Trầm Hương
Mai nếu như ta về,
đời phiêu lãng thân ê chề
Còn ai thắp lên ngọn đèn.. chờ khuya…
Ca sĩ, thường khi chỉ có tên mà không có tuổi. Như Elvis Phương, Chế
Linh, Ý Lan khi đứng trên sân khấu vẫn cứ xưng tên với khán giả, dù “các
cụ” đã gần 6 hoặc trên 7 bó. Vì thế, xin phép độc giả cho tôi gọi người
ca sĩ có tiếng hát được mệnh danh “liêu trai/ma túy” đó bằng “cô”, dẫu
“cô” đã trải qua 69 mùa lá rụng và được xếp vào hạng cao niên của cả
nước Mỹ lẫn nước Việt Nam.
Tên cô gắn liền với tên của nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn từ giữa
thập niên 60. Tiếng hát và hình ảnh cô in đậm trong trí nhớ tôi – từ
thuở con bé mới lớn, trái tim ngây thơ hiền hậu, nóng bỏng lý tưởng lẫn
mộng mơ – cho đến tận bây giờ, bao nhiêu nước chẩy qua cầu, khi mắt bắt
đầu mờ và con tim thì hâm mãi vẫn chưa thấy ấm lại ngọn lửa… tình.
Cô thì khác. Nghệ sĩ mà. Nghệ sĩ là người trái tim muôn năm còn
trinh. Trái tim với ngọn lửa vĩnh viễn là … lần đầu. Nghệ sĩ cần khán
giả như cá cần nước. “Tôi luôn ao ước có một ngày được hát rồi chết luôn cũng được…”.
Ao ước của cô đã trở thành hiện thực khi cô đứng (và nói) những lời kể
trên trong đêm 9 tháng 5 vừa qua, trên sân khấu “hoành tráng” của Trung
tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội với 4,000 ghế ngồi đã không còn chỗ
trống. Cô được hát nhưng cô không chết. Có chăng, cô ĐÃ chết trong lòng
những người hâm mộ cô như tôi, những người (gàn dở) yêu nước nhưng
(cương quyết) KHÔNG yêu Chủ Nghĩa Xã Hội.
Sáng 30 tháng Tư 2014, trong nỗi đau râm ran của vết thương sau 39
năm vẫn chưa chịu lành, tôi nghe lại CD Niệm Khúc Hoa Vàng do Khánh Ly
Productions phát hành năm 1989. niemkhuchoavangback Từng câu, từng chữ,
theo giọng nói trầm buồn, tràn đầy cảm xúc và cực kỳ quyến rũ của cô
xoáy sâu vào cõi lòng u ám của người nghe.