Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

20 truyện thật ngắn

On the Net
1. Mẹ tôi! (Vương thị Vân Anh) Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai Mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học. Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho Mẹ, Mẹ cầm thư tôi mà rớt nước mắt, vui thật nhiều nhưng Mẹ tôi có biết tôi nói gì với Mẹ đâu. Mẹ tôi không biết chữ!

2. Lòng Mẹ (Kangtakhoa) Nhà nghèo, chạy vay mãi mới được xuất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhứt để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ. Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ. Đêm. Chỉ có Mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi Mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe Mẹ nói: "Dối Mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!"


3. Khóc dùm Cô bé đi học về muộn, ba mẹ rất lo. Khi thấy cô về, ba mẹ hỏi xem con đã đi đâu và làm gì? - Con dừng lại giúp bạn con ạ. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng. - Nhưng con đâu có biết sửa xe? - Đúng ạ, nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc. Cũng như cô bé đó, không phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp. Nhưng chúng ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi. Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn nhiều lần gặp cảnh "hỏng xe" lắm. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi (?)

4. Sống ở đời (Phạm Quốc) Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việt làm, lập gia đình... cha tôi vẫn giữ thói quen như thế. Cha dạy tôi: "Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng để ai khó chịu vì mình chậm trể con ạ". Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột: cha vặn đồng cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: "Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại dễ dàng với người khác con ạ!"

5. Bi kịch (Huỳnh Thanh Vân) Sạp anh chị ít khách vãng lai. ế ẩm, vốn cạn dần, nợ nần chồng chất. Anh mượn rượu giải sầu, sanh tật đánh vợ. Chịu đòn không thấu, chị làm đơn ly hôn. Bạn bè giải hoà, góp tiền cho chị mượn vốn không lãi. Chị bỏ hàng, chia giá sỉ cho người bán lẻ đầu chợ, nhờ vậy đắt khách. Anh bỏ rượu, giúp vợ tần tảo năm, sáu năm dài, nợ trả xong, nhà có đồng ra đồng vào, con cái học giỏi. Chị vui chưa kịp nở nụ cười, cơn đau ập đến... Cầm đơn thuốc trong tay chị ước gì mình dốt, không biết đọc hai chữ: ung thư.

6. Đôi mắt  Có một cô gái không may bị mù, quen biết một chàng trai, 2 người cùng yêu nhau, đến một ngày cô gái nói với chàng trai: "Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy anh". Rồi đến một ngày kia cô gái được phẩu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh sáng. Chàng trai hỏi: "Bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ?" Cô gái bị ngẩn ngơ choáng váng khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ chối anh. Chàng trai ra đi trong nước mắt và nhắn lại rằng: "Hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của mình em nhé, vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em".

7. Điện thoại (Võ Thành An) Nhà không có điện thoại, anh Hai đi làm xa muốn thăm Mẹ phải gọi nhờ nhà hàng xóm. Người hàng xóm không vui lòng nhưng chẳng nói ra. Anh Hai ngại nên những cuộc gọi về cứ thưa dần. Mẹ dành dụm tiền, nhà mắc được điện thoại. Cũng có khi do bận việc nên cả tuần anh Hai mới gọi về một lần. Từ ngày nhà có điện thoại Mẹ ít đi đâu, làm gì cũng loay hoay bên chiếc máy. Có người hỏi lý do, Mẹ nói: "Sợ thằng Hai gọi về mà không gặp được".

8. Nghịch lý (Văn Triều) Thanh minh. Bàn chuyện cải mộ Mẹ, anh Hai nói: - Tôi góp một phần. - Tôi một phần. - Tôi cũng một phần. Thím Tư chen vào, như đùa như thật: - Chú Út hai phần mới phải. Anh Tư đâu hưởng gì đâu?! Chợt nhớ lúc nhỏ, mấy anh em ngủ chung với Mẹ. Đêm, muổi vào mùng cắn Mẹ. Mẹ không đập, sợ hụt, cứ để muổi cắn Mẹ no rồi sẽ không cắn các con. Ôi! Tình yêu của Mẹ là thế. Có chia phần bao giờ đâu!

9. Tóc sâu (Song Khê)Sáu tuổi.Tôi vọc tay trong vườn tóc ngoai, reo vang: "Con tìm được sợi trắng rồi!". Mười tuổi. Tôi cột - mở búi tóc của ngoại, phụng phịu: "Mấy sợi bạc con nhổ hết hồi hôm kia, bữa nay lại chui ra nữa!". Mười lăm tuổi. Tôi vừa chạy ra cửa vừa nài nỉ: "Cho con đi chơi một chút đi ngoại. Lát nữa hãy nhổ tóc sâu". Mười tám tuổi. Tôi nhìn lên mái tóc ngoại trắng phơ, bất động trong bức ảnh cao cao, rưng rưng thắp một điều ước.

10. Tiền mừng tuổi (Trương Đình Dạ Vĩnh) Năm bảy tuổi, Mẹ bảo đưa tiền Mẹ cất cho ... Nó đếm mấy chục ngàn tiền lì xì rồi miễn cưỡng đưa Mẹ cất giùm vì trước kia không bao giờ thấy Mẹ trả lại. Năm mười tuổi, nó lén cất tiền không cho Mẹ biết. Mười tám tuổi, nó mang nổi nhớ quê hương bước vào đại học ở tận miền trong xa xôi. Tết. Ký túc xá vắng hoe. Phương bắc xa xôi nó không về được. Nó nằm co trên giường cầm giấy nhận tiền của Mẹ mà thấy ân hận, xót xa.

11. Khóc (Bùi Phương Mai) Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm hai mươi tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được Mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin Mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc. Anh nói: - Tội nghiệp Mẹ, 40 năm qua chắc Mẹ còn khổ tâm hơn anh.

12. Nói dối (D.A.D) Ngày đó nhà nghèo Cha mất, Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ gởi con về giổ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà Mẹ hỏi con né tránh: "Dạ vui! Cô bác mừng con...!!!". Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh... Về nhà nhìn ảnh Mẹ con thấy lòng rưng rưng.

13. Chung riêng (Nga Miên) Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên... Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta...

14. Tình già (Nguyễn Thái Sơn) Đêm tối đen.Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mìnhđã mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây são rồi đẩy đưa bâng quơ trong vòm lá. Con chim cú vỗ cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà... Ông trách: "Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?". Hạt bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: "Lỡ ông bỏ tôi lại thì sao?".

15. Ngày sinh nhật đầu tiên (Xuân Vy) Tối nay bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: "Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, Mẹ nhỉ?". Mẹ lặng thinh mắt đỏ hoe! Sợ Mẹ khóc, bé vỗ về: "Đừng khóc Mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu!". Bỗng nhiên, Mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi khóc ào theo. ... Ngày ấy, cái ngày mà toà án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và ngày sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày Mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.

16. Mưa đầu mùa (Nguyễn Thanh Xuân) Những cơn mưa đầu mùa thường ập đến bất ngờ, nước tuôn xối xả. Hàng hiên nhà tôi đầy ngươi đến trú mưa, ồn ào như chợ vỡ, nhất là cánh bán hàng rong. Tôi thật bực mình vì công việc của tôi cần sự yên tĩnh. Mẹ thì khác, những lúc ấy bà vui như "cá gặp nước", những kỷ niệm vui buồn ngày xưa với gánh hàng của bà ngày xưa như không bao giờ dứt. Có lúc bà còn hào phóng mua hết những thức ăn ế ẩm của họ, dù sau đó không sao dùng hết phải đem cho đi. Tôi tỏ ý khó chịu, Mẹ chỉ cười buồn bảo: "Những thứ ấy đã một thời nuôi con khôn lớn đó...". Tôi nhớ lại những cơn mưa đầu mùa ngày trước, Mẹ gánh hàng về ôm tôi khóc, chợt thấy chạnh lòng...

17. Vợ chồng (Tùy Nghi) Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ. Những lúc ấy anh lại ôm lấy chị, vỗ về: - Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào! Công ty phá sản. Từ cương vị giám đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc: - Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh!

18. Những chiếc bao lì xì Ba Mẹ làm lớn, tết đến tôi được nhận nhiều bao lì xì đỏ thật đẹp với lời chúc học giỏi và chóng lớn. Những bao lì xì xé ra tôi mua đồ chơi và tiền bỏ đầy con heo đất. Chiều, thấy thằng con dì Ba cầm thật nhiều bao lì xì. Tôi hỏi: "Mầy được bao nhiêu?" Nó đáp; "Em nhặt ở sọt rác nhà anh 50 cái bao không".

19. Phần cô (H.M.N.) Sinh nhât cô giáo, cả lớp mang tặng cô nào hoa, nào vải may áo dài... Giở gói quà của Hằng ra ngạc nhiên thấy một củ khoai và một bông hồng. Hồn nhiên, Hằng bảo: "Ngày nào em cũng được ăn khoai lang nướng ngon lắm cô ạ. Chắc cô chưa bao giờ được ăn?". Hỏi dò mới biết ba mẹ Hằng mất sớm, nhà em phải ở ngoài triền đê, một mình vất vả nuôi hai em. Quà của Hằng là bữa trưa mà em dành phần cho cô giáo.

20. Đi thi (Ngô thị Thu Vân) Chị Hai đi thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: "Nhờ Ba mầy mát tay". Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô Út- cấp II, cấp III, tú tài, đại học. Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt ...Buổi sáng trời se lạnh. Ba chuẩn bị đi thi "Hội thi sức khoẻ người cao tuổi". Má nhìn Ba ái ngại. "Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả". Buổi tối Má hỏi: "Ông thi sao rồỉ". Ba cười xoà bảo: "Rớt".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog