Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Tử tế với nhau và... học nói

Nguyễn Văn Tuấn


Hôm làm thủ tục check-in ở phi trường CR xảy ra một câu chuyện làm tôi có cảm hứng ghi chép đôi ba dòng về… cách nói. Người khách hàng của Vietnam Airlines (VNA) bằng một giọng lịch sự và có chút ngần ngại nói với người trưởng nhóm tiếp viên rằng hôm nay là ngày sinh nhật của anh ấy, và hỏi VNA có dịch vụ gì đặc biệt cho anh không. Cô trưởng nhóm tuổi bậc trung, mặc bộ đồ business màu đen, khoanh tay trước ngực nói như thách thức: “không, VNA không có dịch vụ nào cho ngày sinh nhật cả”. Rồi hình như chưa hài lòng với câu trả lời, cô trưởng nhóm mỉa mai nói tiếp: “tôi ngạc nhiên là anh hỏi câu đó.” Anh hành khách lủi thủi rời khỏi quầy làm thủ tục làm tôi áy náy trong lòng dù sự việc chẳng dính dáng gì đến tôi.


Những cô gái tiếp viên của Singapore Airlines

Tôi bèn nhân cơ hội nói với người tiếp viên rằng tôi từng có một kinh nghiệm với Singapore Airlines (SA) về ngày sinh nhật. Hôm đó tôi đi Trung Đông trong một chuyến bay SA. Tôi ngỡ ngàng một cách lí thú khi máy bay vừa cất cánh khoảng 10 phút thì trên loa có lời chúc mừng sinh nhật tôi. Tôi nhớ y chang lời chúc: “Today is the birthday of our passenger, Dr Nguyen, and we wish you a happy birthday”. Họ tặng tôi một ly rượu champagne và một cái bánh nhỏ. Thật là phục vụ đến mức độ cá nhân hoá. VNA thì không có dịch vụ này, và có lẽ chúng ta cũng không quá ngạc nhiên.


Nhưng tôi nghĩ cô tiếp viên có thể nói tốt hơn với anh hành khách. Tôi thử tưởng tượng nếu tôi là cô ấy, tôi sẽ nói: “Oh, chúc mừng sinh nhật anh. Hãng của chúng em chưa có dịch vụ chúc mừng sinh nhật cho hành khách, nhưng em thấy việc làm đó rất hay. Em sẽ trình báo lên sếp để hi vọng trong tương lai có một dịch vụ như thế. Mong anh thông cảm.” Tôi nghĩ lời nói không mất tiền mua, và một câu nói đại khái như thế sẽ làm cho người khách hài lòng. Đằng này, với cách nói sẵn giọng của cô tiếp viên làm cho mọi người đang xếp hàng thấy có gì không ổn, nếu không muốn nói là mất lịch sự.


Thật ra, tôi thấy ngay cả trong giới khoa bảng ở Việt Nam, người ta cũng rất mất lịch sự với nhau. Tôi từng dự vài buổi phản biện với tư cách quan sát, và ngao ngán cho thái độ của những “chuyên gia hàng đầu”. Họ vào họp để nhận xét và “phản biện” đề tài nghiên cứu. Họ đứng lên đọc một văn bản đã viết sẵn giống như là học sinh trả bài. Có chỗ có lẽ vì quá giận nên giọng của họ run run. Nhưng quan trọng hơn là họ nói ra những câu chữ cứ như là vả vào mặt người chủ trì đề tài nghiên cứu. Những câu chữ như “sai be bét”, “không am hiểu vấn đề”, “chẳng biết làm được gì”, v.v. Thật ra, phần lớn nhận xét của họ đều có vấn đề về kiến thức, thậm chí sai. Đó là những nhận xét cảm tính chứ không phải khoa học. Có lẽ thấy chủ đề tài có ý kiến khác mình, nên họ tức điên lên và sự tức tối thể hiện qua lời nói, câu chữ. Trước những nhận xét “ác ôn” như thế chủ đề tài có khi phải "nín thở qua sông". Thật là tội nghiệp cho chủ đề tài! Sao mà chịu nhục hay thế?


Có lần tôi dự một buổi “phản biện” mà người phản biện thì mải mê nói về chính tả và ngôn ngữ, nhưng chính người đó chưa viết được một bài báo hoàn chỉnh bằng tiếng Việt. Có người thì khệnh khạng đòi hỏi mọi người phải xưng hô với anh ta là “PGS TS”. Thật chưa bao giờ tôi thấy một người hợm hĩnh như thế. Có giáo sư (cái này tôi chỉ nghe nói) còn nói rằng “nếu tôi làm phản biện luận án của anh thì anh sẽ không bao giờ tốt nghiệp”! Nên nhớ những người này đều có ăn có học (chưa biết học giả hay học thật) và đang giữ những chức vụ có trách nhiệm trong đại học, bệnh viện. Ấy thế mà lời nói của họ có cái gì đó quá thấp, quá cảm tính, quá tầm thường, và quá cá nhân. Những nhận xét cảm tính và cá nhân thể hiện sự thiếu bình tĩnh của một người trưởng thành, và thể hiện cái tâm hình như có vấn đề. Chợt nhớ đến Trịnh Công Sơn khi ông khuyên "Sống ở đời phải tử tế với nhau". Nhiều người trong giới khoa học VN hình như không biết câu này.


Cần nói thêm rằng trong khoa học ít khi nào người ta nói đồng nghiệp mình “wrong”. Chữ wrong là rất nặng nề; thay vào đó là những chữ như inconsistent, lack of consistency, incongruent with, v.v. Người ta có cách nói lịch sự hơn, chẳng hạn như “tôi thấy cách diễn giải của anh chưa hẳn phù hợp với dữ liệu anh vừa trình bày, tôi muốn đưa ra một các hiểu khác …. Anh thấy cách hiểu như thế có ổn không?” Cách nói tuy nhẹ nhàng nhưng rất assertive. Tôi nghiệm ra là nhiều người trong giới khoa bảng VN không biết nói. Thật ra, họ không biết nói một cách có văn hoá. Sự việc nói lên cái tầm văn hoá khoa học của họ quá thấp. Ấy vậy mà họ đang dìu dắt cả một thế hệ, và đó là điều đáng sợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog