Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Ngày 19-1

Buổi chiều ngày 19-1 lái xe về ngậm ngùi nghĩ đến những đưá trẻ, không phải nói là những thanh niên thiếu nữ đã ở tuổi trường thành mà chị biết. Chúng là con cháu chị, chứ chẳng ai xa lạ.  Cả tuần chị bận bịu không đọc báo, nhưng chị biết ngày này ở trong nước nhiều người đang dự định tổ chức những buổi tưởng niệm 74 người đã chết vì Tổ Quốc để bảo vệ Hoàng Sa, 40 năm trước, ngày 19-1-1974. Cho nên cuối tuần đi đón cậu cháu đi định cư ở Mỹ, đưá cháu có nửa cái tên của Hoàng Sa và âm hưởng tên đọc nghe cũng như Hoàng Sa vậy, chị nói đuà với ba chị " 40 năm trước Việt Nam mất Hoàng Sa, 40 năm sau VN mất Hoàng... (tên cậu cháu chị)" .  
Cháu chị còn lạ lẫm với đời sống ở đây và cả nhà chia sẻ những câu chuyện của mỗi người khi bắt đầu cuộc sống ở Mỹ ra sao, và cậu cháu thì kể chuyện VN cho mọi người nghe, nào ai tham nhũng, ai là tư bản giàu sụ, ai là dâu là rể của những "vua chúa" ở VN. Ôi thôi đủ chuyện.  
Cô chị của cháu chị ngồi ôm con hỏi chị "À mà bác, cháu nghe nói VN đã bán cho Trung Quốc rồi phải không bác" .  Nghe giọng cô chẳng có tí nào là lo lắng, cô dửng dưng như chuyện chẳng có gì phải lo, có lẽ đối với cô TQ hay VN thì cũng vậy, vì cô mang nửa dòng máu tổ tiên Trung Hoa, dù cho ngay cả bố cô cũng chằng biết cái đất TH ra làm sao cả. Nhiều lúc ngồi nghe cả nhà cô xí xa xí xô nói tiếng Hoa mà chị rầu rĩ trong lòng.  Trung Hoa không cần phải tốn một viên đạn nào, họ chỉ đồng hoá thôi, là tự nhiên dân sinh ra ở đâu cũng tự cho mình là con dân của Trung Quốc.  Mà ngày nay có lẽ con số gia đình có người nói tiếng Hoa chắc đang dần tăng lên.  
Ra về chị chạnh lòng nghĩ, con chị thì dửng dưng chuyện VN, phần nào cũng là lỗi của chị phải chăng không đủ kiến thức để dậy dỗ một lịch sử cho con mình.  Ra đi cho con có một đời sống tự do, nhưng đồng thời cũng cách lìa với truyền thống hào hùng của người Việt, rồi các cháu chị, đa số là thế hệ "quàng khăn đỏ", đâu dễ gì một sớm một chiều "tẩy não" chúng được. Không khéo nói ra chúng lại nhủ thầm trong bụng "bác này phản động" quá chăng.  Không biết có bao giờ cháu chị nghĩ, là bác nó đã ra đi để giờ này chúng mới định cư nơi nước người không nhỉ? Hay ông nội, ông ngoại chúng đã một đời hy sinh tuổi thanh niên cho đất nước, đã phải mang cái nhục của người "bên thất bại", bây giờ sống một đời lặng câm.  Ba chị cũng như bao nhiêu người lính cũ, không hề muốn nhắc lại những gì họ đã trải qua. Lịch sử đi theo họ vào lòng đất.  

Về nhà đọc một loạt tin về Hoàng Sa, về những buổi lễ tưởng niệm đã bị cản trở, cả buổi lễ tưởng niệm tưởng chừng sẽ được long trọng tổ chức ở thành phố Đà Nẵng cũng bị huỷ bỏ, chị nghĩ đến bạn bè nơi đó, không biết ai trong họ biết những điều này, họ có để ý không nhỉ, có lẽ trong họ cũng đã có người trở thành đảng viên đảng CSVN, họ cũng yên ổn với những thành công trong xã hội ấy.  Có ai trăn trở về đất nước không nhỉ? Đã quá xa, quá lâu, chị không biết rõ bạn học mình nghĩ gì, nghĩ sao về đất nước, hình như tất cả có thể đùa vui, nói mọi chuyện gì nhưng chẳng ai nói với ai về những ưu tư của họ về đất nước, nếu có, với nhau. 

Tự nhiên chị thấy mình cô đơn trong ý nghĩ của mình, đất nước này sẽ có bao nhiêu người quan tâm, và có quan tâm thì sẽ làm được gì không? Khi mọi chuyện đều đã được ....lãnh đạo.  Chuyện mất nước hay không dường như là chuyện ai đó phải lo, hoặc nếu có thì ngồi than thở với nhau, chấp nhận!  

Dù sao trong sổ tay của chị, ngày 19 cũng trở thành một ngày đặc biệt ngoài cái ngày sinh nhật của thằng cháu, có thêm điều để nhớ, để nhắc chị phải làm gì bắt đầu từ đây cho một thế hệ sắp tới.  Học lịch sử.

Như Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog