Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Về một tiếng hát

Trầm Hương

 Mai nếu như ta về,
đời phiêu lãng thân ê chề
Còn ai thắp lên ngọn đèn.. chờ khuya…
Niệm khúc hoa vàng - Sáng tác Hà Thúc Sinh – Ca sĩ Khánh Ly
Ca sĩ, thường khi chỉ có tên mà không có tuổi. Như Elvis Phương, Chế Linh, Ý Lan khi đứng trên sân khấu vẫn cứ xưng tên với khán giả, dù “các cụ” đã gần 6 hoặc trên 7 bó. Vì thế, xin phép độc giả cho tôi gọi người ca sĩ có tiếng hát được mệnh danh “liêu trai/ma túy” đó bằng “cô”, dẫu “cô” đã trải qua 69 mùa lá rụng và được xếp vào hạng cao niên của cả nước Mỹ lẫn nước Việt Nam.
Tên cô gắn liền với tên của nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn từ giữa thập niên 60. Tiếng hát và hình ảnh cô in đậm trong trí nhớ tôi – từ thuở con bé mới lớn, trái tim ngây thơ hiền hậu, nóng bỏng lý tưởng lẫn mộng mơ – cho đến tận bây giờ, bao nhiêu nước chẩy qua cầu, khi mắt bắt đầu mờ và con tim thì hâm mãi vẫn chưa thấy ấm lại ngọn lửa… tình.
Cô thì khác. Nghệ sĩ mà. Nghệ sĩ là người trái tim muôn năm còn trinh. Trái tim với ngọn lửa vĩnh viễn là … lần đầu. Nghệ sĩ cần khán giả như cá cần nước. “Tôi luôn ao ước có một ngày được hát rồi chết luôn cũng được…”. Ao ước của cô đã trở thành hiện thực khi cô đứng (và nói) những lời kể trên trong đêm 9 tháng 5 vừa qua, trên sân khấu “hoành tráng” của Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội với 4,000 ghế ngồi đã không còn chỗ trống. Cô được hát nhưng cô không chết. Có chăng, cô ĐÃ chết trong lòng những người hâm mộ cô như tôi, những người (gàn dở) yêu nước nhưng (cương quyết) KHÔNG yêu Chủ Nghĩa Xã Hội.
Sáng 30 tháng Tư 2014, trong nỗi đau râm ran của vết thương sau 39 năm vẫn chưa chịu lành, tôi nghe lại CD Niệm Khúc Hoa Vàng do Khánh Ly Productions phát hành năm 1989. niemkhuchoavangback Từng câu, từng chữ, theo giọng nói trầm buồn, tràn đầy cảm xúc và cực kỳ quyến rũ của cô xoáy sâu vào cõi lòng u ám của người nghe.

Con tàu tách bến. Bóng đêm đã phủ xuống Sài Gòn. Mặt nước đen im lặng. Tất cả ở đằng sau chìm vào bóng tối. Tôi sắp đi xa. Tôi sẽ đi xa. Nước mắt tôi nhạt nhòa. Tôi không biết cái gì chờ tôi trước mặt? Tôi không biết. Tôi đã chết rồi. Chết theo Sài Gòn đang hấp hối trong đêm tối. Thoảng trong gió, tiếng khóc, tiếng kêu la như những mũi đinh cắm vào tim tôi. Không nhìn lại nhưng tôi biết sau lưng tôi, trên những con phố thân yêu, những ngọn đèn xanh đỏ vẫn lấp lánh. Tôi tự nhủ, hãy nhắm mắt lại, hãy cúi mặt xuống, hãy tắt đi những ngọn đèn tội nghiệp kia bởi không bao giờ ta còn thấy lại nữa đâu”. (Khánh Ly – #1. Khi Xa Sài Gòn- CD Niệm Khúc Hoa Vàng)
Cái sự tưởng rằng không bao giờ ta còn thấy lại nữa đâu vào năm 1989 đã trở thành lời tiên đoán trật lất 1/4 thế kỷ sau. Dẫu cô vẫn chưa được phép đứng hát vô tư ở Sài Gòn, nơi làm nên tên tuổi lẫy lừng của đời ca sĩ nhưng ít nhất, cô được phép hát 1 đêm ở Hà Nội cũng đã là điều hạnh phúc lắm rồi. Hạnh phúc như cô bầy tỏ cùng khán giả đêm ấy, “Tôi ước ao được hát tới tắt tiếng rồi chết luôn cũng được. Ví như ngày hôm nay, tôi cứ hát đến chết luôn”.
Những lời có cánh (nói theo ngôn từ trong nước) cứ thế, từ đôi môi phù thủy của cô bay ra, vui lòng người nghe và vui lòng cả người diễn.
Khốn thay, khi đọc bài tường thuật về những lời có cánh cô dành cho khán giả trong nước, trong trí tôi cứ bật ra hình ảnh của người ca sĩ 25 năm trước, khi cô hồi tưởng những ngày cuối tháng Tư 1975 đau thương của người dân miền Nam “Tôi đã chết rồi. Chết theo Sài Gòn đang hấp hối trong đêm tối”.
Cứ chết đi sống lại như thế, nghĩ cho cùng, cũng … tội cho cô!
Chỉ vì khát khao được hát ở quê nhà (?) mà cô còn quên nhiều thứ lắm. Cô quên hết những lời cô lên án Cộng Sản trong những thước phim tài liệu còn lưu trữ đầy trên mạng lưới điện toán toàn cầu (Phim
Ai Trở Về Xứ Việt
, Thực hiện Nguyễn Hoàng Đoan, phu quân ca sĩ Khánh Ly. Thuyết minh: Khánh Ly).
 
Cô quên đã từng cất tiếng ca nhắn nhủ: “Thăm giùm ta, người ấy ở trong tù/ Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc/ Thay giùm ai, màu trời ngục âm u”.
Cô quên cả lời thề “Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây/ Quê hương mình trong TỰ DO ấm no.
Xin Mẹ yêu Mẹ đừng than khóc nữa/ Vì chúng con tuổi trẻ vẫn còn đây/ Chúng con nguyện cùng chung sức đắp xây/ Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương”.

(“Mẹ Việt Nam ơi, Chúng Con Vẫn Còn Đây” – Nhạc: Nguyễn Ánh 9 – Lời: Hoàng Phong Linh)
Đêm 9 tháng 5, khi cô đứng hát trong ánh hào quang rực rỡ của một danh ca vượt thời gian, trong ánh nhìn ngưỡng mộ của hơn 8,000 ngàn con mắt từ khán giả hiện diện ở khán phòng, cô không cần biết chỉ 4 ngày trước đó, ngày 5/5/2014, một blogger sáng lập trang điểm tin nổi tiếng Basam News – biệt danh Anh Ba Sàm- đã bị công an bắt khẩn cấp về điều luật quy kết “đại trà” 258 dành cho những người không ngoan ngoãn đi theo ngọn đuốc lãnh đạo quang vinh của Đảng, nhất là lại còn dám phản kháng quan thầy Trung Quốc.
Và cô, cô đang đứng giữa xứ Việt để không cần kêu rêu: Ai trở về xứ Việt/ Cho ta gởi về, theo một ít Tự Do/ Tự Do, Tự Do và nhiều lắm/ Đến cửa ngục tù/Chia bớt chút buồn lo. Cô trở về xứ Việt để được hát . Hát cho người giầu nghe. Giá vé hạng bét là 45 đôla. Hạng nhất thì cả trăm đôla. Người ca sĩ cần hát. Chuyện gửi/chia cho tù (lương tâm) là chuyện diễm xưa. Đảng đã quên tội lỗi của cô, đã cho cô được phép hát giữa lòng Hà Nội là chỉ dấu rõ rệt của chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc với đám phản động hải ngoại. Cô đã chứng kiến sự tự do khi được hát thoải mái những bài hát … cho phép. Được phát biểu tự do về tình cảm của cá nhân cô với quê hương và với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thế thì những tù nhân lương tâm đúng là bọn phản động thật. Mắc mớ gì để phải lưu luyến “Các bạn ta ơi, bao giờ được thả/ Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi/ Được lắng nghe, tiếng chim cười/ Đến bao giờ, đến bao giờ???”
Về nước, cô mải miết tập luyện cho đêm trình diễn trọng đại sắp diễn ra. Đến người thân của cô ở Hà Nội lẫn Sài Gòn, cô cũng tạm gạt ra khỏi bộ nhớ. Cô bận “nhắng” bên Hà Anh Tuấn, “đỏm dáng” với Công Trí như phóng viên Ánh Ngọc của báo điện tử VietnamNet tường thuật.

Khánh Ly “nhắng” bên Hà Anh Tuấn, Phạm Hoàng Nam.Khánh Ly ngày về

Khánh Ly ngày về
Cô cũng không để ý đến việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan dầu lên lãnh hải Việt Nam, bao vây và tông vào tàu của “Cảnh sát biển” Việt Nam khiến người dân cả nước cực kỳ phẫn nộ. Cô vẫn “Bên sông hát khúc Hậu Đình Hoa”.
Cô quên nhiều lời hứa nhưng nhạc sĩ kiêm MC Nam Lộc không quên. Khi chia sẻ tâm tình lúc viết về ca khúc “Sài Gòn ơi vĩnh biệt” trong buổi Gây Quỹ Tương Trợ Thương Phế Binh VNCH diễn ra tối Chủ Nhật 27 tháng Tư, 2014 tại nhà hàng New East Sea, thành phố West Valley, Utah, ông đã nhắc lại nhẹ nhàng “… trong bài hát có câu là “Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về”, chị Khánh Ly cũng đã đồng ý với tôi và chị đã từng viết trong một hồi ký là “Tôi chỉ về Sài Gòn với hàng triệu người Việt ở Hải ngoại khi không còn cộng Sản”. Đến bây giờ chị Khánh Ly về thì có lẽ là tôi xin lỗi hẹn với chị Khánh Ly“.


Công chúng thường có lòng bao dung với những người mang danh nghệ sĩ. Rằng nghệ thuật phải được tách rời khỏi chính trị. Rằng nghệ sĩ chỉ có mục tiêu duy nhất là phục vụ nghệ thuật. Thế nên MC “tài danh” Nguyễn Ngọc Ngạn đã trở thành nghệ sĩ thứ thiệt khi quên đi thảm cảnh vợ con chết trên đường vượt biên để thản nhiên và hồn nhiên tiếp tay cho sự nối dài của Nghị Quyết 36 thâm nhập vào cộng đồng Việt hải ngoại qua việc quảng cáo cho các “doanh nghiệp” trong nước trong những chương trình Thúy Nga Paris gần đây.
Ca sĩ Ý Lan cũng chẳng còn nhớ mẹ cô là danh ca Thái Thanh bị cấm hát suốt 10 năm trời cho đến khi rời khỏi Việt Nam vào năm 1985. Cô đã mở to mắt, tròn môi, ngây thơ trả lời với cơ quan truyền thông BBC gần đây rằng, về Việt Nam hát, cô được phát biểu hoàn toàn “tự do” trên sân khấu, không như những lời (hải ngoại) đồn đại.
Mời xem Thái Thanh – Phần Mở Đầu Đêm Nhạc Thái Thanh Kỷ Niệm Mười Năm Tái Ngộ:
Nghệ sĩ mà! Trái tim họ quả lớn hơn, bao dung hơn người bình thường như tôi và bạn. Họ khóc, cười, quên, nhớ như những màn kịch đóng trên sân khấu để rồi khi bước xuống, những thứ cải trang được vứt lại nhẹ nhõm sau lưng.
Cô đã về, không phải với tâm trạng đời phiêu lãng thân ê chề/ Còn ai thắp lên ngọn đèn.. chờ khuya… như cô đã cất giọng não nề 25 năm trước. Hào quang ngày về rực rỡ quanh cô để cô nhận ra Ly đã lầm … di cư sang đây.
Nói mãi, bạn đọc sẽ chỉ thấy ở tôi một người phụ nữ nhỏ nhen ghen ăn tức ở. Quyền hát ở đâu là quyền của bà ca sĩ, mắc mớ chi mà chua chát đắng cay? Vì vậy, tôi xin chúc mừng chúc mừng cô đã tìm lại được chính mình. Câu hát, tôi xin được tự ca cho mình nghe vậy:
Mai nếu như ta về,
đời phiêu lãng thân ê chề
Còn ai thắp lên ngọn đèn.. chờ khuya…
Một ngọn đèn đã tắt năm xưa
Một cuộc tình đã quá hoang vu
Sau chìm sâu dưới nước non.. mịt mù…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog