, Minh Hạnh còn nói thêm những lời rất cảm động với cháu Phương khi cháu nói về nguy cơ mất việc sau cuộc biểu tình này: - Những người như con không bao giờ “chết”. Con hãy nhớ là con vừa mới “được sinh ra” trong lòng dân một lần nữa. Nhìn bức ảnh nó với những “giọt ái quốc” trên gương mặt, mình lại ước giá như nó là con mình...
*
Chủ nhật 17/7 là ngày nhà tôi có giỗ, cái giỗ quan trọng nhất trong năm - có mời đông đủ họ hàng con cháu về – giỗ ông nội. Tôi lại là người phải đứng ra lo mọi thứ. Không muốn mọi người lo lắng, suốt cả ngày thứ bảy tôi cố gắng làm cho xong những việc thật cần thiết. Cũng may là giờ nhà tôi toàn người lớn tuổi nên không đủ sức nấu nữa mà đặt nhà hàng làm cỗ, nhà chỉ làm thêm con gà luộc, xôi và hoa quả là xong. Đã có bà chị cả xung phong đem con gà và nải chuối đến, thế là chả còn gì phải lo lắng nữa.

Nhưng đến tận cuối ngày thứ bẩy tôi mới nói với bố:

- Mai con lại đi biểu tình!

Bố lo lắng ra mặt – người già thì hay cầu toàn mà

- Không nghỉ được một hôm à?

- Không bố ạ, ai cũng nghỉ một hôm, vậy còn ai đi? Mà bố xem đấy, còn việc gì phải làm nữa đâu?

Đúng thế, không còn việc gì nữa, và bố yên tâm để tôi đi.

Nghe lời kêu gọi trên trang Xuân Diện, tôi đi ngủ sớm một chút để lấy sức cho ngày mai, lòng tràn đầy một niềm hy vọng sẽ có một cuộc xuống đường thật hoành tráng. Cứ thế nằm nghĩ ngợi miên man cho đến khi chuông báo thức mới giật mình – thế là trắng một đêm nằm nhắm mắt mà không hề ngủ.

Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, tôi hoàn thành nốt việc thổi xôi, mua hoa, quả bày biện trên bàn thờ. Cẩn thận uống phòng sẵn 2 viên thuốc đau đầu rồi 7 giờ 30 là khoác ba lô lên đường.

Dọc đường, tôi tạt qua đón cô bạn nhỏ làm cùng cơ quan. Trên đường đi, tôi kể về cái video clip trận Hải chiến Trường Sa năm 1988 tôi mới xem tối qua, vẫn không thể ngăn được nước mắt. Có nhắm mặt lại tôi vẫn thấy được cảnh những giây phút cuối cùng của các chiến sĩ hải quân giữa mênh mông sóng nước Trường Sa, dưới làn đạn hèn hạ của quân xâm lược. Vậy mà gần hai mươi năm qua đến giờ tôi mới biết đến sự hy sinh của các anh, còn nhiều người nữa như cô bạn nhỏ của tôi đây cũng chưa hề biết đến sự hy sinh của các anh, thật tủi cho vong linh tất cả những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất cho Tổ quốc của chúng ta…

Đêm qua Nguyễn Văn Phương gọi cho tôi nói có thể hôm nay sẽ không đi biểu tình được, dẫu buồn nhưng vẫn rất thông cảm cho Phương. Vậy mà sáng nay Phương lại gọi cho tôi nói đang ở đường Trần Phú, quá đỗi vui mừng. Lát sau cô cháu hoan hỉ gặp nhau rồi cùng với bác nhạc sĩ Tạ Trí Hải và một vài người đi về phía Cột cờ.

Mới đến đầu đường Nguyễn Tri Phương giao Điện Biên Phủ đã thấy một nhóm đông người biểu tình đang đứng trên vỉa hè, bên kia đường đã bị căng dây chắn lối và cảnh sát áo xanh đứng dàn hàng ngay phía sau đó. Những người biểu tình sau phút chào hỏi nhận mặt người quen, bắt tay nhau mừng rỡ rồi bắt đầu giương cờ, biểu ngữ và hô những khẩu hiệu về Trường Sa, về Hoàng Sa, về ngư dân Việt Nam …

Chỉ sau dăm phút, một toán cảnh sát cơ động tiến về phía chúng tôi. “Nữ tướng” Bùi Thị Minh Hằng đứng bên phải chợt ngoắc chặt lấy khuỷu tay tôi. Phản ứng theo dây chuyền, tôi ôm lấy vai con gái bé bỏng chắc mới hơn 10 tuổi của Lê Dũng đang đứng phía bên trái. Những người biểu tình ngoắc tay nhau dính thành một khối miệng không ngừng hô khẩu hiệu. Khi cảnh sát cơ động bắt đầu dồn ép người biểu tình, mặc cho tôi cảnh báo có cháu nhỏ, họ vẫn lạnh lùng dồn ép chúng tôi lùi lại.

Trước khi mọi người bắt đầu quay lui để tuần hành như mọi khi, tôi bỗng thấy phía sau lưng mình nhốn nháo, tín hiệu của việc bắt người! Không phải những bóng áo xanh, cũng không phải những cảnh sát cơ động, giữa đám đông những người dân, tôi không thể phân biệt đâu là người mình, đâu là những kẻ bắt người, tôi chỉ biết nhào vô đám đông miệng gào lên cùng mọi người: không được bắt người, không được bắt người.

Giữa đám đông, cảnh giằng co dữ dội diễn ra như một trận chiến, cuộc đọ sức giữa một bên là những người dân với vũ khí bảo vệ chỉ là ý chí và một bên là những kẻ nhân danh pháp luật bằng cái băng đỏ đeo trên tay. Tôi cứ nhè người nào đang bị túm để lao vào lôi họ lại cùng với mọi người nhưng có khi tôi lại túm đúng phải những kẻ đeo băng đỏ đang bị bà con xúm vào lôi kéo. Không địch lại được với họ, tôi kêu gào mọi người lên đầu xe để chặn xe lại. Cùng với Minh Hằng, tôi len lên đầu xe nhưng ngay lập tức bị những gã đàn ông xô bật chúng tôi lại, may có những tấm thân người đỡ phía sau chứ không hẳn chúng tôi đã ngã dúi xuống đường. Đang bị cuốn theo dòng lũ người bị nhồi nhét vào xe, tôi ra sức đập mạnh vào vai một tên đeo băng đỏ đang chen ngược trở lại hét lớn: sao mày hèn thế hả. Tôi ước gì được đập vào mặt hắn kia, nhưng bản chất của tôi được dạy dỗ không phải để đánh nhau. Trong cơn phẫn nộ, những người biểu tình trên xe buýt mở cửa sổ gào lên những khẩu hiệu phản đối việc bắt người, tôi chỉ tay vào mặt một gã trung niên mặc thường phục đứng dưới đường thét lớn: đồ hèn, đồ hèn.

Sao tôi lại thế, sao bình sinh tôi không phải là kẻ có thể thốt lên những lời hung hãn nay lại có thể hét vào mặt kẻ khác những lời lẽ như thế? Cửa xe đã đóng, tôi nghe thấy tiếng cháu Phương đang gào lên ở phía giữa xe:

- Tại sao anh đánh người Việt Nam, tại sao? Tại sao anh đánh người Việt Nam?

Mắt Phương đỏ hoe, tôi vội len đến hỏi nó:

- Chúng nó đánh cháu à? Đứa nào đánh cháu?

Phương không để ý vẫn phẫn nộ gào lên mỗi một câu hỏi: tại sao anh đánh người Việt Nam? Tại sao?

Tôi nhận thấy mặc dù đang ở trên xe nhưng cái gã đàn ông to lớn vẫn túm chặt lấy tay Phương, tôi giằng tay hắn ra:

- Bỏ ra, trên xe rồi còn túm người ta làm gì.

Nhưng gã chẳng thèm để ý gì đến tôi, những ngón tay tôi không khác gì bấu vào tảng đá. Gã nhìn tôi rồi quay đi ngay, chỉ đến khi xe lăn bánh gã mới thực sự buông tay Phương ra.

Trên xe khá đông người biểu tình bị bắt, mấy anh bên cạnh kể rằng bốn năm gã trật tự bóp cổ cháu Phương dúi xuống sàn xe, có kẻ còn định đạp vào mặt cháu nhưng họ đã lôi chúng lại được. Thật là khốn nạn! Khốn nạn quá chừng. Tôi tự hỏi những kẻ có gan đạp vào mặt người khác khi họ không có khả năng tự vệ là loại người gì, giống người gì? Trên cổ Phương đến giờ vẫn còn hằn những vết đỏ do bị bóp cổ.

Vẫn là hành trình giống ngày 10/7, xe chở chúng tôi về hướng Mỹ Đình. Thôi rồi, bây giờ kẻ phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của người biểu tình là những “kẻ bắt người”. Vì lần này bị cưỡng bức hết sức thô bạo, tất cả những người biểu tình trên xe bắt đầu chửi rủa xa xả. Lê Dũng tố bị một “thằng” công an phường Điện Biên đạp vào bụng, tôi gọi con gái Lê Dũng:

- Con gái ơi, con gái nhớ lấy ngày này nhé.

Một anh sừng sộ:

- Công an phải ra công an, chứ cứ đeo cái băng đỏ vào là được bắt người à? Thế tôi đi đường tôi thấy thích đứa nào, tôi cũng đeo cái băng đỏ vào rồi bắt nó về để tôi “cưỡng hiếp” à?

Cả xe cười tóa lên, một anh cười khắc khắc bảo:

- Hôm qua trên mạng nó đang bảo hay là thuê Bin Laden ra đánh bom Trung Quốc.

Mọi người lại cười ồ. Thôi thì mỗi người một câu tha hồ chửi. Chửi hăng nhất, khỏe nhất và cũng “tục” nhất là Minh Hằng, sau này hắn ghé tai tôi bảo: với bọn lưu manh này thì mình phải dùng thứ ngôn ngữ đường phố mới tương xứng.

Không chỉ người lớn, hai chị em cháu trai còn đang mặc áo đồng phục học sinh cũng ra rả chửi theo. Đám trật tự im như thóc, thỉnh thoảng lại quay ra nhìn chúng tôi rồi lại quay đi. Tôi không hiểu làm sao những kẻ sức dài vai rộng ban nãy hung hãn là thế, sẵn sàng dùng chân đạp vào mặt người khác (một hành động tôi cho là vô cùng bỉ ổi, vô nhân tính) giờ lại có thể chịu đựng được những lời xỉ vả thậm chí mạt sát nặng nề mà không có bất cứ một sự phản ứng nào như thế.

Một người nào đó sáng kiến hô: đả đảo Trung Quốc xâm lược

Thế là bắt đầu trở thành một cuộc biểu tình trên xe. Coi đám trật tự như chết rồi, chúng tôi bắt đầu hô khẩu hiệu rầm rĩ, thậm chí còn mở cửa xe hô chõ ra ngoài đường, tôi và Minh Hằng thò cả cờ ra ngoài cửa xe vẫy vẫy khiến dân tình trên đường ngạc nhiên nhìn theo.

Xe vào đến đồn công an số 1, mọi người đếm cả thảy có 17 người trên xe. Trông thấy một cô công an rất xinh mặc thường phục, Lê Dũng hỏi:

- Em là người Tàu à? Em học ở trường nào? Em nhìn con anh này, nó bé thế này mà…

Xin lỗi Lê Dũng tôi chẳng nhớ chính xác Lê Dũng nói những gì nữa, nhưng trước những lời nói nhẹ nhàng, chân thành nhưng vô cùng xác đáng, cô công an xinh đẹp chỉ im lặng không nói lại được lời nào, tôi có cảm giác cô ấy giống hệt như một cô trò nhỏ đang bị thày giáo quở phạt vậy.

Chẳng hiểu sao công an lại dại dột thế, không mời chúng tôi vào trong phòng, cứ để 17 người láo nháo đứng trên sân, lại chửi, lại bức xúc, lại ầm ĩ lên. Minh Hằng như một con hổ cái, lượn qua lượn lại xỉ vả đám công an. Một chốc bà con bỗng reo ầm ầm khi có thêm một xe buýt dừng lại trước cổng, mọi người lại hô váng lên khiến công an rất bối rối, không dễ gì đe nẹt, dọa nạt một đám đông có cả phụ nữ lớn tuổi và trẻ em đang giận dữ. Khi những người trên xe buýt thứ hai bước vào sân, mọi người hồ hởi tay bắt mặt mừng y như gặp lại người thân. Trong số người mới tới có cả giáo sư Nguyễn Đông Yên cùng phu nhân và một người bạn, bác Nguyễn Tường Thụy, bác Gốc Sậy, bác Đỗ Xuân Thọ….

Một cậu tên Chính kể: hôm nay cháu bị khuân vác không khác gì Phan Nguyên, y như một con vật giữa thủ đô, chúng nó còn đánh cháu, đạp vào người cháu. Một cậu to lớn như hộ pháp cũng kể bị đạp cả vào miệng. Cậu ấy nói chẳng qua mình là người dân, chống lại thì lại bị quy là chống người thi hành công vụ chứ tay bo thì anh em mình chấp cái lũ chó ấy ngay. Cô giáo trẻ Vân Anh kể bị túm tóc giật ngược trở lại. Nói chung đúng là trẻ không tha, già không thương…

Thời gian từ lúc vào đến đồn công an cho đến lúc chẳng còn gì để làm việc thêm đã diễn ra rất nhiều cuộc đấu lý giữa người biểu tình và công an. Công an thì họ phải nói theo chủ trương của cấp trên, thế thì làm sao mà lại được với lý lẽ sắc bén của người dân. Tôi phục nhất trình độ lý luận của nữ tướng Minh Hằng, khi cần “tục” thì không ai bằng, nhưng khi cần lý luận thì cũng không một ai địch nổi kể cả về trình độ lý luận mà còn cực kỳ đanh thép. Tôi ước gì đối diện với Minh Hằng lúc ấy là một tay có quyền thế để xem ai mới phải là người học ai. Tôi có hỏi Minh Hằng học ở đâu mà giỏi thế, Minh Hằng trả lời: học ở trường đời đấy.

Rốt cục chẳng khác gì lần trước, họ cứ để mặc chúng tôi đứng ở trên sân đến tận 11 giờ mà chả ỏ ê gì. Đi tìm người để yêu cầu đưa trả chúng tôi về Cột cờ thì các anh chỉ huy biến sạch, lác đác mấy anh công an lên xe máy phóng ra ngoài chắc là để đi ăn trưa. Một số cháu thanh niên ra ngoài đồn để mua đồ ăn nhẹ và nước uống cho mọi người. Lúc ấy ai mà ra khỏi cổng chắc công an mừng lắm, đừng nói gì đến chuyện ngăn cản. Cổng đồn lúc ấy chả mở toang hoang như muốn mời mọc mọi người về đi cho họ nhờ – khác hẳn lúc vào đóng chặt ngay lại rõ là đe dọa.

Ăn xong vẫn chả thấy chú công an nào ra giải quyết phương tiện cho bà con về, mọi người đứng trong sân lại bắt đầu hô đả đảo, đả đảo, thế là công an ở đâu lại túa ra rõ đông - buồn cười thế. Cũng tội anh đồn trưởng, lúc nào cũng nhẹ nhàng và cười tươi chứ không hống hách và “dốt” như tay phó trưởng công an huyện, nói cái gì là đều bị dân “cãi” lại cái đó. Ông ta bảo:

- Bà con yêu nước là đáng quý, nhưng như thế là đủ rồi, yêu nước cũng phải trong khuôn khổ.

Mọi người nhao nhao:

- Như thế nào là đủ? Yêu nước thì bao nhiêu là đủ? Khuôn khổ nào? Các anh định đóng hộp lòng yêu nước à?

Ai đời một ông phó trưởng công an huyện khoanh ngón tay chỉ vùng biển vịnh bắc bộ nói khơi khơi: chỗ này là xong rồi nhé. Đám thanh niên cười ré lên nhắc lại: ha ha, xong rồi, thôi thế là xong rồi. Con lạy bố!

Mọi người lại chợt reo ầm lên, hóa ra tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nghe tin đã đến tận nơi để gặp bà con. Nghe anh Diện kể một số người đi ra được tận nhà hát lớn nhưng số lượng khá ít. Mọi người quây lại chụp ảnh làm kỷ niệm trên sân đồn công an rồi thay đổi chiến thuật, không “ăn vạ” ở đồn nữa mà kéo nhau tuần hành ra ngoài đường, lại tranh thủ biến thành một cuộc biểu tình khác vừa đi vừa tiếp tục hô khẩu hiệu.

Thương nhất là các bác lớn tuổi và 3 cháu nhỏ vẫn kiên nhẫn đi diễu hành dưới trời nắng gắt. Đến tôi thuộc diện hăng hái thế mà cũng mệt đến mức bắt đầu choáng váng, phải uống thêm 2 viên thuốc đau đầu. Dọc đường, có người đi taxi đem cả hoa và nước đến tiếp tế cho đoàn. Trong đời mình, chưa bao giờ tôi được chứng kiến những điều gì đẹp đẽ hơn thế.

Khốn nạn nhất là có sự chỉ đạo từ cấp nào đó nên tất cả các xe buýt đều đi qua các bến mà không dừng lại để cho những người biểu tình có thể lên xe để trở về Cột cờ. Tôi dùng từ khốn nạn ở đây không một chút ngần ngại e dè. Đúng là mưu hèn kế bẩn để chống lại những người yêu nước.

Biết là không thể bắt được xe buýt nên mọi người đành chia tay nhau trước khi hẹn gặp nhau chủ nhật tới. Tôi cùng Minh Hạnh và Phương lên taxi để trở về Cột cờ. Trên xe, Minh Hạnh còn nói thêm những lời rất cảm động với cháu Phương khi cháu nói về nguy cơ mất việc sau cuộc biểu tình này:

- Những người như con không bao giờ “chết”. Con hãy nhớ là con vừa mới “được sinh ra” trong lòng dân một lần nữa.

- Nhìn bức ảnh nó với những “giọt ái quốc” trên gương mặt, mình lại ước giá như nó là con mình.

Tôi không hiểu, nếu chủ nhật nào người dân cũng xuống đường, còn chính quyền cứ một bên bắt rồi một bên thả mà chả đưa ra lý do gì, tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ? Không lẽ các ông các bà trong Quốc hội, trong Chính phủ không có thông tin gì như bà Phương Nga nói hay sao?

Xin kể thêm một tý gọi là một số thông tin từ cái nhìn của một người trong đoàn biểu tình.

* Thêm nữa, các bác nào muốn giảm béo hữu hiệu hãy tham gia biểu tình. Nói không ngoa chút nào, ngày hôm nay về tôi giảm đi được 1 kí lô – hi hi, chả bù cho lúc trước nhịn các kiểu mà vẫn cứ béo.

Kính chào bà con
Hà Nội 17/7/2011

Phương Bích (danlambao)

 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog