Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

Nỗi buồn

Viết ngày 23.09.2003

Trong cơn buồn đang dâng lên như cơn đau kinh niên tái xuất thì sự im lặng cũng là một liều thuốc hiệu nghiệm nhằm giải tỏa áp lực nặng nề đối với tâm hồn và giúp cho cơn đau dễ chịu hơn. Tuy không làm tan biến được cái buồn nhưng sự im lặng làm dịu đi cái day dứt cái dày vò của nổi buồn đôi khi tưởng như đi lạc vào con đường vô tận không lối thoát.

Tuy không sanh vào một ngôi sao xấu như tâm lý thông thường người ta hay gán cho khi cuộc đời không trôi chảy như kỳ vọng của mình, nhưng nổi buồn nó đến với tôi thường xuyên như người bạn tri kỷ. Nó cứ quấn quýt lấy tôi, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi tùy tiện. Đôi lúc nổi buồn đến nhẹ nhàng như gió thoảng nhưng đôi lúc lại bất ngờ như cơn bảo tố không một dấu hiệu báo trước. Nó xồng xộc bước vào tâm hồn tôi không màng chút gì đến sự riêng tư của kẻ đang đau khổ. Đã thế nó còn dài người chiếm hẵn tâm hồn tôi, không chừa chút nào khiến tim tôi nặng nề ngộp thở như kẻ đau tim kinh kỳ. Nổi buồn như kẻ vô tâm, dày vò tâm hồn không một chút thương xót, không biết nương tay là gì. Khi tâm hồn bị tràn ngập bởi nổi buồn day đứt thì sự im lặng giống như cái phao cho người sắp chết đuối. Cứ bám vào đấy cho qua cảnh khốn cùng. Tuy không thoát ra khỏi biển khổ nhưng ít ra cũng vớt vát được một ít sinh khí để sống còn. Con người thường hay tự nhủ thà chết còn hơn sống khổ. Nhưng khi trực diện với cái đường cùng thì lại ham sống. Đã sống là phải chấp nhận có buồn đau. Triết lý nhà Phật cũng không dạy gì khác hơn. Đời là biển khổ. Chỉ có một đời sống yên lặng với tâm hồn thanh tịnh mới có thể giúp ta thoát khỏi buồn khổ mà thôi. Biển lặng thì không có sóng cao gió lớn. Nếu sự việc chỉ có thế thôi thì quá đơn giản. Cứ tin như thế thì bé cái lầm. Cái buồn cái khổ cứ triền miên đưa ta từ cái u mê này đến cái u mê kia.

Tình cờ ngày hôm kia tôi có đọc được trong một tờ báo y học. Theo kết quả nghiên cứu này thì không chỉ những sinh vật có khả năng diễn tả sự đau khổ bằng tiếng kêu hay nước mắt mới thật sự có đau khổ. Ngay cả những con vật như cá cũng có tình cảm, cũng biết đau khổ buồn vui là gì. Con người chúng ta chỉ thông cảm được sự đau khổ của những sinh vật qua sự diễn đạt bằng tiếng kêu ca và nước mắt mà thôi. Nói đúng ra ngôn ngữ của sự cảm thông là tiếng kêu ca và giòng nước mắt. Không nói cùng ngôn ngữ thì làm sao có được sự cảm thông, làm sao có thể hiểu nhau được. Điều đó cũng dễ hiểu thôi.

Nói đến đây tôi nhớ đến chuyện xa xưa ngày ấy còn thơ. Trong lớp học tôi, khi có gì không vưà ý, các cô học trò mà chúng tôi hay cho rằng "nho nhỏ, be bé xinh xinh và hiền như ma soeur" ấy cứ la toáng lên rồi lại khóc bù lu bù loa. Thế như rằng là chúng tôi sẽ bị phạt ngay, qùy gối cả ngày vì cái tội mà chúng tôi đến ngay cả bây giờ cũng không bao giờ cho rằng đó là một cái tội cả (thương có phải là cái tội hay không?), nhưng cái tội lớn nhất vẫn là sự im lặng. Im lặng tức là gián tiếp nhận tội. Thử hỏi con cá có thể mở miệng ra kêu than trách phận khi miệng đầy nước hay không? Nhưng ít ra thì con cá cũng phải biết nhỏ vài giọt nước mắt chứ ? Đôi khi ở đời có nhiều oái ăm lắm ! Không thấy không có nghĩa là không có. Các bạn có nghe nói "nước mắt chảy vào trong" bao giờ chưa?

Dr. T.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn tác giả bài viết này đúng lúc để thấy những câu "nước mắt chảy vào lòng" hay lệ đá xanh, lệ khô gì cũng có ý nghĩa. Tuy nhiên nếu nói "không nói cùng ngôn ngữ thì làm sao có được sự cảm thông, làm sao hiểu nhau được" thì không đúng lắm đâu, có những điều không nói vẫn có sự cảm thông nếu họ muốn, và có khi cùng ngôn ngữ mà có hiểu nhau đâu. Thí dụ nghe một bản nhạc không lời hay khác ngôn ngữ vẫn có thể cảm thông được cảm xúc của người nhạc sĩ mà đúng không? Cho nên chính xác nhất có phải tác giả muốn nói "ngôn ngữ của cảm thông là kêu ca và giòng nước mắt" , phải áp dụng cả hai, biết ca không biết khóc hay ngược lại thì sẽ không đem đến kết quả gì đúng không ạ?

    Trả lờiXóa

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog