Mùa Xuân 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, nhưng lúc ấy tôi chẳng biết gì về thời cuộc, chiến tranh, chính trị gì cả, thời gian ấy tôi đang ốm nặng, bác sĩ nói ba tôi phải cho tôi vào bệnh viện và nghỉ học. Nhưng tôi không chịu vì không muốn mất một năm thi. Ở nhà suốt ngày tẩm bổ và tối tối chong đèn trong chăn học lén để không bỏ lỡ năm thi thua kém bạn bè. Rồi thì tôi đi học lại, đi thi, thi đỗ, mải vui với "thành quả" của mình mà không hề biết gì việc đất nước đã mất đi Hoàng Sa, đã có những người chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, và lại càng không biết gì về sự tình đất nước lúc ấy đã trở nên nghiêm trọng khi chỉ hơn một năm sau đó, cuộc nội chiến chấm dứt mở đầu cho một cuộc chiến trong lòng người dai dẳng cho đến tận hôm nay. Bây giờ đọc lại lịch sử và cuộc phỏng vấn sau, hy vọng tuổi trẻ ngày nay không hững hờ như tôi. Quả là đưá con gái vô tâm ngày ấy, nhất là đối với những người đã vì mình hy sinh tuổi trẻ của họ để gìn giữ quê hương. Phải nói tôi rất cảm phục cô gái, người phỏng vấn bài nói chuyện sau, ngoài việc cô có một giọng nói đầy tự hào, và rất thuyết phục người nghe về một vấn đề của đất nước, cô còn có một lòng yêu nước nồng nàn, người đã chịu bản án 4 năm tù chỉ vì ngồi toạ kháng chống TQ. Cô là biểu tượng của thế hệ tương lai làm rạng rỡ con cháu Hai Bà Trưng, phải chăng?
Phỏng vấn về Hải chiến Hoàng Sa và các chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Phạm Thanh Nghiên
Phạm Thanh Nghiên: Không phải ai trong số chúng ta cũng biết và đựợc biết sự thật về tất cả những gì thuộc về quá khứ, nhất lại là một giai đoạn, một câu chuyện lịch sử với những biến cố đầy đau thương và oán hận. Trận hải chiến Hoàng Sa là một câu chuyện lịch sử như thế. Bốn mươi năm trước, khi bẩy mươi tư người lính Hải quân Việt Nam Cộng Hòa “vị quốc vong thân”trên vùng biển Hoàng Sa, tôi và đuơng nhiên những bạn cùng trang lứa còn chưa ra đời. Tại miền Bắc ngày đó, nhiều “cô, cậu” thanh niên đang là bộ đội của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Nhiều người trong số họ hiện giờ đã trở thành những cán bộ đang làm việc, phục vụ cho đảng và nhà nước. Trong số họ, không thể không nói rằng họ không biết hay hoàn toàn không biết về trận hải chiến cũng như sự hy sinh anh dũng của những nguời anh hùng tại Hoàng Sa ruột thịt ngày ấy.Là một người sinh sau biến cố năm 1975, tôi cũng như rất nhiều nguời dân miền Bắc và nhất là những bạn trẻ đã không có cơ hội để biết về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Hơn thế, tôi cũng đã từng lĩnh án 4 năm tù giam chỉ vì lên tiếng cổ vũ cho Nhân Quyền và công khai khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Giống như tất cả những bạn trẻ yêu nước khác, Trường Sa - Hoàng Sa luôn ở trong trái tim tôi. Trong hoàn cảnh của một người tù đang bị quản chế, tôi chỉ có thể huớng về Hoàng Sa bằng cách riêng rất hạn chế của mình: thực hiện một chương trình phỏng vẫn để kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa. Với mong muốn xóa đi, hoặc ít ra cũng thu hẹp lại những ranh giới, khác biệt từ nhiều thành phần trong quá khứ, tuổi tác và chính kiến để có một cái nhìn trung thực, công bằng, biết tri ân với những nguời đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc. Để thấy được rằng, bất cứ một sự khác biệt nào cũng có thể vượt qua với một lý do chung, đó là Lòng Yêu Nước.Bài phỏng vấn đầu tiên này được thực hiện với 3 người để như là một phần nói lên tâm tình của những người dân Việt, có những quá khứ khác nhau, về cuộc Hải chiến Hoàng Sa bảo vệ biển đảo của các Hải quân VNCH.Vì đây là câu hỏi chung dành cho nhiều người ở những lứa tuổi khác nhau, xin phép được dùng chung từ “bạn” trong cách xưng hô để thuận tiện cho việc đặt câu hỏi.
- Lê Hưng:
Một bạn trẻ ở Hải Phòng sinh sau năm 1975. Sau khi tốt nghiệp Phổ thông
trung học, Hưng tham gia nghĩa vụ quân sự và khi dời quân ngũ, anh tiếp
tục theo học đại học. Tuy nhiên, trước đây anh không hề biết về trận
Hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm về trước.
- Ông Ngô Nhật Đăng:
Là con trai của nhà thơ Xuân Sách. Ông đã từng phục vụ trong Quân Đội
Nhân Dân Việt Nam từ năm 1978 đến năm 1982 và tham gia chiến trường biên
giới tại Cao Bằng trong cuộc chiến Việt - Trung. Ông Ngô Nhật Đăng là
thành viên của nhóm No-U Hà Nội và từng nhiều lần xuống đường biểu tình
phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam. Hiện ông đang sống
tại Hà Nội và vẫn tiếp tục có những hoạt động cổ vũ cho Nhân Quyền và
nhất là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ.
- Bà Ngô Thị Hồng Lâm:
sinh 1957 tại Hà Nội. Hiện đang sống tại Sài Gòn. Bà Hồng Lâm nguyên là
một cán bộ công tác chuyên ngành nghiên cứu lịch sử đảng. Sau khi dời
công tác, bà dành phần lớn thời gian cho các hoạt động từ thiện và công
khai bày tỏ quan điểm ủng hộ cho Dân chủ, Nhân Quyền và đặc biệt là vấn
đề Toàn Vẹn Lãnh Thổ.
Xin bạn cho biết, bạn biết gì về cuộc hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm?
Lê Hưng:
Rất tiếc là tôi không hề biết gì về trận hải chiến đó. Vì từ truớc tới
nay tôi không thấy báo chí đưa tin hay những người quen của mình nhắc
tới. Hoàn toàn không có trong lịch sử mà tôi được học. Có thể thông tin
về trận hải chiến 40 năm trước đã hoàn toàn bị che giấu, bưng bít cho
đến ngày hôm nay.
Ngô Nhật Đăng:
Ngày đó tôi mới bước sang tuổi 16, cũng như tuyệt đại đa số người dân
miền Bắc lúc đó tôi chưa bao giờ được nghe nhắc tới Hoàng Sa - Trường
Sa. Tôi được biết đến sự kiện này do nghe bố tôi và các bạn của ông nhắc
tới: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi thư ra Hà Nội yêu cầu chính phủ VNDCCH lên tiếng về việc Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa”. Chính câu chuyện đó gây ấn tượng mạnh với bản thân tôi.
Ngô Thị Hồng Lâm:
Đó là một cuộc xâm lăng phi pháp, chà đạp lên Luật pháp quốc tế của
Trung Quốc cách đây 40 năm của thế kỉ trước nhằm thực hiện ý đồ "muốn biến nước ta từ cái tổ Con Đại bàng thành tổ con Chim Chích” như lời của ông cha ta đã dạy.
Xin cho biết cảm nghĩ của bạn đối với sự hy sinh của 74 người lính hải quân VNCH?
Lê Hưng:
Tôi rất kính trọng sự hy sinh cao cả của những người đã chiến đấu bảo
vệ lãnh thổ, lãnh hải của dân tộc ta. Tôi là một người theo Đạo Mẫu Việt
Nam, tôi tôn thờ những người đã có công giúp dân, đánh đuổi giặc ngoại
xâm.
Ngô Nhật Đăng:
Đó là một sự kiện bi tráng, sau này được đọc các tư liệu, các tác phẩm
thơ văn tất nhiên là của VNCH tôi càng thấy ngưỡng mộ họ. Có một điều an
ủi là sau bao nhiêu năm bị quên lãng các anh đã được “chiêu tuyết” lại,
điều đó càng khẳng định: Nhân dân sẽ không bao giờ quên những người con
đã đổ máu để giữ gìn đất đai của Tổ Quốc và lịch sử sẽ công bằng.
Ngô Thị Hồng Lâm:
Vào thời điểm 19/1/1974, khi ấy mọi thông tin còn bị cộng sản bưng bít
rất chặt. Người dân miền Bắc Việt Nam hầu như chỉ có một luồng thông tin
giáo điểu từ cái gọi là"Đài Tiếng nói Việt Nam" nên không được biết kịp thời cuộc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của người có bộ mặt nạ “anh em” Trung
Quốc. Đây là một cuộc chiến không cân sức giữa Hải quân VNCH và bọn
Trung Quốc xâm lược. Mặc dù VNCH không giữ được đảo Hoàng Sa nhưng các
chiến sĩ đã thể hiện lòng yêu nước vô cùng mãnh liệt trong cuộc chiến
đấu bao vệ Tổ Quốc. Đó là những hy sinh đau thương nhưng rất vẻ vang của
tất cả các chiến sĩ VNCH và đặc biệt là 74 người lính Hải Quân VNCH. Họ
đã ngã xuống trong trận đánh này, để lại trong lòng chúng tôi hình ảnh
đẹp và sự ngưỡng mộ những người con của Tồ Quốc Việt Nam. Chúng ta không
được phép quên họ.
Suy
nghĩ của bạn về những người lính của cả 2 bên chiến tuyến bảo vệ đất
nước? Đối với bạn, có sự khác biệt gì không giữa giữa những người lính
VNCH như trung tá Ngụy Văn Thà và với những người lính QĐNDVN (đặc biệt
là đồng đội của ông Ngô Nhật Đăng) đã hy sinh ở chiến trường biên giới
Việt Trung vào năm 1979 và 1984?
Và ngày xưa những người lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, ngày hôm nay bạn nghĩ sao về điều ấy?
Lê Hưng:
Với tôi, những người lính dù là VNCH hay VC đều không không có tội. Là
lính, họ chỉ hành động theo lý tưởng và tuân theo mệnh lệnh. Họ là những
con người có trái tim yêu nước, yêu dân tộc của mình. Tôi cũng không
được biết về cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1984. Cuộc xâm
lược của Trung Quốc năm 1979 thì có nghe nói tới. Nhưng tôi nghĩ, sự
thật vẫn là sự thật dù có bị bưng bít. Và việc làm ngu ngốc, hèn nhát
nhất chính là phủ nhận và bưng bít sự thật.
Về việc những người lính VNCH bị gán với từ “ngụy”,
tôi xin phép không trả lời dài dòng vì hiểu biết của tôi có hạn. Nhưng
những người lính dù là VNCH hay lính QĐND, họ đều đã đổ máu xương, hy
sinh để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tổ quốc. Người thân của họ đã phải chịu
quá nhiều mất mát đau thương. Mẹ già mất con, vợ trẻ mất chồng, trẻ thơ
mất bố, bạn bè chiến hữu mất đi một người anh em.
Ngô Nhật Đăng:
Tôi đã có thời gian là lính (1978-1982) có tham gia chiến trường biên
giới tại Cao Bằng trong cuộc chiến Việt Trung. Tôi tin rằng không có sự
khác biệt nào giữa những người lính dù dưới thể chế chính trị nào khi
chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc, chúng tôi cũng không hề đắn đo và sẵn sàng
hy sinh chống bọn cướp nước hồi năm 1979 cũng như các anh hùng giữ đảo
Hoàng Sa năm 1974 vậy. Điều đó là chắc chắn.
Không riêng gì người lính và cả những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH cũng bị gọi là “ngụy” (xin lỗi, tôi coi đây là một từ “mất dạy”)
mà cả những người từng tham gia chính quyền trước năm 1954 cũng bị gọi
như vậy. Số này ở lại Hà Nội không di cư vào Nam cũng khá đông, họ cũng
bị đi tù (gọi là cải tạo) một thời gian. Tôi cũng có một số bạn bè cùng
học là con cái của những người này, quan sát họ tôi cũng có những suy
nghĩ khác với những điều thường được“giáo dục” trong
nhà trường. Tất cả sách giáo khoa và cả các tác phẩm văn học của Việt
nam lẫn Liên Xô mà chúng tôi chỉ được phép đọc đều miêu tả những người
phía bên kia cực kỳ xấu xa, độc ác, mất hết nhân tính, sẵn sàng mổ bụng
ăn gan kẻ thù... Dù không tin hoàn toàn nhưng dù sao vẫn để lại dấu vết
trong đầu óc. Cũng may mắn từ bé tôi đã được đọc các cuốn sách trong tủ
sách gia đình những cuốn như “Chuông nguyện hồn ai”, “Phía Tây không có gì lạ”v.v...
nó làm cho tôi có những suy nghĩ đúng đắn hơn. Quay về câu hỏi của bạn
về những người lính VNCH. Thời chúng tôi cũng thường nghe lén các đài
phát thanh Sài Gòn (việc này rất nguy hiểm), các bài hát về chiến tranh
về thân phận người lính của phía VNCH cũng gây những xúc động mạnh cho
chúng tôi. Tôi còn nhớ, vào cuối năm 1973 (lúc này đã có Hiệp định
Paris) một anh bộ đội từ chiến trường ra đến nhà tôi báo tin người cậu
ruột của tôi đã chết tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Là con út của bà
ngoại, ông chỉ hơn tôi có 6 tuổi nên hai cậu cháu thường quấn quýt với
nhau.
Đây
là cú gõ cửa đầu tiên của chiến tranh thăm viếng nhà tôi, bố tôi cũng
thường đi chiến trường trong những thời gian ác liệt (kể cả thời chống
Pháp) nhưng ông chỉ đi ngắn chừng 1 năm và lần nào cũng trở về nguyên
vẹn. Anh ở lại nhà tôi 2 ngày trước khi về đơn vị và ngủ chung với tôi,
tôi được nghe nhiều chuyện về chiến tranh, khi tôi hỏi anh về những
người lính“ngụy” anh văng tục: “Hay ho cái đéo gì, anh em trong nhà tàn hại lẫn nhau”. Và tôi mới biết các anh cũng thường hay nghe lén những ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Sau
này có một thời gian tôi sống và làm việc ở Sài Gòn, quen biết nhiều
hơn, thậm chí có một người từng là Đại úy cũng nhận tôi là em kết nghĩa
(anh đã vượt biên năm 84). Theo tôi, dù đã muộn màng, chúng ta phải đánh
giá lại giai đoạn lịch sử đau thương này của đất nước, trả lại danh dự
cho những người đã nằm xuống vì đạn bom, những người còn sống bị đày ải
vì lao tù, chiến tranh đã lùi xa mà vết thương này vẫn chưa lên da non
đó là điều không thể chấp nhận.
Ngô Thị Hồng Lâm:
Thực tế thì một điều bất hạnh nhất cho một đất nước là có chiến tranh.
Bất hạnh hơn nếu đó lại là một cuộc nội chiến muốn thống trị nhau bằng
bạo lực. Với nhận thức của tôi thì cuộc chiến của quân đội 2 miền Nam và
Bắc Việt Nam là một cuộc nội chiến, “người chiến thắng” chẳng
có gì để tự cho mình là cuộc chiến chính nghĩa và vẻ vang. Đây là điều
ngộ nhận rất thiếu nhân văn của những người cầm quyền Hà Nội. Cuộc chiến
đã tàn 40 năm rồi, đủ độ lùi của thời gian rồi, để “từ nay người biết thương người”.
Tuy nhiên, mỗi kỉ niệm 30/4 Ban Tuyên huấn họ vẫn cứ cho phát lại những
cuốn băng thời sự cũ “quân ta hừng hực khí thế chiến đấu” nghe sao mà
thấy vết thương lòng của dân tộc Việt Nam mãi mãi không thể hàn gắn và
câu nói của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt “ngày 30/4 có một triệu người vui thì có một triệu người buồn” vẫn còn nguyên tính thời sự và cuối cùng thì người lính cả 2 bên chiến tuyến họ chỉ là những nạn nhân của cuộc chiến.
Vì
thế cho nên không thể có sự khác biệt trong đối xử với người lính của 2
bên chiến tuyến, không thể giữ mãi sự khác biệt bên trọng bên khinh.
Càng không thể dùng từ “ngụy” đối
với người lính VNCH Trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông đã anh
dũng chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam.
Cần vinh danh họ. Cũng như những người lính đã hy sinh ở biên giới
Việt-Trung vào năm 1979 họ đều là những anh hùng xứng đáng được Tổ Quốc
Việt Nam ghi công và đời đời nhớ ơn họ.
Những người lính VNCH bị chính quyền cộng sản gán cho họ từ “ngụy” là
một điểu ngô nhận của họ. Cân phải có một sự đổi mới về nhận thức với
những người ở bên kia chiến tuyến, để xóa bỏ sự hằn thù dân tộc cho vết
thương mau liền da liền thịt, tiến đến hòa hợp dân tộc để tăng cường sức
mạnh của Việt Nam trong tình hình hiện nay. Bản thân tôi cực lực phản
đối sự phân biệt đối xử hoặc xúc phạm với những người ở bên kia chiến
tuyến trong đời sống cũng như nghĩa trang nơi họ yên nghỉ.
Bạn có nghĩ là nên vinh danh những người lính VNCH ở trận chiến HS năm 1974 không? Nếu có, bạn có sẵn sàng tham gia không?
Lê Hưng:
Họ xứng đáng được vinh danh, họ xứng đáng được ca ngợi. Nếu không thì
máu xương, tuổi trẻ, gia đình mà họ đã phải đánh đổi để dành lấy chủ
quyền cho đất nước lẽ nào lại là vô nghĩa hay sao. Chúng ta, thế hệ sau
này vô ơn quá.
Ngô Nhật Đăng: Ồ, đó là việc rất nên làm và tất nhiên tôi sẵn sàng tham gia.
Ngô Thị Hồng Lâm:
Việc vinh danh những người lính VNCH đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ
Hoàng Sa năm 1974 là việc phải làm để tỏ lòng biết ơn những người con
của Tổ Quốc Việt Nam đã hy sinh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của ông
cha ta để lại và qua đó giáo dục nhắc nhở các thế hệ trẻ của Việt Nam
lớn lên sau này phải biết ơn những người đã vì bảo vệ biển đảo của Tồ
Quốc mà hy sinh. Không được phép vong ân với những chiến sĩ VNCH đã ngã
xuống trong trận chiến bảo vệ đảo Hoàng Sa năm 1974 và những chiến sĩ
QĐNDVN trong chiên trận bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.
Việc
bạn hỏi chúng tôi có sẵn sàng tham gia không? Xin thưa rằng, tôi vốn
xuất thân trong chuyên ngành Nghiên Cứu Lịch Sử, chúng tôi đã cùng các
đồng nghiệp của mình cùng các thế hệ học trò tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ
các anh hùng liệt sĩ của VNCH đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ Hoàng
Sa ngày 19/1/1974 hàng năm mà không cần phải xin phép bất cứ một “ông
Kẹ” nào.
Theo
bạn, những tương đồng hay khác biệt gì giữa những người lính ngày xưa
hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân Việt Nam ngày nay xuống đường
thể hiện lòng yêu nước và phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường
Sa và Biển Đông?
Lê Hưng:
Theo tôi, những người cách đây 40 năm bảo vệ TS và những người hôm nay
xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn nước ta, họ rất tương
đồng. Họ là những người yêu nước, dám đứng lên bảo vệ đất nước mình dù
biết trước hậu quả là có thể sẽ phải hy sinh mất mát nhiều, thậm chí tù
đày hy sinh.
Về
cá nhân tôi bất kỳ lúc nào đất nước cần tôi sẽ chiến đấu vì tôi cũng đã
từng là lính. Và quan trọng hơn tôi là một con dân đất Việt. Tôi chiến
đấu cho Dân tộc, cho Tổ Quốc của chúng ta chứ không phải chiến đấu cho
bất cứ một chế độ, một chủ thuyết hay một đảng phái nào.
Ngô Nhật Đăng: Tất nhiên với sự xa cách về thế hệ nên sẽ có những khác biệt, nhưng lòng yêu nước và sự cảnh giác trước “hiểm họa phương Bắc” thì sẽ mãi trường tồn, điều đó ăn vào máu mỗi con dân Việt chân chính.
Ngô Thị Hồng Lâm:
Theo tôi sự khác nhau của những người lính VNCH ngày xưa hy sinh bảo vệ
biển đảo với những công dân Việt Nam ngày nay xuống đường biểu tình
phản đối Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông đó là về
thời gian. Còn sự tương đồng ở đây chính là lòng tự trọng dân tộc, lòng
yêu quê hương đất nước, mảnh đất thiêng ngàn đời của ông cha ta để lại
mà mỗi chúng ta phải có trách nhiệm và ý chí bằng mọi giá phải bảo vệ và
gìn giữ. Rất tiếc là khi nhân dân xuống đường phản đối Trung Quốc xâm
lược thì lại bị nhà cầm quyển đàn áp bằng bạo lực để làm vừa lòng “ông bạn vàng” Trung Quốc với cái “mặt nạ 4 tốt và 16 chữ vàng”.
40
năm kể từ ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm
nay HS vẫn bị chiếm đóng bởi Trung Quốc. Theo bạn chúng ta phải cần có
những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân bạn có thể thực hiện hay
tham gia góp phần để giành lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Tổ quốc Việt
Nam?
Lê Hưng:
Tôi xin được nói rằng, con người của tôi không giống như bọn ngu bị
nhồi sọ, tôi không bị mù hay bị điếc mà không biết chế độ này như thế
nào. Người dân Việt Nam khổ sở ra sao và đang mong chờ điều gì, nhưng họ
chưa làm được có thể họ chưa tìm thấy những người bạn đồng hành. Hoặc
là chưa vượt qua được nỗi sợ hãi.
Ngô Nhật Đăng:
Xin quay trở lại, ngoài câu chuyện về bức thư của ông Nguyễn Văn Thiệu,
tôi được nghe kể về sự trả lời từ phía Hà Nội: “Ông Phạm Văn Đồng nói ở
hành lang: “Có còn là của mình nữa đâu mà đòi”.
Lúc đó Hà Nội đã cảm thấy sock trong việc Trung Quốc bắt tay với Mỹ (từ
năm 72 qua “ngoại giao bóng bàn” và Nixon thăm Bắc Kinh).
Thầy dạy tôi cũng là một nhà sử học nói với chúng tôi: “Từ
năm 1928, Pháp đã cắm các cột mốc chủ quyền “Indochina” (Đông Dương)
lên tất cả các hòn đảo ở Hoàng Sa và một số ở Trường Sa”. Có lần tôi
hỏi ông về Hoàng Sa và Trường Sa, Ông trả lời: - Hồi năm 1957, Hồ Chí
Minh và Chu Ân Lai có ký một hiệp ước giữa 2 đảng nội dung: Vì hải quân
Việt Nam (DCCH) còn yếu nên Hải quân Trung Quốc sẽ giúp Bắc Việt bảo vệ
Biển Đông (lúc đó trong sự kiểm soát của VNCH) và Vịnh Bắc Bộ. Hai bên
sẽ cùng nhau khai thác các nguồn lợi ở đây, nếu có nước thứ ba thì cũng
phải có sự đồng ý của cả hai bên. Đổi lại, Trung Quốc trả lại Việt Nam 2
hòn đảo Cái Chiên và Bạch Long Vỹ mà họ chiếm lại từ Tưởng Giới Thạch
(trước đó là người Nhật).
Riêng điều này thì chính xác vì mẹ tôi kể từng ra Cái Chiên và Bạch Long Vỹ làm “Lễ tiếp quản”(hồi
đó bà đang là diễn viên của văn công Quân đội). Tất nhiên thông tin này
cần phải kiểm chứng, nhất là từ những người chép Sử.
Tôi có hỏi ông: - Như thế thì làm sao có thể đòi lại được?
Ông
trả lời: - Hiệp định ký giữa 2 đảng sẽ trái với luật pháp quốc tế vì
nếu hai nước có ký kết một hiệp định tương tự thì phải do chính phủ ký
và phải thông qua Quốc hội. Nhưng nếu lôi ra thì lại động chạm đến ông
Hồ Chí Minh, đó cũng lại là một điều “kiêng kỵ”.
Dù sao đi nữa, việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 cũng không thể
coi là việc đã rồi, việc này đòi hỏi phải có sức mạnh của cả dân tộc
nhất là những người đang ở cương vị lãnh đạo đất nước. Trước hết chúng
ta cần phải có quyền được biết tất cả những sự thật liên quan đến Hoàng
Sa, Trường Sa. Được công khai lên án những việc làm ngang ngược, càn rỡ
của nhà cầm quyền Trung Quốc và tranh thủ sự đồng tình của Quốc tế cũng
như tôn trọng các luật biển mà cả hai bên từng cam kết đồng ý.
Ngô Thị Hồng Lâm:
Sự chiếm đóng trái phép đảo Hoàng Sa thể hiện sự ngang ngược của nhà
cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ
của từng nước trên trường quốc tế. Vì thế mà tất cả mọi tầng lớp nhân
dân Việt Nam rất bất bình và đã từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình ở các
thành phố lớn của Việt Nam mà mở đầu là cuộc biểu tình cuối năm 2007,
rồi rất nhiều các cuộc khác trong năm 2011 và 2012. Đây là việc làm
chính đáng của nhân dân cả nước. Lẽ ra phải được những người cầm quyền
ủng hộ và tán thành NHƯ một bước quan trọng trong mở đầu cho kênh ngoại
giao và đàm phán. NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH CỦA NHÂN DÂN CẦN PHẢI được tôn
trọng. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ những cuộc biểu tình đầy ý nghĩa
lịch sử trong việc giữ nước của nhân dân Việt Nam.
Được
biết anh Ngô Nhật Đăng cũng là một trong số những người đã nhiều lần
xuống đường biểu tình và thậm chí bị công an bắt giữ chỉ vì thể hiện
lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam. Anh nghĩ
sao về hành động này của chính quyền? Và nếu sau này lại có một hoặc
nhiều cuộc xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước, anh có tiếp tục tham gia
không?
Ngô Nhật Đăng: Rất tiếc cho họ, đáng lẽ đây là một dịp để chính quyền có thể “mượn” được
sức dân không những chỉ trong việc bảo vệ chủ quyền mà còn nhiều vấn đề
khác nữa. Họ lo sợ những cái không có thật, chứng tỏ họ là những người
lãnh đạo thiếu cái tâm và tầm nhìn xa. Rất tiếc, nếu cứ có những hành xử
với người dân như vậy thì điều họ lo sợ có thể trở thành sự thật. Đó là
điều mà không ai muốn nhưng sức chịu đựng cũng chỉ có giới hạn. Nếu lại
có những cuộc biểu tình nữa để bày tỏ lòng yêu nước thì tôi coi việc
phải tham gia như là một nghĩa vụ công dân.
Không
giống như gần 40 năm qua, báo chí của đảng luôn né tránh, thậm chí bưng
bít về trận hải chiến Hoàng Sa năm 74, hoặc chỉ đưa tin một cách rất
hạn chế. Năm nay, báo chí “lề đảng” đã
không ngần ngại đưa tin về trận hải chiến này và không ngần ngại gọi 74
người lính hải quân VNCH là “anh hùng”, bạn nghĩ sao về việc này?
Ngô Nhật Đăng: Đó là điều họ phải làm từ lâu rồi mới phải, nhưng dù sao muộn còn hơn không. Hơn ai hết họ quá hiểu sự o ép khó chịu của tay “láng giềng to xác”. Đây là lúc lựa chọn giữa đất nước và quyền lợi cá nhân, không có kiểu lập lờ nước đôi được.
Ngô Thị Hồng Lâm:
Đúng là năm nay là một năm khá đặc biệt. Trước áp lực của quần chúng
bắt buộc Tuyên Huấn chỉ thị báo chí phải đưa tin, bài về cuộc chiến giữ
đảo Hoàng Sa của Hải quân VNCH mà những thập kỉ trước họ rất kiệm lời và
cho là việc “nhạy cảm” hay “chạm húy”.
Hay nói cách khác thì đây là một sự hèn nhát của những người cầm quyền.
Nhưng họ không thể làm ngơ mãi được vì lương tâm của họ chắc đã hối
thúc họ không thể ngậm miệng thêm nữa trước xu hướng tiến lên của một
dân tộc ngàn đời không chịu sống quỳ.
Từ
ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại nào, chế độ nào người dân VN ta đều
thể hiện lòng yêu nước nồng nàn. Anh nghĩ sao về những bạn trẻ vẫn đang
ra sức truyền bá sự thật hiện tại và lịch sử về Hoàng Sa - Trường Sa bất
chấp tù đầy và bắt bớ, sách nhiễu hay đánh đập?
Ngô Nhật Đăng:
Tuyệt vời!!! Tôi không còn biết dùng từ gì hơn để nói về các bạn trẻ
đó. Tôi được gặp, được nghe, được nói chuyện với các bạn và đó là niềm
hạnh phúc. Không riêng tôi, nhiều người thuộc thế hệ cha chú của tôi
cũng vui mừng. Họ bảo: Vẫn có những cô bé, cậu bé như vậy, đất nước này
không thể mất.
Theo
bạn, 40 năm sau những thế hệ tương lai sẽ đánh giá và nghĩ gì về thế hệ
chúng ta ngày hôm nay khi họ cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 80 năm hải
chiến HS năm 1974?
Lê Hưng:
Theo tôi nghĩ 40 năm sau, có thể mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều. Cũng
có thể chúng ta đã lấy lại được Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng nếu vậy thì
ngày hôm nay và ngay bây giờ, chúng ta phải dũng cảm và quyết tâm đứng
lên tranh đấu đòi lại đất mẹ. Nếu không, thế hệ kế tiếp sẽ lên án chúng
ta là những kẻ vô ơn, những kẻ hèn nhát, những kẻ không dám nhìn vào sự
thật, những kẻ ngu xuẩn bị tẩy não, bị nhồi sọ.
Nhân đây, tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn thành kính sâu sắc tới những người lính VNCH, nhất là 74 vị anh hùng đã “vị quốc vong thân”.
Xin hãy tha thứ cho tôi, một cho một thế hệ trẻ sinh sau năm 1975 vì đã
suốt một thời gian dài, chúng tôi đã không biết về một phần của sự thật
lịch sử. Cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội nói lên phần nào tâm tư, trăn trở
của tôi.
Ngô Nhật Đăng:
Tôi tin rằng lúc đó Hoàng Sa, Trường Sa đã trở về trong lòng Tổ Quốc,
nếu tên những người trong chúng ta được nhắc đến thì đó sẽ là niềm vui
sướng vô bờ.
Xin cảm ơn cô Ngô Thị Hồng Lâm, anh Ngô Nhật Đăng và bạn Lê Hưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét