Theo Khoa Học Net
Tin
cô từ trần lan ra ngày một xa. Ngày đầu năm mới, sự ra đi của nữ danh
ca Hà Thanh như một làn gió thoảng với thế hệ những người không biết đến
giọng hát cô. Tuy nhiên với các thính giả mến mộ, nó như một cơn mưa
tuyết, bông nõn, rơi nhẹ, nhưng thấm lạnh từ từ.
Báo chí và giới truyền thông trong và ngoài nước đều nhắc nhở tới cô
như một mất mát lớn của làng ca nhạc. Những người đã từng tiếp xúc, làm
việc và sinh hoạt chung với cô đều chia sẻ những cảm xúc chân thật vừa
thương yêu vừa mến phục lại có phần kính ngưỡng. Tiếng
hát của cô từng được khen tặng như tiếng hót một con oanh ca hàng đầu
xứ Huế hay tiếng hát vượt thời gian trong một CD của Paris By Night mấy
năm gần đây.
Tôi gặp cô trong một lần cô bay về Cali để hát thiện nguyện cho một
buổi lễ Phật Đản được tổ chức rất lớn ở Orange County cách đây vài năm.
Cô đến nhà chúng tôi trò chuyện và đàn hát rất tương đắc. Nhìn cô ôm đàn
say sưa hát, tôi thấy âm nhạc hình như trổ nốt đen, trắng trong máu,
trong tim cô. Cô hát tự nhiên, nhẹ nhàng và thanh thoát hệt như dáng dấp
và con người. Tôi rất thích lối luyến láy của cô và phải thú nhận một
điều, tôi học và cũng bắt chước lối luyến láy của cô khi hát. Cô và
chúng tôi hát Đạo Ca. Chúng tôi tập bài “Chân Nguyên”, một bài hát mà cô
hát rất đạt và hay của Trực Tâm. (Vài ngày sau tôi có gặp tác giả và
cùng cô trò chuyện ở chùa TQ do ni sư Chơn Đạo trụ trì). Cô dạy tôi hát
hai ba bài Đạo Ca do cô sáng tác. Những ca từ trong sáng, âm điệu nhẹ
nhàng, lưu chảy, nói về Phật Đạo và hình ảnh ngoan hiền của người con
gái đi lễ chùa.
Ngày hôm sau chúng tôi cùng cô dự lễ Phật Đản và cô lên sân khấu hát.
(Tôi cũng gặp ca sĩ Phương Dung ở đây). Cô mặc một chiếc áo dài có vẽ
hoa sen. Cô dịu dàng, thanh thoát, trang nhã và trẻ hơn bao giờ. Cô hát
Đạo ca đẹp và cao quý như cô sinh ra để hát Đạo ca vậy. Ca từ phát huy
lễ nghĩa của con người để tu thân, âm nhạc phả vào không gian cái khí
thiêng của cỏ cây vạn vật. Giọng hát từ đáy lòng của cô như gió chuyên
chở làn hương ca vô tận của đạo đức đến khắp phương trời.
Những năm sau 1984, cô bắt đầu bước vào Đạo Ca như một lẽ tự nhiên
của người con Phật. Tôi không ngạc nhiên khi sự nghiệp ca hát của cô
nghiêng về khúc rẽ đó vì tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc khi mình
hát Phật ca. Kinh Phật rất khó học và hiểu. Nó khó với tôi không những
vì ý nghĩa thâm sâu mà còn gây trắc trở lớn vì ngôn từ Việt pha Hán,
Phạn, thành ra rất khó nhớ. Tuy nhiên âm nhạc mang âm điệu, ca từ lập đi
lập lại, sự sắp xếp cung bậc cao thấp, luyến láy, khiến óc con người
dễ cảm nhận và nhớ nhanh hơn. Giọng hát Hà Thanh rất riêng, không lẫn
vào đâu được, trong và cao nên cô có thể bay bổng ở những nốt cao và đáp
xuống dễ dàng ở những nốt thấp trong âm vực một bài hát. Do đó cô hát
Đạo Ca thật hợp và tuyệt. Một người bạn bảo tôi, giọng cô “sang, quí
phái”, tôi không ngờ cái chất “noble” nó cũng đọng được trong giọng hát.
Phải chăng giọng hát và con người thường đi đôi với nhau? Hay là nét
thanh tân, khuê các của đất thành nội cổ kính đã ấp ủ, nuôi nấng người
nữ sinh Đồng Khánh để hun đúc, làm nên một giọng ca vương giả đất Thần
Kinh.
Trong lần tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở Việt Nam, tôi có đàm
đạo với chú về âm vực và ca từ của những sáng tác chú đã viết trong
những thập niên trước 1975. Chú nói Thái Thanh có âm vực tốt, hát được
những bài có nốt cao như “Mấy dặm sơn khê” của chú rất tuyệt vời. Hà
Thanh cũng vậy, Cô hát dễ dàng những bài hát có âm vực rộng của chú
viết. Nhìn chú trân trọng lấy chiếc máy hát cũ mở cho tôi nghe những ca
khúc Hà Thanh hát nhạc xưa của chú, tôi biết chú trân quí Hà Thanh biết
dường nào. Tuy không còn gặp lại cô sau ngày cô qua Mỹ, nhưng chú vẫn
dõi theo âm ba tiếng hát ngọt ngào của con hoạ mi xứ Huế.
Nhìn lại những bông hoa tinh thần tuyệt sắc là những bài Phật ca mà
Hà Thanh đã hát, tôi thấy được cô hát Thiền Ca rất nhiều. Ngoài những CD
như : Ngát hương đàm – Phật Ca, Duy Cường hòa âm (1999) và Nhành dương cứu khổ – Phật Ca, Trầm Tử Thiêng hòa âm(2003) còn rất nhiều bài hát được lưu hành trên các website Phật giáo, you tube, hay những trang nhà cá nhân . Tôi thích nhất là bài “Chân Nguyên”, còn những bài rất xuấc sắc khác mà khi cô hát tôi cảm được chất thiền lưu chảy trong người cô như “Thích Ca Mâu Ni Phật”, “Lạy Phật chứng tri lòng con”, “Kết hoa dâng cúng Phật đài”…v..v..
Hôm nay cô đã thanh thản đi về nơi tít tắp Chân Nguyên nào đó không
còn những phiền muộn, đau đớn của kiếp người nhưng tiếng hát cô vẫn hoài
vang vọng. Tôi có nghe về một thứ hương hoa thơm ngược gió của những
người đức hạnh. Tôi không dám xét đoán hay đưa đến một kết luận vội vã
nào về cô. Nhưng tôi biết chắc đoá hoa hương sắc Hà Thanh mãi thơm, mãi
xanh ngát trong lòng những người mến mộ.
Trịnh Thanh Thủy
Nhạc Phẩm “Chân Nguyên”, tác giả Trực Tâm, Hà Thanh trình bày
Người đã ra đi nhưng âm hương thì còn mãi.
Trả lờiXóaTrang của bạn chẳng "góc nhỏ" tí nào.
Cám ơn chị ghé qua, chỉ là góc nhỏ, nơi chốn để mình nói chuyện mình chuyện người mà ... chẳng ai nghe :-)
Trả lờiXóa