GN: Ông tướng qua đời, nhờ đó mà mấy hôm nay tôi có dịp 'chuyện trò' qua email với một người bạn học, mà lâu nay cả nhóm tưởng chừng ông không muốn liên lạc với ai, không ai biết tin nguời bạn học này. Chỉ khi ông tướng mất, tôi nhớ có lần ông bạn nhắc ông là con cháu của vị tướng này, nên tôi gửi thư chia buồn, thì mới nhận được tin ông bạn học này, hoá ra ông vẫn bình an, ông nói cũng thỉnh thoảng vào đọc blog :-). Ông kể về quê hương Quảng Bình, về nơi chốn sẽ chôn ông tướng. Tôi cũng từng có một người bạn gốc gác Quảng Bình, câu chuyện về nơi ấy khiến tôi lại nhớ về một thời đã qua.
Sáng nay đọc bài sau, cũng như điều tôi nghĩ về ông tướng mấy hôm trườc, nên xin post lại đây. Một thời của ông cũng đã 'bặt vô âm tín', phải không?
Thắng trong chiến tranh, thua trong hoà bình
Sáng nay đọc bài sau, cũng như điều tôi nghĩ về ông tướng mấy hôm trườc, nên xin post lại đây. Một thời của ông cũng đã 'bặt vô âm tín', phải không?
Thắng trong chiến tranh, thua trong hoà bình
Nguyễn Tiến Dũng
Cách đây 10 năm, vào mùa xuân năm 2003, tôi có sang Mỹ 1 tháng theo lời mời của một đồng nghiệp. Trên đường bay, tôi tình cờ ngồi cạnh và nói chuyện với một ông người Mỹ. Ông ta có nói một câu làm tôi không thể quên, đó là “Vietnam won the war, but lost the peace”. Tin đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời làm tôi lại nhớ lại câu nói đó. Có lẽ bởi vì nó cũng ứng vào đại tướng: chiến thắng lừng lẫy trong chiến tranh, nhưng thua cay đắng trong hoà bình.
Việt Nam ta tự hào là đã chiến thắng những kẻ thù lớn hơn gấp bội trong chiến tranh. Có điều đáng tiếc là, cái giá phải trả cho các chiến thắng đó quá đắt, và sau các chiến thắng lại là các thất bại, thất bại ngay trong hoà bình. Chiến tranh làm cho Việt Nam trở nên kiệt quệ, không chỉ về mặt vật chất, mà nguy hiểm hơn nữa, đó là sự kiệt quệ về tinh thần. Chiến tranh làm huỷ hoại các sự tinh tuý của văn minh, tạo điều kiện cho bạo lực, giáo điều và cơ hội chủ nghĩa phát triển. Kết quả là, có độc lập chưa chắc đã có tự do, có “ổn định” chưa chắc đã có hạnh phúc. Nhân dân không bị thế lực này thì bị thế lức khác đè đầu cưỡi cổ, và hơn nữa văn hoá bị suy đồi. Người đối với người, trong xã hội ngày nay, còn tồi tệ hơn so với thời Pháp thuộc 100 năm về trước.
Đại tướng xuất thân từ tầng lớp trí thức, nói tiếng Tây như gió, thông minh xuất chúng, am hiểu lịch sử, “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”. Tên tuổi của đại tướng sẽ đi vào lịch sử, sánh vai với Nguyễn Trãi. Nhưng ở Việt Nam, từ xưa đến nay, tầng lớp trí thức có lẽ chưa bao giờ được giới cầm quyền thực sự tôn trọng. Có một cựu quan chức chính phủ từng nói “chuyên chính vô sản về bản chất là chuyên chính vô học”. Người có học và đầy nhân bản như đại tướng khó hợp với nền chuyên chính đó. Quả cũng là một sự không may của nước Việt.
Nguyễn Trãi, sau khi giúp Lê Lợi đuổi giặc thành công, đã từ quan về ở ẩn, mà vẫn không tránh khỏi bị các gian thần ám hại chu di tam tộc. Đại tướng cũng bị người ta tìm cách vu oan, các chiến hữu thân cận của đại tướng thì bị vùi dập, nhưng không hiểu sao, khác với Nguyễn Trãi, đại tướng không từ quan mà nhẫn nhục chịu đựng trong mấy chục năm trời, nhận cả chức trông coi việc sinh đẻ có kế hoạch, để người ta lợi dụng.
Ắt hẳn đại tướng có nhiều điều bức xúc trong lòng mà không dám nói ra. Có thể do ý thức kỷ luật đảng của đại tướng quá cao, nên không dám nói gì trái quan điểm chính thống. Kể cả khi bàn đến Phan Chu Trinh ở một hội thảo, đại tướng cũng không dám khen ngợi sự sáng suốt của vị tiền bối của mình. Nay đại tướng đã sang thế giới bên kia, không còn kỷ luật gì để mà giữ, không còn gì để mà sợ. Cầu mong đại tướng sống khôn chết thiêng, hiện về nói cho con cháu biết, làm sao để khỏi bị tiếp tục thua trong hoà bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét