Đi chơi về đúng như người ta nói đi "travel" thì không phải là "vacation" cho nên đi về tới hôm nay cũng chưa có thể kể, hay post mấy tấm hình mà trước khi đi, người tour guide dặn chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ pin, memory flash, và nếu có hai máy hình càng tốt, vì có khi ra đó chụp không đủ. Buổi sáng trên đường đến thủ đô Zagreb của Croatia, chúng tôi ghé công viên quốc gia nơi có hồ Plitvice, một công viên cổ ở phiá Đông Nam của Châu Âu. Công viên được Unesco công nhận là di sản của thế giới vào năm 1979. Công viên có hồ Plitvice bao gồm 16 hồ đổ xuống thành tầng, hồ có những sinh vật hiện hữu ngay cả trước sự có mặt của con người. Chúng tôi may mắn đến vào một ngày nắng đẹp, mà theo người hướng dẫn viên ở địa phương cho biết mưa cả tuần trước đó, nên nước chạy mạnh qua cả những đoạn có cầu cho người thượng ngoạn. Và cũng may mắn đất cũng khô kịp để chúng tôi có thể đi xuống tận chân thác. Không kể chi tiết ở đây, vì ở dưới có post bài của người ta viết hay hơn nhiều.:-)
Quả thật đứng ở góc nào cũng thấy một màu xanh và thiên nhiên hùng vĩ rất đẹp
Tiếng thác nước đổ xuống ầm ầm mà nhìn xuống thì nước rất trong
Tuy nhiên chúng tôi được biết là nồng độ pH ở đây rất cao, không thể uống được.
Ở Mỹ không thiếu những thác nước hùng vĩ, nhưng cái cảm giác đứng giữa núi rừng rất là xanh và ở xa nơi mình sinh sống cả ngàn dặm, thì rất lạ lùng.
Chụp gần rồi lại
Chụp xa
Cá thì bơi cả đàn, chỉ cần có cái rổ xúc
Nếu ở xứ Việt thì chắc là vào nồi cá kho rồi, nhưng ở đây chúng cứ thản nhiên tồn tại hàng triệu năm, dĩ nhiên tôi không có nói mấy con cá này sống hàng triệu năm, mà là tổ tiên của chúng đấy.
Ở cuối đoạn sông thì rất là yên tĩnh
Chiếc cầu đưa đến chân thác nước, hôm nay tràn nước vì mưa đã đổ suốt một tuần, thấy thì cũng hơi sợ, nhưng không lẽ tới đây rồi lại không xuống mà đứng ngó, thôi thì xắn quần, vác túi chạy xuống trước, đoàn còn đứng nhìn, con trai sợ mẹ trôi đi luôn nên vội vàng sắn quần vác giày theo mẹ.
Nước ơi là nước, gỗ thì trượt cũng phải ngưng lại để thâu âm tiếng nước chảy
Cùng kéo nhau xuống
mải lo chụp hình mà không xem cây cỏ nơi đây có cọng rau nào không?
Có lẽ bạn VN nào xem sẽ nghĩ cũng giống thác ở Đà Lạt, ở Lạng Sơn mà thôi
Nhưng không biết nước ở quê hương có còn trong như thế này không?
Không biết diễn tả ra sao khi nước đổ dồn dập ở dưới chân người không biết bơi
Ở đây nước đổ dồn dập
Nhưng góc này thì rất tĩnh
Vài tấm hình từ vài góc cạnh nhìn từ trên đồi nhìn xuống
Nhìn thế này chợt nhớ Việt Nam đã mất thác Bản Giốc
Nếu không một đưá con đất Việt chẳng phải lang thang xứ người ngắm hồ, thác của xứ người
Bản đồ công viên quốc gia Croatia
Xe chạy về thành phố, ngang qua bức tường có graffiti đặc biệt, làm nhớ bức tường Bá Linh
Một đoạn phim được thực hiện bởi AV travel làm cho đoàn chúng tôi. Blogger hiện diên ở phút thứ ba.
Xin mời đọc tiếp bài viết của công ty ATNT, tình cờ thấy trên mạng về một nơi mà chúng tôi đã được đi qua. Ngày đẹp trời sẽ post tiếp hình ảnh của thành phố Opatija, Croatia :-)
Plitvice Lake và thành phố biển Opatija, Croatia*
Trần Nguyên Thắng
Ðến Croatia vào đúng dịp đất nước này đang có một vinh dự lớn là đội túc cầu của Croatia được tham gia tranh tài vô địch World Cup 2014 tại Brazil. Tôi nghĩ không chắc gì đội tuyển của xứ Nam Âu (mặc áo màu ca-rô trắng đỏ) này có nhiều cơ hội được đi vào vòng bát kết (1/8) của World Cup, nhưng Croatia cũng đã tạo những thành tích ngạc nhiên cho những ngày mở đầu vòng loại. Có lẽ người Việt chúng ta ít biết đến Croatia, không biết đất nước này ra sao và nằm ở đâu trong lục địa Âu Châu?
|
Croatia nằm về phía Nam của hai xứ Slovenia và Hungary, phía Ðông giáp với Serbia, phía Nam tiếp cận với Bosnia & Herzegovina, nhưng về phía Tây Croatia có cả một đường bờ biển dài hơn 2,000km dọc theo Adriatic Sea, gần như đất nước này chiếm trọn hết bờ biển của Liên Bang Nam Tư cũ. Ðặc biệt nhất, tạo hóa đã tặng cho xứ sở này hàng ngàn hòn đảo, lớn có nhỏ có, nằm rải rác dọc theo bờ biển đã tạo ra những không gian vùng vịnh thật đẹp, kèm theo đó là những thành phố biển êm đềm hiền hòa thơ mộng. Ðiều này đã đóng một vai trò quan trọng trong kỹ nghệ du lịch của Croatia ngày nay.
Thế kỷ 20 đã qua đi nhưng lịch sử của thế kỷ này đã để lại hai vết thương lớn trong lịch sử nhân loại. Hai cuộc thế chiến 1914-1918 và 1939-1945 không chỉ là tàn nhẫn vô nhân với con người mà còn là một cuộc xâu xé tàn sát giữa con người với con người chỉ vì sự khác biệt chủng tộc và quốc gia. Sau mỗi trận thế chiến, biên giới các đất nước Âu Châu được các cường quốc thắng trận vẽ lại trên bản đồ thế giới. Slovenia, Croatia, Bosnia, Serbia ngày nay là những đất nước được hình thành từ những quyền lợi chia chác giữa các cường quốc sau hai cuộc thế chiến. Thế Chiến II chấm dứt, các tiểu quốc trên thành lập nền Cộng Hòa và đã gộp nhau lại để trở thành Khối Thịnh Vượng Chung của khu vực Nam Âu. Tuy nhiên, Khối Thịnh Vượng Chung này đã bị nhà độc tài khét tiếng Thống Chế Tito thâu tóm và lần cuối (1963) được đổi tên thành Cộng Hòa Liên Bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư (Socialist Federal Republic of Yugoslavia). Năm 1989 là năm khởi đầu cho sự tan rã sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản thế giới tại Liên Xô và Ðông Âu; Cộng Hòa Liên Bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư cũng không ngoài quy luật đó. Yugoslavia tan rã và các đất nước như Slovenia, Croatia đã vươn mình hòa nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới.
|
Sau khi được độc lập, kỹ nghệ du lịch là một trong những nền kỹ nghệ được Croatia chú tâm và phát triển nhằm giới thiệu những điểm du ngoạn đặc biệt của đất nước mình đến du khách thế giới. Tuy nhiên, có lẽ phần lịch sử và văn hóa của Croatia không nổi bật bằng các thắng cảnh thiên nhiên mà du khách hết sức ngỡ ngàng khi đến du ngoạn Croatia.
Một trong những thắng cảnh thiên nhiên đáng nói đến ở Croatia là Plitvice Lakes National Park, một thắng cảnh thiên nhiên được nằm trong danh sách di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO từ năm 1979. Ðây là một khoảng không gian của rừng, thác nước, các hồ-nước-xếp-tầng với độ nước trong vắt là những yếu tố tạo cho Plitvice Lakes một không gian khó mà nơi nào khác có được. Mười sáu hồ nước chiều dài chu vi ngoằn ngoèo có đến 8km, các hồ nối liền với nhau từ trên độ cao khoảng 630m xuống dưới 500m. Ðẹp nhất có lẽ phải nói đến khu vực thác Plitvica Stream, thác Sastavci và hồ nhỏ Novakovica brod. Ðây là điểm mà du khách vừa bước vào trong cửa vào “Entrance” của khu vực, chỉ cần bước đi thêm ít phút, bạn sẽ thưởng ngoạn ngay một hình ảnh không gian tuyệt đẹp của Plitvice Lake từ trên độ cao 100m.
|
Ði lần xuống bên dưới và dọc theo các hồ, ở những hồ có độ sâu quá mà bạn không thể nhìn thấy được đáy hồ, nhưng bù lại bạn ngắm được làn nước hồ xanh biếc như màu cẩm thạch. Ðiều này làm tôi nhớ đến màu sắc của nước hồ thiêng Yamdrok Lake trên cao nguyên Tây Tạng, nhớ đến màu sắc của chiếc vòng cẩm thạch ngày xưa mẹ tôi hay đeo trên tay. Kể cũng lạ, chỉ một chút màu sắc cũng đủ tạo cho mình những liên tưởng quá khứ. Chỉ một sát na mà cái niệm trong mình đi vụt trở lại quá khứ mấy năm. Nhìn những đàn cá tung tăng bơi dưới làn nước hồ trong vắt, tôi có cảm tưởng như mình đang thưởng ngoạn một hồ cá thiên nhiên khổng lồ ngoài trời.
Mười sáu hồ nước nối liền với nhau từ trên độ cao xuống thấp, chu vi dài ngoằn ngoèo có đến 8km nên cũng là một đoạn đường khá dài cho người thưởng ngoạn. Thắng cảnh của hồ tùy theo độ ánh nắng mặt trời chiếu xuống, tùy theo số lượng khoáng chất hữu cơ trong lượng nước hồ. Mỗi hồ cho người xem thưởng ngoạn những màu sắc khác nhau từ màu xanh da trời biến thành xanh lục, màu xám hay màu xanh thẫm.
|
Tuy nhiên, du khách thường không đi thưởng ngoạn hết 16 cảnh hồ. Nếu bạn muốn đi hết 16 cảnh hồ thì bạn cần ít nhất sáu tiếng đồng hồ lội bộ “lên ghềnh xuống thác.” Ðó là bạn còn “chân cứng đá mềm.” Còn thông thường các tour du lịch chỉ đưa bạn nửa vòng hồ thôi. Lúc xuống thì đã có xe bus đưa bạn gần đến khu vực “Entrance” lúc ban đầu, sau đó bạn phải đi tiếp xuống đến nơi cửa ra cũng mất thêm 15 phút. Nhưng đây lại là một đoạn đường đi mà tôi cho rất đẹp, từ trên cao bạn sẽ có dịp ngắm nhìn thêm một vẻ đẹp khác của Plitvice Lake. Không uổng công bạn lội bộ chút nào.
Sau Plitvice Lake thì có lẽ thành phố biển Opatija cũng là thành phố cho du khách sự thoải mái, nghỉ ngơi bên biển Adriatic (Biển Adriatic nằm thuộc về biển lớn Ðịa Trung Hải). Ðây cũng là thành phố biển nghỉ Ðông của Hoàng đế nước Áo Frankz Joseph (chồng của Hoàng Hậu Sisi) vào cuối thế kỷ 19. Ông chọn Opatija nghỉ Ðông để tránh cái lạnh thấu xương mùa Ðông Vienna. Vì thế các hotel sang trọng được xây dựng và quy tụ về thành phố này dành cho các vương tôn công tử, các nhà giàu sang quý tộc thời đó cũng noi gương hoàng đế về đây nghỉ đông. Các hotel dần dần biến thành các resort với các khu vực tắm riêng biệt như Slatina Beach được xây dựng từ 1886 và đã được trùng tu nhiều lần.
|
Tuy Opatija êm đềm, hiền hòa, sang trọng và thơ mộng như thế, nhưng có lẽ tôi yêu thích nhất là bức tượng đồng dựng trên bờ biển Opatija do nghệ nhân Zvonko Car hoàn thành năm 1956. Nếu Copenhagen có bức tượng đồng dựa theo câu chuyện thần tiên Little Mermaid (Nàng Tiên Cá) ngồi trên bãi biển trông ngóng vị hoàng tử trong lòng nàng trở lại. Warsaw cũng có bức tượng đồng Nàng Tiên Cá dựng giữa quảng trường phố Cổ, một tay Little Mermaid cầm kiếm, một tay nàng cầm khiên như đang trong tư thế chiến đấu. Nàng Tiên Cá này chẳng ngóng mắt trông ai, nàng chẳng tình tứ thơ mộng thần tiên gì. Nàng hiện hữu để bảo vệ Warsaw không bị ngoại bang xâm lấn nên nàng Little Mermaid Warsaw quá ư nghiêm khắc. Hai nàng Little Mermaid này còn cho người thưởng ngoạn hiểu một ý nghĩa đích thực nào đó. Còn bức tượng đồng trên bãi biển Opatija là hình ảnh một người con gái đứng nhìn ra biển như có một lời chào biển cả. Trên tay nàng là một con hải âu đang vỗ cánh đáp xuống trên tay. Hình ảnh này tha hồ cho người xem ngẫm nghĩ suy tưởng về ý nghĩa của bức tượng. Nhưng cái điểm tuyệt nhất của bức tượng đồng này là nghệ thuật đúc khắc hình ảnh người con gái mặc áo choàng ngoài rất mỏng, mỏng đến độ áo dính sát vào người nàng, lộ khoe ra phần đường cong trác tuyệt của vòng thứ ba. Ðó là nghệ thuật hay là sự khêu gợi, có lẽ điều này dành cho người xem tự phán đoán kết luận.
Bức tượng đồng của Zvonko Car làm tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng “Xin chào nhau giữa con đường. Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau” (*).
|
Nàng chào biển cả, còn tôi làm sao chào được bức tượng đồng! Không biết “miên trường phía sau” có phải là sự lấn cấn trong tâm tưởng mình từ khi nhìn thấy người con gái tượng đồng này hay không! Hay đây chính là sự thành công của người nghệ nhân Zvonko Car. “Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau” (*)
Viết về Croatia mà không nói đôi điều về thủ đô Zagreb thì quả là một điều thiếu sót, có lẽ tôi dành viết vào một dịp khác vì khi viết đến đây thì cũng là lúc tôi được biết đội tuyển Croatia với thành tích 1 trận thắng 2 trận thua đã không còn cơ hội tham dự tiếp vào vòng trong của cuộc tranh tài World Cup. Ðiều này không làm mọi người hâm mộ môn túc cầu ngỡ ngàng, nhưng riêng tôi cũng đôi chút ngậm ngùi cho đội tuyển Croatia.
(*) Bài thơ Chào Nguyên Xuân.
|
* Tour chúng tôi đi thì do AV tổ chức, chứ không phải do ATNT tổ chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét