Hôm 9 tháng 6 vừa qua, trên Đài truyền hình M6, chương trình “Vùng
cấm địa” (Zone interdite) đưa ra đề tài, xưa nay bị cầm kỵ đề cặp đến,
đó là « nguyên nhân của những cặp vợ chồng ly dị ». Theo dư luận, nguyên
nhân thứ nhì là “tiền bạc” sau nguyên nhân thứ nhứt là “sự phản bội ”
nhau. Người ta thường bảo “Trong tình yêu, tiền bạn không có chỗ đứng”.
Khi yêu nhau, ai lại đi nói tới chuyện tiền bạc với nhau.
Trên thực tế không phải như vậy. Sau những ngày đầu yêu nhau, tiền
bạc thường làm tổn thương nặng tới tình cảm và trở thành nguyên nhân của
những tranh chấp không khoang nhượng. Vậy làm sao quản lý tiền bạc giữa
vợ chồng? Làm sao đề phòng những hậu quả tai hại do tiền bạc gây ra?
Làm thế nào tránh bị người phối ngẫu lợi dụng về tiền bạc? Tiền và tình
vừa là hai người bạn quí, vừa là hai kẻ thù sanh tử với nhau.
Vài trường hợp Tình, Tiền
Một bác sĩ kiếm được 12 000 € tháng nhờ làm việc bất kể giờ giấc. Bà
vợ ở nhà lo việc gia đình và bốn đứa con. Ngân sách gia đình được quản
lý theo tập quán quen thuộc xưa nay. Anh chồng lo chi trả những khoản
chi tiêu lớn và hạn kỳ như tiền nhà, tiền xe, tiền mua xắm trong nhà,
tiền thù tạc bạn bè, … Chị vợ trách nhiệm tiền chợ, quần áo, giấy mực
cho trẻ con. Anh chồng làm việc bù đầu, không có nhiều thì giờ hưởng
thụ, bỗng một hôm giựt mình nghĩ chắc tiền bạc của mình kiếm được bị vợ
tiêu xài hoang phí. Anh chồng bèn cấm vợ đụng tới ngân khoản của anh ta
trong ngân hàng. Mỗi đầu tháng, anh đưa cho vợ 400€ tìền mặt, không hơn
một xu, để chi phí gia đình. Thời gian qua, trẻ con lớn lên, bà vợ không
làm sao xoay sở cho đời sống gia đình đủ với 400€. Một hôm bà ăn cắp
một tờ ngân phiếu của chồng và nhái chữ ký của chồng để phụ thêm trang
trải cho đủ nhu cầu trong nhà. Sau vài lần như vậy, anh chồng biết và
đưa ra ly dị với lý do “phản bội”. Người ta nói “Tiền bạc không có trong
tình yêu” nhưng tiền bạc lại chi phối tình yêu của vợ chồng rất mạnh.
Nó gặm nhấm những người không có tiền và làm sụp đổ những cặp vợ chồng
có nhiều tiền.
Đời sống vợ chồng ngày càng không bền vững và ngày càng thêm ngắn nên
người ta lo thủ thế để đề phòng hậu quả một ngày nào đó gia đình đổ vỡ .
Ăn ở với nhau theo hợp đồng để khi chia tay, người ra đi cũng có một số
vốn hậu thân. Đó là theo mô hình của nền văn minh thượng thặng
Hollywood ngày nay. Theo nhiều cuộc điều tra dư luận như của hãng
Codespromotion.fr, cứ ba trên bốn cặp vợ chồng cho rằng chính tiền bạc
là nguồn gốc của những xung đột giữa vợ chồng với nhau. Nhà xã hội học
Claude Martin phân tách: “Trong tình yêu, tiền bạc vừa bị phủ nhận lại
vừa hiện diện ở khắp nơi”. Người ta muốn tin rằng tình yêu không phụ
thuộc vào quyền lợi kinh tế. Nhưng tiền bạc lại chen vào ngay từ đầu
những mối quan hệ tình cảm. Khi vợ chồng tan vỡ, người ta đưa ra những
“hóa đơn tình yêu” với những con số tổng kết vô cùng thảm hại của sự đổ
vỡ.
Từ thuở xa xưa, Bà Công tước De Sallure, trong truyện “Bên cạnh
giường” (Au bord du lit) của nhà văn Pháp Guy de Maupassant, đòi ông
chồng bồi thường cho bà 5000 quan, giá của sự chia tay nhau.
Ngày nay, phụ nữ dưới 50 tuổi làm việc chiếm 83, 9%, con số gần bằng
đàn ông, 94, 4% . Từ năm 1970, đàn ông ở Pháp không còn quyền gia trưởng
nữa . Phụ nữ làm việc giữ trọn lương bổng trong trương mục riêng của
mình. Người chồng không có quyền dòm ngó tới. Khi hai vợ chồng có mức
lương gần bằng nhau, họ tổ chức đời sống gia đình cũng rất dễ dàng. Mỗi
người cùng thỏa thuận để vào ngân sách gia đình một số tiền. Internet
giúp họ quản lý ngân sách của họ vô cùng minh bạch. Cuối tháng, họ chỉ
cần bấm nút «tổng kết» là biết ngân sách có bị thâm thụt không để có
phải bù lỗ hay không. Tiền bạc sòng phẳng, tình vợ chồng cũng êm ấm, gia
đình nhờ đó được hạnh phúc. Việc gấu ó giữa vợ chồng vì tiền bạc không
xảy ra.
Sự tự túc của phụ nữ và sự lạm phát ly dị đã làm đảo lộn quan hệ tiền
bạc trong đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra về đời
sống gia đình, người ta vẫn ghi nhận mô hình gia đình theo xưa vẫn còn
tồn tại. Ở thế kỷ XIX, trong giới thợ thuyền người Pháp, cuối tháng,
người chồng lãnh lương đem về đưa đủ cho vợ để người vợ lo trang trải
đời sống gia đình. Ngày nay, theo mô hình này, người chồng chỉ để mắt
tới những mua sắm lớn, còn lại là hoàn toàn ở quyền chi tiêu của bà «nội
tướng». Nếu bà vợ đi làm thì đồng lương của bà được xem như một phần
phụ chi ngân sách mà thôi.
Nhưng khi mức lương chênh lệch cũng thường xảy ra cảnh lợi dụng nhau.
Đây là hiện tượng vẫn chưa theo kịp đà tiến xã hội. Mỗi lần hai vợ
chồng đi ăn ở ngoài, khi tính tiền, người chồng rời bàn ăn như đi xem
một vật gi ở đâu đó để vợ trả tiền. Thỉnh thoảng, anh chồng hỏi vợ «Em
có 5€ không, anh không có tiền lẻ trong túi ». Không bao giờ anh chồng
hỏi một món tiền lớn hơn. Nhưng rất nhiều lần 5€. Chị vợ để ý anh ta từ
chối đề nghị của chị trả tiền ăn nhà hàng với lý do rất đơn giản «Em mời
anh kia mà » . Ban đầu, cách cư xử của anh chồng chưa làm cho chị vợ
bất mãn . Sau đó, chị vợ quyết định chia tay không luyến tiếc.
Cũng một cặp nam/nữ ăn ở nhà hàng, ai là người trả tiền sẽ giúp người ta biết cặp đó là người nước nào .
Theo kinh nghiệm, nggười trả tiền là đàn ông thì chắc chắn cặp đó
phải là ba Tàu vì theo tập quán chồng là gia trưởng nắm trọn quyền quản
lý gia đình . Nếu hai người chia nhau số tiền để cùng trả, thì đó là
người Huê kỳ hoặc người Nhựt bổn. Còn người trả tiền là người phụ nữ thì
cặp đó phải là dân mít đặc sệt vì phụ nữ là « nội tướng » theo truyền
thống văn hóa việt « của chồng, còng (cùm) vợ ».
Mức lương của hai người chênh lệch thường là mối xung đột gay gắt xảy
ra trong gia đình. Tuy nhiên có nhiều cặp vẫn sống yên ổn đầy hạnh
phúc. Có một cặp, anh chồng thất nghiệp dài hạn, anh chàng không có một
đồng dính túi, không có thẻ ngân hàng. Chị vợ đi làm và có lương hàng
tháng khá cao nên chi trả mọi chi phí trong nhà. Cứ vài hôm, chị vợ còn
đút túi anh ít tiền để anh uống cà-phê, nhăm nhi ly rượu ở Bar hoặc đi
chơi phòng khi đạp phải bánh tráng. Đời sống của hai người an lành, hạnh
phúc . Ít lâu sau, anh chồng tìm được việc làm. Tình hình bắt đầu thay
đổi xấu đi. Theo anh chồng thì chị vợ là người muốn mình là kẻ cả, đối
xử với chồng kiểu mình phải là «tay trên », chớ không chịu bình đẳng với
nhau. Anh chồng biến thành kẻ được nuôi thúc cho khỏe mạnh mà thôi.
Chuyện phải xảy ra, đã xảy ra . Chị vợ bảo « Tôi biết anh ăn ở với tôi
chỉ vì tiền mà thôi ». Thế là chị ta đòi anh chồng phải hoàn tiền lại
cho chị, từ bộ quần áo mới vừa mua,… Ngoài ra, anh còn phải trả cho chị
ta 1000€ bằng cách ký trước cho chị mười cái ngân phiếu để chị lấy tiền
hằng tháng, ngoài những đồ đạc mà hai người mua chung, anh phải để lại .
Chị nói rõ «Anh không nhận thấy đó là tất cả những gì tôi đã trả tiền
sao? Anh có trả cho tôi cũng không bằng 1/10 số tiền mà anh đã nợ
tôi kia?» . Khi chia tay nhau, chính là lúc người ta «thanh toán» với
nhau. Tiếng «thanh toán» trong trường hợp này mới thật đúng ý nghĩa của
nó ! Và từ đó, tiền bạc bỗng trở thành một thứ vũ khí tiêu diệt hàng
loạt.
Một vị chưởng khế (Notaire) kể chuyện về trường hợp một người thôi vợ «Anh
chàng đưa ra một quyển sổ trong đó anh ghi suốt hai mươi năm dài những
thứ anh chi tiêu, cả ổ bánh mì baguette, mà chị vợ của anh không hề hay
biết gì cả» . Mục đích không gì khác hơn là để đòi tiền hoặc để
không phải bồi hoàn. Những người làm ăn lớn như chủ xí nghiệp hoặc Giám
đốc xí nghiệp lớn, họ thôi việc hoặc dẹp tiệm phải trước khi ly dị ba
tháng. Họ thuê thám tử chuyên về điều tra tài chánh để tìm xem tiền bạc
có tẩu tán ra ngoại quốc không, dò xem bất động sản giấu riêng, … Tiền
bạc kết tinh mọi thứ . Nó còn là phương tiện để trả thù.
Theo nhà tâm thần học Jacques-Antoine Malarewick, tác giả quyển «Nghĩ lại vợ chồng» (Repenser le couple, Robert Laffont), «Cặp
vợ chồng trước tiên là nơi tập trung quyền lực. Người này thử khống chế
người kia, bằng sự dạy dổ con cái, bằng khả năng làm tình và sau cùng,
bằng khả nằng tiền bạc . Đó là sức mạnh của cái gì người ta cho, của cái
người ta nhận, của điều người ta đòi hỏi, của sự kiểm soát của người
này lên người kia, … »
Tiền yếu, tình phải mạnh
Trên tập chí Tâm lý phát hành hồi tháng 2 vừa qua, có một bài nghiên
cứu của hai người Đan-mạch và Huê kỳ nhằm thiết lập mối quan hệ giửa khả
năng làm tình của người chồng và mức lương của ngưởi vợ. Trên 200 000
cặp bình thường, tức khác giới tính, hai nhà khoa học ghi nhận có gia
tăng 10% dùng thuốc trợ sinh lý như Viagra, …đúng vào lúc các bà vợ kiếm
được nhiều tiền hơn chồng. Kết quả điều tra quả quyết thêm khi khoản
cách lợi tức càng sâu thì việc sử dụng thuốc trợ sinh lý càng mạnh.
Ở Pháp hiện nay, có ¼ phụ nữ có lợi tức cao hơn chồng. Vậy đời sống
vợ chồng có vì đó mà bị ảnh hưởng xấu không? Thật ra khó có câu trả lời
xác đáng về quan hệ vợ chồng khi mức lương của người vợ cao hơn người
chồng. Tình trạng sai biệc lợi tức giữa vợ chồng rất phức tạp. Một cặp
vợ chồng, cả hai đều là nha sĩ. Người vợ nỗ lực làm việc để kiếm nhiều
tiền. Người chống dành thì giờ vào việc nhà. Một hôm, anh chàng gặp một
phụ nữ khác, anh ưng ý và đòi ly dị với chị vợ. Ly dị, anh đòi vợ bồi
thường thiệt hại cho anh vì từ lâu, anh làm việc như một người «nội
trợ», tức một người giúp việc nhà. Một osin. Tuy nhiên cũng có không ít
những cặp có mức lợi tức chênh lệch, địa vị xã hội cách biệt nhau, vẫn
sống với nhau hạnh phúc.
Thương nhau lắm, cắn nhau đau. Một người đàn ông bảy mươi giàu có, vợ
trẻ hơn hai mươi tuổi. Ông không xài tới tiền hưu. Khi vợ đòi ly dị,
ông bán sạch gia sản với giá rẻ mạt. Vừa bảo với bà vợ «Tôi cóc cần. Tôi mất hết nhưng bà không được một đồng xu»
Nhìn lại Việt Nam, từ đời Nhà Lê, người phụ nữ trong gia đình có
những quyền định chế như quyền quản lý gia đình bình đẳng với chồng về
mặt tinh thần và vật chất, thừa hưởng tài sản như con trai, chia gia tài
khi ly dị. Khi bịnh hoạn, thai nghén hay cô thế, người phụ nữ được luật
pháp bảo vệ khi người chồng đòi ly dị.
Một học giả Hoa kỳ nhận xét: “vai trò của phụ nữ trong xã hội
Việt Nam truyền thống được xác định bởi một sự pha trộn phức tạp mà hấp
dẫn giữa đạo đức Nho giáo, các đặc thù văn hóa dân tộc mang theo dấu vết
của chế độ mẫu hệ, và các đạo luật chánh thống đầy mâu thuẫn” …(William S. Turley, Phụ nữ trong cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam, nghiên cứu Á Châu số 12, 1972, Hoa kỳ).
Trong gia đình người tàu, vai trò người cha bao trùm lên các thành
viên gia đình. Trái lại,, trong gia đình Việt Nam, trước đây tuy theo
chế độ phụ quyền, mỗi người đều có thể xác nhận tư cách thành viên của
mình. Đây là nét khác biệt nổi bật giữa văn hóa Tàu và văn hóa Việt Nam.
Không thể nói «Việt Nam là đồng văn, đồng chủng» với Tàu được.
© Nguyễn thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét