Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Gương canh tân của Vua Phật Mongkut

Hạ Long Bụt sĩ - Gương canh tân của Vua Phật Mongkut vẫn còn trên xứ Thái


Hạ Long Bụt sĩ
Thế kỷ XIII Việt Nam có vua Phật Trần Nhân Tôn (1279-1293) thì Thái Lan cũng có một vị vua, đáng gọi là vua Phật ở thế kỷ XIX, đồng thời với vua Tự Đức (1843-1883) bên ta: đấy là vua Mongkut (1851-1868) mà thế giới biết đến qua phim ảnh, The King and I, Nhà Vua và Tôi, thời 1960. Không phải ngẫu nhiên tài tử trọc đầu Yul Brynner được chọn thủ vai vua Mongkut và Deborah Kerr thủ vai cô giáo dậy tiếng Anh Mrs. Anna Leonowens: phim bản dựa phần nào trên sử liệu, nhà vua Mongkut trước khi lên ngôi đã xuống tóc xuất gia 27 năm, sống trong chùa và từng giữ chức Sư trưởng một tu viện, còn Anna là cô giáo dậy Anh ngữ từ Singapore sang, 1866-68, với hợp đồng 3 năm, nhưng mới 2 năm thì vua Mongkut mất, phim bản thêm chuyện cô giáo Anna khiêu vũ với nhà vua và đứng cạnh giường vua khi vua thăng hà. Cô giáo Anna thật ra không phải là người dậy vua tiếng Anh, vua Mongkut học Anh văn với các giáo sĩ Hoa kỳ, từ khi còn ở chùa, học 3 năm với Dr. Caswell và sau đó với Dr. Bradley và Dr.House. Khi lên ngôi, nhà vua nhờ Dr. Bradley tổ chức lớp dậy Anh ngữ cho 9 phi tần trẻ tuổi trong cung. Dr. Bradley cử ba bà giáo thay phiên vào dậy, từ tháng 8 năm 1851, sau 3 năm lớp học bị ngưng vì các bà giáo bắt đầu mang Thánh Kinh Cơ Đốc ra dậy và lại còn chỉ trích nhà vua đa thê! Vua Mongkut chỉ có 39 cung phi, không phải 600 như Sir J. Browning viết! Vua rất rộng lượng, cho phép các cung phi rời cung nếu không sinh hoàng tử, và được tái giá. Nhà vua muốn các cung phi và công chúa, hoàng tử, được giáo dục theo kiểu Tây phương nên mới nhờ quan lãnh sự ở Tân Gia Ba tìm được bà giáo Anna sang Thái, với điều kiện dậy Anh ngữ chứ không dậy giáo lý!

VUA MONGKUT và TRUYỀN THỐNG GIÁO DỤC NHÀ CHÙA

Cho đến thời vua Mongkut Thái Lan không có chế độ giáo dục thi cử Tống Nho như Tầu, Việt. Thái vẫn như thời Lý bên ta, việc giáo dục dành cho nhà Chùa, giao cho các sư sãi. Từ nhỏ, hoàng tử Mongkut đã được gửi tới chùa để học đọc và viết chữ, đồng thời học cách cưỡi voi (elephantry), năm 13 tuổi xuống tóc (lễ cắt cuộn tóc dài quấn cao đỉnh đầu) và trở thành chú tiểu trong 8 tháng theo truyền thống. Hết 8 tháng tu tập mới được trở về cung và được vua cha trao cho chức vụ tượng trưng trong triều. Năm 21 tuổi, 1824, Mongkut chính thức trở thành sa môn và cũng vào năm này vua cha, Rama II, mất. Hoàng tử Tap, con một thứ phi, lên nối ngôi, Rama III. Tuy không phải là con Hoàng hậu như Mongkut, nhưng hoàng tử Tap đã được vua cha yêu quý, có kinh nghiệm ngoại giao (ký hiệp ước 1821 với Crawford) và cai trị nên được hoàng gia ủng hộ lên ngôi. Sư Mongkut, hoàng thế tử, không tranh dành với em, sư chọn ở trong chùa suốt 27 năm.

CÔNG CUỘC HIỆN ĐẠI HÓA PHẬT GIÁO CỦA SƯ MONGKUT

Cư trú tại chùa Mahatat sư Mongkut nhận thấy giới tăng sĩ không giữ đúng giới luật và đi sai với kinh kệ mà đức Phật trao truyền. Mongkut ra công học chữ Pali để khán kinh trực tiếp không qua bản dịch, trình độ Pali của Mongkut được xác định qua kỳ giám định “thi đình”, cấp Thái học sinh, đệ cửu đẳng, cao cấp nhất của Phật học thời đó. Mongkut từng thề nguyện: nếu trong 7 ngày mà không gặp được chân sư thì sẽ vĩnh viễn hoàn tục rời chùa. Chư Phật đã đáp lại lời nguyện đó: Mongkut gặp được một vị sư người thiểu số Mon xứ Miến Điện hiện đang trú ngụ ở Thái. Sư mặc áo vàng, liễu kinh đúng như Mongkut đã đọc, Mongkut khâm phục xin nhà sư người Mon làm lại lễ thọ giới cho mình. Mongkut bắt đầu thanh lọc đạo Phật xứ Thái: sư cho vứt bỏ một lúc 500 cuốn kinh sách, viết sai, dịch sai, và cho dịch kinh sách lại từ cổ ngữ Pali.
Trong thời gian làm Sư trưởng Viện, Mongkut giao thiệp với các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, học Anh ngữ với các giáo sĩ Mỹ, lại học cả Pháp ngữ với Giám mục Pallegois, giám mục dậy Latin cho Mongkut và đổi lại ngài dậy Pali cho giám mục. Mongkut không ngần ngại học hỏi và áp dụng phương pháp hoằng đạo của Thiên chúa giáo cho Phật giáo và thiết lập pháp môn mới cho Thái, Dharmayukta, cùng với pháp môn cũ, Mahanikaya, phát triển trên xứ Thái, và ảnh hưởng sang Cao Miên, Lào, cho tới ngày nay.
Mongkut dùng chữ Pali viết kệ tụng, và tu chỉnh nghi lễ, …Sau này, khi lên ngôi vua, 1851, Mongkut phạt nặng các tu sĩ phạm giới rượu chè thuốc phiện, dâm dục, ăn quá ngọ: họ phải hoàn tục, hay đi cắt cỏ cho voi ăn..

MỘT CHÍNH SÁCH CAI TRỊ PHÁ CHẤP

Vua Rama III mất năm 1851, hoàng tử lại nghiện thuốc phiện nên không được truyền ngôi. Hoàng gia họp lại và đi mời sư Mongkut, hoàng thế tử đích vị, anh của Rama III về làm vua, tức Rama IV. Năm ấy Mongkut đã 47 tuổi, đầy kinh nghiệm đời và đầy đức đạo. Ngay lễ đăng quang ngài đã phá chấp: mời người ngoại quốc dự lễ và không phải quỳ mọp như thần dân Thái, treo chuông cửa cung cho dân tới đánh chuông khiếu nại… cấm hoàng gia và quan chức bắt nô tỳ, cấm ép gái đẹp làng xóm về phủ đệ làm đoàn ca múa riêng…
Mongkut đặc biệt cởi mở với các giáo sĩ Cơ Đốc: ngài từng nói với một giáo sĩ Mỹ: ông có thể cải đạo toàn dân Thái nhưng còn một người ông không cải được là tôi! Có lần một tăng sĩ cải sang Cơ Đốc Giáo, vua Rama III đòi trừng phạt, ngài Mongkut đã ngăn lại và chủ trương mọi người được tự do lựa chọn tín ngưỡng. Vua Mongkut còn cho phép các giáo sĩ cất nhà thờ, khuyến khích và bảo vệ họ khi đi truyền đạo, tặng tiền bạc và khi mất, như giám mục Pallegois, còn được tẩm liệm theo nghi lễ hoàng gia với thuyền bát nhã và súng chào.

THÂN ANH QUỐC

Vua Mongkut đặc biệt thân thiện với Anh quốc; ngài dùng một Đại úy Anh luyện quân sĩ và các sĩ quan Anh chỉ huy thuyền chiến Thái, người Anh luyện cảnh sát còn người Pháp chỉ được dùng vào việc luyện lính gác! Ngài cho người Anh vào kỹ nghệ làm đường mía, khai mỏ... xưa nay vẫn trong tay người Tầu.
Năm 1853 vua cho nhập cảng máy in tiền giấy, lập đường dây điện tín với Miến Điện và Penang, đặt đường xe lửa...

VUA MONGKUT và VIỆT MIÊN LÀO

Năm 1864, thế tử Norodom chạy sang Thái cầu cứu vì bị em đoạt ngôi. Thái cho quân đưa Norodom về và cai trị Cao Miên. Sau, trước áp lực của giám mục Pháp tên Miche dụ Cao Miên về với Pháp và Đại úy Doudart de Lagrée mang quân Pháp sang, Thái phải rút quân vào năm 1864 nhường Cao Miên cho Pháp đô hộ. Trong bức thư sứ thần Thái dâng lên nữ hoàng Anh, vào năm 1857 có câu xác định đất đai vương quốc Thái ...King Mongkut the Supreme or Major King of Siamese Kingdom and its adjacent tributary countries: Laos, Cambodia, and several provinces of Malay Peninsula etc,etc… Các thư ngoại giao của Mongkut thường rất dài và hay dùng chữ etc, etc... như phim The King and I đã mô tả. Qua các lá thư này có thể hình dung sự tranh chấp ngấm ngầm giữa thực dân Anh và Pháp ở Đông Á cùng ảnh hưởng của các nhà truyền giáo. Thái khéo léo kết bạn với nhiều nước Âu Mỹ, nghiêng về Anh vì Anh mạnh nhất, nghiêm chỉnh nhất, và không có dã tâm đánh bật gốc văn hóa tín ngưỡng địa phương. Anh chỉ chú trọng tới thương mại, dù ở Trung Đông, Ấn, Miến Điện, Mã Lai hay Thái.
Trong 17 năm trị vì, vua Mongkut ban rất nhiều chiếu chỉ và châu phê ngự bút, châu bản số 144 có đoạn liên quan tới Việt Nam như sau “năm nay có thể hạn hán 60 ngày, chưa biết hạn hạn nặng hay nhẹ, chưa cần ngăn cấm xuất cảng gạo, cứ tiếp tục cho dân buôn bán. Chớ nghe lời bầy đặt của một số sư, tiểu, và những người thiếu hiểu biết, phao tin là người Anh thu mua gạo đổ xuống biển, đấy là tin thất thiệt vô lý... chớ phao tin đồn nhảm là người Anh lấy gạo Thái mang cho Việt Nam (yuan). Người Việt là cha của người Anh từ bao giờ mà dám nói như thế!”

BÀI HỌC CANH TÂN CỦA VUA PHẬT MONGKUT

Vua Mongkut mất năm 1868. Tuy không được sang thăm Anh quốc, nhưng mối giao hảo giữa hai nước đã đặt đầu cầu cho công cuộc canh tân Thái: con vua Mongkut, Rama V đã sang thăm nữ hoàng Anh năm 1893 và tới năm 1926 thì Thái đã có trên 2000 sinh viên du học Anh quốc! Sứ thần Parkes gọi vua Mongkut là vị lãnh tụ tân tiến nhất của Á Đông, vượt xa thời đại, Bowring thì thì tán tụng Mongkut là ông vua vĩ đại nhất Đông phương và là một trong những học giả uyên thâm nhất về Phật giáo.
Công cuộc canh tân đất nước của vua Mongkut đi trước Minh Trị Thiên Hoàng Nhật Bản (1867-1912) cả một thế hệ, hạt giống thiện mà vua đã gieo trồng nẩy nở viên mãn trên xứ Thái: Thái cả 150 năm nay tránh được họa Thực dân, họa Cộng sản và họa mất gốc. Nếu kể từ sau cuộc chiến xâm lăng của Miến Điện vào Thái năm 1767, thì suốt 244 năm nay Thái được hưởng thái bình thịnh trị và triều đại Chakri tới nay đã truyền được 9 đời vua, vua Rama IX hiện tại trị vì hơn 60 năm, một minh quân đã và đang được toàn dân và thế giới mến phục. Một số bài học canh tân có thể rút tỉa từ vua Mongkut:
1- Việc canh tân đất nước cần khởi đầu bằng việc xây dựng căn bản tinh thần dân tộc, tinh thần ấy sẵn có trong Phật giáo, chỉ cần hiện đại hóa và tẩy rửa một viên ngọc quý, không cần vay mượn ý thức hệ hay đạo giáo nào khác. Giáo dục nhà Chùa trang bị cả văn lẫn vũ cho hành giả, riêng số lượng kinh sách đã là đại bách khoa, dạy từ đạo đức đến vũ trụ thiên văn, rốt ráo và rộng lớn hơn Tứ Thư Ngũ Kinh nhiều. Cho nên không lấy làm lạ, thời Lý Trần các hiền nhân như Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Hưng Đạo, Quang Khải, Ngũ Lão... không có bằng cấp khoa bảng, nhưng giống lớp samurai Nhật Bản, văn vũ song toàn.
Phật giáo nguyên thủy (tiểu thừa) hữu hiệu trong việc chấn hưng đạo đức là vì: tự giác ưu tiên, chưa tu thân mà đã vội hý luận kinh kệ, chưa tự giác giữ giới mà đã đi bố thí pháp như Bồ Tát thì dễ rơi vào vòng luẩn quẩn kiến chấp triết lý ngôn từ. Hình ảnh một tu sĩ chân đất khất thực là tấm gương nhẫn nhục khổ hạnh sống động, tự nó tỏa ra ánh sáng chinh phục giác tha quần chúng hang cùng ngõ hẻm, vì thế từ Tích Lan, Miến Điện tới Thái, Lào... Phật giáo nguyên thủy đã giữ được thế sâu rễ bền gốc trước các tôn giáo ý hệ Tây phương.
2- Vua Mongkut đã để lại cho Thái một truyền thống tăng sĩ tài đức, những bậc đại sư cao tăng lần lượt tiếp nối xuất hiện. Sau khi lựa chọn đúng đường thì phần cốt yếu là huấn luyện thanh lọc nhân sự : sư sãi giữ giới làm gương cho tín đồ, thực tập hỷ xả phá chấp tạo hòa khí với mọi người. Thái không giết người theo đạo Cơ Đốc như ở các nước Phật giáo bị bôi bác bởi Tống Nho Việt, Tầu, Hàn, Nhật, tinh thần phá chấp cao thượng dung hóa khế cơ của nhà Phật đủ sức chinh phục các tôn giáo khác, đủ sức giữ vững nền tảng quần chúng, mà không cần tới chính quyền yểm trợ qua bạo lực. Cũng những giáo sĩ Cơ Đốc Pháp, Bồ đào Nha... mà tới Thái thì họ cảm phục, mà tới Tầu, Việt, Hàn, Nhật thì xẩy chuyện lấn áp xung khắc, đấy chính là vì ở Thái họ gặp chính pháp chân tu, mà ở nơi khác thì họ gặp mạt pháp hủ Nho phong kiến.
3- Việt Nam khó được như Thái: các nước nghiêng về văn hóa Ấn Độ và Anh dường như tránh được điên đảo tưởng loại hiện sinh, Mác xít, còn các nước theo văn hóa Tầu, Pháp dễ rơi vào nhị biên hý luận ngã mạn, từ đó tới độc tài phong kiến cực đoan. Là vì văn hóa Anh thực tiễn, trí thức Anh trọng danh dự và quân tử, họ gặp Gandhi thì trả lại độc lập, gặp Mongkut thì giao hảo thân tình, còn Pháp, Tầu thì ưa biện chứng hý luận đỉnh cao trí tuệ vì thế nên mớ kiến chấp Judeo Mác xít mới có môi trường phát triển, và các lãnh tụ chính trị điên rồ loại Pol Pot cùng nhóm trí thức Tây học, mới mất quân bình tâm trí, điên đảo sát sinh gây họa cho Đông dương!
4- Trí thức Việt Nam, từ thời Tự Đức, cũng cố gắng đi tìm lối thoát cho dân tộc: sang Nhật, sang Nga, sang Pháp, Tây du Đông du, khuynh tả khuynh hữu, cần vương, xã hội... mà vẫn luẩn quẩn trong rọ điên đảo tưởng cho tới hiện tại. Thậm chí đến tinh thần phá chấp từ bi của nhà Phật cũng nhiều khi bị biến thể thành triết lý xuông với số học giả tầm chương trích cú kinh kệ nhiều hơn số tu tập thực chứng, bàn về Thiền thì nhiều mà thực sự tu Thiền thì ít, thuyết là vô tâm đối cảnh, vượt biên kiến, lắng nghe nỗi khổ tha nhân mà thực tế có khi lại lộng ngôn bênh phe này, hạ phe kia, nghiêng về tả, khuynh về hữu, chân giả thiện ác đạo đế tục đế bất phân minh, chẳng khác gì phàm phu vọng tưởng vô minh.
5- Người Thái, gốc Bách Việt từ Nam Chiếu xuống, có thể là Âu Việt hay Điền Việt là anh em của Lạc Việt, là láng giềng thân thiết của ta. Bắt chước lối sống hòa hợp cởi mở khiêm nhường của láng giềng cũng là điều hay trước khi đi tìm ở đâu xa. Một thể chế quân chủ lập hiến là đường lối dân chủ thích hợp cho Đông phương, nhưng muốn có một vua Phật như Mongkut, như Lý Công Uẩn, như Trần Nhân Tôn không phải dễ, dân tộc phải có phước lành, trồng cây đức, mới có thiện duyên chuyển hoá vào thời:
Bảo sơn thiên tử xuất
Bất chiến tự nhiên thành

KẾT LUẬN CẬP NHẬT

Trong 6 năm vừa qua, chính trị xứ Thái căng thẳng qua cuộc tranh chấp giữa phe thủ cựu áo vàng (Democrats) và phe cấp tiến bình dân áo đỏ (Pheu Thai), vài vụ đổ máu xẩy ra, nhưng tinh thần tiến bộ thấm nhuần dân chủ, dân tộc hoà hợp vẫn thấy rõ và hơn hẳn các nước độc tài Viễn Đông. Nhà vua vẫn được các phe phái và quần chúng tôn kính, Phật giáo cao tăng vẫn là giềng mối tinh thần đất nước, biến động mà không chao đảo, bầu cử công minh, đối lập có tiếng nói và cơ hội, không có tầng lớp thảo khấu ác ôn côn đồ, không có tầng lớp trí thức điên đảo tưởng nóng tính sân hận muốn đạp đổ tất cả. Một đất nước như vậy, Tầu, Việt, Bắc Hàn không dễ gì theo kịp và tinh thần từ bi hỷ xả đổi mới của vua Mongkut trao truyền vẫn chưa phai tàn trên đất Thái thanh bình.
Viết 4-2005
Cập nhật 7-2011

Tham Khảo

- King Mongkut and The British-by M.L. Manich Jumsai-Chalermnit-Bangkok. 1991
- In His Own Words by Vasana Chinvarakorn-Bangkok Post 12-18-2004-
Excerpts from Collected Proclamations.
- Thai Air Magazine 12-04- Google Search.
- Sử liệu Thái liên quan tới Việt Nam còn khá nhiều: thế kỷ XVII có nhóm người Cơ Đốc giáo VN chạy sang Thái tỵ nạn; vua Rama V con Mongkut đi thăm Java (Nam Dương) cũng là nơi mà phái đoàn VN với Cao Bá Quát từng thăm viếng buôn bán; vua Rama VI cũng đi thăm Nam Dương và mang về Thái một số thợ thêu lụa người Việt, chính nhóm thợ Việt này đã dậy cung nữ của Hoàng hậu Thái thêu thùa và chỉ cách thêu trên lụa láng (flat silk embroidery). Với số trống đồng khá nhiều ở Thái, nhất là bắc Thái, nền văn hóa Lan Na hẳn có nhiều liên hệ với Nam Trung Hoa, và theo các nhà khảo cứu Tầu, Âu Mỹ và Thái hiện tại thì người Nam Chiếu khi bị nhà Nguyên đánh đã chạy sang Thái năm 1253 và từ vùng Chieng Mai đã lập thành nước Xiêm La ngày nay.
Thái đã phải nhượng đất đai cho thực dân Pháp như vùng Luangprabang, Vientian của Lào, nhường mấy tỉnh phía Nam sát Mã Lai ngày nay cho Anh, để mưu cầu hòa bình. Đệ nhị thế chiến Thái mềm dẻo với quân chiếm đóng Nhật, sau 1975 Thái cũng đạt được yêu cầu 23,000 quân Mỹ trú đóng rút đi. So với VN thì chính sách ngoại giao Thái lấy dĩ hòa vi quý làm chuẩn, tránh đổ máu vô ích cho dân, nói theo nhà Phật thì họ ở quốc độ gần Thanh văn Duyên giác, còn ta ở quốc độ nóng nảy sát khí sân si A tu la, hay có thể thấp hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog