Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Con đường của Rồng

GN: Mấy hôm trước, tôi gõ phải học lịch sử, không có nghĩa là từ trước tới giờ tôi chẳng học chẳng biết, nhưng vì trí nhớ của tôi rất tồi, tôi cũng đọc khá nhiều, nhưng đọc đâu quên đó.  Cho nên bây giờ phải tìm đọc những bài nói về những dữ kiện lịch sử một cách ngắn gọn và không khô khan để tôi còn có thể nói vắn tắt cho con cháu nghe, ở tuổi tôi mà nói dài quá thì chẳng ai nghe.  Lỡ con cháu chúng bảo "bà già nói mãi, biết rồi khổ lắm nói mãi" thì khổ .. thân già.  Đọc được bài này từ blog 5 Xu, tác giả Nguyễn Phương Văn. Tôi xin phép chép lại bài này và bài sau. 
Gần đây có ba event liên tiếp ở Sài Gòn. Có một điểm thú vị là các event này (do IPL, Trung nguyên và Trung ương Đoàn tổ chức) đều có các chủ đề khá lớn lao: Đánh thức con rồng ngủ quên, Châu chấu đá voi, Nhân hiệu Việt… Diễn giả ở các event này là những người Việt khá nổi tiếng, từ nước ngoài về như Vũ Minh Khương, Giáp Văn Dương, giới nghệ sỹ như Dương Thụ, Quốc Trung, giới kinh doanh như Võ Quốc Thắng, Đặng Lê Nguyên Vũ, giới kinh tế như Trần Đình Thiên, Võ Đại Lược, các học giả như Bùi Văn, Hồ Ngọc Đại, Tôn Thất Khiêm …

Thực sự, có vẻ như nhiều người, ở nhiều thế hệ khác nhau, ở các nhóm xã hội khác nhau, đang xoay xở tìm tòi sự đột phá, hay một lối thoát ra để vươn lên, không chỉ cho cá nhân mình, mà còn cho cả một thế hệ, cả đất nước.
Trong các sự kiện này họ tổ chức rất nhiều các cuộc trao đổi, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, nhưng suốt mấy buổi kiên nhẫn ngồi theo dõi, vẫn chưa thấy ai đặt ra được các câu hỏi cốt lõi.
Khó mà biết câu hỏi nào là câu hỏi cốt lõi, tuy nhiên nếu nhìn sâu vào thực trạng xã hội hiện nay, nhìn vào thực trạng của các xã hội tương tự trong quá khứ, cũng sẽ nảy ra những câu hỏi mà câu trả lời cần rất nhiều suy nghĩ. Sau đây có thể là một số câu.
Đầu tiên câu hỏi về niềm tin, về tương lai phía trước của đất nước: Liệu Việt Nam có thực sự trở thành Rồng?  Hay không thể nào thành Rồng? Nếu niềm tin là Việt Nam sẽ hóa rồng, thì cách nghĩ và cách làm sẽ khác, nếu niềm tin là không thể hóa rồng, sẽ phải nghĩ hướng khác, làm cách khác.
Để biết Việt Nam có trở thành Rồng hay không, việc đầu tiên là phải quay lại để nhìn về lịch sử, xem chúng ta có thực sự mang trong mình dòng máu của Rồng hay không? Và quan trọng hơn, để nhìn vào quá khứ, đã có giai đoạn lịch sử nào chúng ta mang hình bóng của một chú Rồng con?
Câu hỏi tiếp theo, là hàng triệu người Việt Nam hiện có lý tưởng, chí hướng gì chung không? Lý tưởng ở đây không phải là lý tưởng có nguồn gốc từ một chủ nghĩa hay triết thuyết nào đó, là những thứ trong suốt lịch sử của mình, cho đến đến tận ngày nay chúng ta vẫn phải đi vay mượn. Phần nhiều những người cùng chí hướng (đồng chí) đi theo những lý tưởng ấy, cho đến nay cũng không còn tin vào lý tưởng mà họ đã từng tin, không còn tin vào đồng chí của mình, tức là gọi là “đồng chí” mà lại không cùng chí hướng.
Dù Niềm Tin là Việt Nam sẽ hóa rồng, hay Niềm Tin là Việt Nam sẽ chỉ có số phận làng nhàng giun dế, thì để cứu vớt cái xã hội đang phân rã cao độ này rồi đưa đất nước đi đúng con đường mà nó cần phải đi, để thoát khỏi vũng lầy tăm tối, thì vẫn cần một hoặc nhiều lý tưởng, một hoặc vài chí hướng. Những lý tưởng và chí hướng ấy phải có cùng: gốc rễ từ chính dân tộc mình và hướng về phía trước là phát triển đất nước. Có cái chung như vậy thì nỗ lực của mỗi người, dù theo đuổi lý tưởng nào, chí hướng nào, sẽ đều góp phần phụng sự đất nước.
Một câu hỏi nữa, về sự chuyển giao liên tục giữa các thế hệ, đặc biệt là giữa các thế hệ lãnh đạo. Bất cứ một sự gián đoạn nào, dù là gián đoạn giữa các thế hệ doanh nhân, tri thức, hay gián đoạn giữa các thế hệ lãnh đạo, đều gây ra sự phân rã xã hội. Đặc biệt là sự gián đoạn lãnh đạo đất nước, sẽ tàn phá di sản quá khứ, làm thất truyền kinh nghiệm dựng nước, làm vỡ nát nền tảng văn hóa và luân lý của xã hội, dẫn đến xã hội không chỉ phân rã mà có thể sụp đổ từ vật chất đến đạo đức, lối sống.
Một câu hỏi cũng nên đặt ra, không phải là làm thế nào để trở thành Rồng, mà phải định nghĩa Rồng là gì rồi từ đó mới biết cách để trở thành Rồng.
Cuối cùng là câu hỏi về cơ hội. Liệu có cơ hội nào để Việt Nam trở thành rồng hay không. Cơ hội ấy không tự ta tạo ra, mà phụ thuộc vào hoàn cảnh thế giới. Nhưng nắm lấy cơ hội, lại là một việc chúng ta phải chủ động.
Bắt đầu từ câu hỏi: Quốc gia Rồng là một quốc gia như thế nào?
Làm Rồng phải chăng là khè lửa dọa dẫm bắt nạt các nước láng giềng, hay là đánh nhau tay bo thắng vài cường quốc? Làm Rồng phải chăng là có thể đánh đu ngang hàng với các quốc gia phát triển? Hay là làm rồng tức là có những doanh nghiệp lớn vươn  ra thế giới? Làm rồng có lẽ nào chỉ cần có những tầng lớp ăn trên ngồi chốc giàu có ngang ngửa với giới elite tư bản hàng đầu khu vực hoặc thế giới?
Làm Rồng, thực ra hiền lành hơn nhiều. Một quốc gia hóa rồng là một quốc gia hội nhập và có đóng góp cho văn minh nhân loại. Một quốc gia có đóng góp cho văn minh nhân loại, thì tự khắc sẽ có vị thế và được thế giới chia cho phần lợi lớn. Như Anh-Mỹ mấy trăm năm nay, như Nhật cả trăm năm nay. Và như Hàn Quốc rất gần đây. Một quốc gia chỉ thụ hưởng hay vay mượn của văn minh nhân loại, thì phần của cải mà nó được thế giới chia cho, sẽ chỉ là canh thừa cơm cặn, quá lắm là chỉ đủ thoát chết đói, thoát nghèo hay giàu xổi. Còn lâu mới đạt đến đẳng cấp thịnh vượng bền vững. Ở những quốc gia vay mượn, có rất nhiều trên thế giới này, chỉ có một lớp người giàu có nhờ lèo lái đặc quyền để kiếm ăn trên lưng đồng bào hoặc tài nguyên của đất nước.
Đấy mới là điều kiện đủ để được coi là Rồng.
Điều kiện cần chính là Độc Lập, Thống Nhất bờ cõi và có chung Một Ngôn Ngữ.
Một con rồng chỉ là con Rồng khi nó thực sự làm chủ được vận mệnh của mình và có giang sơn của riêng nó. Một đất nước muốn hóa rồng, đầu tiên cần phải là một quốc gia, có chủ quyền, và nhân dân của quốc gia ấy có những người lãnh đạo của chính mình.
Với những điều kiện như vậy thì mầm mống của nước Việt Nam hiện nay mới thực sự hiện hữu, hay nói cách khác là con rồng sơ sinh xuất hiện trên mảnh đất chữ S này, chỉ hơn 10 thế kỷ. Đó là khi Khúc Thừa Dụ khéo léo đưa nước ta thoát khỏi 1000 năm bắc thuộc. Một ngàn năm là quãng thời gian rất dài. Dài đến mức khi nước ta thoát khỏi sự kiểm soát của người Hán phương Bắc thì kể từ đấy lãnh đạo đất nước Tàu luôn coi nước chúng ta là mảnh đất ly khai. Kể từ bấy đến nay, họ đã mang quân toan cướp nước ta khoảng 9 lần. Trong đó đáng kể nhất có thời kỳ bắc thuộc lần IV và người giải phóng đất nước lần đấy là Lê Lợi, đã mở ra một kỷ nguyên lớn cho dân tộc, đất nước. Những lần cướp nước khác, không tính Nguyên Mông, thì trận thua tơi bời của nhà Thanh trước quân Tây Sơn, cũng gây ra biến động lớn cho xã hội  và chỉ hơn 10 năm sau chiến thắng Đống Đa, Việt Nam hiện hình thực sự là một con rồng nhỏ trong khu vực.
Ở thời điểm sơ sinh của nước Việt, sau khi Khúc Thừa Dụ khéo léo đỡ đầu cho rồng ra đời, thì Ngô Quyền chính là vị vua phục quốc đầu tiên. Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền không chỉ chính thức tái thành lập nước Âu Lạc mà còn dựng nên hoàng gia đầu tiên, tức là những người lãnh đạo thực sự của đất nước, tức là Nhà Ngô.
Đây cũng là thời kỳ nước Việt thoát khỏi Trung Hoa mạnh mẽ nhất. Nếu như  sự phát triển thần kỳ của Nhật Bảnsuốt 100 năm qua vẫn được coi là do họ Thoát Á Nhập Âu (Thoát Á Luận, rời bỏ văn minh Châu Á, ảnh hưởng mạnh của Trung Hoa, để thu nhập văn minh Châu Âu), thì trong lịch sử Việt Nam chỉ có một lần duy nhất là Ngô Quyền thoát khỏi cái bóng Trung Hoa. Điều kỳ quặc là sau rất nhiều lần biến động lịch sử, mỗi lần đất nước sang trang mới, thì chính quyền Đại Việt/Đại Nam có xu hướng ngả về mô hình Trung Hoa và thần phục (ít nhất là trên mặt ngoại giao) cái nước này. Chỉ có hai lần hiếm hoi có dự định bật lại thiên triều mà bất thành, một là Lý Thường Kiệt, hai là Quang Trung. Cũng có thể tính thêm thời TBT LD.
Con rồng Việt sơ sinh bắt đầu lớn, rất chậm nhưng chắc chắn. Khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, con rồng ấy bắt đầu chuyển mình. Từ thế kỷ 11 (nhà Lý) đến thế kỷ 15 (nhà Lê), nước Việt non trẻ ấy đã trở thành Đại Việt, liên tục tiến hành các cuộc chiến tranh trong 400 năm để mở rộng bờ cõi gần gấp đôi (từ Thanh Hóa, xuốngphía Nam). Thời nhà Lý bắt đầu mở cõi vào Quảng Trị. Đến thời của ông vua tài năng nhất lịch sử Việt Nam, Lê Thánh Tông, nước Việt đã mở rộng đất đến tận Phú Yên. Lê Thánh Tông không chỉ xây dựng một đất nước có kỷ cương, luật pháp, văn hóa phát triển mà còn cải cách quân đội cực giỏi, đích thân cầm quân đi chinh phạt các vương quốc xung quanh, chiếm đất, mở mang bờ cõi.
Sự liền mạch của các gia tộc lãnh đạo, hay còn gọi là Hoàng Gia, kéo dài liên tục trong quãng thời gian gần 8 thế kỷ , có lúc thịnh lúc suy, nhưng về cơ bản là đất nước phát triển cả về văn hóa, kinh tế và đặc biệt là mở rộng diện tích đất nước.
Sự bội phản của họ Mạc với nhà Lê là biến cố đầu tiên gây ra các biến loạn xã hội lớn lao sau này, có ảnh hưởng sâu đậm đến tận ngày nay. Nhưng cũng qua cơn biến loạn ấy mà con rồng thiếu nhi Đại Việt chuyển mình trở thành con rồng thiếu niên Đại Nam dưới thời vuaMinh Mạng. Sự chuyển mình qua biến loạn ấy, có lẽ cũng sẽ lặp lại trong tương lai gần.
Gia đình họ Trịnh, hiểu rõ giá trị của việc liền mạch của lãnh đạo đất nước, sau khi dẹp nhà Mạc tuy đủ sức lật nhà Lê, họ Trịnh vẫn nép mình đứng sau một bước. Nhờ thế mà Nhà Lê tồn tại thêm cả hai trăm năm mà nhà Trịnh thực chất nắm kinh tế và quân sự điều hành cả nước. Cũng nhờ nấp sau bóng của Nhà Lê mà gia đình Trịnh phần nào đó thoát khỏi thể chế nhà nước phong kiếnTrung Hoa mà các triều đình phong kiến Việt kiên trì nhắm mắt sao chép suốt hàng trăm năm trước đó.
Khi Tây Sơn tiến quân vào Thăng Long, không chỉ dinh thự nguy nga của Trịnh Sâm bị đốt tan hoang, gia tài văn hóa bỗng dưng bị xóa sổ, gia đình Trịnh bị tận diệt mà cả kho kiến thức và kinh nghiệm trị quốc của nhà Trịnh tan thành mây khói. Để lại một xã hội miền bắc thời Mạt Lê thật điêu tàn, một xã hội là bản sao mờ nhạt của Trung Hoa, một bản sao với người dân kém cỏi hơn, xấu xí hơn, cay nghiệt hơn.
Kinh nghiệm trị nước, dựng nước, xây dựng quân đội, kinh thương của nhà Trịnh là sự kế thừa của nhiều trăm năm trước, kể từ thời Ngô Quyền, cộng với trải nghiệm hai trăm năm phò Lê của họ. Kho kinh nghiệm ấy bỗng dưng một ngày biến mất trong tao loạn. Trong những kinh nghiệm trị nước bị mất đi, đáng tiếc nhất là những bài học “thoát khỏi hệ tư tưởng Trung Hoa, tức là Thoát Á”.
Tài năng trị nước, nấp đằng sau bóng hoàng gia Lê, của họ Trịnh cũng không được ai nhìn nhận. Ngay cả ông chúa Trịnh Sâm, người làm tan nát dòng họ của mình, ở những lúc xuất thần vẫn cử tướng cầm quân vào Nam, vô tình gây ra biến cố lớn lao ảnh hưởng sâu sắc đến nước Việt Nam hiện đại sau này.
Một bài học lớn về sự thủ tiêu thế hệ lãnh đạo và di sản của họ, khiến cho kiến thức và kinh nghiệm trị nước và dựng nước bị thất truyền, vậy mà không ai chịu nhìn nhận để sau này lặp lại đến mấy lần. Mới  chỉ  vài chục năm trước đây, vẫn còn lặp lại.
Giai đoạn gia đình họ Trịnh bị tiêu diệt cũng là thời kỳ mà người Việt giết chóc nhau thảm khốc. Quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, kiêu binh Thanh Nghệ của chúa Trịnh bỏ trốn về quê, trên đường về phải giả câm, mở miệng ra nói giọng Thanh Nghệ là bị dân địa phương giết. Sau này đến lượt vua quan nhà Tây Sơn bị quân Nguyễn Ánh quây, rút chạy đến Nông Cống Thanh Hóa, lại bị dân ở đây bắt trói đem nộp. Dấu ấn kỳ thị vùng miền và chà đạp lẫn nhau, dù cùng là người Việt, đã bắt đầu xuất hiện và đi sâu vào gene của người Việt như một thứ gene cừu hận (feud), không ai chịu chữa mà còn làm cho nó nặng thêm.
Di sản trị quốc, dựng nước, di sản văn hóa đỉnh cao … của những người Việt đồng bằng bắc bộ, tích lũy hàng mấy trăm năm, kể từ thời Ngô Quyền đánh trận Bạch Đằng (938) đến thời Trịnh Sâm (1787)  bị xóa sạch trơn bởi cơn cuồng phong nội chiến kéo dài 30 năm mà Tây Sơn là kẻ chiến thắng.
Thế nhưng cái may mắn là nhà Trịnh (Trịnh Kiểm) nổi lên mà nhà Nguyễn (Nguyễn Hoàng con trai của Nguyễn Kim) phải đối kháng đến mức phải bỏ xứ mà đi. Cái phần đất mà suốt mấy trăm năm người Việt chiến đấu để mở rộng, lúc đó mới chỉ đến Phú Yên, là bàn đạp để chúa Nguyễn mở mang bờ cõi vào đến đất Đồng Nai rồi mở qua miền tây đến tận Cà Mau, mở rộng bờ cõi lên gấp ba, so với những năm nước Việt sơ sinh đầu nhà Lý.
Cái may mắn thứ hai  là trước khi suy tàn, Trịnh Sâm cầm quân đánh vào đất Thuận Hóa của Chúa Nguyễn. Làm sụp đổ dòng họ này và làm quân Tây Sơn mạnh lên, hùa với quân Trịnh mà truy sát quân Nguyễn. Nhờ đấy mà đẩy chúa Nguyễn đi qua đất Tiền Giang, Bassac rồi xuống tận Cà Mau.
Nhờ quá trình Nam tiến ấy mà kinh nghiệm mở cõi, trị nước, kinh thương và xây dựng quân đội của người Việt  không bị mất đi. Và còn hơn thế, kiến thức và kinh nghiệm trị nước của các chúa Nguyễn lại được áp dụng trên những vùng đất xưa kia thuộc về các vương quốc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, thay vì Trung Hoa. Đó là Chàm, Khmer. Hay những vùng đất mới chịu ảnh hưởng khai phá của những người Hoa ưu tú, ly khai kháng chiến, phản Thanh phục Minh ở phía cực nam của vùng đất hình chữ S.
Tây Sơn diệt được Trịnh mà không diệt được Nguyễn. Quang Trung đánh thắng mọi kẻ thù cả nội lẫn ngoại xâm. Về cơ bản có công lớn thống nhất bờ cõi. Nhưng lại để xổng một kẻ duy nhất dòng dõi hoàng gia là Nguyễn Ánh. Sau này Nguyễn Ánh quay lại không chỉ diệt nhà Tây Sơn, củng cố lại giang sơn bờ cõi mà còn đem di sản kinh nghiệm lãnh đạo mấy trăm năm để lãnh đạo một nước Việt mới mà ông đặt tên là Việt Nam, lên ngôi lấy tên Gia Long (Gia Định + Thăng Long).
Nguyễn Ánh lên ngôi rồi sau này là Minh Mạng nối ngôi, hai vị vua lừng danh này mang kinh nghiệm dựng nước của cha ông mình vào việc thống nhất hệ thống chính trị và quân đội, kinh tế cho cả ba miền. Đây là một bước tiến lớn so với thời Quang Trung, ba miền cát cứ ba vương, quân đội riêng, ngân sách riêng. Việc quyền lực và nguồn lực, đặc biệt là kinh tế và quân sự thu về một mối khiến cho Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn các nước xung quanh (vốn yếu kém hơn hẳn về thể chế/nhà nước, quân sự,  nông nghiệp và ngoại thương). Các khu vực chư hầu phía nam bị bắt sát nhập vào nước Việt Nam (đến thời Minh Mạng đổi thành Đại Nam), các vùng đất tự chủ của người Hoa cũng bị sát nhập. Bờ cõi phía nam mở rộng tối đa về tây nam bộ và kéo dài đến tận biển cực nam của tổ quốc.
Đó là lúc rồng non trở thành thiếu niên.
Đó cũng là thời kỳ Việt Nam có bờ cõi rộng nhất (rộng hơn cả bây giờ)
Đó cũng là thời kỳ Việt Nam được các nước xung quanh kinh sợ nhất. Nhà Thanh, quân Xiêm sợ chết khiếp từ thời Tây Sơn. Miến Điện chỉ chứng kiến vài lần xuất quân của Tây Sơn ở Lào mà còn phát hãi. Vua Khmer (Chân Lạp) và Lào thần phục Việt Nam mà chịu làm chư hầu.
Đại Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà Mỹ để ý đến và Tổng thống Mỹ cử người mang thư đến đặt quan hệ giao thương.
Có độc lập tự chủ rồi, điều kiện cần để thành con Rồng đã có. Nhưng điều kiện đủ, là phải hòa mình vào thế giới, thì tiếc thay lãnh đạo của Đế quốc Đại Nam ấy đã tự mình để mất.
Các nhà lãnh đạo của con Rồng thiếu niên ấy, đã quá tự tin vào sức mạnh của đất nước mình, quá tự tin vào tài năng và kiến thức lãnh đạo của mình, quá sùng bái mô hình nhà nước phong kiến và thể chế cai trị của nó, đã đóng cánh cửa không cho con rồng thiếu niên tiếp cận với thế giới phương tây. Cơ hội rất lớn để con rồng thiếu niên Việt Nam quẫy mình thành con rồng trưởng thành, đã bị bỏ lỡ một cách cực kỳ đáng tiếc.
Những nhà lãnh đạo ấy là Vua Minh Mạng và các hậu duệ của ông ta.
Minh Mạng là vị vua tài giỏi có nhiều cải cách mạnh mẽ. Ông cải cách hành chính để cai trị, cải cách quân đội, cải cách chế độ làm quan (chấm dứt cha truyền con nối, luân chuyển quan chức). Cải cách giáo dục, thi cử, bổ nhiệm quan chức.
Minh Mạng cũng là người bỏ tên nước Việt Nam và thay bằng Đại Nam (1820). Cái tên Việt Nam biến mất hơn một thế kỷ cho đến năm 1927 mới xuất hiện trở lại nhờ Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông sử dụng tên Việt Nam để đặt tên cho  đảng của mình là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau khởi nghĩa Yên Bái, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của mình bị Pháp chặt đầu (tháng 6, 1930). Ở pháp trường Nguyễn Thái Học đã hô: Việt Nam Muôn Năm (Việt Nam Vạn Tuế). Kể từ hôm đấy, cái tên Việt Nam tái sinh và trỗi dậy trong lòng dân Việt.
Dưới thời Minh Mạng, tiếng Việt là tiếng bắt buộc, thay thế cho tiếng Hoa và Khmer ở Gia Định (bao gồm cả miền tây). Đây là sự kiện cực kỳ quan trọng bởi kể từ đây, nước Việt Nam rộng lớn, có bờ cõi, có hệ thống lãnh đạo riêng của mình, và sử dụng chỉ một tiếng nói, và là tiếng riêng của mình trên toàn lãnh thổ.
Gần một trăm năm sau khi Minh Mạng cưỡng bức sử dụng tiếng Việt (ngôn ngữ nói) ở Nam Kỳ, tới tận những năm 191x-192x, các nhà hoạt động chính trị phản đế hàng đầu của Việt Nam ở hải ngoại như NAQ, PBC, PCT vẫn còn viết thư (ngôn ngữ viết) cho nhau bằng chữ Hán. Để thấy rằng, để lãnh đạo cao nhất của đất nước có thể nói chuyện với mọi tầng lớp nhân dân, cần một tiếng nói chung, một chữ quốc ngữ đến như thế nào.
Người Việt vốn có nhiều gốc gác từ Mường, Thái, Khmer, Chăm, và Hoa, người Kinh thậm chí còn có nhiều họ gốc Tàu, cho đến thời điểm này ít nhất có hai cái chung: một là tiếng Việt, hai là thần dân nước Việt, một sự bắt đầu của một quốc gia hiện đại với các công dân và lãnh thổ của nó.
Nhân đây, mỗi lần cả nước ồn ào và lãng phí tổ chức Giỗ Tổ, không biết những người Việt gốc Chăm, gốc Khmer nghĩ gì. Họ cũng là công dân của đất nước này, học cũng là người Việt, mà sao lại phải nhớ ngày giỗ ông tổ chưa bao giờ liên quan đến họ. Liệu họ có sẵn sàng phục vụ một quốc gia mà họ là công dân, nhưng lại không đoái hoài gì đến tổ tiên của họ hay không? Nhất là những người Chăm, Khmer rồi Bahnar, Giarai … ấy đang sống trên mảnh đất của của tổ tiên họ hàng ngàn năm trước. Trẻ con người Việt gốc Chăm, hoặc Khmer mà học sách giáo khoa, dạy rằng chúng là con rồng cháu tiên, thì cũng lố bịch chả kém gì người Việt nam thời Pháp thuộc phải học sách giáo khoa viết tổ tiên của họ là người Gauloises.
Trước thời Minh Mạng, việc cấm đạo lúc có lúc không nhưng chưa lúc nào cực đoan. Chúa Trịnh, Chúa Tây Sơn, Chúa Nguyễn đều có lúc ngăn ngừa, lúc ủng hộ, lúc sử dụng các linh mục và thương nhân liên quan đến truyền giáo. Đến thời Minh Mạng là cấm ngặt nhất. Và đó là lúc người đi đạo, bên lương, bên giáo, lao vào chém giết nhau, người với người, làng với làng, để rồi cùng với mối cừu hận vùng miền, người Việt bắt đầu cừu hận nhau cả về khác biệt tư tưởng. Khoảng cách từ giết nhau vì khác tín ngưỡng đến giết nhau vì khác đảng phái, khác lý tưởng chính trị chỉ là một sợi tóc. Và lịch sử đã cho thấy người Việt hãm hại nhau tàn khốc hàng chục năm chỉ vì khác nhau ý thức hệ vay mượn. Những người nói cùng một thứ tiếng, nhiều đời lớn lên cùng một mảnh đất, mà giết nhau vì cừu hận có nguyên nhân sâu xa từ tín ngưỡng hoặc hệ phái chính trị (đều là vay mượn du nhập) thì cách đó một sợi tóc là sự thù hận giữa người Việt ở lại và người Việt ra đi, là người Việt chiến thắng và người Việt thua cuộc.
Thế nên, từ đây thấy rất rõ, là rất cần những lý tưởng, chí hướng không chỉ hấp dẫn để cuốn hút hàng triệu người Việt đi theo, mà lý tưởng ấy phải có gốc rễ và tương lai trên chính mảnh đất này, gắn với dân tộc này. Giống như người Do Thái, có thể có nhiều nhóm người chống hoặc ghét nhau, nhưng cùng phụng sự cho lý tưởng Phục quốc, xây dựng một quốc gia Do Thái cho chính họ là Israel hiện nay.
Thế rồi lịch sử sau này vẫn lặp lại. Khi nhà nước cách mạng nổi lên, Nhà Nguyễn bị xóa bỏ hoàn toàn, không chỉ công lao, mà kiến thức và kinh nghiệm dựng nước của họ, nhất là các bài học thất bại đau xót, cũng bị xóa mất. Văn hóa, kiến trúc của họ cũng bị đập bỏ. Ngay cả di sản văn hóa và kinh nghiệm lãnh đạo của một giai đoạn VNCH ngắn ngủi, vốn có một chút kế thừa của Nhà Nguyễn cũng bị xóa đi y như thế.
Và như đã nói từ đầu, đấy chính là một trong những căn nguyên của tan rã xã hội như ta đang phải chứng kiến.
Quay lại với sự hội nhập với Phương Tây của Minh Mạng. Sự giàu có và mua sắm được vũ khí hiện đại của Trịnh Sâm, là nhờ giao thương ở Phố Hiến. Nhà Nguyễn chậm chân hơn nên yếu hơn. Quân đội Tây Sơn mạnh mẽ, thiện chiến, hiệu quả, là nhờ giao du và nhập khẩu công nghệ từ cảng Quy Nhơn với thương lái Hoa và cướp biển, cũng như vay mượn kinh nghiệm chiến đấu của người Chăm, người Hoa lưu vong. Trịnh và Tây Sơn chập lại, đánh Nguyễn chạy ra biển, chạy cả qua Xiêm. Vị tướng trẻ qua Xiêm rước chúa Nguyễn Ánh trở về, cũng lại là một tay giao thương giỏi, là Châu Văn Tiếp, bạn buôn của Nguyễn Nhạc.
Nguyễn Nhạc, cũng giống như Nguyễn Ánh, đều học toán và thiên văn từ những người truyền giáo Châu Âu mà nhờ đó một người từ lái buôn trầu kiêm quan thuế của chúa Nguyễn mà nổi dậy đánh quân Nguyễn tơi bời. Nguyễn Ánh, kẻ nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc, nhờ học hỏi kiến thức Châu Âu, mà lần hồi quay lại giết hết kẻ thù, làm vua cả một nước.
Còn với chúa Nguyễn Ánh, ông không chỉ du nhập công nghệ phương tây mà còn sử dụng người của họ để có kiến thức. Sự hội nhập ấy mang sức mạnh quân sự và kinh tế (không thông qua cướp bóc như Tây Sơn) của Chúa Trịnh rồi đến nhà Nguyễn. Quán tính của nó mạnh đến nỗi khi Minh Mạng quay lưng lại với phương tây, đóng cửa với thế giới bên ngoài, cấm đạo, thì khoa học kỹ thuật của người Việt thời Đế quốc Đại Nam đã đủ sức chế ra rất nhiều kiểu máy móc dùng trong sản xuất và quân sự.
Với vị thế của quốc gia lớn, uy tín quân sự lẫy lừng như vậy, lẽ ra Minh Mạng nên nhìn ra bên ngoài thế giới mà thay đổi cách ngoại giao. Khi quân đội có uy tín, thì ngoại giao dễ chủ động, cái khôn ngoan là nhìn vào mâu thuẫn và đồng thuận giữa các nước, để thu cái lợi về cho quốc gia. Nhưng Minh Mạng vẫn duy trì ngoại giao hình thức là triều cống (với Trung Hoa) và bảo hộ (với láng giềng chư hầu), đồng thời đóng cửa và nghi kỵ phương tây. Chính sách này ngay lập tức gây chiến tranh với Xiêm trên đất Lào và với người Khmer trên đất Chân Lạp, tức là chiến tranh trên vùng đất thuộc quyền bảo hộ của mình. Kết quả là thua và mất đất, mất ảnh hưởng (184x). Bài học lớn về ngoại giao này (quân đội hùng mạnh và khai thác mâu thuẫn hoặc đồng thuận giữa các quốc gia khác) rất tiếc sau này lại bị thất truyền, kinh nghiệm đau thương không được truyền lại cho đời sau, để rồi hơn 100 năm sau (197x, 198x) lịch sử đau thương lặp lại dẫn đến sự suy yếu cả kinh tế, quân sự và vị thế ngoại yếu kém so với kẻ thù trực diện là những gì hiện tại chúng ta bắt đầu phải chịu đựng.
Sau khi Minh Mạng qua đời, con rồng thiếu niên Việt Nam ngay lập tức suy yếu. Quân Chân Lạp đánh quân Nguyễn chạy về An Giang, và biên giới lãnh thổ có lại về đúng chỗ đấy  đến ngày nay. Tương tự như vậy, quân Xiêm đánh quân Việt ở Lào, cũng phải bỏ đất mà chạy về.(Sau này một phần đất của Đại Nam, là Hoàng Sa, cũng bị chiếm mất).
Khúc quanh lịch sử này là một bài học cực lớn về để lỡ cơ hội. Nước Việt đã ngấp nghé ở ngưỡng để con Rồng chuyển từ thiếu niên qua rồng trưởng thành, thì chính sách đóng cửa đã làm lụn bại con rồng ấy. Điều kiện cần là độc lập, thống nhất bờ cõi, có tiếng nói chung, cơ chế hành chính giáo dục chung, tất cả những cái ấy Đại Nam/Việt Nam thời đầu nhà Nguyễn đều có. Nhưng họ thiếu hẳn đi điều kiện đủ, đó là mở cửa hội nhập, tiếp cận những nền văn minh có giá trị luân lý sâu sắc hơn, đạo đức và lối sống nhân văn hơn, tư tưởng sáng suốt hơn; tiếp cận các đất nước có thể chế chính trị tốt hơn, vận hành kinh tế xã hội hiệu quả hơn, giàu sáng tạo hơn.
Và thế là con Rồng thiếu niên bị đập cụt móng vẫn tiếp tục ở yên trong vũng nước.
Rất may là các nước lân bang, từ Trung Hoa, đến Miến Điện, Thailand, cũng rơi vào hoàn cảnh giống Việt Nam, tức là đóng cửa hoàn toàn, hoặc mở cửa lừng chừng, độc lập nửa vời, … và do đó cũng không hóa rồng được như Nhật Bản. Còn rất không may là chính các nước ấy, giật mình tỉnh ngộ trước Việt, và đã bỏ xa Việt Nam rất xa. Họ có thể đã tiệm cận với thế giới của Rồng, trong khi Việt Nam vẫn còn nghi hoặc với câu hỏi lên Rồng hay chịu đời giun dế.
Nhật bản xuất Á nhập Âu sau một thời gian dài đã trở thành cường quốc quân sự, tham gia vào phe phát xít để đánh nhau với cả thế giới. Thế nhưng chỉ ngay sau khi gây chiến, phương tây đóng cửa với Nhật, lập tức Nhật bị tụt hậu về công nghệ quân sự và thua cuộc chiến. Sau chiến tranh, Mỹ lại mở cửa cho Nhật, và họ lại phải triển lên trình độ cao như chúng ta đã thấy.
Quan trọng hơn, sự hội nhập về phía phương tây của người Nhật không làm mất đi bản sắc của họ, thậm chí còn ngược lại, bản sắc của người Nhật còn quá đặc sắc so với phần còn lại của thế giới. Thể chế kỳ quặc của họ vẫn có cái văn minh đón nhận từ nền tảng chính trị và thể chế Châu Âu, lại vẫn có một ông vua làm lãnh đạo tinh thần cho cả nước.
Trong khi đó Việt Nam, trải qua bao nhiêu thời kỳ, từ Minh Mạng, đến VNDCHH ở Miền Bắc và VNCH ở Miền Nam, và đến tận ngày nay, đều e dè với sự mở cửa hội nhập. Một trong những lý do e sợ hội nhập là một lý do rất đần độn là để bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhưng ngay cả khi hỏi một người hăng hái bảo vệ bản sắc dân tộc nhất, rằng bản sắc của Việt Nam là gì, thì câu trả lời nếu có cũng sẽ hết sức ngớ ngẩn. Vì chắc chắn không ai biết bản sắc Việt nam là gì hết.
Chỉ khi nào hội nhập toàn diện và sâu sắc với thế giới bên ngoài, va chạm cọ sát với các xã hội có các nền văn minh khác hẳn chúng ta, thì lúc đấy chúng ta mới nhìn thấy được bản sắc của chính mình. Không hội nhập đủ rộng và đủ sâu với thế giới, thì không thể nào tự nhìn thấy bản sắc thật nhất, rõ nhất của mình được. Và chỉ khi hội nhập đầy đủ, chúng ta mới thấy được bản sắc của mình để mà bảo tồn và phát triển, nếu như thực sự chúng ta có cái gọi là bản sắc.
Bản sắc nếu có ấy, chắc chắn sẽ rất đa màu. Nó sẽ có văn hóa của người Việt châu thổ sông hồng, bị ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa nhưng chỉ là bản sao xấu xí. Nó sẽ có thể có tinh thần kiên cường của người Việt miền trung, vốn là dân biên cương khốc liệt có giao thoa với văn hóa chiến tranh của các vương quốc bị ảnh hưởng của Ấn Độ ở phía Nam trung bộ ngày nay. Nó cũng sẽ có văn hóa rụt rè, bi ai mất nước nhưng cứng cáp và sâu sắc ở bên trong của người Việt nam tiến và người Việt gốc Chăm sinh ra và lớn lên trên vùng đất của vương quốc văn minh và hưng thịnh Chăm Pa. Nó cũng sẽ có văn hóa hồn nhiên và bao dung của người Việt gốc Khmer Chân Lạp, và cả người Hoa bỏ xứ.
Chính vì thế, rất cần có những lý tưởng có gốc rễ từ dân tộc Việt đa màu, những chí hướng xây dựng đất nước mà thực chất mới chỉ hoàn thiện bờ cõi hơn 200 năm (kể từ 1802 khi Gia Long lên ngôi) và ngôn ngữ chung là tiếng Việt được sử dụng chính thức và bắt buộc trên cả nước còn có thời gian ngắn hơn nữa, chỉ khoảng 180 năm. Để dễ so sánh về thời gian, hãng bia Heineken có tuổi đời đến năm nay là 140 năm. Tức là phải có những lý tưởng và chí hướng xây dựng một quốc gia Việt Nam phồn thịnh, không phân biệt gốc gác về chủng tộc, tôn giáo và văn hóa của công dân, miễn là nói cùng thứ tiếng và sống trong cùng lãnh thổ quốc gia.
Quay lại với hội nhập. Trong quá khứ, các bậc tiền bối  cũng đã cố gắng hội nhập với thế giới, không chỉ Trung Hoa, mà còn với văn minh Phương Tây nữa. Thế nhưng việc hội nhập và phương tây hóa thẳng với nước Pháp, lúc đó đang là mẫu quốc của thuộc địa An Nam, đã thất bại. Người dân của một dân tộc nô lệ thì việc hội nhập và phương tây hóa đến đâu, cũng vẫn là hội nhập và văn minh hóa nô dịch. Nó là sự văn minh hóa cưỡng bức, để làm lợi cho giới chủ thực dân, là những người làm chủ và khai thác bóc lột, chứ không phải là sự hội nhập, phương tây hóa chủ động của một dân tộc được lãnh đạo bởi những cá nhân ưu tú của chính dân tộc mình. Ngay cả một con rồng thực sự mà bị huấn luyện và dẫn dắt, cũng sẽ không còn là con rồng nữa. Nó là con thú nuôi.
Cũng có những bậc tiền bối khác đã chủ động thoát khỏi sự dẫn dắt của người Pháp thực dân, tự mày mò qua Nhật để hội nhập và tiến hành phương tây hóa qua cánh cửa Nhật Bản. Thực dân Pháp ngay lập tức nhìn ra sự nguy hiểm trong phong trào Đông Du. Họ thấy người Việt đang tạo ra điều kiện đủ (hội nhập với văn minh thế giới) khi chưa có điều kiện cần (độc lập). Nên phong trào bị dập tắt. Mặc dù bị dập tắt như vậy, nó vẫn đưa ra được một thể chế có thể nói là cực kỳ lý tưởng vào lúc đó, thể chế quân chủ lập hiến của ông hoàng Cường Để và các chí sỹ như Phan Bội Châu. Thể chế này là sao chép thể chế của nước Nhật.
Mặc dù phong trào của ông hoàng Cường Để toi từ trong trứng, nhưng một người tham gia hoạt động bí mật của phong trào này là Ngô Đình Diệm đã thấu hiểu tinh thần phương tây hóa. Mặc dù là một ông quan đại thần của nhà Nguyễn, gia đình nho hóa cao độ và sâu sắc, nhưng khi lên cầm quyền chính Ngô Đình Diệm là người xây dựng thể chế cộng hòa y như phương tây ở Việt Nam. Đây là một ví dụ vừa hay vừa rõ ràng về cái lợi ích lớn lao mà phương tây hóa sâu sắc sẽ mang đến cho quốc gia. Thể chế do Ngô Đình Diệm xây dựng  tồn tại rất ngắn, chỉ cỡ 20 năm, lại bị bao vây bởi chiến tranh khốc liệt, nhưng những giá trị mà nó tạo ra, còn tồn tại, thậm chí tỏa sáng đến tận bây giờ.
Một người khác, không hoạt động trong phong trào Cường Để, nhưng có giao lưu với các phái viên của ông hoàng này ở London, những năm 191x, khi nhóm của Cường Để bị đánh bật khỏi Nhật. Đó chính người sau này rời London qua Pháp cuối những năm 191x, sống chung với Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Những năm tháng ở Pháp rèn luyện cho người thanh niên này kỹ năng ngoại giao, kỹ năng dựng phong trào, kỹ năng đấu tranh. Nhưng bản hiến pháp 1946 do ông dựng nên sau khi cách mạng thành công, phải bắt nguồn sâu sắc từ thời gian ông ở London cùng những phái viên gốc Nam Kỳ của Cường Để.
Ở thời Pháp thuộc, mặc dù bị hội nhập và phương tây hóa cưỡng bức, nhưng thời kỳ Pháp thuộc vẫn có những đúc kết kiến thức và kinh nghiệm trị nước, là do thực dân Pháp học hỏi từ nhà Nguyễn, biến kiến thức của nhà Nguyễn thành của mình, và cai trị thành công nước Việt Nam thuộc địa suốt một trăm năm.
Kinh nghiệm quản lý đất nước Việt của người Pháp, lẽ ra cũng không được để gián đoạn và mai một, mà phải chủ động nhận lấy để dùng, thì cả chính phủ của cụ Hồ miền bắc và ông Diệm miền nam đều cổ vũ “đả thực phản phong”, khiến cho kiến thức và kinh nghiệm trị nước của nhà Nguyễn và thực dân Pháp gián đoạn và mất hẳn ở miền Bắc, và chỉ còn xôi đỗ ở miền Nam nhờ ông Diệm, Nhu và các tướng lĩnh và công chức cao cấp do Pháp đào tạo.
Tầng lớp duy nhất tồn tại không hề gián đoạn giữa các thế hệ trong suốt thời kỳ này chính là doanh nhân. Khi Minh Mạng lên ngôi, do lại học hỏi mô hình phong kiến Trung Hoa, thương nhân lại bị đẩy xuống tầng lớp dưới (chính sách ức thương). Bị đẩy xuống nhưng không bị tiêu diệt. Tầng lớp này tồn tại qua thời pháp thuộc, qua cả thời kháng chiến, để rồi bị triệt tiêu ở miền bắc từ 196x đến 198x và bị triệt tiêu ở miền nam từ nửa sau 197x đến cuối 198x.
Sự gián đoạn của các thế hệ doanh nhân, mặc dù rất ngắn ngủi, gần 40 năm ở miền bắc và gần 20 năm ở miền Nam, đã làm đứt đoạn chuyển giao kiến thức, vốn liếng, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị nặng nề đến mức doanh nhân Việt Nam tụt hậu với khu vực láng giềng, chứ chưa nói đến so với thế giới, cả thế kỷ.
Kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, một lĩnh vực không quá khó học và không quá thiếu kiến thức quốc tế để học, thế mà chỉ gián đoạn vài thập kỷ thôi, là doanh nhân đã tụt hậu và nghèo đi bao nhiêu. Lãnh đạo đất nước khó hơn nhiều, mà bị gián đoạn, thì hậu quả còn tệ đến ra sao, tự ta có thể ước chừng được.
Lại quay lại với chuyện hội nhập. Nước Trung Hoa cũng bỏ lỡ các cơ hội mở cửa để hội nhập và phương tây hóa. Đấy là lí do phương tây, sau này là Nhật xâm chiếm Trung Hoa. Khi nước này được giải phóng, độc lập, chính quyền cách mạng của Mao tiếp tục đóng cửa. Cho đến năm 1978 thì họ mở cửa ra, trước Việt Nam chúng ta. Ngay lập tức, các vùng duyên hải của Trung Quốc được tiếp cận rộng và cởi mở hết sức với Phương Tây (bao gồm cả du nhập các thể chế tự do) đồng thời cũng được phương tây ưu ái hỗ trợ để nhanh hội nhập. Chỉ trong vòng hơn ba mươi năm, khu vực duyên hải của Trung Quốc đã biến Trung Quốc thành một nước mới, phát triển, phồn thịnh, bất chấp sự nghèo nàn lạc hậu vẫn còn lan tràn trong lục địa.
Nhưng khác với Nhật Bản, Trung Quốc hội nhập chỉ rộng chứ chưa đủ sâu, cho nên Trung Quốc vẫn chưa đến đẳng cấp thật sự của rồng, là đóng góp được cho văn minh nhân loại. Tức là chưa ở đẳng cấp được chia của cải, mới chỉ húp canh thừa, mà đã giàu như thế.
Trong gian đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ vừa qua, và cả trong đối đầu với Trung Quốc trước mắt, Việt Nam vừa đi chậm hơn Trung Quốc và các nước trong khu vực vài bước, lại không chuẩn bị cho mình một sự giai đoạn chuyển tiếp, có tính chất cải cách mạnh, từ thể chế đến giáo dục, để gia tăng sản lượng của đất nước, tích lũy của cải quốc gia, củng cố quân đội, tăng cường hoạt động ngoại giao khai thác mâu thuẫn/đồng thuận của các nước trên thế giới nhằm kiếm thêm lợi về cho đất nước.
Rất may, biết đâu, là Trung Quốc giàu xổi rất nhanh và tinh thần hắc ám phát xít Đại Hán còn phát triển nhanh hơn. Cho nên các nước phương tây sớm hay muộn cũng đóng cửa lại với Trung Quốc. Khi bị đóng cửa, hạn chế hội nhập, chỉ trong thời gian ngắn, chắc chưa đến 10 năm, Trung Quốc sẽ tụt hậu.
Nước Việt Nam, sau 200 năm mới có một cơ hội lớn.
Hai trăm năm ấy thật dữ dội và đau thương.  Hai trăm năm vận mệnh của con rồng ấy nằm trong tay những chiến binh. Quãng thời gian hai thế kỷ:  ở giữa là trăm năm vận mệnh trong tay những sĩ quan Pháp, ở hai đầu là hai cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài hàng chục năm. Cả hai cuộc chiến đều kết thúc bằng người thắng thống nhất đất nước và chi chít các cuộc báo thù.
Nguy cơ tụt hậu của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc có thể là cơ hội rất lớn để thúc đẩy con rồng thiếu niên Việt Nam ngủ quên vì mất vận mệnh suốt 200 năm.
Nhưng trước hết, vẫn phải đặt các câu hỏi cốt lõi, và trả lời các câu hỏi ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog