Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

St. Petersburg




Ba ngày "cỡi ngưa xem hoa" ở Moscow, chúng tôi bay đến St. Petersburg, nơi được xem là một Venice của Bắc Âu. Một thành phố trên dòng sông Neva của vùng biển Baltic. Thành phố được thành lập bởi ở Đại đế Tsar Peter vào thế kỷ thứ 18.  Ông từng đến các nước ở Châu Âu và rất thích Venice cho nên ông muốn tạo dựng một thành phố như thế cho nước Nga, mang các kiến trúc sư, hoạ sĩ từ Âu Châu sang để xây dựng thành phố này. Đây là một thành phố đã nhiều lần bị đổi tên, năm 1914 là Petrograd và đến 1924 là Leningrad và sau đó sau khi CS sụp đổ thì trở lại tên ban đầu là St. Petersburg.  Nội cái vụ thay tên cho một thành phố từng là thủ đô từ thuả Nga Hoàng, nghe sao giông giống chuyện thay tên cho một thành phố ở VN nguyên là thủ đô của một chế độ quá.  Có lẽ mấy người ưa chuyện đổi tên này từng học bên Nga (?).

Có lẽ vì thế người dân Nga sau này họ tự hào về thành phố này của họ, có những kiến trúc không khác gì Paris, Prague, Madrid, Rome, tuy đã trải qua thời đại Cộng sản chủ nghĩa, nhưng ít ra họ còn giữ dáng vẻ sang trọng riêng không như Moscow.  Điều buồn cười là người tour guide cho biết dân hai miền St. Peterburg và Moscow hay chế diễu nhau.  Người Moscow chê dân St.Petersburg lười biếng, còn dân St. Petersburg thì chê dân Moscow cục mịch, chỉ biết làm tiền mà không có văn hoá, không biết thưởng ngoạn cái đẹp.  Mục này sao cũng giống ở nước ta có một dạo "bút chiến" trên mạng vì chuyện Sàigòn-Hànội.

Chả biết hư thực ra sao nhưng điều đầu tiên tôi nhìn thấy là ít nhất nơi đây tôi nhìn thấy những chậu hoa xinh xinh ở ngoài đường, điều mà tôi không thấy ở Moscow, thì ra ít nhất người dân St. Petersburg biết yêu hoa.


 Những ngôi nhà chung cư trông có vẻ đẹp đẽ hơn

Bảo tàng viện Hermitage, nơi gìn giữ hơn ba triệu tác phẩm nghệ thuật, được thành lập bởi nữ hoàng Catherine (Catherine the Great), bà được xem là vị nữ hoàng nổi tiếng và trị vì lâu nhất ở nước Nga, bà lên ngôi sau khi lật đổ ông chồng Peter đệ tam sau cuộc chiến 7 năm.  Nước Nga trở nên hùng mạnh ở Âu Châu thời đó dưới quyền cai trị của bà.  
Bảo tàng viện bao gồm nhiều building khác nhau, và phần chính của bảo tàng viện Hermitage là cung điện Mùa Đông, nơi cư ngụ của các hoàng đế Nga, tôi được cho biết là muốn xem cho hết các tác phẩm ở đây, chỉ cần một phút cho mỗi tác phẩm và phải di chuyển liên tục trong vòng ít nhất là 6 tháng thì mới có thể xem hết những tác phẩm ở đây.  Giá vé cho du khách thì cao hơn người Nga, nhưng vào cửa tự do vào mỗi Thứ Năm đầu tiên của tháng.  Đóng cừa vào thứ Hai và cổng chính đi vào cho cá nhân là ở cổng vào của cung điện Muà Đông.  Tôi không nhớ mình vào cổng nào, chỉ nhớ là vào từ bên trái từ đó đoàn chúng tôi chia làm hai nhóm theo hai người hướng dẫn viên người Nga, mỗi nhóm 25 người. 


Ai bảo đàn ông chỉ mê sắc chứ, tôi thấy cô Helene xinh xắn nên tôi rủ con tôi đi theo cô thay vì theo ông tour guide chính, đi theo cô cứ nhìn cô rồi ân hận, cô đẹp thì có đẹp nhưng giọng tiếng Anh của cô quá soft nên cho dù mở hết volume cũng không nghe được cô nói gì, và kiến thức của cô thì còn giới hạn, chắc cô đang tập sự.  Tưởng cô còn độc thân, hỏi ra cô đã có đưá con ở nhà.  Thấy vậy tôi cũng ráng theo cô mấy hôm để nghe cô nói, kẻo chê cô mất việc thì tội cô quá. Nghĩ cô chắc cũng không dư dả gì, hai ngày dắt đoàn đi, trời nóng mà cô chỉ mặc có một bộ đồ cho cả hai ngày :-)



Tới đây thì bạn đọc phải tha thứ cho tôi, vì bây giờ nhìn hình tôi cứ thắc mắc sao chả thấy có tấm hình nào về những tác phẩm ở Hermitage mà chỉ toàn thấy vàng và vàng. Có lẽ vào trong tối quá nên chỉ chụp bằng iphone mà iphone đang bị trở ngại không sync được nên chẳng lấy hình ra được, xem tạm tôi chụp cái gì ở đây nhé, chụp bằng cái máy bé tí, dĩ nhiên hình ảnh mất đầu mất đuôi.  Hy vọng là chỉ muốn giữ lại một chút kiến thức về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của những nghệ nhân người Nga đã tạo nên, à mà nghe kể tất cả đều được xây dựng bởi những người ngoại quốc chứ không phải dân Nga. 

Chi tiết ở trên trần một cửa ra vào
Nhìn những trang trí nơi đây, bàn ăn của vua chúa Nga thời xưa
Một góc của lò sưởi, nhưng có tour guide giải thích là "stove" thì chẳng hiểu thực sự là cái gì, một chị hỏi tôi có phải nơi đây mấy vua trốn vợ đi chơi không?
Tour guide cho biết toàn là vàng thật, nhưng không thấy họ che bằng kính để thiên hạ không sờ vào cho khỏi mẻ, có lẽ chả ai dám sờ khi nhìn thấy những nữ quan chức ngồi ở các góc chăm chăm nhìn, bà nào cũng có khuôn mặt khó đăm đăm, chả có vị nào đẹp, vị nào có lẽ phải ngồi cả ngày nên vòng số hai nào cũng quá khổ. 
Đây là nền bằng gỗ được ghép thành những cánh hoa rất đẹp.  Nghe nói bằng các loại gỗ khác nhau. Những năm sau này những nơi này cung cấp cho du khách loại slipper bằng giấy để mang bên ngoài giầy để không làm hư hại nền nhà bằng gỗ hay đá hoa cương của họ.  Tôi nghĩ họ làm vậy cũng có lý, hàng trăm người lê những chiếc dép vải suốt ngày, tức là chúng tôi đã lau nhà dùm cho họ rồi. 
Nghe kể là phải tốn 18 kg vàng để kiến tạo lại những mất mát do chiến tranh
"center piece" ở bàn ăn, chằng hiểu sao phòng ăn không trang trí hình gì mà lại là hình mấy con thú, trông như là những con thú ấy từng là món ăn trên bàn của vua chúa vậy?
Thôi thì không xem, chụp được tất cả, nên về nhà xem lại video này để nhớ là đã có chụp hình những tác phẩm của Leonard de Vinci, Raphael, hay Michelangelo
Đây chỉ là video của một phần nghệ thuật của một thời đại, nếu bạn nào muốn có thì giờ xem tiếp những video khác cũng của channel này.






File:PeterhofGrandCascade.JPG
 Hình từ Wikipedia

Rời Hermittage chúng tôi đi thăm Peterhof Palace, được xây cất theo ý của Đại đế Peter. Nơi mà dân Nga tự hào xem như là một "Russian Versailles". Chúng tôi đến nơi vào một lúc buổi trưa nắng chang chang, đứng chờ vào cổng. Đây là Grand palace, mà phiá dưới là hồ phun nước theo kiến trúc thời đại Baroque, đây là vòi phun nước được xem là lớn nhất thế giới, nó là một trong 170 vòi phun ở cung điện này.   Cung điện này cũng bị mất mát nhiều sau thời gian bị Đức chiếm đóng trong 3 năm, sau này mới được Đức trao trả lại những giá trị văn hoá của Nga.




Trời thì nóng mà chụp những bức tượng vàng này mà loá cả mắt, nơi đây chỉ mở vào muà hè, mua đông vòi nước sẽ bị đóng lại và các bức tượng cũng được đóng hộp che lại để không bị hư hại trong muà đông, do đó ai muốn đến chiêm ngưỡng thì nên đi vào tháng Bảy








Mỗi một vòi nước có ý nghĩa riêng của nó, cho nên muốn tim hiểu thì phải lắng nghe người tour guide. Cô tour guide của tôi vì cũng sợ nắng nên cô cứ đứng che dù nhìn mọi người lăng xăng chạy tới chạy lui chụp hình (nên chẳng ai hiểu mình đang chụp cái chi chi, nói thế chứ có lẽ mọi người đều hiểu chỉ mình tôi không hiểu)








Alexandre I rất thích bức hoạ phẩm này, không rõ nguyên do

Trưng bày áo của nữ hoàng Nga Catherine

Cũng giống như các "Versailles" của Pháp hay Áo, cũng tranh vẽ trên trần nhà do các hoạ sĩ nổi danh thời ấy. Chỉ tưởng tượng các hoạ sĩ phải đứng hay nằm trên thang, ngóc cổ vẽ ngày đêm những bức tranh này, chưa nói chuyện đẹp hay xấu, cũng thấy sự vất vả và sự tôn vinh nghệ thuật của các nghệ nhân và người thưởng ngoạn thời xưa cao ra sao, thời nay thì cứ đổ nguyên hộp sơn trên bức tranh, rồi quẹt ngang quẹt dọc, diễn tả một cách "mù mờ" nào đó để người xem dốt cỡ như tôi, vặn cổ ngang dọc vẫn không hiểu bức tranh nói gì.  Vì thế dốt thì thích học cỡ như tôi, định ngày nào hưu tôi sẽ mua vải và vài hộp sơn về để bôi như thế làm tranh, để khi mình chết đi thì thiên hạ tán hươu tán vượn, tha hồ mà hiểu, biết đâu lại có giá :-)

Một phòng ăn khác trong cung điện
Hình từ internet
Đây "Amber room", không đươc chụp hình nên phải vác về từ internet.  Tất cả các trang trí ở đây để ghép lại từ các đá nhựa "Amber", một loại đá có nhiều ở Nga.


Không biết thời nay có còn ai ngồi khắc những tảng đá hoa cương thành những tác phẩm với những đường nét tà áo sống động như thế không? Bây giờ tôi chỉ thấy họ vác về một tảng đá thật to khắc thành một cái tượng nào đó rất thô thiển rồi đem chưng giữa ngã tư nào đó



Một trong những phòng nơi các vua chuá khiêu vũ
 Cũng một nền nhà bằng gỗ



Cung điện có rất nhiều "con đường tình ta đi" theo các hướng khác nhau cho nữ hoàng và chồng bà thơ thẩn





 Model thời xưa và thời nay
Đây là vòi nước nóng tự nhiên, một cô trong đoàn cắc cớ hỏi có đúng là nước từ trong lòng đất không hay ở đâu ra, cô làm cô tour guide ớ ra chả biết trả lời ra sao.  Vì có bức tượng cô gái trên vòi nước nóng, hay vì cái cống nước gần đó nên câu hỏi được đặt ra, bên Âu Châu thường hay có những bức tượng của các chú bé mà vòi nước thì được phun ra ở nơi đặc biệt của chú bé, không thấy ai thắc mắc, ở đây có tượng phụ nữ thì lại oái ăm thế đấy.

Hồ nước hay dòng sông trong vườn của cung điện Peterhof


Dân Nga có được những ngày hè ngắn ngủi, nên hình như chỗ nào có nước là họ lo phơi nắng.
Rời Cung điện Peterhof, chúng tôi đến thánh đường St. Isaacs và nhà thờ Savior of spilled Blood

 Thánh đường St. Issaacs, chụp đêm hôm mới đến vào lúc nửa đêm, nhưng trời như chạng vạng sáng

Nhà thờ Savior of spilled blood chụp vào lúc nửa đêm
 Chụp vào sáng hôm sau
 Chi tiết ở một cách cửa của thánh đường Isaacs
Những cột bằng đá này được mang từ Ý sang, nhưng không có nghĩa là họ chở nguyên khối đá mà là những mảnh đá nhỏ được ghép lại như một nghệ thuật mosaic sau đó đánh bóng lại để chúng ta tưởng là nguyên một khối.  Ngày xưa St. Petersburg không có đá để xây dựng nên đại đế Peter đã có một loại thuế gọi là "thuế đá", mỗi người dân phải đóng thuế bằng đá,  thuế ít thì đóng đá nhỏ, thuế cao thì đóng đá lớn, đủ để cho ông xây dựng những kiến trúc ở St. Petersburg. Đại đế Peter là một ông vua độc tài nếu không nói là tàn ác, nhưng người Nga nói nhờ ông mà ngày nay St. Petersburg mới có những công trình kiến trúc và một thành phố đẹp từng là thủ đô của đế chế Nga.
Ngày xưa người ta dùng giàn gỗ như thế này để dựng những cột bằng đá trong nhà thờ Issaacs

Bên trong thánh đường Isaacs và nhà thờ Savior Spilled Blood có nhiều tranh mosaic rất đẹp nhưng không thể chụp flash được nên tôi dùng iphone chụp và dĩ nhiên cũng không lấy ra được để post vào đây.
Nhà thờ Spilled Blood thì được xây dựng 1883 nơi đại đế Alexander II bị ám sát. Xây dựng bởi con ông, hoàng đế Alexander III để tường nhớ ông
Viết tới đây nghĩ tới một quốc gia đang bị đe dọa bởi ông hàng xóm, sao nhà nước không ấy không phát ra một loại thuế gọi là góp tiền mua vũ khí, thuế ít thì đóng mua đạn, thuế nhiều thì đóng mua máy bay, tàu ngầm.  Như thế thì sợ gì bị xâm lăng chứ nhỉ. Nhưng nghĩ lại ai sẽ là người giữ cho số thuế đó, không khéo lại bị mất hay lại mua nhầm đạn dổm, tàu chưa chạy đã chìm thì cũng nguy.  

Có rất nhiều chi tiết về St. Petersburg, mà một thời gian ngắn không thể tìm hiểu được hết lịch sử và những giá trị văn hoá của nó.  Nhưng chúng tôi cũng phải rời nơi đây để sang Phần Lan bằng xe lửa sáng hôm sau.  Đó cũng là một kỷ niệm khá "sâu sắc" cho đoàn chúng tôi kỳ này.  Nếu có dịp trở lại Nga thì tôi sẽ trở lại St. Petersburg. 

Từ giã nước Nga với bài hát sau



Tham Khảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chủ đề

Góp Nhặt

Blog Anh

Lưu trữ Blog